MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Đức Giêsu Đến (suy Niệm Của Peter Feldmeier - Lm. Gb. Văn Hào Sdb Chuyển Ngữ)
Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 1-2018
Đức Giêsu đến

(Suy niệm của Peter Feldmeier - Lm. GB. Văn Hào SDB chuyển ngữ)

 

Thời kỳ đã mãn (Mc 1,15)

Có một lần người ta đã công bố, vào ngày 21 tháng 5 năm 2011, Đức Giêsu Kitô sẽ trở lại và phán xử vũ trụ. Lời tuyên bố rất rõ ràng, rất khẳng quyết và đầy xác tín. Đó là câu tuyên bố của ông Harold qua chương trình phát thanh về gia đình. Chương trình phát thanh đã quảng bá rộng khắp nguồn tin trên, kèm theo những lời cảnh báo. Một ít người đã tin, và đã phân phát tài sản của mình cho bạn bè, cho hàng xóm và cho cả những người không quen biết. Chúng ta thử nghĩ xem, ví dụ bạn đang có một căn nhà sang trọng, hay một chiếc xe hơi đắt tiền, bạn nghe lời cảnh báo, và sẵn sàng từ khước mọi sự, không màng đến những thứ đó nữa. Vào ngày 23 tháng 5, chương trình phát thanh này lại công bố một lần nữa và xác nhận là Harold đã nói đúng. Đức Kitô thực sự đã đến, nhưng theo như họ nói, Ngài đến một cách linh thiêng. Cuộc phán xử đã xảy ra, nhưng nó diễn ra trong âm thầm và bí mật.

 

Nhưng đây không phải là lần đầu tiên có người tuyên bố về ngày tận thế. Vào thế kỷ 19, ông William Miller cũng quy tụ một số thân hữu lại, và loan báo Chúa Kitô sẽ đến vào ngày 21 tháng 3 năm 1844. Nhiều người tin ông ta, và nóng lòng chờ đợi. Rồi ngày đó cũng qua đi. Một tín đồ của ông Miller sau đó lại khẳng quyết, ngày Chúa đến sẽ được hoãn lại cho tới  21 tháng 10 năm đó, và điều này đã được nói tới trong sách ngôn sứ Habacuc. Những người theo ông Miller, tức môn phái: “Chờ đợi ngày thứ bảy của Chúa”, vẫn kì vọng như thế và họ tin là việc Chúa đến đã được thực hiện. Nhưng theo họ, Chúa thực thi cuộc phán xét vũ trụ một cách thầm lặng chứ không theo cách thái thông thường như người ta vẫn nghĩ tưởng.

Tuy nhiên, chúng ta thấy tư tưởng của Harold và Miller, qua những hạn từ biểu tỏ sự chờ đợi và vui mừng, khá giống với tư tưởng của Thánh Phaolô, có lẽ hơn hẳn chúng ta. Thánh Phaolô cũng nghĩ rằng Chúa Giêsu sẽ trở lại một cách bất ngờ, và Đấng Cứu thế sẽ đến ngay trong thời đại của Ngài (1Thes 4,17). Tư tưởng xác quyết này càng rõ nét hơn trong thơ thứ nhất gửi giáo đoàn Côrinthô, đặc biệt qua bài đọc phụng vụ của Chủ nhật hôm nay. Thánh Phaolô khởi đầu đoạn văn với lời khẳng quyết: “Thời gian chẳng còn bao lâu nữa” (1Cr 7,29). Ngài còn phác vẽ một viễn cảnh với năm lời khuyên dạy “Từ nay, ai có vợ hãy sống như không có, ai khóc lóc hãy làm như không khóc, ai vui mừng hãy sống như chẳng mừng vui, ai mua sắm hãy làm như không có gì cả, kẻ hưởng dùng của cải đời này hãy làm như chẳng hưởng.” Tóm kết những lời khuyên đó, Thánh Phaolô nhấn mạnh đến động cơ và lý do phải hành xử như thế, chính là “Vì bộ mặt thế gian đang biến đi” (1Cr 7,31).

 

Thánh Phaolô đưa ra sứ điệp cấp thiết trên, quy chiếu vào lời  hiệu triệu của Đức Giêsu khi Ngài khởi sự ngày đầu tiên đi rao giảng công khai. Marcô trình thuật lại lời kêu gọi và cảnh báo của Đức Giêsu, mà bài Tin mừng hôm nay nhắc tới “Thời kỳ đã mãn, và triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin mừng”. Nơi cả 2 bản văn của Thánh Phaolô và của Thánh sử Marcô, ý niệm nói về “thời gian” hay “thời kỳ”, được dịch từ hạn từ Kairos. Từ ngữ Chronos cũng nói về thời gian, nhưng đơn giản ám chỉ về thời gian đang xảy ra trong hiện tại. Còn hạn từ Kairos lại nói về một thời kì đặc biệt, một thời cơ đem đến cho ta, hay một thời khắc quan trọng của cuộc sống, ví dụ lúc chúng ta đang rơi vào một khủng hoảng trầm trọng. Vì vậy, hạn từ Kairos được dùng ở đây muốn nêu lên một điều quan trọng, đang xảy ra tại chính thời điểm này. Đức Giêsu công bố điều quan trọng đó, đó là thời kỳ Thiên Chúa thực hiện ơn cứu độ cho con người. Vì thế, Ngài mời gọi chúng ta phải sám hối. Sám hối, Metanoia, không phải chỉ là việc chúng ta từ bỏ tội lỗi. Nhưng trên hết, hành vi sám hối là một tư thế nội tâm, một động thái toàn diện nơi con người chúng ta để trở về với Chúa. Chúng ta phải quyết tâm định hướng lại, từ suy nghĩ, đến con tim và trọn cả đời sống, để quy về Thiên Chúa, đặt Ngài vào vị trí tối thượng nơi cuộc đời chúng ta. Nước Trời đã đến gần, và Nước Trời mà Chúa Giêsu gợi nhắc, mời gọi chúng ta phải thực sự biến đổi.

 

Thánh Marcô diễn tả lời gọi mời của Chúa Giêsu ngỏ trao cho bốn môn đệ đầu tiên, như là một sức mạnh đến từ Thiên Chúa. Đó là một lời cầu ngỏ cách tự nguyện, nhưng cũng là một mệnh lệnh hiển thị qua uy quyền được diễn bày, mà con người không thể cưỡng lại. Mệnh lệnh đó cũng đòi hỏi chúng ta phải đáp trả, ngay hôm nay và ngay lúc này. Trên bờ biển Galilê, Chúa Giêsu đã thấy Phêrô và Anrê. Ngài truyền lệnh “ Hãy theo tôi”. Sau đó Ngài gặp Giacôbê và Gioan, và cũng gọi hai ông với cùng một dạng thức truyền lệnh giống như thế. Marcô thuật lại, ngay lập tức cả bốn ông bỏ thuyền và lưới để đi theo Ngài. Giacôbê và Gioan còn bỏ lại cả cha của mình cùng những người làm công trên thuyền. Các ông bỏ lại tất cả để đến với Chúa. Uy quyền Đức Giêsu đã hoàn toàn chinh phục các ông.

 

Harold và William Miller đã tiên đoán sai. Thánh Phaolô thì không dám khẳng quyết ngày giờ chính xác Đức Kitô sẽ trở lại, cho dầu vị tông đồ vẫn kì vọng Chúa sẽ đến ngay trong thời đại của Ngài. Sự kỳ vọng đó hiển nhiên cũng sai. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, chúng ta thấy lời khuyên dạy của Thánh Phaolô và của Chúa Giêsu vạch dẫn cho ta thấy rằng “ Tin mừng mà Chúa Giêsu đem đến sẽ kiến tạo một thời kỳ mới, một Kairos mới nơi chính cuộc đời chúng ta. Tin mừng khuyến mời chúng ta, cũng giống như một chỉ lệnh rất mạnh mẽ, là hãy hoán cải, hãy quy hướng trọn vẹn cuộc sống chúng ta về với Chúa. Điều đó không phải vì “ thời gian hiện tại , tức chronos đang qua đi”, nhưng Kairos “ thời kỳ ân điển, thời cơ mà Chúa gửi đến để giúp ta hoán cải”, đang được ngỏ trao cho chúng ta, ngay bây giờ.

 

Có bao giờ bạn nghĩ rằng, ngày hôm nay với tất cả những gì chúng ta đang vui hưởng, những niềm vui, những nét đẹp, những mơ ước chúng ta đang có…. được đồng hóa với thời điểm cùng tận vũ trụ mà chúng ta đang phải đối diện hay không? Giao ước tình yêu của Đức Giêsu mới thật sự là thời điểm sau cùng, là thực tại cánh chung, là giai đoạn cuối của lịch sử cứu độ. Giai đoạn cùng tận và thời điểm cánh chung đó không phải là lúc chúng ta phải buông xuôi tất cả, giã từ tất cả. Nhưng trên hết, đó là thời kỳ ân điển được hiến trao, để chúng ta mạnh mẽ đi vào thế giới hôm nay, với sức mạnh và lời gọi mời khẩn thiết của Đức Giêsu luôn vang vọng bên tai mỗi người: Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin mừng.

 


 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài khác
Cn 3982: Thiên Thần Tại Linh Địa Akita (1) (1/11/2018)
Cn 3922: Cuộc Hiện Ra Của Đức Bà Thành Công (our Lady Of Good Success) #2 (7/25/2017)
Cn 3921: Đức Bà Thành Công (our Lady Of Good Success) (7/21/2017)
Câu Chuyệ̣n 6: Nhờ Ơn Đức Mẹ Mà Hết Què (3/29/2017)
Câu Chuyệ̣n 1: Hãy Tin Tưởng Mẹ Maria (3/28/2017)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768