MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: thiên chúa
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Hòa Âm Lòng Thương Xót
Thứ Năm, Ngày 18 tháng 8-2016

HÒA ÂM LÒNG THƯƠNG XÓT

Các ngày Thứ Sáu đều là ngày đặc biệt trong tuần để tưởng niệm cuộc-khổ-nạn-cứu-độ của Đức Kitô, chứng minh LCTX qua dòng Máu và Nước chảy đến giọt cuối cùng từ Thánh Tâm Chúa Giêsu – dĩ nhiên đặc biệt nhất phải là Thứ Sáu Tuần Thánh. Đó là bản tổng phổ hòa âm đức tin mà Đức Kitô đã dệt nên một cách mầu nhiệm.

Sách Khôn Ngoan cho biết: “Tôi nguyện xin, và Thiên Chúa đã ban cho tôi sự hiểu biết. Tôi kêu cầu, và thần khí Đức Khôn Ngoan đã đến với tôi. Đức Khôn Ngoan, tôi đã quý trọng còn hơn cả vương trượng, ngai vàng. Tôi không coi của cải là gì so với Đức Khôn Ngoan. Đối với tôi, trân châu bảo ngọc chẳng sánh được với Đức Khôn Ngoan, vì vàng trên cả thế giới, so với Đức Khôn Ngoan, cũng chỉ là cát bụi, và bạc, so với Đức Khôn Ngoan, cũng kể như bùn đất” (Kn 7:7-9).

Đức Khôn Ngoan rất cần thiết trong cuộc sống, vì đó là một trong bảy ơn của Chúa Thánh Thần. Quả thật, Thần Khí vô cùng quan trọng trong đời sống Kitô hữu, và người ta phải thực sự “khôn ngoan” thì mới dám tuân theo mệnh lệnh của Đức Khôn Ngoan.

Ai sống khôn ngoan thì biết tín thác vào Chúa, ai tín thác vào Chúa thì được an tâm. Bài thánh ca “Đồng Cỏ Tươi” mà cố nhạc sư Hùng Lân dùng lời Thánh vịnh 22 để dệt nhạc xác định niềm tín thác vào Thiên Chúa: “Đồng (là) đồng cỏ tươi, Chúa chăn cho tôi nghỉ ngơi, suối ngọt cỏ non xanh rì, tôi nay còn thiếu thốn chi? Vui thay mà cũng phúc thay!”. Quả thật, có Chúa là gia nghiệp thì linh hồn thật vui sướng và hạnh phúc!

Trong Thư gởi Giáo đoàn Ga-lát, Thánh Phaolô xác định: “Những ai dựa vào đức tin, những người ấy là con cái ông Áp-ra-ham” (Gl 3:7), mà ông Áp-ra-ham được Thiên Chúa kể là người công chính (Gl 3:7), nghĩa là nếu chúng ta sống đức tin thì chúng ta là con cái của người công chính Áp-ra-ham. Thánh Phaolô nói thêm: “Những ai dựa vào những việc Luật dạy phải làm thì đều chuốc lấy lời nguyền rủa, vì Kinh Thánh viết: Đáng nguyền rủa thay mọi kẻ không bền chí thi hành tất cả những gì chép trong sách Luật!” (Gl 3:10). Những ý tưởng rất hay khi nói đến đức tin, đó là lời nhắc nhở chúng ta “tự kiểm tra” chính đức tin của mình.

Luật là luật. Luật giúp củng cố đức tin, nhưng luật không là đức tin, luật chỉ dành cho người cứng lòng tin hoặc tin suông (nói tin mà lòng chưa hẳn tin), còn người tin thì không cần luật: “Lề Luật không lệ thuộc đức tin, nhưng ai thực hành những điều Lề Luật dạy, thì nhờ đó sẽ được sống. Đức Kitô đã chuộc chúng ta cho khỏi bị nguyền rủa vì Lề Luật, khi vì chúng ta chính Người trở nên đồ bị nguyền rủa, vì có lời chép: Đáng nguyền rủa thay mọi kẻ bị treo trên cây gỗ! Như thế là để nhờ Đức Giêsu Kitô, các dân ngoại cũng được hưởng phúc lành dành cho ông Áp-ra-ham, và để nhờ đức tin, chúng ta nhận được ơn Thiên Chúa đã hứa tức là Thần Khí” (Gl 3:12-14).

Thánh Luca kể chuyện một người nọ đến nhà một người bạn vào lúc nửa đêm để vay 3 chiếc bánh vì anh ta có khách lỡ đường. Chủ nhà không muốn thức dậy. Nhưng người kia cứ lải nhải mãi, cố mặt dày mà ở lì trước cửa, thế nên chủ nhà đành ra khỏi giường, đi lấy bánh và đưa cho anh ta để anh ta đi cho rảnh nợ. Chúa Giêsu giải thích: “Dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó” (Lc 11:8). Chữ “lì” ở đây nghe chừng không thú vị lắm, nhưng chính chữ “lì” đó lại nói lên LCTX vô biên, LTX ấy vẫn được ban cho chúng ta ngay cả khi chúng ta chưa mở miệng kêu xin, hoặc chỉ là suy nghĩ. Vì thế, chúng ta xin thì Thiên Chúa không thể không nghe: “Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 11:9-10).

Chúa Giêsu dẫn chứng rõ ràng: “Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Lc 11:11-13).

Chuỗi Mai Côi và Chuỗi LCTX có điểm chung: 50 lần lặp đi lặp lại một lời cầu. Chuỗi Mai Côi có những lời cầu có vẻ “phức tạp” hơn vì dài hơn so với Chuỗi LCTX, nhưng Chuỗi Kinh nào cũng vẫn giản dị, dễ thuộc, và đầy tâm tình tin yêu. Đặc biệt là Chuỗi LCTX chính là lời cầu xin trực tiếp với Chúa Cha: “Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới”.

Chúa Giêsu chỉ cho cách cầu nguyện tuyệt vời. Trước là “viện cớ” Chúa Con phải chịu khổ nạn: “Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô”, sau đó mới xin: “Xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới”. Lời cầu này không hề ích kỷ, không cầu xin vì tư lợi, không dùng đại từ ngôi thứ nhất số ít “con” mà dùng đại từ ngôi thứ nhất số nhiều “chúng con”, đó là lời cầu xin chung cho mọi người trên khắp thế giới. Quả thật, đây là lời cầu mang tính đại kết.

Nếu lưu ý khi nghe người ta lần Chuỗi LCTX, chúng ta có thể cảm thấy mủi lòng. Người ta cho rằng Chuỗi Mai Côi và Chuỗi LCTX cứ lặp lại một lời kinh hóa nhàm, nhưng thực ra hai Chuỗi Kinh này tạo nên hiệu quả lắm. Thánh GH Gioan Phaolô II không ngày nào không lần Chuỗi Mai Côi. Ngài đã dâng sứ vụ của ngài cho Đức Mẹ, và rồi còn ban hành Tông thư “Thiên Chúa Giàu Lòng Xót Thương” (Misericordia Dives), trong đó ngài nhắc đến LCTX tới 28 lần.

Kinh Lạy Cha là kinh do chính Chúa Giêsu dạy các tông đồ cách cầu nguyện, còn kinh LCTX cũng do chính Chúa Giêsu mặc khải cho Thánh nữ Faustina. Chúa Giêsu xác quyết với Thánh nữ: “Hãy khuyến khích các linh hồn lần Chuỗi LCTX mà Ta trao cho con. Chuỗi kinh này sẽ làm Ta vui mừng ban cho họ mọi điều mà họ xin bằng cách đọc Chuỗi kinh này. Khi các tội nhân cứng lòng mà đọc Chuỗi kinh này, Ta sẽ ban tràn đầy bình an trong lòng họ, và giờ chết sẽ là giờ hạnh phúc” (Nhật Ký, số 1541).

Kinh Lạy Cha và Chuỗi LCTX là những kinh do chính Chúa Giêsu truyền dạy, thế nên rất có giá trị tâm linh, nhất là trong Năm Lòng Thương Xót này, đặc biệt hơn là chúng ta đang ở vào thời cánh chung, cuối thời của thế gian. Hãy lưu ý và ghi nhớ lời cảnh báo của Chúa Giêsu: “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18:8). Một câu hỏi rất đáng để chúng ta tự xét mình một cách sâu sắc và nghiêm túc hơn.

Đức Tin và Lòng Thương Xót là hai giai điệu không thể tách rời, cùng hòa quyện với nhau thành bản tổng phổ Vinh Tụng Ca Thiên Chúa Ba Ngôi chí tôn, chí thánh và chí linh. Mỗi chúng ta phải là mỗi nốt trong bản tổng phổ đó.

Lạy Chúa, xin thương xót con vì con là kẻ có tội (Lc 18:9-14), và xin thêm đức tin cho chúng con (Lc 17:5). Lạy Chúa, chúng con quá yếu đuối, nhưng chúng con thật lòng muốn thân thưa: “Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10:7 & 9). Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ giàu lòng xót thương của chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Trước Cửa Thiên Đàng (8/21/2016)
Con Đường Dẫn Vào Nước Trời - Cửa Hẹp (8/21/2016)
Trở Ngại Lớn Nhất Của Tình Yêu (8/20/2016)
Đi Vào Cửa Hẹp, Lm John Nguyễn (8/20/2016)
Tín Thác Lòng Chúa Thương Xót (8/19/2016)
Tin/Bài cùng ngày
Phấn Đấu Qua Cửa Hẹp Vào Nước Trời, Lm Đan Vinh (8/18/2016)
Đáp Lại Lời Mời Của Chúa (8/18/2016)
Tin/Bài khác
Lời Cảnh Cáo Của Một Vị Linh Mục Về 10 Mưu Chước Nguy Hiểm Nhất Của Ma Quỷ (8/25/2016)
Hãy Vào Cửa Của Sự Sống, Chúa Nhật 21 Thường Niên, C (8/17/2016)
Rộng Và Hẹp (8/17/2016)
Chúa Muốn Cứu Độ Hết Mọi Người, Lm Antôn Nguyễn Văn Độ (8/17/2016)
Lời Chúa Là Cửa Hẹp (8/17/2016)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768