MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Con Cái Sự Sáng
Chủ Nhật, Ngày 26 tháng 3-2017
Con cái s sáng

Bài Thánh thư và bài Tin Mừng cho phép ta nếu muốn, có thể gọi Chúa nhật hôm nay là Chúa Nhật Ánh Sáng; nhưng như vậy phải tách riêng bài sách Samuel. Và cũng là dịp để ta thấy: không tất nhiên các bài đọc bao giờ cũng phải chung một đề tài. Tuy nhiên Phụng vụ luôn có chủ ý khi chọn những bài đọc khác nhau. Như hôm nay, đang Mùa Chay, cần giáo huấn tân tòng và tín hữu, Phụng vụ có thể đề xuất nhiều đề tài khác nhau để tiến hành việc giáo huấn mau lẹ và đầy đủ hơn. Chúng ta thử nắm hết các lời giáo huấn trong Chúa nhật này.

A. Bài Sách Samuel

Samuel được sai đi xức dầu phong vương cho Đavít. Câu truyện đơn sơ, dễ hiểu và có vẻ thuộc loại văn lịch sử. Nhưng trong Kinh Thánh, nhất là trong Kinh Thánh Cựu Ước, nhiều khi "vẻ" văn lịch sử chưa chắc đã là văn sử. Người xưa thích kể chuyện khi dạy dỗ. Ở đây có lẽ cũng thế. Tác giả kể việc xức dầu phong vương cho Đavít thật rõ ràng. Cả nhà Đavít đều chứng kiến. Thế mà ở đoạn sau đó, tức chương 17,28 sách 1Samuel lại cho ta thấy Eliab, người anh cả của Đavít, lại cư xử với em như với một đứa nhỏ chẳng có giá trị gì. Rồi trong 2Samuel đoạn 2,4 và 5,3 lại nói đến việc xức dầu cho Đavít làm vua Yuđa và Israel như đã không biết gì về việc Samuel đã xức dầu cho Đavít. Như vậy nếu coi bài đọc chúng ta vừa nghe như một bài giáo huấn hơn là một câu chuyện lịch sử, mượn câu chuyện lịch sử Đavít đã được xức dầu làm vua một lần nào đó (và việc này có thật) để đưa ra một lời dạy dỗ, thì ý của tác giả thánh thế nào?

Ông muốn nói rằng: Đavít đã được một tiên tri xức dầu làm vua. Vương quyền Đavít nhận được có ơn tiên tri. Uy quyền của ông bởi Thiên Chúa. Vua Israel là người được Thiên Chúa chọn, là đấng xức dầu của Người, là người được Thần trí Chúa hướng dẫn. Như vậy, trong lịch sử Dân Chúa sẽ có một sự tiếp nối liên tục giữa thời các Thẩm phán và thời các Hoàng đế. Các hoàng đế tuy làm vua nhưng cũng được như các thẩm phán, là những bậc được Chúa chọn để ban Thần trí hầu cứu dân trong một hoàn cảnh rất đặc biệt của lịch sử. Nói tóm lại, Đavít được nhà tiên tri xức dầu làm vua, thì vua Đavít sẽ có Thần trí của Thiên Chúa hướng dẫn và ngài sẽ cứu thế, cứu dân.

Do đó Phụng vụ Mùa Chay thật có lý để dùng bài Cựu Ước này. Đức Kitô Con Vua Đavít, là Đấng đã được xức dầu, thì cũng là Đấng Cứu Thế. Và nếu được phép suy nghĩ tỉ mỉ hơn nữa, dường như Phụng vụ còn muốn nói thêm: như Đavít là em út trong nhà, có bộ mặt khôi ngô sáng sủa đã được chọn một cách chẳng ai ngờ, thì Đức Kitô cũng sẽ cứu thế theo phương thức chẳng ai đoán được. Người sẽ sống khiêm nhu, bé nhỏ và sẽ chết trên Thập giá. Nhưng nhìn vào sự thánh thiện trong sáng của Người, muôn dân đã thấy bừng lên ơn cứu độ.

Một bài học như thế đáng cho chúng ta, tín hữu cũng như tân tòng, suy nghĩ trong Mùa Chay và suốt cả cuộc đời. Chúng ta tin Đức Yêsu Kitô là Vua, là Tiên Tri và là Cứu Thế. Và chúng ta hãy xem trong bài Tin Mừng hôm nay Người đã cứu thế cách nào?

B. Bài Tin Mừng

Người là Đấng, như Chúa nhật trước đã cho ta biết, lấy công việc làm theo Ý Đấng đã sai Người, làm lương thực hàng ngày. Hôm nay Người cũng khẳng định như thế, và nói bao lâu còn là ngày, chúng ta phải lao công vào các việc của Đấng đã sai chúng ta (c.4). Hiện giờ thì còn là ngày, vì "khi Ta còn ở thế gian, Ta là sự sáng thế gian" (c.5).

Và sự sáng thì phải soi sáng. Vậy có một người mù từ thuở mới sinh đang đứng đó. Môn đồ không hiểu vì sao có sự kiện ấy. Còn Đức Kitô ý thức mình là sự sáng, nên thấy ngay đây là công việc Chúa Cha gửi đến cho mình. Người chữa anh ta khỏi.

Câu truyện có thể đến đó là xong. Nó đã đủ để chứng minh: Đức Kitô là sự sáng. Nhưng khốn nỗi, không những Người là sự sáng nhưng còn là sự sáng thế gian, sự sáng đến trong thế gian; khiến Yoan phải viết thêm: thế gian đón nhận sự sáng ấy như thế nào? Và đó là ý nghĩa của phần còn khá dài trong bài Tin Mừng hôm nay.

Phần này quảng diễn một khẳng định mà Yoan đã viết ngay ở đầu cuốn Tin Mừng của người: sự sáng rạng trong tối tăm và tối tăm đã không triệt được sáng (1,5). Quả thật, việc Đức Yêsu mở mắt người mù đã như ánh sáng bùng lên trước mặt mọi người. Ai ai cũng bàn tán hỏi nhau (c.8), chẳng làm sao hiểu được. Người ta phải đưa vấn đề trình lên các Biệt phái. Tòa làm việc nhộn nhịp, hỏi cung người mù, đòi chứng của cha mẹ anh ta, hỏi lại anh ta một lần nữa, nỗ lực vùi dập vụ này đi... nhưng đã không triệt được sự sáng. Rõ ràng Yoan muốn ám chỉ: Biệt phái đang mưu mô hại Chúa, nhưng họ sẽ thua. Cuộc tử nạn mà họ muốn Người phải chịu sẽ làm cho họ phải bẽ bàng vì biến cố Phục sinh. Bài Tin Mừng hôm nay, như thế, còn nói lên mầu nhiệm Chúa sống lại của Phụng vụ ngày Chúa nhật và của đích điểm Mùa Chay Thánh.

Chưa hết! Tác giả Yoan còn tiếp tục. Người mù bị các Biệt phái tống cổ ra ngoài. Đức Yêsu được tin. Người đi tìm anh ta, ban cho anh ta được ơn nhận ra Người và thờ lạy Người. Còn các Biệt phái vì tự phụ là người sáng mắt, nên tội lỗi còn nguyên. Đúng như lời Chúa nói: "Ta đến trong thế gian, ngõ hầu kẻ không thấy thì được thấy, và kẻ thấy được lại hóa đui mù".

Tác giả Yoan muốn cảnh tỉnh chúng ta đó. Công việc của Thiên Chúa đã hiện tỏ (c.3); mầu nhiệm Phục sinh đã sáng rực. Ai khiêm cung sẽ được soi sáng; còn ai tự phụ sẽ lại đui mù.

Như thế bài Tin Mừng cũng là một bài giáo huấn hơn là một câu chuyện. Đoạn văn trong sách 1 Samuel đã cho chúng ta thấy Đức Yêsu Kitô là Vua, là Tiên tri, là Cứu thế. Bản Tin Mừng Yoan nói thêm: Người đã đến trong thế gian như sự sáng, mà tối tăm không triệt được, để ai mù được thấy, ai sáng sẽ mù; để ai tin Con Người thì được rỗi (c.35) và ai không tin sẽ còn nguyên tội lỗi.

Riêng chúng ta đã tin Chúa rồi thì thế nào?

C. Bài Thánh Thư

Thánh Phaolô đáp: "Xưa kia anh em là tối tăm nhưng nay, trong Chúa, anh em là sự sáng; anh em hãy đi đứng như con cái sự sáng. Mà hoa quả của sự sáng là mọi việc nhân lành, công chính và chân thật".

Những lời ấy đủ để đưa hết thảy chúng ta đi vào con đường của sự sáng. Nhưng không biết chúng ta có nên khiêm tốn hơn không và thú nhận có lẽ mình cũng còn cần phải được soi sáng? Câu cuối cùng trong bài thư Phaolô có vẻ gợi lên điều đó. Và tác giả khuyên chúng ta hãy đứng lên để được Đức Kitô chiếu soi.

Kìa xem người mù, sau khi được Chúa mở mắt cho, đã dần dần trở thành con người có giá trị đến nỗi xứng đáng được Chúa đi tìm để ban thêm ơn đức tin. Anh ta đã biết nói sự thật với tất cả mọi người, và dần dần biết biện phân phải trái, khiến các Biệt phái phải bực tức thốt ra lời thú nhận tự ti mặc cảm.

Chúng ta cũng sẽ tăng thêm giá trị cho chúng ta khi chúng ta để Người chiếu soi. Mà Người thường làm công việc này qua Sách Thánh, qua giáo huấn của Hội Thánh, qua cả việc học tập và suy nghĩ trong yên lặng vì con người có học mới sáng, và có sáng mới làm được những công việc nhân lành, công chính và chân thật.

Như vậy, chúng ta hãy đến xin Đức Kitô soi sáng cho chúng ta không những trong Thánh lễ này, mà còn trong mọi lúc chúng ta suy nghĩ, học hành, đọc sách vở và nhất là Sách Thánh.


 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Cn 3982: Thiên Thần Tại Linh Địa Akita (1) (1/11/2018)
Cn 3922: Cuộc Hiện Ra Của Đức Bà Thành Công (our Lady Of Good Success) #2 (7/25/2017)
Cn 3921: Đức Bà Thành Công (our Lady Of Good Success) (7/21/2017)
Câu Chuyệ̣n 6: Nhờ Ơn Đức Mẹ Mà Hết Què (3/29/2017)
Câu Chuyệ̣n 1: Hãy Tin Tưởng Mẹ Maria (3/28/2017)
Tin/Bài khác
Lễ Truyền Tin: Xin Vâng Như Mẹ Maria (3/24/2023)
Tình Mẹ Còn Mãi, Lm Tạ Duy Tuyền (3/24/2017)
Fatima: Máu Tử Đạo Vẫn Còn Tiếp Tục Chảy, Lm Nguyễn Hữu Thy (3/24/2017)
Đối Thoại Truyền Tin, Lm Giuse Nguyễn Hữu An (3/24/2017)
Ân Toàn Xá Dịp Kỷ Niệm 100 Năm Fatima, Lm Nguyễn Hữu Thy (3/24/2017)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768