http://nguoitinhuu.com/sachtruyen/PadrePio/header.jpg

Chương XI

KHI TÔI CHT

I

Vào hôm thứ Sáu tuần thánh, Cha Piô nằm trên giường bệnh than khóc. Ngài hỏi hai vị phụ tá: "Khi tôi chết, các cha có cử hành Thánh Lễ cho tôi không?"

"Xin cha hãy can đảm lên," một trong hai vị lên tiếng và cố nở nụ cười trấn an: "Thứ Sáu Tuần Thánh thì sắp qua rồi."

Cha Piô gật đầu, đưa bàn tay lên dụi đôi mắt đỏ ngầu: "Phải, nhưng hãy nhớ rằng, mỗi tuần đều có ngày thứ Sáu."

Họ không nói được lời nào. Thế giới bỗng dưng có vẻ u tối đối với Cha Piô. Ngài đã bảy mươi chín tuổi và sức khỏe rất bất thường, không thể tiên đoán được.

Mùa đông qua đi. Mùa xuân lại đến trên Cao Nguyên Gargano, và thời tiết ấm áp có vẻ dễ chịu hơn. Vào lúc kỷ niệm mười năm thành lập Nhà Chữa Trị Người Đau Khổ thì ngài có vẻ lạc quan hơn. Đó cũng là Đại Hội II của Nhóm Cầu Nguyện Quốc Tế. Vào ngày 5 tháng Năm 1966, Đức Hồng Y Lercaro dâng lễ kỷ niệm. Mười năm trước đây ngài đã từng làm lễ khánh thành bệnh viện. Thánh lễ của đức hồng y được trực tiếp truyền hình trên toàn nước Ý và một phần của Âu Châu.

Nhiều vị diễn giả đã nhìn lại lịch sử của Nhà Chữa Trị và đề cập đến các phí tổn tiên khởi lên đến gần một tỉ rưỡi "lira" và phí tổn này đã được thanh thỏa ngay khi khánh thành bệnh viện.

Nhiều người chỉ trích nói rằng: "Chỉ có người dại mới xây bệnh viện trên núi chứ có ai muốn lên đó mà chữa bệnh?" Và sau khi bệnh viện được xây cất xong, họ lại nói: "Làm thế nào mà một công trình to lớn kia có thể tồn tại trong một vùng chỉ có 20,000 dân?"

Nhưng sau mười năm hoạt động, Nhà Chữa Trị Người Đau Khổ đã chu toàn mọi chỉ thị mà Cha Piô đã nhận được. Nguyên thủy, bệnh viện được xây cất với ba trăm giường bệnh, cho đến nay sức chứa ấy được gia tăng đến mức độ quốc tế.

Như một con bạch tuộc khổng lồ, Nhà Chữa Trị từ từ vươn ra đến San Giovanni Rotondo. Công trình xây cất được tiếp tục một cách đều đặn để nới rộng bệnh viện từ 45,000 bộ vuông lên đến 135,000 bộ vuông. Mọi khu vực của bệnh viện đều được tăng lên gấp ba, khu chỉnh hình và khu nội thương được tăng lên gấp đôi.

Các vị lãnh đạo Nhóm Cầu Nguyện, dưới sự chỉ huy của Don Giancarlo Setti, đã tổ chức đại hội lần thứ hai nhân dịp kỷ niệm mười năm thành lập bệnh viện. Thời gian đã gia tăng số nhóm cầu nguyện, cả về kích thước lẫn vị trí, hầu như gấp đôi ở Ý và rải rác ở khắp nơi trong nhiều quốc gia.

Trong bài diễn giảng, Cha Piô nói với họ: "Tất cả các con thân mến của cha, xin Thiên Chúa ban bình an và chúc lành cho các con, dù ở gần hay ở xa. Khi cha nói chuyện với các con trong ngày trọng đại và đáng nhớ này, linh hồn cha ngập tràn cảm xúc khi nghĩ đến sự quan phòng của Thiên Chúa đã thể hiện một cách rộng lượng đối với Nhà Chữa Trị Người Đau Khổ trong mười năm qua. Khi nhìn lại những ngày đầu thật khiêm tốn khởi sự từ con số không chúng ta thấy phép lạ của đức tin và đức ái mà công trình này là một chứng cớ cho toàn thế giới.

"Chúng ta hãy dâng lời cảm tạ vô cùng lên Thiên Chúa và Đức Trinh Nữ, và xin Ngài chúc lành cho những ai đã góp phần trong việc khai sinh và phát triển công trình này.

"Các con yêu dấu, với tất cả tấm lòng cha cảm ơn các con vì sự độ lượng, vì những hy sinh và những quan tâm lo lắng của các con, bởi vì các con là những khí cụ trong bàn tay Thiên Chúa để hoàn thành Nhà Chữa Trị mà nơi đó linh hồn và thể xác của những anh chị em đau yếu của chúng ta được chăm sóc và chữa lành, qua công việc mục vụ, y khoa, tinh thần và xã hội của toàn thể tổ chức bệnh viện.

"Cha cũng nghĩ đến và cảm ơn những người cộng tác ngay từ đầu cho công trình này và những người tiếp tục giúp đỡ về phương diện tinh thần cho Nhà Chữa Trị từ thiên đàng, là nơi họ đang được phần thưởng vì lòng bác ái của họ.

"Nhưng cha đặc biệt nghĩ đến các Nhóm Cầu Nguyện, hiện đã tràn lan trên toàn thế giới, đang tụ họp nơi đây để tổ chức Đại Hội Quốc Tế lần thứ hai nhân dịp kỷ niệm mười năm thành lập Nhà Chữa Trị. Sát cánh với Nhà Chữa Trị, họ đang ở tuyến đầu của thành trì bác ái này, là nguồn phát sinh đức tin và tình yêu, mà trong đó chính Đức Kitô hiện diện mỗi khi họ tụ tập cầu nguyện và dự Tiệc Thánh, dưới sự hướng dẫn của các linh mục và các trưởng nhóm. Chính sự cầu nguyện, là sức mạnh kết hợp mọi linh hồn tốt lành, đã thay đổi thế giới, phục hồi lương tâm, duy trì Nhà Chữa Trị, an ủi kẻ đau khổ, chữa lành người đau yếu, thánh hóa công việc làm, gia tăng sức khoẻ, đem lại sức mạnh luân lý và sự nhẫn nhục Kitô Giáo cho sự đau khổ của nhân loại, và đem đến nụ cười và phúc lành của Thiên Chúa cho những yếu đuối loài người.

"Hãy cầu nguyện nhiều, hỡi các con yêu dấu, luôn luôn siêng năng cầu nguyện, bởi vì chính sự cầu nguyện mà cha được giao phó công việc này. Đây là điều mà Thiên Chúa mong muốn và là điều giúp Nhà Chữa Trị được hỗ trợ và phát triển. Chúng ta hãy cảm tạ sự quan phòng của Thiên Chúa và sự đóng góp về tinh thần và bác ái của tất cả những linh hồn đang cầu nguyện. Thiên Chúa toàn năng và đầy lòng thương xót, sẽ chấp nhận mọi thiện hảo được thể hiện cho các anh chị em đau khổ như cho chính Chúa, Ngài sẽ đền bù cho các con gấp ngàn lần với đấu đủ lượng, đấu tràn đầy.

"Để nói lên lòng biết ơn của cha, cha sẽ tặng cho tất cả các con lời cầu nguyện và sự đau khổ hàng ngày của cha, cha luôn nghĩ đến các con trong Hy Lễ Thánh Thiện mà trong Thánh Lễ cha sẽ dâng các con lên ngai Thiên Chúa uy nghi, để nài xin ơn sủng và phúc lành cho tất cả mọi người, nhất là những người đau yếu của Nhà Chữa Trị và tất cả những người đau yếu trên thế giới, và cùng kết hợp tinh thần trong một gia đình duy nhất qua mối liên hệ đau khổ và bác ái, khuyến khích họ chịu đựng đau khổ trong phương cách Kitô Giáo để kết hợp với sự đau khổ của Đức Giêsu Kitô và Đức Trinh Nữ. Chúc tụng Chúa Giêsu và Mẹ Maria."

Chủ đề của các vị lãnh đạo nhóm cầu nguyện đều giống nhau: hãy bắt chước Cha Piô trong sự cầu nguyện, sự hy sinh, và sự đau khổ. Sinh hoạt của mỗi nhóm có khác nhau đôi chút. Một số cầu nguyện, một số lần chuỗi, một số tham dự Thánh Lễ, một số nghe giảng nhưng tựu trung là để tụ họp và cầu nguyện.

Ông Don Giancarlo Setti hỏi Cha Piô về những điểm căn bản phải có của Nhóm Cầu Nguyện.

Ngài nói: "Chương trình cho tất cả mọi người là chương trình cầu nguyện, chương trình bác ái, chương trình vâng phục hàng giáo phẩm, và chương trình sống tốt lành bền bỉ. Tinh thần bác ái phải là chủ đề của những buổi hội họp. Không có việc tốt lành nào có giá trị nếu chỉ được khởi sự mà không hoàn tất."

Cha Piô miệt mài trong các sinh hoạt đến độ có lúc ngài quên cả sự đau đớn và mệt mỏi. Nhưng không được lâu. Mỗi lần cơn đau trở lại, nó mãnh liệt như một cơn bão đến độ có thể quật ngã ngài.