MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: suy niệm
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Hiệp Sống Tin Mừng --- Sinh Nhật Thánh Gio-an Tẩy Giả (24/06)
Thứ Năm, Ngày 20 tháng 6-2019
HIỆP SỐNG TIN MỪNG

SINH NHẬT THÁNH GIO-AN TẨY GIẢ (24/06)

Is 49,1-6; Cv 13,22-26; Lc 1,57-66.80

CHU TÒAN SỨ VỤ TIỀN HÔ NOI GƯƠNG GIO-AN TẨY GIẢ:

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 1,57-66.80:

(57) Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai. (58) Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà. (59) Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em. (60) Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: “Không, phải đặt tên cháu là Gio-an. (61) Họ bảo bà: “Trong họ hàng của bà, chẳng có ai có tên như vậy cả”. (62) Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì. (63) Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gio-an”. Ai nấy đều rất bỡ ngỡ. (64) Ngay lúc ấy, miệng lưỡi của ông lại mở ra. Ông nói được và chúc tụng Thiên Chúa. (65) Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giu-đê. (66) Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi sẽ ra thế nào đây?” Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em. (80) Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Ít-ra-en.

2. Ý CHÍNH:

Bài Tin Mừng hôm nay tập trung vào mặc khải diệu kỳ của việc đặt tên Gio-an khi làm lễ cắt bì cho con trẻ. Bà con láng giềng tụ tập trong ngày này đã được chứng kiến sự lạ lùng ấy. Rồi việc ông Da-ca-ri-a được khỏi bệnh câm khiến mọi người có mặt đều bỡ ngỡ và đặt dấu hỏi về sứ mệnh của con trẻ sau này. Sau đó trẻ Gio-an đã vào sống trong hoang địa cho đến khi thi hành sứ mệnh tiền hô, giúp dân Do thái nhận biết Đấng Thiên Sai là Đức Giê-su làng Na-da-rét.

3. CHÚ THÍCH:

-C 57-59: +Láng giềng và thân thích đều chia vui với bà: Bài tường thuật tập trung vào việc mặc khải diệu kỳ về cái tên Gio-an và biến cố cắt bì. Bà con láng giềng tụ tập lại để chia sẻ niềm vui với đôi vợ chồng già. Nhờ đó tiếng đồn sự lạ về con trẻ lại càng lan rộng. +Khi con trẻ được tám ngày: Tám ngày là thời gian Luật định để làm phép cắt bì (x St 17,12; Lv 12,3; Pl 3,5). Phép Cắt bì là nghi lễ cử hành trong gia đình trẻ nam mới sinh được một tuần. Người ta dùng dao cắt đi miếng da thừa ở đầu dương vật của đứa trẻ, để nó trở nên thành viên của dân Do thái. +Và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em: Người ta ít khi lấy tên cha mà thường lấy tên ông nội mà đặt tên cho cháu. Ở đây người ta định lấy tên cha Da-ca-ri-a mà đặt cho con, có thể do ông Da-ca-ri-a đã cao niên.

-C 62-63: +Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gio-an”: Dù hai ông bà đã đã không hội ý trước sẽ đặt tên con là gì, vì ông vừa bị câm và bị điếc trong Đền thờ sau khi được sứ thần hiện ra báo tin về đứa con mà vợ ông sắp thụ thai trong lúc tuổi già (x Lc 1,13). +Ai nấy đều rất bỡ ngỡ: Phải chăng sự thống nhất ý kiến của hai ông bà về việc đặt tên Gio-an cho con chính là dấu lạ khiến mọi người hiện diện phải ngạc nhiên.

-C 65-66: +Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ: Trong Kinh Thánh, chữ “tâm” hay “lòng”chỉ nơi phát xuất ra tư tưởng, tình cảm, hòai niệm, quyết định và ước muốn của con người  giống như Đức Ma-ri-a “suy đi nghĩ lại trong lòng” (x Lc 2,19), nghĩa là để tâm tìm hiểu ý nghĩa của lời sấm hay sự việc xảy ra. +Có bàn tay Chúa phù hộ em: Kiểu nói “bàn tay Chúa” mô phỏng Cựu ước, cho thấy Thiên Chúa bảo vệ những ai tin cậy vào Người, mà Gio-an là một trong số những người đó (x Tv 80,18; 139,5).

4. CÂU HỎI: 1) Gio-an Tẩy Giả có họ hàng thế nào với Đức Giê-su? 2) Tại sao láng giềng bà con lại phải đến nhà thăm hỏi chia vui khi nghe tin bà Ê-li-sa-bét sinh con? 3) Phép cắt bì là gì? Được cử hành thế nào? 4) Tại sao hai ông bà Gia-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét lại thống nhất ý kiến đặt tên cho con trai là Gio-an thay vì Gia-ca-ri-a?

II. SỐNG LỜI CHÚA:

1. LỜI CHÚA: “Đức Ki-tô phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3,30).

2. CÂU CHUYỆN:

1) CUỘC ĐỜI VỊ TIỀN HÔ CỦA ĐẤNG CỨU THẾ

Gio-an là vị tiền hô của Chúa Giê-su (x.Mt 3,3), là con của ông Da-ca-ri-a và bà Ê-li-sa-bét. Cả hai ông bà thuộc dòng tộc tư tế. Bà Ê-li-sa-bét là chị họ của Đức Ma-ri-a, nên Gio-an là anh bà con của Đức Giê-su. Cha mẹ của Gio-an cư ngụ tại miền núi xứ Giu-đê (x.Lc 1,39). Từ nhỏ, Gio-an đã vào trong sa mạc sống đời tu hành nhiệm nhặt. Đến năm thứ 15 thời hoàng đế Ti-bê-ri-ô, Gio-an bắt đầu xuất hiện tại vùng ven sông Gio-đan miền Giu-đê rao giảng và làm phép rửa sám hối (x.Lc 3,1). Phép rửa của ông là nghi thức thống hối kèm theo xưng thú tội lỗi (x. Mt 3,6). Gio-an công nhận Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai khi giới thiệu Người là “chiên Thiên Chúa” với hai môn đệ của ông (Ga 1,35). Có lần Đức Giê-su gọi Gio-an là Ngôn sứ Ê-li-a khác, là người lớn nhất thời Cựu ước, là sứ giả đi trước dọn đường cho Người (x. Mt 11,9-19; Lc 7,24-30). Cuộc đời của Gio-an kết thúc với cái chết bị chém đầu trong nhà ngục, do ông đã can đảm lên tiếng ngăn cản vua Hê-rô-đê không được lấy bà chị dâu tên là Hê-rô-đi-a-đê làm vợ, nên ông bị vua Hê-rô-đê bắt giam và cuối cùng đã bị bà Hê-rô-đi-a thù ghét hãm hại (x.Lc 9,7-9).

2) LUÔN HẠ MÌNH ĐỂ CHÚA ĐƯỢC TÔN VINH:

Tác giả La-phông-ten đã viết nhiều câu chuyện ngụ ngôn, trong đó có câu chuyện về con ếch và con bò nhằm dạy chúng ta đừng quá tự cao như sau:

Ngày kia có một con ếch trông thấy con bò mộng to lớn vĩ đại nên rất ngưỡng mộ và mong sao cho mình cũng được to lớn như vậy. Để biến tư tưởng thành hành động, con ếch liền xuống ao uống nước để bụng phình to ra cho bằng với con bò kia. Cứ thế, cứ thế, nó uống mãi uống hoài mà vẫn không sao to được bằng con bò. Nó lại uống thêm cho đến khi một tiếng “Bốp” nổ vang lên và con ếch đã bị nổ bụng chết banh xác.

Câu chuyện trên cho chúng ta thấy tự thẳm sâu cõi lòng, ai cũng muốn được người khác chúc khen ca tụng. Ai cũng muốn được nâng mình lên chứ không muốn tự hạ mình xuống. Nhưng chúng ta cần ý thức về giá trị của đức khiêm nhường và quyết tâm tập luyện, để việc tông đồ bác ái được thành công tốt đẹp.

3. SUY NIỆM:

1) So sánh giữa Gio-an Tẩy Giả và Hê-rô-đê:

Đây là hai khuôn mặt đối lập nhau: Gio-an là người có chí khí mạnh mẽ đang khi Hê-rô-đê lại tâm tính nhu nhược. Gio-an có lối sống khắc khổ giản dị, đang khi  Hê-rô-đê lại sống xa hoa và ham hưởng lạc. Hê-rô-đê đã tống giam Gio-an vì Gio-an dám lên tiếng tố cáo yêu cầu vua không được lấy bà chị dâu là Hê-rô-đi-a-đê làm vợ mình. Thật ra vua Hê-rô-đê cũng có lòng kính trọng Gio-an và coi ông là một ngôn sứ. Nhưng ông lại nhu nhược và thiếu ý chí, dễ bị các đam mê dục vọng lấn lướt. Do muốn chiều ý bà Hê-rô-đi-a-đê, nên Hê-rô-đê đã sai quân lính đến bắt và tống giam Gio-an vào ngục. Rồi trong một bữa tiệc, do hài lòng về điệu múa của Sa-lô-mê là con gái riêng của bà Hê-rô-đi-a-đê, nên ông đã cao hứng hứa cho cô ta bất cứ điều gì cô xin. Đứa con gái được mẹ xúi giục đã xin vua cho cái đầu của Gio-an Tẩy Giả, Vua Hê-rô-đê tuy không muốn, nhưng cũng phải giữ lời hứa. Ông sai lính vào ngục chém đầu Gio-an trao cho mẹ con bà Hê-rô-đi-a-đê .

Vua Hê-rô-đê tiêu biểu cho những người để cho thú tính lấn lướt. Mặc dù đôi khi lý trí và lương tâm vẫn nhắc bảo phải vươn lên, nhưng tiếng nói ấy vẫn không đủ sức kéo họ ra khỏi vũng bùn tội lỗi, vì họ đã quen lối sống hưởng thụ các lạc thú thấp hèn. Còn thánh Gio-an Tẩy Giả là một người sống có lý tưởng, luôn ý thức và quyết tâm chu toàn trách nhiệm, chống lại sự lôi kéo của bản năng nơi bản thân.

2) Đức Giê-su đã đề cao Gio-an Tẩy Giả như sau: “Đây còn hơn ngôn sứ nữa! Chính ông là người Thiên Chúa đã nói tới trong Kinh Thánh rằng: "Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến" (Lc 7,24-27). Gio-an chính là vị ngôn sứ, được Thiên Chúa sai đến trước để dọn đường cho Đấng Thiên Sai  Với sứ mệnh đó, Gio-an đã trở nên một nhân vật lớn nhất trong lịch sử cứu độ như Đức Giê-su đã nói: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả…” (Mt 11,11).

3) Cần chu toàn sứ mệnh chiếu tỏa ánh sáng tin yêu trước mặt người đời:

Ngày sinh của Thánh Gio-an Tẩy giả mời gọi chúng ta nhớ lại ngày chúng ta được ơn tái sinh làm con Thiên Chúa. Nhờ bí tích rửa tội, chúng ta đã trở thành ngôn sứ của Chúa Ki-tô và phải chu toàn sứ mệnh làm chứng cho Người. Ngọn nến Hội Thánh trao cho chúng ta trong lúc chịu bí tích rửa tội tượng trưng cho đức bác ái mà chúng ta phải chiếu tỏa trước mặt người đời. Dù sống trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng phải làm các việc lành để người đời nhìn thấy các việc lành chúng ta làm sẽ ngợi khen Cha chúng ta trên trời (x. Mt 5,16).

4) Chúng ta cần làm gì để chiếu sáng các nhân đức noi gương thánh Gio-an ?

+ Đức khiêm tốn: Nói năng nhỏ nhẹ, tôn trọng tha nhân, năng khen các ưu điểm để khích lệ hơn phê phán chỉ trích những ai hơn mình. Tránh tự cao nhưng luôn làm mọi việc để tôn vinh Thiên Chúa như thánh Gio-an đã làm đối với Đức Giê-su: “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3,28.30).

+ Đức khó nghèo: Tránh đua đòi mua sắm quần này áo nọ, nhưng luôn sống đơn sơ khó nghèo trong cách ăn ở noi gương thánh Gio-an: “mặc áo bằng lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và uống mật ong rừng” (x Mc 1,6-8).

+ Đức vâng phục: Luôn bỏ ý riêng để vâng phục ý Chúa, noi gương thánh Gio-an đã vâng lời Đức Giê-su để làm phép rửa cho Người tại sông Gio-đan (x Mt 3,13-15).

+ Đức trung tín: Luôn chu tòan sứ vụ tiền hô giúp người đời tin nhận Đức Giê-su,  noi gương thánh Gio-an xưa đã giới thiệu và khích lệ hai môn đồ ưu tú bỏ mình để theo làm môn đệ Đức Giê-su (x Ga 1,35-37).

+ Đức trung thực: Luôn trung thực nhìn nhận khuyết điểm của mình và tu sửa, noi gương thánh Gio-an xưa đã tự nhận mình chỉ là tiếng người hô trong hoang địa: ”Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi”, ứng nghiệm lời tuyên sấm của ngôn sứ I-sai-a. Gio-an thừa nhận phép rửa của ông chỉ giúp người ta sám hối, còn Đấng đến sau ông lại quyền thế hơn ông, mà ông không đáng xách dép cho Người. Đấng ấy sẽ “làm phép rửa trong Thánh Thần và lửa” (Mt 3,11; Ga 1,20-27).

+ Đức can đảm: Luôn can đảm làm chứng cho Chúa noi gương thánh Gio-an đã mạnh dạn lên tiếng can ngăn vua Hê-rô-đê không được lấy người chị dâu là bà Hê-rô-đi-a làm vợ mình (x Mt 14,3-4; Lc 3,7-9). Dù vì thế mà ông đã bị hãm hại.

4. THẢO LUẬN:

1) Thánh Gio-an Tẩy Giả đã nêu gương sống thế nào để chu tòan sứ vụ tiền hô của Đức Giê-su? 2) Mỗi người chúng ta hôm nay cần phải làm gì cụ thể để sống khiêm hạ như thánh Gio-an?

5. LỜI CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin cho chúng con hôm nay biết noi gương thánh Gio-an làm chứng cho Chúa bằng các việc làm cụ thể: không khoe khoang thành tích ưu điểm của mình, sống đơn giản điều độ trong cách ăn mặc, tránh chè chén say sưa, can đảm bênh vực những người thân yếu thế cô, sẵn sàng chấp nhận thua thiệt vì danh Chúa… Xin cho chúng con trở thành những người tiền hô mở đường hầu giúp người đời nhận biết tin yêu Chúa noi gương thánh Gio-an.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.-Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH - HHTM

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Lịch Sử Lòng Chúa Thương Xót (6/23/2019)
Dấu Ấn Thánh Nhân (6/23/2019)
Darwin Ramos – Cậu Bé Ăn Xin Trở Thành Nhà Thần Bí (6/22/2019)
Lò Lửa Tình Yêu (6/21/2019)
Chịu Thu Phục (6/21/2019)
Tin/Bài cùng ngày
Hiệp Sống Tin Mừng --- Chúa Nhật 12 Thường Niên C ---lễ Mình Máu Chúa (6/20/2019)
Tin/Bài khác
Hiệp Sống Tin Mừng -- Lễ Thánh Tâm Năm C (6/28/2019)
Hồng Ân Sự Sống (6/19/2019)
Gợi Ý Củng Cố Gia Đình Công Giáo (6/19/2019)
Dồi Dào Sức Sống (6/18/2019)
Chờ Chúa Tái Lâm (6/18/2019)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768