Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Đức Thánh Cha Phanxicô Tông Du Thổ Nhĩ Kỳ (28-30/11/2014)
Thứ Bảy, Ngày 29 tháng 11-2014
Đức Thánh Cha Phanxicô 

 Tông Du Thổ Nhĩ Kỳ (28-30/11/2014)


"Thổ Nhĩ Kỳ, về lịch sử, vị trí địa dư và ảnh hưởng trong vùng của mình, có một trách nhiệm lớn lao, đó là những quyết định do Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện cùng với gương lành của nó là những gì đặc biệt quan trọng và có thể góp phần giúp ích đáng kể cho việc phát động một cuộc gặp gỡ của các nền văn minh cũng như cho việc vạch ra những con đường sống còn của hòa bình và tiến bộ đích thực".  

Với Tổng Thống, Thủ Tướng và các Chức Sắc Dân Sự - Thứ Sáu 28/11 - Tại Dinh Tổng Thống Thủ Đô Ankara

[Multimedia]

Kính Ngài Tổng Thống,

Quí Tôn Vị Thẩm Quyền,

Quí Vị Nữ Nam


Tôi hân hoan đến viếng thăm xứ sở của quí vị rất phong phú về vẻ đẹp thiên nhiên và lịch sử, đầy những dấu vết của các nền văn minh cổ kính. Nó là một cây cầu tự nhiên giữa hai châu lục và các nền văn hóa khác nhau. Mảnh đất này là mảnh đất quí báu đối với mọi Kitô hữu vì nó là nơi sinh quán của Thánh Phaolô, vị đã thiết lập các cộng đoàn Kitô hữu khác nhau ở đây, và là nơi diễn ra 7 Công Đồng đầu tiên của Giáo Hội. Nó cũng nổi tiếng về một địa điểm ở gần Êphêsô mà theo truyền thống khả kính đã từng là "Nhà của Đức Maria", nơi Mẹ của Chúa Giêsu đã sống mấy năm. Giờ đây nó trở thành nơi sùng mộ của vô vàn khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới, không nguyên gì Kitô hữu mà cả các tín đồ Hồi giáo nữa


Tuy nhiên, những lý do tại sao Thổ Nhĩ Kỳ được coi trọng và cảm nhận như thế không chỉ vì liên hệ với những tượng đài cổ kính trong quá khứ mà còn liên quan tới tính chất sống động hiện tại của nó nữa, đó là vấn đề chăm chỉ làm việc và lòng quảng đại của dân chúng, cùng vai trò của nó nơi cộng đồng các quốc gia.

Tôi cảm thấy rất vui mừng có được cơ hội này để tiếp tục cùng quí vị thực hiện việc đối thoại thân hữu, cảm mến và trân trọng, theo chân các vị tiền nhiệm của tôi là Chân Phước Phaolô VI, Thánh Gioan Phaolô II và Đức Biển Đức XVI. Cuộc đối thoại này đã được sửa soạn và hỗ trợ bởi việc làm của vị Sứ Thần Tòa Thánh bấy giờ là Đức Hồng Y Angelo Giuseppe Roncalli, vị đã trở thành Thánh Gioan XXIII, cũng như bởi Công Đồng Chung Vaticanô II.

Ngày nay điều cần thiết đó là một thứ đối thoại có thể giúp vào việc sâu xa hiểu biết và cảm nhận về nhiều điều chúng ta chủ trương giống nhau. Một cuộc đối thoại như thế sẽ giúp chúng ta suy nghĩ một cách nhậy cảm và nghiêm chỉnh về những cái khác nhau của chúng ta và học được từ những gì khác nhau ấy. 

Cần phải nhẫn nại tiến triển trong việc xây dựng một thứ hòa bình bền vững, một thứ hòa bình được xây dựng trên việc tôn trọng các quyền lợi và nhiệm vụ xuất phát từ nhân phẩm của từng người. Nhờ đó chúng ta mới có thể thắng vượt được những thành kiến cùng với các mối lo sợ bất chính, nhường chỗ cho sự tôn trọng, việc gặp gỡ cùng với việc phát sinh nghị lực tích cực hơn nữa cho thiện ích của tất cả mọi người.

Để đạt được mục đích ấy cần tất cả mọi người công dân - tín đồ Hồi giáo, Do Thái giáo và Kitô giáo - cả về vấn đề dự thảo và thực hành luật lệ -đều được hoan hưởng các quyền lợi giống nhau và tôn trọng các nhiệm vụ như nhau. Họ sẽ thấy dễ dàng hơn khi coi nhau như anh chị em cùng hành trình một con đường, bao giờ cũng tìm cách loại trừ những hiểu lầm và đồng thời cổ võ việc hợp tác và hòa hợp. Quyền tự do tôn giáo và quyền tự do bày tỏ, nếu từng người thực sự được bảo đảm, sẽ giúp cho mối thân tình nở hoa nhờ đó trở thành một dấu hiệu hùng hồn cho hòa bình. 
Trung Đông, Âu Châu và toàn thế giới đang đợi chờ tính chất trưởng thành của mối thân tình này. Đặc biệt là Trung Đông đã lâu trở thành một khấu trường chiến tranh huynh đệ tương tàn, cuộc chiến này xuất phát từ cuộc chiến kia, như thể cái đáp ứng khả dĩ duy nhất đối với chiến tranh và bạo lực cần phải là những cuộc chiến tranh mới và những hoạt động bạo lực mới vậy.

Trung Đông cần phải chịu đựng còn bao lâu nữa những hậu quả của tình trạng hụt hẫng hòa bình này? Chúng ta không được thoái lui trước những cuộc xung đột liên tục như thể tình trạng này không bao giờ có thể trở nên tốt hơn! Nhờ ơn Chúa giúp, chúng ta có thể và chúng ta cần phải lấy lại lòng can đảm của hòa bình! Lòng can đảm ấy sẽ dẫn tới một thứ sử dụng chính đáng, nhẫn nại và dứt khoát tất cả mọi phương tiện thương thảo có được, nhờ đó đạt tới những mục tiêu hòa bình cụ thể cùng với việc phát triển khả trợ. 

Thưa Ngài Tổng Thống, việc đối thoại liên tôn và liên văn hóa là những gì có thể thực hiện việc góp phần quan trọng vào việc chiếm đạt mục tiêu cao cả và khẩn trương ấy, nhờ đó sẽ chấm dứt tất cả mọi hình thức cực đoan và khủng bố là những gì trầm trọng hủy hoại phẩm giá của hết mọi con người nam nữ và là những gì khai thác tôn giáo. 
Chủ nghĩa cuồng tín và cực đoan, cũng như những nỗi sợ hãi phi lý nung nấu hiểu lầm và kỳ thị, là những gì cần phải được đối đầu bằng tình liên đới của tất cả mọi tín hữu. Tình liên đới này cần phải dựa vào những trụ cốt sau đây: việc tôn trọng sự sống con người và quyền tự do tôn giáo, tức là quyền tự do thờ phượng và sống theo các giáo huấn luân lý của tôn giáo mình; dấn thân bảo đảm những gì mà từng người cần phải có được một đời sống xứng đáng; và việc chăm sóc cho môi trường thiên nhiên. Chư dân và chư quốc ở Trung Đông đang khẩn trương cần đến mối liên đới này, để họ có thể 'đảo ngược chiều hướng' và thành công phát triển về một tiến trình hòa bình, loại trừ chiến tranh cùng bạo lực và theo đuổi việc trao đổi đối thoại, thực hiện qui tắc luật pháp và công lý.

Thảm thiết thay, cho tới hôm nay, chúng ta vẫn còn chứng kiến thấy những cuộc trầm trọng xung đột. Nhất là ở Syria và ở Iraq, không thấy một dấu hiệu nào giảm bớt tình trạng bạo lực khủng bố. Những tù nhân cùng với toàn thể thành phần sắc tộc đang bị vi phạm đến những luật lệ nhân đạo căn bản nhất. Các cuộc bách hại ghê gớm đã từng xẩy ra trong quá khứ và vẫn còn tiếp tục cho đến hôm nay gây tác hại đến thành phần thiểu số, nhất là - mặc dù không chỉ - tác hại đến các Kitô hữu và Yazidis. Hằng trăm ngàn người đã bị buộc phải từ bỏ nhà cửa và xứ sở của mình để sống còn cũng như để trung thành với niềm tin tôn giáo của mình. 

Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia đã quảng đại đón nhận một số lớn người tị nạn, đang bị trực tiếp ảnh hưởng bởi tình trạng thê thảm này nơi biên giới của nước này; cộng đồng quốc tế có trách nhiệm luân lý trong việc trợ giúp Thổ Nhĩ Kỳ chăm sóc cho những người tỵ nạn ấy. Ngoài ra, để cung cấp việc trợ giúp rất cần thiết cũng như việc viện trợ nhân đạo, chúng ta không thể tỏ ra dửng dưng lạnh lùng trước những nguyên nhân gây ra các thứ thảm trạng này. Trong việc tái khẳng định rằng một đàng luôn tôn trọng luật lệ quốc tế thì việc ngăn chặn thành phần tấn công bất chính vẫn là những gì được phép, tôi còn muốn lập lại rằng vấn đề này không thể nào được giải quyết chỉ bằng việc đáp ứng quân sự.

Điều cần ở đây là một cuộc dấn thân chung về phía tất cả mọi người, dựa vào niềm tin tưởng lẫn nhau, một niềm tin tưởng có thể mở đường cho nền hòa bình bền vững, và giúp cho các nguồn lợi được hướng tới, không phải là vấn đề vũ khí, mà là tới những trận chiến cao cả khác xứng đáng với con người, như cuộc chiến chống đói khổ và bệnh nạn, việc cổ võ cho tình trạng phát triển khả trợ và việc bảo vệ thiên nhiên vạn vật, cũng như việc giảm nhẹ đi nhiều hình thức nghèo khổ và sống ở bên lề xã hội đầy giẫy trong thế giới ngày nay. 

Thổ Nhĩ Kỳ, về lịch sử, vị trí địa dư và ảnh hưởng trong vùng của mình, có một trách nhiệm lớn lao, đó là những quyết định do Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện cùng với gương lành của nó là những gì đặc biệt quan trọng và có thể góp phần giúp ích đáng kể cho việc phát động một cuộc gặp gỡ của các nền văn minh cũng như cho việc vạch ra những con đường sống còn của hòa bình và tiến bộ đích thực

Xin Đấng Tối Cao chúc lành và bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ, và giúp cho đất nước này trở thành một tác nhân kiến tạo hòa bình mạnh mẽ và nhiệt tình. Xin cám ơn quí vị!


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (kèm theo nhan đề và các chỗ nhấn mạnh tự ý)

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/speeches/2014/november/documents/papa-francesco_20141128_turchia-incontro-autorita.html

xin xem thêm video clips ở cái link sau đây

http://www.romereports.com/pg159304-pope-francis-recognizes-turkey-s-efforts-to-aid-refugees-during-flight-en





"Thế giới mong thấy những ai cho rằng mình tôn thờ Thiên Chúa đều trở thành những con người nam nữ của bình an, thành phần có thể sống như anh chị em với nhau, bất kể những khác biệt về sắc tộc, tôn giáo, văn hóa và ý hệ".

Tại Bộ Tôn Giáo Vụ ở Thủ Đô Ankara Thứ Sáu 28/11/2014 

[Multimedia]


(5 đoạn trong na bài nói đầu ĐTC lập lại vấn đề đối thoại cần thiết và tình hình Trung Đông nhất là ở Syria và Iraq như ngài đã đề cập đến ở bài nói với chính quyền, trong đó ở đoạn thứ 2 ngài nhấn mạnh đến vấn đề đối thoại liên tôn là  những gì bất khả thiếu  ở mỗi chuyến tông du của giáo hoàng)

....

Theo truyền thống thì các vị Giáo Hoàng khi viếng thăm các xứ sở khác nhau, như một phần trong sứ vụ của mình, cũng gặp gỡ cả các vị lãnh đạo cùng phần tử của các tôn giáo khác. Không tỏ ra cởi mở với việc gặp gỡ và đối thoại này thì chuyến Viếng Thăm của Giáo Hoàng sẽ không trọn vẹn đáp ứng được mục đích của nó. Bởi vậy mà tôi muốn gặp gỡ quí vị, theo chân các vị tiền nhiệm khả kính của tôi. Theo chiều hướng ấy, tôi hân hoan đặc biệt nhớ lại chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đến chính chỗ này vào Tháng 11 năm 2006.

...

Là các nhà lãnh đạo tôn giáo, chúng ta buộc phải bác bỏ tất cả mọi thứ vi phạm đến nhân phẩm và nhân quyền. Sự sống của con người, tặng ân của Thiên Chúa Hóa Công, có một đặc tính linh thánh. Bởi thế, bất cứ việc bạo động nào nhân danh tôn giáo đều đáng mạnh mẽ lên án nhất, vì Đấng Toàn Năng là Vị Thiên Chúa của sự sống và bình an. Thế giới mong thấy những ai cho rằng mình tôn thờ Thiên Chúa đều trở thành những con người nam nữ của bình an, thành phần có thể sống như anh chị em với nhau, bất kể những khác biệt về sắc tộc, tôn giáo, văn hóa và ý hệ.

Cùng với việc bài bác những thứ vi phạm như thế, chúng ta còn cần phải cùng nhau hoạt động để tìm kiếm các giải pháp thích đáng nữa. Điều này cần có sự hợp tác của tất cả mọi người: chính quyền, các vị lãnh đạo chính trị và tôn giáo, các vị đại diện xã hội dân sự, và tất cả mọi con người nam nữ thiện chí. Các vị lãnh đạo tôn giáo đặc biệt có thể cống hiến một đóng góp quan trọng bằng cách bày tỏ các thứ giá trị nơi truyền thống xứng hợp của mình. Chúng ta, tín đồ Hồi giáo và Kitô giáo, là những người chất chứa những kho tàng thiêng liêng vô giá. Trong những kho tàng ấy chúng ta thấy có một số yếu tố giống nhau, cho dù được áp dụng theo truyền thống của mỗi đạo, như việc tôn thờ Vị Thiên Chúa Vô Cùng Nhân Hậu, như liên quan tới Tổ Phụ Abraham, đến việc cầu nguyện, đến việc làm phúc, đến việc chay tịnh... những yếu tố mà, nếu được sống một cách chân thành, có thể biến đổi cuộc đời và trở thành một nền tảng vững chắc cho phẩm vị và tình huynh đệ. Việc nhìn nhận và phát triển gia sản thiêng liêng chung - qua việc đối thoại liên tôn - là những gì giúp chúng ta phát động và tán đồng những thứ giá trị luân lý là bình an và tự do trong xã hội (cf. John Paul II, Address to the Catholic Community in Ankara, 29 November 1979). Việc cùng nhìn nhận tính chất thánh hảo của mỗi sự sống con người là nền tảng cho các khởi động chung về tình đoàn kết, cảm thương và việc hiệu nghiệm trợ giúp đối với những ai khốn khổ nhất. Về vấn đề này, tôi muốn bày tỏ lòng cảm nhận của tôi về tất cả những gì nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ, cả tín đồ Hồi giáo lẫn Kitô giáo, đang làm để giúp cho hằng trăm ngàn người đang thoát khỏi xứ sở của họ gây ra bởi các cuộc xung đột. Đang có 2 triệu người trong số đó. Đây là mẫu gương rõ ràng về việc chúng ta làm sao để có thể cùng nhau hoạt động để phục vụ người khác, một mẫu gương cần phải được phấn khích và bảo tồn. 

(2 đoạn cuối Đức Thánh Cha tỏ ra hài lòng về mối liên hệ tốt đẹp giữa văn phòng tôn giáo vụ này và Hội Đồng Đối Thoại Liên Tôn của Tòa Thánh và ngỏ lời cám ơn một lần nữa cùng xin Thiên Chúa chúc lành)


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý)

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/speeches/2014/november/documents/papa-francesco_20141128_turchia-presidenza-diyanet.html

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về