MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
[ Audio/youtube/text ] Tóm Lược Học Hỏi Phúc Âm: Chúa Nhật 2b Mùa Vọng.( Linh Mục Cao Siêu, Dòng Tên)
Thứ Ba, Ngày 5 tháng 12-2023



Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm B

Mác-cô 1,1-8

 

Ông Gioan Tẩy Giả rao giảng

(1) Khởi đầu Tin Mừng Ðức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa:

(2) Chiếu theo lời đã chép trong sách ngôn sứ Isaia:

Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con,
người sẽ dọn đường cho Con.
(3) Có tiếng người hô trong hoang địa:
sửa lối cho thẳng để Người đi.

(4) Ông Gioan Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. (5) Mọi người từ khắp miền Giuđê và thành Giêrusalem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giođan.

(6) Ông Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng. (7) Ông rao giảng rằng: "Có Ðấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. (8) Tôi đã làm phép rửa cho anh em nhờ nước; còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần".

 

 

 

Câu Hỏi 1: Đức Giêsu được gọi là Đấng Kitô. Bạn có biết ý nghĩa của từ “Kitô” không ? Tìm một từ đồng nghĩa với “Kitô”.

TRẢ LỜI: Đấng Kitô, tiếng Hy-lạp là Christos, có nghĩa là Đấng được (Thiên Chúa) xức dầu. Bản Bảy Mươi dịch “Mêsia” (Mashiakh) trong tiếng Do-thái cổ thành “Kitô”. Đấng Mêsia hay Đấng Kitô là Đấng được (Thiên Chúa) xức dầu. Người được xức dầu là người được Thiên Chúa tuyển chọn để thi hành một sứ mạng của Thiên Chúa, cho dân của Ngài. Các vị vua Do-thái như Đavít, Salomon, thậm chí cả vị vua ngoại giáo là Kyrô (I-sai-a 45,1), được gọi là đấng được xức dầu. Vào thời Đức Giêsu, người Do-thái nóng lòng mong đợi một vị lãnh đạo là Đấng Mêsia hay Đấng Kitô, là người được Thiên Chúa xức dầu. Trong Tin Mừng Máccô, khi bị tra vấn trước Thượng Hội đồng, Đức Giêsu đã nhận mình là Đấng Kitô (Mác-cô 14,62).

 

Câu Hỏi 2:Đức Giêsu được gọi là “Con Thiên Chúa” trong Mác-cô 1,1. Khi nào Chúa Cha gọi Đức Giêsu là Con yêu dấu ? Đọc Mác-cô 1,11; 9,7. Quỷ có biết Đức Giêsu là Con Thiên Chúa không ? Đọc Mác-cô 3,11; 5,7. Trong Tin Mừng Máccô, ai là người cuối cùng tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa ? Đọc Mác-cô 15,39.

TRẢ LỜI: Trong Mác-cô 1,1 ngoài tước vị “Kitô”, thánh sử Máccô còn giới thiệu Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Chúa Cha đã gọi Đức Giêsu là “Con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về Con” khi Đức Giêsu chịu phép rửa bởi ông Gioan ở sông Giođan (Mác-cô 1,11). Và khi Đức Giêsu được hiển dung trên núi, Cha cũng giới thiệu “Đây là Con Ta yêu dấu” (Mác-cô 9,7). Quỷ cũng biết Đức Giêsu là Con Thiên Chúa (Mác-cô 3,11; 5,7). Viên đại đội trưởng ngoại giáo là người cuối cùng tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa khi chứng kiến Ngài tắt thở như vậy (Mác-cô 15,39). Thật ra Đức Giêsu đã nhận mình là Con Đấng đáng chúc tụng, nghĩa là Con Thiên Chúa, khi đứng trước Thượng Hội Đồng (Mác-cô 14,61-62). Không thấy các môn đệ tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa trong Tin Mừng Máccô (khác với Mát-thêu 16,16).

 

Câu Hỏi 3: Đọc Mác-cô 1,2-3 và cho biết sứ mạng của Gioan Tẩy giả là gì.

TRẢ LỜI: Để nói về vai trò của Gioan Tẩy giả, thánh sử Mác-cô (1,2-3) đã đưa ra hai trích dẫn trong Cựu Ước, tuy không trích nguyên văn:  sách Xuất hành 23,20 về biến cố dân Ít-ra-en được Thiên Chúa cho vào Đất Hứa, có thiên sứ được sai đi trước để giữ gìn họ trên đường; và  sách I-sai-a 40,3 về tiếng hô hãy làm một con đường thẳng trong hoang địa cho ĐỨC CHÚA để từ đất lưu đày Babylon về lại Ít-ra-en. Vậy theo Máccô, Gioan Tẩy giả là sứ giả được Thiên Chúa sai đến để dọn đường cho Đức Giêsu. Ông chính là tiếng kêu trong hoang địa, mời mọi người chuẩn bị con đường thẳng cho Đức Giêsu đến. Như thế có một điểm khác biệt: thiên sứ được sai đi dọn đường cho ĐỨC CHÚA, còn Gioan được sai đi dọn đường cho Đức Giêsu.

 

Câu Hỏi 4: Đọc Mác-cô 1,4-5 và cho biết công việc chính của Gioan trong hoang địa là gì.

TRẢ LỜI: Dựa trên Mác-cô 1,4-5, ta thấy ông Gioan ở trong hoang địa, mời gọi người ta đến chịu phép rửa của ông để tỏ lòng hối cải, hầu được tha thứ tội lỗi. Đoàn người từ khắp vùng Giuđê và Giêrusalem đến với ông. Họ xưng thú tội lỗi và được ông ban phép rửa ở sông Giođan. Như thế công việc chính của Gioan là kêu gọi dân chúng đến với mình, đi vào hoang địa với tinh thần ăn năn hối cải. Ông mời người ta thú tội và ông ban phép rửa cho họ để họ được tha thứ. Có thể nói Gioan đã khai mở một phong trào canh tân trong cả nước. Ông mời mọi người chỉnh đốn lại con đường đời mình cho Chúa đến, cho Nước Thiên Chúa đến. Con đường cần phải đi gồm: hối cải, xưng thú tội lỗi, đón nhận phép rửa, và được tha thứ. Cần có sự khiêm tốn mới đi được con đường này. Có những người Pharisêu đã không làm được (Mát-thêu 21,32).

 

Câu Hỏi 5:Ông Gioan mặc giống với ai trong Cựu ước ? Đọc Sách Các Vua 1,8. Ăn châu chấu và mật ong có ý nghĩa gì ?

TRẢ LỜI: Gioan mặc áo bằng lông thú như một ngôn sứ (Da-ca-ri-a 13,4), và thắt dây lưng bằng da giống ngôn sứ Êlia trong Sách Các Vua 1,8. Châu chấu là thức ăn được coi là “sạch” và được phép ăn theo sách Lê-vi 11,20-23. Châu chấu và mật ong rừng là thức ăn có thể kiếm được tại hoang địa, nơi Gioan sống. Có thể coi đây là thức ăn của một người sống khổ hạnh, dù không hẳn Gioan chỉ ăn hai thức ăn này.

 

Câu Hỏi 6: Đọc Mác-cô 1,7-8. Đây là lời giảng của Gioan cho những người tuôn đến với ông. Bạn có thấy Gioan nói về chính mình không ? Ông mô tả Đấng đến sau ông là người thế nào ?

 

TRẢ LỜI: Khi nghe lời giảng của ông Gioan, ta thấy ông không nói về mình. Ông chỉ rao giảng về Đấng đến sau ông nhưng quyền thế hơn ông, cao cả hơn ông đến nỗi ông không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người (Mác-cô 1,7). Ông còn cho thấy phép rửa của Đấng ấy thì trổi vượt hơn phép rửa trong nước của ông hiện nay, vì đó là phép rửa trong Thánh Thần (Mác-cô 1,8). Rõ ràng Gioan biết chỗ đứng của mình. Ông không phải là nhân vật trung tâm lôi kéo sự chú ý. Mọi sự ông làm chỉ nhằm chuẩn bị cho Đấng cao cả đến sau ông. Phép rửa của ông là cần thiết trong thời điểm này, nhưng ông lại đề cao phép rửa sắp tới trong Thánh Thần của Đấng đến sau ông (Mác-cô 1,8).

 

Câu Hỏi 7: Cứ đến mùa Vọng chúng ta lại gặp khuôn mặt của Gioan Tẩy giả. Trong Tin Mừng Mác-cô, hình ảnh ông Gioan có nổi bật không ? Đọc Mác-cô 1,6-9, 14; 2,18; 6,14-29; 8,28; 11,30-33.

 

TRẢ LỜI: Trong Tin Mừng Máccô, khuôn mặt của Gioan Tẩy giả khá nổi bật. Gioan sống trong hoang địa, sống một đời sống khắc khổ. Ông xóa mình trước Đấng đến sau ông (Mác-cô 1,6-9); ông là một vị ngôn sứ, có môn đệ riêng (Mác-cô 2,18); ông bị bắt và bị chém đầu vì can ngăn nhà vua lấy vợ của anh mình (Mác-cô 6,14-29); dân chúng tin ông thật là vị ngôn sứ của Thiên Chúa (Mác-cô 8,28), và tin phép rửa của ông là phép rửa bởi trời (Mác-cô 11,30-33).

 

 

GỢI Ý SUY NIỆM: Theo bạn, để làm chứng về Chúa Giêsu cho con người hôm nay, chúng ta có cần sống trong hoang địa và ăn mặc như Gioan không ? Đời sống của người kitô hữu hôm nay cần khác biệt về mặt nào để có thể đưa con người hôm nay gặp Chúa ? Cụ thể trong Mùa Vọng này, tôi muốn quyết tâm sửa đổi điều gì ?

 

 

 

 

 

 

 

LỜI NGUYỆN

Lạy Chúa, con cám ơn Chúa

về tất cả những điều Chúa đòi hỏi nơi con trong suốt cuộc đời.

Chúc tụng Chúa về thời đại con đang sống.

Chúc tụng Chúa về những giờ phút sướng vui

những ngày tủi thân buồn bã.

Chúc tụng Chúa về cả những gì

Chúa đã không cho con được hưởng.

Lạy Chúa, xin đừng sa thải

người tôi tớ bất xứng và lười biếng của Chúa đây.

Ôi lạy Chúa khôn ngoan, nhân hậu và yêu thương,

xin đừng đuổi con xa Chúa.

Xin giữ con để con luôn phụng sự Chúa trong suốt đời con.

Xin giữ con để con phục vụ bất cứ điều gì Chúa muốn.

Dù khi mỏi mệt, dù khi chán chường,

con xin Chúa vẫn luôn kiên nhẫn,

để không bao giờ mỏi mệt về con,

giữ con luôn luôn phụng sự Chúa.

Xin Chúa đến giúp con,

ban cho con ơn bắt đầu và lại bắt đầu,

cho con biết cậy trông

cả những khi cùng đường tuyệt vọng,

cho con tin chắc rằng Chúa sẽ thắng,

một chiến thắng huy hoàng nơi con.

 

Karl Rahner

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài khác
Cn 3982: Thiên Thần Tại Linh Địa Akita (1) (1/11/2018)
Cn 3922: Cuộc Hiện Ra Của Đức Bà Thành Công (our Lady Of Good Success) #2 (7/25/2017)
Cn 3921: Đức Bà Thành Công (our Lady Of Good Success) (7/21/2017)
Câu Chuyệ̣n 6: Nhờ Ơn Đức Mẹ Mà Hết Què (3/29/2017)
Câu Chuyệ̣n 1: Hãy Tin Tưởng Mẹ Maria (3/28/2017)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768