MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: tiểu mục :: phút cầu nguyện
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Lời Cầu Nguyện Của Người Tù
Chủ Nhật, Ngày 1 tháng 3-2015

Lời Cầu Nguyện Của Người Tù

Tác giả: A. E. Levitine

Kể từ tháng giêng 1969, tôi biết chắc thế nào cũng bị bắt. Tôi không hiểu vì sao tôi lại thâm tín như vậy. Nhưng quả thật là tôi thấy điều đó đã hiển nhiên và không thể tránh được. Chẳng biết có phải là trực giác không?…

Vào cuối tháng giêng 1969, quả lắc chính trị nghiêng về phía hữu, theo chiều hướng của thời đại Staline. Từ năm 1956, đã có cả một loạt những sự thay đổi chính sách lắc la lắc lư, khi nghiêng bên này lúc nghiêng bên kia, thường thường cứ cách một thời gian ngắn lại thay đổi. Một chân lý từ lâu mọi người đều biết là bánh xe lịch sử không bao giờ quay ngược. Nhưng mỗi biến chuyển giật lùi về chính sách lại được trả giá bằng sự tự do của một số người. Vấn đề bây giờ không phải là phân tách tường tận những hiệu quả do đấy mà ra, đó là việc của nhà viết sử. Riêng chúng tôi chỉ biết ghi nhận như thế mà thôi.

(Sau khi thuật lại một loạt các vụ bắt bớ, Levitine kể tiếp):

VIỆC TÔI BỊ BẮT

Bây giờ là ngày 12 tháng chín, 5 giờ chiều, chuông reo vang ở cửa phòng tôi, lanh lảnh ngân dài… Tôi đoán được ngay điều đó có nghĩa gì. Không bao giờ có ai đến thăm tôi lại bấm chuông kiểu đó! Tôi mở cửa… Mấy người cán bộ mặc thường phục bước vào. Một người đàn bà nhỏ nhắn tử tế nói đùa: “Khách khứa đông quá trời!” Rồi bà ta chiềng ra trước mắt tôi một tấm thẻ căn cước. Tôi thấy một tấm ảnh và danh tính: “Akymova, dự thẩm tại Công tố viện Mạc tư Khoa”. Tôi bảo: “Tôi đã được nghe nói đến bà”. Bà ta đáp với một thoáng ngạc nhiên: “Sao lại như thế được?” Quả thật là tôi đã nghe nói đến người đàn bà đó. Nghe đâu thỉnh thoảng người ta giao cho bà những vụ điều tra chính trị và bà ta ưa làm ra vẻ có những tư tưởng tự do phóng khoáng. Thật ra bà chu toàn một cách rất khéo léo những nhiệm vụ do các tổ chức nâng đỡ bà ta giao phó. Tôi hỏi:
“Bà muốn gì?”

Người ta đưa cho tôi xem một lệnh khám nhà… (bốn giờ sau) Akymova và toán người đi theo rút vào phòng tắm bắt đầu bàn bạc riêng với nhau một lúc lâu. Rồi bà ta cất cái giọng the thé nói với tôi những lời này:

– Anatole Emmanouylovitch! Yêu cầu anh đi với chúng tôi!

– Bà chỉ cho tôi xem lệnh khám nhà thôi mà?

Nghe nói vậy, Akymova vừa sửa lại mái tóc vừa liến thoắng:

– Ơ, anh này lạ chưa, tôi bắt tù anh bao giờ!… Tôi mời anh đi nói câu chuyện!

Tôi:

– Nói chuyện gì lại nói lúc 11 giờ đêm?

Akymova, làm bộ như nũng nịu:

– Anh biết không, tụi này làm việc cả ban đêm nữa đó! Anh Anatole, mời anh đi với tụi tôi nghe? Tụi tôi có quyền giữ anh ba ngày liền…

Phản đối mà làm gì? Tôi mặc áo choàng. Chúng tôi ra cầu thang. Lên xe…

Ở TÙ…

Tôi lẳng lặng bước qua cánh cửa đưa đến chỗ tạm trú. Đi dọc theo một hành lang, một dân vệ mở cánh cửa phòng kêu ken két. Tôi bước vào. Cánh cửa đóng lại cái sầm. Thế là xong! Lại ở tù! Ngày 24 tháng tư 1934, năm tôi mười tám tuổi Leningrad, G.P.U., nhà tù Chpalernaya. Ngày 8 tháng 6, 1949, năm tôi ba mươi ba tuổi: Mạc tư Khoa, M.G.B., nhà tù Loubyanka. Ngày 12 tháng chín 1969, năm mươi bốn tuổi: Mạc tư Khoa, nhà tù của mật vụ KGB.

Sống ở đời rồi cái gì cũng quen. Năm mười tám tuổi, tôi có vẻ lớn lối. Trong thâm tâm, tôi lấy làm bằng lòng. Trí tưởng tượng của tôi gợi lên tất cả các bậc danh nhân đã bị nhốt trong ngục tối, từ Jeanne d’Arc tới Lev Davidovitch Trotsky. Năm 1949 (giấu mà làm gì?) tôi lo sợ xao xuyến cả người. Giờ này tâm trạng tôi ra sao? Khá dửng dưng. Tôi biết mình không phải là người được mời đi chơi hội hè, tôi chào chàng thiếu niên ở chung phòng, nằm xuống cạnh hắn trên chiếc giường ọp ẹp và tức thì ngủ say như súc gỗ…

Ngày thứ hai, 15 tháng chín, người ta trao cho tôi bản văn sau đây:

“Từ nhiều năm, Levitine Anatole Emmanouylovitch, sinh ở Bakou năm 1915, hiện ngụ ở Mạc tư Khoa, đường Kouzmynskaya, số 20, nhà số 1, phòng số 418, đã từng soạn thảo, ấn loát và phổ biến sách báo bôi nhọ chế độ sô viết trên bình diện chính trị và xã hội. Một cách có hệ thống đương sự đã xúi giục các công dân vi phạm các đạo luật về sự tách biệt Giáo Hội với Nhà Nước… (tiếp theo đó có danh sách đầy đủ chi tiết về mười lăm tác phẩm của tôi).

Vì lẽ đó, Levitine A.E. đã phạm những tội do điều 190 khoản một, và điều 142, khoản hai, tiên liệu. Do đó, nay lập thủ tục truy tố Levitine A.E. Đương sự có thể bị tạm giữ với tính cách phòng ngừa.”

Trong suốt cuộc thẩm án, sau đó, tôi đã đáp lại lời tố cáo trên đây bằng một công thức mà tôi cứ lặp đi lặp lại một cách bướng bỉnh đến độ như ngây dại qua hết mọi giai đoạn của vụ xử án:

-“Tôi không nhận một tội nào hết. Trong các tác phẩm của tôi không hề có lời vu khống nào, chỉ toàn là sự thật, không có gì khác ngoài sự thật. Việc tôi bị bắt là một bằng chứng vô phương chối cãi rằng những điều tôi đã quả quyết là đúng sự thực, rằng: ở nước ta vẫn đang có sự phi pháp và bất công. Tôi không bao giờ xúi giục bất cứ ai vi phạm các luật lệ hiện hành. Tôi đã phê bình một số sắc lệnh và tìm cách xin thay đổi các sắc lệnh ấy bằng những phương thế hợp pháp. Tôi cương quyết không kể tên những người tôi đã cho đọc các tác phẩm của tôi và đã giúp tôi phổ biến các tác phẩm ấy.”

LỜI CẦU NGUYỆN CỦA NGƯỜI TÙ

“Hỡi người rảo bước
Trên sóng nước,
Như trên mặt đất liền,
Xuyên qua màng lưới đau thương trần gian

Natalya Corbanewskaya
(Thơ, 1956-67, tr85)

Ngày 12 tháng mười 1969, tôi được đổi qua nhà tù Armavyr.

Các tù nhân ở đây cũng có lòng quý mến tôi. Tất cả, họ gọi tôi là nach bathka revoloutzioner: bố cách mạng. Một người tù, có chịu chút ít ảnh hưởng của văn minh, gọi tôi là “Don Quichotte”. Họ có lầm không? Không, họ không lầm. Quả thật tôi đứng vào một phe tranh đấu, hành động cho sự thật, tôi là người nhiệt thành tìm kiếm sự đổi mới cuộc sống một cách thường xuyên và liên tục.

Nhưng, trước tiên, tôi là Kitô hữu. Trong tù, tôi cảm thấy sung sướng, nhẹ nhàng. Khi ra khỏi tù, điều rất kỳ lạ là tôi cảm thấy mình đầy tinh thần đấu tranh, mặc dù tình cảnh tôi thật sự là xấu.

Tôi sẽ là một kẻ vô ơn bạc nghĩa ghê gớm nếu tôi không nói lên vì đâu, theo tôi nghĩ, mà tôi có được cái cảm giác thoải mái đó. Ở đây tôi chỉ nói lên một tiếng: cầu nguyện. Ở thế giới này tất cả là phép lạ và chỉ có những người cận thị mới không thấy. Tạo thành là một phép lạ. Ký ức là một phép lạ. Ý thức là một phép lạ. Trong tất cả những điều ấy bùng dậy một sức mạnh vượt quá lý trí con người, và cứ đứng trên bình diện người phàm mà nói, tuyệt đối không thể hiểu được. Bergson bảo là: “xung lực sáng tạo”. Cha tôi thường nói về văn hào mà ông ưa thích, Dostoievski: “… Có Chúa trong tác phẩm của Dostoievski, và bao nhiêu những tác phẩm khác làm cho con người được thấy những chiều sâu của tâm hồn, của bản thân mình. Ký ức cũng là một điều kỳ diệu vì, theo quan điểm duy vật thì không thể nào giải thích làm sao những tế bào của cơ thể vốn biến đổi, chết đi rồi lại sinh mới ra không ngừng, mà lại giữ được kỷ niệm của quá khứ một cách rõ ràng chắc chắn đến nỗi làm cho quá khứ hiện thực còn hơn khi nó còn là hiện tại. Một hôm L. Tolstoi đã nói rằng phép lạ lớn nhất là sự biến tính một cách đơn giản của một phần thức ăn hằng ngày của chúng ta lại có thể thành ra tư tưởng được.”

Nhưng phép lạ rực rỡ nhất là sự cầu nguyện. Chỉ cần tư tưởng tôi hướng về Chúa là tôi cảm thấy một sức mạnh tràn lan trong tôi, nhập vào linh hồn, vào con người tôi. Do đâu mà có như thế? Đó là cái gì vậy? Một phương pháp trị liệu tâm bệnh chăng? Đã hẳn đó là một cái gì khác, bởi không phải tự tôi, một con người già yếu tội nghiệp, không ra gì, một con người mệt nhoài, mà có thể trào ra cái sức mạnh hồi sinh đó, nó cứu tôi, nó nâng tôi lên cao hơn chính bản thân mình. Sức mạnh đó từ bên ngoài mà tới và trên cõi đời này không có gì cưỡng lại được.

Tự bản chất tôi vốn không phải là một nhà huyền nhiệm. Tôi chưa bao giờ có những thị kiến siêu nhiên. Những kinh nghiệm phi thường đối với tôi là điều xa lạ không thể đạt tới được. Cái vừa tầm tôi là một điều chắc chắn bất cứ ai cũng đạt tới được, đó là sự cầu nguyện.

Sinh trưởng trong Giáo Hội chính thống, được Giáo Hội đào luyện, tôi cầu nguyện như Giáo Hội tôi đã dạy cho tôi, dù rằng dĩ nhiên tôi vẫn nhìn nhận có những hình thức cầu nguyện khác. Tất cả đời sống siêu nhiên của tôi lấy phụng vụ chính thống làm căn bản. Vì thế, trong tù, ngày nào tôi cũng tham dự phụng vụ bằng tinh thần. Ngay từ tám giờ sáng, tôi bắt đầu đi đi lại lại trong phòng giam, thì thầm lặp lại những lời kinh phụng vụ. Khi ấy tôi cảm thấy mình được kết hợp không gì có thể ly gián được với tất cả mọi Kitô hữu. Vì thế, trong phần kinh cầu, bao giờ tôi cũng cầu xin cho Đức Giáo Hoàng, cho đức thượng phụ chính thống giáo, cho đức thánh thượng phụ Alexis bao lâu ngài còn tại thế, rồi cho vị quản thủ ngai thượng phụ. Đến giữa kinh phụng vụ, tôi thầm đọc lời kinh Tạ Ơn và sau những lời truyền phép khi tôi đứng thẳng, đối diện với Chúa, cảm thấy một cách gần như có thực thân xác rách nát đẫm máu của Ngài, tôi bắt đầu cầu nguyện bằng những lời lẽ của riêng tôi và tôi vẫn tưởng nhớ tất cả những người thương yêu, người ở tù, người tự do, người sống, người chết.

Ký ức tôi luôn luôn gợi lên những tên mới, tôi hồi tưởng lại tất cả nền văn học Nga (từ Domonosov đến Dostoievski), tất cả nền kịch nghệ (từ Motchanov Stanislawsky, Meyerkhold và Katchnov), tất cả những ai, trên đất nước ta, đã chết cho sự thật (từ Padychtchev và nhóm Dacabristes cho đến Aleksey Kosteryna), cầu cho tất cả các vị Giám Mục và tôi tá của Giáo Hội mà tôi đã quen biết từ ngày còn bé, cho các thầy giáo, các cô giáo ngày xưa. Tường nhà tù mở rộng ra đến bằng cả vũ trụ hữu hình và vô hình, chính vì đó mà thân xác rách nát đẫm máu này được dâng lên hy tế.

Sau đó, vang dội lên trong lòng tôi với bao nhiêu vẻ uy hùng kinh Lạy Cha và lời nguyện trước khi rước lễ: “Lạy Chúa, tôi tin và tuyên xưng…” Sau phụng vụ, suốt ngày tôi cảm thấy sốt sắng phi thường, tâm trí sáng sủa, tâm hồn vươn lên những miền trong trẻo. Kể ra đó không hẳn là lời cầu nguyện của riêng tôi, nhưng hơn thế nhiều, đó là lời cầu nguyện của vô số tín hữu, nhờ đó mà tôi được nâng đỡ cứu giúp. Tôi cảm thấy lời cầu nguyện ấy không ngừng, nó tác động từ xa, nó cho tôi cánh bay, đưa lại cho tôi nước nguồn và bánh nuôi thân, bình an và yêu thương.

Trong khi chờ đợi, cuộc sống trong tù tiếp diễn bình thường…

A.E. LEVITINE

(Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, năm thứ 39, bộ mới, số 40 – tháng 9/1972)


 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
2 Bài Ca Lectio Divina (9/3/2015)
Đọc Thánh Kinh Trong Tâm Tình Cầu Nguyện (9/3/2015)
Vấn Đề Cầu Nguyện (8/31/2015)
Ai Xin, Hãy Cho (15.6.2015 – Thứ Hai Tuần 11 Thường Niên) (6/14/2015)
Tại Sao Cần Cầu Nguyện? (3/5/2015)
Tin/Bài khác
Cn 2804-2: Cách Cầu Nguyện Xuyên Thấu Thiên Đàng (2/24/2015)
Món Quà Kỳ Diệu Và Linh Thiêng Của “hơi Thở” (8/9/2014)
Cách Tập Trung Cầu Nguyện (7/30/2014)
Cn 2482: Cầu Nguyện Chiêm Niệm Quan Trọng (6/29/2014)
Phải Cầu Nguyện Luôn, Không Được Nản Chí” (lc 18,1) (3/17/2014)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768