Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Đức Thánh Cha Phanxicô Tông Du Sri Lanka Và Phi Luật Tân 12-19/1/2015: Giảng Lễ Lúc 3:30 Chiều Chúa Nhật 18/1/2015 Tại Công Viên Rizal Manila
Thứ Hai, Ngày 19 tháng 1-2015
 
 

 

Live video transmission by CTV

(Vatican Television Center)  

Live CTV

 

Đức Thánh Cha Phanxicô 

Tông Du Sri Lanka và Phi Luật Tân 

12-19/1/2015

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và chuyển dịch

(bao gồm cả các nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý)

(http://w2.vatican.va/content/francesco/en/travels/2015/outside/documents/papa-francesco-sri-lanka-filippine-2015.html)



Dẫn Nhập:

Tạ ơn Chúa đã luôn ở với Đức Thánh Cha Phanxicô và đồng hành với chuyến tông du đầu năm 2015 của ngài ở Tích Lan và nhất là ở Phi Luật Tân, nhờ đó, ngài đã an toàn sau những lần đã khiến cho nhiều người lo ngại bất trắc xẩy ra cho ngài, có thể gây ra bởi thiên tai, như thời điểm ngài ở Tacloban Thứ Bảy 17/1/2014, hay bởi nhân tai (khủng bố) khi ngài gặp gỡ 30 ngàn giới trẻ ở Đại Học Thánh Toma Manila hoặc dâng lễ trước 6-7 triệu tín đồ ở Công Viên Rizal Manila. Chưa có một chuyến tông du giáo hoàng nào đông như ở Phi Luật Tân lần này, bởi thế cũng chưa có chuyến tông du giáo hoàng nào đã phải cần đến một lực lương bảo vệ an ninh lên đến 40 ngàn nhân viên. 

Ngài đã rời Manila vào lúc 10 giờ 12 sáng địa phương và về tới Roma vào lúc 5 giờ 40 chiều, sau 15 tiếng bay, trên không phận của 9 quốc gia, bao gồm Trung Cộng, Nga, Mông Cổ, Ba Lan, Áo, Cộng Hòa Tiệp, Bielorussia, Slovakia và Slovenia, những quốc gia ngài gửi điện văn cho các vị lãnh đạo của từng nước.

 

Cảm Nhận của người dịch:

Thú thật, chưa bao giờ theo dõi một chuyến tông du nào của các vị giáo hoàng mà tôi lại cảm động như lần này. Có mấy lần nước mặt tôi tí nữa chảy ra, nhất là ở lần ĐTC gặp các trẻ em bụi đời ở Manila trưa ngày Thứ Sáu 16/1/2015, ở Tacloban từ sáng tới trưa ngày Thứ Bảy 17/1/2015 và ở buổi gặp gỡ giới trẻ Phi Luật Tân sáng Chúa Nhật 18/1/2015, cách riêng ở gia đình của nạn nhân nữ tình nguyện viên 27 tuổi. Ôi ĐTC của LTXC và cho LTXC. 

Bài giảng buông tự phát của ngài ở Tacloban và bài huấn từ bằng cách trả lời một cách ứng đáp tự nhiên với giới trẻ thật là tuyệt vời và cảm động khôn lường, chưa nói đến tính chất sâu sắc của bài huấn từ cho riêng giới trẻ. Chắc chắn chuyến tông du Phi Luật Tân này của ĐTC đã gây xúc động ngài nhất trong các chuyến tông du trước đó và có thể nói cả sau này nữa. Vẫn biết ngài cũng có ấn tượng về lần gặp gỡ Dân Tích Lan ở Đền Thánh Mẫu nữa liên quan đến lòng sùng kính liên tôn. 

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô ở Phi Luật Tân này rất cảm động và lịch sử: không phải chỉ ở chỗ con số đông phá kỷ lục, nhất là ở Thánh Lễ Chúa Nhật 18/1/2015, với ước lượng từ 6-7 triệu người, và ở chỗ có một lực lượng an ninh chưa từng có vớio 40 ngàn nhân viên bảo vệ, mà ở chỗ có nhiều chứng từ và chứng nhân nạn nhân, có những bất thường xẩy ra, có những hình ảnh thật là cảm kích, nhất là thái độ của Giáo Hoàng vươn tới tận cùng nguy hiểm, vươn tới từng nạn nhân, vươn tới từ tấm lòng của mình (không giảng lễ hay huấn từ theo bài bản mà bằng cảm xúc xuất thần). 

Chắc chắn ngài không bao giờ quên được chuyến tông du lịch sử chưa từng có này, chuyến tông du rất hợp với chủ trương về LTXC và cho LTXC của ngài, chủ trương vươn tới tận cùng của ngài, một vị giáo hoàng được Đấng quan phòng thần linh sai "đến từ tận cùng trái đất" (ĐTC Phanxicô -13/3/2013) cho thời điểm của một thế giới càng văn minh càng bị phá sản đến gần như khánh kiệt bởi "thứ văn hóa tận số" (ĐTC Phanxicô - 30/11/2014)

Quê hương Việt Nam nhỏ bé xa xôi, sát với nơi tận cùng ở Á Châu là Phi Luật Tân trong vùng Đông Nam Á, nơi đáng được vị giáo hoàng chủ trương "Giáo Hội nghèo và cho người nghèo", một Giáo Hội cần phải trở thành "một bệnh viện lưu động" đi khắp nơi chữa lành rất nhiều thương tích của nhân loại hiện nay, biết bao giờ mới được ngài tới viếng thăm, an ủi và phấn khích như ở Phi Luật Tân (thấy mà thèm), một quê hương chẳng những đang bị nạn cộng sản vô thần đàn áp bởi thành phần cộng sản tư bản đỏ tham quyền vét bạc mà còn có nguy cơ đất nước bị con khủng long phương bắc nuốt mất trong tương lai, nhất là đang bị nạn phá sản văn hóa và luân lý càng ngày càng trầm trọng hiện nay.

Có lẽ thấu hiểu được lòng khao khát của con dân Việt Nam và tình hình đất nước càng ngày càng tàn tạ như vậy của Việt Nam mà vị giáo hoàng đương kim Phanxicô của chúng ta, vì không thể và chưa thể đến được với mảnh đất đáng thương còn hơn cả Phi Luật Tân mà ngài vừa thăm viếng, ngài đã sai vị đại diện của ngài đến thay ngài (và có thể dọn đường cho ngài). 

 

Thật vậy, chính hôm nay, Thứ Hai, 19/1/2015, ngày ngài lên đường trở về Vatican, thì một trong phái đoàn Tòa Thánh tháp tùng ngài là Đức Hồng Y Bộ Trưởng Thánh Bộ Truyền Giáo cho Các dân Tộc là Fernando Filoni đã không theo ngài trở về mà bay sang Việt Nam, một chức sắc có thể nói là cao cấp nhất của Tòa Thánh từ trước đến nay sang thăm Việt Nam.

Theo lịch trình viếng thăm của mình, từ ngày 19 đến hết ngày 25/1/2015, ngài sẽ thay mặt Đức Thánh Cha Phanxicô nói riêng và Tòa Thánh nói chung sẽ đi từ bắc vô nam như thế này:

- 20/1: Ngài sẽ gặp hội đồng giám mục Việt Nam , các linh mục và thành phần đại diện giáo tỉnh Hà Nội, dâng lễ tại Nhà Thờ Chính Tòa Hà Nội;

- 21/1: Ngài sẽ viếng thăm một giáo xứ ở Giáo Phận Hưng Hóa là nơi có các sắc tộc thiểu số (cũng theo chiều hướng đến các nơi xa xôi hẻo lánh của ĐTC Phanxicô);

- 22/1: Ngài sẽ đến kính viếng Đền Thánh Mẫu La Vang ở Quảng Trị, nơi ngài sẽ ký thác việc truyền bá phúc âm hóa của Việt Nam và thế giới cho Mẹ;

- 23/1: Ngài sẽ viếng thăm giáo xứ Hội An là nơi các vị thừa sai đã đặt chân đến 400 năm trước đây, đồng thời ngài cũng mừng 50 năm thành lập Giáo Phận Đà Nẵng và 400 năm truyền giáo ở Việt Nam (như Phi Luật Tân 500 năm), và ngài cũng ban các Bí Tích Gia Nhập Kitô Giáo cho 50 dự tòng người lớn. 

- 24/1: Ngài sẽ gặp gỡ hàng giáo sĩ và giáo dân ở Sài Gòn trước khi về trở về Vatican ngày 25/1/2015, sau 5 ngày thăm viếng thay Đức Thánh Cha Phanxicô của ngài, vị giáo hoàng sẽ tiếp tục đến với những đất nước nghèo khổ khác trong năm 2015, như trong Tháng 7, ngài sẽ đến các nước Châu Mỹ Latinh: Paraguay, Bolivia và Ecuador. 



Giảng Lễ lúc 3:30 chiều Chúa Nhật 18/1/2015 tại Công Viên Rizal Manila 

"Trong thời đại của chúng ta đây, tất cả mọi gia đình rất cần phải được bảo vệ để chống lại những cuộc tấn công và các chương trình xảo quyệt trái ngược với tất cả những gì chúng ta vốn cho rằng chân thực và linh thánh, tất cả những gì đẹp đẽ và cao quí nhất nơi văn hóa của chúng ta". 


(Video)

[Multimedia]

"Một con trẻ được hạ sinh ra cho chúng ta, một người con được ban cho chúng ta" (Isaia 9:5). Tôi đặc biệt là vui mừng được cử hành Chúa Nhật Santo Nino với anh chị em (biệt chú của người dịch: ở Phi Luật Tân, theo truyền thống, Chúa Nhật thứ 3 trong Tháng Giêng là Chúa Nhật kính Con Trẻ Thánh - Santo Nino). Hình ảnh của Trẻ Thánh Giêsu đã được đi kèm theo cuộc lan truyền Phúc Âm ở xứ sở này ngay từ ban đầu. Được mặc chiếc vương bào, đội triều thiên và cầm vương miện, hoàn cầu và thập giá, Người tiếp tục nhắc nhở chúng ta về mối liên hệ giữa Vương Quốc của Thiên Chúa với mầu nhiệm của thân phận làm con cái thiêng liêng. Người đã nói với chúng ta trong bài Phúc Âm hôm nay: "Ai không đón nhận Vương Quốc của Thiên Chúa như một con trẻ sẽ không được vào đấy" (Marco 10:15). Con Trẻ Thánh Này tiếp tục công bố cho chúng ta biết rằng ánh sáng của ân sủng Thiên Chúa đã chiếu trên một thế giới đang ở trong tối tăm, mang Tin Mừng về việc giải phóng chúng ta khỏi cảnh nô lệ, và hướng dẫn chúng ta theo những nẻo đường an bình, chân chính và công lý. Con Trẻ Thánh cũng nhắc nhở chúng ta về ơn gọi của chúng ta trong việc loan truyền triều đại của Chúa Kitô khắp thế giới. 

 

Trong những ngày này, suốt cuộc viếng thăm của tôi, tôi đã nghe thấy anh chị em hát rằng: "Tất cả chúng ta đều là con cái của Thiên Chúa". Đó là những gì Con Trẻ Thánh nói với chúng ta. Người nhắc nhở chúng ta về căn tính sâu xa nhất của chúng ta. Tất cả chúng ta đều là con cái của Thiên Chúa, đều là phần tử của gia đình Thiên Chúa. Hôm nay, Thánh Phaolô đã nói với chúng ta rằng trong Chúa Kitô chúng ta đã trở thành những người con được thừa nhận của Thiên Chúa, là anh chị em trong Chúa Kitô. Chúng ta là thế đó. Đó là căn tính của chúng ta. Chúng ta đã thấy một bày tỏ đẹp đẽ về điều này khi những người Phi Luật Tân tập họp lại chung quanh những người anh chị em bị ảnh hưởng bão tố. 

 

Vị Tông Đồ này đã nói với chúng ta rằng Thiên Chúa đã chọn chúng ta, chúng ta đã được dồi dào ơn phúc! Thiên Chúa "đã chúc phúc cho chúng ta trong Chúa Kitô với mọi phúc lành thiêng liêng trên trời" (Epheso 1:3). Những lời này đặc biệt âm vang nơi những người Phi Luật Tân, vì nó là xứ sở Công giáo xa xôi nhất ở Á Châu; tự nó là một tặng ân đặc biệt của Thiên Chúa, là một phúc lành đặc biệt. Nhưng nó cũng là một ơn gọi nữa. Dân Phi Luật Tân được kêu gọi trở thành những nhà truyền giáo nổi nang về đức tin ở Á Châu.

 

Thiên Chúa đã chọn và chúc phúc cho chúng ta vì một mục đích, đó là trở nên thánh hảo và vô tì tích trước nhan của Ngài (Epheso 1:4). Ngài đã chọn chúng ta, mỗi người chúng ta để làm chứng nhân cho sự thật của Người và cho công lý của Người trên thế giới này. Ngài đã dựng nên thế giới này như một khu vườn đẹp đẽ và muốn chúng ta chăm sóc cho nó. Thế nhưng, vì tội lỗi, con người đã làm méo mó vẻ đẹp của thiên nhiên; vì tội lỗi, con người cũng đã hủy hoại đi mối hiệp nhất và vẻ đẹp của gia đình nhân loại chúng ta, tạo nên những cơ cấu xã hội vĩnh viễn nghèo khổ, vô tri và băng hoại. 

 

Đôi khi, lúc chúng ta gặp trục trặc, khó khăn và lệch lạc xẩy ra chung quanh chúng ta, chúng ta có khuynh hướng muốn buông xuôi. Dường như thể những lời hứa hẹn của Phúc Âm không xẩy ra, chúng là những gì không tưởng. Thế nhưng Thánh Kinh nói với chúng ta rằng mối đe dọa lớn lao đối với dự án của Thiên Chúa về chúng ta đó là và vốn từng là cái giả trá dối gian. Ma quỉ là cha của những thứ gian dối. Hắn thường che giấu các cạm bẫy của hắn ở đằng sau cái bóng dáng ngụy biện xuyên tạc, cái thu hút của những gì là "tân thời", "như mọi người khác". Hắn lôi kéo chúng ta chiều theo những khoái lạc phù du, những tiêu khiển sôi nổi bề ngoài. Bởi thế chúng ta phung phá các tặng ân Trời ban bằng cách chắp vá bằng các vật dụng; chúng ta phung phá tiền bạc của chúng ta bằng bài bạc và say sưa; chúng ta loanh quanh lẩn quẩn với bản thân mình. Chúng ta quên tiếp tục tập trung vào những gì thực sự chính yếu. Chúng ta quên mình được làm con cái của Thiên Chúa. Tội lỗi là ở chỗ tâm can của mình quên mình là con cái của Thiên Chúa. Vì con cái, như Chúa đã nói với chúng ta, có sự khôn ngoan của chúng, không phải thứ khôn ngoan của thế gian này. Đó là lý do tại sao sứ điệp của Con Trẻ Thánh rất là quan trọng. Người mạnh mẽ nói với chúng ta. Người nhắc nhở chúng ta về căn tính sâu xa nhất của chúng ta, về những gì chúng ta được kêu gọi trở thành như gia đình của Thiên Chúa. 

 

Con Trẻ Thánh cũng nhắc chúng ta rằng cần phải bảo vệ căn tính này. Con Trẻ Kitô này là Đấng Bảo Vệ cho xứ sớ cao cả đây. Khi Người xuống thế gian này, thì chính mạng sống của Người đã bị một nhà vua bại hoại đe dọa. Chính Chúa Giêsu cũng cần được bảo vệ bao che. Người có một bảo vệ viên trên trái đất này, đó là Thánh Giuse. Người có một gia đình trên thế gian này, đó là Thánh Gia Nazarét. Bởi vậy Người nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc bảo vệ gia đình của chúng ta, và các gia đình lớn hơn đó là Giáo Hội là gia đình của Chúa và thế giới là gia đình nhân loại của chúng ta. Buồn thay, trong thời đại của chúng ta đây, tất cả mọi gia đình rất cần phải được bảo vệ để chống lại những cuộc tấn công và các chương trình xảo quyệt trái ngược với tất cả những gì chúng ta vốn cho rằng chân thực và linh thánh, tất cả những gì đẹp đẽ và cao quí nhất nơi văn hóa của chúng ta. 

 

Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đón nhận các con trẻ, Người ôm lấy các em và chúc lành cho các em (Marco 10:16). Chúng ta cũng cần phải bảo vệ, hướng dẫn và phấn khích giới trẻ của chúng ta, giúp chúng xây dựng một xã hội xứng với gia sản thiêng liêng và văn hóa cao cả của chúng. Đặc biệt là chúng ta cần thấy mỗi một con trẻ như là một tặng ân cần phải được đón nhận, yêu thương và bảo vệ. Và chúng ta cần chăm sóc cho giới trẻ của chúng ta, đừng để họ bị mất đi niềm hy vọng và bị sa thải vào cuộc sống bụi đời.

 

Chính con trẻ yếu mềm, cần được bảo vệ, là Đấng đã mang đến cho thế giới lòng nhân lành, tình thương và công lý của Thiên Chúa. Người đã chống lại những gì là bất lương và băng hoại là di sản của tội lỗi, và Người đã chiến thắng chúng bằng quyền năng của thập giá Người. Giờ đây, ở vào lúc kết thúc chuyến viếng thăm của tôi ở Phi Luật Tân, tôi ký thác anh chị em cho Người, cho Chúa Giêsu là Đấng đã đến giữa chúng ta như một con trẻ. Chớ gì Người giúp cho nhân dân yêu dấu của xứ sở này có thể cùng nhau hoạt động, bằng cách bảo vệ nhau, bắt đầu từ gia đình và cộng đồng của anh chị em, trong việc xây dựng một thế giới công lý, nguyên tuyền và an bình. Chớ gì Con Trẻ Thánh tiếp tục chúc phúc cho nhân dân Phi Luật Tân và nâng đỡ Kitô hữu của đại quốc gia này trong ơn gọi của họ trong việc trở thành những nhân chứng và thừa sai của niềm vui Phúc Âm, ở Á Châu cũng như ở toàn thế giới.

 

Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi! Xin Chúa chúc lành cho anh chị em. 

 

 

Phụ thêm:

Trước khi kết thúc Thánh Lễ với số người tham dự phá kỷ lục từ 6 đến 7 triệu người, Đức Tổng Giám Mục Socrates B. Villegas, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Phi Luật Tân đã dâng lên ngài những lời lẽ cảm động sau đây:

"Một số trong chúng con lo sợ chiều tàn vì chúng con sợ bóng tối. Thế nhưng chúng con không còn sợ gì nữa. Với nhiều ngày tháng năm trước mặt, chúng con sẽ luôn phơi nắng khi mặt trời lên, vì Đức Thánh Cha đã mang lại cho chúng con ánh dương huy hoàng lâu bền cho nhiều cuộc sống của chúng con. Đức Thánh Cha là ánh mặt trời của chúng con.

"Chúng con xin cám ơn Đức Thánh Cha là một người con của Thiên Chúa với chúng con, giữa chúng con. Đức Thánh Cha là Người Cha của chúng con. Đức Thánh Cha là người anh của chúng con. Đức Thánh Cha là người bạn của chúng con. Đức Thánh Cha là nguồn phấn khởi của chúng con. Đức Thánh Cha là ánh dương của chúng con! Chúng con kính mến Đức Thánh Cha, Đức Giáo Hoàng Phanxicô!" 

Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, TGM Manila, cũng bày tỏ lòng tri ân cảm tạ cùng Đức Thánh Cha về chuyến tông du của ngài, nhất là đối với người nghèo, người đau khổ và người bị bỏ rơi:

"Đức Thánh Cha đã đến Phi Luật Tân 3 ngày trước đây. Ngày mai Đức Thánh Cha sẽ lên đường. Hết mọi người dân Phi Luật Tân đều muốn đi với Đức Thánh Cha, không phải về Rôma mà là đến những vùng sâu vùng xa, đến những ngôi nhà lụp sụp, đến những nhà lao, đến các bệnh viện, đến với thế giới chính trị, tài chính, nghệ thuật, khoa học, văn hóa, giáo dục, và truyền thông xã hội. Chúng con sẽ đến với thế giới này để mang ánh sáng của Chúa Giêsu, một Giêsu là tâm điểm cho chuyến viếng thăm vụ vụ của Đức Thánh Cha và là tảng đá góc tường của Giáo Hội. Chúng con sẽ đến những nơi cần đến ánh sáng của Chúa Giêsu". 

 

 

Huấn từ ngỏ cùng các gia đình tại Mall of Asia Arena lúc 5:30 chiều Thứ Sáu 16/1/2015

 

"Trong khi có quá nhiều người sống trong cảnh bần cùng thì những người khác lại bị rơi vào chủ nghĩa duy vật và những lối sống đang hủy hoại đời sống gia đình cùng với các đòi hỏi căn bản nhất của luân lý Kitô giáo. Đó là những hình thức thực dân hóa theo ý hệ". 

 

Dẫn nhập

 

Khoảng 20 ngàn người qui tụ lại chung quanh vị giáo hoàng. Khi ngài tiến vào thì dân chúng đồng thanh hô vang "Chúng con yêu mến Đức Thánh Cha Phanxicô" và chạy theo để nhìn ngắm ngài. 

 

Đức Giám Mục Gabriel Reyes Giáo Phận Antipolo, chủ tịch Ủy Ban về Gia Đình của Hội Đồng Giám Mục đã đại diện các gia đình tham dự viên dâng lên ngài những lời tiêu biểu như sau: 

 

"Đây là nhà của Đức Thánh Cha. Chúng con là con cái của Đức Thánh Cha và Đức Thánh Cha là cha của chúng con... Một số chúng con đang đi kín nước trong khí nóng của mặt trời ban trưa như người đàn bà Samaritanô bên bờ giếng. Một số trong chúng con cảm thấy bối rối lẫn lộn. Một số trong chúng con đang sống trong lỗi lầm và ô nhục bởi các tội lội thầm kín đen đủi của chúng con. Một số trong chúng con đang mệt mỏi và lẻ loi cô độc. Chúng con dường như là có hết mọi sự nhưng chúng con biết chúng con chẳng có gì cả. Tâu Đức Thánh Cha, xin Đức Thánh Cha hãy nói với chúng con và dạy chúng con như Chúa Giêsu đã làm ở bờ giếng Giacóp xưa". 

 

Sau lời chào mừng của vị giám mục và tiếp theo là lời chào mừng của một gia đình đại diện, cuộc gặp gỡ được bắt đầu bằng các chứng từ của một số gia đình nghèo, như gia đình Dizons ở Quezon City là gia đình gầy tạo nên cộng đồng giáo xứ địa phương, rồi tới một người vợ có chồng phải sang Singapore kiếm việc làm sau 2 năm lập gia đình, đoạn tới Renato và Anastasia Cruz, một cặp vợ chồng bị điếc có 5 đứa con không bị như cha mẹ, và nói với vị giáo hoàng rằng họ khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ bằng tay. Họ đã kết thúc bằng dấu tay bày tỏ lòng họ kính mến giáo hoàng và ngài cũng đáp trả y như vậy.

 

 


 [Multimedia]



 

 

Huấn Từ:

 

Các Gia Đình thân mến,

Các Bạn thân mến trong Chúa Kitô,

Tôi cám ơn về sự hiện diện của anh chị em ở đây vào buổi tối hôm nay và về chứng từ của tình anh chị em yêu mến Chúa Giêsu và Giáo Hội của Người. Tôi xin cám ơn Đức Giám Mục Reyes, Chủ Tịch Ủy Ban về Gia Đình và Sự Sống của Hội Đồng Giám Mục, thay cho anh chị em ngỏ lời đón chào tôi. Và đặc biệt tôi xin cám ơn những chứng từ được bày tỏ - cám ơn anh chị em! - và những ai chia sẻ đời sống đức tin của mình với chúng ta. Giáo Hội ở Phi Luật Tân được chúc phúc bởi nhiều phong trào gia đình và tôi xin cám ơn họ về chứng từ của họ!

Thánh Kinh ít khi nói về Thánh Giuse, thế nhưng lúc nào Thánh Kinh nói đến ngài thì chúng ta thùng thấy ngài đang nghỉ ngơi, như lúc thiên thần tỏ ý muốn của Thiên Chúa cho ngài trong giấc mơ của ngài. Trong đoạn Phúc Âm chúng ta vừa nghe, chúng ta thấy Thánh Giuse nghỉ ngơi không phải một lần mà là hai lần. Tối hôm nay tôi muốn nghỉ ngơi trong Chúa với tất cả anh chị em. Tôi muốn nghỉ ngơi trong Chúa với các gia đình, và tôi nhớ đến gia đình của riêng tôi: cha tôi, mẹ tôi, ông tôi, bà tôi... Hôm nay tôi đang nghỉ ngơi với anh chị em, và cùng với anh chị em tôi muốn suy tư về tặng ân gia đình

Tuy nhiên, trước hết, tôi muốn nói một chút về mộng mơ. Thế nhưng, tiếng Anh của tôi rất kém! Nếu anh chị em cho phép, tôi sẽ xin Đức Ông Miles chuyển dịch và tôi sẽ nói bằng tiếng Tây Ban Nha (biệt chú: ở những đoạn được phụ chú).

Tôi rất yêu thích những giấc mơ trong các gia đình. Chín tháng hết mọi người mẹ và người cha đều mơ về đứa con thơ của mình. Đúng không? [Thưa đúng]. Họ mơ về những gì con trẻ sẽ trở nên... Anh chị em không thể nào có một gia đình mà không có những mơ tưởng. Một khi gia đình mất đi khả năng mơ tưởng, thì con cái không tăng trưởng, tình yêu không gia tăng, đời sống bị héo hon và tàn tạ. Vậy tôi xin anh chị em vào mỗi tối, khi anh chị em kiểm điểm lương tâm của mình, cũng hãy tự vấn về vấn đề này: Hôm nay tôi có mơ tưởng đến tương lai của con cái tôi hay chăng? Hôm nay tôi có mơ tưởng về tình yêu của chồng tôi, vợ tôi hay chăng? Tôi có mơ tưởng về cha mẹ tôi và ông bà của tôi là những người đã ra đi trước tôi hay chăng? Mơ tưởng là những gì rất quan trọng. Nhất là mơ tưởng trong gia đìnhĐừng làm mất đi khả năng mơ tưởng nhé!

Biết bao nhiêu là khó khăn trong đời sống hôn nhân được giải quyết khi chúng ta biết dành chỗ cho việc mơ tưởng, khi chúng ta trong giây lát ngưng nghĩ đến người phối ngẫu của chúng ta, và chúng ta mơ tưởng về sự thiện hiện diện nơi những gì là tốt đẹp ở chung quanh chúng ta. Bởi vậy rất cần phải tái nhận thức tình yêu nhờ nó mà chúng ta sống từng ngày. Đừng bao giờ thôi là những cặp tân hôn!

Việc nghỉ ngơi của Thánh Giuse là những gì đã tỏ hiện ý muốn của Thiên Chúa cho ngài. Vào lúc nghỉ ngơi trong Chúa, khi chúng ta dừng lại nhiều trách nhiệm và hoạt động hằng ngày của chúng ta, Thiên Chúa cũng đang nói với chúng ta. Ngài nói với chúng ta ở bài đọc chúng ta vừa nghe, nơi lời cầu nguyện và chứng từ của chúng ta, cũng như nơi sự lắng đọng tâm hồn của chúng ta. Chúng ta hãy suy nghĩ về những gì Chúa đang nói với chúng ta, nhất là trong bài Phúc Âm tối hôm nay. Có 3 khía cạnh của đoạn phúc âm này tôi xin anh chị em lưu ý: trước hết, nghỉ ngơi trong Chúa. Thứ Hai, chỗi dậy với Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Thứ Ba, làm tiếng nói ngôn sứ.

Nghỉ ngơi trong Chúa. Nghỉ ngơi là những gì rất cần thiết cho sức khỏe về tâm trí và thân xác của chúng ta, và thường rất khó đạt được vì rất nhiều đòi hỏi nơi chúng ta. Thế nhưng nghỉ ngơi cũng thiết yếu cho cả sức khỏe thiêng liêng của chúng ta nữa, nhờ đó chúng ta có thể nghe được tiếng của Thiên Chúa và hiểu được những gì Ngài muốn nơi chúng ta. Thánh Giuse đã được Thiên Chúa chọn làm dưỡng phụ của Chúa Giêsu và là chồng của Đức Maria. Là Kitô hữu, cả anh chị em nữa cũng được kêu gọi, như Thánh Giuse, thực hiện một ngôi nhà cho Chúa Giêsu. Làm một ngôi nhà cho Chúa Giêsu! Anh chị em làm một ngôi nhà cho Người trong lòng của anh chị em, trong gia đình của anh chị em, trong giáo xứ của anh chị em và trong các cộng đồng của anh chị em. 

Để nghe thấy và chấp nhận tiếng gọi của Thiên Chúa, để làm nhà cho Chúa Giêsu, anh chị em cần phải nghỉ ngơi trong Chúa. Anh chị em cần phải giành giờ mỗi ngày để nghỉ ngơi trong Chúa, để cầu nguyện. Cầu nguyện là nghỉ ngơi trong ChúaThế nhưng anh chị em có thể nói với tôi rằng: Tâu Đức Thánh Cha, con biết điều đó; con muốn cầu nguyện, nhưng có quá nhiều việc cần phải làm! Con cần phải chăm sóc cho các con của con; con làm các việc trong nhà; con quá mệt mỏi đến độ buồn ngủ. Tôi biết. Điều ấy có thể là đúng, thế nhưng nếu chúng ta không cầu nguyện, chúng ta sẽ không biết đến điều quan trọng nhất trong tất cả mọi sự đó là ý muốn của Thiên Chúa đối với chúng ta. Không cầu nguyện chúng ta sẽ hoàn thành được rất ít đối với tất cả mọi hoạt động của chúng ta, đối với cái bận bịu của chúng ta. 

Nghỉ ngơi trong cầu nguyện là những gì đặc biệt quan trọng đối với các gia đình. Chính nơi gia đình mà chúng ta đầu tiên học biết cầu nguyện. Đừng quên rằng gia đình cầu nguyện là gia đình ở với nhau! Đây là điều quan trọng. Nơi gia đình chúng ta tiến đến chỗ nhận biết Thiên Chúa, lớn lên thành những con người nam nữ của đức tin, thấy mình là phần tử của đại gia đình Chúa là Giáo Hội. Trong gia đình chúng ta học biết yêu thương, tha thứ, quảng đại và cởi mở, không khép kín và vị kỷ. Chúng ta biết vươn ra khỏi những nhu cầu riêng tư của mình, biết gặp gỡ người khác và chia sẻ đời sống của mình với họ. Đó là lý do tại sao cầu nguyện như một gia đình là điều rất quan trọng! Rất quan trọng! Đó là lý do tại sao các gia đình rất quan trọng nơi dự án của Thiên Chúa đối với Giáo Hội! nghỉ ngơi trong Chúa là cầu nguyện. Cầu nguyện với nhau như là một gia đình

Tôi cũng muốn nói với anh chị em một điều rất riêng tư. Tôi rất yêu mến Thánh Giuse, vì ngài là một con người của thầm lặng và sức mạnhTrên bàn làm việc của mình tôi có một tấm ảnh Thánh Giuse đang ngủ. Ngay cả khi ngài ngủ, ngài cũng đang chăm sóc Giáo Hội! Đúng thế! Chúng ta biết rằng ngài có thể làm thế. Bởi vậy khi tôi có vấn đề, gặp khó khăn, tôi viết một ghi chú nhỏ rồi đặt nó ở dưới ảnh Thánh Giuse, để Ngài có thể mơ tưởng về nó! Nói cách khác, tôi thưa với Ngài rằng xin Ngài cầu cho vấn đề ấy

Sau nữa, chỗi dậy với Chúa Giêsu và Mẹ MariaNhững giây phút nghỉ ngơi quí báu này, nghỉ ngơi với Chúa trong nguyện cầu, là những giây phút chúng ta muốn kéo dài. Thế nhưng, như Thánh Giuse, một khi chúng ta đã nghe được tiếng Chúa, chúng ta cần phải chỗi dậy khỏi giấc ngủ của chúng ta; chúng ta cần phải vùng lên và hành động (xem Roma 13:11). Trong các gia đình của chúng ta, chúng ta cần phải vùng lên và hành động! Đức tin không loại chúng ta ra khỏi thế giới này mà là kéo chúng ta vào sâu hơn với nó. Đây là điều rất quan trọng! Chúng ta cần phải sâu xa dấn thân vào thế giới, nhưng bằng quyền lực của nguyện cầu. Thật vậy, mỗi người chúng ta đều có một vai trò đặc biệt trong việc sửa soạn cho việc trị đến của Vương Quốc Thiên Chúa trên giới của chúng ta.

Giống như tặng ân Thánh Gia được trao phó cho Thánh Giuse, thì tặng ân gia đình và vị trí của nó trong dự án của Thiên Chúa cũng được ủy thác cho chúng ta. Như Thánh Giuse. Tặng ân Thánh Gia được ký thác cho Thánh Giuse để ngài có thể chăm sóc tặng ân này. Mỗi người trong anh chị em, mỗi người trong chúng ta - vì tôi cũng thuộc về một gia đình - có trách nhiệm chăm sóc dự án của Thiên Chúa. Thiên thần Chúa đã tỏ cho Thánh Giuse những nguy hiểm đe dọa Chúa Giêsu và Mẹ Maria, khiến các vị buộc lòng phải trốn sang Ai Cập, rồi sau đó trú ngụ ở Nazarét. Bởi vậy, trong thời đại của chúng ta, Thiên Chúa cũng kêu gọi chúng ta hãy nhận ra những nguy hiểm đang đe dọa các gia đình của chúng ta và bảo vệ chúng khỏi bị tác hại. 

Chúng ta hãy tỉnh táo chống lại chủ trương thực dân hóa bởi các ý hệ mới. Có những hình thức thực dân hóa về ý hệ đang được tung ra để hủy diệt gia đình. Chúng không được xuất phát từ những mở tưởng, từ những nguyện cầu, từ những gần gũi với Thiên Chúa hay với sứ vụ Thiên Chúa trao cho chúng ta; chúng xuất phát từ bên ngoài, và vì lý do đó tôi nói với anh chị em rằng chúng là những hình thức thực dân hóa. Chúng ta đánh mất cái tự do của sứ vụ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, sứ vụ về gia đình. Như các dân tộc của chúng ta, ở vào một thời điểm nào đó trong lịch sử của mình, họ đã trưởng thành đủ để "phản chống" lại tất cả mọi hình thức thực dân về chính trị, trong gia đình của chúng ta cũng vậy, chúng ta cần phải rất khôn ngoan, rất tinh khéo, rất mạnh mẽ, để "phản chống" lại tất cả những nỗ lực của một thứ thực dân hóa về ý hệ gia đình của chúng ta. Chúng ta cần xin Thánh Giuse, người bạn của thiên thần, gửi đến cho chúng ta ơn soi động để biết lúc nào chúng ta có thể "đồng ý" và lúc nào chúng ta cần phải "phản chống". 

Các áp lực trên đời sống gia đình ngày nay thì nhiều. Ở Phi Luật Tân đây, vô vàn gia đình vẫn còn đang chịu đựng hậu quả của các thứ thiên tai. Tình trạng kinh tế đã gây cho các gia đình cảnh phân ly bằng việc di dân để tìm kiếm công ăn việc làm, và các vấn đề về tài chính đang gây ra tình trạng gay go căng thẳng cho nhiều gia đình. Trong khi có quá nhiều người sống trong cảnh bần cùng thì những người khác lại bị rơi vào chủ nghĩa duy vật và những lối sống đang hủy hoại đời sống gia đình cùng với các đòi hỏi căn bản nhất của luân lý Kitô giáoĐó là những hình thức thực dân hóa theo ý hệ. Gia đình cũng bị đe dọa bởi các nỗ lực gia tăng về phía của một số người đang tái định vị lại chính cơ cấu của hôn nhân, bằng chủ nghĩa tương đối, bằng thứ văn hóa phù phiếm, bằng thiếu cởi mở với sự sống.  

Tôi nghĩ đến Chân Phước Phaolô VI. Vào lúc khi mà vấn đề gia tăng dân số đang được dấy lên, ngài đã can đảm bênh vực việc cởi mở cho sự sống trong gia đình. Ngài đã biết được các khó khăn đang gặp phải trong hết mọi gia đình, và vì thế qua Thông Điệp của mình ngài tỏ ra rất nhân hậu đối với những trường hợp đặc biệt, và ngài đã xin các vị giải tội tỏ ra rất nhân lành và thông cảm với các trường hợp đặc biệt. Thế nhưng ngài cũng đã có được một cái nhìn bao rộng hơn nữa: ngài đã nhìn vào các dân tộc trên trái đất này, và ngài đã thấy được mối đe dọa cho các gia đình đang bị hủy hoại vì thiếu con cái. Đức Phaolô VI đã tỏ ra can đảm; ngài là một vị mục tử tốt lành và ngài đã cảnh báo đàn chiên của ngài về các con sói đã xuất hiện. Xin ngài từ nơi ở trên trời chúc lành cho buổi tối hôm nay!

Thế giới của chúng ta cần đến những gia đình tốt lành và vững mạnh để thắng vượt các mối đe dọa này! Phi Luật Tân cần các gia đình thánh đức và yêu thương để bảo vệ vẻ đẹp và sự thật của gia đình theo dự án của Thiên Chúa và trở nên một thứ nâng đỡ cùng mẫu gương cho các gia đình khác. Hết mọi thứ đe dọa đối với gia đình là đe dọa cho chính xã hộiTương lai của nhân loại, như Thánh Gioan Phaolô II thường nói, là ở nơi gia đình (cf. Familiaris Consortio, 85). Tương lai là ở nơi gia đình. Bởi vậy, hãy bảo vệ gia đình của anh chị em! Hãy bảo vệ gia đình của anh chị em! Hãy nhìn thấy nơi các gia đình kho tàng lớn lao nhất của xứ sở anh chị em và luôn nuôi dưỡng chúng bằng nguyện cầu và ân sủng của các bí tích. Gia đình bao giờ cũng có các thử thách của mình, thế nhưng chớ gì anh chị em đừng bao giờ tăng thêm thử thách cho gia đình! Trái lại, hãy sống những tấm gương yêu thương, tha thứ và chăm sóc. Hãy trở thành những cung thánh tôn trọng sự sốngbằng cách loan truyền tính chất linh thánh của hết mọi sự sống con người từ khi được hoài thai cho đến khi tự nhiên qua đi. Thật là một tặng ân cho xã hội nếu gia đình Kitô hữu sống trọn vẹn ơn gọi cao quí của mình! Bởi vậy, hãy chỗi dạy với Chúa Giêsu và Mẹ Maria, và hãy bắt đầu theo đường lối mà Chúa đã vạch vẽ cho mỗi người trong anh chị em. 

Sau hết, Phúc Âm chúng ta vừa nghe nhắc nhở chúng ta về nhiệm vụ của Kitô hữu chúng ta trong việc làm tiếng nói ngôn sứ nơi các cộng đồng của chúng ta. Thánh Giuse đã lắng nghe vị thiên thần của Chúa và đã đáp lại tiếng gọi của Chúa trong việc chăm sóc cho Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Nhờ đó ngài đã đóng vai trò của mình theo dự án của Thiên Chúa, và đã trở thành một phúc lành chẳng những cho Thánh Gia mà còn là một phúc lành cho toàn thể nhân loại nữa. Cùng với Mẹ Maria, Thánh Giuse đã trở thành mô phạm cho người con trai Giêsu khi Người lớn lên trong khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng (xem Luca 2:52). Khi các gia đình đem con cái vào trần gian, giáo dục chúng theo đức tin cùng với các giá trị lành mạnh, và dạy cho chúng biết đóng góp với xã hội, thì chúng trở thành phúc lành trong thế giới của chúng ta. Các gia đình có thể trở thành phúc lành cho toàn thể nhân loại! Tình yêu của Thiên Chúa trở nên hiện hữu và chủ động nơi cách thức chúng ta yêu thương và nhờ các việc lành chúng ta làm. Chúng ta làm cho Vương Quốc của Thiên Chúa tràn lan trên thế giới này. Một khi làm như thế là chúng ta chứng tỏ chúng ta trung thành với sứ vụ ngôn sứ chúng ta đã lãnh nhận nơi phép rửa. 

Trong năm nay là năm các vị giám mục của anh chị em dành riêng như là Năm của Người Nghèo, tôi xin anh chị em, với tư cách là các gia đình, hãy đặc biệt nhớ đến ơn gọi là những môn đệ truyền giáo của Chúa Giêsu. Nghĩa là sẵn sàng đi ra bên ngoài nhà cửa của anh chị em mà chăm sóc cho những người anh chị em thiếu thốn nhất. Tôi đặc biệt xin anh chị em hãy tỏ ra quan tâm đến những ai không có gia đình, đặc biệt là những người già và trẻ em không cha không mẹ. Đừng bao giờ để họ cảm thấy bị cô lập, lẻ loi và bị bỏ rơi, nhưng hãy giúp họ nhận biết rằng Thiên Chúa không quên họHôm nay, tôi rất cảm động khi mà, sau Thánh Lễ, tôi đến viếng thăm một nhà lo cho trẻ em vô gia đình. Có bao nhiêu người hoạt động trong Giáo Hội để biến ngôi nhà ấy thành một gia đình! Đó là những gì mang ý nghĩa của việc xây dựng một gia đình theo chiều hướng ngôn sứ.  

Anh chị em bản thân có thể nghèo khổ về vật chất, nhưng anh chị em có dồi dào các tặng ân để cống hiến khi anh chị em cống hiến Chúa Kitô và cộng đồng Giáo Hội của Người. Đừng che giấu đức tin của anh chị em, đừng che đậy Chúa Giêsu, mà là hãy mang Người đến cho thế giới và cống hiến chứng từ về đời sống gia đình của anh chị em!

Các bạn thân mến trong Chúa Kitô, các bạn hãy biết rằng tôi luôn cầu nguyện cho các bạn! Tôi cầu nguyện cho các gia đình! Thật sự là thế! Tôi cầu xin để Chúa tiếp tục sâu xa hóa tình yêu của anh chị em đối với Người, và tình yêu này được thể hiện nơi tình yêu của anh chị em đối với nhau cũng như đối với Giáo Hội. Đừng quên Chúa Giêsu đang ngủ! Đừng quên Thánh Giuse đang ngủ! Chúa Giêsu đã ngủ dưới sự bao che của Thánh Giuse. Đừng quên rằng các gia đình được nghỉ ngơi trong nguyện cầu. Đừng quên nguyện cầu cho các gia đình. Hãy thường cầu nguyện và mang hoa trái của việc anh chị em cầu nguyện cho thế giới, để tất cả được nhận biết Chúa Giêsu Kitô và tình yêu nhân hậu của Người. Xin cũng cầu nguyện cho tôi nữa, vì tôi thực sự cần đến những lời cầu nguyện của anh chị em và bao giờ cũng lệ thuộc vào những lời cầu nguyện ấy! Xin cám ơn anh chị em rất nhiều! 

 

Thứ Ba - Xin đón xem bài phỏng vấn trên máy bay với Đức Thánh Cha trên đường về lại Rôma.

Thứ Tư - Xin đón xem bài tường trình cảm nhận của Đức Thánh Cha về chuyến tông du Tích lan và Phi Luật Tân 8 ngày vừa rồi.

 

 

 

 

 



 
Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về