MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Phục Sinh Của Lòng Thương Xót (suy Niệm Của Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty)
Thứ Tư, Ngày 26 tháng 4-2017
Phc Sinh ca Lòng Thương Xót

(Suy niệm của Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty)

Phục Sinh, sự kiện vĩ đại về một con người đã bị đóng đinh trên thập tự giá tới chết và được mai tang trong mộ đá, nhưng đã trỗi dậy và ra khỏi mồ: đó quả là một biến cố có một không hai trong lịch sử loài người. Sự kiện này đúng là nền tảng niềm tin của mọi Kitô hữu qua mọi thời đại, thế nhưng nó lại chỉ được cả 4 Phúc âm tường thuật cách quá tẻ nhạt và tầm thường. Thậm chí, nếu so sánh với việc Chúa Hiển Dung trên núi Ta-bo, tôi thấy tường thuật thiếu đến cả các chi tiết tối thiểu: “Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng.” (Mt 17,2) Tất cả những gì được đề cập tới trong trình thuật phục sinh của các sách Tin Mừng chỉ đơn giản là ngôi mộ trống vắng và lời công bố giản dị: “Người không còn ở đây nữa, nhưng đã sống lại rồi!” Đôi lúc tôi cũng cảm thấy khó chịu về điều này; và như nhiều tín hữu trong các đám rước Chúa Phục Sinh, tôi muốn bù đắp bằng một hình ảnh vinh quang hơn: hình tượng Chúa uy nghi giơ cao cờ chiến thắng khải hoàn, ung dung bước ra khỏi ngôi mộ với ánh sáng chói lòa, giữa các thiên thần thờ lạy và các tên lính khiếp sợ.

Chắc chắn Chúa Phục Sinh có khía cạnh thể lý: một Giêsu đã gục chết trên thập giá, đã được hạ xuống và tẩm liệm, được mai táng trong phần mộ, mà nay được loan báo là đã sống lại. Sự kiện thể lý này là nền tảng cho việc tuyên xưng một trong các tín điều căn bản nhất của Kitô giáo: “Tôi tin kẻ chết sống lại”. Nhưng theo cách diễn tả của các sách Tin Mừng, khía cạnh thể lý xem ra chỉ là thứ yếu. Cũng như trong cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, các đau khổ thể lý, cho dầu có được mô tả cách sinh động tới đâu thì ý chính vẫn là nói lên tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Phục Sinh cũng vậy, biến cố (đúng hơn là lời loan báo) Đức Giêsu ‘không còn đây nữa, nhưng đã sống lại rồi’, cũng phải nói lên được tình yêu cứu độ trong tất cả sức mạnh vô địch của nó: tình yêu của Thiên Chúa từ nhân đã dứt khoát và vĩnh viễn chiến thắng sự chết về mọi mặt, và sẽ tồn tại bất diệt.

Theo Kinh Thánh thì chết thể lý chỉ là một trong các hậu quả của tội lỗi, và là hình bóng của một cái chết khác còn tệ hại hơn nhiều (St 2,17). Đức tin Công giáo dạy rằng tất cả chúng ta đều đã chết trong tội và cần tới ơn cứu độ để hoàn lại cho ta sự sống. Trong số các hình ảnh được dùng để diễn tả tội lỗi, chết là hình ảnh rõ ràng và trung thực nhất. Qua các thời đại, con người muốn dùng các nghi lễ tôn giáo để hoàn lại cho mình sự sống mà tội đã lấy mất. Các hình thức hoàn lương, đền tội, tu luyện và khổ chế đều mang cùng một mục đích đó. Nhưng trong thâm tâm tất cả đều biết rằng: chẳng một ai có quyền tha tội ngoại trừ một mình Thiên Chúa, cũng như chẳng ai có thể hoàn lại sự sống sau cái chết của tội lỗi ngoại trừ Thiên Chúa toàn năng (xem Ga 11,40-44). Ngày nay một số người (trong số đó có cả tín hữu – linh mục?) có khuynh hướng cho rằng tội chỉ là một yếu đuối, một cơn bệnh hay một khiếm khuyết nhất thời mà con người có nhiều cách để thắng vượt, nhiều cách để chữa trị, trong đó tâm lý học được coi như liều thuốc hữu hiệu nhất. Nếu tội chỉ là một căn bệnh cho dầu hiểm nghèo thì tác hại của nó cũng chỉ giới hạn. Cái chết thập giá của Đức Giêsu là một khảng định ngược lại: tội không chỉ dẫn tới cái chết nhưng thực sự là chết. Cũng vậy sự phục sinh của Người khảng định ơn cứu chuộc thực sự hoàn lại sự sống đích thực và toàn diện cho mọi người đã chết trong tội.

Cần bằng chứng Kinh Thánh ư? Dựa và câu khảng định của Đức Giêsu: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống” (Ga 11, 25) Phao-lô đã có thể xác quyết: “Nếu chỉ vì một người, một người duy nhất sa ngã mà sự chết đã thống trị, thì điều Thiên Chúa làm qua một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô lại còn lớn lao hơn biết mấy… ” (Rm 5,17), “Như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô cũng được Thiên Chúa cho sống” (1 Cr 15,22). Như vậy, đối với một Thiên Chúa cứu độ, cho Giêsu Kitô sống lại từ cõi chết là điều nhất thiết phải làm, cũng thế nhất thiết không kém Người phải làm cho chúng ta, những kẻ tin, sống lại từ cõi chết. Trên Thập giá, Đức Giêsu đã mặc lấy cái chết tội lỗi của cả trần gian, mà chết thể lý của Người là hình ảnh cụ thể nhất, một đàng để mạc khải cho thấy Thiên Chúa yêu thương cứu độ ‘đến cùng’, đàng khác như một A-đam mới Người cũng trọn vẹn đón nhận tình thương cứu độ của Cha để được sống, “Con phó linh hồn con trong tay Cha”. Phục sinh của Người là bằng chứng hùng hồn về sức mạnh của Tình Yêu Thiên Chúa cứu độ vĩnh viễn chiến thắng sự chết dưới mọi hình thức, lòng nhân ái thần linh chiến thắng tội chết trong mọi chiều kích. Chính Đức Giêsu đã khảng định cách chắc nịch: “Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống”. ‘Sẽ’ đây nói lên một định luật chứ không phải thì tương lai: sống lại ngay bây giờ, chứ không chỉ trong ngày sau hết, sống lại trong ân sủng ngay tức thời chứ không chỉ trong ngày thế tận; cũng vậy ‘chết’ đây là về thể lý, nhưng còn quan trọng hơn nhiều là về mặt thiêng liêng. “Ngay hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên đàng”.

Suy nghĩ như thế làm tôi hiểu ra rằng: chỉ nhấn mạnh về một Đức Giêsu Kitô phục sinh vinh quang về mặt thể lý rất có thể trở thành một lạc đề nguy hiểm. Vinh quang đích thực của Phục sinh, đồng thời cũng là sức mạnh vô địch của Thập giá chính là tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Lòng thương xót của Người đã vĩnh viễn chiến thắng tội chết nơi con người: tình yêu đã chứng tỏ mạnh hơn cả sự chết, đặc biệt chết trong tội. Cho nên rõ ràng “nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người, đó là niềm tin của chúng ta” (Rm 6,8) trong tình yêu nhân hậu và tha thứ của Thiên Chúa. Mầu nhiệm thập giá và phục sinh không bao giờ được tách rời. Đó chính là sự Vượt Qua (Pasqua – Passover) của mọi Kitô hữu chúng ta, một mầu nhiệm sống động vĩ đại.

Lạy Chúa Kitô Phục Sinh, xin cho con nhận biết tội đã làm con chết thực sự, để con nghiệm ra được sức mạnh vô địch của lòng thương xót Chúa. Kinh nghiệm về cái chết thể lý đã cho con phần nào thấy được lòng nhân từ của Chúa… nhưng đó cũng chỉ là hình ảnh mờ nhạt của một thực tế vĩ đại hơn nhiều: Đấng Cứu Độ không ngừng tiêu diệt sự chết nơi con để hoàn lại sự sống. Xin cho con không ngừng biết đón nhận ơn phục sinh trong suốt cuộc đời, bao lâu con vẫn còn yếu đuối sa ngã trong tội chết. Và chính trong sự kỳ diệu vĩ đại này, xin cho con (cùng với mọi tín hữu) cất cao lời ca ngợi lòng từ bi thương xót của Chúa hàng ngày và cho đến muôn đời. Amen.


 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Cn 3982: Thiên Thần Tại Linh Địa Akita (1) (1/11/2018)
Cn 3922: Cuộc Hiện Ra Của Đức Bà Thành Công (our Lady Of Good Success) #2 (7/25/2017)
Cn 3921: Đức Bà Thành Công (our Lady Of Good Success) (7/21/2017)
Tin/Bài khác
Lễ Truyền Tin: Xin Vâng Như Mẹ Maria (3/24/2023)
Câu Chuyệ̣n 6: Nhờ Ơn Đức Mẹ Mà Hết Què (3/29/2017)
Câu Chuyệ̣n 1: Hãy Tin Tưởng Mẹ Maria (3/28/2017)
Tình Mẹ Còn Mãi, Lm Tạ Duy Tuyền (3/24/2017)
Fatima: Máu Tử Đạo Vẫn Còn Tiếp Tục Chảy, Lm Nguyễn Hữu Thy (3/24/2017)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768