MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Mẹ Maria, Ðấng Ðồng Công Cứu Chuộc
Thứ Sáu, Ngày 16 tháng 9-2016
Mẹ Maria,  Ðấng Ðồng Công Cứu Chuộc
 
Thư Gởi Bạn Hiền 22
 
Atlanta ngày 9 tháng 9, năm 2014
 
Bạn thân mến,
 
Nhiều anh em không đồng ý Ðức Maria là Ðấng Ðồng Công Cứu Chuộc. Những anh em này lý luận rằng, nếu Ðức Maria thật là Ðấng Ðồng Công Cứu Chuộc thì công cuộc cứu chuộc chúng ta của Chúa Giêsu là một công cuộc cứu chuộc chưa đầy đủ, còn thiếu; vì có thiếu thì Chúa Giêsu mới cần người đồng công với mình, và nếu công cuộc cứu chuộc chúng ta của Chúa Giêsu còn thiếu thì đức tin chúng ta đặt vào Người là đức tin hão huyền. Nhưng vì Chúa Giêsu đã phán, Gioan 14:6, “Ta là đường, là sự thật, và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua thầy.” Cho nên, thật là rõ ràng, chúng ta có đến được với Chúa Cha hay không, có được cứu chuộc hay không là phải qua Chúa Giêsu, và chỉ có qua Chúa Giêsu mà thôi nên công cuộc cứu chuộc chúng ta của Chúa Giêsu phải là đầy đủ và vẹn toàn; Người không cần ai đồng công với Người, cho nên ai tin Ðức Maria là Ðấng Ðồng Công Cứu Chuộc thì người đó thật là sai lầm.
 
Anh em thân mến, đúng là chúng ta có đến được với Chúa Cha hay không là phải qua Chúa Giêsu và chỉ qua Chúa Giêsu mà thôi, nhưng Ðức Maria vẫn là Ðấng Ðồng Công Cứu Chuộc. Ðúng là công cuộc cứu chuộc chúng ta của Chúa Giêsu là công cuộc cứu chuộc hoàn toàn đầy đủ và vẹn toàn, nhưng Chúa Giêsu vẫn cần sự đồng công của mẹ mình là Ðức Maria Trinh Khiết Vẹn Toàn. Tại sao vậy?
 
Chúng ta hãy cùng nhau trở lại tội nguyên tổ. Như tôi đã chia xẻ với anh em trong TGBH 20, khi Ông Adong được tạo dựng thì con cái của ông, là mầm mống sự sống, đã có sẵn trong ông rồi. Cho nên khi Ông Adong ăn trái Chúa cấm, thì không phải chỉ một mình ông ăn, mà tất cả con cái ông đều đã ăn. Giống như một bà mẹ mang thai vậy, khi bà ăn thì thai nhi trong lòng bà cũng được ăn. Rõ ràng hơn, khi bất tuân mà ăn trái Chúa cấm thì hai ông bà đã trở thành người tội lỗi; mà từ là người vô tội đổi sang thành kẻ có tội là một sự thay đổi trạng thái, từ trạng thái sống sang trạng thái chết, chứ không phải là một ảnh hưởng như ăn đồ thiu thì bị đau bụng. Mà đã thay đổi trạng thái thì toàn thể con người của hai ông bà, mình, máu, linh hồn, nhân tính, và ngay cả mầm mống sự sống ở trong hai ông bà đều thay đổi. Tương tự như khi nước đổi từ thể lỏng sang thể đặc thì mọi phân tử của hợp chất nước đều thay đổi chứ không phải chỉ có một phân tử H hay O là thay đổi mà thôi. Chính vì vậy mà Thánh Phao Lô dạy, Romans 5:12, “Vậy, bởi một người mà tội đi vào thế gian, và vì tội mà có sự chết thì vì thế mà sự chết đến với mọi người, giống như là mọi người đã phạm tội vậy.” Thành ra, ngoại trừ Mẹ Maria thì chúng ta, kể cả trẻ sơ sinh, ai cũng mang tội ăn trái Chúa cấm tức là tội tổ tông, và những tội chúng ta phạm. Mà đã mang tội, dù là một tội rất nhỏ nhoi, thì cũng không ai có thể vào nước Chúa ngoại trừ là người đó tẩy xóa được tội lỗi của mình.
 
Làm sao để chúng ta có thể tẩy xóa tội lỗi của chúng ta? Thưa, tự chúng ta, chúng ta không thể làm gì để có thể tẩy xóa tội lỗi của chúng ta được; khi đã phạm tội, chúng ta chỉ có thể được tha thứ mà thôi. Ở đây, chúng ta cần phân biệt, khi tội được tha thứ thì hoàn toàn khác với được tẩy xóa. Tha thứ là bỏ qua, không bao giờ nhắc đến một lỗi lầm nào nữa, nhưng ảnh hưởng và kết quả gây ra bởi tội đó vẫn còn. Thí dụ tội đánh đập người vô cớ. Nếu như nạn nhân tha thứ cho người đánh đập mình thì chỉ có nghĩa là người bị đánh đập bỏ qua chuyện này, không truy tố, không bao giờ nhắc tới mà cũng không đòi hỏi gì. Thế nhưng những đau đớn mà nạn nhân phải chịu thì đã xảy ra và không thể lấy lại được, nên tuy đã được tha thứ, nếu kẻ hành hung thành tâm ăn năn thống hối thì phải tự tìm cách mà đền bù cho nạn nhân cách cân xứng, và tội hành hung này không được tẩy xóa cho đến khi nạn nhân được đền bù cách cân xứng. Còn tẩy xóa tội có nghĩa là tội đó được bôi đi, xóa đi; giống như tội đó chưa xảy ra. Vì thế mà tự chúng ta, chúng ta không thể làm gì để có thể tẩy xóa tội lỗi của chúng ta được
 
Muốn được tha thứ thì chúng ta phải hội đủ ba điều kiện này: 1. Chúng ta phải nhìn nhận tội lỗi của mình. 2. Chúng ta phải ăn năn thống hối và phải dốc lòng chừa cải. 3. Chúng ta phải đền bù cách cân xứng cho mọi thiệt hại, mất mát gây ra bởi tội mà chúng ta phạm ngay khi còn ở đời này hoặc đời sau trong lửa luyện tội. Xin xem TGBH 7, và 11.  Còn muốn tẩy xóa tội của mình thì như tôi vừa chia xẻ ở trên, tự chúng ta, chúng ta không thể làm gì để có thể tẩy xóa tội lỗi của chúng ta được. Bởi vì muốn tẩy xóa tội lỗi của mình thì:
 
1.      Một là chúng ta phải có sự đền bù giống y như sự mất mát hay sự thiệt hại mà chúng ta gây ra. Tức là, SXH 21:23- 25, (23) “..., mạng đền mạng, (24) mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân, (25) phỏng đền phỏng, thương tích đền thương tích, roi đòn đền roi đòn.” Nhưng đền bù cách này chỉ có thể áp dụng cho những thiệt hại vật chất mà thôi; còn những thiệt hại thể lý khác như sự đau đớn cũng như những thiệt hại luân lý, và những thiệt hại liên hệ khác thì chúng ta không thể đong lường được. Mà đã không đong lường được thì sự đền bù cũng không thể giống y như sự thiệt hại được. Vậy thì tẩy xóa tôi lỗi của mình bằng cách này coi như không ai làm được rồi!
2.      Hai là khi sự đền bù không thể giống y như sự mất mát hay sự thiệt hại mà tội lỗi của chúng ta gây ra thì chúng ta có thể dâng một của lễ để thay cho sự đến bù mà chúng ta phải có với điều kiện là người được đền bù đồng ý và chấp nhận của lễ mà tội nhân dâng để đền bù. Như vậy, trong hai cách tẩy xóa tội lỗi này, chắc bạn thấy chỉ có cách thứ hai là có thể thực hiện được, đúng không? Vâng, đúng như vậy. Thế nhưng..., vì chúng ta là hình ảnh Thiên Chúa, vì chúng ta là tạo vật của Thiên Chúa, vì chúng ta là đền thờ Chúa Thánh Thần, và vì chúng ta là chi thể Chúa Kitô nên khi phạm tội, thì ngoài phạm đến chính mình, phạm đến tha nhân, chúng ta còn phạm đến Thiên Chúa nữa. Mà đã phạm đến Thiên Chúa thì chúng ta không thể có được sự đền bù nào giống y như sự xúc phạm mà tội lỗi của chúng ta gây ra cho Người được. Còn nếu chúng ta muốn dâng một của lễ đền bù thì, ngoại trừ Mẹ Maria, chúng ta cũng không ai có thể có được bất cứ một của lễ nào đáng được Chúa Cha chấp nhận. Thành ra khi đã phạm tội thì chúng ta không thể làm gì để có thể tẩy xóa tội lỗi của mình.
 
Nhưng chúng ta thì không ai tẩy xóa được tội lỗi của mình chứ còn đối với Thiên Chúa thì sự gì cũng có thể. Vậy Thiên Chúa tẩy xóa tội lỗi của chúng ta bằng cách nào? Thưa Người tẩy xóa tội lỗi chúng ta theo cách thứ hai, tức là nếu chúng ta có một của lễ nào dâng lên Người mà Người chấp nhận thì Người sẽ tẩy xóa tội lỗi của chúng ta. Nhưng Người biết chúng ta không có của lễ nào đáng được Người chấp nhận nên Người mới cho chúng ta của lễ để chúng ta dâng lên Người mà đền bù cho tội lỗi của chúng ta cách cân xứng. Của lễ Người cho là của lễ mà mỗi khi chúng ta dâng thì chẳng những là Người không bao giờ từ chối mà Người lại không thể từ chối được. Của lễ ấy chính là Chúa Giêsu. Xin xem TGBH 13. Khi nhận của lễ này, Thiên Chúa sẽ xóa bỏ mọi tội lỗi của chúng ta, và như thế là chúng ta không phải đền gì cho Người nữa. Ðây là điều mà chính Thánh Gioan Tẩy Giả đã công bố, Gioan 1:29, “Ðây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xóa tội trần gian.”, và trong Thánh Lễ, mỗi khi nâng mình và máu Chúa Giêsu lên thì linh mục cũng công bố, “Ðây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xóa tội trần gian...”
 
Tại sao Chúa Cha lại phải cho Chúa Giêsu cho chúng ta? Sao Người không cho chúng ta một con vật đặc biệt nào, một vị thánh, hay một thiên thần mà phải cho Chúa Giêsu? Ðây là câu hỏi mà tôi đã đặt ra với bạn trong TGBH 8, còn câu trả lời thì thưa, vì Thiên Chúa là Ðấng Tác Tạo, còn lại thì tất cả đều là thụ tạo. Ðã là thụ tạo thì không một thụ tạo nào có thể có được các thuộc tính của đấng tạo ra mình. Cho nên, lấy một thụ tạo mà đền cho Ðấng Tác Tạo thì sự đền bù này không bao giờ có thể giống y như sự mất mát hay sự thiệt hại mà tội lỗi chúng ta gây ra được, và Thiên Chúa không bao giờ chấp nhận. Thêm vào đó, tất cả mọi thụ tạo là của Thiên Chúa. Lấy bất cứ cái gì của Thiên Chúa mà đền cho Thiên Chúa thì có đền bù gì đâu? Vậy, muốn đền bù cho Thiên Chúa cách cân xứng thì phải lấy Thiên Chúa mà đền cho Thiên Chúa. Chúa Cha ban Chúa Giêsu cho chúng ta là vì vậy.
 
Chúa Cha đã ban Chúa Giêsu cho chúng ta bằng cách nào? Thưa vì không một người tội lỗi nào xứng đáng đưa tay đón nhận Chúa Giêsu từ tay Chúa Cha nên Người mới trao Chúa Giêsu cho chúng ta qua Ðức Maria. Ai muốn đón nhận Chúa Giêsu làm của lễ dâng lên Chúa Cha thì người ấy chỉ có thể đón nhận Chúa Giêsu qua Ðức Maria mà thôi. Chính vì vậy mà sự có mặt của Ðức Maria trong chương trình cứu chuộc chúng ta của Thiên Chúa là sự có mặt không thể thiếu được. Nói cách khác, Chúa Giêsu không thể cứu chuộc chúng ta mà không có Ðức Maria. Vì thế Ðức Maria phải là Ðấng Ðồng Công Cứu Chuộc. Nhưng dù Ðức Maria đã đồng công với Chúa Giêsu, sự đồng công của Bà không hề, mà cũng không thể làm giảm giá trị bất cứ một việc làm nào của Chúa Giêsu, và nhất là không thể làm giảm đi chút nào giá trị cuộc tử nạn mà Chúa Giêsu đã chịu. Vì thế, tuy Ðức Maria là Ðấng Ðồng Công Cứu Chuộc, Chúa Giêsu vẫn là của lễ hy tế hoàn toàn đầy đủ và vẹn toàn. Ðức Maria thật là Ðấng Ðồng Công Cứu Chuộc. Không thể sai được!
 
Nhưng vai trò của Ðức Maria trong công cuộc cứu chuộc chúng ta của Thiên Chúa không phải là Bà chỉ có đón nhận Chúa Giêsu từ Chúa Cha rồi đem Chúa Giêsu mà ban phát cho những ai muốn đón nhận Người. Không! Không phải chỉ có thế! Bởi vì khi Chúa Cha ban Chúa Giêsu cho chúng ta là Người ban cho chúng ta một của lễ để chúng ta dâng lên Người mà đền thay cho tội lỗi của chúng ta; vì thế chúng ta phải có người dâng của lễ. Vậy ai trong chúng ta là người xứng đáng cho công việc này? Thưa không một ai trong những người tội lỗi như chúng ta là xứng đáng. Vì chúng ta là những người tội lỗi, mà đã có tội, dù là một tội rất nhỏ nhoi thì chúng ta cũng không ai có thể vào nước Chúa được, đừng nói chi tới chuyện ra trước nhan thánh Chúa mà dâng của lễ. Thế có phải Chúa Giêsu là người dâng của lễ lên Chúa Cha không? Thưa, trong bữa tiệc ly, khi Chúa Giêsu dâng chính Người lên cho Chúa Cha thì đó là lúc Người tự hiến mình làm của lễ chứ không phải là Người dâng của lễ. Tự hiến mình làm của lễ và dâng của lễ là hai việc làm hoàn toàn khác nhau. Dâng của lễ là bưng vác một của lễ nào rồi đem dâng của lễ đó lên cho một người hay một đấng nào đó, vì vậy, hành động dâng của lễ đòi phải có của lễ và người dâng của lễ. Còn tự hiến mình làm của lễ nghĩa là hoàn toàn trao phó chính mình cho một người nào để người đó xử dụng mình như một của lễ, vì thế, khi hiến mình thì hành động tự hiến tự nó là đầy đủ; vì thế mà khi tự hiến thì của lễ và người dâng của lễ là một. Tại sao Chúa Giêsu lại tự hiến mình làm của lễ? Ðể hiểu được lý do này, chúng ta phải trở lại của lễ mà Tổ Phụ Abraham dâng lên Thiên Chúa. Ông Abraham đã dâng gì? Thưa ông dâng con mình là Isaac. Thiên Chúa có nhận của lễ ông dâng không? Thưa không! Vì nếu Thiên Chúa nhận thì Người đã để cho Ông Abraham giết chết Isaac rồi. Người không nhận của lễ của Abraham vì trên đường đi dâng của lễ, cậu bé Isaac hỏi cha mình, STK 22:7, “Thưa cha, lửa và củi thì có đây, nhưng con chiên cho thiêu lễ thì ở đâu?” Hỏi như vậy tức là Isaac đã không biết ý định của cha mình. Và vì không biết nên, hiển nhiên là trong việc dâng hiến này, Isaac đã không có sự lựa chọn, thiếu hiểu biết, và không có tự do. Vì thế, nếu Isaac đã bị giết thì không phải là cậu đã tự hiến thân; mà vì Isaac đã không tự hiến thân nên Thiên Chúa cũng không bao giờ nhận một của lễ như vậy. Còn Chúa Giêsu, Người biết tỏ tường chương trình cứu chuộc chúng ta của Thiên Chúa. Người biết trước là Người sẽ phải chịu khổ hình và phải chết, nhưng vì yêu thương chúng ta nên Người đã tự hiến thân mình để được trở nên của lễ đền thay cho tội lỗi chúng ta. Vì thế, khi Chúa Giêsu tự hiến mình làm của lễ thì chúng ta mới có của lễ chứ chưa có người dâng của lễ; chưa có người mang vác, bưng Chúa Giêsu mà dâng lên cho Chúa Cha. Vậy thì ai là người xứng đáng cho công việc này? Thưa người xứng đáng dâng của lễ, xứng đáng mang, vác, bưng Chúa Giêsu mà dâng lên Chúa Cha chính là Ðức Maria Trinh Khiết Vẹn Toàn. Là một thụ tạo như chúng ta, Ðức Maria là người duy nhất được đặc ân vô nhiễm, là đấng không hề mắc tội tổ tông, là đấng trọn đời đồng trinh, là thụ tạo duy nhất tuyệt đối tuyệt hảo và vẹn toàn, là Mẹ Thiên Chúa. Một thụ tạo như Ðức Maria mới được phép bước ra, đứng trước nhan thánh Chúa mà dâng của lễ. Và vì chỉ có Ðức Maria là người được phép đứng trước nhan thánh Chúa mà dâng của lễ nên Bà không thể thiếu được trong chương trình cứu chuộc chúng ta của Thiên Chúa. Bà đồng công với Chúa Giêsu để cứu chuộc chúng ta là vì vậy. Khi dâng của lễ, Bà cũng không hề, mà cũng không thể làm giảm giá trị của lễ mà Bà dâng là Chúa Giêsu được. Và như thế, một lần nữa, tuy Ðức Maria là Ðấng Ðồng Công Cứu Chuộc, Chúa Giêsu vẫn là của lễ hy tế hoàn toàn đầy đủ và vẹn toàn. Ðức Maria quả là Ðấng Ðồng Công Cứu Chuộc! Thật sự là Ðấng Ðồng Công Cứu Chuộc!
 
Bạn thân mến, bây giờ chúng ta đã có của lễ để đền thay cho tội lỗi của chúng ta. Chúng ta cũng có người thay mặt chúng ta mà dâng của lễ lên Chúa Cha. Nhưng bạn có biết không? Dù Thiên Chúa là Ðấng Thánh, là Ðấng Toàn Năng. Trước mặt Người, toàn thể triều thần thiên quốc quỳ lạy và không ngừng tung hô, Thánh! Thánh! Thánh! Xung quanh Người, 12 đạo binh các thiên thần đêm ngày chầu chực. Vậy mà khi trao Chúa Giêsu cho chúng ta, nếu chúng ta không đón nhận thì Thiên Chúa cũng phải chịu vì Người đã ban cho chúng ta tự do. Và vì tôn trọng quyền tự do của chúng ta, Chúa Cha chỉ đặt Chúa Giêsu trong một cái hòm, hòm bia Thiên Chúa; ai muốn lãnh nhận Chúa Giêsu thì cứ đến đó mà lãnh. Thật là dễ dàng lại còn miễn phí nữa!
 
Thiên Chúa Cha đặt hòm bia Thiên Chúa ở đâu? Làm sao để chúng ta có thể nhận ra hòm bia này? Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã chỉ ban lời của Người cho con cháu nhà Jacob; Người đặt lời này  trong một chiếc hòm, hòm bia Thiên Chúa bằng gỗ quý dát vàng, và trao chiếc hòm này cho dân riêng của Người là Dân Do Thái. Bước sang Tân Ước, không phải Thiên Chúa chỉ ban cho chúng ta lời của Người mà Thiên Chúa lại ban cho chúng ta chính Ngôi Lời là Chúa Giêsu, và Chúa Cha đã đặt Ngôi Lời trong cung lòng Trinh Nữ Maria, là hòm bia Thiên Chúa mới. Thiên Chúa thật khôn ngoan và chu đáo biết bao khi, từ thời Cựu Ước, Người đã cho chúng ta thấy Ðức Maria qua hình ảnh một cái hòm. Như thế là để chúng ta thấy được, nếu chúng ta muốn đón nhận Chúa Giêsu làm của lễ dâng lên Chúa Cha thì chúng ta phải mở cửa cái hòm này, và nhất là để chúng ta thấy được, nếu chúng ta đón nhận Chúa Giêsu từ chiếc hòm này thì chúng ta  không thể sai lầm, không bị  Lucifer lường gạt. Vậy nếu bạn lãnh nhận hay có ai trao Chúa Giêsu cho bạn ở một nơi nào khác bên ngoài cái hòm này thì bạn biết ngay đó không phải là Chúa Giêsu thật. Và thưa bạn, một lần nữa, cái hòm này chính là Ðức Maria Trinh Khiết Vẹn Toàn. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã trao hòm bia Thiên Chúa cho dân riêng của Người là dân Do Thái. Bước vào Tân Ước, Thiên Chúa cũng làm như vậy, Người cũng trao hòm bia Thiên Chúa mới cho dân riêng của Người, cho giáo hội mà Người thành lập, là Giáo Hội Công Giáo.
 
Ðến đây chắc có bạn sẽ hỏi, nếu chỉ có Ðức Maria là người xứng đáng được phép đứng trước nhan thánh Chúa Cha mà dâng của lễ thì, trong Thánh Lễ, khi chúng ta dâng của lễ là chúng ta dâng của lễ lên cho ai? Thưa chúng ta dâng của lễ của chúng ta lên cho Chúa Giêsu. Chúng ta phải dâng của lễ của chúng ta lên Chúa Giêsu để của lễ của chúng ta và của lễ của Chúa Giêsu, là chính Chúa Giêsu, trở nên một. Rồi sau đó, cũng trong Thánh Lễ, khi Chúa Giêsu tự hiến mình thì của lễ của chúng ta được dâng lên Chúa Cha vì Chúa Giêsu, với Chúa Giêsu, và trong Chúa Giêsu. Của lễ này mới là của lễ được Chúa Cha chấp nhận; khi chấp nhận của lễ này thì Chúa Cha tẩy xóa mọi tội lỗi của chúng ta, những ai tham dự Thánh Lễ cách trọn hảo. Khi tội lỗi chúng ta được tẩy xóa thì chúng ta không còn phải đền bù gì cho Thiên Chúa nữa. Bạn có thấy Thánh Lễ cao trọng biết là dường nào không?
 
Câu hỏi sau cùng liên quan đến đề tài này là, Ðức Maria dâng Chúa Giêsu lên Chúa Cha khi nào? Thưa, Ðức Maria dâng Chúa Giêsu lên Chúa Cha khi Bà dâng Chúa Giêsu trong đền thánh, Luca 2:22, nhưng không kết thúc ở đây. Vì sự hiến dâng Isaac của Ông Abraham là một lễ tế bắt đầu bằng sự vâng phục Thiên Chúa của ông, và không hoàn thành cho đến khi ông toan sát tế con mình là Isaac. Sự hiến dâng Chúa Giêsu lên Chúa Cha của Ðức Maria là một hy tế cũng bắt đầu bằng sự vâng theo thánh ý Chúa của Bà và không hoàn thành cho đến khi Chúa Cha chấp nhận của lễ của Bà là cái chết của Chúa Giêsu, chết trên cây Thánh Giá. Vì thế, của lễ mà Ðức Maria dâng lên Chúa Cha không phải là Chúa Giêsu lành lặn, không mang thương tích mà là Chúa Giêsu đầy thương tích, Chúa Giêsu chịu khổ hình, chịu đổ hết máu mình ra, và chịu chết. Như vậy, trong công trình cứu chuộc chúng ta của Thiên Chúa, Chúa Giêsu là Ðấng thực thi công cuộc ơn cứu chuộc bằng cách tự hiến mình chịu  nạn, và chịu chết để trở thành của lễ đền bù cho tội lỗi của chúng ta, nhưng Ðức Maria lại là người dâng công cuộc ơn cứu chuộc này lên Chúa Cha. Trong một vai trò như vậy, làm sao Ðức Maria lại không là Ðấng Ðồng Công Cứu Chuộc cho được?
 
Ðiểm chót để chúng ta suy gẫm: Tại sao Chúa muốn Ông Abraham dâng con của ông? Thưa vì dâng con của mình mới là dâng. Dâng con người khác thì ai mà không dâng được? Vậy nếu Ðức Maria đã dâng con người khác thì dù đứa con này có tự hiến, nhất định là Thiên Chúa không nhận của lễ Bà dâng. Nhưng Ðức Maria đã dâng con của chính mình, đứa con duy nhất, đứa con tự hiến. Vì thế, Ðức Maria chẳng những thật là Ðấng Ðồng Công Cứu Chuộc; Bà còn thật sự là mẹ Chúa Giêsu, Mẹ Thiên Chúa nữa. Xin Chúa chúc phúc và dẫn đưa bạn về đường ngay nẻo chính. 
 
Thân ái kính chào trong Chúa và Mẹ Maria,
 
Giuse Phạm Văn Tuyến
Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Xin Đức Mẹ Fatima Thánh Du Chúc Phúc Lành Bình An Cho Quý Vị (9/23/2016)
Tôi Đây Là Nữ Tỳ Của Chúa! (9/22/2016)
Uy Danh Của Đức Mẹ Maria (9/20/2016)
Cn 3695: Kính Chào Đức Mẹ Fatima Thánh Du (9/20/2016)
Đức Mẹ Cười (9/17/2016)
Tin/Bài khác
Thơ Kính Nhớ Đức Mẹ Sầu Bi (9/15/2017)
Cn 3687: Xin Mẹ Sầu Bi Cầu Bầu Cho Các Bà Mẹ (9/15/2016)
Trái Tim Mẹ Sẽ Thắng, Lm Vĩnh Sang, Dcct (9/15/2016)
Suy Niệm Lễ Đức Mẹ Sầu Bi, Lm Anthony Trung Thành (9/15/2016)
Giọt Trầm Maria (9/15/2016)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768