MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: lòng thương xót chúa
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Nguồn Thương Xót (lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Năm C)
Chủ Nhật, Ngày 29 tháng 5-2016

NGUỒN THƯƠNG XÓT (Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, năm C)

Trong thời gian từ 1968-1969, Chúa Giêsu đã mặc khải cho Mẹ Carmel tại Milan (Ý). Ngày 20-4-1968, Mẹ Carmel hỏi Ngài: “Lạy Chúa Giêsu, Chúa muốn con làm gì?”. Chúa Giêsu nói: “Hỡi con gái của Cha, con hãy viết. Con sẽ làm Tông đồ Tình Yêu Đầy Thương Xót của Cha. Cha sẽ chúc lành cho con. Và Cha sẽ đổ xuống trên con muôn vàn ơn Thánh, và những ân thưởng lớn lao. Cha cám ơn con đã phổ biến Thánh Nhan của Ta. Ta sẽ chúc lành cho các gia đình trưng bày hình ảnh của Ta, và Ta sẽ cải hoán những kẻ tội lỗi sống trong các gia đình đó. Ta sẽ giúp kẻ lành tự cải tiến thêm, và những kẻ nguội lạnh trở nên sốt sắng hơn. Ta sẽ để mắt đến các nhu cầu của họ, và sẽ giúp họ trong mọi sự cần thiết, vật chất cũng như siêu nhiên”. Rồi Ngài đã xác định: “TA LÀ GIÊSU ĐẦY LÒNG THƯƠNG XÓT”.

Khi mặc khải Thánh Tâm cho Thánh nữ Margaritta Maria Alacoque (Marguerite Marie Alacoque, 1647-1690), một nữ tu khiêm nhường của Dòng Thăm Viếng ở Paray-le-Monial (Pháp quốc), Chúa Giêsu đã cho thánh nữ thấy Thánh Tâm Ngài có lửa cháy, bị vòng gai quấn quanh và bị lưỡi gươm đâm thâu. Lần hiện ra quan trọng xảy ra trong tuần bát nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu (Corpus Christi) năm 1675 – có thể là ngày 16 tháng Sáu, Chúa Giêsu tha thiết mời gọi: “Hãy ngắm nhìn Thánh Tâm Ta yêu thương nhân loại biết bao… Nhưng thay vì được lòng biết ơn, Ta chỉ nhận được sự vô ơn…”. Chúa Giêsu đã yêu cầu Thánh nữ vận động thiết lập lễ kính Thánh Tâm vào Thứ Sáu sau lễ kính Mình Máu Thánh. Và ngày 11-6-1899, theo lệnh của ĐGH Lêô XIII, cả thế giới đã được tận hiến cho Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Thánh Tâm Chúa Giêsu là Trung Tâm Thương Xót, nơi tuôn chảy Nguồn Tình với hai dòng Máu và Nước – như đã được mặc khải cho Thánh nữ Maria Faustina Kowalska (còn gọi là Thánh Faustina Thánh Thể, OLM, 1905-1938).

Ai cũng có tim nhưng không ai thấy tim. Mặc dù tim không nhìn thấy nhưng khả dĩ cảm nhận, và tim là một cơ phận rất quan trọng, vì tim là trung tâm phân phối sự sống. Tim còn đập là còn sống. Tim hoạt động âm thầm nhưng nuôi sống cả cơ thể. Mặc dù não là trung tâm điều khiển – ví như bộ tổng tham mưu, nhưng vẫn phải nhờ tim bơm máu. Người ta có thể chết lâm sàng chứ chưa chết thật bởi vì tim còn hoạt động, dù nhịp đập rất yếu. Những người bị chứng bại não, sống đời thực vật, không biết phân biệt điều gì, nhưng họ vẫn sống nhờ tim vẫn hoạt động. Chừng nào tim ngừng đập thì sự sống mới chấm dứt!

Thánh Tâm Chúa Giêsu là nguồn mọi hồng ân, là nguồn cứu độ, là mạch thương xót, là suối yêu thương, vì chính Thánh Tâm đã tuôn trào Nước và Máu để tẩy rửa và cứu độ các tội nhân – trong đó có mỗi người chúng ta. Chính Chúa Giêsu đã nhắn nhủ: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11:28-30). Không ai lại không đau khổ, yếu đuối, mệt nhọc, tội lỗi,… thế nên không thể không cần Thánh Tâm Chúa Giêsu và Lòng Chúa Thương Xót.

Đừng bao giờ quên rằng Chúa Giêsu luôn mong muốn chúng ta trú ngụ nơi Thánh Tâm Ngài, không chỉ ghé thăm mà ở lại đó mãi mãi: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15:5). Ước gì mỗi chúng ta biết tìm về nghỉ ngơi nơi Thánh Tâm Chúa Giêsu – Cao Nguyên Yêu Thương và Đại Dương Thương Xót!
Ơn cha mẹ mà chúng ta đáp đền cả đời còn chưa cân xứng huống chi Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa.

Nhưng thật là diễm phúc cho chúng ta vì Chúa Giêsu đã xác nhận: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” (Lc 5:32). Ngài đến thế gian để TÌM và CỨU những gì đã mất (Lc 19:10), chỉ cần chúng ta tin vào tình yêu cao cả của Thiên Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ không thất vọng. Chỉ có chúng ta rời bỏ Chúa chứ Chúa không bao giờ rời xa chúng ta!

Thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã dùng miệng lưỡi ngôn sứ Êdêkien để mặc khải Thánh Ước: “Đây, chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm. Như mục tử kiểm điểm đàn vật của mình vào ngày nó ở giữa đàn chiên bị tản mác thế nào, Ta cũng sẽ kiểm điểm chiên của Ta như vậy. Ta sẽ kéo chúng ra khỏi mọi nơi chúng đã bị tản mác, vào ngày mây đen mù mịt. Ta sẽ đem chúng ra khỏi các dân, tập hợp chúng lại từ các nước và đưa chúng vào đất của chúng. Ta sẽ chăn dắt chúng trên các núi Ít-ra-en, trong các thung lũng và tại mọi nơi trong xứ có thể ở được” (Ed 34:11-13). Đó là lời hứa chắc chắn, vì Thiên Chúa là Đấng luôn trung tín trong mọi lời nói và mọi việc làm. Thật tuyệt vời!

Hồng ân nối tiếp hồng ân, Ngài lại tiếp tục thề hứa: “Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi và chuồng của chúng sẽ ở trên các núi cao Ít-ra-en. Tại đó chúng sẽ nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trong đồng cỏ mầu mỡ trên núi non Ít-ra-en. Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ. Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng” (Ed 34:14-16). Thật hạnh phúc khi được nương bóng cánh của vị mục tử như vậy! Nhưng lại thật bất hạnh nếu chúng ta cố chấp, như Chúa đã cảnh báo: “Đã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu (Mt 23:37; Lc 13:34).

Nếu thực sự có niềm tín thác tuyệt đối vào Thiên Chúa, chúng ta khả dĩ tự nhủ và xác định với mọi người điều này: “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi” (Tv 23:1), và có thể tự hào nói: “Chúa là gia nghiệp đời tôi” (Tv 16:5). Đó cũng là một cách tuyên xưng Lòng Chúa Thương Xót.

Nói về đức tin, Thánh Phaolô giải thích rạch ròi: “Vì chúng ta tin, nên Đức Giêsu đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa. Nhưng không phải chỉ có thế; chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên thì có quyền trông cậy (Rm 5:2-4). Quả thật, đây là một chuỗi hệ lụy vô cùng kỳ diệu!

Còn nữa, và cũng để cho chúng ta an tâm, thánh nhân tiếp tục giải thích “dài hơi” thêm một chút: “Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta. Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo thì theo đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta. Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Phương chi bây giờ chúng ta đã được nên công chính nhờ Máu Đức Kitô đổ ra, hẳn chúng ta sẽ được Người cứu khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa” (Rm 5:5-9).

Chúa Giêsu là Đấng giàu lòng thương xót, hết lòng yêu thương muôn loài, đặc biệt là những kẻ xấu xa nhất, thậm chí Ngài còn chết vì họ – tức là chúng ta. Theo thế gian, cách yêu như vậy bị coi là mù quáng, ngu xuẩn, điên rồ,... Chắc hẳn chỉ có người điên mới hành động như thế. Vậy mà Chúa Giêsu đã yêu như thế. Nếu Ngài không “yêu điên rồ” như vậy thì chúng ta làm sao có được ngày nay?

Quả nhiên là vậy, “nếu ngay khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết mà cho chúng ta được hoà giải với Ngài, phương chi bây giờ chúng ta đã được hoà giải rồi, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Người Con ấy” (Rm 5:10). Mà không phải chỉ có thế, Thánh Phaolô xác định: “Chúng ta còn có Thiên Chúa là niềm tự hào, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng nay đã hoà giải chúng ta với Thiên Chúa” (Rm 5:11).

Trình thuật Tin Mừng hôm nay (Lc 15:3-7) khá ngắn gọn, chỉ có 128 từ (theo bản dịch Việt ngữ, bản của VietCatholic). Đoạn Tin Mừng này là một trong các dụ ngôn về Lòng Chúa Thương Xót.

Một hôm, nhóm Pharisêu và các kinh sư xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”. Những người Pharisêu và các kinh sư là ai? Đó là những nhà thông luật, giữ luật nghiêm túc hơn người, giỏi giang hơn người, đạo đức hơn người, nói năng lưu loát hơn người, sang trọng hơn người, địa vị hơn người, quyền lực hơn người,… thậm chí có thể có ngoại hình “dễ nhìn” hơn người và giàu có hơn người, nhưng cũng hợm hĩnh, ỷ lại, hống hách và kiêu ngạo hơn người. Ngày nay người ta gọi dạng đó là “chảnh”. Nói chung, cái gì ở họ cũng hơn người ráo trọi!

Nhóm Pharisêu và các kinh sư kia cũng chẳng ai xa lạ, tức là chính chúng ta ngày nay, chứ chẳng ai trồng khoai đất này đâu!

Thấy vậy, Đức Giêsu mới kể cho dụ ngôn này: Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó”. Vậy, tôi nói cho các ông hay: “Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn”.

Người ta luôn thấy những “cái lạ” ở Chúa Giêsu, và người ta cảm thấy khó chịu. Vâng, Ngài lại gây “sốc” vì nói điều “nghịch nhĩ” quá! Ngài “điên” thật rồi! Có 99 con chiên béo tốt mà dám bỏ để cố gắng đi tìm duy nhất con chiên yếu đuối, bệnh hoạn, xấu xí,… Quả thật, chúng ta không thể nào hiểu nổi! Nhưng cũng chính nhờ cách “yêu điên” ấy của Chúa Giêsu mà chúng ta mới được phục hồi cương vị làm con và đồng hưởng thừa kế gia sản Nước Trời đấy!

Mẹ Teresa Calcutta (1910-1997, MC – Missionaries of Charity, Thừa Sai Bác Ái, sẽ được tuyên hiển thánh ngày 4-9-2016) xác định “chuỗi hệ lụy” rất kỳ diệu: “Kết quả của IM LẶNG là CẦU NGUYỆN, kết quả của CẦU NGUYỆN là ĐỨC TIN, kết quả của ĐỨC TIN là TÌNH YÊU, kết quả của TÌNH YÊU là PHỤC VỤ, kết quả của PHỤC VỤ là BÌNH AN”.

Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, nguồn êm ái dịu dàng, con thành tâm xin lỗi Ngài vì con đã thường xuyên quên Ngài, thế nhưng Ngài vẫn không ngừng thương xót con, mặc dù con chẳng là gì và hoàn toàn bất xứng. Xin giúp con nhận biết Chúa và nhận biết chính con, nhờ đó con có thể yêu mến Ngài trọn vẹn. Xin ân thương và tha thứ những thiếu sót của con, lạy Đấng giàu lòng thương xót, và xin dạy con biết cách “yêu điên” của Ngài. Xin Nước và Máu Thánh Ngài tẩy rửa cuộc đời con, và xin cho con cũng được vĩnh cư nơi Thánh Tâm Ngài, hôm nay và mãi mãi. Ngài là Đấng hằng sống, hiển trị cùng Chúa Cha và hiệp nhất với Chúa Thánh Thần muôn đời. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Giáo Lý Về Lòng Thương Xót Trong Năm Thánh Thương Xót (6/10/2016)
Tội Lỗi Và Lòng Thương Xót (6/10/2016)
Chân Lý Và Lòng Xót Thương Phải Luôn Tồn Tại, Jos. Vinc. Ngọc Biển (6/8/2016)
Hồng Ân Đau Khổ (6/4/2016)
Câu Đối Tháng Sáu (5/30/2016)
Tin/Bài khác
 Làm Sao Để Sống Năm Thánh Lòng Thương Xót (5/1/2019)
Thực Thi Lòng Thương Xót (5/31/2018)
Tổng Đài Thương Xót (5/27/2016)
Chuyện Lòng Thương Xót (5/26/2016)
Lòng Thương Xót Của Thiên Chúa Ba Ngôi Trong Trần Gian (5/18/2016)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768