MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: tác giả và tác phẩm :: tiến sĩ tâm lý trần mỹ duyệt
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Chủ Đề: Đồng Tính
Thứ Ba, Ngày 1 tháng 4-2014
Chủ đề: Đồng tính

E là 1 người Công Giáo. E có 1 người bạn thân (nam) cũng là người Công Giáo. Chúng em rất yêu thương và quan tâm nhau như những cặp đôi. Khi đi đâu chúng em cũng không muốn xa nhau. Và chúng em cũng đã nói lời yêu nhau. Nhưng vì là con Chúa nên chúng em hứa rằng: chúng em sẽ luôn yêu nhau, cả 2 đều coi nhau như người yêu vậy, nhưng giới hạn không đi quá. Và cả 2 cũng luôn tôn trọng nhau dù có gì (khi cả 2 đều có bạn gái và gia đình). Dù đã lập gia đình hay chưa, nhưng chúng em tự hứa rằng vẫn luôn yêu thương, quan tâm, chăm sóc giúp đỡ lẫn nhau.

Xin cho e ý kiến về mối quan hệ này ạ!
Augustino N.
 
Đáp:
 
Cám ơn Augustino N.
 
Câu hỏi của anh rất thực tế, nhưng cũng rất tế nhị và nhậy cảm. Để trả lời câu hỏi này, thiết tưởng chúng ta phải mất nhiều thời gian và nỗ lực để đi sâu vào từng khía cạnh, như tôn giáo, xã hội, văn hóa, giáo dục, chính trị, và tâm lý.
 
Khi thấy một người thanh niên “yêu” một người thanh niên khác, hoặc một người thiếu nữ “yêu” một người thiếu nữ khác và những người này sống với nhau “như vợ chồng”, thông thường người ta gọi họ là “đồng tính luyến ái”, và cuộc sống lứa đôi ấy là “hôn nhân đồng tính. Tùy theo quan niệm tôn giáo, ảnh hưởng văn hóa, ảnh hưởng xã hội, ảnh hưởng giáo dục, khả năng hiểu biết, hoặc ảnh hưởng chính trị mà mỗi người có một phán đoán riêng.
 
Nhưng thực tế vấn đề không phải đơn giản như vậy. Trong khía cạnh tôn giáo chẳng hạn, chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã có một nhận xét rất đúng phù hợp với tinh thần Phúc Âm liên quan đến vấn đề này, Ngài nói: “Tôi là ai mà dám lên án!” Khi nói lên câu nói này, hẳn là Đức Giáo Hoàng cũng đã ý thức và hiểu rằng có trăm những lý do từ khách quan đến chủ quan, từ đạo đến đời, từ tâm lý đến thể lý và tâm sinh lý, từ ảnh hưởng văn hóa, xã hội, và chính trị liên quan đến quyết định của một người. Lên án một người trong khi mình thực sự không biết, và không phải là chính người ấy là một việc làm không đúng.
 
Khía cạnh xã hội cũng phức tạp không kém. Những cuộc biểu tình, làn sóng ủng hộ và chống đối lối sống đồng tính và hôn nhân đồng tính vẫn đang là đề tài “nóng” của xã hội hiện nay. Nó không phải là một đề tài đơn thuần, một vấn nạn có thể giải quyết cách đơn giản.
 
Tuy nhiên, mặc dù không lên án hoặc không mong giải quyết một cách rốt ráo vấn đề, chúng ta vẫn có thể dùng khả năng lý trí và hiểu biết để đưa ra một vài nhận định như một tiếng nói của một người về đề tài này. Tôi sẽ căn cứ vào những gì mà Augustino viết và với cái nhìn của một nhà tâm lý để chia sẻ với anh, đúng hay sai vẫn là phần người trong cuộc nhận thức:
 
Anh hỏi tôi: “Chúng em rất yêu thương và quan tâm nhau như những cặp đôi. Khi đi đâu chúng em cũng không muốn xa nhau. Và chúng em cũng đã nói lời yêu nhau.”
 
Theo như những gì anh viết, anh đã vượt qua biên giới tình bạn để tiến vào biên giới của tình yêu. Một cách đơn giản là anh và người bạn trai kia không còn là bạn dù là bạn rất thân với nhau nữa mà là hai người tình.
 
Nhưng rồi anh lại viết: “Chúng em sẽ luôn yêu nhau, cả 2 đều coi nhau như người yêu vậy, nhưng giới hạn không đi quá. Và cả 2 cũng luôn tôn trọng nhau dù có gì (khi cả 2 đều có bạn gái và gia đình). Dù đã lập gia đình hay chưa, nhưng chúng em tự hứa rằng vẫn luôn yêu thương, quan tâm, chăm sóc giúp đỡ lẫn nhau.”
 
Những dòng chữ trên khiến người đọc có cảm giác rằng tình cảm của anh và người ấy lại không phải là tình yêu vợ chồng mà chỉ là tình bạn cao thượng và tri kỷ khi cả hai “quan tâm, lo lắng, và chăm sóc giúp đỡ lẫn nhau.” Nhất là anh lại cho biết tình cảm ấy, mối tương quan ấy “giới hạn không đi quá xa”. Thật tình, hai chữ “giới hạn” ở đây khiến người ngoài cuộc không hiểu anh muốn nói gì: Anh giới hạn tình cảm của mình và chỉ dừng lại ở tình bạn trong sáng, cao thượng? Hay anh muốn đề cập đến những cử chỉ và hành động âu yếm, vuốt ve, và ân ái mà anh cho là “không đi quá!”
 
Theo tôi anh đang bị lẫn lộn giữa tình yêu và tình bạn. Có thể anh quan niệm một tình bạn cao thượng, nhưng rồi lại bị sức hấp dẫn và cuốn hút của tình yêu khiến anh cảm thấy tình bạn ấy như một mối tình trong sáng. Nếu vậy, anh cần có sự giúp đỡ chuyên môn hơn để định vị mối tương quan này. Người có thể giúp anh là một linh mục khôn ngoan, đạo đức và kinh nghiệm, hoặc một nhà tâm lý có quan niệm luân lý vững vàng.
 
Trong khi anh đi tìm sự giúp đỡ chuyên môn, tôi tạm phân tích một chút về tình yêu qua cái nhìn tâm lý hy vọng anh có thể phần nào nhận ra cái lấn cấn tình cảm của anh với bạn anh:
 
Anh vẫn có thể “yêu” bạn anh. Tình yêu ở đây mang ý nghĩa nâng đỡ, hiểu biết, thông cảm với nhau, và cùng chia sẻ niềm đau, nỗi khổ, cũng như hạnh phúc như anh đã viết: “Dù đã lập gia đình hay chưa, nhưng chúng em tự hứa rằng vẫn luôn yêu thương, quan tâm, chăm sóc giúp đỡ lẫn nhau.” Thử hỏi trên đời này tìm đâu được người bạn thân và quí như vậy. Thánh Kinh cũng nói: “Tìm được một người bạn tốt là như tìm được một kho tàng”. Còn gì quí hơn hai người bạn lúc nào cũng hiểu nhau, lo lắng, quan tâm và tôn trọng nhau?...
 
Tình yêu thì lại khác. Tình yêu nhất là tình yêu trai gái, tình vợ chồng nó luôn luôn đòi phải có nhau, nên giống nhau, mong muốn điều tốt đẹp cho nhau, trở nên một với người yêu, và sẵn sàng hy sinh cho nhau. Tóm lại, nó không phải là tình bạn. Trong tương quan tình yêu vợ chồng có những cái mà tình bạn không thể vươn tới được, nhưng cũng không giải thích thỏa đáng được. 
 
Trong thực tế, một đôi khi ta bị khủng hoảng do sự lẫn lộn giữa tình bạn và tình yêu. Thí dụ, những lúc buồn bực, có điều khổ tâm, khó nói, những lúc sa cơ thất thế mà gặp được người lắng nghe mình, hiểu mình, dễ dàng tâm sự, thông cảm với mình, bày tỏ những cử chỉ săn sóc, lo lắng, giúp đỡ và quan tâm đối với mình. Những lúc ấy, ta tưởng như mình “được yêu” và “đang yêu”. Nhưng thực sự đấy không phải là yêu hay tình yêu, mà chỉ là sự lẫn lộn giữa tình bạn và tình yêu.
 
Tóm lại, như tôi đã trình bày ở trên, anh đang có vấn đề với “chuyện tình” của anh, và nó đang tạo nên những lấn cấn cho sự chọn lựa và lối sống của anh. Anh cần bình tĩnh và tìm sự giúp đỡ chuyên nghiệp. Hy vọng anh sẽ vượt qua được những băn khoăn đang đè nặng trong tâm hồn anh.
 
 
Trần Mỹ Duyệt
 
Mời vào thăm trang nhà www.giadinhnazareth.org mục Hỏi-Đáp để tham khảo thêm.
 
Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Lấy Người Ngoài Công Giáo Ly Dị? (1/26/2015)
Cô Tiên Trong Mái Ấm Hạnh Phúc (12/20/2014)
Ảnh Hưởng Khi Bị Chồng Hiếp Dâm (7/21/2014)
Đức Mẹ Qua Lời Xưng Tụng Của Các Thánh --- Trần Mỹ Duyệt Chuyển Ngữ (5/14/2014)
Mẹ Là Bóng Mát Đời Con (5/8/2014)
Tin/Bài khác
Tội Phá Hủy Hôn Nhân (2/25/2014)
Con Tôi Bỏ Đạo Và Muốn Theo Tin Lành (2/6/2012)
Con Tôi Cứ Dọa Gọi Cảnh Sát (1/31/2012)
__nguyên Tắc Căn Bản Nhất Của Giáo Dục Là Gì? (1/31/2012)
__chúa Ơi! Con Lấy Nhầm Ma Soeur! (1/30/2012)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768