MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa (suy Niệm Của Lm. Phêrô Bùi Trọng Khẩn)
Chủ Nhật, Ngày 13 tháng 1-2019
Chúa Giêsu chịu phép rửa

(Suy niệm của Lm. Phêrô Bùi Trọng Khẩn)

Việc đầu tiên của Chúa Giêsu trước khi thi hành chức năng rao giảng là đến xin ông Gioan tẩy giả làm phép rửa cho mình.

 

Khi thấy Chúa Giêsu đến, Gioan ngạc nhiên quá sức và can ngăn Chúa "Chính tôi mới cần đựơc Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi". Bây giờ cứ thế đã, vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính" (Mt 3,14-15). Cả hai nhân vật trong tin mừng là Chúa Giêsu và Gioan tẩy giả đều khiêm nhường.

 

Gioan biết mình không đáng xách dép cho Chúa, chỉ là người giới thiệu, minh chứng về Chúa. Xong nhiệm vụ của mình ông phải rút lui vào bóng tối để cho Chúa phải lớn lên. Nhưng đồng thời phép rửa của ông cũng chỉ là một nghi thức giục lòng ăn năn sám hối chứ không có sức để tha tội. Đức Giêsu là Thiên Chúa vô tội, Thiên Chúa quyền năng nhưng lại dám hạ mình xếp hàng đứng bên cạnh những người có tội bên dòng sông Giođan chờ đến lượt theo thứ tự để được chịu phép rửa. Đức Giêsu hoà mình bình thường đến nỗi không ai nhận ra Ngài đang đứng bên cạnh mình. Có ai ngờ một đấng thánh thiện vô tội, cao cả lại đang đứng bên cạnh mình?

 

Sứ mệnh của Chúa Giêsu đến trần gian: cứu con người khỏi đau khổ, khỏi tội lỗi, khỏi chết đời đời. Không ai có thể làm được điều này. Để làm công việc này, Chúa Giêsu đã phải từ bỏ ngai vàng vinh quang là Thiên Chúa, bỏ trời cao, quên địa vị cao sang sống địa vị thấp hèn nhất trong xã hội loài người qua biến cố giáng sinh. Rồi Ngài lại tiếp tục hành trình qua từng giai đoạn, từng bước trong cuộc đời: cũng giữ mọi luật lệ, tập tục đạo đời, chịu chi phối bởi mọi định luật tự nhiên. Đặc biệt hôm nay, Chúa Giêsu đã bước xuống dòng sông Giođan. Theo tiếng Do thái, 'Jarad' nghĩa là đi xuống, vì đường dài dòng sông không ngừng đi xuống. Dòng sông bắt nguồn từ độ cao trên núi 520m đến chỗ sâu nhất dưới mực nước biển là 394m. Có thể nói đây là điểm thấp nhất của địa cầu. Chúa Giêsu chịu phép rửa ở chỗ này. Ngài đã xuống thấp nhất không chỉ về chiều sâu theo không gian địa lý mà còn về chiều sâu tâm lý xã hội. Ngài bước xuống tận chiều sâu của thân phận tội lỗi loài người để cảm nghiệm được sức nặng nề, đau đớn của tội nhân. Vì thế, chính nơi đây, Gioan đã giới thiệu về Đức Giêsu rằng 'đây là Chiên Thiên Chúa, đây là đấng xoá bỏ tội trần gian' (Ga 1,29). Nhưng cũng chính nơi đây, sau những lời giới thiệu của Gioan thì Đức Giêsu không cần người khác, nhân vật khác làm chứng hướng dẫn nữa mà chính Thiên Chúa Cha giới thiệu 'đây là Con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về Người'. Đồng thời Chúa Thánh Thần xuất hiện giống hình chim bồ câu xác nhận điều đó.

 

Sự xuất hiện một lúc ba ngôi Thiên Chúa lần đầu tiên cho thấy địa vị, vai trò đặc biệt của Đức Giêsu hơn hẳn Gioan tiền hô, hơn hẳn các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo khác trên trần gian.

 

Với lễ Đức Giêsu chịu phép rửa chấm dứt mùa giáng sinh, bắt đầu mùa thường niên. Chấm dứt gian đoạn 30 năm sống âm thầm ở quê nhà Nagiarét; Đức Giêsu chính thức hoạt động công khai để cứu độ con người với danh hiệu là Đấng Cứu Thế, là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật và là người thật. Sự tỏ mình của Đức Giêsu ngày càng rõ bao nhiêu thì đức tính khiêm nhường của Chúa càng nổi rõ hơn bấy nhiêu. Đó chính là bản chất của Thiên Chúa 'nên giống anh em mình mọi đàng ngoại trừ tội lỗi'.

 

Tất cả những gì xưa nay các ngôn sứ thời Cựu ước loan báo về Đức Giêsu nay được ứng nghiệm dần dần. Quả thật Đức Giê su đến không phải để bãi bỏ lề luật, bãi bỏ những cái cũ, nhưng là để kiện toàn, làm cho nó mới mẻ hơn. Chính Đức Giê su đã xác nhận điều đó. Vì thế Ngài không huỷ bỏ phép rửa của Gioan là nghi thức của thời cựu ước, ngược lại Ngài đón nhận lại còn mặc cho nó một ý nghĩa mới trong phép rửa tội mà Ngài sẽ lập sau. Hơn nữa, Chúa còn mặc khải cho các môn đệ biết phép rửa là cái chết của Chúa khi Ngài nói: 'Thầy còn phải chịu một phép rửa và thầy những bồn chồn chờ đến lúc hoàn tất"(Lc 12,50). Người còn hỏi hai ông Gioan và Giacôbê khi họ đến xin được ngồi bên tả bên hữu trong Nước Chúa rằng: "các ngươi có thể uống chén Ta uống và chịu phép thánh tẩy Ta phải chịu không?" (Mc10,38). Phép rửa đó chính là cái chết của Chúa, là đỉnh cao cuả sự hạ mình tột cùng của Chúa Giêsu.

 

Như vậy ý nghĩa trọn vẹn của phép rửa và sự khiêm nhường của Đức Giêsu được gặp thấy nơi cái chết của Ngài trên thập giá.

 

Mỗi người kitô hữu đã được chịu phép rửa tội là có một mối liên hệ hiệp thông sâu xa với Chúa Kitô và giao hội. Nghĩa là đều có chung một cảm nghĩ, lời nói và cách cư xử như Chúa. Xa hơn là cùng sống thân phận con người phải chết do hậu quả cuả tội nguyên tổ. Bởi vậy chúng ta không đứng ngoài sự liên đới với người khác mà phải đồng hành cùng với nhân loại trong dòng chảy của những tập tục, truyền thống, lễ nghi, văn hoá,...để thánh hoá, biến đổi, thăng hoa và làm hoàn hảo những giá trị này theo tinh thần của Chúa.

 

Chúng ta không được đứng ngoài trật tự của đời sống cộng đoàn mà phải hoà nhập trong tinh thần khiêm tốn, lịch sự để nâng đỡ nhau trong tinh thần của người con cái Chúa. Chúng ta không được phép gạt bỏ một cộng đoàn, giáo hội chỉ vì một chút truyền thống, nề nếp cũ kỹ; không được phép loại trừ một con người chỉ vì một chút khuyết điểm, ngược lại phải đón nhận để sửa chữa, đổi mới, canh tân theo cách hành xử của Chúa.

 

Người kitô hữu lãnh nhận bí tích rửa tội cũng là cuộc vượt qua từ sự chết đến sự sống. Chết với Chúa Kitô và sống lại với Người. Thánh Phaolô nhấn mạnh: "anh em không biết rằng khi ta được dìm vào nươc thánh tẩy để thuộc về Đức Giêsu Kitô là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Bởi thế cũng như Người đã sống lại từ cõi chết thì chúng ta cũng sống một đời sống mới"(Rm 6,4-5).

 

Nơi Đức Giêsu phép rửa không còn là một nghi thức mà đã trở thành cuộc sống. Tội lỗi bị đánh bại không phải bằng nước mà là bằng máu của sự sống. Bí tích rửa tội của người kitô hữu không phải lãnh nhận một lần rồi thôi mà chính là cả cuộc sống phải tích cực đẩy lui tội lỗi mỗi ngày. Người kitô hữu phải có trách nhiệm làm sao để tiếng từ trời cao cũng lặp lại với mỗi người chúng ta: "Con là con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về con"(Mc 1,11). Đặc biệt trong năm đức tin, các bậc làm cha mẹ phải ý thức sâu xa hơn về vai trò của mình là giáo dục con cái mình sống trọn vẹn ơn đã lãnh nhận qua bí tích rửa tội và đào tạo con cái thành những người con đẹp lòng Chúa Cha.

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài khác
Cn 3982: Thiên Thần Tại Linh Địa Akita (1) (1/11/2018)
Cn 3922: Cuộc Hiện Ra Của Đức Bà Thành Công (our Lady Of Good Success) #2 (7/25/2017)
Cn 3921: Đức Bà Thành Công (our Lady Of Good Success) (7/21/2017)
Câu Chuyệ̣n 6: Nhờ Ơn Đức Mẹ Mà Hết Què (3/29/2017)
Câu Chuyệ̣n 1: Hãy Tin Tưởng Mẹ Maria (3/28/2017)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768