MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: lòng thương xót chúa
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Suy Niệm Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa, Lm Anthony Trung Thành
Thứ Tư, Ngày 30 tháng 3-2016

Suy Niệm CHÚA NHẬT KÍNH LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

Thương Xót Nên Quan Tâm Tìm KiếmCó một người đàn ông nọ khao khát đi tìm gặp gỡ Chúa. Ông đi khắp nơi để thọ giáo những bậc thánh hiền, ông cặm cụi đọc sách, nghiền ngẫm nhưng vẫn không tìm được Chúa. Ngày nọ, ông đến ngồi thơ thẩn bên một dòng sông nhìn dòng nước trôi lững lờ, ông nhìn thấy một con vịt mẹ và một đàn con đang bơi lội. Đàn vịt con tinh nghịch muốn rời mẹ để ra đi kiếm ăn riêng. Để tìm con này đến con nọ, vịt mẹ phải lặn lội đi tìm đàn con mà không hề tỏ dấu giận dữ hay thất vọng.

Nhìn thấy cảnh vịt mẹ cứ mãi đi tìm con như thế, người đàn ông mỉm cười và đứng dậy trở về quê hương. Ông chợt khám phá ra một chân lý và ông thốt lên: Tôi đã đi tìm Chúa và cuối cùng tôi đã khám phá ra rằng chính Thiên Chúa đang đi tìm tôi (Trích trong ‘Suy Niệm Lời Chúa’ – Radio Veritas Asia).

Thật vậy, trong suốt lịch sử dân Do Thái, Thiên Chúa luôn đi tìm kiếm và gặp gỡ con người. Tiên tri Isaia đã diễn tả một cách đầy đủ điều đó khi nói: “Những kẻ không hỏi Ta thì Ta đã cho gặp; những kẻ không tìm Ta, Ta đã xuất hiện cho chúng thấy. Với một dân chẳng biết kêu cầu Ta, Ta đã phán: ‘Ta đây, Ta đây này !’” (Is 60,1). Ngài tìm kiếm, gặp gỡ con người để giải thoát họ. Ngài giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai-cập. Qua Môsê, Ngài dẫn dắt họ qua 40 năm hành trình trong sa mạc để về đất hứa. Biết bao lần dân chúng phản bội bỏ Ngài đi thờ các thần của dân ngoại, nhưng khi họ biết sám hối ăn năn trở về thì Ngài lại thứ tha và ôm ấp họ vào lòng.

Tin Mừng kể lại nhiều dụ ngôn nói về lòng thương xót của Thiên Chúa. Đáng lưu ý nhất là ba dụ ngôn: Đồng bạc bị đánh mất, con chiên bị lạc và người cha nhân hậu mà Thánh Luca kể lại. Qua ba dụ ngôn này chúng ta thấy, Thiên Chúa luôn khắc khoải, quan tâm, tìm kiếm con người, nhất là mỗi khi con người sa ngã phạm tội.

“Chúa Giêsu là khuôn mặt của lòng thương xót Chúa Cha, qua lời nói, hành động, và toàn bộ con người của Ngài đã thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa” (x. Tông Thư Khuôn mặt xót thương, số 1). Tin mừng cho chúng ta biết, chính Ngài đã đích thân đến với những người thu thuế và tội lỗi. Ngài tìm kiếm, gặp gỡ để tha thứ và đưa họ về nẻo chính đường ngay. Ngài đến với Giakêu khi ông đang còn ở trên cây sung, tới nhà ông và biến đổi cuộc đời ông. Ngài đến với Lêvi khi ông đang ngồi ở bàn thu thuế và mời gọi ông bỏ nghề thu thuế tội lỗi để đi theo làm môn đệ Ngài. Ngài đưa mắt nhìn Phêrô với cái nhìn tha thứ thông cảm khi ông đứng xa xa không dám tới gần Ngài. Vì lòng xót thương, Ngài đã làm phép lạ hoá bánh ra nhiều để cứu đói cho dân chúng khi họ đang ở trong sa mạc không có gì ăn. Vì lòng xót thương: Ngài đã chữa lành những bệnh hoạn tật nguyền (x. Mt 14,14); Ngài chữa lành cho người phụ nữ bị bệnh loạn huyết mười hai năm (x. Mt 9, 20-22); Ngài đã chữa bệnh cho người đầy tớ của ông đại đội trưởng (x. Lc 7,1-10
); Ngài đã chữa lành người mù từ thuở mới sinh (x. 9,1-41); Ngài đã cho con của bà goá thành Naim (x. Lc 7, 11-17) và anh Lazarô (x. Ga 11,1-44) đã chết được sống lại…

Sau Phục Sinh, Ngài còn quan tâm đến các Tông đồ và những người theo Chúa bấy lâu nay. Ngài đã hiện ra nhiều lần nhiều nơi để củng cố lòng tin của họ. Ngài đã hiện ra và gọi tên bà Mađalêna khi bà từ ngôi mộ trống trở về. Ngài hiện ra với hai môn đệ làng Emmau giải thích Kinh thánh và giúp họ nhận ra Ngài khi Ngài bẻ bánh. Ngài hiện ra với các Tông đồ khi họ đang ở trong phòng đóng kín cửa lại vì sợ người Do thái, để an ủi và ban bình an cho họ. Ngài hiện ra với Phaolô đang lúc ông đi lùng bắt các Kitô hữu, để giúp ông từ bỏ con đường sai lệch của mình và biến đổi ông trở thành Tông Đồ dân ngoại. Đặc biệt, bài Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy, Chúa quan tâm đến Tôma, Ngài hiện ra để đáp ứng yêu sách của ông: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xót vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin” (Ga 20,27). Tất cả những gì Chúa Giêsu đã làm chứng minh cho chúng ta thấy một vị Thiên Chúa đầy lòng thương xót. Thương xót nên quan tâm đi tìm. Tìm kiếm để trao ban, an ủi, tha thứ và đáp ứng các yêu sách chính đáng.

Về phần các môn đệ, sau khi gặp được Đức Kitô Phục Sinh, họ rời bỏ sự sợ hãi co cụm bấy lâu nay của mình để dấn thân loan báo Tin mừng Phục Sinh không biết mệt mỏi, bất chấp những khó khăn trở ngại. Ngày đầu tiên nghe Thánh Phêrô rao giảng đã có tới khoảng 3000 người xin được rửa tội.

Dầu bị cấm cách, bắt bớ, nhưng các ngài không chùn bước. Các ngài còn cảm thấy vui mừng vì hân hoan vì thấy mình xứng đáng được chịu khổ vì Đức Kitô (x. Cv ). Thánh Phêrô đã nói một cách mạnh mẽ rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5,29). Còn Thánh Phaolô, hiểu rõ rao giảng Tin mừng là việc bắt buộc Ngài phải làm, nên Ngài nói: “Vô phúc cho tôi nếu tôi không loan báo Tin mừng”(1 Cr 9,16). Riêng thánh Tôma, sau khi gặp gỡ Chúa Kitô Phục sinh, Ngài đã hăng say loan báo Tin mừng. Tương truyền rằng, Ngài đã đi truyền giáo tận Ấn Độ và chịu chết tử đạo ở đó.

Mỗi người kitô hữu chúng ta ngày hôm nay cũng có trách nhiệm tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu và các Tông đồ: Hãy quan tâm đi tìm kiếm. Thư mục vụ Mùa Chay 2016 của Đức Giám Mục Giáo Phận Vinh gợi ý cho chúng ta quan tâm, tìm kiếm những thành phần sau đây: 
Thứ nhất, quan tâm đến những người chưa được rửa tội. Đó là sứ mạng loan báo Tin mừng cho dân ngoại và cũng là lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28,19). Đó cũng là sứ mạng của Giáo Hội và của mỗi người Kitô hữu chúng ta. Có nhiều cách để loan báo Tin mừng trong thời đại hôm nay, nhưng làm chứng bằng đời sống vẫn là cách thế có hiệu quả nhất. Đó là sống công bằng, bác ái yêu thương, thuỷ chung... Vào dịp Mùa Chay vừa qua, khi đang đi thăm một số các gia đình trong Giáo xứ.  Một người giáo dân nói với tôi: “Thưa cha, có hai gia đình lương dân ở bên cạnh đây, họ rất có thiện cảm với người Công giáo chúng ta. Cha nên vào thăm họ. Con nghĩ, một lần thăm viếng như vậy, có lẽ bằng mấy bài giảng của Cha ở nhà thờ”. Tôi đã vào thăm hai gia đình đó. Gặp tôi. Họ rất vui mừng. Họ ca ngợi tinh thần sống đạo của các gia đình Công giáo bên cạnh, đặc biệt là tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau... Họ rất thích làm người Kitô hữu ! Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói rất chí lý rằng: "Con người thời đại thích nghe các chứng nhân hơn là những thầy dạy, và nếu họ có nghe thầy dạy thì cũng bởi vì những thầy dạy này là các chứng nhân".

Thứ hai, quan tâm đến các tân tòng. Tại Việt Nam chúng ta, đa số những người lớn theo đạo chỉ để lấy vợ lấy chồng. Cho nên, người ta thường mỉa mai rằng: “Con quỳ lạy Chúa Ba Ngôi, con lấy được vợ con thôi nhà thờ”. Thực tế đúng như vậy. Phần đông trong số họ, chỉ đến nhà thờ một lần duy nhất, đó là ngày lễ cưới. Nhưng đó không phải là tất cả. Một số người sau khi lấy vợ lấy chồng vẫn giữ đạo, sống đạo rất tốt. Nhờ đâu? Nhờ gương sáng của người chồng, người vợ có đạo; nhờ sự quan tâm chỉ dạy của cha mẹ đỡ đầu; nhờ sự hướng dẫn của cha xứ và cộng đoàn. Chính vì vậy, cũng trong lá thư mục vụ Mùa Chay 2016, Đức Giám Mục Giáo Phận Vinh nói: “Các cộng đoàn, nhất là các cha xứ phải có chương trình mục vụ cho họ; giúp họ học hỏi, thực hành niềm tin một cách ổn định và lâu dài sau khi đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Vào những dịp đặc biệt, hãy tổ chức những cuộc tĩnh tâm, hội thảo dành riêng cho họ”.

Thứ ba, quan tâm những người khô khan nguội lạnh. Họ là những thành phần đã được rửa tội nhưng vì hoàn cảnh nào đó cho nên họ không còn giữ đạo nữa. Có thể họ là những người đang sinh hoạt trong giáo xứ nhưng thường sa vào các tệ nạn cờ bạc, rượu chè, trai gái. Có thể họ là những người vẫn đi lễ đi nhà thờ nhưng lại bỏ xưng tội rước lễ vì một lý do nào đó. Tất cả đều cần sự quan tâm của cha xứ và mọi thành phần trong giáo xứ. Trong tuần thánh vừa qua, tôi rất cảm động khi thấy những bậc cha mẹ dẫn một số thanh niên là con cái của họ đến nhà thờ để xưng tội. Ước gì tinh thần của các bậc cha mẹ trên đây cũng là tinh thần của mỗi người chúng ta, luôn biết quan tâm đến những người khô khan nguội lạnh.

Lạy Thiên Chúa là Cha giàu Lòng Thương Xót, trong suốt lịch sử cứu độ, Chúa luôn quan tâm tìm kiếm con người để tha thứ và ban ơn. Xin giúp mỗi người chúng con luôn biết tiếp tục sứ vụ đó của Chúa để qua chúng con nhiều người được hưởng ơn cứu độ. Amen.

Lm Anthony Trung Thành

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Lần Chuỗi Lòng Thương Xót (ltx) (4/6/2016)
Mẻ Lưới Của Lòng Thương Xót, Lm Antôn Nguyễn Văn Độ (4/5/2016)
Ngày Thương Xót (4/3/2016)
Thánh Nữ Faustina Được Thấy Trước, Điềm Báo, Một Vị Giáo Hoàng, (4/3/2016)
Ca Dao Thương Xót (4/1/2016)
Tin/Bài cùng ngày
Lòng Thương Xót Chúa Tồn Tại Đến Muôn Đời, Lm Antôn Nguyễn Văn Độ (3/30/2016)
Lòng Thương Xót Của Thiên Chúa (3/30/2016)
Tin/Bài khác
Kinh Tuần Cửu Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa (5/3/2019)
Tuyên Xưng Lòng Chúa Thương Xót (3/28/2016)
Chúc Tụng Lòng Chúa Thương Xót (3/28/2016)
Lời Chúa Và Mẹ Nói Với Thánh Faustina (3) (3/28/2016)
Sùng Kính Và Suy Gẫm Về Lòng Chúa Thương Xót (2) (3/28/2016)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768