MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: tiểu mục :: phút cầu nguyện
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Cách Cầu Nguyện
Thứ Tư, Ngày 3 tháng 2-2016

Cách cầu nguyện
 
1. LỜI NGỎ:

Rất nhiều người và ngay cả chính chúng tôi thường đặt câu hỏi:

• Cầu nguyện là gì?
• Cầu nguyện như thế nào?sao lời cầu nguyện không được Chúa nhận lời?
• Làm sao biết được thánh ý Thiên Chúa? v.v…

Sau khi cầu nguyện và được Chúa Thánh Thần soi sáng, chúng tôi tìm được tài liệu quý giá này, đáp ứng được những khao khát của cầu nguyện và trả lời thoả đáng cho các câu hỏi trên. Chúng tôi xin gởi đến Quí vị tài liệu này như là một hành trang trong đời sống cầu nguyện và theo Chúa. Xin đọc chậm rãi trong tâm tình cầu nguyện và suy niệm, đồng thời xin Chúa giúp đánh động và linh ứng những mạc khải thánh ý và tư tưởng của Chúa qua từng dòng chữ.

Xin cầu nguyện và tạ ơn Chúa cùng với chúng tôi được chia sẻ trong đời sống tâm linh với Quí vị.

Mạng Lưới Cầu Nguyện hân hạnh giới thiệu bài viết rất hay về cầu nguyện sau đây. Xin giúp chúng tôi phổ biến tài liệu này, bằng cách copy tặng cho người thân. Chân thành cám ơn anh chị em cộng tác hoàn thành tài liệu này và quý vị độc giả.

Cầu nguyện cần thiết cho đời sống tâm linh của chúng ta cũng như hơi thở cần cho đời sống tự nhiên của con người. Chúng ta không thể sống trọn vẹn cho Chúa nếu không có đời sống cầu nguyện lành mạnh, và cũng vậy chắc chắn chúng ta không thể hoàn thành bất cứ mục vụ nào nếu không có đời sống cầu nguyện liên lỉ.

2. CẦU NGUYỆN LÀ GÌ?

Khi bắt đầu chia sẻ một vài nguyên tắc căn bản, tôi xin thú thực từ trong thâm tâm rằng có nhiều điều về cầu nguyện mà tôi tin rằng sẽ còn huyền bí cho tới khi chúng ta được trực diện với Thiên Chúa trên thiên đàng, như trong Thánh Kinh dậy chúng ta: “Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi” (1Cor.13:12)

Mặc dù chúng ta có thể biết rất nhiều về cầu nguyện, và có khả năng giảng dậy nhiều sự thực tuyệt diệu về đề tài đầy thích thú, đầy bí ẩn, và những thắc mắc khó mà hầu như không có câu trả lời thỏa đáng. Tôi tin chắc mỗi người là con cái Chúa đều có một số thắc mắc muốn hỏi Chúa về những huyền bí của cầu nguyện, và về những điều con người cầu xin chưa được đáp trả.

Mặc dù vậy, chúng ta biết đủ để có thể xây dựng và thực hành một đời sống cầu nguyện có kết quả để yêu và phụng sự Chúa với hết khả năng của chúng ta.

a) Cầu nguyện cần thiết cho hoạt động tâm linh.

Đó là sự diễn tả tâm linh của chúng ta với Chúa mà chính ngài là Thần Khí. Đó là một sự kết hợp và hòa nhập tâm linh của thần trí chúng ta với Thần Khí Chúa. Là một sự gặp gỡ và kết hợp rạng ngời của thần trí chúng ta với Thần Khí Chúa. Đó cũng là một sự đàm thoại thiêng liêng giữa các thần trí. Tâm linh nhân loại hòa nhập và trò chuyện thân mật với Thần Khí Chúa, và khi đó Chúa ở với chúng ta. Ước gì tôi có thể làm sáng tỏ sự kiện này để bảo đảm cho bạn hiểu cặn kẽ và tỏ lòng biết ơn về điều này.

Cầu nguyện không phải là một hoạt động của trí tuệ. Cầu nguyện đích thực không phải là sản phẩm của tri thức con người, hay các khả năng thuộc về trí tuệ, mặc dù tri thức và tư tưởng của chúng ta có góp phần vào việc cầu nguyện. Cầu nguyện là sự kết hợp của thần trí chúng ta với Thần Khí của Chúa trong hoạt động sáng tạo của sự đàm thoại tâm linh hỗ tương giữa con người và Thiên Chúa.

Thần trí là trọng tâm của thân xác con người chúng ta. Đó là thần khí thiêng liêng trong phần của con người chúng ta. Chúng ta là những sinh vật linh thiêng cần thiết và quan trọng bao bọc bởi thể xác bên ngoài, và trí tuệ chi phối các hoạt động thân xác chúng ta. Trừ khi tâm linh của bạn gặp gỡ Chúa, đàm thoại với Chúa và Người ở với bạn, nếu không thì bạn chưa thực sự cầu nguyện đích thực.

b) Cầu nguyện là “đến gần bên Chúa“

“Hãy đến gần Thiên Chúa, Người sẽ đến gần anh em.“(Gc 4:8)

Khi cầu nguyện là chúng ta để qua một bên tất cả những bận rộn của cuộc sống, và chỉ chú tâm hoàn toàn vào Chúa. Đó là một hành động có ý từ bỏ mọi điều cần thiết và đòi hỏi sự chú tâm của chúng ta, để chúng ta có thời giờ với Chúa. Đôi khi đìều này rất khó thực hiện đối với người làm các công tác mục vụ, vì chúng ta thường hay lý luận rằng suốt cuộc đời chúng ta tận tụy làm việc của Chúa, và những điều đòi hỏi sự chú tâm của chúng ta tất nhiên cũng nằm trong ước muốn của Ngài.

Thật đáng buồn bởi vì bận rộn với công việc của Chúa, mà hầu như chúng ta có rất ít hoặc không còn thời giờ để có thể gần Chúa trong cầu nguyện. Đây là một cái bẫy tinh vi và nguy hiểm mà nhiều mục tử nhiệt tâm, thiện chí đã sa vào. Đó cũng là “nguy hiểm nghề nghiệp“ trong mục vụ mà vì chúng ta quá bận rộn trong các công việc của Chúa để đến nỗi chểnh mảng, lơ là hay thậm chí lười biếng trong việc cầu nguyện, thờ phượng cách riêng tư với Chúa. Như vậy là chúng ta đã bỏ ra nhiều thời giờđể phụng sự Chúa, nhưng hầu như lại chẳng có thời giờ bầu bạn với Ngài. (Người dịch thêm vào: chúng ta làm công việc của Chúa, nhưng chúng ta lại quên mất Chúa của công việc).

C) Cầu nguyện là dùng thời giờ qúi báu với Chúa.

Cầu nguyện hầu mang lại hiệu qủa không thể làm qúa vội vàng. Hiển nhiên có những lúc đột xuất thì chỉ trong một tíc tắc ngắn ngủi thôi, cầu nguyện vẫn có kết qủa. Chẳng hạn như khi chúng ta gặp phải tai nạn bất thần xẩy ra và kêu xin với Chúa, Ngài sẽ nghe lời ta và cũng đáp trả ngay tức thì.

Tuy nhiên, như là một luật lệ chung để thực hành cầu nguyện cần có thời gian và không nên vội vàng. Bởi vì những lời khi ta cầu nguyện không nhiều bằng điều Chúa muốn nói với ta, và cả những gì Chúa muốn hoàn thành nơi chúng ta khi chúng ta đứng trước nhan thánh Ngài với thái độ đầu phục và phó thác là việc mà cầu nguyện đích thực đòi hỏi nơi chúng ta.

Cầu nguyện riêng tư rất quan trọng đến độ chúng ta phải đặt lên hàng đầu mọi ưu tiên trong những việc chúng ta làm, tầm quan trọng của nó khiến bất cứ việc gì khác cũng phải đứng sau danh sách làm việc.

d) Cầu nguyện là đối thoại hai chiều.

Điều người ta thường hiểu lầm nhiều nhất về cầu nguyện là tư tưởng cho rằng “cầu nguyện là cuộc trò chuyện với Chúa“. Tư tưởng này nguy hiểm ở chỗ nó chỉ đúng một phần thôi, nhưng không hoàn toàn là hẳn như vậy. Hiển nhiên về một phương diện, mà là phương diện quan trọng, cầu nguyện là truyện trò với Chúa. Nhưng vế phía bên kia của phương trình (bài toán), thì cầu nguyện cũng là dịp để Chúa nói và chia sẻ tâm tình với chúng ta. Phương diện sau này quan trong hơn (vì khi cầu nguyện là chúng ta đi tìm ý Chúa nơi chúng ta, không phải tìm ý chúng ta nơi Chúa).

Những gì tôi nói với Chúa không quan trọng. Nhưng quan trọng là NHỮNG GÌ CHÚA NÓI VỚI TÔI. Cho nên khi bạn bước vào nơi chốn và thời gian cầu nguyện, hãy đi với một tâm tình rằng, bạn cần làm nhiều hơn là chỉ nói với Chúa; bạn cần có thời giờ chờ đợi Chúa, lắng nghe Chúa, và hiểu điều gì Chúa muốn nói với bạn.

e) Cầu nguyện là chia sẻ tâm tình với Chúa.

Kinh Thánh thường nói “Hãy mở hết trái tim ra cho Chúa”. Vua David là một thí dụ điển hình, và Thánh vịnh 51 là minh chứng rõ ràng nhất. Rất nhiều lần vua David thấy lòng bối rối với những khó khăn phiền muộn trong đời, và chính những lúc ấy Vua khôn ngoan đến trước nhan thánh Chúa và nói:

“Từ cùng cõi địa cầu, con kêu lên Chúa, tâm thần đang mòn mỏi rã rời. Trên tảng đá kia cao vòi vọi, xin Ngài dẫn con lên.” (Tv61:2) Những lúc đó David thổ lộ hết tâm tư với Chúa. Vua mở hết trái tim ra kêu cầu Chúa lắng nghe. “Lạy Chúa Trời, xin lắng nghe lời con cầu nguyện, con khẩn nài, xin đừng nỡ làm ngơ, xin để ý đến con và thương đáp lại”. (Tv 55:22)

f) Cầu nguyện là phải đợi Chúa.

David thường tạo thói quen “chờ đợi Chúa”. Điều này cho thấy ngay là ta không thể vội vàng đến với Chúa rồi cũng vội vàng rời xa thánh nhan Chúa, nhưng tốt hơn là hãy có đủ thời giờ để kiên nhẫn chờ đợi Người. Quan niệm chờ đợi nói lên cung cách của một tôi tớ hay một tiếp viên kiên nhẫn và khiêm tốn chờ lệnh của Chủ. Anh ta đứng kiên nhẫn chờ cho tới lúc thích hợp khi Chủ ra lệnh hoặc bày tỏ ý muốn của ông.

g) Cầu nguyện là phục tùng Ý muốn của Chủ.

Thực hành đích thực của cầu nguyện là một hành động vâng phục Chúa. Lý do chính mà chúng ta cầu nguyện là vì chính Chúa đã truyền cho chúng ta hãy làm như vậy. Nên khi chúng ta đem mình tới trước nhan thánh Chúa để cầu nguyện, chúng ta hãy làm với một tinh thần đầu phục và phó thác cho Thánh Ý Chúa. Chỉ một thái độ này thôi cũng đủ là lý do chính đáng để cầu nguyện rồi. Tâm hồn chúng ta cần được canh tân đầu phục Chúa và tuân phục Thánh Ý Ngài.

3. TẠI SAO CHÚNG TA CẦN CẦU NGUYỆN?

a) Bởi vì Chúa muốn chúng ta đồng hành với Người.

Đây là khía cạnh đáng chú ý nhất trong chương trình cứu độ lớn lao của Chúa, đó là một Thiên Chúa Toàn Năng, Đấng tạo dựng và làm chủ vũ trụ bao la, nhưng lại tự hạ mình xuống để trò chuyện với một trong những thụ tạo nhỏ bé nhất của Ngài làm nên.

Thiên Chúa toàn năng hằng hữu dành thời gian và nỗ lực để trò chuyện thân mật với một người chẳng là gì như bạn và tôi. Ngài còn chú ý đến những chi tiết nhỏ nhặt trong từng giây phút ngắn ngủi của cuộc đời chúng ta, và sẵn sàng truyền đạt với chúng ta về những chi tiết này. Tôi luôn luôn ngạc nhiên về những ân huệ kể trên, và do đó trong tôi dấy lên niềm kính sợ sâu xa đối với Thiên Chúa cao cả.

b) Bởi vì chúng ta cần hạ mình xuống khi cầu nguyện.

Cầu nguyện là linh thao (tập thể thao tâm linh) mang lại lợi ích tâm linh, vì khi đến với Chúa chúng ta khiêm nhường trước nhan Thánh Ngài, nhận biết sự hiện diện của chúng ta là cần tới Ngài vì chúng ta bất lực không thể làm được điều gì cho có ý nghĩa và kết quả, nếu không có sự giúp sức của Ngài. Trong cầu nguyện, chúng ta tự coi mình như thái độ của những tôi tớ đứng đợi lệnh chủ. Chúng ta tự hạ thân phận và những khả năng của con người của mình xuống bằng cách tự đặt mình dưới chân Chúa trong khiêm nhường, đầu phục và thành khẩn cầu xin.

c) Bởi vì chúng cần rèn luyện tâm hồn chúng ta khi cầu nguyện.

Cầu nguyện là một hoạt động tâm linh cho nên cần có một sự rèn luyện xác thịt của chúng ta hầu có thể thực hiện được. Bản tính con người tự nhiên là không cảm thấy hứng khởi trong việc cầu nguyện, ước muốn và khuynh hướng của con người cần được rèn luyện hầu mang tới sự đầu phục để biết dành thời giờ cầu nguyện trước nhan thánh Chúa. Sự thực hành rèn luyện này rất cần thiết cho việc tăng trưởng và phát triển tâm linh. Chúng ta làm cho tâm linh con người được phong phú mỗi lần chúng ta cầu nguyện sốt sắng với Chúa.

d) Bởi vì chúng ta cần nhận biết và bày tỏ sự lệ thuộc của chúng ta vào Chúa.

Hành động đến trước nhan Chúa trong cầu nguyện là nói lên sự lệ thuộc của chúng ta vào Chúa. Mỗi lần chúng ta tìm Chúa và đến với Ngài bằng con người và những nhu cầu của chúng ta, là chúng ta tỏ cho Ngài biết chúng ta lệ thuộc vào Ngài. Đó là một hoạt động hữu ích giúp chúng ta luôn có thái độ khiêm nhường chính đáng với Chúa.

e) Bởi vì khi cầu nguyện chúng ta cần từ bỏ chính bản thân mình.

“Kẻ nào muốn làm môn đệ ta, kẻ ấy hãy từ bỏ chính mình mà vác thánh gía theo ta.” (Mt16,24). Cầu nguyện cho có ý nghĩa luôn đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ chính mình. Trong cuộc sống có rất nhiều điều chúng ta cần phải làm hơn là dành thời giờ cho cầu nguyện, vì vậy để có thời giờvà cơ hội cầu nguyện, chúng ta phải từ bỏ mình. Làm được như vậy là chúng ta đã đáp ứng điều Chúa Giêsu muốn nơi mỗi môn đệ đích thực.

f) Bởi vì cầu nguyện là khía cạnh cần thiết trong mối liên lạc của ta với Chúa.

Chúa Giêsu luôn là một thí dụ và gương mẫu toàn thiện nhất trong việc cầu nguyện của chúng ta. Kinh Thánh ghi lại cuộc đời Chúa khi còn ở trần thế cho thấy Ngài luôn luôn trung thành cầu nguyện cùng Chúa Cha. Nhiều lần, chúng ta thấy Chúa Giêsu lui khỏi các hoạt động, khỏi đám đông dân chúng, và ngay cả các môn đệ của Ngài nữa để có thể một mình cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha. Nếu Chúa Giêsu đã phải làm như thế để duy trì mối liên hệ tốt đẹp với Chúa Cha, thì phần chúng ta cần phải làm nhiều hơn bao nhiêu nữa để tạo được mối liên hệ này? Một sự liên kết gắn bó khi cầu nguyện rất cần thiết để thăng tiến trong mối liên hệ của chúng ta với Chúa.

g) Bởi vì Chúa đáp ứng những nhu cầu của chúng ta qua cầu nguyện.

Bây giờ chúng ta hãy bàn về điều rất căn bản của cầu nguyện. Nói trắng ra là tại sao chúng ta phải cầu nguyện. Đích thực là vì trong sự khôn ngoan và mục đích của Thiên Chúa, Ngài đã hứa sẽ đáp trả nhu cầu của chúng ta trước những lời van xin Ngài.

Dothái 11,6 cho chúng ta biết: “Không có đức tin, thì không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa, vì ai đến gần Thiên Chúa, thì phải tin là có Thiên

Chúa và tin Người là Đấng ban phần thưởng cho những ai tìm kiếm Người”. Đây là một trong những nhiệm mầu tôi nói trước đây. Chắc chắn là Chúa đã biết mọi nhu cầu và hoàn cảnh của chúng ta rồi, nhưng tại sao Chúa lại cần chúng ta phải nói ra khi cầu nguyện? Tôi tin là câu trả lời cho điều này nằm trong một mức độ nào đó mà tôi đã nói đến ở trên… Chúa muốn tình bạn đồng hành, muốn chúng ta nhận ra sự cần lệ thuộc vào Chúa, và trên thực tế, Chúa muốn chúng ta dành thời giờ liên hệ mật thiết với Ngài.

h) Bởi vì Chúa nhận lời cầu nguyện của chúng ta.

Dù những nhu cầu chúng ta xin cho cá nhân, cho gia đình hoặc cho tha nhân hay cho kết quả của một mục vụ, Thiên Chúa sẽ nhận lời để đáp trả lại lời cầu nguyện thành tâm của chúng ta. Nếu chúng ta cầu nguyện thì sự việc sẽ xảy ra, còn nếu không cầu nguyện thì chẳng gì tồn tại hay giá trị có thể xẩy ra cả. Công việc của Chúa chỉ được tiến bước qua lời cầu nguyện.

4. XÂY DỰNG MỘT ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN HIỆU QUẢ

Mục đích chính của cầu nguyện là xây dựng một mối liên hệ riêng tư với Thiên Chúa. Mối liên hệ này chỉ có thể hoàn thành được khi chúng ta biết chờ đợi trước sự hiện diện của Chúa, để Ngài có thể chia sẻ với chúng ta những điều thầm kín trong trái tim Ngài.

Để có được mối liên lạc mật thiết với Chúa, chúng ta cần biết thánh ý và những mục đích của Chúa muốn cho dân của Ngài, cho nhân loại đang sống trong lầm lạc, hay cho những gì có liên quan đến hành trình hằng ngày của chúng ta với Chúa. Khi chúng ta bầu bạn với Chúa trong cầu nguyện, thì có thể những khao khát của Chúa sẽ trở thành những khao khát của chúng ta. (Tv 37:4 Hãy lấy CHÚA làm niềm vui của bạn, Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng).

Ông John Wesdley có lần đã nói: “Dường như Thiên Chúa bị giới hạn bởi đời sống cầu nguyện của chúng ta – Người chẳng làm gì đựợc cho nhân loại nếu không có ai cầu xin Ngài.”

(Có người thì nói: cầu nguyện là sức mạnh của con người và là sự yếu đuối của Thiên Chúa). Thoạt mới nghe thì câu này xem ra có vẻ nghịch lý. Tuy vậy, đọc sách Sáng Thế chương 1, chúng ta thấy sau khi dựng nên người nam, Chúa cho con người quyền cai quản mọi sự do tay Ngài làm nên. Vì thế, Adong đã thống trị mặt đất và mọi loài thụ tạo do Chúa làm nên, quyền hành được chính Chúa ban cho ông. Sau khi Satan lứa dối Evà, Adong phạm tội phản nghịch cùng Chúa và theo Satan, Satan đã trở thành chúa tể của thế gian này.

Khi nhìn vào tình trạng thế giới chung quanh ta, với những đau khổ, chiến tranh, đói khát, đạo đức suy đồi, luân lý sai lầm, thù ghét, bạo động v..v.. chúng ta nhận ra rằng nếu Chúa đang điều khiển thế giới này, thì những gì xảy đang xảy ra nhất định là không đúng theo đường lối của Ngài rồi. Nhưng Không, Satan đang là chúa của thế giới này trong một thời kỳ, cho tới khi hết hạn định.

(1Cor 4:4 Vậy xin anh em đừng vội xét xử điều gì trước kỳ hạn, trước ngày Chúa đến. Chính Người sẽ đưa ra ánh sáng những gì ẩn khuất trong bóng tối, và phơi bày những ý định trong thâm tâm con người). Thế nhưng, Chúa cho chúng ta một khí giới lớn lao để bẻ gẫy thành trì của Satan, thay mặt cho nhân loại và các quốc gia trên thế giới. VŨ KHÍ ĐÓ LÀ CẦU NGUYỆN VÀ CẦU THAY. Satan có Adong một thời kỳ, Chúa không làm gì được nếu dưới trần gian này không có ai kêu cứu Ngài.

2 Sb 7,14 nói rằng: “Nếu dân Ta, dân vốn kêu cầu Danh Ta, mà biết hạ mình xuống khẩn nguyện và tìm kiếm Nhan Ta, từ bỏ những con đường xấu xa mà trở lại, thì Ta, từ trời, Ta sẽ nghe và thứ tha tội lỗi nó và sẽ phục hưng xứ sở của nó”.

5. MỤC ĐÍCH CỦA CẦU NGUYỆN LÀ GÌ?

1. Làm mục vụ cho Chúa.

Chúng ta được gọi là những tư tế – “Anh em là dòng giống được lựa chọn, là chức tư tế vương giả, là dân thánh“. Pr 2:9.

Chúng ta là tư tế của Chúa. Mục vụ của chúng ta cho Chúa phải vượt trên tất cả các công việc khác.
Chúng ta làm mục vụ cho Chúa qua ca ngợi, thờ phượng và đàm đạo với Chúa qua cầu nguyện.

Chúng ta có thể đảm nhiệm các bổn phận tư tế nhờ Máu Châu báu Chúa Giêsu. Máu Thánh Ngài làm chúng ta nên công chính để đi vào sự thánh của các thánh.

1 Pr 2:5 Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng, và hãy để Thiên Chúa đặt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Đức Giêsu Kitô.

Eph1:4,5 Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô.
Cn15:8 ĐỨC CHÚA ghê tởm hy lễ của đứa ác, nhưng ưa thích lời cầu của kẻ ngay.

2 Cor 5:21 Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.

Dt4:16 Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần.

2) Làm bạn với Chúa – hay kết hợp với Chúa.

Hãy dành thời giờvới Chúa vì bạn yêu Ngài. Trò truyện, có nghĩa là nói và nghe Ngài. Làm như vậy sự kết hợp đi sâu hơn khi bạn chia sẻ tâm tình và những ý nghĩ thầm kín nhất của mình với Chúa. Như Chúa tỏ cho ông MôSê những cách của Ngài để cứu dân Israen, thì Ngài cũng chia sẻ “những Ước Vọng của Ngài” với bạn qua Chúa Thánh Linh.

Xh 33:11-14 ĐỨC CHÚA đàm đạo với ông Mô-sê, mặt giáp mặt, như hai người bạn với nhau. Rồi ông Mô-sê trở về trại; nhưng phụ tá của ông là chàng thanh niên Giô-suê, con ông Nun, thì cứ ở trong Lều, không rời khỏi đó. Ông Mô-sê thưa với ĐỨC CHÚA: “Xin Ngài coi, chính Ngài đã phán với con: “Hãy đưa dân ấy lên, vậy mà Ngài lại không cho con biết Ngài sẽ cử ai đi với con. Tuy nhiên chính Ngài đã phán: Ta biết đích danh ngươi, và hơn nữa ngươi đã được nghĩa với Ta. Vậy bây giờ, nếu quả thật con đã được nghĩa với Ngài, xin khấng tỏ cho con biết đường lối của Ngài, để con biết Ngài, và được nghĩa với Ngài. Xin cũng coi dân tộc này là dân của Ngài.”

3) Cầu nguyện là nhiệm vụ của mọi tín hữu.

Mục đích của cầu nguyện là xác định Thánh Ý Chúa trong mọi hoàn cảnh và cầu nguyện để thánh ý Chúa được thể hiện. Cầu nguyện là ưu tiên trong đời sống của Chúa Giêsu. Ngài đặt ưu tiên cầu nguyện trên sự nghỉ ngơi của thân xác, trên sự tiếp xúc với đám đông và ăn uống. Cầu nguyện là sự liên lạc giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha; chúng ta cầu nguyện cũng phải có sự hiệp thông như vậy.

Mt14:23 Giải tán họ xong, Người lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình.
Lc6:12 Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa.

4) Cảm thông với những đau buồn của tha nhân.
Nhân danh tha nhân mà cầu thay cho họ, cho những người thân yêu đang buồn phiền, những kẻ vô thần, những kẻ mất niềm tin, những người chưa chạy đến với Chúa, những người cần được chữa lành, những người đang thất vọng. Ngay cả chúng ta phải biết cảm tạ trong những hoàn cảnh đó, và cho những người đã chúc phúc cho chúng ta.

Eph1:15,16 Bởi vậy, cả tôi nữa, từ khi được nghe nói về lòng tin của anh em vào Chúa Giêsu, và về lòng mến của anh em đối với toàn thể dân thánh, tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa vì anh em, khi nhắc tới anh em trong những lời cầu nguyện của tôi.

6. NHỮNG THÀNH QUẢ CỦA VIỆC CẦU NGUYỆN

1) Cầu nguyện đem đến thành qủa cho nước Chúa và làm vui lòng Chúa. 

Khi bạn bắt đầu cầu nguyện và liên lạc với Chúa, Người sẽ trò truyện với bạn, cho bạn biết hướng đi, sự khôn ngoan, hiểu biết, sức mạnh, và che chở.

Col 1:9-11 Vì thế, từ ngày chúng tôi nghe biết như vậy, chúng tôi cũng không ngừng cầu nguyện và kêu xin Thiên Chúa cho anh em được am tường thánh ý Người, với tất cả sự khôn ngoan và hiểu biết mà Thần Khí ban cho. Như vậy, anh em sẽ sống được như Chúa đòi hỏi, và làm đẹp lòng Người về mọi phương diện, sẽ sinh hoa trái là mọi thứ việc lành, và mỗi ngày một hiểu biết Thiên Chúa hơn. Nhờ sức mạnh vạn năng của Thiên Chúa vinh quang, anh em sẽ nên mạnh mẽ để kiên trì chịu đựng tất cả.

Tv 40:1,2 Tôi đã hết lòng trông đợi CHÚA, Người nghiêng mình xuống và nghe tiếng tôi kêu. Người kéo tôi ra khỏi hố diệt vong, khỏi vũng lầy nhơ nhớp, đặt chân tôi đứng trên tảng đá, làm cho tôi bước đi vững vàng.

Ga 15:7,8 Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.

2) Cầu nguyện mở đôi mắt tâm linh của bạn ra.

Sự hiểu biết trong lãnh vực Thần Khí sẽ đến khi bạn rèn luyện bản thân trong việc cầu nguyện, ca ngợi, ăn chay và suy niệm Lời Chúa, khi chờ đợi trước nhan thánh Ngài. Hãy xin Chúa mạc khải cho bạn biết điều gì đang xẩy ra trong lãnh vực tâm linh như xưa tiên tri Êlisa đã làm khi ông xin Chúa mở đôi mắt cho người tôi tớ của Ngài.

2Vua 6:16,17 Ông Ê-li-sa cầu xin rằng: “Lạy ĐỨC CHÚA, xin mở mắt cho nó thấy! ” ĐỨC CHÚA mở mắt người đầy tớ của ông và người ấy thấy núi đầy những ngựa và xe đỏ như lửa vây quanh ông Ê-li-sa.

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
"một Phút Cho Hòa Bình": Một Phút Cầu Nguyện Hoặc Suy Tư Vì Một Thế Giới Huynh Đệ Hơn (6/8/2019)
Tin/Bài khác
2 Bài Ca Lectio Divina (9/3/2015)
Đọc Thánh Kinh Trong Tâm Tình Cầu Nguyện (9/3/2015)
Vấn Đề Cầu Nguyện (8/31/2015)
Ai Xin, Hãy Cho (15.6.2015 – Thứ Hai Tuần 11 Thường Niên) (6/14/2015)
Tại Sao Cần Cầu Nguyện? (3/5/2015)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768