MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: lòng thương xót chúa
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Lòng Thương Xót Chúa - Niềm Tin Tưởng Nguyện Cầu
Thứ Hai, Ngày 25 tháng 7-2016

Lòng Thương Xót Chúa - Niềm Tin Tưởng Nguyện Cầu

Phụng Vụ Lời Chúa cho Chúa Nhật XVII Thường Niên Năm C dường như nhấn mạnh đến việc cầu nguyện. Chẳng hạn ở trong Bài Đọc 1 liên quan đến việc tổ phụ Abraham mặc cả với Thiên Chúa để Ngài đừng giáng phạt thành Sodoma, và trong Bài Phúc Âm Chúa Giêsu dạy các môn đệ của Người mô thức cầu nguyện và tinh thần cầu nguyện cùng hiệu quả cầu nguyện. Nhưng thật ra, tận sâu xa của tất cả ý nghĩa của việc cầu nguyện này đều hướng đến ân sủng, đến chính Lòng Thương Xót Chúa, đối tượng chính yếu và trên hết của đức tin nơi người cầu nguyện.

Đó là lý do Bài Đáp Ca sau Bài Đọc 1 hôm nay đã cho thấy Lòng Thương Xót Chúa chính là động lực cầu nguyện,
là tinh thần cầu nguyện và là tất cả tất cả lòng tin tưởng cầu nguyện của con người:

2) Và con sẽ ca tụng uy danh Chúa, vì lòng nhân hậu và trung thành của Chúa. Khi con kêu cầu, Chúa đã nhậm lời con; Chúa đã ban cho tâm hồn con nhiều sức mạnh.

3) Quả thật Chúa cao cả và thương nhìn kẻ khiêm cung; còn người kiêu ngạo thì Ngài ngó tự đàng xa. Nếu con đi giữa cảnh gian truân, Chúa giữ gìn con sống; Chúa ra tay phản đối quân thù giận dữ.

4) Tay hữu Chúa khiến con được sống an lành. Chúa sẽ hoàn tất cho con những điều đã khởi sự. Lạy Chúa, lòng nhân hậu Chúa tồn tại muôn đời; xin đừng bỏ rơi công cuộc tay Ngài.

Đó cũng là lý do trong Bài Đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô Tông Đồ, Vị Tông Đồ Dân Ngoại, vị chủ trương ơn cứu độ là do bởi ân sủng (tức bởi đức tin) hơn là việc làm của con người (tiêu biểu nhất là việc tuân giữ lề luật của Do Thái giáo mà ngài là một Pharisiêu đã từng nghĩ tưởng và sống theo), đã nhắc nhở cho Giáo Đoàn Colose về ân sủng xuất phát từ Lòng Thương Xót Chúa đối với bản thân tội lỗi đã được cứu độ của họ nơi Chúa Giêsu Kitô tử giá:

"Anh em thân mến, nhờ phép rửa tội, anh em đã được mai táng làm một với Ðức Kitô, anh em cũng được sống lại với Người, bởi đã tin vào quyền năng Thiên Chúa, Ðấng đã cho Người từ cõi chết sống lại. Anh em vốn đã chết vì tội lỗi anh em và bởi không cắt bì tính xác thịt của anh em, nhưng Thiên Chúa đã cho anh em được chung sống với Người, Người đã ân xá mọi tội lỗi chúng ta, đã huỷ bỏ bản văn tự bất lợi cho chúng ta, vì làm cho chúng ta bị kết án; Người đã huỷ bỏ bản văn tự đó bằng cách đóng đinh nó vào thập giá".

Chính vì ân sủng xuất phát từ Lòng Thương Xót Chúa là đối tượng của đức tin là tinh thần và là yếu tố chính yếu của việc cầu nguyện, tức là việc cầu nguyện với Thiên Chúa là những gì xuất phát từ lòng tin tưởng của con người mà, trong Bài Đọc 1 hôm nay, tổ phụ Abraham mới dám mặc cả với Thiên Chúa cho thành Sodoma. Qua chính lời mặc cả này của ông, nhất là lời đầu tiên, chúng ta thấy ông tin tưởng vào Thiên Chúa nhân từ, vào phán quyết công bằng đầy lòng thương xót của Ngài:

"Chớ thì Chúa sắp tiêu diệt người công chính cùng với kẻ tội lỗi sao? Nếu có năm mươi người công chính trong thành, họ cũng chết chung hay sao? Chúa không tha thứ cho cả thành vì năm chục người công chính đang ở trong đó sao? Xin Chúa đừng làm như vậy, đừng sát hại người công chính cùng với kẻ dữ! Xin đừng làm thế! Chúa phán xét thế giới, Chúa không xét đoán như thế đâu".

Phải, "Chúa phán xét thế giới, Chúa không xét đoán như thế đâu", ở chỗ, Ngài sẽ chẳng bao giờ "sát hại người công chính cùng với kẻ dữ!", trái lại, Ngài sẵn sàng "tha thứ cho cả thành" - "vì năm chục người công chính đang ở trong đó", hay vì "bốn mươi lăm người công chính", hoặc vì "bốn mươi người", hay vì "ba mươi người", hoặc vì "hai mươi lăm người công chính", dù chỉ có "mười người công chính".

Tuy nhiên, vì không đủ số người công chính như tổ phụ Abraham mặc cả với Chúa, mà thành Sodoma (cùng với Gomorra) sau đó, theo Sách Khởi Nguyên (19:24-25) đã bị thiêu hủy, cho dù trong thành này chỉ có 1 người công chính là Lot, cháu của ông.

Nhưng, chính trong việc Thiên Chúa trừng phạt thành này, vì tội đồng tình dâm loạn của họ (xem Khởi Nguyên 19:4-11), Ngài cũng tỏ lòng thương xót riêng cháu Lot của ông (xem Khởi Nguyên 19:16), ở chỗ đã vì người cháu công chính của ông mà cứu cả những ai trong thành có liên hệ với gia đình người cháu này (xem Khởi Nguyên 19:12)nhưng cuối cùng chỉ cứu được có mỗi người cháu và 2 đứa con gái, bởi 2 chàng rể tỏ thái độ không tin tưởng (xem Khởi Nguyên 19:14), và vợ ông tỏ ra tiếc xót quay lại đằng sau khi đã bỏ chạy (xem Khởi Nguyên 19:26).

Nghĩa là, trong chính việc trừng phạt dân thành Sodoma tội lỗi, Thiên Chúa công minh chính trực vẫn tỏ lòng xót thương, không bao giờ giáng phạt kẻ lành cùng với kẻ dữ, và nhờ kẻ lành mà những ai liên hệ với họ cũng được hưởng lây ân phúc.

Hình ảnh của duy một mình người công chính là Lot ở thành Sodoma ám chỉ đến Chúa Kitô, Con Người duy nhất tự bản chất vô tội, Đấng duy nhất có thể cứu được toàn thể nhân loại khỏi tội lỗi và sự chết, và vì thế lý do tại sao một mình người công chính là Lot ở thành Sodoma không thể cứu được cả thành, ám chỉ toàn thể nhân loại, cũng ám chỉ đến Chúa Kitô.

Bởi vì cho dù con người tạo vật thuần nhân dù có công chính mấy chăng nữa, thậm chí là đệ nhất tạo vật về ân sủng là Đức Maria vô nhiễm nguyên tội chăng nữa, tự mình, cũng chẳng một ai có đủ tư cách xứng đáng và khả năng cứu độ lẫn nhau, dù chỉ một người, nếu không nhờ bởi duy Lòng Thương Xót Chúa, một Lòng Thương Xót Chúa "đã trở nên hữu hình" (xem 1Gioan 1:2; Gioan 1:14) nơi Chúa Kitô duy nhất và đã hoàn toàn tỏ hiện nơi cuộc Vượt Qua của Đấng duy nhất là "Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người" (1Timôtheu 2:5).

Thế nên, trong Bài Phúc Âm của Thánh ký Luca hôm nay, một phúc âm viết cho dân ngoại, liên quan đến Lòng Thương Xót Chúa, khác với Phúc Âm Thánh Mathêu là phúc âm viết cho dân Do Thái, nên trong cùng đoạn viết về Kinh lạy Cha (xem Mathêu 6:5-15) như đoạn phúc âm hôm nay của Thánh ký Luca, không có những lời Chúa Giêsu nói về Lòng Thương Xót Chúa như được Thánh ký Luca thuật lại trong bài Phúc Âm hôm nay:
 
"Và Thầy bảo các con: Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho. Người cha nào trong các con có đứa con xin bánh mà lại cho nó hòn đá ư? Hay nó xin cá, lại cho nó con rắn thay vì cá sao? Hay nó xin quả trứng, lại cho nó con bọ cạp ư? Vậy, nếu các con là những kẻ gian ác, còn biết cho con cái mình những của tốt, phương chi Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người".

Thế nên, một khi Kitô hữu cầu nguyện mà hoàn toàn tin tưởng vào Lòng Thương Xót Chúa, nhân danh Đấng mà "Thiên Chúa đã không dung tha, một đã phó nộp vì chúng ta thì còn tiếc gì với chúng ta nữa" (Roma 8:32), thì lời cầu nguyện của họ là lời cầu nguyện đẹp lòng Thiên Chúa nhất, không thể nào Ngài không ban cho, không đáp ứng, đến độ, chính Chúa Giêsu đã bảo đảm rằng: "Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho".

Lòng Thương Xót Chúa không thể nào không đáp ứng lời cầu nguyện của những ai kêu cầu Ngài chỉ vì tin tưởng vào Lòng Thương Xót Chúa của Ngài, một Lòng Thương Xót Chúa còn yêu thương con người hơn chính con người, tự bản chất là tội lỗi "gian ác", yêu thương con cái của họ, đúng như lời Chúa Giêsu đã tuyên phán để tỏ Cha của Người ra trong Bài Phúc Âm hôm nay:

"Người cha nào trong các con có đứa con xin bánh mà lại cho nó hòn đá ư? Hay nó xin cá, lại cho nó con rắn thay vì cá sao? Hay nó xin quả trứng, lại cho nó con bọ cạp ư? Vậy, nếu các con là những kẻ gian ác, còn biết cho con cái mình những của tốt, phương chi Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người".

Lòng Thương Xót Chúa là đối tượng của lòng tin tưởng nơi con người cầu nguyện không phải chỉ ở chỗ đáp ứng lời cầu nguyện hợp với ý muốn của Ngài: "nguyện xin danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến", mà còn nhất là ở chỗ: "ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người". Nghĩa là làm cho họ càng ngày càng được hiệp thông thần linh với Ngài: "Ai yêu mến Thày thì sẽ giữ lời Thày. Cha Thày sẽ yêu mến họ, và chúng ta sẽ đến với họ và ở với họ" (Gioan 14:23).

Theo tu đức, có 3 giai đoạn nên trọn lành hay 3 bậc nên trọn lành là khởi sinh, tiến sinh và hiệp sinh. Kitô hữu nào đạt tới giai đoạn tu đức hay bậc tu đức hiệp sinh là người đã có được một đời sống hay một tâm hồn cầu nguyện ở bậc chiêm niệm, đến độ "gió muốn thổi đâu thì thổi" (Gioan 3:8), nghĩa là, nhờ Thánh Thần được ban cho họ và ở trong tâm hồn đơn sơ dễ dậy như trẻ thơ của họ, những tâm hồn này, về nội tâm, có được một ý nghĩ và tâm tình như Chúa, và bề ngoài, phát ngôn, tác hành và phản ứng như một chứng nhân sống động của Chúa Kitô, khiến người khác nhận biết Chúa Kitô qua họ và nhờ họ.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Thiên Sứ Của Lòng Chúa Thương Xót (9/3/2016)
Tín Thác Lòng Chúa Thương Xót (8/19/2016)
Hòa Âm Lòng Thương Xót (8/18/2016)
Ngôi Hai Thương Xót (8/13/2016)
Cầu Xin Lòng Thương Xót (7/27/2016)
Tin/Bài khác
Giới Trẻ Thương Xót (7/21/2016)
Phải Chăng Lòng Thương Xót Trong Tôi Đã Chết? (7/15/2016)
Có Xót Thương Mới Được Cứu Độ (7/6/2016)
Hãy Có Lòng Thương Xót, Lm Antôn Nguyễn Văn Độ (7/6/2016)
Trả Nợ Lòng Thương Xót (7/3/2016)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768