MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Giáo Sư Scott Haln, Mục Sư Giáo Phái Presbytarian Trở Lại Công Giáo
Thứ Hai, Ngày 30 tháng 3-2015

Giáo sư Scott Haln, mục sư giáo phái Presbytarian
trở lại Công Giáo, Lm. Trọng Thưởng, CMC
 
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
 
Scott Haln hiện là giáo sư tại một đại học Công giáo, có bằng tiến sĩ Thần học. Trước khi trở lại đạo Công giáo, anh là một mục sư giáo phái Presbytarian. Anh kể lại như sau:
 
Trước đây 20 năm, nếu có ai nói rằng tôi sẽ trở lại Công giáo, chắc tôi cười lăn bò ra đến gẫy cả xương sườn, vì tôi đã có cái nhìn sai lầm rất sâu đậm đối với giáo hội Công giáo. Ðức tổng giám mục Fulton Sheen đã nói: "Tại Hoa Kỳ không có tới 100 người thật sự ghét đạo Công giáo, nhưng có hàng triệu người ghét cái mà họ hiểu lầm là đạo Công giáo."

Tôi rất nhiệt thành tìm biết chân lý và sống theo chân lý. Nhìn lại đời tôi, diễn tiến tìm kiếm sự thật lúc đầu giống như một câu chuyện trinh thám, để rồi dần dần biến thành câu chuyện kinh hãi. Những sự thật mà tôi tìm gặp được đó đây làm tôi sợ hãi vì nó vượt ra ngoài sức tưởng tượng và khả năng chấp nhận của tôi. Tuy nhiên với lòng thành thật tôi nhìn ra Chúa Thánh Thần đang làm việc trong đời tôi.
Ở tuổi thiếu niên tôi là con người rất hăng hái, đầy nghị lực.

Chính vì thế có lần tôi đã bị ngồi tù vì đụng chạm đến pháp luật. Từ đó tôi nghĩ lại: "Không thể tiếp tục như thế này được. Cứ đà này sẽ tàn héo cả cuộc đời mình." Sau đó tôi đã gặp Jack, một người nhiệt thành, chuyên tụ tập những thiếu niên hay gây rắc rối qua những cuộc tổ chức đấu bóng rổ, hòa nhạc, và lợi dụng những dịp đó để nói về Chúa Kitô. Jack đã giúp chúng tôi nhận ra mình là tội nhân và thách thức chúng tôi đón nhận Chúa Kitô là Chúa và là Ðấng Cứu Chuộc riêng của mỗi người. Tôi đã đáp lại lời mời của Jack gia nhập tổ chức "Young Life". Tôi bắt đầu say mê học hỏi Thánh Kinh. Khi giáo sư tại trung học ra bài "research" tôi xin làm về Martin Luther, một vị anh hùng tôi mộ mến do Jack giới thiệu. Tôi rất ghét đạo Công giáo. Tôi đã từng cặp bồ với một thiếu nữ Công giáo. Tôi tặng cô cuốn Kinh Thánh sặc mùi phản Công giáo. Sau này cô đã viết thư cho tôi: "Cám ơn anh đã tặng cho tôi cuốn Kinh Thánh. Tôi sẽ không bao giờ đi lễ nữa."Thật ra tôi đã làm việc này với lòng nhiệt thành, nghĩ rằng mình làm đúng.
Bà ngoại của tôi là người Công giáo, rất hiền lành, đạo đức, thánh thiện. Sau khi bà tôi qua đời, gia đình tìm thấy trong túi bà cuốn Kinh nguyện Công Giáo và cỗ tràng hạt. Tôi phẫn uất nghĩ thầm: "Ðây là những thứ mê tín dị đoan đang trói buộc linh hồn bà". Tôi giật đứt cỗ tràng hạt và ném tất cả vào thùng rác. Khi còn ở đại học, tôi cùng với người bạn trong cơn hăng hái đã vận động viết lại câu: "Ðức Giáo Hoàng là Phản Kitô" trong bản tuyên xưng của giáo phái, đã bị loại bỏ từ lâu.

Trong đại học tôi đã làm quen với Kimberly và cưới nàng mấy năm sau đó. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi và Kimberly tiếp tục theo đuổi bằng cao học thần học. Kimberly theo chương trình 2 năm, còn tôi theo chương trình 3 năm để trở thành mục sư. Trong thời gian này Kimberly có học một lớp về luân lý. Lớp chia ra mấy nhóm để nghiên cứu và trình bày nhiều vấn đề khác nhau. Kimberly chọn vào nhóm phụ trách vấn đề ngừa thai. Ðối với người Tin lành ngừa thai bằng thuốc không có gì trái. Khi nghe nói Kimberly chọn vấn đề đó tôi hơi ngạc nhiên. Sau khi trình bày vấn đề trong lớp, tôi nghe nhiều người khen bài của Kimberly. Tôi nói với nàng:

- Anh muốn nghe những lý lẽ chống việc ngừa thai nhân tạo. Nhưng chỉ muốn nghe lý thuyết thôi, chứ đừng thay đổi thói quen "tốt lành" của mình.

Sau khi nghe những lý lẽ chống ngừa thai, hầu hết là của giáo hội Công giáo, của đức giáo hoàng, chúng tôi bị chinh phục và ngưng dùng thuốc ngừa thai. Nhiều người bạn Tin lành của chúng tôi cũng vậy. Thật trớ trêu vì những giáo huấn Công giáo này khuất phục được nhiều người Tin lành, trong khi đó lại bị nhiều nhà thần học, người trí thức Công giáo chống đối. Khi chúng tôi định sang Anh quốc để tu nghiệp thì Kimberly mang thai (vì chúng tôi không dùng thuốc ngừa thai nữa), nên chúng tôi phải đổi ý định.

Tôi kiếm được việc tại một xứ đạo tại tiểu bang khác, nên chúng tôi đổi nơi sinh sống. Trong nhiệm vụ mục sư tôi dành nhiều thời giờ nghiên cứu và mở lớp Kinh Thánh. Hội đồng trưởng lão yêu cầu tôi giảng mỗi 45 phút mỗi ngày Chúa Nhật đào sâu Thánh Kinh. Quí vị thử tưởng tượng nếu một linh mục Công Giáo giảng lễ Chúa Nhật 45 phút, chắc chắn tuần sau không ma nào đến dự lễ. Ngược lại giáo dân trong xứ đạo của tôi họ rất phấn khởi. Có lúc hội đồng trưởng lão còn yêu cầu tôi soạn thảo nghi thức phụng vụ cho thích hợp với Kinh Thánh, vì tôi giảng giải nhiều về phụng vụ trong thư gửi Do thái. Tôi đã làm theo ý họ và giờ lễ Chúa Nhật trở nên sống động và mọi người thích thú.

Trong thời gian này tôi có dịp đọc rất nhiều sách và tìm thấy nhiều ý nghĩa tuyệt vời từ những tác phẩm Công giáo như của các thánh Augustinô, Justinô tử đạo, Tôma Aquina, các giáo phụ, các đức giáo hoàng... Ðiều này làm tôi choáng váng và kinh hãi. Nhiều ý tưởng đến với tôi khi học hỏi về Thánh Kinh trước kia đã có trong sách các tác giả trên từ bao nhiêu thế kỷ trước. Tôi có cảm tưởng như mình đang sáng chế ra cái đã có từ ngàn năm trước. Có lần trong lớp học Thánh Kinh của tôi, một học sinh giỏi nhất lớp, Rebecca, đến nói với tôi:

- Cả lớp đã bỏ phiếu ở cuối và đồng ý rằng mục sư sẽ theo đạo Công giáo.

Tôi giật mình và nói:

- Thôi đừng có đùa đi các em.

Rebecca nghiêm mặt và xác định:

- Chúng em đã bỏ phiếu đồng ý như thế.

Khi về nhà tôi thuật lại cho Kimberly, tưởng rằng nàng sẽ bật cười, nhưng nàng nghiêm nét mặt hỏi lại:

- Có thật là anh sẽ theo đạo Công giáo?

Tôi chối phăng đi và cho như chuyện trò đùa. Kimberly nói thêm:

- Em có cảm tưởng như anh là Martin Luther đổi ngược.

Ðiều này làm tôi suy nghĩ thật nhiều và tôi cầu nguyện với: "Lạy Chúa, con sẵn sàng đi con đường Chúa muốn con đi, làm điều Chúa muốn con làm. Lòng con rộng mở để đón nhận ý Chúa."

Trong lớp Thánh Kinh nọ, John một học sinh trong lớp hỏi tôi:

- Chỗ nào trong Thánh Kinh dạy rằng "Sola Scriptura"? (Ðây là châm ngôn chính của Martin Luther khi khởi xướng phong trào ly khai Giáo hội. Ông cho rằng Thánh Kinh có quyền tối thượng trong việc giảng dạy, muốn gạt bỏ Thánh Truyền).

Tôi nghĩ thầm: "Hỏi gì mà ngớ ngẩn?" Tuy nhiên tôi biết đó không phải là một câu hỏi ngớ ngẩn và John cũng biết điều đó. Tôi trích một vài câu từ thư thánh Phaolô để tạm chống đỡ, nhưng John không hài lòng và tôi cũng thế. Câu hỏi đó làm tôi bàng hoàng và cố tìm câu trả lời. Tôi đã đi đến kết luận rằng Martin Luther đã sai lầm và tự mâu thuẫn. Nếu Thánh Kinh có quyền tối thượng duy nhất, tại sao điều này không được xác định trong Kinh Thánh?

Trước đấy tôi đã khám phá ra rằng châm ngôn "Sole Fides" (con người được công chính hóa nhờ đức tin, không cần việc làm) là kết quả giải thích sai lầm của Luther về giáo huấn của thánh Phaolô.

Trong lúc tâm tư tôi hoang mang, choáng váng trước sự thật quá bất ngờ, vị hiệu trưởng trường đại học nơi tôi đang dạy đến gặp và ngỏ ý muốn trao cho tôi nhiệm vụ giám học. Tôi vẫn hằng ước ao làm mục sư một thời gian đến tuổi trung niên tôi sẽ trở lại dạy học và làm giám học. Không ngờ mới xong cao học, ở tuổi 26 trẻ măng, mà chức giám học tự nhiên mò đến với tôi. Thật quá lòng mong ước! Nhưng tiếc thay nó đến không đúng lúc. Những câu hỏi về niềm tin, về chân lý đang dằn vặt tôi, nên tôi đành chối từ địa vị đáng ước mơ đó. Chẳng những thế tôi còn quyết định bỏ dạy học, bỏ ghế mục sư. Tôi không thể chôn vùi tiếng lương tâm, tiếng gọi của chân lý, của Chúa Kitô, vì tôi biết mình sẽ phải đối diện với Chúa Kitô. Tôi phải làm sao để khi ấy có thể nói được với Ngài rằng: "Lạy Chúa con đã giảng dạy những gì Chúa mạc khải cho con." Tôi tỏ bày tâm sự với Kimberly. Tuy ngạc nhiên và nuối tiếc cho tôi, nàng vẫn tôn trọng và ủng hộ quyết định của tôi. Nàng nói:

- Thôi thì mình sẽ đi tìm việc gì đó ở chỗ nào đó mà sống cũng được.

Chúng tôi dọn về phố nơi đã theo học đại học. Bạn bè và những giáo sư quen biết ở trường ngạc nhiên đón tiếp chúng tôi trở lại. Tôi kiếm được việc dạy triết tại đại học. Lúc này tội để rất nhiều giờ nghiên cứu sách vở của các tác giả Công giáo. Có lần tôi tìm đến một vị linh mục, có thói quen hút thuốc liền tù tì như ống khói xe lửa. Tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu về đạo Công giáo. Vị linh mục gạt phăng đi nói những điều có ý như thời buổi sau công đồng Vatican II, đã là Kitô hữu không cần trở lại Công giáo. Tôi thất vọng bèn tìm cách khác, xin ghi danh học tại chủng viện thần học Công giáo. Lúc này Kimberly hoảng sợ vì nghĩ rằng tôi sẽ thật sự trở lại đạo Công giáo. Nàng gọi cho Jerry, một người bạn thân của tôi, đang làm mục sư, cầu cứu xin giúp cho tôi lấy lại tâm trí sáng suốt.

Jerry hăm hở gọi điện thoại nói chuyện với tôi. Chúng tôi trao đổi tên của cả mấy chục cuốn sách. Nhiều khi nói chuyện trên điện thoại với nhau đến cả 2, 3 giờ sáng, cố gắng tìm ra những sai lầm của cả Tin lành lẫn Công giáo. Jerry hỏi thêm tên các sách Công giáo. Tôi gửi cho anh một lúc 20 cuốn. Trong 2 tuần anh đã đọc hết mọi cuốn. Tôi và Jerry thảo luận mãi vẫn không giải quyết được những vấn đề đưa ra. Sau cùng chúng tôi gọi cho sư phụ dạy thần học chúng tôi trong chủng viện. Chúng tôi dàn xếp để gặp nhau nói chuyện thật lâu giờ, nghiên cứu các tài liệu công đồng Trent... Tuy nhiên câu trả lời của sư phụ không giải đáp được vấn đề mà gây thêm nhiều câu hỏi. Chúng tôi nhận ra lối giải thích Thánh Kinh của ông không đồng nhất, và cắt xén khỏi toàn bộ. Sau cùng chúng tôi mới nhận ra mình bị lừa mãi từ xưa đến nay.

Giải pháp sau cùng mà tôi với Kimberly thỏa thuận với nhau là dọn nhà đến Milwaukee, ghi danh học lấy bằng tiến sĩ thần học tại đại học Công giáo, lúc đó là năm 1986. Tôi dự định sẽ gia nhập Công giáo năm 1990 và cho Kimberly biết như thế. Trong thời gian này nàng thật đau khổ, dằn vặt vì e sợ cảnh chia rẽ niềm tin trong gia đình, nhưng vẫn tôn trọng quyết định của tôi. Một ngày tôi tò mò đến dự lễ tại nhà nguyện của đại học. Nhìn thấy thái độ cung kính, sốt sắng của người dự khiến tôi thật cảm động. Những nghi thức, lời nguyện trong thánh lễ khiến lòng tôi say mê. Tôi đã nghiên cứu rất tường tận giáo lý về bí tích Thánh Thể và khát khao được lãnh nhận Chúa Giêsu. Bất chợt tôi lại được Jerry, người "anh hùng" định cứu tôi ra khỏi cơn "mê hồn trận" sẽ được rửa tội vào Công giáo ngày lễ Phục Sinh. Ðâu có thể là như vậy được, tôi có ý trước hắn mà lại thua hắn sao? Lòng khao khát rước Thánh Thể khiến tôi không thể chờ đợi được. Tôi bày tỏ ý định với Kimberly, và nàng nói:

- Anh nói mãi đến năm 1990 cơ mà!

- Ðó là anh nói, còn Chúa nói khác.

Tự trong lòng tôi cảm thấy còn chần chừ là đi ngược lại ý Chúa, và Kimberly đã thông cảm cho tôi điều đó. Tôi cầu xin để biết ý Chúa. Trong lòng tôi có tiếng hỏi: "Còn con, con muốn gì?" Tôi muốn về nhà Cha, tôi muốn lãnh nhận Thánh Thể! Lễ Phục Sinh năm 1986 đánh dấu một thời đại mới cho đời tôi. Tôi được lãnh nhận liền tù tì 3 bí tích: Rửa Tội, Thêm Sức, và Thánh Thể, biết rằng Chúa Kitô ở với tôi, yêu thương tôi cho dù cuộc đời có ra sao đi nữa.

Tôi biết Kimberly rất đau khổ vì nàng chưa sẵn sàng cho tôi trở lại Công giáo. Có thể nàng còn coi việc trở lại Công giáo như đầu hàng với kẻ thù, phản bội lại gia đình, bạn bè. Tuy nhiên tôi phải đối diện với Chúa Kitô, với chân lý và thi hành điều Chúa muốn tôi làm.

Tôi kêu gọi những người Công giáo hãy ý thức được gia sản phong phú trong Giáo Hội. Kinh Thánh là nền tảng của chân lý. Các bạn hãy tìm hiểu học hỏi, mộ mến Thánh Kinh. Chúng ta có Chúa Kitô bằng xương bằng thịt ở với chúng ta trong bí tích Thánh Thể. Chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa vì được lãnh nhận những ơn phúc này. Giáo hội quí trọng Kinh Thánh, Lời Chúa, cũng như Thánh Thể, như công đồng Vaticanô II xác nhận. Tôi xin các bạn 3 điều:

1) Cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích đây là nguồn ơn phúc dồi dào làm phong phú đời sống.

2) Ðọc Thánh Kinh, không cần phải đọc ngấu nghiến, đọc nhiều, mỗi lần một vài đoạn thôi. Ðể cho lời Chúa thấm nhuần vào tâm hồn và cuộc sống của bạn.

3) Sống tốt lành trong từng hoàn cảnh của cuộc đời: làm một người thợ tốt, bạn tốt, người chồng, người vợ tốt... Làm chứng cho Chúa Kitô cách kiên trì trong cuộc sống.

Giáo sư Scott Haln tiếp tục đi khắp Hoa Kỳ diễn thuyết, nói chuyện về cuộc trở lại, tổ chức các lớp tu nghiệp diễn giải Kinh Thánh cùng với vợ là Kimberly Haln, đã trở lại Công Giáo sau chồng một thời gian. Họ cũng viết nhiều tác phẩm xuất sắc diễn giải Kinh Thánh.

Qua chứng từ của Scott chúng ta nhìn thấy bàn tay Thiên Chúa hướng dẫn những ai thành tâm tìm kiếm chân lý, tìm kiếm Chúa. Những người thật sự sống gần Chúa không thể chấp nhận điều gian dối, sai lầm để cầu an. Scott là bằng chứng hùng hồn nói lên rằng Giáo Hội có một gia sản chân lý phong phú trong Thánh Kinh và Thánh Truyền. Sau khi Scott trở lại Công giáo, Kimberly rất đau khổ. Một nỗi đau khổ dằn vặt Kimberly là cô cảm thấy mình đang chống lại Chúa. Tự trong thâm tâm cô nhận ra rằng chân lý đang lôi cuốn cô đến với Giáo hội Công giáo, nhưng cô lo sợ đánh mất cha mẹ, anh chị em, truyền thống đạo Tin lành của gia đình. Cô thú nhận rằng: "Tôi chưa hề lên cơn đến độ ném tung sách vở. Thế mà khi đọc sách của các giáo phụ, tôi đã ném tung cuốn sách từ đầu phòng đến cuối phòng, vì nó... có lý quá!" Tâm trí cô như đôi mắt quen ở trong bóng tối, khi nhìn thấy ánh sáng chói lòa của chân lý, không thể chịu đựng được. Tuy nhiên với tấm lòng rộng mở do ơn thánh Chúa, cô đã dần dần đón nhận chân lý và gia nhập giáo hội
Công giáo. Một người thành tâm học hỏi Thánh Kinh cách tường tận không thể chấp nhận một giáo hội nào khác ngoài giáo hội Công giáo.

Thứ đến những giáo huấn của các vị giáo hoàng, của giáo hội có dấu ấn của chân lý, của Thiên Chúa vì đặt trên nền tảng Thánh Kinh. Thí dụ như giáo huấn về ngừa thai, tông huấn Humanae Vitae của Ðức Phaolô VI... được chính những người Tin lành, chống giáo hội, coi Ðức Thánh Cha là phản Kitô, phải khâm phục và vâng theo. Khi vâng theo như vậy họ đã sẵn sàng trả giá, chịu thiệt thòi trong cuộc sống. Họ là những người ngay chính, chân thật, hơn nhiều con cái của Giáo hội, nhiều nhà thần học Công giáo.

Scott cũng nhắc nhở chúng ta vẻ đẹp của phụng vụ thánh lễ, bí tích Thánh Thể, các nghi thức Công giáo khác. Chúng ta tham dự quá nhiều thánh lễ, nghi thức trong đạo từ khi có trí khôn đến nay. Do đó có thể coi thường những điều đó cách nào, cũng có thể vì chúng ta chưa hiểu biết ngọn nguồn, nền tảng của các nghi thức phụng vụ trong Thánh Kinh nên không nhận ra cái hay, cái đẹp trong đó. Tóm lại, Thiên Chúa ban cho chúng ta trí khôn để nhận biết chân lý. Chúng ta cần vận dụng trí khôn, học hỏi, nghiền ngẫm Kinh Thánh để tìm ra sự thật.

Scott Haln cũng viết rằng: "Chúng tôi, những người tân tòng, được trở nên thật giầu có, phong phú. Chúng tôi được nhận lãnh báu vật vượt xa lòng ứơc mơ cao vời nhất! Lời nào có thể diễn tả được nỗi lòng của đứa trẻ, sau khi lần lượt sống tại nhiều viện mồ côi và nhà cha mẹ nuôi, sau cùng được đứng trước một dinh thự nguy nga dưới ánh nhìn yêu thương của cha mẹ, anh chị em ruột thịt lâu ngày xa cách? Ðứa trẻ đến trình diện Người Cha, Thiên Chúa toàn năng, và Ðức Maria, người Mẹ và nữ vương của nó, bên cạnh có anh cả, Vua Giêsu ngự trong vinh quang chói lòa giữa các thiên thần và các thánh, cùng vô số anh chị em cả trên trời cũng như dưới đất. Bạn có thể tưởng tượng ra được cuộc hội ngộ nào thánh thiện và vương giả hơn chăng? Ít có niềm vui nào lớn hơn nỗi hân hoan kể trên của những đứa con lạc xa niềm tin sau cùng được trở về gia đình.

Những phiền sầu phải trải qua không đáng kể so với châu báu chiếm được: Thánh Thể, đức thánh cha, giáo huấn Giáo hội, các bí tích, Ðức Maria, các thánh, vinh quang của Ðức Kitô phản chiếu nơi Giáo hội của Ngài. "Thật ra, tôi kể mọi sự như thua thiệt vì mối lợi cao vượt trên tất cả được biết Ðức Giêsu Kitô, Chúa tôi" (Phil 3,8)

Lm. Trọng Thưởng, CMC
 
(Trích dẫn Nguyệt San Trái Tim Ðức Mẹ số 267, tháng Ba năm 2000)

 

 

 

 

 

 


 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Sư Bà Trở Về Công Giáo (4/2/2015)
Đức Mẹ Của Người Công Giáo (4/2/2015)
Cùng Các Linh Mục Con Cưng Của Mẹ, Tập 2 # 58 (534-535) Thông Điệp Năm 1994 (3/31/2015)
Cùng Các Linh Mục Con Cưng Của Mẹ, Tập 2 # 57 (531-533) Thông Điệp Năm 1994 (3/31/2015)
Cùng Các Linh Mục Con Cưng Của Mẹ, Tập 2 # 56 (528-530) Thông Điệp Năm 1994 (3/31/2015)
Tin/Bài cùng ngày
Cùng Các Linh Mục Con Cưng Của Mẹ, Tập 2 # 55 (525-527) Thông Điệp Năm 1994 (3/30/2015)
Cùng Các Linh Mục Con Cưng Của Mẹ, Tập 2 # 54 (522-524) Thông Điệp Năm 1994 (3/30/2015)
Kìa Ai Đang Tiến Lên Từ Sa Mạc Thơm Ngát Mùi Nhũ Hương Mộc Dược (3/30/2015)
Tin/Bài khác
Cùng Các Linh Mục Con Cưng Của Mẹ, Tập 2 # 53 (519-521) Thông Điệp Năm 1994 (3/29/2015)
Cùng Các Linh Mục Con Cưng Của Mẹ, Tập 2 # 52 (516-518) Thông Điệp Năm 1994 (3/29/2015)
Cùng Các Linh Mục Con Cưng Của Mẹ, Tập 2 # 51 (513-515) Thông Điệp Năm 1994 (3/28/2015)
Cùng Các Linh Mục Con Cưng Của Mẹ, Tập 2 # 50 (510-512) Các Thông Điệp Năm 1994 (3/28/2015)
Cùng Các Linh Mục Con Cưng Của Mẹ, Tập 2 # 49 (602-604) (3/28/2015)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768