MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Phụng Vụ Lời Chúa Tuần 8 Thường Niên
Thứ Ba, Ngày 26 tháng 5-2015

Phụng Vụ Lời Chúa Tuần 8 Thường Niên

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

Dẫn Nhập:

Phụng niên của Giáo Hội bao gồm, theo thứ tự: Mùa Vọng và Giáng Sinh cùng Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh, Mùa Chay và Mùa Phục Sinh cùng Mùa Thường Niên hậu Phục Sinh. Tột đỉnh của Mùa Giáng Sinh là Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, cũng là lễ mở đầu cho Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh. Tột đỉnh của Mùa Phục Sinh là Lễ Thánh Thần Hiện Xuống, cũng là lễ mở đầu cho Mùa Thường Niên hậu Phục Sinh, một thời điểm được kết thúc vào lễ Chúa Kitô Vua liên quan đến mầu nhiệm cánh chung.

Như thế, theo phụng niên Mùa Thường Niên được chia làm hai phần: Mùa Thường Niên sau Giáng Sinh, kéo dài ít là 5 tuần lễ, như Chu Kỳ Năm C 2013, hay nhiều nhất là 9 tuần lễ, như Chu Kỳ Năm A 2011; và Mùa Thường Niên sau Phục Sinh, thường tiếp nối bằng cách bỏ đi một tuần sau Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh, chẳng hạn Chu Kỳ Năm B 2014, Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh kết thúc ở tuần 6 thì Mùa Thường Niên hậu Phục Sinh được tiếp tục ở tuần 8 ngay sau Chúa Nhật Hiện Xuống.

Nếu phụng niên cho các Chúa Nhật được chia ra làm chu kỳ 3 Năm A-B-C, theo Phúc Âm Thánh Mathêu (A), Phúc Âm Thánh Marco (B) và Phúc Âm Thánh Luca (C), thì phụng niên cho ngày trong tuần được chia ra làm Năm I (năm lẻ, như năm 2015) và Năm II (năm chẵn, như năm 2016), nhưng chỉ áp dụng cho bài đọc 1 mà thôi, còn Phúc Âm thì tiếp tục theo thứ tự như sau: 9 tuần lễ đầu (hậu Giáng Sinh) theo Thánh ký Marco là vị thánh viết cuốn phúc âm có thể nói là đầu tiên và ngắn nhất, 12 tuần lễ tiếp (tức từ tuần 10 đến hết tuần 21) theo Thánh ký Mathêu và 13 tuần lễ cuối (tức từ tuần 22 đến 34) theo Thánh ký Luca.

Nếu Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh là thời điểm kéo dài của Mùa Giáng Sinh và tiếp tục chủ đề "Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta" của Mùa Giáng Sinh, thì Mùa Thường Niên hậu Phục Sinh cũng tiếp tục chủ đề "Thày là sự sống" của Mùa Phục Sinh. Đó là lý do, trong mấy tuần lễ đầu của Mùa Thường Niên hậu Phục Sinh có các Chúa Nhật hay ngày trong tuần là những Lễ Trọng liên quan đến sự sống thần linh:

Trước hết là Chúa Nhật Lễ Thánh Thần Hiện Xuống, Đấng ban sự sống; sau Chúa Nhật Hiện Xuống là Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi, nguồn mạch sự sống thần linh; trong chính tuần lễ sau Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi là Thứ Năm Lễ Mình Thánh Máu Thánh Chúa Kitô, bí tích thông ban sự sống thần linh; một tuần sau Thứ Năm Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô là Thứ Sáu Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, động lực thông ban sự sống thần linh; ngay sau Thứ Sáu Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu là Thứ Bảy Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, Mẹ của sự sống thần linh.

Ngoài ra, nếu tột đỉnh của Mùa Giáng Sinh là Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, một biến cố Người chính thức và công khai tỏ mình ra cho riêng Tiền Hô Gioan Tẩy Giả, để mở màn cho sứ vụ Thiên Sai của Người nơi cộng đồng xã hội Do Thái là thành phần dân tuyển chọn của Thiên Chúa đang trông mong Đấng Thiên Sai, nhất là trong thời gian họ đang bị đế quốc Rôma đô hộ, thì chủ đề chung của Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh quả thực là "Lời ở giữa chúng ta", tức giữa Dân Do Thái.

Đó là lý do chiều hướng của phụng vụ Lời Chúa cho Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh hoàn toàn nhắm đến dân Do Thái, với những bài Phúc Âm của Thánh ký Marco trình thuật về một Chúa Kitô Thiên Sai của dân Do Thái.

Và nếu tột đỉnh của Mùa Phục Sinh là Lễ Hiện Xuống, một biến cố Chúa Kitô Phục Sinh, qua thành phần chứng nhân của Người, nhờ được "mặc lấy quyền lực từ trên cao" (Luca 24:49), bắt đầu tỏ mình ra "cho mọi tạo vật" (Marco 16:15) và "cho đến tận cùng trái đất" (Tông Vụ 1:8), thì chủ đề chung cho Mùa Thường Niên hậu Phục Sinh đúng là "sự sống" - "Thày là sự sống", một "sự sống đời đời" ở chỗ "nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Đức Giêsu Kitô Cha sai" (Gioan 17:3), mà muốn "nhận biết" là sự sống đời đời thì cần phải được rao giảng bởi "Giáo Hội lữ hành tự bản chất là truyền giáo" (Sắc Lệnh Truyền Giáo Ad Gentes của Công Đồng Chung Vaticanô II - đoạn 2).

Đó là lý do chiều hướng của phụng vụ Lời Chúa cho Mùa Thường Niên hậu Phục Sinh nhắm đến chung nhân loại, nhưng trước hết với những bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu (từ tuần 10 đến hết 21), một phúc âm viết cho dân Do Thái để chứng thực Chúa Kitô đúng là Đấng Thiên Sai của Dân Do Thái, và chính vì là Đấng Thiên Sai của dân Do Thái mà Người mới thực sự chính là Đấng Cứu Thế của chung nhân loại, như Phúc Âm Thánh ký Luca chứng thực (từ tuần 22 đến hết 34), một Phúc Âm được một vị Thánh ký xuất thân từ dân ngoại viết cho dân ngoại.

Thứ Hai

"được sống đời đời"

Chủ đề "Thày là sự sống" trong Mùa Phục Sinh quả thực đã kéo dài sang cả Mùa Thường Niên hậu Phục Sinh, như bài Phúc Âm của Thánh ký Marco (10:27-37) cho Thứ Hai Tuần 8 Thường Niên hôm nay cho thấy, qua câu hỏi của một người thành khẩn hỏi Chúa Giêsu: "Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?".

Qua câu trả lời của Chúa Giêsu, chúng ta thấy, trước hết, sự sống đời đời được chất chứa ngay trong Thập Giới, nghĩa là ai tuân giữ các giới răn, ít nhất tránh được những gì là tiêu cực thì cũng được rỗi, như Chúa Giêsu đã liệt kê: "đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt, hãy thảo kính cha mẹ".

Ở đây, chúng ta chỉ thấy 7 điều trong Thập Giới mà thôi, từ điều 4 tới điều 10: điều 4 - "thảo kính cha mẹ", điều 5 - "chớ giết người", điều 6 và 9 - "chớ ngoại tình", điều 7 và 10 - "chớ lấy của người" hay "chớ lường gạt" cũng có nghĩa là "chớ tham của người", và điều 8 - "chớ làm chứng dối", hoàn toàn không thấy 3 điều đầu tiên liên quan đến Thiên Chúa đâu.

Vậy chẳng lẽ không cần 3 điều đầu tiên và chính yếu hết sức quan trọng này thì cuối cùng cũng được rỗi, được sống đời đời hay sao?

Có thể, đối với Chúa Giêsu, 3 điều đầu tiên trong Thập Giới chưa được Người nhắc đến liên quan đến vấn đề thứ hai như Người đặt ra cho kẻ đặt vấn đề "được sống đời đời", đó là: "ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta".

Đúng thế, vấn đề thứ hai được Chúa Giêsu nêu lên sau khi liệt kê 7 điều tối thiểu trong Thập Giới thật sự là liên quan đến 3 điều đầu tiên của Thập Giới. Vì một khi thực hành được vấn đề thứ hai này thì con người ta nói chung và con người giầu có trong bài Phúc Âm nói riêng đúng là "thờ phượng và kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự" (điều 1 trong Thập Giới).

Tuy nhiên, trong trường hợp của con người giầu có trong bài Phúc Âm này cũng rất đặc biệt, ở chỗ, cho dù không thể làm theo lời khuyên của Chúa Giêsu trên đây, (một trong 3 lời khuyên của Phúc Âm được áp dụng nơi Đời Thánh Hiến tu trì trong Giáo Hội, trong đó có hai trong ba vị thánh tu trì được Giáo Hội tưởng nhớ hôm nay - 25/5/2015 - là Thánh Bêđa và Thánh Maria Mađalêna Pazzi dòng Kín Carmêlô), để có thể sống trọn lành hơn, nhưng người này vẫn không tham lam quá độ, hay vì tham lam mà lường gạt và gian lận sản vật của ai, thậm chí coi tiền bạc hơn mạng người, hay giầu có mà sinh tật trai gái ngoại tình, hoặc khinh thường bất kính với cha mẹ v.v.

Đó là lý do, như Phúc Âm thuật lại, "Chúa Giêsu trìu mến nhìn người ấy", sau khi nghe người này cho biết là "Lạy Thày, những điều ấy tôi đã giữ từ nhỏ". Và đó cũng là lý do Chúa Giêsu mới nhắc nhở con người đã đủ điều kiện tối thiểu để "được sống đời đời" ấy rằng "Ngươi chỉ còn thiếu một điều", đó là sống trọn lành hơn, một đời sống trước hết mang đến cho chính bản thân của đương sự cái lợi đầu tiên đó là được bình an vui sống, chứ không còn cảm thấy băn khoan khắc khoải và bất an nữa, dù bản thân và đời sống của đương sự "có nhiều của cải", một tâm trạng mà đương sự đã không thể nào che giấu ở ngay vấn đề được đương sự thoạt tiên đặt ra hỏi Chúa Giêsu "tôi phải làm gì để được sống đời đời", nhất là qua thái độ cuối cùng của đương sự "bỏ đi với nét mặt u buồn", sau khi nghe lời khuyên sống trọn lành của Người.

Trong lời khuyên của Chúa Giêsu "ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta", chúng ta thấy Người không bảo người giầu có đem bố thí gia tài của anh ta, mà bán trước rồi bố thí sau. "Bán" trước đây có nghĩa là gia tài này có giá trị chứ không phải đồ bỏ, và "bố thí" sau đó "cho người nghèo khó" có nghĩa là trao tặng những gì quí báu của mình cho thành phần có thể hiểu là nghèo khó thật sự về vật chất cần được chia sẻ giúp đỡ, mà cũng có thể nghèo khó về tinh thần bởi lòng tham vô đáy của con người cần ý thức lại trước gương từ bỏ của nghĩa cử "bố thí" rộng lượng của những ai muốn theo Chúa.

Và cũng chỉ sau khi "bán" và "bố thí" "tất cả gia tài" của mình đi, con người mới được "kho báu trên trời", ngay cả trước khi "theo" Chúa, chứ không phải chỉ sau khi theo Chúa mới được. Bởi vì "kho tàng của các con ở đâu thì lòng các con cũng ở đó" (Mathêu 6:21). Như thế, so với "kho báu trên trời" thì "tất cả gia tài" của con người trên trần gian này chẳng có là gì, vậy mà chỉ cần "bán" và "bố thí" đi "tất cả gia tài" chẳng bao nhiêu của mình thì họ như thể đổi 1 xu lấy 1 triệu vậy. Vì cho dù "tất cả gia tài" của con người ở trên đời này có giá trị đến đâu chăng nữa, cũng không quí bằng "kho báu trên trời" vốn là những gì vô giá không gì có thể so sánh được. Nghĩa là chỉ khi nào lòng của con người không còn quyến luyến một sự gì trên thế gian này nữa, dù tự bản chất của chúng là tốt và cần, ngoài một mình Thiên Chúa họ mới có thể theo Chúa mà thôi: "Không ai có thể làm tôi hai chủ... Các con không thể vừa phụng sự Thiên Chúa và làm tôi tiền của được" (Mathêu 6:24).

"Để được sống đời đời", đối với con người giầu có trong bài Phúc Âm hôm nay có thể đã hội đủ điều kiện tối thiểu để được thừa hưởng, một trường hợp phải nói là họa hiếm, còn đối với chung con người mang bản tính đã vướng mắc nguyên tội, với đầy những đam mê nhục dục và tính mê nết xấu là những mầm mống tội lỗi và luôn xu hướng về tội lỗi, thì vẫn phải trở về với Chúa bằng cách từ bỏ tội lỗi, cùng với các đường lối gian tà, bằng một tấm lòng tin tưởng nơi tình thương tha thứ của Ngài, như những lời khuyên dạy của Sách Huấn Ca (17:20-28) trong bài đọc 1 hôm nay cho Năm I - Năm Lẻ (như năm 2015 này), như sau:

"Hãy trở về với Thiên Chúa và hãy từ bỏ tội lỗi. Hãy kêu cầu trước tôn nhan Chúa, hãy chấm dứt những điều xúc phạm, hãy trở về cùng Chúa, hãy lánh xa những điều gian ác, và hãy chê ghét những điều xấu xa. Hãy nhận biết công minh và sự xét xử của Thiên Chúa. Hãy đứng vững và cầu xin với Thiên Chúa Tối Cao... Lòng nhân lành của Chúa và sự tha thứ của Người đối với những kẻ trở lại với Người thật lớn lao dường nào".

Thật vậy, Thiên Chúa dựng nên con người là để cho con người được thông phần sự sống thần linh của Ngài và với Ngài, chứ không phải để đầy đọa con người, để trừng phạt họ, cho dù họ tội lỗi đến đâu chăng nữa, miễn là họ nhận biết tình yêu của Ngài, chấp nhận và đáp lại tình yêu thương cứu độ của Ngài. Có như thế họ mới thấm thía cảm nghiệm những câu Thánh Vịnh 31 được Giáo Hội chọn đọc ở phần Đáp Ca (nhất là câu 2 và 4) cho phụng vụ lời Chúa hôm nay:

2) "Tôi xưng ra cùng Chúa tội phạm của tôi, và lỗi lầm của tôi, tôi đã không che giấu. Tôi nói: 'Tôi thú thực cùng Chúa điều gian ác của tôi, và Chúa đã tha thứ tội lỗi cho tôi'" (Thánh Vịnh 31:5).

4) "Chúa là chỗ dung thân, Chúa giữ tôi khỏi điều nguy khổ; Chúa đùm bọc tôi trong niềm vui ơn cứu độ". (Thánh Vịnh 31:7).

Thứ Ba

"sự sống đời sau"


Chủ đề "Thày là sự sống" trong Mùa Phục Sinh vẫn tiếp tục kéo dài sang cả Mùa Thường Niên hậu Phục Sinh, như bài Phúc Âm của Thánh ký Marco (10:28-31) cho Thứ Ba Tuần 8 Thường Niên hôm nay cho thấy, qua câu Chúa Giêsu trả lời cho Thánh Phêrô liên quan đến việc "được sự sống vĩnh cửu ở đời sau".

Thật thế, bài Phúc Âm hôm nay tiếp ngay sau bài Phúc Âm hôm qua. Nếu bài Phúc Âm hôm qua liên quan đến vấn đề "tôi phải làm gì để được sống đời đời" của một con người giầu có đã tuân giữ các giới răn từ nhỏ nhưng vẫn cảm thấy bất an bởi "còn thiếu một điều" là sống trọn lành, thì bài Phúc Âm hôm nay (Marcô 10:28-31) liên quan đến đời sống trọn lành hơn nơi thành phần môn đệ theo Chúa Kitô, tiêu biểu là Tông Đồ Phêrô qua câu hỏi của ngài: "Phần chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy thì sao?"

Tất nhiên, nếu không bỏ mọi sự mà theo Thày, như người giầu có trong bài Phúc Âm hôm qua mà giữ các giới răn đàng hoàng tử tế đối với tha nhân thì cũng hội đủ điều kiện tối thiểu để được cứu rỗi, "để được sống đời đời", thì thành phần bỏ mọi sự theo Chúa Kitô lại càng bảo đảm "được sự sống vĩnh cửu ở đời sau" hơn nữa.

Thế nhưng, vấn đề khác nhau ở đây giữa hai trường hợp cũng được rỗi, "được sống đời đời", "được sự sống vĩnh cửu ở đời sau", giữa người không sống trọn lành (như trong bài Phúc Âm hôm qua) và người sống trọn lành hơn (trong bài Phúc Âm hôm nay), đó là ngay "ở đời này", trong khi người không sống trọn lành (như người giầu có trong bài Phúc Âm hôm qua) luôn cảm thấy khắc khoải bất an buồn sầu, thì người sống trọn lành hơn (như trường hợp các tông đồ trong bài Phúc Âm hôm nay) "được gấp trăm về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương cùng với sự bắt bớ".

Đúng vậy, thành phần theo Chúa Kitô để sống trọn lành hơn, không phải đã được Chúa Giêsu khẳng định trong Bài Giảng Trên Núi về Phúc Đức Trọn Lành, một bài giảng cho chính các vị tông đồ theo Chúa (xem Mathêu 5:1-2), thành phần được cho là "hiền như ma-sơ" là "ai hiền lành ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được đất làm của mình vậy" (Mathêu 5:5) - "Đất" đây phải chăng Chúa muốn ám chỉ "thế gian", ám chỉ "đời này", ngược lại với "Nước Trời" ở Phúc Thứ 1. Mà "thế gian" hay "đời này" đây bao gồm những gì nếu không phải là "nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương cùng với sự bắt bớ".

Đối với phàm nhân thì "bắt bớ" "ở đời này" là một bất hạnh, là một sự dữ, thế nhưng, đối với thành phần theo Chúa Kitô sống trọn lành hơn thì lại là một vinh phúc: "Phúc cho những ai bị bắt bớ vì sự công chính vì Nước Trời là của họ. Phúc cho các con khi họ xỉ nhục các con và bách hại các con cùng lăng nhục các con vì danh Thày. Hãy hân hoan vui sướng, vì phần thưởng lớn lao của các con ở trên trời" (Mathêu 5:9,10-11).

Thành phần theo Chúa Kitô sống trọn lành hơn là thành phần hiến dâng cho Thiên Chúa tất cả những gì là cao quí nhất của mình, ở chỗ, họ phải từ bỏ các ý nghĩ và ý thích tự nhiên của mình, từ bỏ tình cảm riêng tư tự nhiên của mình, từ bỏ của cải tiện nghi đầy đủ thoải mái của mình, như lễ vật dâng lên Chúa, bất chấp mọi giá phải trả, bất chấp mọi thử thách phải chịu, chỉ để phụng sự Thiên Chúa và yêu thương phục vụ tha nhân, bởi thế họ mới xứng đáng được thưởng gấp trăm ngay ở đời này. Họ chính là thành phần được Sách Huấn Ca (35:1-15) trong bài đọc 1 hôm nay cho Năm Lẻ (2015 này) diễn tả:

"Của lễ người công chính làm cho bàn thờ nên phong phú, và hương thơm êm dịu của nó bay lên trước dung nhan Đấng Tối Cao. Lễ vật hiến tế của người công chính đã được chấp nhận, và Chúa sẽ không quên kẻ ấy. Ngươi hãy tôn vinh Thiên Chúa với tâm hồn quảng đại, và đừng rút bớt lại của lễ đầu mùa do công lao tay ngươi làm ra... Ngươi hãy dâng lên Đấng Tối Cao tùy theo như Người đã ban cho ngươi, và hãy dâng với tâm hồn quảng đại theo sự ngươi đang có trong tay, vì Chúa là Đấng thưởng công và sẽ trả lại cho ngươi gấp bảy lần".

Bài Đáp Ca cho phần phụng vụ Lời Chúa hôm nay được trích từ Thánh Vịnh 49 (5-6,7-8,14 và 23), có câu thứ 3 trong 3 câu đã như thể kêu gọi thành phần theo Chúa Kitô sống trọn lành thế này: "Hãy hiến dâng Thiên Chúa lời khen ngợi, và làm trọn điều khấn hứa cùng Đấng Tối Cao. Ai hiến dâng lời khen ngợi, người đó trọng kính Ta, ai đi đường ngay thẳng, Ta chỉ cho thấy ơn Thiên Chúa cứu độ".


Thứ Tư

"mạng sống giá chuộc"


Chủ đề "Thày là sự sống" của Mùa Phục Sinh vẫn còn âm vang trong bài Phúc Âm của ngày Thứ Tư trong Tuần VIII Thường Niên hậu Phục Sinh hôm nay, qua câu nói của Chúa Kirtô kết thúc bài Phúc Âm: "Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người".

Đúng thế, chính vì để cho con người được sự sống thần linh, sự sống đời đời, Chúc Kitô, Con Thiên Chúa, đã phải "hiến mạng sống mình làm giá chuộc". Sở dĩ mạng sống của Người chỉ là một sự sống tự nhiên về thể lý mà có thể cứu được các linh hồn thiêng liêng bất tử, tức có thể mang lại sự sống thần linh siêu nhiên cho họ là vì sự sống thể lý của thân xác Người, một thân xác đã cùng với linh hồn của Người, ngôi hiệp với Thần Tính vô cùng cao trọng của Người, bởi thế sự sống thể lý ấy vô cùng cao quí vì thuộc về chính Con Thiên Chúa.

"Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ" đã được chứng thực ngay ở đầu bài Phúc Âm. Ở chỗ, như Thánh ký Marco thuật lại: "Khi ấy, các môn đệ và Chúa Giêsu lên đường đi Giêrusalem, Chúa Giêsu dẫn đầu đi trước họ, và các ông hết sức bỡ ngỡ, những người theo sau thì sợ hãi". Qua lời tường thuật này chúng ta thấy hình ảnh của một Vị Mục Tử đích thực bao giờ cũng "đi trước chiên" (Gioan 10:4), nhất là khi đàn chiên "theo sau thì sợ hãi" được nói đến trong bài Phúc Âm,  "đi trước chiên" để sẵn sàng đối đầu với bất cứ nguy hiểm nào xẩy đến cho chiên của mình và để bảo vệ chiên của mình cho đến cùng, nhất là với đám sói dữ, cho dù có phải "hiến mạng sống mình vì chiên" (Gioan 10:11).

Vấn đề ở đây là không phải vị mục tử nhân lành sống chết cho chiên này không biết trước được số phận của mình, mà là cho dù có thực sự biết trước nhưng vẫn cứ "đi trước chiên", sẵn sàng bảo vệ sự sống của chiên, bằng cách "tự ý bỏ mạng sống mình đi" (Gioan 10:17; 17:19), mà còn tỏ cho đàn chiên của mình biết như thế nữa: "Người gọi mười hai ông lại gần và nói cho các ông biết những gì sẽ xẩy đến cho Người: 'Giờ đây chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế, các luật sĩ và các kỳ lão. Họ sẽ kết án tử hình Người và nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo cười Người, phỉ nhổ vào Người, đánh đòn và giết Người, và ngày thứ ba Người sẽ sống lại'".

Việc vị chủ chiên ở trong bài Phúc Âm hôm nay tỏ cho đàn chiên "theo sau thì sợ hãi" này biết số phận vượt qua của mình như thế, không phải là vị chủ chiên chỉ cố ý để cho chiên biết được rằng mình yêu thương chiên biết là chừng nào, một tình yêu cao cả dám hiến mình vì bạn hữu (xem Gioan 15:13), mà còn muốn cho họ thấy rằng Người sẽ đi dọn chỗ cho họ để Người ở đâu thì họ cũng ở đó với Người nữa (xem Gioan 14:3), vì sau này chính họ cũng tiếp tục sứ vụ là chủ chiên thay Người và như Người, cũng phải "đến để phục vụ" theo gương mẫu của Người đối với họ.

Trong số các tông đồ được nghe Người tiết lộ bí mật về số phận vượt qua của Người bấy giờ đã có hai vị, đó là "Giacôbê và Gioan", dường như cảm thấu được những gì Người nói, nên đã tự động muốn theo đuổi bắt chước Người một cách triệt để, và đã mạnh dạn lên tiếng xin cho được có cùng một số phận như Người: "Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy".

Thoạt nghe, "mười môn đệ khác nghe chuyện đó liền bực tức với Giacôbê và Gioan", vì cứ tưởng là hai anh em này tham quyền cố vị. Thế nhưng, nếu xét cho kỹ thì không phải thế, hoàn toàn ngược lại, hai vị chỉ muốn được nên giống Thày của mình nhất trong số phần hy sinh cứu độ mà thôi.

Đó là lý do khi nghe Chúa Giêsu đặt thẳng vấn đề với nhị vị "Các con không biết các con xin gì. Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không?" thì cả hai đều mau mắn đồng thanh thưa lại rằng: "Thưa được". Và hai vị đã được Thày chấp nhận cho "thông phần với Thày" (Gioan 13:8): "Chén Thầy uống, các con cũng sẽ uống, và phép rửa Thầy sắp chịu, các con cũng sẽ chịu".

Thực tế cho thấy, những gì hai ông xin với Chúa Giêsu bấy giờ trước mặt các tông đồ khác đều đã được ứng nghiệm, ở chỗ, Tông Đồ Gioan được ngồi bên phải của Người, khi người tông đồ này là vị tông đồ duy nhất "đứng dưới chân thập giá của Chúa Giêsu" với Mẹ Maria (Gioan 19:25), một vị thế tử đạo khi tận mắt chứng kiến thấy tất cả khổ nhục tận cùng Thày mình phải chịu, và ở chỗ, Tông Đồ Giacôbê được ngồi bên tả của Người, vì ngài là vị tông đồ tử đạo đầu tiên trong các tông đồ (xem Tông Vụ 12:2), ở Giêrusalem, giáo đô của dân Do Thái, đích điểm nhắm tới mà cuộc hành trình Thiên Sai của Chúa Giêsu cần phải tiến về, như đầu bài Phúc Âm hôm nay đề cập tới: "Các môn đệ và Chúa Giêsu lên đường đi Giêrusalem".

Việc Chúa Kitô và các tông đồ môn đệ của Người "hiến mạng sống mình làm giá chuộc" như thế là vì phần rỗi của chung nhân loại, để nhờ đó họ có thể "nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất" (Gioan 17:3) mà được sống đời đời, đúng như nội dung của lời nguyện cầu trong Sách Huấn Ca (36:1-2a,5-6,13-19) ở bài đọc 1 Năm Lẻ hôm nay dâng lên Thiên Chúa:

"Lạy Chúa muôn loài... Xin cho các dân tộc nhận biết Chúa như chính chúng con đã nhận biết Chúa, vì lạy Chúa, ngoài Chúa ra, không có Chúa nào khác. Xin Chúa tái diễn các điềm lạ và làm các việc kỳ diệu khác. Xin Chúa quy tụ mọi người vào các chi họ Giacóp, để họ nhìn biết rằng không có Chúa nào khác ngoài Chúa, để họ cao rao các việc lạ lùng Chúa đã làm, và để Chúa cho họ được hưởng phần gia nghiệp như lúc ban đầu... Xin cho mọi người sống trên trần gian biết rằng Ngài là Thiên Chúa, Đấng thống trị muôn đời".

Chớ gì loài người tạo vật nhận biết Thiên Chúa là Đấng "muốn cho mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý" (1Timôthêu 2:4) nơi Chúa Giêsu Kitô Con của Ngài và qua Giáo Hội của Con Ngài, để cùng hướng về Ngài bằng tâm tình của bài Đáp Ca hôm nay (Thánh Vịnh 78:8,9,11,13), nhất là câu 2, 3 và 4 sau đây:

2) Ôi Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng con, xin phù trợ chúng con vì vinh quang danh Chúa, xin giải thoát và tha tội chúng con vì danh Ngài.

3) Xin cho tiếng tù binh rên siết vọng tới thiên nhan; xin ra tay thần lực giải thoát người mang án tử.

4) Phần chúng con là thần dân Chúa, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi, chúng con sẽ ca tụng Chúa tới muôn đời, đời nọ sang đời kia, chúng con loan truyền lời ca khen Chúa.


Thứ Năm

"ánh sáng sự sống"


Hôm nay, Thứ Năm tuần VIII Thường Niên, bài Phúc Âm không hề sử dụng từ ngữ "sống" hay "sự sống" hoặc nói đụng đến "sự sống" là chủ đề của Mùa Phục Sinh kéo dài sang cả Mùa Thường Niên hậu Phục Sinh, như 3 ngày đầu trong tuần VIII này nữa.

Thế nhưng, nếu sự sống thần linh, sự sống đời đời liên quan đến việc "nhận biết" (Gioan 17:3) thì bài Phúc Âm hôm nay cũng gián tiếp liên quan đến sự sống. Bởi vì, "Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo Tôi sẽ không đi trong tăm tối, nhưng sẽ được ánh sáng sự sống" (Gioan 8:12).

Chúa Giêsu, trong cuộc hành trình tiến về Giêrusalem, đã băng qua xứ Samaria và ghé vào thủ phủ của xứ này là Jericho, và như Thánh ký Marco thuật lại trong bài Phúc Âm hôm nay (10:46-52), thì khi "Chúa Giêsu ra khỏi thành Giêricô cùng với các môn đệ và một đám đông, thì có con ông Timê tên là Bartimê, một người mù ăn xin đang ngồi ở vệ đường".

Tuy bị mù lòa về thể lý, nhưng tâm linh của con người này rất tinh anh bén nhậy, đến độ, cho dù chưa hề được tận mắt thấy Chúa Giêsu và chứng kiến việc Người làm phép lạ, mà mới chỉ nghe về Người thôi, đã tỏ ra tin tưởng Người lắm rồi, thậm chí có thể tận thâm tâm của mình, con người mù này đã hết sức mong chờ được gặp Người nữa.

Bởi thế, không lạ gì, như Phúc Âm hôm nay thuật lại: "Khi anh ta nghe biết đó là Chúa Giêsu Nagiarét, liền kêu lên rằng: 'Hỡi ông Giêsu con vua Đavít, xin thương xót tôi'. Và nhiều người mắng anh bảo im đi, nhưng anh càng kêu to hơn: 'Hỡi con vua Đavít , xin thương xót tôi'".

Là Đấng đã "đến để tìm kiếm và cứu vớt những gì hư hoại" (Luca 19:10) làm sao Chúa Kitô có thể ngoảnh mặt làm ngơ trước con người đáng thương về phần xác nhưng đáng đáp ứng về phần hồn như "một người mù ăn xin đang ngồi ở vệ đường" ấy chứ! Thế nên, Thánh ký Marco đã tiếp tục cho thấy phản ứng của Chúa Kitô và việc Người đáp ứng đối với người mù này như sau:

"Chúa Giêsu dừng lại và truyền gọi anh đến. Người ta gọi người mù và bảo anh: 'Hãy vững tâm đứng dậy, Người gọi anh'. Anh ta liệng áo choàng, đứng dậy, đến cùng Chúa Giêsu. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo rằng: 'Anh muốn Ta làm gì cho anh?' Người mù thưa: 'Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy'. Chúa Giêsu đáp: 'Được, đức tin của anh đã chữa anh'. Tức thì anh ta thấy được và đi theo Người".

Hành động "liệng áo choàng, đứng dạy, đến cùng Chúa Giêsu" của người mù ăn xin này không phải chỉ cho thấy nỗi vui mừng khôn tả của anh ta vì được chính Đấng anh ta chưa bao giờ thấy nhưng hết sức tin tưởng đáp ứng, mà còn nhất là cho thấy anh ta hoàn toàn tin tưởng rằng anh ta chắc chắn sẽ được chữa lành nữa theo như lòng anh ta mong ước "được thấy".

Theo bình thường chúng ta hiểu là con người ăn xin mù lòa này muốn "được thấy" ánh sáng mặt trời, muốn "được thấy" những người thân yêu của anh ta, muốn trở nên bình thường như mọi người với cặp mắt để "được thấy" tất cả mọi thực tại quanh mình v.v., Thế nhưng, nơi trường hợp của riêng người ăn xin mù lòa này thì anh ta muốn "được thấy" chính Đấng anh ta hằng tin tưởng và đã chữa lành anh ta. Đó là lý do sau khi anh ta "thấy được" thì "đi theo Người", cùng Người và các môn đệ của Người cũng như đám đông theo Người lên Giêrusalem, và chính vì anh ta "đi theo Người" "là ánh sáng thế gian" mà anh ta "có ánh sáng sự sống", "không (còn) đi trong tăm tối" nữa (Gioan 8:12).

Tâm tình của người mù ngồi ăn xin bên vệ đường ở ngoài Thành Giêricô sau khi được Chúa Giêsu chữa lành để có thể nhìn thấy mọi sự chung quanh mình một cách tự nhiên, nhất là để có thể qua đó mà nhận biết Thiên Chúa và chúc tụng Ngài hơn, qua các việc Người làm nơi thiên nhiên vạn vật anh được nhìn thấy, mà chính bản thân anh đã trở thành công trình của Chúa, cả về phần xác lẫn phần hồn, một tâm tình anh cảm nhận có thể là những gì được chất chứa và bày tỏ trong đoạn Sách Huấn Ca (42:15-26) ở bài đọc 1 cho Năm Lẻ hôm nay như thế này:

"Tôi sẽ ghi nhớ công trình của Chúa, và sẽ thuật lại những điều tôi đã thấy. Nhờ lời Chúa mà Chúa đã thực hiện những kỳ công. Mặt trời chiếu soi vạn vật, và công trình của Chúa đầy ánh vinh quang của Người... Mọi công trình của Người thực đáng quý chuộng, và như những ánh lửa người ta có thể ngắm nhìn. Mọi vật ấy đều sống động và tồn tại muôn đời, và vâng phục Người trong mọi hoàn cảnh. Tất cả đều có từng đôi và cái này đối diện với cái nọ, và Người không làm chi khuyết điểm. Vật này làm nổi bật vẻ đẹp cho vật kia. Và ai có thể nhàm chán nhìn xem vinh quang của Người?"

Bởi thế, cùng với bài Thánh Vịnh (32:2-3,4-5,6-7,8-9) được Giáo Hội sử dụng cho phần Đáp Ca hôm nay, người mù Bartimê được Chúa Kitô chữa lành và đi theo Người có thể xướng lên (nhất là câu 1 và 2) rằng:

1) Hãy ngợi khen Chúa với cây đàn cầm, với đàn mười dây, hãy xướng ca mừng Chúa. Hãy ca mừng Người bài ca mới, hát mừng Người với tiếng râm ran.

2) Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng của Chúa.


Thứ Sáu

"cây vả chết khô"


Cuộc hành trình tiến về Giêrusalem của Chúa Giêsu cùng với các môn đệ của Người, như bài Phúc Âm của Thánh ký Marco (11:11-26) cho Thứ Sáu Tuần VIII Mùa Thường Niên hôm nay cho thấy, đã tới nơi. Sau khi Người công khai "vào thành Giêrusalem" trước sự long trọng và linh đình nghênh đón của dân chúng, thì Người "lên đền thờ và sau khi đã đưa mắt quan sát mọi sự, và lúc trời đã xế chiều, Người ra về Bêtania cùng với nhóm mười hai".

Đúng thế, nếu tiến "vào thành Giêrusalem" mà không "lên đền thờ" là tâm điểm của thành này, là Nơi Thánh, Nơi Thiên Chúa ngự, thì Chúa Kitô kể như chưa đạt đến đích điểm Người nhắm tới. Thế nhưng, ngay lúc bấy giờ, Người chưa vào bên trong Đền Thờ, mà chỉ mới "đưa mắt quan sát mọi sự" ở bên ngoài mà thôi. Bởi đó mới chưa có chuyện gì đáng tiếc xẩy ra như ngày hôm sau khi Người trở lại, một ngày có hai biến cố liên hệ với nhau, như được Phúc Âm thuật lại như sau:

"Hôm sau, khi thầy trò rời bỏ Bêtania, Người thấy đói. Và khi thấy ở đàng xa có một cây vả nhiều lá, Người đến xem coi có trái nào không. Nhưng khi lại gần, Người chỉ thấy có lá thôi, vì không phải là mùa có trái. Người phán bảo cây vả rằng: 'Cho đến muôn đời sẽ không còn ai ăn trái của mi nữa'. Và các môn đệ đã nghe Người nói".

Đây là biến cố thứ nhất, biến cố xẩy ra trên đường Chúa Kitô cùng với các tông đồ lên Đền thờ Giêrusalem. Không biết lúc ấy là lúc nào, có thể là giữa trưa hay chăng. Vì bấy giờ Chúa Giêsu đã cảm thấy "đói". Có thể Thày trò của Người đêm hôm trước đâ về ở trọ nhà của 3 chị em Matta, Maria và Lazarô là những người bạn thân của Người ở Bêtania (xem Gioan 11:1-2,5), và đã được cả 3 chị em phục vụ hết mình về cả của ăn lẫn chỗ ngủ, kể cả bữa ăn sáng hôm sau trước khi Thày trò rời nhà của họ trở lại Đền Thờ.

Vấn đề ở đây là tại sao Chúa Kitô lại nguyền rủa một cây vả không có trái như Người mong muốn, nhất là lúc Người cảm "thấy đói": "Cho đến muôn đời sẽ không còn ai ăn trái của mi nữa", trong khi đó lại "không phải là mùa có trái" của nó, cho dù nó vẫn còn "có lá" xanh tươi? Và lời nguyền rủa của Người đã hoàn toàn ứng nghiệm với cây vả tội nghiệp này, như phần dưới của cùng bài Phúc Âm hôm nay ghi nhận: "Sáng hôm sau, khi đi ngang qua, các ngài trông thấy cây vả đã chết khô tận rễ".

Có thể cây vả bị Chúa Kitô nguyền rủa ấy chỉ um tùm những lá xanh tươi như vậy thôi, mà chẳng bao giờ có trái, dù đến mùa sinh hoa kết trái của nó như những cây vả khác, nên nó mới bị nguyền rủa như vậy, bởi nó không đạt được ý nghĩa là thứ cây ăn trái của mình, và vì thế chỉ chiếm đất chứ chẳng có lợi gì, đáng bị đốn đi cho xong, như ý nghĩa của dụ ngôn về cây vả không sinh trái trong vườn nho được Chúa Giêsu nói đến (xem Luca 13:7).

Biến cố cây vả bên đường không sinh trái bị Chúa Giêsu nguyền rủa và đã bị héo khô này phải chăng ám chỉ đến biến cố Thành Thánh Giêrusalem, giáo đô của Do Thái giáo của dân Chúa chọn, chỉ là một nơi nguy ga đồ sộ về kiến trúc và là một nơi đô hội vui nhộn theo trần thế hơn là nơi của tôn giáo và đức tin, nơi để dân Chúa "tôn thờ Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý" (Gioan 4:24), nên nó đã được chính Người báo trước cho biết về số phận bất hạnh của nó là "tất cả sẽ bị hủy hoại" (xem Marco 13:2).

Đúng thế, biến cố thứ hai trong cùng một ngày, tiếp theo sau biến cố cây vả bên đường bị Chúa Giêsu nguyền rủa (hôm sau thấy chết khô), đó là biến cố có liên quan đến biến cố thứ nhất, một biến cố gián tiếp ám chỉ đến biến cố thứ hai, và biến cố thứ hai này đã được Thánh ký Marco thuật lại trong cùng bài Phúc Âm hôm nay như sau:

"Các ngài đến Giêrusalem. Và khi vào đền thờ, Chúa liền đuổi những người mua bán ở đó. Người xô đổ bàn của những người đổi tiền và ghế của những người bán chim câu. Người không để cho ai mang đồ vật đi ngang qua đền thờ. Người dạy bảo họ: 'Nào chẳng có lời chép rằng: 'Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc ư? Thế mà các ngươi đã biến thành hang trộm cướp'".

Ở đây chúng ta thấy, hôm trước, Chúa Giêsu khi công khai tiến vào Thành Giêrusalem mới chỉ "đưa mắt quan sát mọi sự" ở bên ngoài đền thờ, hôm nay, "khi vào đền thờ", thì ở bên trong Người mới thấy diễn ra một cảnh tượng không thể nào chấp nhận được, không thể nào không thẳng tay thanh tẩy đền thờ cho đúng với ý nghĩa "là nhà cầu nguyện" của đền thờ, một nơi linh thiêng thánh hảo đã bị con người trần tục hóa, một nơi con người "đã biến thành hang trộm cướp", trở thành sào huyệt của lợi lộc thấp hèn trần tục.

Hai biến cố trong cùng một ngày có liên hệ với nhau trên đây cho thấy, trước hết, về phương diện tự nhên, một sinh vật (điển hình như cây vả là một thứ cây ăn trái) không thể nào không sinh hoa trái là những gì biểu hiệu cho sự sống đích thực và dồi dào của nó, sau nữa, về phương diện siêu nhiên, một con người có hồn thiêng bất tử không thể nào chỉ "sống nguyên bởi bánh" mà chính là "sống bởi mọi lời bởi miệng Thiên Chúa phán ra" (xem Mathêu 4:4), nghĩa là sống bởi đức tin nữa.

Đó là lý do, sau khi nghe thấy Tông Đồ Phêrô báo cho biết rằng "Lạy Thầy, hãy coi, cây vả Thầy nguyền rủa đã chết khô rồi", Chúa Giêsu mới lợi dụng cơ hội ấy để dạy cho vị tông đồ này nói riêng và các tông đồ nói chung về đức tin, như bài Phúc Âm hôm nay trình thuật tiếp như sau:

"Hãy tin vào Thiên Chúa. Thầy bảo thật các con, nếu ai bảo núi kia: 'Hãy dời đi và gieo mình xuống biển', mà trong lòng không hồ nghi, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì người ấy sẽ được như ý".

Trong bài đọc 1 hôm nay cho năm lẻ, được trích từ Sách Huấn Ca (44:1,9-13), cho thấy hai trường hợp tương phản nhau. Trước hết là thành phần như cây vả không sinh hoa trái hay những kẻ tục hóa đền thờ: "Có những người không ai nhớ đến nữa: Họ qua đi như không bao giờ có họ, họ sinh ra như thể không có họ sinh ra, và con cháu của họ cũng thế".

Sau nữa là thành phần sống đức tin: "Nhưng có những người nhân hậu mà việc thiện của họ không bao giờ bị lãng quên. Dòng dõi họ được hưởng hạnh phúc, và họ sẽ có con cháu nối dòng, miêu duệ họ trung thành với lời giao ước và con cái họ nhờ họ cũng được trung thành. Miêu duệ họ sẽ tồn tại đến muôn đời, và vinh quang của họ không bao giờ bị lu mờ".

"Vinh quang của họ không bao giờ bị lu mờ" ấy là những gì bài Đáp Ca trong phần phụng vụ lời Chúa hôm nay được trích từ Thánh Vịnh 149 (1-2,3-4,5-6a và 9b), với cảm nhận "Chúa yêu thương dân Người và ban cho kẻ khiêm nhường chiến thắng vẻ vang" (câu 2), đã kêu gọi thành phần sống đức tin ("tín đồ") thế này: "Các tín đồ hãy mừng rỡ trong vinh quang, hãy hoan hỉ trong những nơi khu phố. Miệng họ hãy reo lên lời hoan hô Thiên Chúa. Đó là vinh quang cho mọi tín đồ của Chúa".

 

Thứ Bảy


"trong bóng chết chóc"


Ý nghĩa phụng vụ Lời Chúa cho Thứ Bảy Tuần VIII Thường Niên Năm Lẻ hôm nay vẫn bao gồm bài Phúc Âm theo Thánh Marco (11:27-33) và Sách Huấn Ca (51:17-27), như từ ngày đầu tuần lễ này cho tới ngày cuối tuần hôm nay.

Bài Phúc Âm hôm nay tiếp ngay sau bài Phúc Âm hôm qua, bài Phúc Âm Chúa Kitô thẳng tay thanh tẩy đền thờ, một nơi linh thiêng thánh hảo "là nhà cầu nguyện" nhưng đã bị dân chúng "biến thành hang trộm cướp" với đầy những thứ buôn bán kiếm lợi, cho dù là những thứ cần thiết như "các con chim câu" (Marco 11:15), liên quan đến việc tuân giữ lề luật của những cha mẹ dâng con trai đầu lòng cho Thiên Chúa trong đền thờ, như trường hợp của Thánh Gia (xem Luca 2:24).

Chứng kiến thấy hành động dữ dội của Chúa Giêsu như một nhân vật đầy uy quyền như thế, thành phần có thẩm quyền của dân Do Thái là "những trưởng tế, luật sĩ và kỳ lão", thành phần có thể đã cho phép buôn bán như thế trong đền thờ từ trước đến nay, và vì thế hành động của Người đã đụng đến họ, nên Người đã bị họ đặt vấn đề như hạch hỏi Người sau: "Ông lấy quyền nào mà làm sự đó? Và ai đã ban quyền cho ông để làm như vậy?". Đại khái là họ không ủy quyền cho Người mà tại sao Người dám lộng quyền qua mặt họ như thế!

Chúa Giêsu đã sử dụng chiêu để cho họ tự trả lời lấy. Bởi thế, thay vì Người nói thẳng ra là Người lấy quyền nào hay ai trao quyền cho Người để Người thẳng tay thanh tẩy đền thờ như vậy, Người đã đặt vấn đề ngược lại với họ để họ tự nhận thức lấy và trả lời thay cho Người: "Tôi sẽ hỏi các ông một câu thôi, hãy trả lời cho Tôi thì Tôi sẽ bảo cho các ông hay Tôi lấy quyền nào mà làm việc đó: Phép rửa của Gioan bởi trời hay bởi người ta? Hãy trả lời Tôi đi".

Thật ra, thành phần lãnh đạo dân chúng này đã thừa biết Người lấy quyền nào hay ai ban quyền cho Người để Người thẳng tay thanh tẩy đền thờ rồi. Nhưng họ muốn chính miệng Người nói ra để nại cớ bắt Người hay tố cáo Người, vì "Người chỉ là loài người mà dám coi mình ngang hàng với Thiên Chúa" (Gioan 10:33), và vì chính họ, qua thành phần được họ sai đến với Tiền Hô Gioan để điều tra xuất xứ của ngài đã biết rằng ngài không phải là Đấng Thiên Sai (xem Gioan 1:19-27).

Đó là lý do họ đã bàn với nhau như Phúc Âm thuật lại như thế này: "Nếu chúng ta trả lời 'Bởi trời', ông ấy sẽ nói: 'Vậy sao các ông không tin Người?' Nhưng nếu chúng ta nói 'Bởi người ta', chúng ta sợ dân chúng, vì mọi người đều coi Gioan thật là một tiên tri". Rồi Phúc Âm cho biết tiếp về câu trả lời dứt khoát của họ như sau: "Chúng tôi không biết". Và vì thế bài Phúc Âm được kết thúc: "Chúa Giêsu bảo họ: 'Vậy thì tôi cũng không nói cho các ông biết bởi quyền phép nào Tôi làm sự đó'".

Tâm trạng của thành phần hạch hỏi và bắt bẻ Chúa Giêsu về hành động Người thanh tẩy đền thờ trong bài Phúc Âm hôm nay cho thấy rằng họ quả thực là sợ sự thật, không dám chấp nhận sự thật, bởi thế họ không gặp được sự thật, tức là họ không được sự thật giải phóng (xem Gioan 8:32), và vì thế họ vẫn tiếp tục "ngồi trong tối tăm và trong bóng tối chết chóc" hết sức là tội nghiệp, vì họ đã có cơ hội được trực diện với "ánh sáng thế gian... ánh sáng sự sống" (Gioan 8:12) là Chúa Giêsu Kitô, nhưng họ không nhận ra Người, vì "họ yêu tối tăm hơn ánh sáng" (Gioan 3:19), "họ ghét ánh sáng không dám đến gần ánh sáng vị sợ các công việc của họ bị bại lộ" (Gioan 3:20).

Còn những ai thành tâm tìm kiếm sự thật thì khác hẳn, họ được Sách Huấn Ca (51:17-27) ở bài đọc 1 cho năm lẻ hôm nay cho biết chính là những con người tìm kiếm sự khôn ngoan, liên quan đến cách thức và hành trình tìm kiếm sự khôn ngoan, cùng với các tác dụng của khôn ngoan nơi bản thân và trong cuộc đời họ, như sau:

"Khi tôi còn trẻ, trước khi tôi đi đó đây, tôi đã công khai tìm kiếm sự khôn ngoan trong khi cầu nguyện. Trước đền thờ, tôi đã xin sự khôn ngoan, và tôi sẽ còn tìm nó cho đến ngày cuối đời tôi. Trước tinh hoa của sự khôn ngoan, như chùm nho hồng, tâm hồn tôi vui sướng: chân tôi bước đi trên đường ngay chính. Từ buổi thanh xuân, tôi đã tìm kiếm nó. Tôi đã lắng tai và nghe tiếng nó. Tôi đã tìm thấy trong tôi sự khôn ngoan cao cả, và nhờ nó tôi đã được tiến triển nhiều. Tôi sẽ tôn vinh Đấng ban cho tôi sự khôn ngoan, vì tôi đã suy niệm để đem nó ra thực hành, tôi đã hăng say làm điều lành và tôi không hổ thẹn. Cùng với sự khôn ngoan, linh hồn tôi đã chiến đấu, và khi hành động, tôi được thêm vững chắc. Tôi đã giơ hai tay lên cao, và đã than khóc, vì đã không biết đến nó. Tôi đã hướng tâm hồn tôi về nó, và tôi đã tìm được nó với tâm hồn trong sạch".

Bài Đáp Ca, được trích từ Thánh Vịnh 18 (8,9,10,11), trong phần phụng vụ Lời Chúa hôm nay đã xác nhận sự khôn ngoan cần tìm kiếm được chất chứa ở nơi cả "luật Chúa" hay "giới răn Chúa" lẫn "lòng tôn sợ Chúa", nguyên văn cả 4 câu như sau:

1) Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt.
2) Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng soi con mắt.
3) Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thực, công minh hết thảy.
4) Những điều đó đáng chuộng hơn vàng, hơn cả vàng ròng, ngọt hơn mật và hơn cả mật chảy tự tàng ong.

 

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Lời Cầu Nguyện Mân Côi Trong Nhà Tiệc Ly #1 (5/30/2015)
Cn 2978: Tượng Đức Mẹ Sống Động Và Nói Chuyện (2) (5/29/2015)
Cn 2977: Tượng Đức Mẹ Trở Nên Sống Động (1) (5/29/2015)
Cn 2974: Hạnh Phúc Được Chết Trong Chúa (5/28/2015)
Đức Mẹ Dẫn Chúng Ta Đến Với Chúa Giêsu Như Thế Nào? (5/28/2015)
Tin/Bài khác
Đức Mẹ Hoa Hồng Mầu Nhiệm: Mẹ Hội Thánh (12/8/2017)
Kinh Đức Mẹ Hoa Hồng Mầu Nhiệm #2 (5/25/2015)
Kinh Đức Mẹ Hoa Hồng Mầu Nhiệm #1 (5/25/2015)
Xin Mẹ Nâng Đỡ Mọi Người Tại Trung Quốc Giữa Khó Khăn Vẫn Tin Cậy Mến! (5/25/2015)
Triều Thiên Hoa Hồng (5/24/2015)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768