MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 6 Thường Niên Năm A --- Mt 5,17-37 ( Lm. Cao Sieu, Sj)
Thứ Ba, Ngày 14 tháng 2-2023
HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT 6 THƯỜNG NIÊN NĂM A                            Mt 5,17-37 ( Lm. Cao Sieu, SJ)

 

1. Trong Mt 5,21-48, Đức Giêsu mấy lần nói câu: Anh em đã nghe Luật dạy rằng…Còn Thầy, Thầy bảo anh em…

Trong Mt 5,21-48, câu nói của Đức Giêsu: Anh em đã nghe Luật dạy rằng…Còn Thầy, Thầy bảo anh em… được nhắc lại 6 lần ở Mt 5,21-22.27-28.31-32.33-34.38-39.43-44. Những câu này thường được gọi là những phản đề. Chúng nằm ở trung tâm của Bài Giảng trên Núi và cho thấy những lời dạy của Đức Giêsu đưa ra những đòi hỏi vượt xa lời dạy thường thấy nằm trong Luật Môsê. Đức Giêsu đã không bãi bỏ Luật Môsê, nhưng đã kiện toàn, nghĩa là đã giải thích lại Luật Môse cho đúng ý Thiên Chúa (Mt 5,17).

 

2. Đọc Mt 5,21-22. Tại sao Đức Giêsu cấm không được giận người khác, cấm không gọi người khác là đồ ngốc hay đồ khùng? Giận ghét người khác và sát nhân có liên hệ gì không? Đọc 1 Ga 3,15; St 4,3-6.

Luật Môsê cấm không được giết người (Xh 20,15; Đnl 5,18). Cố ý giết người thì sẽ bị kết án tử (Xh 21,12-17). Đức Giêsu không ngừng lại ở việc giết người bằng hành động, Ngài còn đi tới tận gốc rễ của hành vi này, đó là sự giận ghét ở nơi trái tim con người (x. 1 Ga 3,15). Giận ghét có thể dẫn đến sát nhân, như trong trường hợp Cain giết Aben (St 4,3-6). Từ đó Ngài khẳng định tội giận ghét và tội lăng mạ nặng nề người khác cũng bị án phạt như chính tội sát nhân (Mt 5,22). Trong văn hóa đông phương ngày xưa, mắng chửi người khác là “đồ ngốc” hay “đồ khùng” được coi là một sự xúc phạm nặng nề hơn ngày nay nhiều. Dĩ nhiên điều này không loại trừ sự giận dữ chính đáng như ta từng thấy nơi Đức Giêsu (Mc 3,5; Ga 2,15-17), hay khi Ngài gọi những người Pharisêu là “Đồ ngốc” (moroi, Mt 23,17).

 

3. Đọc Mt 5,23-26. Làm hòa với người khác có khó không? Tại sao Đức Giêsu đòi để lễ vật lại mà đi làm hòa trước đã?

Mát-thêu 5,23-24 cho thấy tính khẩn trương của việc làm hòa với anh em trước khi dâng lễ vật lên Thiên Chúa. Cần để lại lễ vật trước bàn thờ mà đi làm hòa với người anh em đang bất bình với mình, rồi mới trở lại dâng lễ vật. Lúc đó hy vọng lễ vật sẽ được Chúa chấp nhận (Mc 11,25). Như thế Đức Giêsu đòi người dâng lễ, -người đang muốn có tương quan tốt với Thiên Chúa-, phải có tương quan tốt với tha nhân trước đã. Chẳng những phải loại bỏ sự giận ghét nơi lòng mình, mà còn phải bày tỏ sự làm hòa với người đang giận ghét mình. Có thể nói, khó lòng có tương quan tốt với Thiên Chúa khi chưa có tương quan tốt với anh em. 

 

4. Đọc Mt 5,27-28. Thế nào là cái nhìn có ý thèm muốn? Theo Đức Giêsu, phạm tội ngoại tình có mấy loại?

Luật Môsê cấm không được ngoại tình (Xh 20,14). Ai ngoại tình thì phải chết (Đnl 22,22-24). Ở đây Đức Giêsu nói đến chuyện ngoại tình trong trái tim vốn là nơi phát xuất những tư tưởng (Mt 5,27-28). Ngoại tình bằng hành động thường bắt nguồn từ thèm muốn. Và thèm muốn bên trong đến từ cái nhìn. Chính vì thế Đức Giêsu khẳng định bất cứ ai nhìn người phụ nữ mà nuôi dưỡng lòng thèm muốn dâm dục với người ấy thì đã phạm tội ngoại tình trong lòng rồi. Thật ra, trong Mười Điều răn, thèm muốn vợ của người khác đã được coi như một tội (Xh 20,17; Đnl 5,21). Mắt được coi là góp phần cho tội này (2 Pr 2,14; 1 Ga 2,16; Hc 9,8).

 

5. Đọc 5,29-30. Mắt và tay có dễ làm ta phạm tội không? Ta có nên móc mắt và chặt tay như Chúa dạy không?

Trong Mt 5,29-30, Đức Giêsu cho thấy đôi mắt và bàn tay có thể là nguyên nhân khiến ta sa ngã. Mắt phải và bàn tay phải là những điều rất quý đối với con người. Bằng lối nói cường điệu, Ngài đòi chúng ta móc mắt phải, chặt tay phải để loại bỏ nguyên nhân đó, nhờ đó thắng được sự thèm muốn, vì thà chịu mất một phần chi thể còn hơn toàn thân phải chịu luận phạt.

Chúng ta không nên hiểu câu này theo nghĩa đen, vì thủ phạm thật ra không nằm nơi tay hay mắt, nhưng nơi lòng con người. Điều Đức Giêsu muốn nhấn mạnh qua lối nói cường điệu này là chúng ta cần cương quyết xa tránh những nguyên nhân gây sa ngã, dù phải chịu những cắt đứt và mất mát đau đớn, nhất là về mặt tinh thần.

 

6. Đọc Mt 5,31-32. Luật Môse có cho phép chồng ly dị vợ không? Đọc sách Đệ nhị luật 24,1. Tại sao Đức Giêsu không cho phép ly dị? Đọc Mt 19,4-6. Có luật trừ không?

Luật Môsê cho phép người chồng ly dị vợ với điều kiện cấp cho vợ một giấy chứng nhận là mình đã ly dị (Đnl 24,1). Còn Đức Giêsu lại dứt khoát không cho phép ly dị (Mt 5,31-32). Theo Ngài, điều đó đẩy người vợ đến chỗ ngoại tình và cũng đẩy kẻ lấy người vợ ấy phạm tội ngoại tình. Vào thời Đức Giêsu, đây là một giáo huấn hết sức mới mẻ. Ở đây chúng ta không thấy Ngài giải thích tại sao Ngài dứt khoát không cho phép ly dị, nhưng ở Mt 19,4-6 ta thấy Ngài đưa ra lý do: hôn nhân có tính bền vững vì chính Thiên Chúa phối hợp đôi vợ chồng nên một. Loài người không có quyền phân ly. Có thể có luật trừ, đó là trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, vì thế cũng là hôn nhân chưa thành sự (Mt 5,32).

7. Đọc Mt 5,33-37. Người kitô hữu có khi nào phải thề không? Đức Giêsu chủ yếu dạy ta điều gì trong đoạn văn này?

Cựu Ước cấm bội thề, nghĩa là thề mà không giữ (Dân số 30,3). Đức Giêsu bảo các môn đệ đừng thề gì cả, hay đúng hơn Ngài bảo họ đừng lạm dụng việc thề thốt trong đời thường (Mt 5,33-37). Đừng lấy trời đất, lấy Giêrusalem hay đầu mình ra mà thề, để làm cho lời thề của mình thêm mạnh mẽ. Ngài đòi môn đệ nói những lời đáng tin, không cần dựa vào lời thề đi kèm. Thật ra, đôi khi người Kitô hữu cũng có dịp phải thề trước tòa đạo, tòa đời, và có khi phải tuyên thệ long trọng nữa.

 

8. Sau khi đọc cả bài Tin Mừng, bạn thấy Đức Giêsu có đòi hỏi nhiều hơn Luật trong Cựu Ước không? Lời giáo huấn của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng này có những nét gì đặc biệt?

Qua bài Tin Mừng này, chúng ta thấy Đức Giêsu đưa các môn đệ đi vào chiều sâu của lòng mình, của trái tim bên trong chi phối mọi hành động. Những giáo huấn của Ngài có tính nội tâm hơn và tận căn hơn, nên cũng khó giữ hơn. Bởi thế Ngài mới đòi các môn đệ phải sống công chính, sống thánh thiện đạo đức hơn các kinh sư và người Pharisêu (Mt 5,20). Những điều luật trong Cựu Ước được Ngài giải thích lại cách mới mẻ theo ý của Thiên Chúa. Ngài mời gọi chúng ta giữ Luật Môsê theo lối giải thích mới của Ngài, và giữ một cách hết sức nghiêm túc, từng chấm phết (Mt 5,18-19).

 

GỢI Ý SUY NIỆM

Đọc cả bài Tin Mừng, bạn thấy Đức Giêsu có hủy bỏ Luật Môsê không, hay Ngài đang làm cho Luật ấy có tính nội tâm hơn, tận căn hơn? Bạn thấy sống bài Tin Mừng này có khó không? Điều gì khó hơn cả?

 

  

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài khác
Cn 3982: Thiên Thần Tại Linh Địa Akita (1) (1/11/2018)
Cn 3922: Cuộc Hiện Ra Của Đức Bà Thành Công (our Lady Of Good Success) #2 (7/25/2017)
Cn 3921: Đức Bà Thành Công (our Lady Of Good Success) (7/21/2017)
Câu Chuyệ̣n 6: Nhờ Ơn Đức Mẹ Mà Hết Què (3/29/2017)
Câu Chuyệ̣n 1: Hãy Tin Tưởng Mẹ Maria (3/28/2017)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768