MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: tài liệu về đức mẹ :: mẹ fatima
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Những Tập Hồi Ký Của Chị Nữ Tu Maria Lucia Trái Tim Vô Nhiễm (8), Hồi Ký 5a (1 Of 2)
Thứ Ba, Ngày 27 tháng 7-2010

Nguồn: Hội Thông Điệp Đức Mẹ 

HỒI KÝ THỨ NĂM
Lời Giới Thiệu của Linh Mục Tiến Sĩ Luciano Cristino

 Chị Lucia đã tự tay viết tài liệu này, mà cách hành văn cũng giống như Hồi Ký Thứ Tư từng được soạn thảo trong khoảng thời gian từ 1935 đến 1941 và đã được xuất bản, do lời yêu cầu của Đức Ông Luciano Guerra, Giám đốc Thánh Đường.
 Sau khi bà Maria dos Anjos, chị cả của Lucia qua đời ngày 26 tháng 8 năm 1986, thì ngôi nhà của cha mẹ bà là ông Antonio dos Santos và bà Maria Rosa mà bà vẫn sử dụng từ trước đến đó nay thuộc quyền sở hữu của Chị Lucia. Chị bèn đem tặng Thánh Đường, và Ban Giám Đốc Thánh Đường liền bắt tay vào việc trùng tu lại ngôi nhà này để nhắc nhở cho khách hành hương Fatima biết về thời kỳ Đức Mẹ hiện ra, và dùng địa điểm này làm nơi suy gẫm mục vụ về Gia Đình trong thời đại ngày nay.
 Ngoài việc trùng tu ngôi nhà, người ta cũng cố gắng thu hồi những vật dụng nguyên thủy và phục chế đồ đạc trong nhà cho càng giống như thời kỳ Đức Mẹ Hiện Ra càng tốt, đặc biệt là chiếc đồng hồ cổ để trong phòng chính mà Gloria, một trong những người con gái của gia đình Santos (chị của Chị Lucia) thừa hưởng, và nay thuộc quyền sở hữu của con gái bà này tên là Maria Rosa (cháu kêu Chị Lucia bằng dì), hiện đang cư ngụ tại Brazil (Ba Tây).
 Thánh Đường cũng mua lại căn nhà kế bên, sở hữu của bà Maria Rosa, là mẹ đỡ đầu của Chị Lucia. Cách đây nhiều năm, căn nhà này đã được dùng làm viện bảo tàng nhân chủng học cùng với khu vườn phía sau, cộng thêm ba bất động sản khác, được trồng tỉa và sắp đặt như cũ để cho khách hành hương có một ý niệm sinh động và rõ rệt về thông điệp mà Thiên Thần đã truyền đạt cho ba trẻ linh kiến trong khi ngài hiện ra lần thứ hai với các em.
 Để thực hiện mục tiêu này một cách chính xác, chúng tôi đã yêu cầu Chị Lucia nhớ lại càng nhiều những kỷ niệm thời thơ ấu và nếp sống của gia đình Chị càng tốt, cụ thể là những gì liên hệ đến cha của Chị.
 Chị Lucia đã vui vẻ đáp ứng lời yêu cầu này, bằng cách tự tay viết ra những điều mà chúng ta có thể gọi là Hồi Ký Thứ Năm. Hồi ký này bắt đầu bằng một lá thư gửi cho vị Giám Đốc Thánh Đường có thể coi như lời mở đầu, đề ngày 12 tháng 2, 1989, tiếp theo đó là bài viết đề ngày 23 cùng tháng, năm, và để kết luận, Chị viết thêm một lá thư khác đề cùng một ngày.
 Chúng tôi cho phổ biến cả ba văn kiện này cùng một lúc vì nó hợp thành một tổng thể, trong khi cố gắng hết sức tôn trọng bố cục nguyên thủy. Chúng tôi chỉ sửa lại chính tả, cách bỏ dấu, cách viết Hoa một số chữ, phép chấm câu, và cách phân chia thành các đoạn văn mà thôi. Trong phần đối thoại, chúng tôi tiếp tục sử dụng hình thức đã dùng trong Bốn Hồi Ký trước. Chúng tôi có thêm vào một vài phụ đề và một vài chú giải.
 Sau khi trao lại Hồi Ký Thứ Năm này và các tài liệu liên hệ, Chị Lucia đã lợi dụng cơ hội để kiểm chứng lại điểm này điểm nọ. Vì vậy, chúng tôi đã quyết định in thêm các tài liệu liên hệ thành một bản phụ đính.
 
Lời Mở Đầu

J. + M.

Kính gửi Cha Giám Đốc Thánh Đường Đức Mẹ Fatima,

 Con đã nhận được thư của Cha đề ngày 23 tháng 11 năm 1988, trong đó Cha yêu cầu con tả lại hình ảnh của Ba con vì những gì con viết về ông trong các Hồi Ký trước không được đầy đủ. Cha cũng muốn biến ngôi nhà chúng con thành một địa điểm để suy gẫm về gia đình.
 Vì lý do đó, con xin sẵn lòng, vì con nhớ lại cha mẹ con như những khuôn mẫu đáng khen của một gia đình Kitô, kết hợp trong đức tin, đức cậy và đức mến.
 Quả thật, hình ảnh mà con nói (về gia đình con trước kia) không đầy đủ vì con đã viết trong những hoàn cảnh khó khăn – không đủ thì giờ và điều kiện để đọc lại và sửa chữa cho chính xác hơn. Và rồi những tài liệu này được phổ biến mà con không được biết trước. Nhưng liệu con có thể làm gì được? Con chỉ biết dâng hy sinh này lên Chúa, hy vọng Chúa sẽ rút ra những điều làm sáng danh Ngài trong mọi sự.
 Cũng trong cùng lá thư ấy, Cha đã liên tục yêu cầu con trả lời càng sớm càng tốt một lô những câu hỏi Cha gửi cho con mà Cha Giám Tỉnh Hội Dòng chúng con, Cha Jeremias Carlos Vechina, đã trao cho con ngày 31 tháng Mười, 1986.
 Vì lúc đó con không thể tiến hành công việc này được, nên con đã cất lá thư trong đáy ngăn kéo, và nó vẫn nằm đó cho đến tận hôm nay.
 Thấy vậy, Cha đã phải thân hành đến đây hôm 14 tháng Tư, 1988 để thảo luận về các vấn đề liên hệ đến ngôi nhà của cha mẹ con, và Cha đã khẩn khoản yêu cầu con trả lời những câu hỏi của Cha.
 Ngày 20 tháng Mười 1988, Cha đương kim Giám Tỉnh Hội Dòng chúng con, Cha Pedro Lourenço Ferreira, dường như theo lời yêu cầu của Cha, đã khuyên con là đừng nên trì hoãn nữa, vì ngài tin rằng việc này sẽ làm sáng danh Thiên Chúa.
 Vì những lời yêu cầu và đề nghị khẩn thiết này, và trên hết, là của các vị Bề Trên của con – mà con vẫn coi như là dấu chỉ của Thánh Ý Chúa – con đã trình bày điều này với Mẹ Bề Trên của con. Mẹ đã nghiên cứu cẩn thận vấn đề và đã quyết định miễn cho con phụ một vài công tác cộng đồng để con có thể dành hết thì giờ vào công tác này.
 Vì tin tưởng rằng đây là Thánh Ý Chúa, và vì Cha cần có những sự kiện này nhanh chóng, con xin bắt đầu tả lại chân dung cha con, hoàn toàn tin tưởng vào sự che chở từ mẫu của Đức Mẹ.
 Về phần những câu hỏi của Cha con xin được để lại sau, còn ngay bây giờ, con phải thưa rằng một số câu hỏi – đặc biệt liên hệ đến các lần Mẹ hiện ra – con không thể trả lời được nếu không có phép của Tòa Thánh, trừ phi chính Cha muốn xin phép và được Tòa Thánh chuẩn nhận. Bằng trái lại, con sẽ tiến hành và xin để trống những câu hỏi của Cha.
 Con xin bắt đầu câu chuyện bằng cách trả lời câu hỏi thứ 16.
 Nguyện xin Thiên Chúa giúp đỡ con, và xin bố của con trên thiên đàng hiện đang nhìn thấy con, cầm lấy tay con, như người đã từng làm khi con còn nhỏ để hướng dẫn và dạy con vẽ lên trên trán con dấu Thánh Giá Cứu Độ Của Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc chúng ta.
Coimbra, ngày 12 tháng Hai, 1989
  
 Những điều con sắp nói đây trong mấy câu mở đầu, là những gì con được nghe cha mẹ, vú đỡ đầu Têrêsa, và những thành viên khác trong gia đình con nói ra.

CHA CON

Trước thời kỳ Đức Mẹ hiện ra

“Trong xã Aljustrel (A-li-us-trel) có ai được kể như là giàu có không? Và tại sao?”

 “Có, đó là gia đình “Santos”. Đây là một gia đình Kitô đông đúc, và sống đạo Công giáo rất sốt sắng. Họ sống gần gia đình Ferreira Rosa, chủ nhân của mấy ngôi nhà: Thánh Đường đã mua lại của họ ngôi nhà của cha mẹ con để làm viện bảo tàng. Khu vực này gồm có ngôi nhà chính thức, “sân patio”, và nhà bếp sát vườn nằm phía bên kia cái giếng. Từ đó nhìn ra, gia đình này sở hữu rất nhiều bất động sản về hướng Montela, Đức Bà Ortiga, Fatima, Valinhos, Cabeço, Charneca, và Cova da Iria. Cha con là một người của gia đình này, cùng với bà Têrêsa Santos là cô của cha con (1). Con không rõ bà sống được bao lâu cùng với hai người anh em trai (2) độc thân. Khi hai người này qua đời thì bà thừa kế tất cả tài sản của họ, vì vậy tài sản của bà nhiều gấp đôi tài sản của những anh chị em kia cộng lại.
 Khi cha con còn sống, chính ông là người đã cày cấy, trồng trọt, và gặt hái trên đất của chúng con và của bà.
 Bà mướn ba người làm công và một người tớ gái tên là Inacia (3). Ba người đàn ông làm việc đồng áng dưới quyền điều khiển của cha con.
 Một trong những người tôi tớ là một bé trai 12 hoặc 13 tuổi (4). Em này chăn một đàn cừu nhỏ chừng 15 – 20 con của bà cô Têrêsa. Cừu này thuộc giống Merina, cũng như đàn cừu của gia đình con, là loại đẻ nhiều, sản xuất nhiều lông trắng, và sữa. Khi cha con đưa cậu bé này ra giúp việc đồng áng, thì ông ra lệnh dồn hai đàn cừu lại với nhau và cho chúng đi ăn cùng một cánh đồng. Khi ông phải cày những cánh đồng có nhiều cỏ, thì ông cũng ra lệnh như vậy, nghĩa là xua đàn cừu đi trước cho chúng gặm cỏ, đồng thời chúng cũng bón phân cho ruộng luôn. Trong những ngày như vậy, cậu bé có nhiệm vụ đi trước đàn bò cày ruộng, cắt cỏ và bó lại làm thức ăn cho gia súc. Tối đến khi trở về, lúc tách hai đàn cừu riêng ra thì không gặp trở ngại nào cả, bởi vì theo linh tính, chúng đến uống nước trong vũng riêng của chúng và ăn thức ăn quen thuộc, mỗi con tự chạy về chuồng nó để nhai lại cỏ thâu đêm, cho nên ngày hôm sau sữa chúng vừa nhiều lại vừa ngon hơn.
 Bà cô Têrêsa sau này kết hôn với một trong những người làm công tên là Anastacio Vieira (5). Ông này với cha con là hai người bạn thân, vì vậy hai người tiếp tục chia nhau công việc đồng áng như đã làm từ trước.
 Hai ông bà không có con. Khi con sanh ra, cha con mời ông dượng Anastacio làm bố đỡ đầu cho con, khiến cả hai ông bà đều vui lòng nhận lời. Ông bà yêu cầu cha con cho phép họ chăm sóc nuôi dưỡng con để nhận con làm con nuôi luôn, nhưng cha mẹ con không ưng. Tuy nhiên cha mẹ cho phép hai ông bà đem con về nhà bất cứ khi nào họ muốn, và ông bà thường xuyên đem con về nhà, luôn luôn hy vọng họ sẽ được toại nguyện. Vú đỡ đầu Têrêsa của con cũng nói là để nhẹ bớt gánh nặng cho mẹ con, lúc đó, vì lòng bác ái, đang nuôi một đứa bé mồ côi mẹ từ lúc mới sanh.
 Mặc dù bản tánh gia đình Santos trầm tĩnh kín đáo còn gia đình Ferreira Rosa thì linh hoạt cởi mở, họ thường đánh đàn phong cầm và đàn ghi-ta, tổ chức lễ lạc và những buổi khiêu vũ – tập quán này vẫn còn khi con còn nhỏ, và con đã có nói sơ qua trong các tập hồi ký trước – nhưng một số thành viên gia đình Santos cũng lập gia đình với các thành viên của gia đình Ferreira Rosa. Trong số này có cha con và em gái của ông là cô Olympia, mẹ của các tôi tớ Chúa là Phanxicô và Jacinta Marto.
 Cô Olympia khi lập gia đình lần thứ nhất, trở thành vợ của em trai mẹ con là cậu José Ferreira Rosa (6). Cậu José (hô-dê) sau khi lập nghiệp ở Mozambique, đã trở về với một số tiền dành dụm đủ để chỉnh trang lại ngôi nhà của cha mẹ ông, ngôi nhà mà chúng ta thấy ngày hôm nay. Ngoài ra ông còn đủ tiền để xây cho mình một ngôi nhà khi ông cưới cô Olympia, ngôi nhà mà sau này là nơi các tôi tớ Chúa là Phanxicô và Jacinta Marto đã chào đời. Sau khi kết hôn được tám năm thì cậu José qua đời (7), để lại gia tài được chia làm đôi: một nửa thuộc về người vợ trẻ, và nửa kia thuộc về hai đứa con mồ côi cha là Antonio và Manuel dos Santos Ferreira Rosa.
 Điểm đặc biệt của gia đình Ferreira Rosa là lòng bác ái của họ. Mẹ của cô con, bà Maria Isabel Ferreira (Rosa) (8) dạy trẻ con học đọc trong ngôi nhà mà sau này Thánh Đường đã mua làm viện bảo tàng. Chắc là mẹ con học đọc với bà; chị Têrêsa và anh Manuel của con cũng biết đọc và viết khá thông thạo, Antonio và Manuel con của cậu José Ferreira Rosa cũng vậy (9).  Bà không có thể dạy cho mấy người cháu trai và gái khác, nhỏ tuổi hơn, có lẽ vì bà bịnh. Con không biết bà, nhưng được nghe người ta nói đến bà một cách qúi mến, kính trọng và cảm phục sâu xa, nhất là mẹ con. Khi con còn rất nhỏ, nhà con còn giữ một cái rương lớn trong “casarona” (10) (nhà chứa đồ cũ) mà bà cố (11) của con đã dùng để dấu bà (Maria Isabel Ferreira) trong đó, vì Tướng Junot muốn bắt cóc (12) bà khi nước Pháp xâm lăng Bồ-đào-nha. Bà cô này của mẹ con thường đi lượm những trẻ bị bỏ rơi để chăm sóc chúng, rồi sau đó đem chúng đến những gia đình đạo đức để họ yêu thương và giúp đỡ nuôi dạy cho chúng nên người.
 Bà không lập gia đình và qua đời trong nhà ông bà ngoại của con, mà sau này là nhà mà mẹ con thừa kế. Rồi đến lượt con thừa kế của cha mẹ con, mà sau này con rất vui mừng hiến dâng lên Đức Mẹ làm Thánh Đường Fatima, với hy vọng nó sẽ làm sáng danh Chúa, tôn vinh Đức Mẹ và đem lại niềm vui tinh thần cho anh chị em hành hương nào đến đó để có thể nhìn thấy quang cảnh như thời xa xưa. Con nghĩ rằng nhờ bà cô đó của con mà trẻ con trong vùng có tục lệ đến chơi trên “sân patio” cùng với con, và các bà mẹ đem con nhỏ của họ đến gửi đó để đi làm những việc lặt vặt. Con đã nói về chuyện này rồi trong các tập Hồi Ký trước.
 Cha con thích nhìn bọn trẻ chơi trong nhà, và khi có dịp ở nhà thì cha con hay kể chuyện cho chúng nghe, hoặc chơi với chúng.
 Cha con rất siêng năng đem các con của ông đến giếng rửa tội. Một hôm, con nghe mẹ con nói chuyện với linh mục tiến sĩ Formigão trong một cuộc phỏng vấn. Ngài hỏi mẹ về ngày sanh của con. Mẹ con trả lời:
 “Chúng con nói cháu sanh ngày 22 tháng Ba, bởi vì người ta ghi cho cháu sanh ngày ấy. Tuy nhiên không phải vậy. Nó sanh ngày 28 tháng Ba, năm 1907. Hôm đó là Thứ Năm Tuần Thánh. Con nhớ sáng hôm đó con đi lễ và rước lễ, và nghĩ rằng con sẽ trở lại buổi trưa để chầu Thánh Thể, nhưng không được vì trưa hôm đó con sanh cháu. (Chỉ đến khi đó con mới biết được chính xác ngày sanh của con. Điều này không có gì lạ, vì ở Fatima hồi đó, không ai coi ngày sanh của mình là quan trọng, vì không phải là một ngày lễ, do đó không ai nói về chuyện này cả.) Trong khi đó, vì cháu được ghi là sanh ngày 22 tháng Ba, thành thử chúng con tiếp tục nói là cháu sanh ngày 22 tháng Ba. Ngay sau đó, bố cháu thu xếp để cháu được rửa tội. Nhưng nếu rửa tội vào tuần kế đó thì bất tiện cho bố cháu lắm vì công việc của ổng, nhưng vì theo luật định cha mẹ phải đem con đi rửa tội tám ngày sau khi sanh – nếu không thì phải đóng một số tiền phạt – nên bố cháu nói cháu sanh ngày 22 tháng Ba để giáo xứ cho cháu rửa tội ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh là ngày 30 tháng Ba.”
 Cha con mời một chị hàng xóm trẻ tuổi làm vú đỡ đầu cho con. Chị này là con đỡ đầu của mẹ con (13). Chị vui vẻ nhận lời và về xin phép ba của chị. Theo tục lệ thời đó, các cô gái trẻ tuổi không được quyết định một vấn đề trách nhiệm nào mà không có phép của cha mẹ. Cha chị hỏi sẽ đặt tên cho con là gì. Chị nói là họ sẽ đặt tên con là Maria Rosa, vì mẹ con đã có bốn người con rồi mà chưa có ai có tên đó cả. Tên này lại là tên của mẹ con. Chị này cũng tên là Maria Rosa, và một người chị kế của con mà Chúa đã cất về thiên đàng khi còn bé tí cũng tên là Maria Rosa (14). Cha chị liền đáp, “Không được. Con phải đặt tên cho nó là Lucia. Nếu không thì bố sẽ không cho phép con làm mẹ đỡ đầu cho nó! (15)”
 Chị liền đến cho cha mẹ con hay. Cha mẹ con lấy làm ngạc nhiên và hỏi,
 “Mà cha cô lấy tên này ở đâu vậy chớ!”
 Tuy nhiên vì vấn đề xã giao, bố mẹ con cũng đồng ý đặt tên con là Lucia. Do đó, nhờ ơn Chúa, con được rửa tội ngày thứ Bẩy Tuần Thánh, tức là ngày 30 tháng 3, 1907 khi chuông nhà thờ báo tin Chúa sống lại. (16) (Thời đó không có sổ hộ tịch dân sự mà chỉ có sổ bộ của nhà thờ giáo xứ mà thôi).
 Cha con bản tính trầm tĩnh, hiền lành và vui vẻ. Ông thích âm nhạc, hội lễ và khiêu vũ. Cho nên, tuy bản tính của dòng họ Santos có khác nhưng ông thích nghi một cách rất dễ dàng với nếp sống của gia đình Ferreira Rosa.
 Ông không gây gổ với bất cứ ai, dù là với người trong họ hoặc với người ngoài. Ông thích làm vừa lòng mọi người và muốn cho mọi người được thoải mái. Tỉ như mảnh đất có trồng mấy cây vả nằm trên phần đất của chúng con chạy về hướng cái giếng, mà sau này Thánh Đường đã mua lại, chính cha con đã tặng cho một gia đình nọ bởi vì họ than phiền là họ không có một cây vả nào gần nhà để hái trái ăn.
 Cả bố lẫn mẹ con đều không muốn thấy một người nghèo nào đến nhà mà không nhận được một cái gì. Nếu cha con có ở nhà thì chính ông đưa ra cho họ; nếu không thì mẹ con đưa. Nếu cả hai ông bà đều đi vắng thì người nào lớn nhất trong anh chị em chúng con đảm nhận việc bố thí. Con thường được làm chuyện này vì các chị con không muốn ngưng tay làm việc nên sai con – vì là con út trong nhà – đem đồ ăn ra cho họ, và con thích làm việc này lắm. Nhưng chúng con cho họ cái gì? Khi thì là một mớ khoai; khi khác là một tô đậu “thận”, hay một loại đậu khác; hoặc nữa là dầu ô-liu đong vào lọ của họ mang theo, hoặc có khi cả bánh mì và “phó-mát” cừu hoặc một tô trái ô-liu ngọt cho họ ăn nữa. Đôi khi mẹ con đi lấy thịt muối về nấu ăn cho gia đình thì bà thường lấy thêm một miếng, bọc trong một lá rau cải và để trong ngăn kéo bàn nhà bếp. Mẹ nói:
 “Để đó. Miếng thịt này dành cho người hành khất đầu tiên nào đến nhà mình xin ăn.”
 Hôm nào bữa cơm còn dư thịt, mẹ con thường kẹp vào hai miếng bánh mì, để trên một cái đĩa sành, cất trong ngăn kéo, và nói:
 “Cái này là để dành cho người hành khất đầu tiên nào đến xin ăn.”
 Đến đây con nhớ lại câu chuyện sau đây: Hôm đó cha con ở nhà ngồi bóc đậu trên thềm cầu thang lối đi lên gác xép. Mẹ con thì ngồi đối diện ông, gọt khoai, lưng dựa vào đống củi phía sau. Lúc đó con còn nhỏ nên chơi ngoài sân “patio”. Cánh cổng lớn làm bằng song gỗ lúc đó đang đóng. Con thấy gần cổng một người ăn mày đến xin bố thí. Con liền chạy vào nhà nói với cha con:
 “Có một ông ăn mày ngoài cổng đến xin bố thí, bố ơi.”
 Cha con liền đứng lên, cầm con dao “ca-níp” của ông đi lại lò bếp cắt một khúc dồi đang treo sấy trên gác bếp, và hỏi mẹ con rằng:
 “Bà này, tôi cho người ăn mày tội nghiệp kia cái này được không? Mình đâu có cần cái này nhỉ?”
 Mẹ con đáp:
 “Được, ông cứ cho đi. Mình cho người nghèo cái gì thì mình không bao giờ thiếu cái ấy.”
 Cha con vui vẻ đem khúc dồi ra cổng cho người hành khất. Thấy vậy, ông ăn mày giơ tay lên trời đọc một kinh Lạy Cha và một kinh Kính Mừng. Trong khi người hành khất cầu nguyện, cha con bỏ nón ra và đứng yên lặng trước mặt ông. Khi đọc kinh xong, ông ăn mày nói:
 “Xin Chúa ban nhiều của cải cho ông và cho cô con gái bé nhỏ của ông.”
 Cha con đáp:
 “Chào người anh em, hẹn gặp lại lần sau!”
 Rồi cha con trở vào nhà. Con chạy theo cha con và vào nói với mẹ con:
 “Người ăn mày cầu xin Chúa ban nhiều của cải cho ba và cho con.”
 Mẹ con nói:
 “Còn mẹ thì không được gì sao?”
 Con không biết nói gì, nên cha con nói:
 “Bà cũng có chứ, bởi vì bà và tôi là một; tất cả những gì của tôi đều là của bà và của các con cả.”
 Mẹ con mỉm cười đáp:
 “Vậy thì được lắm.”
 Rồi bố mẹ con tiếp tục công việc hèn mọn của họ và nói chuyện thân mật trong khi con lại chạy ra chơi ngoài sân “patio” để canh chừng xem có người hành khất nào đến để xin bố thí không.
 Tất nhiên lúc đó con không hiểu hết ý nghĩa của sự việc này, nhưng nó đã ghi dấu sâu đậm trong lòng con và con không bao giờ quên. Tuy nhiên, hôm nay, con hiểu hết ý nghĩa đạo đức và tinh thần thâm thúy của nó.
 Thường khi người nghèo đến lúc chập tối xin nghỉ qua đêm. Lúc nào chúng con cũng dành cho họ một chỗ để ngả lưng. Chúng con mời họ dùng bữa. Sau bữa ăn tối, cha con dâng lời cảm tạ Chúa và họ cùng đọc theo. Nếu đúng ngày đọc kinh Mân Côi thì họ cùng đọc với chúng con. Về mùa đông, trong khi mẹ con dọn dẹp bếp núc, thì các chị con dệt vải và may vá, còn anh con thì đem cỏ cho gia súc ăn ban đêm. Cha con thường cắt hạt dẻ nhà và hạt dẻ rừng đem nướng trên than hồng để mọi người vừa làm việc vừa nghe các điệu dân ca đệm đàn ghi-ta, hoặc những bài thơ dài lê thê, vừa ăn cho vui. Nếu có những người mù xin ngủ qua đêm thì họ hát hoặc ngâm theo.
 Hoặc nếu là mùa hè, chúng con ra ngoài sân vì lúc nào cũng có việc làm – nếu không phải là ngày đập lúa – thì bóc vỏ nhiều loại đậu để dành làm đậu giống, hứng lấy hạt rau cải, rau diếp, củ cải v.v… vừa làm vừa hóng mát.
 Nhà chúng con gần như là nhà của mọi người: người ta đến gõ cửa và ai cũng được săn sóc. Đôi khi họ đến mượn bánh mì, và nếu chúng con có, thì chúng con cho họ mượn một hoặc hai ổ vì họ đã hết và chưa đến ngày nướng bột mới. Lúc nào mẹ con cũng còn vài ổ.
 “Bánh mì còn trong đó, cứ lấy tự nhiên!”
 Mùa hè họ đến xin nước vì giếng của họ đã cạn, còn nếu phải đi lấy ngoài phông-ten mới xây thì quá xa… Mẹ con, và cha con nếu ông có nhà, lúc nào cũng ưng thuận và trao ngay chìa khóa giếng cho họ. Cha mẹ con phải khóa nắp giếng lại vì sợ côn trùng, gia súc, hoặc cả trẻ con chơi gần đó té xuống giếng. Ông bà thường nói:
 “Xin cứ ra giếng đổ đầy bình của qúy anh chị.”
 Và Chúa đã ban phép lành cho giếng vì nó không hề cạn.
 Những lúc khác thì họ đến vay ít củ hành vì họ đã hết, còn nếu đào củ non thì quá nhỏ và thật không tốt chút nào.
 Mẹ con đáp – hoặc cha con - nếu ông ở nhà:
 “Xin cứ vào phòng nướng bánh mà lấy đủ xài.”
 Cha mẹ con cột hành thành từng xâu treo trên xà nhà trong phòng nướng bánh. Và sinh hoạt cứ như vậy…
 Thành thử mọi người là bạn của chúng con và chúng con là bạn sẵn sàng phục vụ mọi người.
 Một hôm chị Maria dos Anjos của con nói với mẹ:
 “Tại sao mẹ nướng nhiều bánh mì vậy? Nếu nhà ta không ăn hết thì bánh sẽ cứng đi mất.”
 Mẹ con đáp:
 “Để cho những người nào đến mượn thì có mà đưa cho người ta. Sau này nếu còn dư thì cắt lát mỏng, nướng trong lò rồi nấu ‘cháo ngựa’ , hoặc chiên dòn lên thì ai cũng thích ăn.”
 Nhiều khi họ mời mẹ con đến nhà vì có người bệnh. Mẹ con liền bỏ mọi sự và đi với họ ngay, trao lại cho bất cứ chị nào của con có nhà hôm đó phải hoàn tất công việc bà đang làm.
 Con nhớ một hôm vú Têrêsa đỡ đầu của con đang nói chuyện với mẹ con ở nhà, thì một đứa bé đến hỏi mẹ con có thể đến nhà nó được không vì mẹ nó đau. Bé này là con trai của cô Prazeres (17) của con. Nhìn về hướng Casa Velha thì nhà bé ở phía bên trái nhà con. Mẹ con lập tức đứng dậy ra đi. Vú Têrêsa của con nói:
 “Chị mà cứ muốn giúp đỡ mọi người theo kiểu đó thì còn gì là người nữa!”
 Mẹ con đáp:
 “ Không sao đâu! Tôi giúp người thì Chúa giúp tôi.”
 Nếu họ đến gọi mẹ con ban đêm thì cha con sẽ thức dậy và đi với họ. Sau đó cha con đưa tin về cho mẹ, và khi mẹ con mặc quần áo, thì cha con đốt đèn cho mẹ con đem đi đường để khỏi vấp ngã.
 Năm 1918, khi dịch cúm hoành hành thì chỉ có cha mẹ con, anh Manuel, chị Gloria và con ở nhà mà thôi. Dường như lúc đó chị Carolina của con đang ở Leiria (18). Gần như mọi người đều mắc bệnh. Mẹ và chị con đi đến nhà mọi người để săn sóc người bệnh. Một hôm, dượng Ti Marto cảnh cáo bố con rằng không nên cho phép mẹ và chị con đi đến từng nhà săn sóc cho người bệnh, vì cúm là một bệnh hay lây, và mẹ và chị con có thể bị ốm nữa.
 Tối hôm đó, cha con cấm không cho mẹ và các chị con đi đến từng nhà để săn sóc người bệnh nữa. Mẹ con yên lặng để cho cha con nói hết mọi sự rồi bà đáp:
 “Đúng, ông nói đúng đấy.  Nhưng làm sao mình có thể để cho họ chết mà không cho họ lấy một ly nước chứ? Tốt hơn là ông nên đi với tôi đến nhà họ xem thế nào, rồi thử coi bỏ rơi họ một mình có đúng không?”
 Rồi chỉ vào một cái nồi bự treo trên ngọn lửa lò bếp mẹ nói:
 “Ông thấy cái nồi bự đó không? Trong đó đầy những gà. Một số gà không phải là của nhà mình đâu. Tôi bắt nó từ nhà mấy người bệnh vì nhà mình không có đủ gà cho hết mọi người. Tôi đang nấu cháo đó, và đàng kia kìa, là bao nhiêu tô, hũ của họ sẵn sàng để đựng cháo đem về cho họ đó. Nếu ông muốn đi với tôi, thì ông có thể giúp tôi bỏ mớ tô hũ này vào thúng và xách về cho họ ăn, đồng thời ông có thể tự mắt nhìn xem hoàn cảnh của họ rồi quyết định xem mình nên làm gì.”
 Cha con đồng ý. Hai ông bà múc đầy cháo vào mấy cái tô rồi cùng ra đi với nhau, mỗi người hai thúng, mỗi tay một thúng. Một lát sau, cha con xách về một cái nôi nhỏ trong đó có một đứa bé, và nói với chị Gloria và con:
 “Các con trông nom thằng bé này đi. Cha mẹ nó đều sốt nằm liệt giường không thể săn sóc cho nó được.”
 Ông lại trở ra, và một lát sau trở về với hai đứa bé khác đã chập chững biết đi, nhưng chưa thể tự chăm sóc cho mình được.
 “Các con chăm sóc cả hai đứa này nữa. Chúng chỉ biết đứng khóc bên giường bố mẹ chúng thôi. Nhưng bố mẹ nó đều sốt li bì không thể chăm sóc cho chúng được.”
 Rồi cha con lại đem thêm những đứa bé khác về. Con không nhớ là bao nhiêu.
 Ngày hôm sau, người ta đến cho biết là tất cả mọi người trong nhà cô Olympia của con cũng đều bị sốt. Cha mẹ con liền đến đó chăm sóc cho họ. Rồi một thời gian sau sức khoẻ mọi người đều trở lại bình thường, riêng bốn người vẫn còn bị sốt lai rai rồi yếu dần đi, và chỉ trong vài năm cả bốn lần lượt qua đời: đó là Phanxicô (19), Jacinta (20), Florinda (21), và Têrêsa (22).
 Trong thời gian ấy, cha mẹ con không làm gì ngoài việc đi đến từng nhà chăm sóc người bệnh. Cha và anh Manuel của con còn phải chăm sóc cho đàn gia súc bị nhốt trong chuồng kêu la inh ỏi vì đói, và vắt sữa chúng rồi đem cho những người bệnh và bọn trẻ nhỏ. Ngoài ra, họ còn phải cho trẻ con ăn bánh mì nhúng mềm trong nước luộc gà, cho người lớn ăn thịt băm nấu với cháo gà, và người nào sắp hết bệnh cũng dùng một thực đơn như vậy.
 Nhu cầu giúp đỡ cho người bệnh quá lớn lao đến nỗi mẹ con không do dự cho con đến ngủ một vài đêm tại nhà một bà góa ở một mình với người con trai còn trẻ đang mắc bệnh lao trầm trọng vào thời kỳ chót. Như vậy thì bà mới có thể yên tâm nghỉ ngơi vì biết có một đứa con gái 11 tuổi đang ở đó với bà, nó có thể giúp đem nước uống hoặc cháo đến cho con bà, hoặc có thể gọi bà khi anh này cần gì. Con không nhớ tên của bà hoặc của con bà, nhưng con nhớ rõ ngôi nhà của họ. Đó là ngôi nhà nằm giữa nhà cô Olympia của con và nhà ông thợ rèn. Muốn vào nhà này thì phải leo qua một cầu thang bằng đá sát với hè phố. Người bệnh này ngủ ngồi, lưng dựa vào một chồng gối mong hít được một chút không khí. Thỉnh thoảng con vào bếp lấy quạt phe phẩy trước mặt anh ta để anh có được chút không khí. Khi thấy con ở đó, anh ta thích lắm, và nói rằng đó là những đêm anh thấy thoải mái nhất.
 Nhiều người cảnh cáo cha con rằng cho con đến đó là điên rồ và con có thể lây bệnh của họ. Nhưng cha con đáp:
 “Chúa sẽ không trả công việc tốt tôi làm cho Ngài bằng một sự dữ đâu!”
 Và quả thật như vậy! Niềm tin của cha con không hề bị thiệt thòi, vì năm nay con đã 82 tuổi, vậy mà con không hề cảm thấy có một vết tích nào của bệnh lao cả!

 Một hôm con nghe thấy mẹ con trả lời Cha phó xứ Olival (23) đang hỏi chuyện về cha của con. Mẹ con nói:
 “Nhà con lúc nào cũng là một Kitô hữu tốt, một người công giáo hành đạo, và một người thợ giỏi ngay từ khi anh ấy còn trẻ. Vì vậy mà con thích ảnh lắm, và chúng con lập gia đình với nhau. Anh ấy luôn trung thành làm việc bổn phận đạo, đời, và ảnh cũng là một người bạn tốt đối với mẹ con chúng con. Khi con cho ảnh hay rằng Chúa sắp ban cho chúng con một đứa con thứ bẩy thì ảnh nói:
 “Em đừng lo! Chúng ta lại được Chúa ban thêm một hồng ân nữa. Vì vậy chúng ta sẽ không thiếu bánh ăn trong ngăn kéo và dầu ăn trong hũ.”
 Ngày Chủ Nhật hoặc các Ngày Lễ Buộc, cha con cùng cả gia đình đi dự Thánh Lễ – phần nhiều là lễ buổi trưa. Như vậy buổi sáng chúng con được nghỉ thêm chút ít, chăm sóc đàn cừu, dọn dẹp nhà cửa cho gọn ghẽ, dọn sẵn cơm nước, và rồi kéo nhau cùng đi, thoải mái, khỏi phải bận tâm vì bất cứ điều gì.
 Khi con còn bé tí, cha con bồng con trên tay hoặc kiệu con trên vai. Khi tới nhà thờ, cha trao con cho mẹ, vì hồi đó, nam nữ ngồi riêng, trong cung thánh và trong thân thánh đường. Sau Thánh lễ, cha con cùng ra về với gia đình. Các chị con đi trước, mỗi người nói chuyện với chồng chưa cưới của các chị đang chờ đón họ trong sân nhà thờ; cha mẹ con đi sau cùng, nói chuyện với bố Anastacio và vú Têrêsa của con, với các chú, các bác con hoặc những người khác tháp tùng với họ, và rồi đến nhà ai thì họ chào nhau: “Chào anh (chị) nhá, gặp nhau lần tới!”
 Những người còn lại tiếp tục tiến bước. Khi đến nhà chúng con, họ lại chào nhau cũng vẫn với cách chào như vậy: “Adeus” rồi ai về nhà nấy. Bạn của các chị con cũng vậy: họ chào từ giã rồi đến xế trưa lại gặp nhau lại để tiếp tục chuyện vãn.
 Chúng con về nhà, ăn cơm, và trong khi mẹ và một vài chị dọn dẹp bếp núc thì các chị khác và anh con chăm sóc đàn gia súc. Nếu trời tốt, thì cha con ngồi trên băng ghế đá trước thềm nhà bếp, đánh bài hoặc nói chuyện với các chú các bác con và những người khác. Các chị con thì cặp kè với vị hôn phu của họ chuyện trò tản mác ra dưới bóng mát mấy cây vả; còn mẹ con, vú Têrêsa của con, các cô, dì và các bà hàng xóm ngồi chuyện vãn trên bậc thềm ngoài phố chỗ ra vào nhà con. Trong khi vừa ru con ngủ, một vài bà vừa trông nom những đứa lớn hơn đang chơi đùa những trò trẻ con trên đường phố. Chúng chạy tới chạy lui, hoặc đôi khi chúng chơi rước kiệu bắt chước như trong nhà thờ, vừa đi vừa hát Kinh Cầu Các Thánh, v.v…
 Chiều tà, khi chuông nhà thờ báo hiệu kinh Truyền Tin thì cha con đứng dậy cùng với những người kia. Ông ngả nón, xướng ba kinh Kính Mừng, và những người kia đáp ứng. Khi xong, mọi người hả hê chia tay nhau, ai về nhà nấy, ăn cơm tối và nghỉ ngơi. Họ đã trải qua một ngày Chúa Nhật xứng đáng trong ơn nghĩa Chúa, đã tuân giữ lề luật của Ngài, và sẵn sàng tiếp tục lao động ngày hôm sau.
 Còn mấy người bạn trai của các chị con và những cô thiếu nữ khác đến đó họp mặt giờ cũng ra đi, vài người hướng về các thôn xóm ở phía núi, vài người khác lần theo những con đường mòn hướng về Santa Catarina, gần ngọn đồi Cova da Iria. Ngọn đồi này hồi đó chỉ là một cánh đồng hoang. Ở những khu đất thấp thì trồng bắp và khoai, trên sườn đồi trồng cây ô-liu có phẩm chất tốt nên dầu rất thơm ngon. Ngoài ra cũng còn có cây dẻ rừng cung cấp trái ngon cho cả người lẫn vật, những cây dâu mà trái dùng cất rượu mạnh ‘aguardente’, cỏ tươi và cỏ khô cho gia súc. Lại có những cây gỗ tạp dùng làm hàng rào cho nông trại. Bọn người lần theo các con đường mòn vừa đi vừa ca hát vừa đánh đàn harmoniums  (phong cầm) và đàn ghi-ta, mong gặp nhau Chủ Nhật tới.
 Sau bữa ăn tối, cha con xướng kinh tạ ơn, đọc kinh Mân Côi – vì tối hôm đó không phải là ngày làm việc, rồi đi ngủ. Ngày mai ông phải dạy từ hừng sáng để tiếp tục công việc trong tuần.
 Cha và anh con là hai người duy nhất làm thịt heo cho bố Anastacio và cho nhà con. Họ thui heo, rửa sạch rồi đem treo lên cho ráo nước đến hôm sau. Sau đó đem xẻ thịt, xếp vào các chảo sành từng loại riêng một, như thịt muối, thịt làm dồi, thịt để ăn tươi, và thịt để đem chia cho những ai không có. Những người nhận thịt này là Cha Sở; một ông cụ già ở một mình trong cái nhà nhỏ tí tẹo sát cạnh nhà mẹ của Jacinta tức là cô Olympia của con (24); một người què tê bại cũng sống một mình, cách đó ba nhà phía bên tay trái về hướng Fatima; một bà già ở trong căn nhà nhỏ kế bên bác thợ rèn ở phía tay trái, nhìn về hướng nhà chúng con và bác gái Agostinho của con, (25) cũng sống một mình sau khi bác trai con mất. Con được sai đi đem những món quà mọn này cho những người ấy.
 Nhà con có một cái rổ mây trắng nhỏ mà cha con nói là hồi đó đựng con và một mớ hoa đem từ trời xuống. Con chỉ dùng cái rổ này khi họ hóa trang cho con mặc bộ đồ thiên thần, để rải hoa cho Chúa đi trong các cuộc rước kiệu, và cũng để đựng quà cho những người nghèo và bạn bè của gia đình chúng con.
 Ngày vọng Giáng Sinh, sau bữa cơm tối, trong khi chờ đi lễ nửa đêm, chúng con quây quần bên lò sưởi chiên bánh filhoses (phil-hô-sê)  . Trong khi mẹ và các chị con lăn bột và ngắt ra thành từng khúc nhỏ rồi thả vào chảo dầu sôi, thì cha con dùng một cái nỉa sắt lớn để trở bột, và sau đó vớt ra để trên một tấm lưới trong cái chảo sành cho dầu chảy bớt ra.
 Đúng giờ chúng con ra đi, đem theo cái rổ mây trắng trong đó đựng quà filhoses. Khi con đến viếng Chúa Giêsu Hài Đồng sau Thánh Lễ   thì con đem rổ bánh này lên dâng cho Ngài, và cả sau thánh lễ buổi sáng nữa, rồi đem cho những người con vừa kể trên đây.
 Đàn cừu nhà con thường gồm từ 20 đến 30 con. Sang xuân thì đàn cừu đông gấp đôi, có khi gấp ba, vì nhiều cừu mẹ đẻ sanh đôi. Cha con làm thịt những con cừu đực để dành làm thức ăn cho gia đình, và dùng sữa để ăn sáng và làm phó mát. Cừu con được phép bú sữa mẹ để cho chóng lớn, nhưng khi chúng bắt đầu gặm cỏ được thì bị tách khỏi mẹ chúng để dành sữa cho các việc trên đây. Khi chúng lớn lên thì cha con chọn những con mạnh nhất để tiếp tục gây dựng đàn cừu, còn lại những con khác và những con già yếu thì ông đem bán.
 Cha con đặt bẫy rất khéo trên những phiến đá lớn bằng phẳng để săn chồn, cáo, thỏ rừng. Ông lột da chúng rồi đem treo trên cành cây vả phơi khô chờ bán cho những người đánh xe lừa đi ngang qua. Thịt thì ông đưa về cho mẹ con nấu ăn.
 Khi chuông nhà thờ báo hiệu đọc kinh Truyền Tin ban chiều thì cha con nghỉ việc. Ông bỏ nón ra, đọc ba kinh Kính Mừng rồi về nhà. Trong khi chờ ăn tối – nếu trời tốt (trời xấu thì ông ngồi bên lò sưởi) thì ông ngồi trên ghế đá trong sân patio trước nhà, dựa lưng vào vách nhà bếp, bồng con trong lòng và kể chuyện cho con nghe và dạy con hát các bài ca địa phương, fado (pha-đô) và dân ca mười đoạn, mỗi đoạn bốn câu, v.v… Mẹ con làm việc gần đó. Thỉnh thoảng mẹ ra ngoài đi về phía chúng con và nói:
 “Ông dạy cho con bé này cái gì vậy? Giả tỉ ông dạy giáo lý cho nó không được sao?”
 Thế là cha con nói:
 “Vậy thì ta làm như ý mẹ con nhá!”
 Rồi bố cầm tay nhỏ bé của con, ông dạy con cách làm dấu Thánh Giá trên trán, trên miệng và trên trái tim con. Sau đó ông dạy con đọc kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng, kinh Tin Kính, cách chuẩn bị xưng tội, kinh Ăn Năn Tội, mười Điều Răn Chúa, v.v… Sau chót, khi mọi người tề tựu trong bữa cơm tối, ông bảo con đọc lại những gì con đã học, và với vẻ mặt hài lòng, ông quay sang nói với mẹ con:
 “Bà thấy không? Chính tôi dạy nó đấy!”
 Mẹ con mỉm cười đáp:
 “Quả thật ông là một người tốt bụng! Ước gì ông vẫn giữ nguyên được như vậy!”
 “Chúa đã cho tôi người vợ tốt nhất trên trần đời mà!”
 Câu này làm cho con tin rằng mẹ con là người đàn bà tốt nhất trên trần đời, và khi bọn trẻ đến chơi với con trên sân patio, con thường hỏi chúng:
 “Mẹ tụi bay có tốt không? Mẹ tao tốt nhất trên trần đời!”
 Thỉnh thoảng ông đưa con ra ngoài sân đập lúa, hai cha con ngồi trên băng đá hưởng gió mát buổi chiều tà thật là dễ chịu. Có khi ông chỉ tay lên trời nói:
 “Con nhìn kìa! Đức Mẹ và các Thiên Thần đó: mặt trăng là đèn của Đức Mẹ, các ngôi sao là đèn của Thiên Thần mà Mẹ và các Thiên Thần đốt lên đem treo nơi cửa sổ Thiên Đàng để soi đường cho chúng ta đi ban đêm. Mặt trời mà con nhìn thấy mọc mỗi ngày ở đàng kia phía cuối dãy núi đó, là đèn của Chúa. Ngài đốt nó lên mỗi ngày để sưởi ấm cho chúng ta và để chúng ta nhìn thấy đuờng mà làm việc.”
 Vì vậy con thường nói với bọn trẻ rằng trăng là đèn của Đức Mẹ, sao là đèn của các Thiên Thần, và mặt trời là đèn  của Chúa.
 Tại sân đập lúa, cha con tiếp tục dạy con về sự thật các tín điều, ca hát và khiêu vũ. Thỉnh thoảng, mẹ và các chị con – những ai có mặt ở nhà - ra nhìn qua kẽ lá mấy cây vả rồi cười nói:
 “Xem con bé quay tít như cái vụ nhỏ, hai tay bé xíu giơ lên trời bắt chước điệu bộ của bố kìa!”
 Rồi mẹ con đi ra, tay cầm một ly nước giải khát làm bằng mật ong pha nước mát lạnh mới múc từ ngoài giếng cho cha con và ‘cái vụ’ của ông uống. Và mẹ con cũng ngồi xuống cạnh cha con cười nói vui vẻ cảm thấy rất hạnh phúc.
 Khi có giông bão, cha con nói đó là Cha trên Trời rầy la loài người vì tội lỗi của họ.
 Một hôm cha con đang làm việc cạnh cái giếng, và con thì chơi bên cạnh ông. Bỗng trời tối sầm lại, đổ mưa và sấm chớp. Cha con bỏ cái cào ông đang cầm và bồng con chạy về nhà. Khi về nhà rồi con hỏi ông:
 “Cha Thiên Quốc đang rầy ai đó. Ai đã phạm tội vậy, bố. Bố hay là một người nào khác?”
 Cha con đáp:
 “Bố phạm tội đó, và cả nhiều người khác nữa. Chúng ta hãy cầu xin thánh nữ Barbara cứu chúng ta khỏi sấm chớp.”
 Rồi ông qùy xuống trước cây thánh giá treo trên tường trong phòng khách đọc kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng cùng với mẹ và các chị con đang ở nhà lúc đó.
 Trong những ngày mưa, khi ông không thể ra đồng làm việc được thì ông ở nhà bổ củi. Ông chặt củi đúng kích thước vừa với lò nướng bánh và lò bếp rồi xếp thành từng đống phơi ngoài sân patio. Khi củi khô thì ông đem chất dưới mái hiên và trong phòng nướng bánh để khi đốt không bị khói.
 Nếu ông có nhà khi mẹ con nướng bánh mì thì ông giúp chất củi vào lò. Khi lò nóng thì ông cào tro ra, lau sạch lò và khi mẹ con nặn bột xong thì ông dùng xẻng đưa bánh vào lò để nướng.
 Nếu chị Maria dos Anjos của con bận nhiều việc quá thì ông ngồi vào khung dệt quấn chỉ vào ống dành cho máy dệt.
 Nếu thấy mẹ con xách thùng ra giếng thì ông đỡ lấy và ra giếng múc nước đem về. Ông cũng làm như vậy với những bó cỏ cho gia súc, đem cho chúng ăn và săn sóc chúng.
 Mẹ con nói là khi chiên con sanh vào ban đêm và nó kêu la thì chính cha con thức giấc ra chuồng chiên để săn sóc và đem chiên con về tận giường để mẹ con cho nó uống sữa; như vậy mẹ con khỏi phải xuống chuồng chiên.
 Một hôm con ra hang thỏ bắt một con thỏ nhỏ đem ra sân patio chơi, nhưng con không nắm chặt nên nó chạy mất. Con đến nói cho mẹ con hay và mẹ rầy con là đồ hư không vâng lời, vì mẹ đã nói nhiều lần là con không được ra hang thỏ. Con liền hỏi:
 “Mẹ nói con hư, cha nói con được mang từ trời xuống trong cái rổ có đựng hoa. Vậy trên trời cũng có những cái xấu sao?”
 Mẹ con đáp:
 “Ờ, chứ sao! Ma qủy trước kia là thiên thần trên Thiên Đàng, nhưng vì chúng xấu nên Chúa đuổi chúng ra và bây giờ chúng đi khắp nơi cám dỗ mọi người. Còn con, Chúa cho con xuống đây để xem con có tốt không để con có thể trở lên đó.”
 Con trả lời:
 “Nhưng con có nhớ đâu!”
 Mẹ con đáp: “Tất nhiên là con không nhớ, vì lúc đó con ngủ vả lại con hay quên lắm.”
 Tối hôm đó, khi cha con đi làm về, con kể lại chuyện này cho cha con nghe thì ông đáp:
 “Được rồi, nhưng con đừng lo! Chuyện đó để dành khi nào con lớn, còn bây giờ con đang còn nhỏ, vì vậy con còn rất nhiều thì giờ để trở nên tốt!”
 Có vẻ như cha con đã đoán đúng, bởi vì nay đã gần 82 tuổi và đang còn tiếp tục sống, con vẫn hy vọng trở nên tốt để được vào nước Thiên đàng. Nhưng như Chúa Giêsu Kitô đã nói là chỉ có Thiên Chúa mới tốt lành mà thôi nên vì lòng Từ Bi Thương Xót của Ngài, Chúa phải nhận con về đó mà không cần phải đợi cho đến lúc con trở nên tốt lành.

 Con vừa tiết lộ – với vô vàn xúc động -  những gì con có thể nhớ được về cha con, trong khung cảnh ấm cúng gia đình, cho đến ngày Đức Mẹ hiện ra.
 Khoảng thời gian đó hai người chị lớn của con đã có gia đình và đã ra ở riêng. (26) Sau đó thì nhà vắng như bãi sa mạc. Bọn bé gái nhỏ trước kia thường đến học dệt và may vá ở nhà con nay không đến nữa vì hai chị con là người dạy nghề cho chúng không còn ở đó nữa. Bọn con nít thường đến chơi với con ở sân patio cũng không đến nữa vì cả ngày con ở ngoài đồng với đàn cừu. Chỉ còn có một nhóm nhỏ trẻ con hàng xóm đến chờ con về khi chiều tà để chơi với con vài giờ trước khi tối hẳn, và ra sân đập lúa nhìn Đức Mẹ và các Thiên Thần đốt đèn treo ở cửa sổ Thiên Đàng để soi đường cho chúng con đi.
 Tuy đây chỉ là cảm nhận của một đứa bé thật đấy, nhưng nó dạy cho chúng con ngước mắt nhìn lên Trời nơi Thiên Chúa Cha chúng ta ngự trị, nơi có Rất Thánh Đức Bà Maria mà Chúa đã đặt làm Mẹ / và săn sóc chúng ta, và các Thiên Thần mà Chúa đã dựng nên, và tiền định để dìu dắt và hướng dẫn chúng ta trên các nẻo đường đời.

Trong thời gian Đức Mẹ hiện ra

 Các cuộc hiện ra lúc đó đang tiếp diễn. Trong khi mẹ con tỏ vẻ buồn chán thì cha con vẫn giữ một thái độ tin tưởng và cậy trông. Khi mẹ con ngày càng cáu kỉnh, cho rằng mọi thứ đều là bịa đặt láo khoét, thì cha con nói:
 “Bà đừng bực dọc! Chúng ta không biết việc này có thật không, nhưng chúng ta cũng không biết nó có dối trá không. Mình hãy chờ xem đã!”
 Khi cha con thấy mùa màng tại Cova da Iria bị mất mát ông nói:
 “Năm nay như vậy là mất mùa, nhưng đến tháng 10, khi Bà ấy không đến nữa, thì dân chúng cũng không đến đó nữa, và như vậy là chúng ta có thể trở lại canh tác như trước!”
 Tuy nhiên khi các cuộc hiện ra chấm dứt rồi mà thiên hạ vẫn trở lại và miếng rẫy coi như bị mất hoàn toàn thì ông nói:
 “Nếu Đức Mẹ thật sự hiện ra tại đó thì Mẹ sẽ giúp chúng ta xoay sở mà không cần miếng rẫy trên đồi Cova da Iria nữa.”
 Cũng trong thời kỳ Đức Mẹ đang hiện ra - chắc là vào khoảng cuối tháng Bẩy - một hôm khi chiều xuống, cha con về tới nhà, gọi con ra và nói:
 “Con ra ngoài giếng với ba.”
Thế là chúng con đi ra giếng. Tới đó, ông ngồi trên thành giếng, kéo con ngồi bên cạnh ông và nói:
 “Này nghe ba nói đây này, bây giờ con hãy nói thật cho ba biết con có gặp Bà ấy ở Cova da Iria hay không. Nếu không gặp thì con cứ nói là không gặp chứ đừng sợ, hoặc con nói đùa và rồi người ta tin ngay - hoặc nữa là con nói dối. Rất nhiều người trên thế giới này nói dối; nếu con có nói dối thì cứ nói đại đi, đừng sợ. Để cho người ta đừng đến đồi Cova da Iria nữa, và mọi chuyện sẽ chấm dứt.”
 Con đáp:
 “Con biết. Nhưng con đã nhìn thấy thì làm sao con có thể nói là con không nhìn thấy được? Và Bà ấy còn nói con phải đến đó mỗi tháng cho đến tháng Mười nữa.”
 Cha con đứng dậy, và chúng con đi về.
 Hôm sau, sau bữa cơm tối, cha con nói:
 “Trong khi mẹ và các chị con dọn dẹp bếp núc, thì con ra ngoài sân đập lúa với ba.”
 Thế là chúng con ra sân. Cha con ngồi trên một trong những cái ghế đá ngoài sân và kéo con ngồi gần ông.
 “Sáng mai, con sẽ lên đồi Cova da Iria thật sớm. Ba sẽ đi với con.”
 Con đáp:
 “Con tiếc cho Jacinta, vì mẹ em chắc chắn là không cho em đi sớm như vậy.”
 Ba con nói:
 “Cái đó không quan trọng. Con đến nói với cô Olympia là sáng mai con sẽ đem cừu lên đồi Cova da Iria thật sớm. Jacinta và Phan-xi-cô nếu muốn, có thể đến đó sau. Con nói với cô là con đi sớm vì đường xa và con muốn về sớm vì trời nóng; và nếu có ai đến muốn hỏi chuyện con thì cô có thể nói cho họ ra đấy mà hỏi, vì các chị con đều rất bận công việc không thể ra đó mà thay thế cho con được.”
 Con đến gặp cô con và cho bà biết như vậy. Cô nói:
 “Được rồi. Nhưng bây giờ con đừng nói gì cho Jacinta biết để nó đừng khóc. Sáng mai cô sẽ cho nó biết.”
 Sáng hôm sau cha con đánh thức con thật sớm. Con thức dậy, ăn sáng trong khi mẹ con vắt sữa cừu rồi chúng con ra đi theo ngả đồng hoang để khỏi phải gặp ai dọc đường. Lúc đó trời còn tối nên không thấy gì cả. Khi chúng con tới Cova da Iria mới thấy dấu hiệu đầu tiên của ngày vừa ló dạng sau dãy núi về hướng Aljustrel (l).
 Chúng con băng qua đường và đổ dốc giữa những hàng cây ô-liu, hướng dẫn đàn cừu dọc theo con đường thoai thoải hẹp ngoằn ngoèo “chữ chi” – vì không ai có thể xuống dốc thẳng một mạch tới Cova da Iria được. Tại đây cha con trông thấy rõ ràng quả thật mọi thứ đều bị dẵm nát và thú vật ăn hết. Mùa bắp trồng năm đó không đem lại hoa lợi nào cả. Cha con nói:
 “Thế là mất tiêu hai mươi đấu hạt, chưa kể đậu thận và bí trồng giữa các luống bắp. Phải kiên nhẫn mới được!”
 Chúng con để cừu lại Cova cho chúng gặm cỏ, vẫn còn khá nhiều dọc theo bờ rẫy, và trèo lên sườn đồi trước mặt về hướng cây sồi lớn. Trên đỉnh đồi, phía sau chỗ hiện nay là Vương Cung Thánh Đường, có một miếng đất bằng phẳng ở giữa mấy cây sồi và cây ô-liu, là chỗ cha con vẫn luân phiên hàng năm gieo lúa mì, đậu, hoặc lúa mạch, v.v.. Chỗ này không đến nỗi hư hại mấy nhưng ngọn cây đã bị súc vật ăn hết cũng như bên sườn đồi. Nhìn thấy cảnh tượng này, cha con nói:
 “Rõ ràng là không mong thu hoạch được cái gì ở đây đâu! May ra còn vớt vát được mấy trái ô-liu, hạt dẻ, hoặc trái dâu trên mấy ngọn cây.”
 Cha con thấy cái tường đá nhỏ mà chúng con dựng lên khi nhìn thấy ánh sáng phản chiếu từ Đức Mẹ – mà chúng con cho là sét đánh – rồi hai cha con chúng con đổ dốc xuống phía sườn đồi có cây sồi lớn, nơi Đức Mẹ hiện ra. Cha con bước gần lại cây sồi, nhìn và hỏi:
 “Bà ấy hiện ra ở đây à?”
 Con đáp: “Vâng, ở đây!”
 “Bà ấy còn đến đây mấy lần nữa?”
 Con nói: “Đến tháng Mười!”
 “Nếu sau tháng Mười mà Bà không đến nữa thì người ta cũng thôi không đến nữa, và sang năm chúng ta sẽ trở lại đồi Cova da Iria trồng trọt như cũ.” Rồi cha con hỏi:
 “Người ta đến đây làm gì, con?”
 Con đáp: “Họ đến để cầu nguyện kinh Mân Côi và ai cũng muốn con đọc với họ.”
 Cha con nói: “Vậy thì bây giờ con cũng đọc kinh Mân Côi với ba đi.”
 “Vâng, con sẽ đọc.”
 Hai cha con chúng con cùng qùy gối trước cây sồi và đọc kinh Mân Côi. Đọc xong, cha con đứng dậy và nói:
 “Giờ thì con ở lại đây một mình với đàn cừu nhá, để ba đi lại chỗ bãi sình thăm anh con đang làm việc ở đó. Khi nào trời bắt đầu quá nóng thì con đem cừu về nhà.”
 Và con ở lại một mình – con không biết con có khóc không – trên cánh đồng vắng ấy, nơi chỉ nghe thấy có tiếng chuông leng keng trên cổ mấy con cừu, tiếng chim hót líu lo bay nhảy trên các cành cây cao, và tiếng gà gáy trong các chuồng gà ở Moita.
 Khoảng quá nửa buổi, có hai nhóm người kéo nhau ra đó. Nhóm thứ nhất đến từ hướng Moita và Santa Catarina. Con vừa đọc kinh Mân Côi với nhóm này xong thì một nhóm khác xuất hiện từ hướng Montelo và hướng Minde. Con cũng đọc một tràng chuỗi Mân Côi với họ, rồi con đem cừu về nhà vì trời đã bắt đầu nóng như thiêu như đốt.
 Cha con cũng về để ăn cơm chiều. Ăn xong, ông kể lại cho mẹ con nghe những gì ông trông thấy. Ông nói với bà rằng năm đó không thể trông mong thu hoạch gì được ở Cova da Iria; mọi sự đều hỏng hết. Nhưng ông nói tiếp:
 “Nếu đúng là Đức Mẹ đã hiện ra tại đó thì Mẹ sẽ giúp chúng ta.”
 Mẹ con nói:
 “Đức Mẹ ư? Phải chi đó là Đức Mẹ! Ai có thể cho ta biết rằng đó là Đức Mẹ! Không phải Đức Mẹ đâu! Đó là tội lỗi, đó là ma qủy nó đến ám ảnh nhà mình. Trước kia mình hạnh phúc biết bao, bây giờ thì mình không thể nào xua đuổi được đám người này, thường xuyên đến gõ cửa, đòi gặp và nói chuyện với con bé nhà mình; và nếu không đi kiếm nó về cho họ gặp thì họ nhứt định không đi. Nếu ông về nhà thì ít ra ông cũng có thể giúp tống cổ họ đi.”
 Cha con nói: “Nhưng tôi không biết làm sao nói với họ, và tôi cũng không thể đối xử cộc cằn và đuổi họ ra khỏi đây được. Đó là lý do tại sao tôi không về.”
 Vấn đề là có nhiều người lợi dụng lúc chiều về sau một ngày lao động, để đến nhà chúng con tìm hiểu xem sự gì đã xảy ra. Con không biết, nhưng có lẽ mẹ con không hoàn toàn sai, và có lẽ một phần cũng vì ma qủy tức giận vì nó muốn ngăn chận hoa trái tốt mà sứ điệp của Đức Mẹ có thể đem lại cho thế gian chăng.
 Điều làm cho cha con buồn phiền và tránh né không có mặt ở nhà thay vì về ngay sau khi xong công việc như thói quen xưa nay, là nhà lúc nào cũng bị những người lạ mặt xông vào, đặt những câu hỏi không ăn nhập gì vào đâu, tò mò, hoặc ngay cả gài bẫy khiến ông không biết làm sao thoát được. 
 Mấy ngày trước ngày 13 tháng 8, dượng Ti Marto và cha con được thông báo là phải đến trình diện Văn Phòng Hạt Vila Nova de Ourem cùng với con của họ (tức là Lucia, Jacinta và Phan-xi-cô). Dượng Ti Marto nói:
 “Tôi sẽ không cho con tôi đi. Tôi sẽ không đem những đứa bé như vậy ra trước tòa án đâu.”
 Cha con nói:
 “Tôi sẽ đem con gái tôi đi, vì tôi chả hiểu gì về những chuyện này.”
 Sáng hôm sau, cùng với dượng Ti Marto, cha con đem con đi Vila Nova de Ourem. Dượng và cha con đi bộ. Con thì cỡi lừa, và con té khoảng ba lần, không phải vì con không quen cỡi lừa, nhưng vì con ngủ gật vì tiếng nói chuyện đều đều của hai người lớn và vì nhịp đi chậm rãi của con lừa. Tuy té nhưng con không bị thương tích gì vì con chỉ tụt về phía trước thôi. Rồi cha con chạy vội lại, đặt con ngồi trở lên lưng lừa và dặn con phải cẩn thận đừng để cho té nữa.
 Tại Tòa Thị Chánh, viên Thị Trưởng hỏi cha con và dượng Ti Marto, và ông la dượng một trận vì đã không tuân lệnh đem con ông theo. Ông ta cũng hỏi con vài câu và muốn con nói điều bí mật cho ổng nghe. Khi ông không hy vọng con tiết lộ điều gì, ông liền cho chúng con ra về, và đến xế trưa thì tới nhà.
 Cha con lúc nào cũng bình thản trầm lặng; khi về tới nhà ông đã kể lại cho mẹ con và gia đình nghe những gì đã xảy ra. Ông chỉ nói:
 “Thế là tôi mất một ngày công vì chuyện này. Mình phải kiên nhẫn! Nếu đúng là Đức Mẹ đã hiện ra thì Mẹ sẽ giúp chúng ta!”
 Đó là dấu chỉ lòng tin không suy chuyển của ông đối với Đức Mẹ. Ông cũng tỏ rõ cùng một niềm tin khi mấy ngày sau họ bắt Phanxicô, Jacinta và con nhốt vào nhà tù Vila Nova de Ourem. Cha con nói:
 “Tôi không lo gì cho chúng nó cả. Họ không thể hãm hại những đứa bé nhỏ tuổi như chúng nó được. Và nếu đúng là Đức Mẹ đã hiện ra với chúng thì Mẹ sẽ bảo vệ cho chúng.”
 Ngày 13 tháng 10, vì có tin đồn là ngay khi Đức Mẹ hiện ra tại Cova da Iria họ sẽ cho nổ một trái bom và mọi người sẽ chết hết, nên cha mẹ con, lần đầu và cũng là lần cuối, ngỏ ý muốn đi theo con. Hai ông bà nói:
 “Nếu nó chết, thì chúng tôi muốn chết bên cạnh nó.”
 Và hai ông bà cùng bỏ nhà ra đi với con, nhưng trên đường đi con lạc bố mẹ vì qúa đông người xúm lại chung quanh con.
 Sau này, khi cha con nhận thấy rằng mặc dù Đức Mẹ không còn hiện ra nữa mà thiên hạ không ngưng đến đó (như ông đã từng hy vọng) và còn biến nơi này thành một thánh địa, nơi cầu nguyện và đền tội, với nhiều đoàn hành hương lũ lượt kéo đến với niềm tin cậy vào sự che chở từ mẫu của Mẹ Thiên Chúa, thì ông nói:
 “Vậy là chúng ta mất Cova da Iria thật rồi. Không còn trông cậy gì vào hoa màu ở đó nữa, nhưng nếu đây là việc của Chúa thì Ngài sẽ giúp cho, và chúng ta không cần đến miếng đất ấy nữa.”
 Khi thiên hạ cho ông hay rằng họ để tiền dưới gốc cây sồi nhỏ nơi Đức Mẹ hiện ra để bồi thường thiệt hại cho miếng đất của ông, thì cha con nói:
 “Chúa ôi! Tôi đâu dám nhận tiền này! Đó không phải là tiền của tôi mà là của Đức Bà! Tôi cũng không muốn cho bất cứ ai trong gia đình tôi giữ dù chỉ là 5 xu mà thôi! Còn về việc miếng đất, thì Mẹ sẽ đền bù và sẽ giúp tôi.”
 Vậy là bà Maria Carreira – còn gọi là “Ti Maria da Capelinha” - bắt đầu giữ tiền này để tránh khỏi bị lấy cắp.
 Sau này, họ đến xin phép cha con xây một nhà nguyện nhỏ lấy tên là Nhà Nguyện Hiện Ra (Capelinha). Không những cha con cho phép mà ông còn đóng góp thêm một giải đất 20 mét vuông để làm lối vào Nhà Nguyện từ ngoài đường. Lúc đầu, ông định làm một hàng rào sắt để ngăn không cho ai vào, như vậy ông sẽ có thể tiếp tục trồng trọt trong phần đất còn lại. Nhưng rồi ông cảm thấy không thể ngăn cản đám đông được, vì làm như vậy là vô ích.
 Số người đến nhà cha mẹ con để gặp và hỏi chuyện con ngày càng nhiều hơn bao giờ khiến mẹ con không biết phải làm sao! Bà hội ý với cha con để xem có tìm được biện pháp nào không. Mẹ con không thể mỗi lúc mỗi ra ngoài đồng tìm con, và cũng không thể sai ai ra để thay thế con được, mà người ta lại nhất định không chịu đi nếu chưa được gặp để hỏi chuyện con, và ra Cova da Iria để đọc kinh Mân Côi với con. Và thiên hạ đến từ khắp nơi, xa, gần, giàu, nghèo, linh mục, học giả, cũng như người dân chất phác tại các làng quê. Nhiều người đem theo thân nhân bệnh tật, đau yếu! Thật là một thảm cảnh! Cha con đề nghị bán đàn cừu đi. Mẹ con đáp:
 “Tôi đã nghĩ đến chuyện đó rồi. Nhưng thiếu những sản phẩm của đàn cừu thi làm sao đủ sống? Nào len dùng trong nhà cũng như đem bán, phải làm thịt đàn heo mỗi năm cho gia đình, cừu và heo đem bán lấy tiền chi dụng trong nhà, rồi sữa, rồi pho-mát nữa! Và bây giờ lại mất luôn hoa lợi của cái rẫy Cova da Iria nữa! Không có những thứ đó thì làm sao mà xoay sở nổi?” 
 Cha con đáp:
 “Có lẽ những hoa màu thu hoạch tại những miếng đất còn lại có thể giúp chúng ta bù đắp những mất mát đây đó chăng. Mình vẫn cứ thử xem đã; sau này nếu thấy thiếu mấy con cừu mà vẫn không đủ sống thì chúng ta có thể mua lại đàn khác. Và con bé có thể bắt đầu đi học – ngôi trường đầu tiên dành cho trẻ gái vừa mới khai trương tại Fatima – và bà có thể nói với những người đến tìm gặp và muốn nói chuyện với nó cứ việc đến trường mà kiếm. Cô giáo lúc đó sẽ quyết định cách đối phó nào tốt nhất. Và như vậy là bà khỏi cần bận tâm nữa. Chúa sẽ giúp đỡ chúng ta! Chúng ta có hy sinh bao nhiêu chăng nữa thì cũng không bù lại được với những ơn lành mà Chúa đã ban cho chúng ta trong thời kỳ dịch cúm. Chẳng những Chúa che chở chúng ta không bị cúm mà những đứa bé ở đây trong thời kỳ đó cũng không đứa nào mắc bệnh cả.”
 Vì vấn đề lộn xộn trong làng chống lại Cha sở, và cha con thì không muốn dính vào vụ này, nhưng vì ông đã có một cảm tưởng rất xấu, nên ông không còn làm “bổn phận Phục Sinh” như thói quen ông thường làm. Ông tránh mặt Cha sở và không còn xưng tội với Cha nữa. Như vậy không có nghĩa là ông từ bỏ Giáo Hội. Ông vẫn tham dự thánh lễ Chủ Nhật và các ngày lễ buộc. Nhưng ông xem lễ và xưng tội tại Vila Nova de Ourem, và mỗi năm ông đều xưng tội rước lễ vào ngày lễ Đức Mẹ Ortiga để được hưởng ơn đại xá. Năm cuối cùng của đời ông, cha con dẫn con đến đó, vài ngày trước khi ông mất. Sau đó, chúng con đến ăn cơm tối tại nhà chị Têrêsa của con sống gần đó, tại xóm gọi là Lomba. Chị con không ngờ rằng đó là lần cuối chị gặp và nói chuyện với cha mình khi ông còn sống! Vâng, cuộc đời chóng qua này mà chúng ta sống là thế đấy… nó biến đi như làn khói tan vào không trung.
 May thay, cha con đã hoàn thành tốt sứ mạng của ông trên trần thế này.
 Ngày 30 tháng 7, 1919 cha con ngã bệnh. Mẹ con mời bác sĩ đến. Ông chẩn bệnh và cho biết cha con bị sưng phổi nặng. Ông kê toa nhưng thuốc men không cứu được ông. Sáng hôm sau, cha con thấy bệnh nặng hơn nên yêu cầu mẹ con cho mời một linh mục để ông xưng tội hầu được lãnh các nhiệm tích chót. Mẹ con nói bà sợ rằng chỉ có thể mời được Cha Sở thôi.
 Cha con đáp: “Bà đừng sợ, mời ai cũng được, miễn là một linh mục là được rồi!”
 Mẹ con cho mời Cha Sở, nhưng ngài trì hoãn vì nghĩ rằng đây không phải là một trường hợp khẩn cấp. Nhưng cha con chết trên tay mẹ con, và cô Olympia, em gái ông, miệng nhắc lại những gì hai bà đọc cho ông, những lời cầu nguyện mà người ta vẫn sử dụng trong những trường hợp như vậy: “Giêsu, Maria, Giuse, xin cứu lấy linh hồn con vì con là của Chúa, Mẹ Maria và thánh Cả Giuse.” “Lạy Đức Chúa Giêsu, vì công nghiệp cuộc Đời trần thế, cuộc Khổ Nạn và cái Chết của Chúa trên thập giá, xin thương xót con.” “Lạy Cha, con xin phó linh hồn con trong tay Cha!”
 Con cảm thấy hoàn toàn bình an đối với sự cứu rỗi đời đời của cha con. Chắc chắn Chúa đã đón nhận linh hồn đẹp đẽ của cha con trong bàn tay vô cùng Thương Xót của Ngài và đã cho ông được thừa hưởng gia nghiệp vô biên của Thiên Chúa, Cha chúng ta.
 Khi viết lời này, con nhớ lại chuyện vua David – mặc dù là một người nhiều tội lỗi – nhưng đã được Chúa chọn làm tổ phụ thánh cả Giuse, Đức Mẹ và Chúa Giêsu Kitô – Hosanna, con vua David – Đấng đã tuyên bố Ngài đến để cứu vớt người tội lỗi, bởi vì người mạnh khỏe không cần thầy thuốc, nhưng là những người đau yếu.

Coimbra ngày 23 tháng 2, 1989 
Nữ tu Maria Lucia
 
J + M

Kính gửi Cha Luciano Guerra
Giám Đốc Thánh Đường Đức Mẹ Fatima

Pax Christi 

 Để phúc đáp lá thư của Cha đề ngày 23 tháng 11, 1988, con xin gửi đến Cha bài tường thuật về những gì con có thể nhớ lại về cha của con – với một lòng xúc cảm sâu xa. Con hy vọng rằng một điều gì đó có thể được đem ra sử dụng khi tuân hành ý muốn của Cha.
 Nói về cái đồng hồ đã từng để trong nhà cha mẹ con, thì con nhận được một lá thư của Maria Rosa, cháu gái của con – hiện nay đang sống tại Brazil (Ba-tây) – nói rằng cháu đã tặng cho chị của cháu là Preciosa hiện cũng đang sống tại Ba-tây. Cháu dự tính mùa hè sang năm sẽ đem chiếc đồng hồ về đây. Người ta nói rằng vỏ đồng hồ không phải là vỏ nguyên thủy nữa, vì mẹ cháu– tức là chị Gloria của con – đã thuê người làm một cái vỏ khác để thay thế cho cái vỏ trước đã quá cũ. Thật đáng tiếc, nhưng bây giờ thì không làm gì được nữa.
 Phần con cũng có ba kỷ vật – rất hèn mọn – thuộc về nhà chúng con, không hiểu Cha có muốn không. Nếu có, thì con đã xin phép để được tặng lại cho Cha. Một là sách Gương Chúa Kitô, mà mẹ con đã gửi cho con ở Porto khi con đi học tại đó, cùng với một quyển sách khác mà mẹ con từng dùng để đọc cho chúng con nghe. Nhưng quyển này thì Mẹ Bề Trên đã không chuyển cho con. Bà nói rằng con không thể đọc sách ấy trong trường, rằng bà sẽ trả lại cho con khi con rời trường học, nhưng đến hôm nay… Con nghĩ sách đó nhìn bề ngoài thì có thể giống như quyển Missão Abreviada, một quyển sách mà con rất quen thuộc, nhưng vì con chỉ nhìn thấy trong tay Mẹ Bề Trên và không đọc được nhan đề nên con không chắc. Còn quyển Gương Chúa Kitô thì con vẫn đem theo. Sách nay đã rất cũ, nhưng vẫn là quyển sách ấy.
 Hai kỷ vật kia là hai chiếc kim đan mà mẹ con dạy con sử dụng khi con còn nhỏ. Một chiếc làm bằng kim khí con dùng để móc “đăng-ten” cho quần áo lót, chiếc kia làm bằng xương con dùng để đan áo len mặc ấm về mùa đông. Jacinta bắt đầu sử dụng hai chiếc kim ấy vì em muốn học và con đã dạy cho em. Và em đã móc được những giải “đăng-ten” nhỏ một cách khá thành thạo. Chiếc kim làm bằng xương bây giờ không có móc lớn nhưng con vẫn sử dụng cái móc nhỏ cho đến gần đây. Con vẫn giữ những kỷ vật ấy để tưởng nhớ mẹ con và Jacinta, nhưng vì trong tu viện hiện nay có rất nhiều kim đan như vậy và khi cần con có thể sử dụng được, nên con sẽ không thấy thiếu vắng những kỷ vật này.

Hôm nay con chỉ có bấy nhiêu thôi. Xin hiệp ý cầu nguyện.
Coimbra, 23 tháng 2, 1989.
      
Nữ tu Maria Lucia
 
(Còn Tiếp)

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Sứ Điệp Fatima Đã Tự Vượt Qua Được Mọi Thách Đố (10/21/2010)
Đức Mẹ Fatima 13/10/1917- 13/10/2010 (10/12/2010)
Fatima: Máu Tử Đạo Vẫn Còn Tiếp Tục Chảy (9/19/2010)
Fatima: Máu Tử Đạo Vẫn Còn Tiếp Tục Chảy (9/17/2010)
Nhà Thờ Thánh Thiêng Ở New York, Hoa Kỳ (9/8/2010)
Tin/Bài cùng ngày
Những Tập Hồi Ký Của Chị Nữ Tu Maria Lucia Trái Tim Vô Nhiễm (9), Hồi Ký 5b (2 Of 2) (7/27/2010)
Tin/Bài khác
Những Tập Hồi Ký Của Chị Nữ Tu Maria Lucia Trái Tim Vô Nhiễm (2), Hồi Ký 1 (7/25/2010)
Những Tập Hồi Ký Của Chị Nữ Tu Maria Lucia Trái Tim Vô Nhiễm (7), Hồi Ký 4b (2 Of 2) (7/24/2010)
Những Tập Hồi Ký Của Chị Nữ Tu Maria Lucia Trái Tim Vô Nhiễm (6), Hồi Ký 4a (1 Of 2) (7/24/2010)
Những Tập Hồi Ký Của Chị Nữ Tu Maria Lucia Trái Tim Vô Nhiễm (5), Hồi Ký 3 (7/23/2010)
Những Tập Hồi Ký Của Chị Nữ Tu Maria Lucia Trái Tim Vô Nhiễm (4), Hồi Ký 2b (2 Of 2) (7/21/2010)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768