MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: tác giả và tác phẩm :: tác giả lm. nguyễn tầm thường
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Truyện Cây Nho
Thứ Ba, Ngày 24 tháng 8-2010

TRUYỆN CÂY NHO

Có cây nho xinh, lá mịn màng.  Người làm vườn chờ nắng lên, tiễn ngày đi, bên vườn nho ấp ủ một mùa sai trái.  Ngồi bên luống nho như ngồi bên dòng đời.  Người làm vườn nhìn màu lá dập dờn trong nắng như màu hạnh phúc đổ xuống tâm hồn. Bình an và chờ đợi.  Thời gian và nôn nao.

Chúa bảo mỗi người là một cành nho trong vườn nho thiêng liêng Nước Trời.  Trên màu nắng vỗ, lá non bóc vỏ mình xanh tươi theo ngày tháng.  Lời gọi của Chúa cũng vậy, muốn kẻ theo mình bước dần về Jêsusalem cùng lãnh ơn cứu rỗi, cùng lên phục sinh.  Trong vườn nho thiêng liêng, có nhánh nho kể chuyện đời mình:

Cành nho kể chuyện

Ngày xưa, tôi là một cành nho xinh.  Tôi xin kể chuyện những gian nan đời tôi.  Trong những ngày tháng ấy, người làm vườn nói với tôi nhiều lắm.  Chúng tôi tâm sự với nhau bên những chiều úa nắng, những bình minh.  Có hy vọng, có đau đớn, có mệt mỏi, có lừa dối.  Tôi xin kể lại những tâm sự ấy như một đoạn đời thiêng liêng.

Không biết tôi vào đời lúc thời gian đang là xuân, hạ, hay thu.  Từ một mầm non nhỏ, tôi chào nắng. Nắng ấm làm tôi nôn nao, rồi sức sống như bùng vỡ trong tôi, bao nhiêu mầm non khác trong da thịt tôi vỡ vỏ chào nắng theo.  Tôi thành một cành nho xinh đẹp, rũ lá xuống vườn nho.  Người làm vườn rất vui, nhìn tôi mơ một mùa nho sai trái.

Rồi một ngày bất ngờ, có cơn gió vô tình từ đâu bay tới, làn gió như nghịch như đùa, nó làm chùm lá đập vào nhau, rách rơi xuống đất ẩm.  Tôi đâu biết trên đời lại có gió như thế.  Lần đầu tiên tôi gặp gió. Tôi thua cuộc trong cái thờ ơ không biết chuẩn bị đề phòng.  Người làm vườn thương tôi, đến bên tôi, và người làm vườn ấy dâng một lời kinh:


“Lạy Chúa, đời sống thiêng liêng của mỗi tâm hồn, mỗi gia đình, mỗi tu viện cũng giống như cành nho.  Người ta nói về những chùm nho đẹp, nhìn những cành lá xanh mà ươm mơ.  Nhưng gió đến, lá xanh có thể rách, chùm nho càng sai thì càng dễ rơi xuống.  Cành nho vững được trước gió là nhờ những sợi dây nho nhỏ cuốn vào hàng rào.  Chính những sợi râu nhỏ không ai để ý, chả ai nói tới, lại mang một trách nhiệm lớn như thế.  Gió có thể làm chính những cành lá đập vào nhau mà rách.  Giống như cuộc đời vậy, lúc gió bão cuộc đời xẩy ra thì chính anh em trong nhà, người trong cùng tu viện, kẻ trong một Giáo Hội, vợ chồng với nhau có thể xâu xé nhau.  Những sợi râu nhỏ kia là hình ảnh của những giây phút cầu nguyện và xét mình.  Nó nhỏ và âm thầm, nhưng thiếu nó, đời sống thiêng liêng sẽ sụp đổ.  Chùm nho có đẹp, lá có xinh, nhưng không có những sợi râu bám chặt vào thân rào, gió sẽ làm nó tan tác.  Bao nhiêu công trình tông đồ đẹp như mùa nho sai trái, nhưng thiếu cầu nguyện và xét mình, nên chúng trở thành ghen tị, hiềm khích chống đối lẫn nhau.  Những sợi râu nhỏ ấy có thể là những tối hồi tâm chung giữa vợ chồng, gia đình đọc kinh chung.  Nó có thể là xét kỹ xem đâu là căn tính hướng đi của Tin Mừng mà một người có trách nhiệm trong Giáo Hội phải đặt tiêu chuẩn.”

***

Sau lời nguyện của người làm vườn, sau trận phong ba ấy, tôi dè dặt hơn vì biết gió đến bất chợt.  Tôi khôn ngoan hơn trong những cái nhìn.  Tôi không tự hào lắm về những cành lá xanh nữa.  Tôi biết, không có những sợi râu nhỏ kia, gió sẽ tàn phá chúng tôi.  Từ đó, tôi có cái nhìn thiết tha hơn với những gì mà tôi coi là nhỏ bé tầm thường trên giàn nho gia đình chúng tôi.  Chắc là trong cuộc sống của loài người cũng thế phải không, biết đâu những đóng góp kín đáo bằng cầu nguyện, hy sinh của những người mà xã hội coi thường đã giữ cho cộng đoàn sức sống?  Biết đâu những người tôi cho là quê mùa, những gì tôi coi thường là nhỏ bé, trước mặt Chúa lại là những viên đá nền tảng cho Giáo Hội?

Nhờ nắng ấm, nhờ sương hiền của trời, cành nho tôi hôm nay bắt đầu có trái.  Ôi! tôi còn nhớ sáng ấy, người làm vườn vui làm sao.  Ông ta cứ loanh quanh bên gốc nho, xoa từng màu xanh, săn sóc từng đốm hồng trên chùm lá.  Ông nhìn vườn nho, mà tôi biết trong tim ông vui lắm.  Ông đang nghĩ tới một năm được mùa.  Nhưng bạn ạ, cuộc đời có những gian nan không ngờ.

Trên cành nho, có một tàn lá rất xinh.  Màu vàng của nắng, màu xanh của mình, chùm lá đẹp làm sao! Người ta nhìn vườn nho, cứ dựa vào màu lá mà khen vườn nho.  Úa vàng là vườn nho bệnh hoạn, xanh tươi là vườn nho hy vọng.  Trong chùm lá ấy, “ẩn mình một cánh lá chờ chết.”  Cánh lá giấu mặt đằng sau một tổ sâu!  Nó chỉ khoe màu xanh mặt trước mà che kín một màu tang tóc phía sau.  Từ cánh lá “ẩn mình chờ chết ấy”, vết chân sâu bò dần sang những cánh lá khác, đi tới đâu là rải xuống mầm hoang vu.  Sâu không bao giờ chịu xây tổ dưới một cọng lá, sớm muộn rồi nó cũng lan qua, tàn phá những tàn lá chung quanh.  Vết chân sâu tiêm vào chùm nho đang giữa mùa chín tới.  Người làm vườn đâu có ngờ trái nho chua rồi, nó chỉ còn màu xanh vẻ đẹp bên ngoài thôi.  Rồi thời gian cũng đến.  Xót xa trong tim người làm vườn.  Rồi tôi cũng nghe như nỗi buồn từ từ rơi xuống hồn tôi.  Thấm thía.  Xa vời.  Lời rất sâu trong trái tim người làm vườn ấy, vào một ngày ủ dột, dạy tôi lời kinh nguyện:

Lạy Chúa, tội lỗi là những sa ngã kín đáo, ai cũng sợ người khác biết.  Che dấu là cảm dỗ ngọt ngào xúi đẩy nhiều tâm hồn trở thành lừa dối.  Cuộc sống chung là một liên hệ hòa hợp, tình trạng thánh thiện hay tội lỗi của người này có ảnh hưởng tới đời sống thiêng liêng của linh hồn kia.  Khi một gia đình, một tu viện mà có những người thánh thiện, giữ tâm hồn sạch tội thì hạnh phúc sẽ chan hòa sang nhau.  Như những nhánh sông chảy bên rễ vào nhau, dòng nước sẽ trong nếu có nhiều nhánh sông trong, dòng nước sẽ đục nếu những nhánh sông đó đục.  Tội lỗi của một cá nhân trong gia đình, trong tu viện ấy có thể giấu kín, nhưng sức sống thiêng liêng trong gia đình ấy sẽ bị mất, niềm vui trong tu viện ấy thành nhạt.  Xin Chúa cho con can đảm để Chúa bắt những con sâu tội lỗi ấy qua bí tích giải tội.  Vì như những con sâu đó, tội trong con sẽ phát sinh ra những xét đoán thiếu công bình.  Khi mất bình an, con sẽ dễ cay nghiệt, dễ nóng giận.  Ðiều đó làm cho những chùm nho thiêng liêng thành chua chát, mất vẻ đẹp của linh hồn con, gia đình con, tu viện con.

Tâm sự người làm vườn

Tôi là người làm vườn.  Tôi quý vườn nho của tôi.  Từ ngày trồng đến mùa nho chín là một hành trình dài.  Dài ngày tháng bằng khoảng đo mặt trời lên xuống.  Dài ngày tháng bằng nỗi mong đến mùa hái. Dài ngày tháng bằng nỗi sợ có thể bị mất mùa.  Thời gian trong tâm hồn làm tôi ngột ngạt.  Nếu biết chắc chắn mùa tới, nho sẽ chín, trái sẽ ngọt thì cái dài của ngày tháng chỉ là chờ đợi niềm vui.  Nhưng phân vân không biết rồi mùa sẽ thế nào, sẽ ra sao là một khắc khoải lớn lắm.  Cứ nhìn tay người làm vườn mà định giá nỗi thao thức trong tim người làm vườn ấy.  Không người làm vườn nào mà có bàn tay trắng trẻo.  Tôi không ngại mưa nắng sớm hôm.  Tôi không sợ xước tay vì gai, vì đá sỏi.  Tôi chỉ mong được mùa.

***

Lạy Chúa, bàn tay của Chúa trên thánh giá trong mỗi nhà thờ nhắc nhở con điều gì?  Khi con muốn xuống vườn nho, đi làm với Chúa, con cũng phải hỏi mình về đôi bàn tay.  Nếu con sợ bàn tay rám nắng, nếu con không muốn nhặt cỏ, cuốc đất, thì con không phải là người làm vườn, con chỉ xem người khác làm vườn thôi.

Cuốc đất, nhặt cỏ ấy là từ bỏ sự ươn lười, là chiến thắng sự thiếu nhiệt thành, là phấn đấu không dấn thân nửa chừng, là tha thiết với công việc giáo xứ, là xây dựng cộng đoàn huynh đệ.  Muốn giữ cho bàn tay không mệt mỏi có thể là những cám dỗ chỉ muốn đưa ý kiến nhưng ngại hy sinh, muốn ra chỉ thị hơn là thi hành.

Ðôi tay Chúa đã mang đầy thương tích.

Con đã thấy những người lao động ở vùng kinh tế mới.  Trưa nắng quá sức mà họ cứ hì hục rẫy cỏ. Tay họ cháy nắng.  Mồ hôi họ nhễ nhãi.  Nhưng khi nói chuyện với họ, băn khoăn sau cùng của họ vẫn là: “Rồi, không biết năm nay có được mùa không.”  Nhìn nương khoai, tay quệt mồ hôi, nheo mắt trong trời chói nắng, họ không phàn nàn vì phải lao động vất vả, họ chỉ có một băn khoăn: “Rồi, không biết năm nay có được mùa không.”

Phải chăng đó cũng là băn khoăn của Chúa khi nhìn linh hồn con.  Chẳng còn điều gì có thể làm mà Chúa không làm cho con để cứu chuộc linh hồn con.  Sau cùng, khi bàn tay đã tả tơi trên thập tự thì cũng chỉ còn lại trong tim Chúa một ước mơ thôi, đó là linh hồn con thuộc về Chúa.

Nếu con yêu Giáo Hội thì nỗi băn khoăn ấy cũng phải là của con nữa.  Nếu con không thao thức với nhịp sống của Giáo Hội thì con sẽ không tha thiết trong việc tông đồ, điều ấy làm con mất đi năng lực cộng tác với ơn Chúa để thánh hóa chính mình.

Xin Chúa cho con phải nhắc nhở, thôi thúc tự hỏi chính con về tình trạng linh hồn mình và lòng nhiệt thành với Giáo Hội là một vườn nho chung. Trong vườn nho ấy, xin cho con quý bí tích giải tội, có lẽ nào một cành lá cứ giấu ẩn đàng sau những con sâu đo xấu xí.

LM Nguyễn Tầm Thường, S.J.

 

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Tự Do, Lm Nguyễn Tầm Thường (1/29/2011)
Tiếng Gọi, Lm Nguyễn Tầm Thường, S.j. (1/29/2011)
Sa Mạc, Lm Nguyễn Tầm Thường, Sj (12/3/2010)
Nỗi Lòng Cha, Lm. Nguyễn Tầm Thường, S.j. (9/10/2010)
Ngoại Ðạo, Lm Nguyễn Tầm Thường (9/6/2010)
Tin/Bài khác
Tha Nợ, Lm Nguyễn Tầm Thường S.j. (7/13/2010)
Đường Hẹp (6/14/2010)
Người Mẹ Của Biên Giới Sống Và Chết (5/18/2010)
Tặng Vật Cho Cuộc Ði Tìm (5/15/2010)
Khi Người Không Ðáp Trả (4/26/2010)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768