MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Từ Bỏ Là Điều Cơ Bản Của Đời Sống Ki-tô Hữu
Thứ Tư, Ngày 24 tháng 8-2016

TỪ BỎ LÀ ĐIỀU CƠ BẢN CỦA ĐỜI SỐNG KI-TÔ HỮU

CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN NĂM C (04/09/2016)
[Kn 9,13-18; Plm 9-10.12-17; Lc 14,25-33]

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ

Khuynh hướng tự nhiên của con người là muốn có thêm, muốn có nhiều hơn nữa. Vì thế mà hy sinh từ bỏ là việc rất khó khăn. Khó khăn nhưng không có nghĩa là không thể, vì với sự trợ giúp của ơn thánh Chúa thì không có gì là không thể. Nếu suy nghĩ kỹ, chúng ta sẽ thấy hy sinh từ bỏ là điều cơ bản của đời sống tôn giáo nói chung và của đời sống Ki-tô hữu nói riêng. Thật vậy trong đời tôn giáo và tâm linh, hy sinh từ bỏ là điều kiện không thể thiếu; vì chỉ bằng hy sinh từ bỏ, con người mới được lột xác thành một tạo vật mới, mới có thể bước theo Chúa Ki-tô Giê-su. Muốn dễ dàng hy sinh từ bỏ, Ki-tô hữu cần biết nhìn xa trông rộng và suy tính khôn ngoan. Đó chính là điều mà Chúa Giê-su muốn dạy chúng ta trong bài Phúc âm Chúa nhật 23 Thường Niên Năm C hôm nay.

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 1 (Kn 9,13-18):  Ai hiểu được Đức Chúa muốn điều chi?

13 Lạy Chúa,
nào có ai biết được ý định của Thiên Chúa?  
Nào có ai hiểu được Đức Chúa muốn điều chi? 
14 Chúng con vốn là loài phải chết,
tư tưởng không sâu, lý luận không vững.

15 Quả vậy, thân xác dễ hư nát này khiến linh hồn ra nặng,
cái vỏ bằng đất này làm tinh thần trĩu xuống vì lo nghĩ trăm bề.
16 Những gì thuộc hạ giới, chúng con đã khó mà hình dung nổi,
những điều vừa tầm tay, đã phải nhọc công mới khám phá được,
thì những gì thuộc thượng giới, có ai dò thấu nổi hay chăng?

17 Ý định của Chúa, nào ai biết được, nếu tự chốn cao vời,
chính Ngài chẳng ban Đức Khôn Ngoan, chẳng gửi thần khí thánh?
18 Chính vì thế mà đường lối người phàm được sửa lại cho thẳng,
cũng vì thế mà con người được dạy cho biết những điều đẹp lòng Ngài,
và nhờ Đức Khôn Ngoan mà được cứu độ."

2.2 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc đọc 2 (Plm 9-10.12-17): Xin anh đón nhận anh Ô-xê-ni-mô, không phải như một người nô lệ, nhưng như một người anh em rất thân mến.
9 Nhưng tôi thích kêu gọi lòng bác ái của anh hơn, để xin anh làm điều đó. Tôi, Phao-lô, một người đã già và hơn nữa, một người đang bị tù vì Đức Ki-tô Giê-su, 10 tôi van xin anh cho đứa con của tôi, đứa con tôi đã sinh ra trong cảnh xiềng xích, đó là Ô-nê-xi-mô, 12 tôi xin gửi nó về cho anh; xin anh hãy đón nhận nó như người ruột thịt của tôi. 13 Phần tôi, tôi cũng muốn giữ nó ở lại với tôi, để nó thay anh mà phục vụ tôi trong khi tôi bị xiềng xích vì Tin Mừng. 14 Nhưng tôi chẳng muốn làm gì mà không có sự chấp thuận của anh, kẻo việc nghĩa anh làm có vẻ miễn cưỡng, chứ không phải tự nguyện. 15 Nó đã xa anh một thời gian, có lẽ chính là để anh được lại nó vĩnh viễn, 16 không phải được lại một người nô lệ, nhưng thay vì một người nô lệ, thì được một người anh em rất thân mến; đối với tôi đã vậy, phương chi đối với anh lại càng thân mến hơn biết mấy, cả về tình người cũng như về tình anh em trong Chúa. 17 Vậy, nếu anh coi tôi là bạn đồng đạo, thì xin anh hãy đón nhận nó như đón nhận chính tôi.

2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc Tin Mừng (Lc 14,25-33): Ai không từ bỏ hết những gì mính có, thì không thể làm môn đệ tôi được.

25  Khi ấy có rất đông người cùng đi đường với Đức Giê-su. Người quay lại bảo họ: 26 "Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. 27 Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được. 28 "Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? 29 Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: 30 "Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc. 31 Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? 32 Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà. 33 Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

3.1 Chân dung Thiên Chúa trong 3 bài Thánh Kinh    

3.1.1 Bài đọc 1 (Kn 9,13-18) là một trích đoạn Sách Khôn Ngoan nói về vai trò của đức Khôn Ngoan. Đức Khôn Ngoan- chính là Thần Khí của Thiên Chúa- giúp con người khám phá ra những điều cao siêu là ý định của Thiên Chúa, những điều mà tự khả năng giới hạn của mình, con người không thể vươn tới. Vì chưng con người “vốn là loài phải chết, tư tưởng không sâu, lý luận không vững, thân xác dễ hư nát này khiến linh hồn ra nặng, cái vỏ bằng đất này làm tinh thần trĩu xuống vì lo nghĩ trăm bề.”

Qua đoạn Sách Khôn Ngoan trên (9,13-18) chúng ta khám phá ra Thiên Chúa là Đấng rất yêu thương con người nên đã không để con người bị trói buộc trong giới hạn hẹp hòi của mình mà trái lại đã ban đức Khôn Ngoan để giúp con người vươn xa bay cao, đến được thế giới của Thiên Chúa, hiểu và nắm bắt được ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa.

3.1.2 Bài đọc 2 (Plm 9-10.12-17) là những lời lẽ chân tình mà Thánh Phao-lô gửi cho ông Phi-lê-môn, một người có địa vị và tiếng tăm trong cộng đoàn tín hữu ở Cô-lô-sê để xin ông nhận lại Ô-nê-xi-mô là một nô lệ đã bỏ nhà ông mà đi nhưng nay đã trở thành một Ki-tô hữu như ông.

Trong đoạn thư của Thánh Phao-lô gửi ông Phi-lê-môn trên (9-10.12-17) chúng ta thấy - không phải cách trực tiếp mà là cách gián tiếp - Thiên Chúa là Đấng làm cho con người có phẩm giá cao quý, bình đẳng và huynh đệ với nhau! Cụ thể trong trường hợp ở đây thì lúc trước Ô-nê-xi-mô là nô lệ, là tài sản của ông chủ Phi-lê-môn; còn sau khi đã trở thành Ki-tô hữu (qua phép Rửa) thì Ô-nê-xi-mô đã trở thành người anh em của người chủ cũ của mình, xứng đáng được đối xử tử tế và được tôn trọng.

3.1.3 Bài Tin Mừng (Lc 14,25-33) tường trình lại một bài huấn giáo quan trọng số một mà Chúa Giê-su đã dành cho các môn đệ, không phải trong lớp học hay trong hội đường mà ở giữa cảnh trời lồng lộng của cuộc hành trình tiến về Giê-ru-sa-lem. Bài huấn giáo quan trọng số một đó là từ bỏ và hy sinh, là chấp nhận vác thập giá mình để theo Chúa Giê-su, để xứng đáng là môn đệ của Người. Đối tượng của từ bỏ là cha mẹ, vợ con, anh em, chị em là những người gần gũi thân thương nhất! Đối tượng của hy sinh là cả mạng sống mình tức chính bản thân mình!

Qua Bài Phúc Âm theo Thánh Lu-ca trên (14,25-33) chúng ta khám phá ra Chúa Giê-su là Đấng đòi hỏi rất nhiều và rất cao ở những người muốn theo Chúa. Chúa đòi hỏi người muốn làm môn đệ Chúa phải dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình, có nghĩa trong cuộc sống Chúa phải là ưu tiên số một. Chúa còn đòi hỏi người ấy phải vác thập giá mình mà đi theo Người. Tại sao vậy?  Vì hai lý do: một là chính Chúa Giê-su đã từ bỏ và hy sinh tất cả vì yêu thương nhân loại và mỗi con người, thì người môn đệ cũng phải nên giống Thày mình; hai là từ bỏ và hy sinh là con đường duy nhất dẫn đến đời sống vĩnh hằng là hạnh phúc thật.      

3.2 Sứ điệp của Lời Chúa     

Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là: "Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.”

IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng cao siêu nhưng gần gũi, yêu thương vô hạn nhưng cũng đòi hỏi gắt gao, không chỉ nói xuông mà thực hành trước những điều Người yêu cầu ở người môn đệ.

4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa 

Mỗi người có thể chọn một trong hai hoặc cả hai khía cạnh của sứ điệp của Lời Chúa hôm nay mà đem vào đời sống trong tuần:

(1o) Sống hy sinh và từ bỏ: Trong đời sống cá nhân, gia đình và cộng đồng cũng như trong đời sống nhân bản và tâm linh, tôi có tự nguyện khước từ không chỉ những cái xấu làm hại mình mà cả những cái tốt, để cho đời sống được nhẹ nhàng, tự do và thánh thiện hơn không?                  

(2o) Vác thập giá mình mà đi theo Chúa: Trong đời sống cá nhân, gia đình và cộng đồng cũng như trong đời sống nhân bản và tâm linh tôi có vui vẻ chấp nhận những hy sinh và thiệt thòi do đức tin và tư cách người môn đệ Chúa Giê-su đòi hỏi không?                                      

V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

5.1 «Ý định của Chúa, nào ai biết được, nếu tự chốn cao vời, chính Ngài chẳng ban Đức Khôn Ngoan, chẳng gửi thần khí thánh?»  Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho tất cả các dân tộc trên thế giới được Thiên Chúa ban cho Đức Khôn Ngoan mà sống xứng đáng với phẩm giá làm người.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

5.2 «Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế và cho hết mọi Ki-tô hữu được ơn sẵn sàng hy sinh từ bỏ để đi theo Chúa Giê-su Ki-tô và làm chứng cho Tin Mừng Cứu Độ.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

5.3 «Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta được ơn nhận thức sâu sắc rằng vác thập giá và hy sinh là điều cốt yếu trong đời sống của các môn đệ Chúa Ki-tô.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

5.4 «Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho những người tham lam của cải, danh vọng, chức quyền và lạc thú biết kiềm chế lòng tham đối với những thứ ấy để có một tâm hồn thanh thoát và trở thành môn đệ Chúa.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.              
Sàigòn ngày 24/08/2016

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Carmelo! Carmelo! (8/30/2016)
Cảm Nhận Của Giáo Lý Viên Bùi Chu Khi Hành Hương Đức Mẹ Lavang Quảng Trị (8/29/2016)
Cn 3671: Tạ Ơn Mẹ Cứu Con Trong Trại Tù Cải Tạo (8/28/2016)
Cn 3669: Mẹ Fatima Thánh Du Chữa Lành Cho Tôi (8/26/2016)
Cm 3668: Tạ Ơn Mẹ Đã Cứu Sống Con (8/26/2016)
Tin/Bài khác
Nguồn Gốc Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (8/15/2019)
Thơ Kính Mừng Mẹ Trinh Vương (8/22/2016)
Cn 3664: 54 Ngày Cầu Nguyện Chuỗi Mân Côi Cho Hoa Kỳ Và Việt Nam (8/22/2016)
Đức Ma-ri-a Nữ Vương – Lễ Nhớ (8/22/2016)
Cn 3663: Lời Mẹ Maria Dạy Từ Nước Ấn Độ, Á Châu (8/21/2016)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768