MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: tác giả và tác phẩm :: tác giả lm. nguyễn hữu thy
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Đời Sống Thánh Thiện Là Sự Lựa Chọn Và Lối Thoát Duy Nhất! : Phan #2
Thứ Bảy, Ngày 19 tháng 12-2009
Tương lai của lý tưởng Linh Mục

 

Trước hết, theo quan điểm của một số các giáo phái Tin Lành như Luthéranisme (đa số ở Đức, các nước Bắc Âu, ở Mỹ) hay Calvinisme (đa số ở Thụy Sĩ, Pháp) thì chỉ Đức Kitô là Vị Linh Mục, là vị Thượng Tế tối cao duy nhất, còn tất cả mọi Kitô hữu đều được tham dự vào Chức Linh Mục (Priestertum, Sacerdoce) của Đức Kitô như nhau. Vì thế, họ phủ nhận Bí tích truyền chức Linh Mục. Các vị Mục Sự Tin Lành thuộc các giáo phái trên đều không được lãnh nhận Bí tích truyền chức Linh Mục, nghĩa là đều không phải là Linh Mục. Họ cũng cho rằng với tư cách là Linh Mục, người Linh Mục cũng không thể là „alter Christus“, cũng không thể gần gũi Thiên Chúa hơn người tín hữu bình thường khác được, nghĩa người Linh Mục cũng chỉ là một tín hữu hoàn toàn giống như mọi tín hữu khác. Trái lại, là Linh Mục, người Linh Mục cần phải gần gũi với con người hơn và cần phải trở thành một dấu chỉ cho con người.

 

Nhưng chính quan niệm về chức Linh Mục chung (Sacerdoce général) như thế đã làm lu mờ ơn gọi Linh Mục hay Bí tích truyền chức Linh Mục. Trong khi đó, chức Linh Mục chung và ơn gọi Linh Mục lại hầu như hoàn toàn không có tương quan gì với nhau. Bởi vì, chức Linh Mục chung đã được nói đến trong Kinh Thánh như là „Vương giả và Tư Tế“ (x. Xh 19,6; Dn 7,22; Kh 1,6; 5,10) và điều đó được coi như là dấu hiệu để phân biệt giữa Dân Tuyển Chọn Ít-ra-en và các dân ngoại. Trong Thư Do-thái chữ „kohen“ mà tiếng Hy Lạp gọi là „hiereus“ được dùng để chỉ vị Linh Mục coi sóc Đền thờ trong thời thượng cổ (x. Dt 8,5). Trái lại, chức Linh Mục trong Giáo Hội Công Giáo phát xuất từ chữ „Presbyteros“ và đó chính là các vị Trưởng Lão đã được các Tông Đồ đặt tay thánh hiến để đứng đầu và điều hành các cộng đoàn Kitô hữu, tức các vị Linh Mục.

 

Điều đó muốn nói rằng việc thiếu hiểu biết rõ ràng về vai trò người Linh Mục là hoàn toàn do thiếu ý thức chắc chắn về vai trò của Đức Giêsu Kitô, vị Linh Mục tối cao. Phải chăng Đức Kitô thực sự là tâm điểm và là đầu của Giáo Hội? Những gì sẽ xảy ra, nếu Đức Kitô không phải là tâm điểm và đầu của Giáo Hội?

 

Linh Mục Công Giáo đã, đang và sẽ luôn luôn là hình ảnh thực sự của Đức Kitô. Những nhận thức thiếu chắc chắn về vai trò Linh Mục của Đức Kitô như thế, một trong những nguyên nhân đưa tới việc đòi hỏi truyền chức Linh Mục cho nữ giới, không chỉ là triệu chứng báo hiệu một cơn khủng hoảng là người ta không còn phân biệt sự khác biệt giữa nữ giới và nam giới nữa (kể từ khi một số người phụ nữ từ chối thiên chức làm mẹ của mình), nhưng còn là triệu chứng báo hiệu cơn khủng hoảng của chính Kitô học nữa.

 

Và sự chế ngự thể xác cũng như các đòi hỏi tự nhiên của nó bằng các kiêng cữ và bằng cả một cuộc sống khắc khổ cụ thể mà ngôn ngữ bình dân thường gọi là „sư ăn chay phạt xác“, hoàn toàn không phải là thái độ khinh thường hay coi nhẹ giá trị của thân xác một cách lệch lạc hay bệnh hoạn và nhất là tuyệt đối không phải là thái độ vô ơn đối với Đấng Tạo Hóa hay đi ngược lại với quan điểm của Kinh Thánh vốn coi thân xác con người là đền thờ Chúa Thánh Thần, nhưng trái lại, là sự minh chứng hùng hồn rằng ngoài đời sống gia đình và việc nối dõi tông đường, tức sự cộng tác vào việc sáng tạo nên thế hệ mới trong cuộc sống đời này, còn có một cuộc sống khác, một mục đích khác và một kho tàng khác còn cao trọng và quý báu hơn bội phần.

 

Nhìn vào cụ thể, lời thề hứa „độc thân Linh Mục“ đối với người Linh Mục trong Giáo Hội Công Giáo không phải là một đòi buộc khắt khe, bảo thủ và thiếu thích thời của Giáo Hội, cốt để duy trì và bảo vệ truyền thống tốt đẹp từ lâu đời của Giáo Hội hay chỉ để nhằm những thuận lợi thực tiễn bên ngoài trong công tác mục vụ của người Linh Mục, như được „rãnh tay“ hơn, được giáo dân tôn kính hơn, và nhờ thế sẽ gặt hái được nhiều hiệu quả hơn, v.v…, nhưng là được ràng buộc và được liên kết chặt chẽ với chiều kích hy lễ hiến tế mà người Linh Mục dâng lên Thiên Chúa mỗi ngày thay cho tất cả các anh chị em (giáo dân) khác của mình; vâng, tương tự như việc ngài hằng ngày cùng với và đại diện cho toàn thể cộng đoàn Dân Chúa dâng trên bàn thờ hy lễ hiến tế của Đức Kitô. Và nếu Đức Kitô, vị Linh Mục tối cao đã tự dâng mình làm hy lễ để làm đẹp lòng Chúa Cha, thì người Linh Mục, alter Chistus, tức người đại diện cho Đức Kitô trong vai trò Linh Mục, cũng phải tự nguyện hiến tế đời mình làm hy lễ dâng lên Chúa Cha như thế.

 

Thật vậy, sự tự nguyện từ bỏ tất cả để sống theo ba lời khuyên Phúc Âm – vâng lời, khó nghèo và khiết tịnh – là nhằm mục đích duy nhất: Tôn vinh Thiên Chúa và phục vụ đồng loại một cách trọn vẹn và hiệu quả hơn, một thái độ sống mà theo tinh thần Kinh Thánh người ta gọi là hy lễ, là cuộc đời tận hiến hay cuộc đời thánh hiến. Và đó không phải là một hành động theo cảm tính, xu thời, thiếu suy nghĩ hay đua đòi một cách vô ý thức và vô nghĩa, nhưng là một sự quyết định can đảm và sáng suốt của một đức tin sâu xa cũng như của một tình yêu mạnh mẽ và vô vị kỷ đối với Thiên Chúa cũng như đối với các anh chị em đồng loại của người Linh Mục. Vì thế, đó là một hành động làm đẹp lòng Thiên Chúa, như chính Người đã sai Con Một mình xuống trần gian làm Của Lễ dâng lên Người thay cho cả nhân loại. Điều đó cho thấy rằng cuộc đời tận hiến của người Linh Mục tương quan chặt chẽ với hy lễ thập giá của Đức Kitô, tương tự như giọt nước lã mà ngài đem hòa vào rượu trong chén thánh được dâng trên bàn thờ mỗi ngày.

 

Theo quan niệm truyền thống từ xa xưa và còn sót lại cho tới cả ngày nay nữa, người ta luôn luôn chỉ nhấn mạnh duy nhất hy lễ thập giá của Đức Kitô, đến nỗi các tín hữu thường nghĩ rằng Chúa đã chịu đau khổ và chịu chết thay cho loài người, hầu từ đây loài người được hưởng một cuộc sống thảnh thơi, chứ không còn phải hy sinh, vất vả và đau khổ nữa. Do đó, mội khi gặp thử thách hay đau khổ thế này thế kia, họ liền phàn nàn kêu trách Chúa hay còn nghi ngờ cả sự an bài đầy yêu thương cũng như chính sự hiện hữu của Chúa. Nhất là họ đã quên rằng cuộc đời này chỉ là một cuộc lữ hành tiến về quê thật, là một „trận chiến“, như người ta vẫn nói: „Đời là một cuộc chiến đấu“ hay „Sống có nghĩa là chiến đấu“, hầu để con người chuẩn bị một cách xứng đáng cho cuộc sống vĩnh cửu mai hậu của mình. Vì thế, cuộc sống một người thành công hay không đều tùy thuộc vào việc người ấy có hiểu và có sống theo chân lý khách quan ấy hay không. Đó cũng là ý nghĩa nghĩa câu: „Nếu người ta được lời lãi cả thế gian, mà mất linh hồn mình thì nào được ích chi!“  

 

Điều đó cũng muốn chứng minh rằng đời sống độc thân Linh Mục được coi như là một đòi hỏi dấn thân tuyệt căn của Tân Ước, mặc dù đôi khi xem ra phản tự nhiên và lỗi thời đối với quan niệm người đời, chứ không phải là một quan điểm tùy hứng theo não trạng thời đại. Chính vì thế, đây cũng là yếu tố góp phần vào việc suy tư về tương lai của ơn gọi Linh Mục. Nói cách khác, yếu tố chủ chốt mang tính cách quyết định về Thiên chức Linh Mục luôn luôn phải được gắn liền với phạm trù „sự thánh thiện“ và „sự tử đạo“. Thật vậy, mỗi khi khoác lên mình chiếc áo chùng thâm Linh Mục, người Linh Mục cần phải luôn ý thức rằng mình đã chết cho thế gian và chỉ sống cho Chúa, cho Giáo Hội và lợi ích các linh hồn, như chính Đức Kitô đã nêu gương trước. Còn nếu ngài quan niệm khác về đời Linh Mục của mình thì ngài sẽ phải đối mặt với rất nhiều „ngõ cụt“ trong cuộc sống.

 

Sự thánh thiện: Người ta có thể tự hỏi có thời đại nào trong suốt lịch sử Giáo Hội mà lại không phải đối mặt với các thách đố, với các thử thách khó khăn? Vì Giáo Hội phải luôn bước đi trên cùng một con đường mà Đức Kitô đã đi qua. Hơn nữa, chính các gian nan thử thách còn là phương tiện cần thiết để tôi luyện tâm hồn các tín hữu trên đường nên thánh. Vì một điều cần thiết duy nhất mà trong tất cả mọi thời đại, Giáo Hội và thế giới cũng như tất cả chúng ta cần phải có, đó là các tâm hồn trọn lành, các vị thánh nhân. Đúng vậy, tình trạng hay hoàn cảnh khó khăn của các Linh Mục chỉ có một lối thoát, chỉ có một lựa chọn duy nhất, đó là sự thánh thiện, đó là một cuộc sống trọn lành.

 

Cũng như trong suốt lịch sử Giáo Hội, mỗi khi Giáo Hội gặp thử thách khó khăn như trong thời đại chúng ta ngày nay, đặc biệt ở các nước Âu Mỹ, người ta thường chỉ quan tâm tu chỉnh và sửa sai những hình thức tổ chức bên ngoài, như các vấn đề thuộc lãnh vực kinh tế tài chánh, hay thuộc lãnh vực nhân sự: thu hẹp, giảm thiểu hay thay đổi, v.v… Nhưng chiều kích sự thánh thiện, nỗ lực nên thánh, nên trọn lành thì ít ai quan tâm tới, vì người ta thường quan niệm rằng vấn đề sống trọn lành hay nên thánh là việc tư riêng của từng cá nhân, chứ không phải của cộng đồng giáo xứ hay của Giáo Hội. Bởi vậy, trong khoảng 40 năm vừa qua, chiều kích sự thánh thiêng trong Giáo Hội đã bị coi nhẹ, bị sao nhãng hay đã bị bỏ quên. Ở đây chúng ta thử nêu một vài ví dụ, chẳng hạn:

 

·        Cách ăn mặc của những người giúp cho rước lễ: tại nhiều giáo xứ trong Giao Hội, những người giáo dân khi giúp trao Mình Thánh Chúa cho cộng đoàn tham dự Thánh Lễ đã ăn mặc một cách bất xứng:  quần áo thốc thếch, luộm thuộm, hở hang khiêu gợi hay quá diêm dúa;

·        Vị trí Nhà Tạm: trong nhiều nhà thờ, nhất là trong những nhà thờ tân thời, người ta thường không còn thiết kế vị trí Nhà Tạm ở ngay giữa gian Cung Thánh, một nơi cao trọng nhất trong một ngôi thánh đường, nhưng được đặt ở gian hông hay ở „gian nhà nguyện“ tại một góc nào đó trong nhà thờ.

·        Thái độ thiếu cung kính khi vào nhà thờ: một số người khi bước chân vào nhà thờ, kể cả nhà thờ có Mình Thánh Chúa, chẳng những không còn lấy nước thánh ở cửa nhà thờ để làm Dấu Thánh Giá, không còn bái gối, còn hai tay khoanh sau đít và đi lại nghêng ngang trong nhà thờ như khi đi xem một gian hàng triển lãm.

·        Việc loại bỏ áo Dòng hay áo chùng thâm: Còn đa số các Linh Mục đã bỏ không còn mặc áo chùng thâm Linh Mục của mình nữa và cũng không mang trên mình bất cứ dấu hiệu nào, chẳng hạn tượng Thánh Giá, để có thể giúp cho người khác nhận ra các ngài là Linh Mục, viện lẽ là „để hòa đồng và để dễ dàng gần gũi với mọi người hơn“. Thế nhưng chiều kích sự thánh thiện lại quan niệm khác.

·        v.v…!

 

Và chính việc loại bỏ các dấu hiệu hay các biểu tượng bên ngoài của sự thánh thiện như thế đã góp phần không nhỏ vào việc làm lu mờ tính chất thánh thiêng và cao cả của Thiên chức Linh Mục cũng như đánh mất sự đòi hỏi dấn thân tuyệt căn, dứt khoát và hoàn toàn vô vị lợi của người Linh Mục.

 

Sự tử đạo: Tình trạng sống độc thân của người Linh Mục như hiện nay trong Giáo Hội Công Giáo không chỉ giúp cho người Linh Mục được tự do và dễ dàng hơn trong việc hy sinh dấn thân trọn vẹn cho công tác mục vụ và cho việc rao giảng Tin Mừng, nhưng còn nhằm tới một chiều kích sâu xa khác. Vâng, người Linh Mục không chỉ phải chu toàn sứ vụ Linh Mục của mình một cách tốt đẹp như một người công chức chu toàn trách nhiệm được trao phó, nhưng người Linh Mục còn phải sống chính sứ vụ Linh Mục của mình nữa. Nói cách khác, nơi người Linh Mục không còn sự phân biệt giữa đời sống tư riêng và đời sống trách nhiệm, nhưng cả hai cùng gắn bó và hòa trộn vào nhau thành một thực thể: Cuộc đời người tận hiến.

 

Và điều đó không chỉ đòi hỏi nơi người Linh Mục một sự  hy sinh can đảm, một sự từ bỏ dứt khoát tất cả, nhưng chính nó là nguồn sức mạnh giúp cho người Linh Mục vượt thắng được tất cả mọi thử thách đầy gian nan của sứ vụ Linh Mục của mình. Trong các Thư gửi cho các tín hữu xưa, nhất là trong Thư Thứ Hai (4, 7-15; 11, 23b-29) gửi cộng đoàn tín hữu ở Cô-rin-tô, thánh Phaolô đã trình bày những trải nghiệm đau đớn và những vật lộn tranh đấu đầy vất vả của ngài trước đủ mọi thử thách đau khổ khi thi hành sứ vụ Tông đồ.

 

Qua đó, thánh nhân đã đóng góp một phần quan trọng vào việc giải đáp thỏa đáng vấn nạn: Phải chăng Giáo Hội và sứ vụ Tông đồ của Giáo Hội là sự trung gian cần thiết cho ơn cứu độ và sự hòa giải của nhân loại?

 

Theo khuynh hướng thần học của Giáo Hội Tin Lành thì tính cách trung gian của Giáo Hội cho sự cứu rỗi của con người là hoàn toàn không cần thiết, nếu không nói là còn nguy hiểm nữa, vì sự cứu rỗi chỉ đến từ Thiên Chúa, tức bằng ơn thánh và bằng lòng tin, chứ không phải bằng việc làm của con người. Vì thế, người ta thường nghe những lời phát biều từ phía các anh em Tin Lành cho rằng “Giáo Hội“ không có quyền tự đặt mình làm trung gian giữa Thiên Chúa và con người như những người Công Giáo chủ trương. Chỉ một mình đức tin vào Thiên Chúa đã đủ để cứu rỗi con người. Thế nhưng ở đây, trong Thư gửi Cô-rin-tô, thánh Phaolô lại khẳng định một cách rõ ràng: „Vì thế, chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Kitô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy. Vậy, nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa“ (2Cr 5,20). Nghĩa là theo thánh Phaolô thì sứ vụ của các Tông Đồ (Giáo Hội) là một điều cần thiết trong việc kiến tạo sự hòa giải giữa con người và Thiên Chúa. Và trong cùng Bức Thư, thánh nhân còn viết tiếp: „Vì được cộng tác với Thiên Chúa, chúng tôi khuyên nhủ anh em: Anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa, thì đừng để cho ân huệ đó trở nên vô ích.“ (6,1)

 

Như vậy, người ta có thể nói rằng: Nếu không có Đức Kitô, thì không có sự cứu rỗi, và nếu không có các Tông Đồ, tức Giáo Hội, làm trung gian mang đến cho con người, thì sự cứu rỗi không thể đến với con người được, vì ở đây các Tông Đồ là hình ảnh, là đại diện của „Giáo Hội“. Vì thế, cả là một điều vô lý, nếu người ta tìm cách tách biệt sự cứu rỗi ra khỏi Giáo Hội hay ngược lại. Cả hai cùng liên kết chặt chẽ với nhau. Bởi vì, sự cứu rỗi của con người có thể trở nên vô hiệu, nếu nó không được đón nhận bởi trung gian tác động của các Tông Đồ và không nhằm tới sự hòa giải phổ quát. Bởi vì, một sự cứu rỗi mà không đạt tới con người như là đối tượng chính yếu, là một điều hoàn toàn vô lý, không thể tuởng tượng được.

 

Và chúng ta biết rằng theo tư tưởng thần học của thánh tiến sĩ Augustinô, chúng ta vốn được tạo dựng nên và được sinh ra mà không cần sự đồng ý của chúng ta, nhưng chúng ta sẽ không được cứu rỗi và không được hòa giải nếu không có sự đồng ý của chúng ta. Điều đó có nghĩa là: Theo nghĩa tổng quát, thì sự rao giảng và sự trung gian của các Tông Đồ hay của Giáo Hội qua sứ vụ các Linh Mục thực sự là một điều cần thiết.

 

Nhưng sứ vụ Linh Mục trong một thế giới thiên về khuynh hướng tục hóa và vô thần nói chung và tại các nước luôn mang nặng não trạng bài trừ Công Giáo nói riêng, như tại các nước Hồi Giáo, tại Nga Sô hay tại các nước theo chế độ cộng sản vô thần, v.v…quả là một thách đố cực kỳ khó khăn và một nguy hiểm cụ thể khó tránh cho chính sự sống người Linh Mục. Dẫn chứng về những vụ giết hại man rợ các vị Linh Mục cũng như các cộng tác viên của các ngài trong khi thực thi sứ vụ truyền giáo của mình tại các phần đất nói trên là một thực tế đau thương đã thường xảy ra và sẽ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

 

Quả thật, cuộc đời người Linh Mục là một cuộc tử đạo đúng nghĩa, nghĩa đen cũng như nghĩa bóng. Do đó, việc đón nhận sứ vụ Linh Mục và sự thực thi sứ vụ ấy đòi hỏi nơi các ứng viên đang dọn mình nơi các Đại Chủng Viện không những một sự suy nghĩ và cân nhắc đúng đắn hay một quyết định dứt khoát, nhưng còn đòi hỏi một đời sống đạo đức thánh thiện có nền tảng vững vàng chắc chắn và một tinh thần hy sinh „tử đạo“ can đảm. Và tất cả những điều đó phải được xây dựng trên một nền tảng tuyệt đối vững chắc là Đức Kitô qua một cuộc sống được thấm nhuần tinh thần cầu nguyện. Đúng như văn hào và sử gia người Đức Reihnhold Schneider đã viết: „Nur den Betern kann es noch gelingen“ (Chỉ những người cầu nguyện còn có thể thực hiện được điều đó). Hay nói ngược lại, nếu thiếu đi những Linh Mục thánh thiện, luôn biết thánh hóa sứ vụ Linh Mục của mình bằng sự cầu nguyện hằng ngày, Giáo Hội sẽ phải đứng trước con đường cùng.           

 

Nhưng khi nghe nói đến đời sống độc thân khiết tịnh và đời sống cầu nguyện, chắc hẳn có người sẽ nghĩ rằng đó là những điều thuộc phạm vi bổn phận của các Tu Sĩ Nam Nữ, chứ đâu có liên quan đến các vị Linh Mục Triều đang phụ trách việc tông đồ hay công tác mục vụ. Nhưng chúng ta đừng quên rằng Đức Giêsu đã sống đời độc thân khiết tịnh không phải trong một Tu Viện, nhưng ở giữa những người lao động bình thường, những người mà hằng ngày Người vẫn tiếp xúc, chuyện trò, chia sẻ vui buồn với và nhất là rao giảng Tin Mừng Cứu Độ cho. Và lý do thái độ của Chúa là hoàn toàn dễ hiểu: Chính qua sự tương phản với đời sống bình thường của những người lập gia đình, tính chất đặc thù riêng biệt của cuộc sống Đức Kitô trong vai trò Đấng Cứu Thế muôn dân trở nên rõ nét và khả tín hơn trước mặt mọi người. Đúng thế, qua sự khác biệt với những người sống đời vợ chồng, một dấu chỉ cần thiết cho Nước Trời trở nên sống động, rõ ràng và cụ thể hơn và loan báo về sự ưu thắng tuyệt đối của niềm hy vọng vào Tin Mừng Đức Kitô. Đây cũng là lý do cho thấy rằng cái truyền thống vừa nhắc tới ở trên đã không được khám phá ra một cách đúng đắn trong các thế kỷ vừa qua: Bởi vì sự rao giảng trong Giáo Hội đã đề cập quá nhiều về những vấn đề thực tiễn của cuộc sống cụ thể hằng ngày, nhưng lại đề cập quá ít về viễn tượng thế mạt, về Nước Trời, Nước Vĩnh Cửu sắp tới. Nói cách khác, vấn đề trọng yếu được nói đến ở đây là một tương lai luôn quy hướng về một viễn tượng tuyệt đối sung mãn: „Tiệc Cưới Nước Trời.“ Đúng thế, việc hy sinh tiệc cưới đời này không phải vì khinh thường coi nhẹ, nhưng là để dồn thời giờ và năng lực vào „việc sửa soạn“ cho tiệc cưới cao trọng trên Nước Trời.

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Mỹ Thuật Là Con Đường Dẫn Tới Thiên Chúa (4/10/2010)
Ý Thức Hệ Thế Tục Hóa, Hay Trào Lưu Khai Trừ Thánh Giá Chúa (4/1/2010)
Đức Kitô Đã Cứu Độ Chúng Ta, Điều Đó Nghĩa Là Gì? (updated) (3/31/2010)
Suy Tư Về Năm Linh Mục (3/31/2010)
Chúa Nhật Iii Mùa Thường Niên (c):từ Lúc Đó, Ðức Giêsu Bắt Đầu Đi Rao Giảng! (1/23/2010)
Tin/Bài cùng ngày
Đời Sống Thánh Thiện Là Sự Lựa Chọn Và Lối Thoát Duy Nhất! : Phan #3 (12/19/2009)
Đời Sống Thánh Thiện Là Sự Lựa Chọn Và Lối Thoát Duy Nhất!: Phan#1 (12/19/2009)
Tin/Bài khác
Lễ Hiến Dâng Thế Giới Cho Mẹ Thiên Chúa – Khúc Quanh Lịch Sử Nhân Loại (1/1/2016)
Ngày Cầu Nguyện Cho Giáo Hội Thầm Lặng! (5/15/2009)
Thuyết Nhân Bản Kitô Giáo (5/14/2009)
Fatima: Phải Chăng Tất Cả Chỉ Là Chuyện Trùng Hợp Ngẫu Nhiên? (5/12/2009)
Sự Phát Triển Của Giáo Hội! (5/8/2009)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768