MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: sách online :: __sách về đức mẹ (more ...)
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Bí Mật Kinh Mân Côi (2)
Thứ Ba, Ngày 2 tháng 8-2016
 11-      Tại sao Kinh Mân Côi được gọi là Triều Thiên Hoa Hồng?

 

Bí Mật Kinh Mân Côi, qua Bông Hồng 7, đã cho biết lý do tại sao Kinh Mân Côi được gọi là Triều Thiên Hoa Hồng như sau.
"Ngay từ khi chân phước Alan de la Roche tái lập việc tôn sùng Kinh Mân Côi thì ngôn ngữ của loài người cũng như ngôn từ của Thiên Chúa đã gọi kinh này là 'Mân Côi'. Chữ 'Mân Côi' có nghĩa là 'Triều Thiên Hoa Hồng'. Tức là mỗi lần người ta đọc Kinh Mân Côi sốt sắng là họ đội triều thiên cho Chúa Giêsu và Mẹ Maria, triều thiên 150, trong đó có 3 bông hồng đỏ và 16 bông hồng trắng. Là những bông hoa thiên đường, chúng sẽ không bao giờ tàn phai nhan sắc tuyệt vời của chúng.
"Thánh Anphongsô Rodrigue là một tu sĩ nổi tiếng của dòng Tên, thường đọc Kinh Mân Côi sốt sắng đến nỗi, thày thấy bông hồng đỏ thoát ra từ miệng thày mỗi khi thày đọc Kinh Lạy Cha, và thấy hoa hồng trắng cũng từ miệng thày mà ra mỗi khi thày đọc Kinh Kính Mừng. Những bông hồng đỏ và trắng này đều có hương sắc tương đương nhau, chỉ khác nhau về mầu sắc mà thôi.
"Bởi thế, một tràng Kinh Mân Côi là Triều Thiên Hoa Hồng lớn, và mỗi một chuỗi Kinh Mân Côi là một chùm hoa hay một Triều Thiên Hoa Hồng nhỏ mà chúng ta đội lên đầu của Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Bông hồng là nữ vương của loài hoa, Kinh Mân Côi là hoa hồng của mọi việc tôn sùng, do đó, cũng là việc tôn sùng quan trọng nhất".
 

12-             Ý nghiã của Kinh Tin Kính mở đầu Kinh Mân Côi là gì?

 

Trong Bông Hồng thứ 11, Thánh Louis Grignion de Montfort đã cắt nghĩa ý nghĩa của Kinh Tin Kính mở đầu Kinh Mân Côi như sau.
"Kinh Tin Kính, hay Tiêu Biểu của Các Thánh Tông Đồ, được đọc khi bắt đầu lần đến cây Thánh Giá ở ngay đầu tràng chuỗi, là một bản tóm lược trọn hảo tất cả chân lý Kitô giáo ...
"Kinh Mân Côi gồm chứa nhiều mầu nhiệm về Chúa Giêsu và Mẹ Maria, và vì đức tin là chìa khóa duy nhất để khai mở những mầu nhiệm này cho chúng ta, nên chúng ta phải bắt đầu đọc Kinh Mân Côi bằng Kinh Tin Kính hết sức sốt sắng, càng mạnh tin bao nhiêu, Kinh Mân Côi chúng ta đọc càng đáng thưởng bấy nhiêu.
"Đức tin này phải sống động và phải được soi động bởi đức ái. Nói cách khác, để lần hạt Mân Côi cách xứng đáng, cần phải có ơn nghĩa Chúa, hay ít là phải tìm kiếm ơn nghĩa Chúa.
"Đức tin này phải vững mạnh và kiên trì, tức là, người ta không được tôn sùng theo cảm quan hay tìm an ủi thiêng liêng trong việc lần hạt Mân Côi, hoặc không được bỏ lần hạt Mân Côi vì đầu óc tràn đầy những chia trí vô ý vô tứ, những cảm nghiệm chán chường trong tâm hồn, và những mệt mỏi kiệt quệ hầu như liên lỉ nơi thân xác. Cảm xúc, an ủi, chán chường, chia trí hay chú ý liên lỉ của trí tưởng tượng đều không cần thiết; chỉ cần đức tin và ý hướng ngay lành là đủ".

13-             Ý nghiã của Kinh Lạy Cha mở đầu mỗi chục Kinh Mân Côi là gì?

 

Thánh Louis Grignion de Montfort đã diễn giải ý nghĩa của Kinh Lạy Cha là kinh mở đầu mỗi chục Kinh Mân Côi trong Bông Hồng 12, 13 và 14. Ở đây, xin trích lại tư tưởng chính của Thánh Nhân nơi Bông Hồng 12 như sau.
"Kinh Mân Côi bao gồm Kinh Lạy Cha và Lời Chào Thiên Thần là một giòng nước trong, hằng tuôn chảy từ mạch ân sủng, trong khi những kinh nguyện khác nơi các sách vở, chẳng là gì khác ngoài những tia nước nhỏ xíu cũng phát xuất từ cùng một nguồn mạch này.
"Ai đọc Kinh Lạy Cha cẩn thận, để ý từng chữ, suy niệm từng lời, đúng là người có phúc, vì họ tìm thấy mọi sự mà họ cần hay mong ước.
"Khi chúng ta đọc kinh nguyện tuyệt diệu này, chúng ta chạm đến ngay Trái Tim của Thiên Chúa lúc chúng ta gọi Ngài là Cha, Lạy Cha chúng con, một tên gọi ngọt ngào. Ngài là Cha dấu yêu nhất trong tất cả mọi người cha: toàn năng trong việc tạo dựng, diệu kỳ trong việc bảo tồn thế gian, khả ái trong sự quan phòng thần linh, và luôn vô cùng thiện hảo trong ơn cứu độ của Ngài. Thiên Chúa là Cha chúng ta, do đó, chúng ta tất cả là anh em với nhau, và Thiên Đàng là quê hương của chúng ta, là sản nghiệp cho chúng ta thừa hưởng. Điều này đã đủ dạy cho chúng ta yêu Thiên Chúa, yêu tha nhân và đừng gắn bó với những sự ở trên đời này".

 

14-                Ý nghiã của Kinh Kính Mừng làm nên từng chục Kinh Mân Côi là gì?

 

Trong Bông Hồng 15 và 16, Bí Mật Kinh Mân Côi đã cho biết về ý nghĩa của Kinh Kính Mừng làm nên từng chục Kinh Mân Côi như sau.
"Chân phước Alan de la Roche cho rằng Lời Thiên Thần chào kính Đức Mẹ có một ý nghĩa siêu việt đến nỗi không một tạo vật thuần túy nào có thể hiểu thấu, mà chỉ có Chúa Kitô, Chúa chúng ta, Đấng sinh bởi Đức Thánh Trinh Nữ Maria, mới có thể cắt nghĩa cho chúng ta mà thôi.
"Giá trị lớn lao của lời chào kính này, trước hết, ở nơi Đức Mẹ là Đấng mà lời chào nhắm tới, sau nữa, ở nơi mầu nhiệm nhập thể mà kinh nguyện này được trời cao sáng tạo, và sau hết, ở nơi tổng thần Gabiên là vị đầu tiên xướng lên.
"Lời Chào Kính của Thiên Thần này là bản tóm lược ngắn gọn nhất về tất cả những gì mà nền thần học Công Giáo nói đến Rất Thánh Trinh Nữ Maria. Lời này được chia ra làm hai phần: phần đầu diễn tả tất cả những gì làm nên sự cao cả của Đức Maria, và phần tiếp theo diễn tả tất cả những gì chúng ta cầu xin với Người cũng như mong nhận được bởi lòng từ mẫu của Người.
"Thiên Chúa Ba Ngôi Rất Thánh đã mạc khải phần nhất của lời chào này cho chúng ta, và phần sau được bà Thánh Isave thêm vào theo ơn linh ứng của Thánh Linh. Mẹ Thánh Giáo Hội đã ban cho chúng ta phần kết vào năm 430, khi lên án bè rối Nestôriô ở Công Đồng Chung Êphêsô, bằng định tín Rất Thánh Trinh Nữ Maria là Mẹ Thiên Chúa ...
Mẹ đã cho thánh nữ Mêtiđê,ụ vị thánh đang cố tìm cách nào để làm đẹp lòng Mẹ hơn cách mà ngài vẫn làm, biết trong lúc thánh nhân đang suy nghĩ như thế thì ngất trí đi rằng:
"Không ai có thể làm hài lòng Mẹ hơn khi họ đọc lời chào Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Tôn đã ngỏ lời với Mẹ, để nâng Mẹ lên địa vị làm Mẹ Thiên Chúa.
"Với chữ 'Ave' (tức là tên Eve, Evà), Mẹ hiểu rằng Thiên Chúa đã dùng quyền năng vô biên của Ngài để gìn giữ Mẹ khỏi mọi tội lỗi và bất hạnh của tội mà người nữ đầu tiên đã phải chịu.
"Tên 'Maria' tức là 'Nữ Ánh Sáng', diễn tả việc Thiên Chúa ban cho Mẹ đầy tràn khôn ngoan sáng suốt, như một Minh Tinh, để chiếu soi đất trời.
"Những chữ 'Đầy Ơn Phúc' nhắc cho Mẹ là Thánh Linh đã đổ xuống trên Mẹ muôn vàn ơn phúc, đến nỗi Mẹ có thể ban ơn phúc dư tràn này cho những ai nhờ Mẹ như vị Trung Gian, cầu xin ơn phúc ấy.
"Khi người ta đọc lời 'Thiên Chúa ở cùng Bà', là họ làm sống lại niềm vui khôn tả của Mẹ khi Ngôi Lời Hằng Hữu nhập thể trong lòng Mẹ.
"Khi con nói 'Mẹ có phúc hơn mọi người nữ' là Mẹ chúc tụng tình thương của Thiên Chúa Toàn Năng đã nâng Mẹ lên một mức độ hạnh phúc như vậy.
"Và với lời 'Giêsu, Con lòng Bà gồm phúc lạ' cả thiên đình cùng với Mẹ hân hoan khi thấy Chúa Kitô Con Mẹ được thờ kính và tôn vinh vì đã cứu chuộc loài người".
 

15-             Tại sao Kinh Mân Côi cần có các Mầu Nhiệm Mân Côi?

 

"Bí Mật Kinh Mân Côi" đã cho biết lý do tại sao Kinh Mân Côi cần có các Mầu Nhiệm Mân Côi trong Bông Hồng 21 như sau.
"Mầu nhiệm là một điều thiện hảo khó thấu triệt. Các việc làm của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, hoàn toàn thánh hảo và linh thiêng, vì Ngài một lúc vừa là Chúa vừa là người. Những việc làm của Rất Thánh Trinh Nữ Maria cũng rất thánh hảo, vì Người là tạo vật toàn hảo và tinh tuyền nhất của Thiên Chúa. Các việc làm của Chúa Giêsu và Người Mẹ phúc đức của Ngài có thể gọi đúng nghĩa là mầu nhiệm, vì công việc của các Đấng đầy huyền diệu, trọn hảo mọi bề và hết sức chân thực, là tất cả những gì Thánh Linh muốn tỏ cho các linh hồn đơn thành bé mọn tôn kính các mầu nhiệm này.
"Các việc làm của Chúa Giêsu và Mẹ Maria cũng có thể được gọi là những bông hoa tuyệt vời; những hương sắc của những bông hoa này chỉ có kẻ nào chú ý đến mới có thể thưởng thức được mà thôi, và kẻ nào thật tình hứng thú nghiền gẫm cũng vậy.
"Đức Mẹ cũng dạy cho chân phước Alan de la Roche, nói với ngài trong một thị kiến là:
'Khi người ta đọc 150 Lời Chào Kính Thiên Thần thì kinh nguyện này vốn đã bổ ích cho họ và rất hài lòng Mẹ rồi. Thế nhưng, lợi cho họ hơn nữa cũng như làm đẹp lòng Mẹ hơn nữa, nếu họ vừa đọc vừa suy niệm về cuộc đời và cuộc tử nạn của Chúa Giêsu Kitô, vì sự suy niệm ấy là linh hồn của kinh nguyện này'".
 

16-             Có tất cả bao nhiêu Mầu Nhiệm Mân Côi?

 

"Bí Mật Kinh Mân Côi", cũng qua Bông Hồng 21, đã cho thấy có 15 Mầu Nhiệm Mân Côi như vẫn được hiện hành như sau.
"Thánh Đaminh đã chia cuộc đời của Chúa Giêsu và Đức Mẹ ra làm 15 mầu nhiệm biểu hiệu cho các nhân đức và những hành động quan trọng nhất của các Đấng. Đây là 15 biểu đồ hay 15 bức họa với những chi tiết chỉ dẫn và phấn khích cuộc đời của chúng ta. Chúng là 15 bó đuốc soi sáng bước đường đời của chúng ta.
"Chúng là 15 bức gương soi, giúp chúng ta hiểu biết Chúa Giêsu, Mẹ Maria và cả chính mình chúng ta nữa. Chúng cũng làm bùng cháy lên ngọn lửa yêu thương trong lòng của chúng ta.
"Thực tế, đọc Kinh Mân Côi mà không suy gẫm các mầu nhiệm cứu rỗi thánh hảo thì không khác gì có xác mà không có hồn: Chất thể tuyệt hảo mà thiếu mất mô thức là sự suy gẫm, một việc suy gẫm vốn trổi vượt hơn tất cả mọi việc tôn sùng khác.
"Đây là 15 bó hoa thơm ngát của Cây Hồng Huyền Nhiệm mà những linh hồn sốt sắng như những con ong khôn lanh bay đến để hút nhụy hoa làm mật cho việc thành thực sùng kính của mình.

 

17-             Ý nghĩa của Mầu Nhiệm Mân Côi mùa vui là gì?

 

Qua Bông Hồng 21, "Bí Mật Kinh Mân Côi" đã nói về ý nghĩa của các Mầu Nhiệm Mân Côi Mùa Vui như sau.
"Phần nhất của Kinh Mân Côi gồm có 5 mầu nhiệm: Thứ nhất, tổng thần Gabiên truyền tin cho Đức Mẹ; thứ hai, Đức Mẹ viếng thăm chị họ mình là Isave; thứ ba, Chúa Giêsu giáng sinh; thứ bốn, Đức Mẹ thanh tẩy và dâng Chúa Giêsu trong đền thánh; và thứ năm, Đức Mẹ tìm được Chúa Giêsu trong đền thánh đang ở giữa các vị luật sĩ.
"Các mầu nhiệm này được gọi là các mầu nhiệm hoan lạc, vì niềm hoan lạc do các mầu nhiệm này mang lại cho hoàn vũ. Đức Mẹ và các thiên thần tràn ngập hân hoan khi Con Thiên Chúa nhập thể. Bà thánh Isave và thánh nhi Gioan Tẩy Giả tràn đầy hân hoan vì được Chúa Giêsu và Mẹ Maria thăm viếng. Trời đất hoan lạc khi Chúa Cứu Thế giáng sinh. Ông già Simêon thánh đức hết sức được an ủi và tràn đầy hân hoan khi ông ẵm Trẻ Thánh trong tay mình. Các luật sĩ lạ lùng bỡ ngỡ trước những đối đáp của Chúa Giêsu, và ai có thể diễn tả được nỗi vui mừng của Mẹ Maria và Thánh Giuse khi các ngài gặp được Con Trẻ Giêsu sau ba ngày lạc mất".
(Thiếu Nhi Fatima tuần này cố học thuộc 5 Mầu Nhiệm Mân Côi Mùa Vui như người Công Giáo Việt Nam vẫn ngắm chung).
 

18-             Ý nghĩa của Mầu Nhiệm Mân Côi mùa thương là gì?

 

Qua Bông Hồng 21, "Bí Mật Kinh Mân Côi" đã nói về ý nghĩa của các Mầu Nhiệm Mân Côi Mùa Thương như sau.
"Phần thứ hai của Kinh Mân Côi cũng được làm nên bởi năm mầu nhiệm được gọi là 5 Mầu Nhiệm Thương Đau, vì các mầu nhiệm này diễn thuật cho chúng ta về trường hợp Chúa Giêsu nặng sầu muộn, đẫm vết thương, đầy nhục nhã, đớn đau và khổ hình.
"Mầu nhiệm thứ nhất, Chúa Giêsu cầu nguyện và hấp hối trong vườn cây dầu;
"Mầu nhiệm thứ hai, Người chịu đánh đòn;
"Mầu nhiệm thứ ba, Người chịu đội mạo gai;
"Mầu nhiệm thứ bốn, Chúa Giêsu vác cây thập giá; và
Mầu nhiệm thứ năm, Người chịu tử giá trên đồi Canvê".

(Thiếu Nhi Fatima tuần này cố học thuộc 5 Mầu Nhiệm Mân Côi Mùa Thương như người Công Giáo Việt Nam vẫn ngắm chung).

 

19-             Ý nghĩa của Mầu Nhiệm Mân Côi mùa mừng là gì?

 

Qua Bông Hồng 21, "Bí Mật Kinh Mân Côi" đã nói về ý nghĩa của các Mầu Nhiệm Mân Côi Mùa Mừng như sau.
"Phần thứ ba của Kinh Mân Côi gồm 5 mầu nhiệm được gọi là 5 Mầu Nhiệm Vinh Hiển, vì khi chúng ta ngắm đến các mầu nhiệm này, chúng ta suy niệm đến cuộc vinh thắng của Chúa Giêsu và Mẹ Maria.
"Thứ nhất là mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô phục sinh.
"Thứ hai là mầu nhiệm Ngài thăng thiên.
"Thứ ba là mầu nhiệm Thánh Linh hiện xuống trên các Thánh Tông Đồ.
"Mầu nhiệm thứ bốn là mầu nhiệm Đức Bà Mông Triệu. Và
"Mầu nhiệm thứ năm là mầu nhiệm Đức Mẹ được tôn làm nữ vương ở trên trời ."
(Thiếu Nhi Fatima tuần này cố học thuộc 5 Mầu Nhiệm Mân Côi Mùa Mừng như người Công Giáo Việt Nam vẫn ngắm chung).
 

20-             Những ích lợi của Kinh Mân Côi.

 

Qua Bông Hồng 27, "Bí Mật Kinh Mân Côi" đã cho thấy những ích lợi của Kinh Mân Côi như sau.
"Tôi phải hiến cho qúi bạn thêm những lý do tại sao mà nhiều linh hồn cao cả đã thiết tha thực hành việc tôn sùng này; đó là vì Kinh Mân Côi khi được đọc kèm theo sự suy gẫm các mầu nhiệm của nó mang lại những ích lợi sau đây:
"1- Nó dần dần làm cho chúng ta hoàn toàn hiểu biết Chúa Giêsu hơn.
"2- Nó thanh tẩy tội lỗi làm cho linh hồn chúng ta nên thanh sạch.
"3- Nó làm cho chúng ta chiến thắng tất cả mọi kẻ thù của chúng ta.
"4- Nó làm cho chúng ta dễ dàng thực hành nhân đức.
"5- Nó làm cho chúng ta nóng nẩy kính mến Chúa.
"6- Nó làm cho chúng ta tăng tiến trong ân sủng và công đức.
"7- Nó giúp cho chúng ta những gì cần thiết để trang trải tất cả nợ nần chúng ta mắc với Chúa và với anh em mình, và sau hết, nó làm cho chúng ta thêm đủ mọi ơn lành của Chúa Toàn Năng".

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài cùng ngày
Bí Mật Kinh Mân Côi (3) - End (8/2/2016)
Bí Mật Kinh Mân Côi (1) (8/2/2016)
Tin/Bài khác
Ghi Danh Vào Phong Trào Linh Mục Con Cưng Của Đức Mẹ (4/24/2016)
Thư Của Linh Mục Laurent Larroque, Giám Đốc Tổng Quyền Phong Trào Linh Mục Đức Mẹ Maria (mmp) #5 (4/14/2016)
Thư Của Linh Mục Laurent Larroque, Giám Đốc Tổng Quyền Phong Trào Linh Mục Đức Mẹ Maria (mmp) #4 (4/14/2016)
Thư Của Linh Mục Laurent Larroque, Giám Đốc Tổng Quyền Phong Trào Linh Mục Đức Mẹ Maria (mmp) #3 (4/14/2016)
Thư Của Linh Mục Laurent Larroque, Giám Đốc Tổng Quyền Phong Trào Linh Mục Đức Mẹ Maria (mmp) #2 (4/13/2016)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768