MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: tiểu mục :: theo chủ đề
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Những Câu Chuyện Giáng Sinh (21-23)
Thứ Năm, Ngày 24 tháng 12-2009
NHỮNG CÂU CHUYỆN GIÁNG SINH từ 21-23 :

21-QUÀ GIÁNG SINH CHO CON
Lễ Giáng Sinh

Sắp đến lễ Giáng sinh rồi mà trong văn phòng ông Giám đốc một xí nghiệp còn chồng chất bao nhiêu công việc. Hầu như ngày nào cô thư ký cũng phải làm thêm giờ phụ trội.

Thấy ông Giám đốc lính quýnh nhìn đồng hồ rồi nhìn lịch treo tường, cô thư ký hỏi:
- Thưa ông, còn phải làm việc gì nữa không?
Ông đáp:
- Chúng ta phải ra về thôi, muộn rồi, cũng chẳng làm thêm được việc gì nữa.
Cô thư ký mỉm cười nói:
- Thật ra, còn một việc nữa cần phải làm sớm, đó là mua quà cho con gái cưng của ông. Ông đừng quên là chỉ còn hai hôm nữa là tới lễ Giáng sinh rồi đó.

Ông Giám đốc giơ hai tay ôm đầu nói:
- Thật may là cô nhắc, suýt nữa tôi quên mất. Ngày nào cũng bao nhiêu công việc dồn dập. Có lẽ con bé sẽ giận tôi lắm. Mỗi buổi tối khi tôi về đến nhà thì nó đã ngủ say. Ít khi tôi có thì giờ nói chuyện hoặc chơi với con gái tôi, nhưng ít là dịp lễ Giáng sinh tôi muốn tặng nó một món quà thật đẹp mà nó ưa thích. Nhưng tôi cũng không có thì giờ đi mua cho nó. Hay là cô mua dùm tôi nhé ? Cô đọc dùm tôi lá thư nó gởi cho tôi xem nó muốn gì, tốn kém bao nhiêu cũng được, nó thích gì cô cứ mua cho nó.

Cô thư ký mở tờ giấy hồng mà cô bé nguệch ngoạc mấy hàng chữ. Cô đọc qua rồi mỉm cười lắc đầu với ông Giám đốc. Ông Giám đốc ngạc nhiên hỏi:

- Có điều gì khó khăn đến nỗi không thể làm vui lòng một đứa trẻ 8 tuổi, nó muốn gì vậy? Cô đưa lá thư cho tôi xem.
Cô thư ký trao cho ông Giám đốc lá thư với mấy hàng chữ của con gái cưng như sau:

Ba yêu dấu của con,
Con chỉ xin Ba cho con một món quà Giáng sinh này, là bắt đầu từ năm mới mỗi ngày, Ba dành ra nửa tiếng đồng hồ để chơi với con, con không xin gì thêm nữa đâu.
Con cưng của Ba
Mến thương
***

Giáng Sinh là lễ của Tình yêu. Không phải là lễ của những món quà vật chất, đắt tiền nhưng không gói ghém được tình yêu thương. Sống trong thế giới hưởng thụ, người ta chỉ nghĩ đến vật chất. Món quà càng đắt tiền thì càng có giá tri. Nhưng thật ra chỉ có quà tặng thắm đượm tình thương mới có giá trị lớn nhất. Paul Claudel có nói: "Quà tặng phải đưa vào tận con tim, chứ không phải chỉ trên đôi tay."

Thánh Phalo cũng nhắc nhở: "Anh em chớ mắc nợ nhau điều gì, ngoài tình thương mến". Vì thế quà tặng chỉ có ý nghĩa và có giá trị khi nó nói lên tình cảm sâu sắc, sự quan tâm tế nhị, lòng yêu mến chân thành. Do đó, tặng quà không có nghĩa là cho đi của cải dư thừ, mà chính là trao tặng chính bản thân mình. Bà góa dâng cúng trong đền thờ hẳn phải là tấm gương để chúng ta noi theo. Dù chỉ bỏ vào thùng tiền 2 đồng xu nhỏ, nhưng Chúa Giêsu đã khen ngợi: "Bà đã cho nhiều nhất, vì bà đã cho chính một phần sự sống của mình".

Có thể nói, quà tặng được coi là quí giá nhất phải là quà tặng dốc cạn túi. Trao ban đích thực chính là trao ban thì giờ, trao ban sự tôn trọng, trao ban lòng quí mến, trao ban sự thứ tha. Đó là quà tặng cao quí nhất mà mọi người đang chờ đợi nơi chúng ta.

Trong mầu nhiệm Giáng Sinh, qua Con Một yêu dấu, Thiên Chúa muốn trao ban chính Ngài cho loài người. Ngài không chỉ hài lòng với món quà vật chất mà Ngài đã ban tặng như vũ trụ bao la với muôn vàn phúc lộc trong đó, nhưng Ngài đã đích thân ở giữa nhân loại để chia sẻ cuộc sống con người. Chúa Giêsu là hiện thân rõ nét và sống động nhất của tình thương vô biên và lòng ưu ái của Thiên Chúa đối với con người. Đức Chúa Giêsu là quà tặng quí giá nhất mà Thiên Chúa Cha đã trao ban cho loài người.
***
Lạy Chúa, xin cho những nghĩa cử con làm cho anh em luôn được đi kèm với lòng yêu thương chân thành. Xin cho con cảm thấy mình được lớn lên trong tình yêu Chúa mỗi khi con thực thi một nghĩa cử yêu thương nào đó cho anh em con. Lạy Chúa Hài Đồng, Chúa đã trao ban trọn vẹn cho nhân loại chúng con. Xin cho con luôn ý thức rằng sống đích thực là sống trọn vẹn cho tha nhân. Amen!
Thiên Phúc
Ký tên- Thiên Phúc

22-LAN MAN TỪ CHUYỆN TẤM THIỆP

Quá nửa tháng 12, sắc màu Nô-en ngập tràn phố xá. Cái lạnh se sắt tụt xuống dưới không độ, và bầu trời mùa đông xam xám - chợt mưa bay, chợt nắng nhẹ, chợt tuyết rơi - không làm chồn chân dòng người lũ lượt dạo phố, mua quà. Tôi ghé vào một bưu điện gần nhà, khu trung tâm Paris, mua vài tấm thiệp Giáng Sinh gửi người thân. Thiệp ‘Nô-en’ có rất nhiều, nhưng thiệp ‘Giáng Sinh’ tìm hoài không thấy! Nào thông xanh, nào nến sáng, nào chuông vàng, nào ông già tuyết, nào tuần lộc..., nhưng tìm mãi không ra một tấm thiệp có hình em bé Giêsu, dù chỉ nhạt mờ! Chợt nhớ, từ lâu đã từng nghe, đất nước và dân tộc này một thời là “trưởng nữ của Giáo Hội.” Nhưng thời ấy đã xa lắm rồi...  

... Và bỗng thấy mình vô duyên khi chỉ là ‘khách qua đường’ lại thầm tiêng tiếc cho người về một điều mà chính người không hề tiếc, thậm chí đó là điều mà người tự hào. Người Pháp, ngót 60 phần trăm là Công Giáo, vẫn tự hào về tính thế tục (sécularisation) nơi xã hội và quốc gia của họ. Dấu mốc quyết định của tính thế tục này là Sắc Luật ‘Séparation’ hồi 1905, cách đây vừa hơn một thế kỷ, trong đó nền Đệ Tam Cộng Hòa dứt khoát tách rời nhà nước khỏi nhà thờ. Nghe cứ như một cuộc hôn nhân có nhiều vấn đề, đến nỗi cuối cùng phải chọn giải pháp ‘đường anh anh đi, đường em em đi’ vậy!  

Không biết những người trong Giáo Hội thời đó có thấy phũ phàng và có buồn tiếc nhiều về cuộc ‘ly thân’ bất khả kháng ấy không. Thực ra, bình tâm mà ngẫm thì chắc ai cũng thừa nhận rằng cuộc ‘ly thân’ ấy là một bước nhảy văn minh hơn trong đời sống xã hội Pháp: một xã hội muốn thượng tôn nguyên tắc tự do lương tâm, tự do tôn giáo; trong đó nhà nước hoàn toàn trung lập về tôn giáo, không can thiệp hay dính dáng đến bất kỳ tôn giáo nào.  

‘Ly thân’ là để ‘nàng’, hay ‘chàng’, hay cả hai, được giải phóng; nhưng trách nhiệm đối với ‘con cái’ thì vẫn còn: Những cơ sở thờ tự của các tôn giáo tồn tại trước 1905 vẫn tiếp tục là cơ sở thờ tự, nhưng thuộc tài sản nhà nước và nhà nước có bổn phận bảo trì. Mấy tháng trở lại đây, ai đi ngang qua ngôi nhà thờ Saint-Sulpice (to lớn ước gấp đôi nhà thờ Chính Tòa Đà Nẵng) gần Vườn Luxembourg, sẽ thấy những giàn giáo tua tủa và những cần cẩu gầm gừ chỗ tháp chuông tiền đường. Thế nhưng các cha của giáo xứ và bà con giáo dân vẫn khỏe re, chẳng phải lo gì. Hỏi ra mới biết việc bảo trì nhà thờ ấy là bổn phận của nhà nước, không phải của ‘mình’. Thế đấy, thật ngộ, một nhà nước đặc trưng tính thế tục và không can thiệp hay dính dáng gì đến tôn giáo, lại có bổn phận sửa chữa tái thiết nhà thờ! Thoạt nghe hay nhìn thấy chuyện như vậy, dễ tưởng đó là cái gì nhập nhằng, giẫm chân. Nhưng thực ra, đó chỉ là chuyện sòng phẳng, rạch ròi, và ... “theo đúng qui định của pháp luật”.  

Tính thế tục của quốc gia được thấy bàng bạc trong các ngóc ngách đời sống văn hóa xã hội. Người Pháp vô tư chọn Sarkozy làm người lãnh đạo của mình vì tài kinh bang tế thế của ông; còn chuyện ông li dị hai lần và kết hôn ba lần chỉ là chuyện riêng của ông ấy, chẳng liên can gì – (người Mỹ hẳn sẽ thấy như vậy là liên can nhiều lắm đấy!)  

Một đàng, tính thế tục ấy có thể phản ảnh một cấp độ văn minh; song đàng khác, trong thực tế, không phải là nó không đi quá xa, khiến cho Giáo Hội phải rầu. Một ví dụ là mô hình PACS (Pacte Civil de Solidarité, tạm dịch: Khế Ước Dân Sự về Sống Chung) mà mới hồi tháng trước người Pháp kỷ niệm 10 năm tồn tại của nó cách khá tưng bừng. Đây là một sắc luật công nhận sự sống chung giữa hai người, đồng giới hay khác giới, với cộng đồng tài sản, với sinh con đẻ cái (nếu sinh đẻ được!), mà ... không phải là hôn nhân! Trong 10 năm qua, hơn 500.000 đôi (đa số là nam-nữ, song cũng có một số là nam-nam hoặc nữ-nữ) đã chọn ký loại khế ước này. Và biểu đồ thống kê cho thấy con số đang trên đà tăng rất nhanh. Tính riêng năm 2008, nếu cả nước có 273.500 đôi nam nữ kết hôn dân sự chính thức, thì cũng có đến 146.084 đôi chọn kết hợp với nhau theo mô hình PACS này. Bên ta, chuyện ‘sống thử’ tuy là trào lưu leo thang đến mức báo động khẩn cấp rồi, song cũng còn đỡ, vì quốc hội chưa làm luật để hợp pháp hóa nó theo kiểu PACS của dân tây.  

Người Pháp, cũng như nhiều dân khác, đang ở trong một căng thẳng giữa một bên là tính thế tục chính đáng của cơ cấu xã hội và bên kia là chiều kích tín ngưỡng tâm linh vốn là nhu cầu sâu xa vẫn ray rứt nơi con người, cá nhân hay cộng đồng. Sự căng thẳng này phần nào bộc lộ, chẳng hạn, như hồi năm 2000 họ đã bãi bỏ điều 30 của Sắc Luật ‘Séparation’, là điều vốn qui định “cấm dạy tôn giáo trong các lớp học ở trường công.” Rồi năm 2003, thêm một tu chính nữa theo chiều hướng mở rộng, liên quan đến các qui định về các dấu hiệu tôn giáo công khai tại trường học. Năm sau, 2004, Nicholas Sarkozy – lúc bấy giờ vừa mới chuyển từ bộ trưởng Nội Vụ sang làm bộ trưởng Kinh Tế và Tài Chánh –  đã đề nghị trao cho nhà nước các phương tiện để có thể kiểm soát hữu hiệu tài chánh của các tôn giáo, cách riêng của Hồi Giáo (là cộng đồng trong thực tế đang được rót tiền đáng kể bởi những người đồng đạo ở Cận Đông và Trung Đông.) Sự kiểm soát này, theo ông, nhằm giúp giải phóng Hồi Giáo ở Pháp khỏi những sự giám hộ đáng ngờ, và có thể hạn chế những trệch hướng về phía quá khích và khủng bố, vốn có thể bộc phát giữa lòng các cộng đồng Hồi Giáo Pháp.  

Xem thế, mối căng thẳng đạo / đời của người Pháp cũng mang trong mình nó những dấu hiệu tích cực đấy chứ. Họ đã vất vả nhiều, và va vấp cũng nhiều, mới ‘có’ được sự căng thẳng của ngày hôm nay, một sự căng thẳng xem chừng đáng được đặt tên là ‘thiện chí’, vì cả hai đầu của sợi dây đều muốn chứng tỏ thiện chí của mình. Và khi người ta có thiện chí thì người ta có quyền hy vọng. 

Ở Việt Nam mình, mối căng thẳng đạo / đời đang có thừa, cách riêng trong mối tương quan giữa Giáo Hội Công Giáo và nhà nước Cộng Sản. Lịch sử của mối tương quan này đầy gai góc, như những gì đã diễn ra từ năm 1945 cho đến nay: từ đối đầu kịch liệt đến chấp nhận sống chung với ít hay nhiều miễn cưỡng. Mối tương quan này sẽ diễn biến theo chiều hướng nào, nó có cho phép hy vọng gì không? Câu trả lời, dĩ nhiên, tùy ở thiện chí của cả hai đầu sợi dây. Thiện chí là ‘muốn điều tốt’. Người Công Giáo Việt Nam không thể ‘muốn điều tốt’ dùm cho những người Cộng Sản đang nắm quyền. Nhưng nguyên việc bảo đảm rằng điều mình mong muốn cho chính mình là điều thật sự tốt cũng không hề đơn giản. Có thể mình vẫn muốn hay vẫn mơ một ‘hoàng kim thời đại’ nào đó chăng? Thiển nghĩ, cuộc ‘ly thân’ giữa nhà nước và nhà thờ ở Pháp, và tính thế tục mà họ quyết chọn cho thể chế của họ từ đó đến nay, dù có trầy trật, cũng có thể giúp mình như một phép thử... 

Chợt nghĩ, việc không tìm thấy Hài Nhi Giêsu trên các tấm thiệp Nô-en chỉ là chuyện ... nhỏ thôi. Tôi mua mấy tấm thiệp Nô-en không có Chúa, tự nhủ rằng “Chắc Chúa cũng chẳng quyết đòi cho được có mặt trên những tấm thiệp này.” Nghĩ thì nghĩ vậy, mà sao tư tưởng vẫn cứ còn lan man...                                                       
Lm. Giuse Lê Công Đức
19.12.2009

23-GIÁNG SINH VÀ NHỮNG BẤT NGỜ KỲ DIỆU TỪ MỘT CA KHÚC.

Giáng sinh tưng bừng. Giáng sinh rợp trời hoa đèn dủ sắc mầu lung linh huyền ảo.

Giáng sinh nếu chưa mang lại niềm vui thánh thiện, thì ít nhất, Giáng Sinh cũng là một niềm vui lớn lao của biết bao gặp gỡ thân tình thương mến.

Từ rất lâu, Giáng sinh không chỉ là ngày Đại lễ của người Công giáo, nhưng đã trở thành một lễ hội lớn của mọi người thuộc nhiều xã hội và tôn giáo khác nhau.
Tính phổ cập của Kitô giáo được thể hiện rất rõ qua Đại lễ Giáng sinh, đặc biệt, Giáng sinh còn gắn liền với một bài Thánh ca, tuy là Thánh ca của nhà đạo, nhưng đã được mọi giới qua mọi thời đại nhiệt tình đón nhận và thiết tha yêu mến. Đó là ca khúc : “Đêm thánh vô cùng”, ca khúc này có một lịch sử rất thú vị.

Bất ngờ và kỳ diệu 
“Stille Nacht” Tiếng Áo, “Silent night”, tiếng Anh hoặc “Đêm thánh vô cùng”
Thật là thú vị, khi được biết ca khúc vô cùng danh tiếng ấy lại được sáng tác bởi người không phải là nhạc sĩ, trong một hoàn cảnh bất đắc dĩ, buộc phải sáng tác.   

Đêm vọng Giáng Sinh, tức đêm 24/12 năm 1818, cây đàn Organ của Nhà thờ Thánh Nicholas (Nicola-Kirche) ở Obendorf thuộc nước Áo đột nhiên bị hỏng.

Cha xứ là Linh mục Josef Mohr rất bối rối không biết tính sao, đang lúng túng thì Ngài chợt nhớ tới một bài thơ ngắn mà Ngài đã sáng tác từ 2 năm trước đó (1816). Bài thơ rất đơn sơ này có tựa là “Đêm Thánh”. Một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu, cha xứ muốn có một ca khúc mới dành cho lễ nửa đêm, nhưng làm sao bây giờ, vì Ngài không phải là nhạc sĩ để có thể phổ nhạc bài thơ này ?

Làm sao bây giờ, khi gần hết hạn và Thánh lễ nửa đêm sắp bắt đầu ?
Một ý nghĩ lại sáng lên, còn ai khác trong lúc này, ngoài Frank Gruber, là người vẫn thường chơi đàn Organ cho nhà thờ, ông là giáo viên và cũng là bạn thân của Cha. Thế là, Ngài đã tìm gặp ngay F. Gruber để nhờ soạn phần giai điệu và phối âm bài thơ “Đêm thánh”, nhưng …bằng đàn Guitar.

Lúc đầu, F. Gruber không đồng ý với đề nghị của J. Mohr, vì e rằng giáo dân đến dự lễ sẽ không thích loại âm nhạc được trình bày với đàn guitar vì vốn vẫn quen với đàn Organ xưa nay. Nhưng vì không còn sự lựa chọn nào khác, F. Gruber đành phải chấp nhận và bắt tay vào việc. Hết sức bất ngờ, chỉ trong vài giờ đồng hồ, phần nhạc của ca khúc được hoàn tất.

Thoạt tiên, những người dự lễ tỏ ra kinh ngạc khi nghe ca khúc được trình bày với đàn guitar, nhưng chẳng bao lâu mọi người bị mê hoặc bởi giai điệu ngọt ngào của bài hát.

Kể từ đó bài thánh ca Đêm Thánh Vô Cùng đã trở thành một bài hát gây ấn tượng nhất cho đêm thánh giáng sinh hài nhi Ki-tô.

Dẫu cùng niềm tin hay không, người ta cũng không thể không rung động trước những vẻ đẹp, và đặc biệt, là nét đơn sơ nhưng rất sâu sắc của bài hát, chính vì thế đã lan rộng khắp địa cầu như một điều tự nhiên.

Bài Đêm Thánh Vô Cùng đã được chuyển ngữ sang nhiều thứ tiếng trên hoàn vũ. Người ta còn hát với tiếng Et-ki-mô và với thổ ngữ Ban-tu ở Phi Châu. Không có một âm hưởng nào, đời hay đạo, được quốc tế biết tới nhiều như bài thánh ca Giáng sinh khiêm nhu này của Áo quốc.
Ca khúc Giáng sinh này đã được dịch ra hơn 300 thứ tiếng trên khắp thế giới, và là một trong những bài hát được yêu thích nhất trong mọi thời đại. Ca khúc vẫn thường được trình diễn không cần nhạc đệm. Mặc dù được sáng tác bởi hai tín hữu Công giáo, nhưng bài hát này đã có một vị trí đặc biệt trong các nhà thờ thuộc Giáo hội Luther.

Xuyên qua lịch sử Ki-tô giáo, bài thánh ca Đêm Thánh Vô Cùng đã trở thành một biểu tượng chân thực cho mầu nhiệm sâu kín, đêm Thiên Chúa giáng trần của người tín hữu Ki-tô.

Thực tế, có chăng một đêm nào êm dịu hơn, thánh thiêng hơn, cái đêm được nhìn thấy một hài nhi, vị Sứ giả của Trời cao, sinh ra trong một máng cỏ nơi chuồng súc vật, trong khi đó, các gia súc quen thuộc như bò và lừa lại thổi hơi cho ấm hài nhi? Chuyện hoang đường hay sự thật? Thật không quan trọng về điều này, vì niềm tin không thể áp đặt cho ai, nhưng trọng điểm dễ nhận biết là, ca khúc đã khơi động niềm xúc cảm cho nhân loại.

Thật khá lý thú, khi mà hầu hết các âm hưởng nhạc Giáng sinh truyền thống đều bị mai một hoặc thay đổi, trong khi âm hưởng của bản Stille Nacht vẫn lưu giữ được nguyên vẻ trong sáng về hình thức và cách cấu trúc ban đầu.

Sự kiện đáng chú ý và cảm động hơn nữa, là bài Đêm Thánh Vô Cùng có từ nguồn gốc Ki-tô giáo đã được các tôn giáo khác đón nhận. Có nơi tại Á Châu còn hát bài này ngay cả trong những đền Chùa Phật giáo…

Mọi người đều biết rằng trong thế chiến thứ hai, Đức và Mỹ đã đồng ý với nhau có một cuộc hưu chiến trong đêm Giáng Sinh để binh sĩ cùng tham dự thánh lễ nửa đêm, hôm đó mọi người đã cùng nhau hát lên bài “Đêm Thánh Vô Cùng”.
*** 

Từ đầu thập niên 1900, Nhà thờ Thánh Nicholas đã không còn nữa do sự tàn phá của lũ lụt. Một ngôi nhà thờ mới đã được xây dựng bên cạnh một chiếc cầu. Một nhà nguyện nhỏ gọi là "Stille-Nacht-Gedachtniskapelle" (Nhà nguyện Tưởng nhớ Ca khúc Đêm Yên lặng), được dựng lên ngay tại địa điểm của ngôi nhà thờ đã bị phá hủy, và ngôi nhà kế cận được biến thành Nhà bảo tàng.

Nơi đây, quanh năm thu hút du khách đến từ khắp nơi trên thế giới, nhưng đông nhất vẫn là trong tháng 12.

Hiện nay, trong Bảo Tàng Đêm Yên lặng và Nhà nguyện kỷ niệm tại Oberndorf, mọi người còn được thấy bản viết tay bài thơ “Đêm thánh”của Cha J. Mohr. Cả bản giai điệu viết tay của F. Gruber, giai điệu chịu ảnh hưởng của âm nhạc truyền thống tại các vùng nông thôn, phảng phất những nét đặc trưng của dân ca Áo.

Cả bài thơ và giai điệu của bài ca đều rất đơn sơ giản dị, nhưng lại gây xúc động vô cùng nên đã chinh phục được toàn thế giới. Điểm nổi bật hơn hết là so với âm điệu của các bài thánh ca Noel khác, bài “Đêm Thánh Vô Cùng” tiêu biểu cho đêm hạ sinh một hài nhi - Thiên Chúa, đến với trần gian và sống với con người. Chính nhờ thế, bài Thánh ca ấy đã giúp cho Đại lễ Giáng sinh thêm rất nhiều ý nghĩa. Thật khó hình dung, lễ Giáng sinh mà lại thiếu bài Thánh ca “Đêm thánh vô cùng”.

Nhưng ngày lễ không chỉ là dịp để cho ta kỷ niệm, nhớ tới hoặc nghĩ về, vì như thế sẽ chẳng sinh ích lợi bao nhiêu, vì lễ nào rồi cũng qua, như bao nhiêu Thánh lễ đã qua và từng được dự trong đời, nhưng phải là những nhắc nhở và đòi buộc ta phải sống với mầu nhiệm Giáng sinh, nghĩa là Chúa cũng phải được sinh ra, phải lớn lên ở ngay trong lòng mình. Nghĩa là, ta cũng phải đổi thay, phải tự điều chỉnh để nên giống Chúa hơn qua từng ngày. Nghĩa là, ta phải thực sự ý thức, để không thể tự hài lòng và an tâm với lối sống hời hợt, nặng phần trình diễn của các hình thức lòe loẹt ồn ào.

Lạy Chúa !
Xin luôn nâng đỡ và nhắc nhở, để con biết vâng theo ý Chúa, hơn là bắt Chúa phải chiều theo ý con, nhờ thế, con sẽ có được niềm vui và sự bình an mà Thiên thần đã ngợi ca chúc tụng  khi hài nhi Giêsu sinh ra năm nào :

Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm”.
Amen.

Xuân Thái

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Phép Lạ Mùa Giáng Sinh? Chuyện Một Chiếc Chén Lễ Bụi Đời (12/29/2010)
Hướng Về Ngày Thánh Mẫu 2010 - Thứ Năm: 05-8-2010 (7/8/2010)
Quà Giáng Sinh (12/25/2009)
Tin/Bài cùng ngày
Hãy Trả Lễ Giáng Sinh Lại Cho Chúa Kitô (12/24/2009)
Hoa Hồng Trong Đêm Giáng Sinh (12/24/2009)
Những Câu Chuyện Giáng Sinh (17-19) (12/24/2009)
Những Câu Chuyện Giáng Sinh (9-16) (12/24/2009)
Quà Tặng Đêm Noel (12/24/2009)
Tin/Bài khác
Những Câu Chuyện Giáng Sinh (1-8) (12/22/2009)
Nếu Chúa Kitô Không Đến (12/22/2009)
Tiếng Chuông Sinh Nhật (12/22/2009)
Tập San Nhờ Mẹ Đến Với Chúa Tháng 12/2009: Đồng Xu Của Bà Goá... Ngày Nay! (12/21/2009)
Tập San Nhờ Mẹ Đến Với Chúa Tháng 12/2009: Niềm Vui Giáng Sinh (12/21/2009)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768