MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: lòng thương xót chúa
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Lòng Thương Xót Của Thiên Chúa, Lm. John Nguyễn
Thứ Sáu, Ngày 3 tháng 10-2014

Lòng Thương Xót Của Thiên Chúa

Ác giả ác báo. Có vây thì có trả. Nhân nào thì quả đó. Ở hiền thì gặp lành. Làm ác thì gặp dữ. Những câu nói dân gian rất có giá trị đáng để cho chúng ta suy gẫm về sự đời. Thế nhưng, sự dữ vẫn tồn tại, thế gian có lắm kẻ gian ác không chút lương tri, không còn tình người, giết hàng loạt người vô tội đã diễn ra hàng ngày trên thế giới và chung quanh ta. Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô lên án: " Những kẻ lạm dụng danh Thiên Chúa để giết người và gọi đó là hành động phạm thánh trầm trọng nhất." Liên quan với dụ ngôn tá điền sát nhân, Chúa Giê-su muốn nói với chúng ta điều gì với qua thông điệp Lời Chúa hôm nay.?

Trước tiên, chúng ta cần đọc lại đoạn Tin mừng một cách cẩn thận vì trong dụ ngôn này có những chi tiết phức tạp và khó hiểu. Kế đến, để hiểu chi tiết và nội dung của dụ ngôn này, chúng ta cần có khái niệm về xã hội của người Do thái vào thế kỷ thứ nhất và đời sống sinh hoạt của họ lúc bấy giờ. Nhiều chủ điền thường giao cho các tá điền chăm sóc đất đai của mình. Từ trong bối cảnh đó, Chúa Giê-su thường dùng hình ảnh vườn nho, cây lúa để diễn tả về chân lý, qua đó con người nhận thức về Thiên Chúa và Nước Trời, mà chúng ta được nghe rất nhiều dụ ngôn trong các sách Tin mừng.

Dụ ngôn tá điền sát nhân là một câu chuyện rất hay và ý nghĩa với chi tiết được diễn tả qua các nhân vật từ thái độ và hành động kiên nhẫn của ông chủ tới sự gian ác của các tên tá điền tạo ra một sự tương phản đối nghịch. Kết thúc là một bi kịch, bọn tá điền đã âm mưu giết chết những người làm công và ngay cả con trai yêu quý của ông chủ. Sự kiên nhẫn này có thể là một uẩn khúc và là một nghịch lý và làm cho chúng ta cảm thấy khó chấp nhận và coi đó như là một sự nhu nhược và không quyết đoán. Phải chăng nó không hợp lý với vai trò của một ông chủ! Chúng ta có lý do để đặt ra câu hỏi là tại sao ông chủ cho sự việc xẩy ra như vậy, ông ta có đủ quyền hạn để trừ phạt và loại trừ những tên tá điền gian ác kia chứ! Ông ta có đủ quyền lực để thống trị trên những kẻ mưu mô, lọc lừa làm những chuyện gian ác. Nếu xét theo khía cạnh của con người, thì ông chủ là người thất bại hoàn toàn. Sự kiên nhẫn đó không mang lại ích gì cho ông ta, cho gia đình và người làm của ông ta. Họ chịu quá nhiều đau khổ và tổn thất tài sản cho gia đình của ông. Còn nỗi đau đớn nào lớn hơn khi nhìn thấy con mình bị giết chết.

Những tên tá điền đó là ai?. Theo chú giải Kinh Thánh, những tên tá điền chính là những nhà lãnh đạo dân Do thái. Những người đầy tớ là các tiên tri thời Cựu ước, các ngài đã bị giết chết bởi các nhà lãnh đạo lúc bấy giờ. Người con tượng trưng cho Đức Giê-su, Ngài cũng bị giai cấp lãnh đạo âm mưu giết chết. Lịch sử cứu độ của Thiên Chúa bắt nguồn từ các tổ phụ, qua các tiên tri và đến Chúa Giê-su. Thiên Chúa đã chọn các tiên tri đến nhà Ít-ra-el, nhưng các nhà lãnh đạo Do thái đã đối xử tàn tệ và giết chết các ngài. Thế nhưng, Thiên Chúa vẫn chờ đợi và kêu gọi họ sửa đổi và quay trở lại con đường chân chính, Ngài đã sai chính Con Một của Ngài để loan báo và làm chứng tình yêu và ơn cứu độ của Thiên Chúa. Thế rồi, Chúa Giê-su cũng phải chết nhục nhã và đau thương, Ngài cũng cùng chung số phận như các tiên tri đã đi trước.

Chúa Giê-su dẫn dắt chúng ta đi vào câu chuyện từ một vườn nho được rào dậu được vun trồng, chăm sóc rất kỷ lưỡng để sinh nhiều hoa trái, vườn nho là biểu tượng cho Giáo hội, mà Giáo hội chính là nơi Đức Ki-tô. Ngài thiết lập và thực hiện giao ước giữa Thiên Chúa với con người. Qua Đức Giê-su, nhân loại sẽ nhận được tình yêu vô biên từ nơi Thiên Chúa Cha. Đó là điểm nhấn và cốt lõi của dụ ngôn này về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa bằng sự kiên nhẫn, chờ đợi và hy vọng. Dù có bất công và tàn bạo của con người, nhưng tình yêu và tha thứ Thiên Chúa vẫn lớn hơn tội ác của con người. Thiên Chúa không loại trừ, án phạt và giết chết theo kiểu con người của thế gian. Thiên Chúa là Đấng Duy Nhất, Yêu Thương và Hằng Hữu. Chính Chúa Giê-su đã đặt câu hỏi cho dân chúng rằng: " Ông chủ sẽ làm gì với các tên tá điền?. Họ đáp: " Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng." Đối với con người, thù oán thì phải trả giá, phải tiêu diệt. Nhưng đối với Thiên Chúa, Ngài yêu thương ngay cả chính kẻ thù mình, nói lời tha thứ cho kẻ xúc phạm đến Ngài. Đây là điểm sáng để cho chúng ta đi theo Đức Giê-su, vì Thiên Chúa là Tình Yêu.

Đứng trước sự bất công trong bối cảnh xã hội hôm nay, con người đang phải chịu sự tàn bạo dã man bởi những người có quyền lực và các giai cấp lãnh đạo thống trị. Với tư cách là người Ki-tô hữu, chúng ta đã, đang và sẽ phải làm gì trước bất công tàn bạo trên những người vô tội, bênh vực cho kẻ bé mọn thấp hèn, cho những người già, trẻ em và phụ nữ, cho công lý và hòa bình. Như lời ĐTC nói: " Chúng ta không thể không nhìn nhận rằng, sự bất bao dung đối với những người có xác tín tôn giáo khác với xác tín của mình là một kẻ thù nguy hiểm, ngày nay đang biểu lộ tại nhiều nước trên thế giới. Trong tư cách là tín hữu, chúng ta phải đặc biệt cảnh giác để tôn giáo và luân lý đạo đức mà chúng ta đang sống với xác tín niềm tin, hăng say làm chứng và được biểu lộ qua những thái độ xứng đáng với mầu nhiệm mà chúng ta muốn tôn kính, quyết liệt loại bỏ những điều không chân thật, vì không xứng đáng với Thiên Chúa và con người. Tất cả mọi hình thức lạm dụng tôn giáo một cách sai trái. Tôn giáo chân chính là nguồn an bình chứ không phải là nguồn sinh ra bạo lực! Không ai có thể sử dụng danh Thiên Chúa để phạm những hành vi bạo lực! Giết người nhân danh Thiên Chúa là một tội phạm thánh trầm trọng! Kỳ thị nhân danh Thiên Chúa là điều vô nhân đạo”.

Điều trước hết và sau cùng, mỗi người chúng ta cần nhìn ra căn tính của mình. Đó là chìa khóa mở ra cánh cửa đức tin và để trở nên giống Đức Ki-tô hơn. Câu hỏi vẫn là: tôi theo Chúa Ki-tô vác thập giá hay là đi tìm kiếm sự vinh quang của thế gian?. Tôi theo Chúa để được chức tước, thế lực trên người khác hay là kê vai cùng vác thánh giá theo chân Chúa?. Tôi đã chọn điều gì làm lý tưởng sống cho đời mình?. Chúa Giê-sê giải thoát nhân loại bằng con đường của thập giá. Như lời Ngài đã nói với chúng ta: "Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sống lại.” Đây là tột đỉnh của tình yêu và lòng thương xót Thiên Chúa đã được thể hiện qua người con của Ngài chính là Đức Giê-su. Ngài là con đường giải thoát cho chúng ta, vì không có Thánh giá, chúng ta không thể hiểu được Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu Thế.

Lạy Chúa Giê-su giàu lòng thương xót, xin hướng dẫn chúng con biết tìm kiếm điều chân thật, sống đúng với căn tính người Ki-tô hữu.

Lạy Mẹ Maria từ bi nhân ái, xin Mẹ nắm tay con để cùng đi với Mẹ. Nhờ Mẹ, với Mẹ và qua Mẹ con đến với tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa giàu lòng thương xót.

Lm. John Nguyễn

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
   Đại Hội Suy Tôn Lòng Chúa Thương Xót Kỳ Vii (2007). (1/31/2015)
Cn 2654: Đền Thánh Lòng Chúa Thương Xót (7) (11/14/2014)
Quyền Năng Lớn Lao Của Chuỗi Kinh Lòng Chúa Thương Xót (11/12/2014)
Lòng Chúa Thương Xót Trong Kinh Thánh (10/23/2014)
Lòng Chúa Thương Xót (10/8/2014)
Tin/Bài khác
Cha Thánh Eymard, Chứng Nhân Lòng Chúa Thương Xót Nơi Thánh Thể (9/30/2014)
Lòng Chúa Thương Xót, Lm Giuse Trần Đình Long (9/30/2014)
Lời Chia Sẻ Của Lm Trần Đình Long,dòng Thánh Thể (9/13/2014)
Thánh Faustina Qua Tác Phẩm Lòng Thương Xót Chúa, Lm Trần Đình Lòng, Dòng Chúa Thánh Thể (7/22/2014)
Lý Giải Lòng Chúa Thương Xót (7/6/2014)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768