MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: lòng thương xót chúa
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Linh Đạo Thánh Faustina Thánh Thể
Thứ Ba, Ngày 27 tháng 5-2014

LINH ĐẠO THÁNH FAUSTINA THÁNH THỂ
LÒNG YÊU MẾN THÁNH THỂ

Sự kết hiệp của chúng ta với Thiên Chúa khởi đầu trong Giáo Hội nhờ bí tích Thánh Tẩy, càng được đào sâu và củng cố trong bí tích Thánh Thể. Thánh Thể là trung tâm đời sống thiêng liêng của nữ tu Faustina. Ngay từ thời thơ ấu của chị, đức tin nơi sự hiện diện của Đức Kitô dưới hình thức của tấm bánh được thánh hiến đã lấp đầy trí óc và tâm hồn chị, khơi dậy bên trong chị một tình yêu nồng nhiệt và niềm khao khát thường xuyên đối với Thiên Chúa. Sự thấm nhuần sâu xa hoàn toàn của nữ tu Faustina vào sự hiện diện sống động của Đức Kitô trong phép Thánh Thể được diễn tả qua lời phát biểu ngắn gọn và đơn sơ của chị: “Chúa Giêsu ẩn mình trong Bánh Thánh là tất cả mọi sự đối với tôi” (Nhật Ký, 1037). Tất cả mọi sự nghĩa là Chúa Giêsu Thánh Thể là người bạn duy nhất mà chị tin tưởng phó thác tất cả mọi sự (NK, 504); người bạn trung thành nhất, luôn hiện diện, xua đuổi cảm giác cô đơn. Chị viết: “Ôi Chúa Giêsu ẩn thân trong Bánh Thánh là Tôn Sư ngọt ngào và là Tri Kỷ tín trung của con. Linh hồn con hạnh phúc biết bao
vì có được một người bạn luôn đồng hành với con như thế. Con không cảm thấy cô đơn mặc dù đang ở nơi hiu quạnh. Lạy Chúa Gie6su-Ba1nhTha1nh, chúng ta thông cảm với nhau-thế là đủ cho con rồi!” (NK, 877). Đối với chị, Đức Giêsu ẩn mình trong Bánh Thánh chính là vị Thầy, Đấng dạy dỗ chị cách sống như thế nào (NK, 82). Nữ tu Faustina xác nhận: “Lạy Chúa Giêsu, Bánh Thánh Hằng Sống. Chúa là Mẹ của con. Chúa là tất cả của con! Chúa Giêsu ơi, con luôn đến với Chúa với lòng đơn thành, yêu mến, tin tưởng và phó thác. Con sẽ thổ lộ mọi sự với Chúa như một đứa trẻ với người mẹ yêu của nó, những niềm vui nỗi buồn – tóm lại, là tất cả.” (NK, 230). Sự hiện diện của Chúa Giêsu Thánh Thể lấp đầy linh hồn chị, tới mức độ Faustina cảm thấy mình giống như một nhà tạm sống động, nơi Thiên Chúa liên tục ngự trong đó (NK, 1302).

• Thánh Thể với Tư Cách Hy Tế của Đức Kitô

Nữ tu Faustina nhận thấy việc lập phép Thánh Thể như một biểu thị cho lòng thương xót khôn dò của Thiên Chúa (NK, 949). Một vài năm sau, Thánh Thể, vốn là nguồn gốc và đỉnh cao của đời sống Kitô hữu (LG 11), cũng được các nghị phụ gọi là “Bí Tích của Lòng Thương Xót”. Chúng ta đọc trong Hiến chế Phụng Vụ Thánh: “Vào Bữa Tiệc Ly, trong đêm Đấng Cứu Độ chúng ta bị trao nộp, Người đã lập hy tế Thánh Thể là Mình Máu Thánh Người. Người làm như vậy để ở lại mãi mãi suốt mọi thời, cho đến khi Người lại đến. Đây là nghi thức tưởng niệm cái chết và sự sống lại của Người: một bí tích tình yêu, dấu chỉ sự hiệp nhất, mối liên kết của đức ái, bữa tiệc vượt qua, “trong đó chúng ta ăn Chúa Kitô, được tràn đầy ân sủng và được bảo đảm vinh quang tương lai” (SC 47).

Với những lời này, Công đồng Vatican II cũng nhấn mạnh rằng Thánh Thể là cách duy trì Hy Tế của Thập Giá, và là nghi thức tưởng niệm cuộc khổ nạn và sự sống lại của Đức Giêsu. Nữ tu Faustina đặc biệt cảm nghiệm điều này trong từng thánh lễ. Chị đã trở nên nhận biết được các chân lý đó không chỉ một cách trí tuệ, mà còn một cách huyền nhiệm – thấm nhuần chiều sâu của mầu nhiệm bộc lộ trong thánh lễ. Chị diễn tả một trong những thị kiến: “Trong thánh lễ, tôi nhìn thấy Chúa Giêsu chịu nạn. Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập giá và Người rất đau đớn. Nỗi đau đớn của Người xuyên thấu cả cơ thể và linh hồn tôi, theo một cách thức vô hình, tuy nhiên, vẫn đau đớn nhất. Ôi! Các mầu nhiệm diễn ra trong thánh lễ thật tuyệt vời!” (NK, 913). Nữ tu Faustina nhận ra sự cao cả của mầu nhiệm Hy Tế Cực Thánh và thấm nhuần đức tin nơi cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Giêsu, nên chị kinh ngạc trước tình yêu thần thánh – một tình yêu đã trao ban cho con người nguồn gốc của các ân huệ bao la như vậy. Chị viết trong nhật ký: “Một mầu nhiệm cao cả được thực hiện trong thánh lễ. Với lòng sùng kính lớn lao, chúng ta nên lắng nghe và tham gia vào cái chết của Chúa Giêsu. Một ngày kia, chúng ta sẽ biết những gì Thiên Chúa đang thực hiện vì chúng ta và tặng ân Người đang chuẩn bị cho chúng ta trong từng thánh lễ. Chỉ có tình yêu Thiên Chúa mới có thể ban cho chúng ta một tặng ân như thế “ (NK, 914).

Việc chiêm niệm mầu nhiệm hy tế của Đức Giêsu hiện diện trong phép Thánh Thể đã dẫn dắt nữ tu Faustina đảm nhận một thái độ hy sinh, đó là dâng hiến bản thân mình trong sự kết hiệp với Đức Giêsu để cứu các linh hồn. Chị đồng nhất bản thân với Đức Giêsu Thánh Thể thật nhiều đến nỗi chị đã tự gọi mình là một tấm bánh; chị hiểu rất thực tế về khái niệm này, như một hy tế hệ tại ở việc tự hủy mình ra không. Chị viết: “Tên tôi là tấm bánh hoặc hy tế, không phải bằng lời nói, nhưng bằng hành động, qua việc tự hủy mình ra không và trở nên giống Chúa trên thập giá. Ôi lạy Chúa Giêsu tốt lành, vị Thầy của con!” (NK, 485). Chị van xin trong lời cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con thành một tấm bánh khác! Con muốn trở thành một tấm bánh sống động vì Chúa... Ôi lạy Chúa Giêsu. Con hiểu ra ý nghĩa của “bánh thánh”, ý nghĩa của hy sinh. Con mong ước trở thành một tấm bánh sống động trước uy linh Chúa; nghĩa là một hy sinh sống động hằng ngày bừng cháy để tôn vinh Chúa (NK, 1826).

Mong ước trở thành một tấm bánh, theo gương Đức Giêsu-tấm bánh, đã dẫn dắt nữ tu Faustina thực hiện một lễ tế trọn vẹn của bản thân lên Thiên Chúa, sẵn sàng dâng hiến bất cứ điều gì Người đòi hỏi. Chị ghi lại trong nhật ký: “Trong thánh lễ, tôi hoàn toàn dâng hiến bản thân lên Cha trên Trời, để Người làm cho tôi tùy ý Người” (NK, 668). Chị liên tục đổi mới lòng hăng hái qua việc dâng hiến tất cả mọi sự: “Lạy Chúa Giêsu, tấm bánh mà chính giây phút này con đón rước vào tâm hồn, qua việc kết hiệp với Chúa, con xin dâng hiến bản thân con cho Cha trên trời như một tấm bánh hy sinh, bằng cách hoàn toàn từ bỏ mình cho ý muốn rất nhân lành và thánh thiện của Thiên Chúa” (NK, 1264).

Việc dâng hiến của Đức Giêsu là một cách diễn tả sự cùng-hiện hữu của Người, nghĩa là sự sống của Người dành cho những người khác. Nữ tu Faustina thấm nhuần tinh thần này, khi chị van xin Thiên Chúa cho linh hồn các tội nhân. Chị muốn trở thành một tấm bánh hy tế vì họ: “Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con linh hồn các tội nhân; xin cho lòng thương xót Chúa trào đổ trên họ. Xin Chúa cất đi mọi sự của con, chỉ xin ban cho con các linh hồn. Con muốn trở thành một tấm bánh hiến tế vì các tội nhân”(NK, 908). Chị mong ước dâng hiến hy tế này cho Thiên Chúa một cách tĩnh lặng và hoàn toàn kín đáo, như sự hiện diện của Đức Giêsu ẩn mình dưới vẻ bề ngoài của tấm bánh. Khi nữ tu Faustina tự gọi mình là một tấm bánh trắng, chị đã cầu xin chính Đức Giêsu thánh hiến bản thân, và chỉ một mình Người biết được sự biến đổi này mà thôi. Mỗi ngày, chị đều đứng trước ngai Thiên Chúa như một tấm bánh hy tế, để nài xin lòng thương xót cho cả thế giới.

Chúng ta đọc trong các tài liệu của Công đồng Vatican II: “Do đó, Giáo hội thiết tha mong ước các Kitô hữu đừng tham dự vào mầu nhiệm đức tin ấy như những khách bàng quang, câm lặng, nhưng nhờ hiểu thấu đáo mầu nhiệm đó qua nghi lễ và kinh nguyện sao cho họ tham dự hoạt động thánh cách ý thức, thành kính và linh động… ngày qua ngày, họ nên được lôi kéo vào sự kết hiệp hoàn hảo hơn với Thiên Chúa và với nhau (SC 48). Những lời này nhắm đến tinh hoa của thái độ đối với Thánh Thể, đó là dâng hiến bản thân mình, qua sự kết hiệp với Đức Kitô. Trong cuộc đời nữ tu Faustina, thái độ này tìm được cách diễn tả một cách đích thực, cụ thể và đầy đủ.

• Thánh Thể với Tư Cách Lương Thực

Thánh lễ không chỉ là hy tế. Thánh lễ còn là một bữa tiệc thánh mà trong đó chúng ta đón rước chính Đức Giêsu. Đối với nữ tu Faustina, giây phút long trọng nhất của cuộc đời chị chính là giây phút rước lễ (NK, 1804). Chị khao khát từng lần rước lễ (NK, 1804), và chị cảm tạ từng lần rước lễ. Chị thú nhận rằng chị sợ cái ngày mà chị không thể được rước lễ (NK, 1826). Chị ngợi khen Đức Giêsu, Đấng đã để lại chính Mình Người trong bí tích trên bàn thờ, Đấng đang mở rộng lòng thương xót của Người đối với chúng ta. Chị viết: “Đây là nhà tạm của Lòng Chúa Thương Xót. Đây là phương thuốc dành cho tất cả những căn bệnh của chúng ta. Ôi nguồn suối sống động của lòng thương xót, nơi mọi linh hồn đều được lôi kéo; một số như những con nai khao khát tình yêu Chúa; một số tẩy rửa thương tích tội lỗi; một số đến kín múc sức mạnh vì đã kiệt sức trên đường đời” (NK, 1747).

Nữ tu Faustina tuyên bố rằng những bức màn của mầu nhiệm vẫn không cản trở lòng yêu mến của chị đối với Chúa Giêsu Thánh Thể, vì chị yêu mến Chúa Giêsu giống như những người được chọn trên thiên đàng (NK, 1324). Đức tin sống động và lòng yêu mến nồng nàn cho phép chị tìm được trong Thánh Thể bằng chứng về lòng thương xót của Thiên Chúa, sự sống đời đời, lòng thương xót của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (NK, 356). Chị gọi Tấm Bánh Thánh là nguồn nước hằng sống vọt ra cho chúng ta từ lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, ngọn lửa của tình yêu thuần khiết nhất, phương thuốc đối với những nỗi đau khổ và bệnh tật của con người (NK, 1747). Thánh Thể là niềm hy vọng của chị trong tất cả những nỗi đau khổ và nghịch cảnh của cuộc đời, niềm hy vọng giữa nỗi khao khát và đau đớn mà không ai hiểu mình, niềm hy vọng duy nhất trong cuộc đời và vào giờ chết (NK, 356). Chị nhìn nhận Bí tích Cực Thánh như nguồn sức mạnh giữa công việc cực nhọc và đều đều của cuộc sống hằng ngày, như khiên mộc bảo vệ chị chống lại những tàn phá của kẻ thù và những nỗ lực của hỏa ngục, như sự tươi mát giữa những thất bại và nản lòng. Đối với chị, lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể là một động cơ vững vàng của niềm tín thác trong từng hoàn cảnh cuộc đời và trong những lúc buồn phiền; bị người khác khước từ; những nỗ lực không đạt hiệu quả và những thất bại trong cuộc đời (NK, 356). Chị rút ra từ nhà tạm, sức mạnh, ánh sáng và lòng can đảm. Tại đây, chị tìm được niềm an ủi trong lúc đau khổ (NK, 1037). Việc rước lễ mang lại cho chị sức mạnh tinh thần để chịu đựng những hy sinh hằng ngày (NK, 1386), và giúp chị khắc phục nỗi sợ hãi trước những khó khăn và đau khổ (NK, 876). Việc rước lễ mang lại cho nữ tu Faustina lòng can đảm để quyết tâm đi theo con đường đã chọn, bất kể tất cả những trở ngại và hiểu lầm : “Lạy Chúa Giêsu của con, một mình Chúa biết những bách hại con đang phải chịu chỉ vì trung tín với Chúa và tuân theo những lệnh truyền của Chúa. Chúa là dũng lực của con; xin nâng đỡ để con có thể thực hiện những gì Chúa đòi hỏi. tự mình coin chỉ là hư vô, nhưng khi được Chúa phù trợ, mọi khó khăn không còn là gì đối với con nữa…Những hiểu lầm thật quá kinh hoàng; nhiều khi, nếu không nhờ Thánh Thể, chắc con không thể can đảm dấn bước trên đường Chúa đã vạch sẵn cho con” (NK, 91). Mặc dù nữ tu Faustina cảm thấy sâu sắc nỗi đau khổ của mình, nhưng chị vẫn tin chắc rằng việc rước lễ có sức mạnh biến chị thành một vị thánh (NK, 1718), và còn là một nguồn gốc của lòng yêu mến đối với người lân cận, mỗi ngày đều được khơi dậy lại và hồi sinh (NK, 1769). Chị quý trọng việc rước lễ như một cách cảm nếm trước về sự sống lại, và như được thấy trước về sự sống vĩnh cửu.

Toàn bộ hữu thể của nữ tu Faustina đều tập trung vào Thánh Thể. Thánh Thể đóng một vai trò chủ yếu đối với chị để được sống, nghĩa là sở hữu Chúa Giêsu Thánh Thể. Chị xác nhận: “Tất cả sức mạnh của con ở nơi Chúa. Ôi Tấm Bánh Hằng Sống. Nếu con không rước lễ, thì con sẽ thật khó mà sống được suốt ngày. Tấm bánh của Chúa là khiên mộc bảo vệ con; nếu không có Chúa, lạy Chúa Giêsu, thì con không biết sống làm sao (NK, 814). Ngoài ra, nữ tu Faustina còn nhắc nhở chúng ta rằng Thánh Thể vẫn là một mầu nhiệm khôn tả, một mầu nhiệm mà chúng ta chỉ có thể đụng chạm, cảm thấy, nhưng không thể hoàn toàn hiểu được ở trên trần thế này. Chị xác nhận: “Chỉ trong cõi vĩnh cửu, chúng ta mới nhận biết được mầu nhiệm cao cả mà việc rước lễ thực hiện nơi chúng ta. Ôi! Những giây phút quý giá của cuộc đời tôi!” (NK, 840).

Mối quan hệ cá nhân, đồng thời rất sâu xa và thân mật của nữ tu Faustina với Chúa Giêsu Thánh Thể thật đáng ngạc nhiên. Đức tin sống động của chị nơi Thánh Thể cũng đáng khâm phục. Trong Thánh Thể, chị đã khám phá được một nguồn sức mạnh siêu nhiên vô tận, có thể hoàn toàn biến đổi con người. Vâng, hoàn toàn thần thánh hóa con người. Chị tuyên bố: “Tất cả những gì tốt đẹp nơi tôi đều nhờ việc rước lễ. Tôi chịu ơn việc rước lễ về tất cả mọi sự. Tôi cảm thấy ngọn lửa thánh thiện này đã hoàn toàn biến đổi tôi” (NK, 1392). Khi nữ tu Faustina đi sâu hơn vào ân huệ Thánh Thể, thì chị đạt tới chính yếu tính của Thánh Thể. Có thể nói chị đạt tới cốt lõi của mầu nhiệm Thánh Thể. Vì Thánh Thể không bị biến thành người đang tiêu thụ, nhưng đúng hơn, lương thực Thánh Thể có sức mạnh biến đổi người đang tiêu thụ lương thực này thành chính Thánh Thể. Thánh Augustinô diễn tả điều này bằng những lời sau đây: “Ta là lương thực cho những người trưởng thành, và con sẽ ăn Ta. Con sẽ không biến Ta thành con, như con biến lương thực thành thể xác con, nhưng con sẽ được biến thành Ta. Như vậy, lương thực Thánh Thể có sức mạnh thần thánh hóa con người, khi lương thực này so sánh con người với Thiên Chúa. Nữ tu Faustina cầu nguyện khi chị khám phá được chân lý này: “Lạy Chúa Giêsu rất mực diệu hiền, xin đốt lên ngọn lửa tình yêu Chúa và biến đổi con trong chính Chúa. Xin thần thánh con, để những hành vi của con được đẹp lòng Chúa. Chớ gì điều này được thực hiện bằng năng lực hiệp lễ mà con vẫn được lãnh nhận hằng ngày. Ôi lạy Chúa! Con khao khát biết bao được hoàn toàn biến đổi trong Chúa!” (NK, 1289). 

Trong đời sống thiêng liêng của nữ tu Faustina, những kết quả phát xuất từ việc đón rước Thánh Thể tương ứng với những nỗ lực và sự chuẩn bị của chị trước mỗi khi rước lễ. Vì việc rước lễ là giây phút long trọng nhất trong cuộc đời chị, nên chị hết sức cố gắng để có thể thưởng thức được nhiều nhất hương vị của Thánh Thể, và điều đó thật thích hợp với tính cách cao cả của giây phút này. Chúng ta có thể tìm được trong nhật ký những dấu vết của việc chuẩn bị này, phản ánh các trạng thái thiêng liêng khác nhau của nữ tu Faustina. Chúng mở rộng từ các trạng thái huyền nhiệm cao cả nhất, đến những giây phút khô khan, sao lãng và khó khăn. Trong số tất cả các trạng thái này, điều gây ấn tượng là động cơ chủ yếu - tình yêu mãnh liệt, bất kể thiên hướng chủ quan trong nội tâm chị. Nữ tu Faustina mong đợi Đức Giêsu như phu quân và vị Chúa cao cả của mình, Đấng mà các tầng trời còn không thể hiểu nổi. Chị viết trong nhật ký: “Lòng nhân lành của Chúa Giêsu khiến tôi cảm thấy thật thoải mái, nên tôi dựa đầu vào ngực Người và nói với Người tất cả mọi sự. Trước hết, tôi nói với Người những điều mà tôi không thể nói với bất cứ thụ tạo nào. Rồi tôi nói về những nhu cầu của Giáo hội, về linh hồn các tội nhân đáng thương, và họ cần đến lòng thương xót của Người biết bao” (NK, 1806). Một dịp khác, thời gian nữ tu Faustina chuẩn bị đón Chúa tương đối ngắn, nhưng vẫn sâu xa và được đánh dấu bằng tình yêu cao cả. Đối với những giây phút ngắn ngủi đó, linh hồn chị hoàn toàn nhận chìm trong Thiên Chúa; cuộc gặp gỡ của chị với Chúa vẫn là một cuộc nói chuyện thinh lặng, không lời.

Thánh nữ Faustina nhận thấy nơi Chúa Giêsu Thánh thể, Đấng ngự trong lòng chị, chính là Tình yêu; Đức Vua; Đấng Cứu Độ, tự thân Người nhân lành; Thiên Chúa, Đấng có thể làm tất cả mọi sự; Tấm bánh hy tế; Chủ nhà, Đấng chuẩn bị bữa tiệc cưới; Nguồn thương xót và đại dương tình yêu. Chị khao khát Thiên Chúa ẩn mình, như một bông hoa mong mỏi mặt trời (NK, 1808). Chị sẽ thổ lộ với Người tâm tình của mình. Chị tiếc rằng mình đã không yêu mến Người nhiều như chị mong muốn. Chị sẽ dâng hiến cho Người tình yêu nồng nàn và sôi nổi của mình, để đền bù lại tình trạng nguội lạnh và quên lãng của nhiều linh hồn. Chị yêu và chị biết rằng mình được yêu. Điều này là đủ đối với chị.

Ngoài ra, để vẽ một bức tranh đầy đủ về lòng sùng kính Thánh Thể của nữ tu Faustina, chúng ta còn phải đề cập đến tính chất thuộc về tên gọi của chị, mà chị đã chọn khi bắt đầu đời sống tu trì, nhắm đến việc soi sáng đường hướng lối sống thiêng liêng của chị, khi chị tự gọi mình là “Nữ Tu M. Faustina Thánh Thể”. Chị khơi dậy tình yêu của mình đối với Thánh Thể, bằng cách đọc vô số lời nguyện tự phát suốt ngày. Chị hy vọng và mong ước Chúa Giêsu Thánh Thể sẽ trở thành quan thầy đặc biệt của mình, nhân dịp mỗi năm, các nữ tu đều rút thăm một quan thầy, theo thói quen của Hội Dòng. Và Đức Giêsu đã đáp ứng mong ước kín đáo của chị. Chị khao khát thường xuyên liên hệ với Đức Giêsu ẩn mình, nên chị dành ra tất cả những lúc rảnh rỗi để ở dưới chân Thánh Thể – tại đó, chị nhận được ánh sáng hầu trở nên hiểu biết bản thân mình cũng như Thiên Chúa.

• Thay Lời Kết

Ngày nay, nhiều người đi theo linh đạo của nữ tu Faustina, phấn đấu theo bước chân của chị, trong thái độ tín thác nơi Thiên Chúa và thương xót đối với người lân cận. Có thể nói chính xác đây là một kiểu mẫu về sự trọn lành Kitô giáo được ban cho thời đại này, một thời đại được đánh dấu bằng tình trạng cực kỳ rối loạn về luân lý, chủ nghĩa tương đối, chủ nghĩa phóng túng, lối tiếp xúc mang tính cách vật chất đối với con người, và đặt niềm tin vào sức mạnh của tiền bạc và trí tuệ. Trong thời đại như vậy, nữ tu Faustina chính là một dấu hiệu biểu thị rằng, cuối cùng, điều có giá trị trong cuộc đời họ không phải là tiền bạc, cũng không phải các giá trị thế tục, nhưng là việc cứu độ mà chính con người phải chọn trên trần thế này. Xét cho cùng, tự thân con người sẽ không đạt được ơn cứu độ, họ sẽ không tìm được niềm hạnh phúc lâu dài, nếu không có sự trợ giúp của ân huệ thần thánh. Vì thế, chúng ta phải cộng tác với ơn Chúa từng ngày và mỗi ngày, nỗ lực phấn đấu phó thác cuộc đời mình cho Thiên Chúa một cách trọn
vẹn hơn, và trở nên “thơm ngon như tấm bánh” đối với người lân cận.

Lối sống thiêng liêng của nữ tu Faustina rất lành mạnh, vì một mặt, lối sống này bảo vệ con người chống lại chủ nghĩa tôn giáo (nghĩa là chống lại cách thực hành đời sống Kitô hữu chỉ qua việc cầu nguyện), vì lối sống của chị kêu gọi thực hiện những hành vi của lòng thương xót; và mặt khác, lối sống thiêng liêng của nữ tu Faustina còn ngăn chặn việc thực hành chủ trương duy hành giáo (loại bỏ việc thực hành đạo giáo, để rồi chỉ thực hiện những hành động bác ái), vì lối sống thiêng liêng của chị đòi hỏi một mối quan hệ sống động với Thiên Chúa. Do đó, trong linh đạo của nữ tu Faustina, chúng ta có thể đạt được một kiến thức vững vàng về chủ đề khó khăn nhất. Đó là “nghệ thuật sống tinh thần tín thác nơi Thiên Chúa như trẻ thơ, và có lòng thương xót đối với người lân cận”.

Cốt lõi của lối sống thiêng liêng này hệ tại ở sự hiểu biết và chiêm niệm mầu nhiệm Lòng Chúa Thương Xót trong đời sống hằng ngày. Lương thực và sức mạnh của lối sống thiêng liêng này là lòng yêu mến Thánh Thể. Niềm tin chắc chắn của lối sống này là vâng phục Giáo Hội. Sự củng cố và gương mẫu của lối sống thiêng liêng này là lòng sùng kính đối với Đức Mẹ Thương Xót.
 
Nữ tu M. Elzbieta Siepak, O.L.M
M. Nazarita Dlubak, O.L.M

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Thánh Faustina Qua Tác Phẩm Lòng Thương Xót Chúa, Lm Trần Đình Lòng, Dòng Chúa Thánh Thể (7/22/2014)
Lý Giải Lòng Chúa Thương Xót (7/6/2014)
Lòng Thương Xót Vô Biên Của Chúa (6/21/2014)
Lòng Chúa Thương Xót (6/18/2014)
Thế Giới Cần Lòng Thương Xót Chúa (6/9/2014)
Tin/Bài cùng ngày
“biệt Dược” Lòng Xót Thương (5/27/2014)
Lòng Thương Xót Là Chiếc Áo Bằng Ánh Sáng (5/27/2014)
Tin/Bài khác
Cn 2424: Chúa Luôn Trọn Tình Thương (5/25/2014)
Lòng Chúa Thương Xót (5/7/2014)
Lòng Chúa Thương Xót Là Gì ? (5/6/2014)
Ca Tụng Lòng Chúa Thương Xót (5/6/2014)
Để Được Chúa Xót Thương (5/6/2014)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768