HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CN CHÚA GIÊ-SU
CHỊU PHÉP RỬA NĂM B
Is 42,1-4.6-7;
Cv 10.34-38; Mc 1,7-11
SỐNG HIỀN HÒA KHIÊM HẠ NOI GƯƠNG ĐẤNG
THIÊN SAI GIÊ-SU
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mc 1,6b-11
(c 7) Khi ấy, Gio-an rao giảng
rằng : “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang
đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quay dép
cho Người: (c 8) Tôi làm phép rửa cho anh em nhờ nước;
Còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em
trong Thánh Thần. (c 9) Và đã xảy ra là trong những ngày
đó, Đức Giê-su từ Na-da-rét miền Ga-li-lê đến,
và được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông
Gio-đan. (c 10) Vừa lên khỏi nước, Người
liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần
Khí tựa chim bồ câu ngự xuống trên mình. (c 11) Lại
có tiếng từ trời phán rằng : “Con là Con yêu dấu
của Cha, Cha hài lòng về Con”.
2. Ý CHÍNH : ĐỨC GIÊ-SU
ĐƯỢC TẤN PHONG LÀM VUA MÊ-SI-A
Tin mừng Mác-cô trình bày việc
Đức Giê-su được tấn phong làm Vua Mê-si-a tương
tự như một lễ phong vương gồm 3 nghi thức
như sau :
- Một là thanh tẩy :
Đức Giê-su được Gio-an Tẩy Giả dìm trong
nước sông Gio-đan.
- Hai là xức dầu : Đức Giê-su được Thần Khí, qua hình ảnh chim câu, từ trời đáp xuống trên mình để xức dầu thiêng
liêng tấn phong làm Vua
Mê-si-a.
- Ba là tung hô: Đức Giê-su cũng được Chúa Cha công khai thừa nhận là “Con rất yêu dấu” luôn làm mọi việc theo thánh ý Cha.
3. CHÚ THÍCH :
- C 7-8: +Đấng quyền thế hơn tôi
đang đến sau
tôi : Gio-an là “Sứ
giả của Giao Ước”, có nhiệm vụ như Ê-li-a ngày xưa
: đến trước
để chấn hưng mọi sự, hầu dọn
đường cho Đức Chúa ngự đến (x. Ml 3,1-3.23-24). Mọi
lời Gio-an rao giảng đều liên quan tới Đấng Thiên Sai.
Tuy Đấng Thiên Sai
đến sau Gio-an nhưng
Người lại có đầy sức mạnh và Thần Khí của
Đức Chúa để
chiến thắng kẻ thù (x. Is 11,2), cụ thể là chiến thắng Xa-tan cám dỗ (x. Mc 1,12-13). +Tôi
không đáng cúi xuống
cởi quay dép cho Người : Cởi
quai dép là việc làm
của người nô
lệ. Gio-an khiêm tốn nhận mình không
đáng làm nô lệ cho Đấng
Thiên Sai sắp đến.
+Phép rửa
nhờ nước: Khi chịu phép rửa
này, người chịu
phép được
Gio-an dìm xuống sông
Gio-đan như dấu hiệu“tỏ
lòng sám hối để
được ơn tha tội” (x. Mc 1,4). Từ đây
họ được gia nhập
vào nhóm những người
chuẩn bị đón Đấng Mê-si-a. +“Phép rửa trong Thánh Thần”: Phép
Rửa này ám chỉ toàn bộ công trình cứu độ của Đức Giê-su.
Những kẻ chịu phép
rửa do Đức Giê-su
thực hiện sẽ nhận
được Thần Khí tuôn đổ vào lòng. Nhờ đó họ được tẩy sạch
mọi vết nhơ tội lỗi. Họ sẽ được
tặng một quả tim mới bằng thịt biết yêu
thương, thay cho quả
tim đã hóa ra chai đá (x. Is 44,3).
- C 9-10: +Đức Giê-su từ Na-da-rét miền Ga-li-lê đến, và được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông
Gio-đan : Đúng như lời Gio-an loan báo, Đức Giê-su đã xuất hiện và trước hết Người đến với ông
Gio-an. Gio-an đã thi hành sứ
mạng tiền hô khi làm phép rửa cho Người trong nước sông
Gio-đan .+Người
liền thấy: Mác-cô
tường thuật cuộc
Thần Hiện của Đức Giê-su lúc chịu phép rửa như một thị kiến mà
chỉ riêng mình Người trông thấy, đang khi các Tin Mừng còn lại như Mát-thêu, Lu-ca và Gio-an
lại tường thuật
đúng như đã xảy
ra (x. Mt 3,13-17; Lc 3,21-22; Ga 1,32-34). +Các tầng trời xé ra:
Đây là sự đáp
ứng của Thiên
Chúa cho lòng khát vọng của
dân Ít-ra-en và của nhân
loại. Người ta chờ
mong “trời mở ra và Thiên Chúa sẽ xuống cứu độ dân
Người”. Hôm nay
qua hiện tượng các
tầng trời xé ra,
Thiên Chúa bắt đầu
thực hiện những lời Ngài đã hứa qua các ngôn sứ (x. Is 63,19b). Ngài sai Thánh Thần ngự xuống trên
Đức Giê-su, giống như Đức Chúa
trong cuộc Xuất hành
đã ngự xuống trên
con dân Ít-ra-en (x. Xh 19,11.18). Với việc trời xé ra, Đức Giê-su bắt đầu ra khỏi Na-da-rét
để công khai thi
hành sứ mạng cứu
độ loài người,
đối lập với A-đam ngày xưa (x. Rm
5,12-19). +Người
liền thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình: Câu này
nhắc tới sự kiện
Thần Khí của Thiên
Chúa bay lượn trên
mặt nước khi Chúa
sáng tạo nên trời đất muôn vật (x. St 1,2), nhằm diễn
tả một một cuộc sáng tạo mới được thực
hiện nơi Đức Giê-su sau khi chịu phép Rửa. Thánh Thần xức dầu thiêng liêng tấn phong và giới thiệu Người là
Đấng Thiên Sai,
qua hình ảnh một con
chim câu đậu xuống
trên mình Người
(x. Is 11,2 ; 42,1).
- C 11: +“Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài
lòng về Con”: Qua câu này, Mác-cô muốn làm nổi bật dung mạo của Đức
Giê-su : Người chính
là Vua Thiên Sai, được xức dầu tấn phong để cai trị muôn
dân (x. Tv 2,7) ; Người là
Con Một yêu dấu của Chúa Cha, trở thành của lễ hiến tế trên
bàn thờ thập giá
(x. St 22,2); Người là Tôi Trung của Thiên Chúa, được sai đến rao giảng
Tin Mừng Nước Trời và chịu chết để đền tội
thay cho loài người
và sống lại
để phục hồi sự sống đời đời
cho loài người (x.
Is 42,1).
4. CÂU HỎI: Tại sao Đức Giê-su
là “Đấng quyền
thế hơn” mà lại xuất hiện như một
tội nhân đứng
xếp hàng để
được Gio-an làm phép rửa tại sông Gio-đan?
ĐÁP : Việc Đức Giê-su tự nguyện đến xin chịu phép Rửa của Gio-an không phải để sám hối tội lỗi như bao
người khác, vì Người vô tội (x.
Dt 5,15b; 7,26). Nhưng qua hành động này, Người muốn chia sẻ thân phận yếu hèn với các tội nhân và cảm thông với họ (x. Pl 2,6) và sau này Người sẽ còn chịu chết trên cây thập giá để đền tội thay cho họ.
Đàng khác, việc toàn thân Đức Giê-su được Gio-an dìm xuống nước sông
Gio-đan, chính là hình ảnh
của phép rửa sẽ
phải trải qua trong cuộc Tử Nạn và Phục Sinh sau này (x. Rm
6,3-4). Từ mầu nhiệm
Phục Sinh, Đức Giê-su sẽ thiết lập bí tích Rửa Tội, để tái sinh
các tín hữu trở nên
con Thiên Chúa và canh tân họ
nhờ nước và Thần Khí. Đây là điều kiện cần có để được gia nhập vào
Nước Thiên Chúa
(x. Ga 3,3-6). Ngoài ra, đây còn là cơ hội để Gio-an Tẩy Giả
thi hành sứ mạng
tiền hô đi trước dọn đường và làm chứng Người thực là
Đấng Thiên Sai với dân Do thái. Cuối cùng, Đức Giê-su chịu phép rửa của Gio-an để biến
đổi phép rửa
bằng nước trở thành bí tích Rửa Tội trong Thánh Thần (x Mc 1,8) và lửa (x Lc 3,16;Cv 2,3-4), để
ban ơn cứu độ cho các tín hữu.
II.SỐNG LỜI CHÚA
1.LỜI CHÚA: Khi ấy, Gio-an rao giảng rằng : “Có
Đấng quyền thế
hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quay dép cho Người” (Mc 1,7).
2.CÂU CHUYỆN:
1) GIÁ TRỊ CỦA SỰ KHIÊM HẠ GIỮA ĐỜI THƯỜNG :
Một tài xế xe
tải kia không dám cho xe tải chạy qua cầu, vì theo anh nghĩ chiếc xe tải có mui xe cao
hơn thành cầu tới
10 phân. Trong lúc tiến
thoái lưỡng nan,
không biết nên
giải quyết thế nào,
thì có người đề
nghị : Hãy xì bớt
hơi cho các bánh xe xẹp
xuống. Anh tài xế
liền làm theo lời
khuyên này và cuối cùng
chiếc xe của anh đã
có thể an toàn đi
qua cầu.
Xì hơi cho bánh xe xẹp bớt cũng giống
như thái độ
khiêm nhường.
Trong giao tiếp với tha nhân, nếu “biết mình biết người, thì trăm trận trăm thắng !”. Cũng
nhờ biết ứng xử khiêm tốn nhún nhường với tha nhân mà chúng ta sẽ dễ dàng thành công
trong mọi việc.
2) KHIÊM TỐN LÀ LUÔN TRONG TƯ
THẾ QUÂN BÌNH:
Một hôm Khổng
Tử tới thăm miếu vua Hoàn Công nước
Lỗ, thấy một chiếc lọ đứng nghiêng thì hỏi thăm và được người
giữ miếu cho biết :
- Cái lọ này là một
bảo vật, thuở trước nhà vua luôn để gần ngai vàng để nhắc
nhở mình.
Khổng Tử nói :
- Ta nghe đồn nhà vua có một bảo vật : không cho nước
vào thì lọ sẽ đứng nghiêng ; Đổ
nước vào vừa phải thì lọ sẽ đứng thẳng. Còn nếu đổ nước đầy tới miệng
thì lọ lại sẽ bị đổ ngã. Có lẽ đó là chiếc lọ này chăng ?
Rồi ngài bảo
học trò múc nước để kiểm tra
thì kết quả đúng như thế.
Bấy giờ Khổng Tử mới dạy
bài học về sự trung dung như sau:
- Người thông minh thánh trí thì
hãy giữ quân bình bằng
cách làm
việc như một người tầm thường
chứ không muốn được nổi
bật hơn người khác. Kẻ
lập được công to thì hãy giữ
quân bình
bằng thái độ và lời nói khiêm hạ chứ không khoe mình. Kẻ có sức khỏe vô địch
thì nên
giữ quân bình bằng thái độ ứng xử nhún nhường chịu
đựng tha nhân. Nếu đang là một người giầu có thì hãy giữ
quân bình
bằng sự quảng đại chia sẻ
cơm áo
cho người nghèo khổ. Cái lọ của vua Hoàn Công chính là bài học giúp thực hành lối sống quân bình để khỏi bị
sụp đổ vậy”.
3) TÔI MỚI
ĐƯỢC 2 TUỔI :
Một ông cụ
mãi
đến năm 80 tuổi mới có điều kiện tin theo Chúa và được
lãnh bí
tích rửa tội để được
tái sinh
làm con Thiên Chúa. Từ ngày theo đạo, ông cụ đã thay đổi hẳn trở thành một người
mới, ông
đã bỏ được sở thích uống rượu say xỉn và không còn chơi bài bạc. Ông đi dự lễ nhà thờ hằng ngày và có lối ứng xử
khiêm tốn và bác ái với mọi người
chung quanh. Hai năm sau cụ lâm trọng
bệnh và bị thày thuốc
khám bệnh cho biết cụ sắp chết. Nhiều bạn
bè đến thăm và có người thắc
mắc hỏi cụ được bao nhiêu tuổi. Ông cụ trả lời :”Tôi mới được hai tuổi. Tám mươi
năm trước tôi có sống cũng như chết. Chỉ từ ngày theo đạo tôi mới trở nên một
người mới và đến nay mới
được hai tuổi”.
3.SUY NIỆM :
Tin mừng lễ Đức Giê-su chịu phép rửa hôm nay dạy chúng ta bài học về mầu nhiệm nhập
thể của Chúa Giê-su. Người chính là Con Thiên Chúa đã đến lập cư giữa loài
người và trở thành người phàm giống như chúng ta mọi đàng ngoại trừ không có tội. Khi đứng xếp hàng
để được
Gio-an dìm xuống dòng
sông chịu thanh tẩy bằng
nước, Đức Giê-su đã thiết lập bí tích rửa tội để thanh tẩy các
tín hữu chúng ta bằng Nước và Thánh
Thần hầu ban ơn thánh
hóa giúp chúng ta trở nên
con Thiên Chúa giống như
Người. Từ nay chúng ta không còn phải là kẻ xa lạ, nhưng là người nhà của Thiên Chúa. Qua bí tích Thánh Tẩy chúng ta đã được tháp nhập làm chi thể của đầu nhiệm thể
là Đức Giê-su.
Hơn nữa, chúng ta
còn được tham phần
vào ba chức vụ của
Người là ngôn sứ,
tư tế và vương đế. Tuy nhiên, điều quan trọng chúng ta cần học tập Chúa
Giê-su hôm nay là thực thi
đức khiêm hạ
trong lời nói và việc
làm.
1) GƯƠNG KHIÊM HẠ CỦA ĐỨC GIÊ-SU
VÀ CỦA GIO-AN TẨY GIẢ :
- Đức Giê-su đã dạy các môn đệ học tập đức khiêm
nhường của Người
như sau: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi,
và hãy học với tôi,
vì tôi có lòng hiền hậu
và khiêm nhường”
(Mt 11,29). Người đã nêu gương khiêm hạ khi rửa chân hầu hạ các môn đệ và sau đó dạy các ông bài học khiêm nhường: “Anh em gọi Thầy là
“Thầy” là “Chúa”,
điều đó phải lắm. Vì quả thật, Thầy là
“Thầy” là “Chúa”. Vậy nếu Thầy là
“Chúa” là “Thầy”, mà
còn rửa chân cho anh
em, thì anh em cũng phải
rửa chân cho nhau. Thầy
đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em”
(x. Ga 13,13-15). Qua bài Tin Mừng
hôm nay, Đức Giê-su
đã biểu lộ đức
khiêm nhường khi
đứng xếp hàng để xin Gio-an làm phép rửa, dù Người
hoàn toàn vô tội (x. Mc
1,9).
- Còn Gio-an Tẩy Giả cũng thể hiện
sự khiêm nhường
khi thú nhận mình
không đáng làm đầy tớ
cho Đấng Thiên Sai như sau: “Có Đấng quyền thế hơn tôi
đang đến sau tôi,
tôi không đáng cúi xuống
cởi quai dép cho Người” (Mc 1,7). Ông cũng khẳng định mình không phải là Đấng Ki-tô Thiên Sai mà chỉ là tiếng người la to trong hoang
địa để kêu gọi người ta chuẩn bị tâm hồn đón nhận Đấng Ki-tô sắp đến (x. Ga 1,20.23).
Gio-an còn chứng tỏ
về đức khiêm nhường khi ông thừa
nhân thân phận tiền
hô của mình
đới với Đấng
Thiên Sai Giê-su: “Chính anh em làm chứng cho thầy
là thầy đã nói: Tôi đây không phải là Đấng Ki-tô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người. Người phải nổi bật
lên, còn thầy phải
lu mờ đi” (x.Ga 3,30), và truyền cho họ bỏ ông để theo làm môn đệ Đức Giê-su.
2) Chúng ta cần làm gì để thực hành nhân đức khiêm nhường? :
- Khiêm nhường trong lời nói: Hãy
nói ít nghe nhiều; Không
khoe khoang thành tích của mình;
Không phê bình nói xấu người
vắng mặt; Sẵn sàng xin lỗi khi mắc phải sai sót
khiến tha nhân buồn lòng; Kịp thời khen thưởng người
cộng tác để
động viên những
cố gắng của họ; Can đảm bênh vực những người yếu
đuối thân cô thế
cô bị kẻ khác
đàn áp bóc lột.
- Khiêm nhường trong thái độ: Năng dâng lời cảm tạ hồng ân
Thiên Chúa và cám ơn những
ai làm ơn cho mình; Luôn có thái độ hiền hòa và nhẫn nhịn tha nhân; Biết làm chủ tính nóng giận và không to tiếng la mắng người dưới;
Luôn sống châm
ngôn “dĩ hoà vi quí”, tránh thái độ “Bé xé ra to”, hoặc “chuyện không có gì mà làm cho ầm ĩ”; Sẵn sàng đi bước trước đến với
tha nhân; Biết bỏ
ý riêng mình để làm
theo ý Chúa thể hiện qua
ý bề trên hay ý
chung của tập thể.
- Khiêm nhường trong cách ứng xử: Không đổ lỗi cho người khác,
nhưng “Tiên trách kỷ, hậu
trách nhân”; Kiên nhẫn
lắng nghe lời phê bình góp ý của người khác; Tận tình phục vụ tha nhân vô vụ lợi kèm theo sự khôn ngoan để tránh bị lợi dụng; Tránh thái
độ “Thượng tôn
hạ đạp”; Can đảm
đứng ra bênh vực
những người “thân cô thế cô”; Khi công việc
bị thất bại sẽ không đổ lỗi cho người khác,
mà nhận phần trách
nhiệm của mình;
Khi thành công thì nhận là
do ơn Chúa ban và là công của
tập thể. Khi làm được điều gì tốt thì hãy khiêm tốn
tự nhủ: “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng. Chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi”
(Lc 17,10).
4. THẢO LUẬN: Tuần này bạn sẽ làm gì để tập sống đức
khiêm nhường noi gương
Chúa Giê-su và ông Gio-an Tẩy
Giả?
5. NGUYỆN CẦU:
- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Qua việc tình nguyện xếp hàng xin Gio-an làm phép
rửa, Chúa muốn dạy chúng con thực thi đức khiêm
nhường, là nền tảng của sự thánh
thiện. Về phần
con, con mang trong mình đầy những tội lỗi khuyết điểm, thế
mà con lại thường
ngại ngùng khi phải
thú tội trong tòa
giải tội. Con chỉ
là một kẻ bất
tài vô đức, thế
mà con lại thích
được người
đời khen ngợi về tài năng và lòng đạo đức của mình.
Con thiếu khả năng
lãnh đạo, thế
mà con lại muốn
giữ chức vụ quan trọng trong tập thể...
- Lạy Chúa Giê-su, “Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng”, xin thanh tẩy con sạch mọi thói
hư tật xấu, nhất
là thói tự ái
cao và tự mãn. Xin giúp
con thành tâm hoán cải để
luôn ứng xử hiền
lành và khiêm tốn hơn,
để con đáng được Chúa thứ
tha tội lỗi và sau này được Chúa ban hạnh phúc Nước Trời đời đời.
X. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH-HHTM
|