MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 5 Phục Sinh Năm A --- Ga 14,1-12 ( Lm. Cao Sieu, Sj)
Thứ Tư, Ngày 10 tháng 5-2023
HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH NĂM A                               Ga 14,1-12 ( Lm. Cao Sieu, SJ)

 

1. Trong Tin Mừng Gioan Đức Giêsu xao xuyến mấy lần? Đọc Ga 11,33; 12,27; 13,21. Các môn đệ xao xuyến mấy lần?  Đọc Ga 14,1.27. Tại sao các môn đệ xao xuyến? Đọc Ga 13,21-38; 14,30.

Trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu xao xuyến ba lần: trước cái chết của Ladarô (Ga 11,33), trước cái chết của chính mình (Ga 12,27) và trước sự phản bội của Giuđa (Ga 13,21). Tuy nhiên, Đức Giêsu khuyên các môn đệ đừng xao xuyến hai lần (Ga 14,1.27). Họ có thể xao xuyến vì nhiều lý do: vì Thầy Giêsu báo một người trong nhóm sẽ nộp Thầy (Ga 13,21), vì Thầy loan báo Thầy sẽ đi đến một nơi mà họ không thể đến được (Ga 13,33.36), hay vì Thầy tiên báo Phêrô sẽ chối Thầy ba lần (Ga 13,38). Cũng có thể họ xao xuyến khi nghe Thầy nói về tên “Thủ lãnh thế gian đang đến” (Ga 14,30). Nói chung các môn đệ xao xuyến khi nghe Thầy báo tin sẽ ra đi, và báo về những vấp ngã nặng nề của hai môn đệ trong nhóm.

 

2. Đọc Ga 14,1-3. Đức Giêsu đã nói gì để giúp họ hết xao xuyến?

Trước sự xao xuyến của các môn đệ, Đức Giêsu đã khuyên họ nên giữ vững niềm tin: “Anh em tin vào Thiên Chúa thì hãy tin vào Thầy” (Ga 14,1). Hơn nữa, Ngài bắt đầu cho họ biết rõ hành trình sắp tới của Ngài: đó là về nhà Cha để dọn chỗ cho các môn đệ, rồi sẽ trở lại để đem họ về với Ngài, để Thầy trò chung sống với nhau (Ga 14,2-3). Như thế cuộc chia tay sắp tới chỉ có tính tạm thời, rồi Thầy trò lại có dịp sống bên nhau mãi mãi. Tương tự như thế, trong Ga 14,27-29 Thầy Giêsu cũng giúp các môn đệ hết xao xuyến bằng cách cho biết mình sẽ “đi đến cùng Chúa Cha” và sẽ “đến với họ” (Ga 14,28).  

 

3. Đọc Ga 14,2-4. Đức Giêsu đã dùng những hình ảnh cụ thể nào để nói về những thực tại thiêng liêng ở đời sau? Dựa vào đoạn văn này, bạn hãy vẽ lại cuộc hành trình của Đức Giêsu.

Trong Ga 14,2-4 Đức Giêsu dùng những hình ảnh cụ thể để nói về những thực tại siêu nhiên. Ngài nói đến “nhà (oikia) của Cha Thầy”, “chỗ ở” (monai), “chỗ” (topos), “đường” (hodos). Đó là những hình ảnh gợi lên thế giới mai sau, nhưng dĩ nhiên thiên đàng không phải là một tòa nhà có nhiều tầng, với nhiều phòng nhỏ cho từng người. Qua Ga 14,2-3 ta thấy cuộc hành trình của Đức Giêsu sau khi hoàn tất sứ vụ Cha trao nơi trần gian, đó là đi về nhà Cha trước để chuẩn bị chỗ cho các môn đệ, sau đó trở lại với các môn đệ để đưa họ về với mình, để Thầy trò sống mãi bên nhau. Như thế có thể nói, cuộc đời Đức Giêsu gồm hai cuộc hành trình lớn: Ngài là Thiên Chúa Con Một đã xuống thế làm người, chết, phục sinh và về lại nhà Cha. Sau đó Ngài sẽ trở lại để đưa các môn đệ về ở với Ngài trong nhà Cha.    

 

4. Đọc Ga 14,6. Đức Giêsu tự nhận mình là Con Đường và ai muốn đến với Thiên Chúa đều phải qua Con Đường này. Tại sao Đức Giêsu dám khẳng định mình như thế?

Trong Ga 14,6 Đức Giêsu nhận mình là Con Đường. Hơn thế nữa, Ngài còn nói: “không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy.” Như thế, để gặp được Thiên Chúa, để có được ơn cứu độ, không có con đường nào khác ngoài Con Đường Giêsu. Chỉ qua Con Đường này nhân loại mới đến được với Thiên Chúa. Đây là một khẳng định hết sức quan trọng của Đức Giêsu trong Tin Mừng Gioan. Ngài dám khẳng định như vậy vì Ngài là Thiên Chúa (Ga 1,1), là Thiên Chúa Con Một của Thiên Chúa Cha (Ga 1,18). Ngài là Ngôi Lời xuống thế mang phận người (Ga 1,14). Chúa Cha muốn: “Tất cả những ai… tin vào Người Con thì có sự sống đời đời” (Ga 6,40), và muốn “thế gian nhờ (dia) Người mà được cứu độ” (Ga 3,17). Như thế không phải Đức Giêsu tự đề cao chính mình, nhưng chính Thiên Chúa Cha muốn trao ơn cứu độ cho nhân loại qua Người Con Một nhập thể của mình.

 

5. Đọc Ga 14,6. Tại sao Đức Giêsu tự nhận mình là Sự Thật? Đọc Ga 1,14.17.18; 8,26.28; 12,49; 14,10.

Đức Giêsu là Con Một Thiên Chúa đầy tràn “ân sủng và sự thật” (Ga 1,14.17). Vì Ngài là Đấng duy nhất thấy Thiên Chúa và ở ngay trong cung lòng Thiên Chúa (Ga 1,18), nên Ngài đã luôn nói sự thật mà Ngài đã nghe được từ Thiên Chúa (Ga 8,26.28; 12,49-50; 14,10). Đức Giêsu không chỉ nói hay làm chứng cho sự thật, Ngài còn nhận mình là chính Sự Thật (Ga 14,6).

 

6. Đọc Ga 14,6. Tại sao Đức Giêsu nhận mình là Sự Sống? Đọc Ga 1,4; 5,26; 6,39-40.51.57.68; 11,25.

Đức Giêsu là Ngôi Lời làm người. “Nơi Ngôi Lời là sự sống và sự sống là ánh sáng cho loài người” (Ga 1,4). Khi sống trên trần gian, Đức Giêsu đã ban sự sống thân xác cho nhiều người, chữa họ khỏi mọi bênh tật và cái chết (Ga 4,46-54; 5,1-9; 6,1-68; 9; 11), và nhất là hứa ban sự sống đời đời (Ga 3,16; 6,58.68; 11,26). Chúa Cha cho Đức Giêsu “có sự sống nơi mình” (Ga 5,26), và Ngài có quyền cho người ta sống lại trong ngày sau hết (Ga 6,39-40). Chính vì thế ở đây Ngài tự nhận chính Ngài là Sự Sống (Ga 14,6).         

                     

7. Ai biết Thầy Giêsu là biết Cha của Thầy, ai thấy Thầy Giêsu là thấy Chúa Cha (Ga 14,7.9). Bạn hiểu câu trên như thế nào? Đọc Ga 1,14; 5,19-20; 8,29; 12,44-45;

Ai biết Thầy cũng sẽ biết Chúa Cha (Ga 14,7). Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha (Ga 14,9). Vậy Đức Giêsu là hiện thân của chính Thiên Chúa trên trần gian. Gặp được Ngài là gặp được chính Thiên Chúa. Lời Ngài nói là lời của Thiên Chúa (Ga 8,28), việc Ngài làm là việc Thiên Chúa làm (Ga 5,19-20; 8,29; 14,10). Thiên Chúa Cha là Đấng siêu việt, chúng ta không thể thấy, không thể chạm tới được, nhưng bây giờ Thiên Chúa ấy hiện diện gần gũi nơi Đức Giêsu. Hai lần Đức Giêsu nói: “Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy” (Ga 14,10-11). 

 

8. Đọc Ga 14,10. Bạn nghĩ gì về sự kết hiệp mật thiết giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha?  Ở lại trong nhau, điều đó nghĩa là gì? Đọc Ga 10,30.38; 17,21.

Đức Giêsu luôn ý thức mình là người được Cha sai. Ngài luôn sống tùy thuộc vào Cha là Đấng sai Ngài. Có sự gắn kết bền chặt giữa người được sai và Đấng sai mình, giữa Đức Giêsu là Con với Chúa Cha, đến nỗi “ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi” (Ga 12,45). “Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha” (Ga 10,38; 17,21). Sự “ở trong nhau” này sâu xa đến mức Đức Giêsu có thể nói: “Tôi và Chúa Cha, chúng tôi là một” (Ga 10,30).

 

GỢI Ý SUY NIỆM: Bạn nghĩ gì về những người tuy chưa biết Chúa Giêsu nhưng đã can đảm sống theo sự thật và bảo vệ sự sống? Họ có gần Đức Giêsu là Sự Thật và là Sự Sống không? Họ có hy vọng được hưởng ơn cứu độ không?

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài khác
Cn 3982: Thiên Thần Tại Linh Địa Akita (1) (1/11/2018)
Cn 3922: Cuộc Hiện Ra Của Đức Bà Thành Công (our Lady Of Good Success) #2 (7/25/2017)
Cn 3921: Đức Bà Thành Công (our Lady Of Good Success) (7/21/2017)
Câu Chuyệ̣n 6: Nhờ Ơn Đức Mẹ Mà Hết Què (3/29/2017)
Câu Chuyệ̣n 1: Hãy Tin Tưởng Mẹ Maria (3/28/2017)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768