Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Đức Thánh Cha Phanxicô Tông Du Thổ Nhĩ Kỳ (28-30/11/2014)
Chủ Nhật, Ngày 30 tháng 11-2014
Đức Thánh Cha Phanxicô 

 Tông Du Thổ Nhĩ Kỳ (28-30/11/2014)


Ngày 1, Thứ Sáu 28/11/2014, tại Ankara, với Chính Quyền và Tôn Giáo Vụ;
Ngày 2, Thứ Bảy 29/11/2014, tại Istanbul, với Giáo Hội Chính Thống



Sinh Hoạt

Sau ngày thứ nhất trong 3 ngày tông du Thổ Nhĩ Kỳ, Thứ Sáu 28/11/2014, viếng thăm Thủ Đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ để viếng thăm dinh tổng thống cùng ngỏ lời với chính quyền và viếng thăm văn phòng tôn giáo vụ cùng ngỏ lời với riêng giới chức về tôn giáo, Đức Phanxicô, sang ngày thứ 2 của chuyến tông du, Thứ Bảy 29/11/2014, vào lúc 9:45 sáng đã đến Istanbul, nơi có thể gọi là thủ đô của Chính Thống Giáo vì là nơi (cùng với Rôma) chính yếu của chung Giáo Hội ở những thế kỷ đầu cũng là nơi có Đức Thượng Phụ danh dự của chung Giáo Hội Chính Thống Giáo này.

Đức Thượng Phụ đại diện cho chung Giáo Hội Chính Thống Giáo toàn cầu ở Constantinople là Bartholomew I đã ngênh đón ngài ở phi trường. Hai vị đã ôm lấy nhau trong tình huynh đệ. Đức Thánh Cha Phanxicô, hay các vị giáo hoàng tiền nhiệm của ngài, thường thực hiện chuyến tông du Thổ Nhĩ Kỳ vào dịp Lễ Thánh Anrê, 30/11, quan thày của chung Chính Thống Giáo, cũng như lễ Thánh Phêrô - Phaolô 29/6 của Giáo Hội Công Giáo Rôma vậy.

Ở Istanbul, Đức Thánh Cha đã được dẫn đến 2 nơi đặc biệt của Hồi giáo, một là "Đền Thờ Xanh - Blue Mosque" và hai là Bảo Tàng Viện

Tại Đền Thờ Xanh, như Đức Gioan Phaolô II là vị giáo hoàng đầu tiên đã viếng Đền Thờ Hồi giáo Umayyad ở Damascus ngày 6/5/2001, và Đức Biển Đức XVI là vị giáo hoàng đã viếng Đền Thờ Hồi giáo Sultan Ahmed ở Istanbul ngày 30/11/2006, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến viếng thăm Đền Thờ Xanh. Ngài cũng đã bỏ giầy ra và được vị Đại Học Giả (Grand Mufti) Rahmi Yaran hướng dẫn thăm viếng nơi này, cuối cùng ngài đã cúi đầu thinh lặng nguyện cầu hơn 2 phút một chút để tôn thờ Thiên Chúa, sau đó ngài được nhà học giả trao tặng một món quà là tấm vi thạch xanh với hình bông huệ, "một biểu hiệu chung" cho cả tín đồ Hồi giáo lẫn Kitô giáo theo lời của người tặng. ĐTC đã ngỏ lời cám ơn và nói: "Chúng ta cần phải cảm tạ Thiên Chúa, chúc tụng Ngài và tôn thờ Ngài"

Tại Bảo Tàng Viện Hagia Sophia, nguyên là một Đền Thờ Chính Thống Giáo Hy Lạp nhưng sau đó đã bị biến thành một đền thờ của đế quốc và nay thành một bảo tàng viện. Sau khi được hướng dẫn viếng thăm nơi này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết trong Cuốn Sách Dâng Kính Thánh Sophia như sau:

"Quam dilecta tabemacula tua Domine (Lạy Chúa, dễ thương thay nơi cư ngụ của Ngài - Thánh Vịnh 83). Khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp và hài hòa của nơi linh thánh này, linh hồn tôi được nâng lên với Đấng Toàn Năng, nguồn mạch và là nguyên gốc của hết mọi vẻ đẹp, và tôi xin Đấng Tối Cao luôn hướng dẫn cõi lòng của nhân loại trên con đường chân lý, thiện hảo và bình an".

Sau khi ký tên vào cuốn sách này, ngài được hộ tống về Tòa Khâm Sứ ở Istanbul để dùng bữa trưa với 50 đại diện cộng đồng Công Giáo địa phương và các vị Giám Mục của họ. Thổ Nhĩ Kỳ có khoảng 90% dân chúng theo Hồi giáo, trong đó và bấy giờ tại chỗ có mấy trăm người đứng ở ngoài Bảo Tàng Viện và trên đường ngài đi qua chào đón ngài bằng những bài hát. Sau đây là bài giảng của ngài về Thánh Linh ở Vương Cung Thánh đường Thánh Linh Istanbul. 



Bài Giảng

"Trong cuộc hành trình đức tin và đời sống huynh đệ của chúng ta, chúng ta càng để cho mình hướng dẫn bởi vị Thần Linh này của Chúa một cách khiêm tốn, chúng ta sẽ càng thắng vượt được những hiểu lầm, các chia rẽ cùng những bất đồng mà trở thành một dấu hiểu khả tín của hiệp nhất và bình an"

The Pope inside the Cathedral of the Holy Spirit in Istanbul

Trong Phúc Âm Chúa Giêsu đã chứng tỏ chính Người là suối nước cho những ai khát khao cứu độ kín múc, như là Tảng Đá được Chúa Cha làm tuôn chảy ra mạch nước sự sống cho tất cả những ai tin tưởng vào Người (xem Gioan 7:8). Trong khi công khai tuyên bố về lời tiên tri này ở Giêrusalem, Chúa Giêsu loan báo về tặng ân Thánh Linh, vị mà các môn đệ sẽ lãnh nhận sau cuộc hiển vinh của Người, tức là sau cái chết và phục sinh của Người (xem câu 39).

Thánh Linh là hồn sống của Giáo Hội. Ngài ban sự sống, Ngài phân phát các đặc sủng khác nhau là những gì làm phong phú dân Chúa và nhất là Ngài kiến tạo nên mối hiệp nhất giữa các tín hữu, ở chỗ, Ngài biến nhiều thành một thân thể duy nhất, Thân Thể Chúa Kitô. Toàn thể đời sống và sứ vụ của Giáo Hội đều lệ thuộc vào Thánh Linh; Ngài là Đấng hoàn thành tất cả mọi sự.

Chính việc tuyên xưng đức tin, như Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta trong bài đọc thứ nhất hôm nay, chỉ có thể thực hiện nhờ tác động của Thánh Linh: "Không ai có thể nói 'Giêsu là Chúa' ngoại trừ bởi Thánh Linh" (1Corinto 12:3b). Chúng ta khi cầu nguyện là nhờ Thánh Linh soi động trong lòng chúng ta. Chúng ta khi phá vỡ vòng kiềm tỏa của bản thân tâm điểm của mình mà xuất thân gặp gỡ người khác, lắng nghe họ và giúp đáp họ thí chính Thần Linh của Thiên Chúa đã thúc đẩy chúng ta làm như thế. Chúng ta khi thấy bị gò bó bởi một khả năng vô thức trong việc tha thứ, trong việc yêu thương một ai đó không biết yêu thương lại chúng ta, thì chính Thần Linh này đã chiếm đoạt chúng ta. Chúng ta khi vượt ra ngoài những lời lẽ thuần túy có tính chất tư lợi mà hướng về anh chị em mình một cách dịu dàng làm sưỡi ấm tâm can thì chúng ta thực sự đã được Thánh Linh chạm tới vậy.

Thánh Linh thật sự là Đấng phân phát các đặc sủng khác nhau trong Giáo Hội, những đặc sủng mà thoạt thấy dường như tạo nên những gì là lộn xộn. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Ngài, chúng tạo nên một thứ dồi dào phong phú man vàn, vì Thánh Linh là Vị Thần Linh của hiệp nhất, thứ hiệp nhất không đồng nghĩa với đồng dạng. Chỉ duy Thánh Linh mới có thể thắp lên tính chất đa dạng (diversity), tính chất tăng bội (multiplicity) mà đồng thời mang lại hiệp nhất (unity). Khi chúng ta cố gắng tạo nên những gì là đa dạng, thế nhưng lại khép mình lại một cách chuyên biệt và độc đoán về cách nhìn các sự vật là chúng ta gây chia rẽ. Khi chúng ta cố gắng tạo nên hiệp nhất bằng các dự tính loài người của mình là chúng ta tiến đến chỗ đồng dạng (uniformity) và đồng hóa (homogenization). Thế nhưng, nếu chúng ta được Thần Linh hướng dẫn thì không bao giờ xẩy ra chuyện xung khắc bởi những gì là phong phú, khác biệt và đa dạng, vì Vị Thần Linh này thôi thúc chúng ta tiến đến chỗ cảm nghiệm thấy được những gì là khác biệt ở trong mối hiệp thông của Giáo Hội

Tính chất đa dạng của các phần tử và các đặc sủng được hòa hợp trong Vị Thần Linh của Chúa Kitô, Đấng Cha đã sai đến và là Đấng Ngài tiếp tục sai đến để tín hữu đạt tới mối hiệp nhất. Thánh Linh là Đấng mang lại hiệp nhất cho Giáo Hội: hiệp nhất trong đức tin, hiệp nhất trong yêu thương, hiệp nhất trong sự sống nội tâm. Giáo Hội và các Giáo Hội khác cũng như các cộng đồng giáo hội được kêu gọi để mình được hướng dẫn bởi Thánh Linh cũng như hãy luôn tỏ ra cởi mở, dễ dạy và tuân phục.

Chiều hướng của chúng ta là một chiều hướng hy vọng nhưng cũng là một chiều hướng gay go. Chước cám dỗ luôn ở trong chúng ta cưỡng lại Thánh Linh, vì Ngài đem chúng ta ra khỏi cái vùng thoải mái dễ chịu (confort zone) của chúng ta khiến chúng ta bất ổn; Ngài làm cho chúng ta chỗi dậy đưa Giáo Hội tiến tới. Những đường lối bất động và bất dịch của chúng ta bao giờ cũng là những gì dễ dàng hơn và thoải mái hơn. Thật vậy, Giáo Hội cho thấy lòng trung thành của mình với Thánh Linh ở chỗ Giáo Hội không tìm cách kiểm soát Ngài hay thuần thục hóa Ngài. Kitô hữu chúng ta trở nên thành phần môn đệ truyền giáo thực sự, có thể thách thức lương tri, khi chúng ta loại trừ đi tính chất tự vệ của chúng ta và để mình được dẫn dắt bởi vị Thần Linh này. Ngài là những gì tươi trẻ, sáng tạo và mới mẻ. 

Tính chất tự vệ của chúng ta là những gì hiển nhiên khi chúng ta gò bó không chịu thay đổi trong tư tưởng của chúng ta cũng như trong quyền năng của chúng ta - nơi trường hợp này chúng ta rơi vào lạc thuyết Pelagianism (biệt chú của người dịch: lạc thuyết được Đức Thánh Cha đề cập đến ở đây chủ trương bản tính của con người không bị tác hại bởi nguyên tội và vì thế con người vẫn có thể tự mình chọn lựa tốt xấu mà chẳng cần đến ơn Chúa) - hay khi chúng ta tỏ ra tham vọng hoặc huyền hoặc viễn vông. Các khuynh hướng tự vệ này là những gì ngăn cản chúng ta khỏi việc thực sự thông cảm với người khác cũng như khỏi việc cởi mở để chân thành đối thoại với họ. Thế nhưng, Giáo Hội, xuất phát từ biến cố Hiện Xuống, đã được ban cho ngọn lửa Thánh Linh, một ngọn lửa không làm cho trí khôn tràn đầy những tư tưởng cho bằng làm cho cõi lòng bứng nóng lên; Giáo Hội được tác động bởi một hơi thở Thần Linh không truyền đạt quyền lực mà là một khả năng phục vụ trong yêu thương, một thứ ngôn ngữ mà hết mọi người đều hiểu được.

Trong cuộc hành trình đức tin và đời sống huynh đệ của chúng ta, chúng ta càng để cho mình hướng dẫn bởi vị Thần Linh này của Chúa một cách khiêm tốn, chúng ta sẽ càng thắng vượt được những hiểu lầm, các chia rẽ cùng những bất đồng mà trở thành một dấu hiểu khả tín của hiệp nhất và bình an

Bằng niềm xác tín hân hoan này, tôi ấp ủ tất cả quí vị, anh chị em thân mến: Đức Thượng Phụ Công Giáo Syro, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục, Đức Ông Đại Diện Tòa Thánh Pelâtre, các Vị Giám Mục cũng như các Vị Giám Mục Công Giáo Đông Phương, các linh mục và phó tế, tu sĩ, giáo dân và các tín hữu thuộc các cộng đồng khác cùng các lễ nghi khác thuộc Giáo Hội Công Giáo. Với lòng cảm mến huynh đệ tôi xin chào Đức Thượng Phụ Constantinople Bartholomew I, Đức Tổng Giám Mục Chính Thống Syro và Vị Đại Diện Đức Thượng Ph Armenia, cũng như các vị đại diện cho những cộng đồng Tin Lành, những vị hợp với chúng ta trong nguyện cầu cho việc cử hành này. Tôi xin gửi đến quí vị niềm tri ân của tôi về cử chỉ huynh đệ đây. Tôi cũng muốn bày tỏ lòng cảm mến của tôi với Đức Thượng Phụ Armenia là Mesrob II và hứa cầu nguyện cho ngài. 

Thưa anh chị em, chúng ta hãy hướng tâm tưởng của chúng ta về Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa. Cùng Mẹ là vị đã cầu nguyện với các Tông Đồ trên Căn Thượng Lầu khi các vị đợi chờ Thánh Linh Hiện Xuống, chúng ta hãy cầu cùng Chúa để xin Người sai Thánh Linh của Người xuống lòng chúng ta và làm cho chúng ta thành nhân chứng cho Phúc Âm của Người trên toàn thế giới này. Amen.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (kèm theo nhan đề và các chỗ nhấn mạnh tự ý, trừ những chỗ in nghiêng đúng như bản văn nguyên thủy)

http://www.zenit.org/en/articles/pope-francis-homily-at-the-cathedral-of-the-holy-spirit-in-istanbul




Ngỏ lời trong Buổi Kinh Tối Đại Kết ở Vương Cung Thánh Đường Thánh George thành phố Phanar Thứ Bảy 29/11/2014


"Niềm hy vọng chung này không phải là những gì lừa dối chúng ta, vì nó được thiết dựng không phải trên chúng ta hay trên các nỗ lực nghèo nàn của chúng ta, mà là trên sự trung thành của Thiên Chúa" 

Kính Đức Thượng Phụ, Quí Huynh thân mến, 

Mỗi một buổi tối đều mang lại một cảm giác lẫn lộn giữa niềm tri ân cảm tạ về một ngày sống đang kết thúc và niềm tin tưởng đầy hy vọng khi màn đêm buông xuống. Buổi tối hôm nay lòng tôi tràn đầy niềm tri ân Thiên Chúa, Đấng đã cho tôi được ở nơi đây để cầu nguyện với Đức Thượng Phụ và với Giáo Hội chị em đây sau một ngày đầy biến cố trong chuyến Tông Du của tôi. Đồng thời lòng tôi cũng chờ đợi một ngày mà chúng ta đã bắt đầu cử hành về phụng vụ đó là Lễ Tông Đồ Anrê, Quan Thày của Giáo Hội đây.

Theo lời của Tiên Tri Zacaria thì Chúa tái ban cho chúng ta trong buổi cầu nguyện này cái nền tảng đang bảo trì việc chúng ta tiến từ ngày này sang ngày khác, một tảng đá vững chắc mà nhờ đó chúng ta đang cùng nhau tiến tới trong hân hoan và hy vọng. Tảng đá nền này là lời hứa của Chúa: "Này đây Ta sẽ cứu dân của Ta khỏi các xứ sở bên đông cũng như khỏi các xứ sở bên tây... trong trung tín và trong chính trực" (8:7.8).

Phải, thưa Người Anh Em Bartholomew khả kính thân mến, khi tôi bày tỏ lòng chân thành "cám ơn" của tôi về việc đón tiếp huynh đệ của người anh em thì tôi cảm thấy rằng niềm vui của chúng ta còn lớn lao hơn bởi vì nguồn mạch của nó xuất phát từ bên ngoài; không phải ở trong chúng ta, không phải ở việc dấn thân của chúng ta, không phải nơi các nỗ lực của chúng ta - những gì thực sự là cần thiết - mà là ở lòng tin tưởng chung của chúng ta nơi sự trung thành của Thiên Chúa, những gì đặt nền tảng cho việc tái thiết đền thờ của Ngài là Giáo Hội (xem Zech 8:9); thực sự là một cuộc gieo vãi niềm vui. Nó là một niềm vui và là một bình an thế giới này không thể nào ban phát, mà là những gi Chúa Giêsu đã hứa cho các môn đệ của Người, và với tư cách là Đấng Phục Sinh đã ban xuống trên các vị bằng quyền năng của Thánh Linh

Tông Đồ Anrê và Phêrô đã nghe thấy lời hứa ấy; các vị đã lãnh nhận tặng ân này. Các vị là anh em ruột thịt, nhưng việc các vị gặp gỡ Chúa Kitô đã biến các vị thành những người anh em trong đức tin và đức ái. Trong buổi tối vui mừng này, vào buổi kinh tối đây, tôi muốn nhấn mạnh đến điều này; các vị đã trở thành những người anh em trong niềm hy vọng. Thưa Đức Thượng Phụ, còn ơn nghĩa nào bằng trở thành những người anh em trong niềm hy vọng của Chúa Phục Sinh! Còn ơn nghĩa nào bằng và còn trách nhiệm nào hơn là cùng nhau bước đi trong niềm hy vọng ấy, niềm hy vọng được bảo trì bởi lời chuyển cầu của các thánh Tông Đồ huynh đệ Anrê và Phêrô! Và nên biết rằng niềm hy vọng chung này không phải là những gì lừa dối chúng ta, vì nó được thiết dựng không phải trên chúng ta hay trên các nỗ lực nghèo nàn của chúng ta, mà là trên sự trung thành của Thiên Chúa

Với niềm hy vọng hân hoan này, tràn đầy lòng tri ân và niềm mong đợi thiết tha, tôi xin gửi đến Đức Thượng Phụ cũng tất cả những ai hiện diện và đến Giáo Hội Constantinople những lời chúc nồng nàn và huynh đệ nhất của tôi nhân Ngày Lễ Kính vị Quan Thày thánh của quí vị.

Tôi xin quí vị một đặc ân đó là chúc lành cho tôi và Giáo Hội ở Rôma

"Peter and Andrew"

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý)

http://www.zenit.org/en/articles/pope-francis-address-at-ecumenical-prayer-service-in-phanar-turkey

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về