Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Đtc Phanxicô - Trả Lời Phỏng Vấn Trên Chuyến Bay Tông Du Thổ Nhĩ Kỳ Về Lại Rôma Chúa Nhật 30/11/2014
Thứ Ba, Ngày 2 tháng 12-2014

ĐTC Phanxicô - Trả lời phỏng vấn trên chuyến bay Tông Du Thổ Nhĩ Kỳ về lại Rôma Chúa Nhật 30/11/2014

Trên chuyến bay từ Thổ Nhĩ Kỳ về lại Rôma hôm Chúa Nhật 30/11/2014, trong vòng 45 phút, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trả lời cuộc phỏng vấn của thành phần truyền thông hộ tống ngài trong chuyến Tông du Thổ Nhĩ Kỳ 3 ngày (28-30/11/204). Sau đây là những câu trả lời của ngài liên quan tới từng vấn đề được tóm gọn thành từng chữ hay từng cụm từ (thay vì thành từng câu).


The Pope on the return flight from Turkey
(©Ansa)

(©ANSA) THE POPE ON THE RETURN FLIGHT FROM TURKEY


 















Nạn nghi kỵ bài trừ Hồi Giáo (Islamophobia)


Thật sự là đã từng xẩy ra các phản ứng đối với những hành động khủng bố không phải chỉ ở vùng ấy mà còn ở cả Phi Châu nữa. 'Nếu là Hồi giáo thì tôi uất hận!' Rất nhiều tín đồ Hồi giáo cảm thấy bị xúc phạm, họ nói rằng: 'Thế nhưng đó không phải những gì chúng tôi là, Kinh Koran là một cuốn sách ngôn sứ về hòa bình, chủ nghĩa khủng bố (terrorism) không phải là chủ nghĩa Hồi giáo (Islamism). Tôi có thể thông cảm được điều này. Và tôi thành thực tin rằng chúng ta không thể nói rằng tất cả mọi tín đồ Hồi giáo đều là những tay khủng bố, giống như chúng ta không thể nói rằng tất cả mọi Kitô hữu đều là thành phần bảo thủ (fundamentalist) - trong nội bộ của mình chúng ta cũng có những con người bảo thủ, tất cả mọi tôn giáo đều có những nhóm nhỏ này. Tôi đã nói với Tổng Thống Erdogan rằng nên minh bạch lên án những thứ nhóm người này. Tất cả mọi vị lãnh đạo tôn giáo, học giả, giáo sĩ, trí thức và chính trị đều phải làm như thế. Có thế họ mới nghe thấy điều ấy từ miệng lưỡi người lãnh đạo của họ. Cần phải có một cuộc lên án quốc tế từ tín đồ Hồi giáo khắp thế giới. Cần phải nói rằng, 'không, đó không phải là những gì về Kinh Koran!' Bao giờ cũng cần phải phân biệt giữa những gì tôn giáo đề ra với việc cụ thể áp dụng những gì được đề ra ấy bởi một chính quyền cụ thể. Đường lối quí vị cai trị xứ sở của quí vị có thể không phải là đường lối của Hồi giáo hay Do Thái giáo hoặc Kitô giáo. Danh xưng thường được sử dụng nhưng thực tế không phản ảnh những gì tôn giáo dạy.


Nạn tẩy chay bài trừ Kitô Giáo (Christianophobia)


Tôi muốn nói thẳng rằng Kitô hữu đang bị săn đuổi khỏi Trung Đông. Ở một số trường hợp, như chúng ta đã thấy ở Iraq, tại vùng Mosul, họ đã phải ra đi hay phải trả một thứ thuế không cần thiết. Đôi khi họ săn đuổi chúng ta một cách nhẹ nhàng. 


Đối thoại liên tôn


Tôi có lẽ đã có được một cuộc nói chuyện tuyệt vời nhất với vị chủ tịch Tôn Giáo vụ và ban của ông ấy. Khi vị tân lãnh sự Thổ Nhĩ Kỳ đến Tòa Thánh để trình ủy nhiệm thư của mình thì tôi đã thấy được một con người đặc biệt, một con người sâu xa đạo hạnh. Họ đã nói rằng: 'Giờ đây dường như việc đối thoại liên tôn đã tới chỗ chấm dứt'. Chúng ta cần phải cất bỏ rào cản. Chúng ta cần thực hiện cuộc đối thoại giữa các nhân vật tôn giáo thuộc những niềm tin khác nhau, và đó là điều tốt đẹp, ở chỗ, những con người nam nữ này gặp gỡ những con người nam nữ khác để chia sẻ cảm nghiệm: nó không phải là thần học đang được nói tới mà là cảm nghiệm.  


Cầu nguyện ở Đền Thờ


Tôi đến Thổ Nhĩ Kỳ như là một người hành hương chứ không phải như một kẻ du lịch. Và tôi đã đến đặc biệt là vì lễ hôm nay được Đức Thượng Phụ Bartholomew cử hành. Khi tôi vào đền thờ ấy tôi không thể nói rằng giờ đây tôi là một kẻ du lịch! Tôi đã thấy nơi tuyệt vời ấy; vị Học Giả đã giải thích các thứ cho tôi nghe một cách rất rõ ràng, ông tỏ ra hết sức dịu dàng; ông đã trích Kinh Koran khi ông nói về Đức Maria và Thánh Gioan Tẩy Giả. Lúc bấy giờ tôi cảm thấy cần cầu nguyện. Bởi thế tôi đã hỏi ông ta rằng: Chúng ta cầu nguyện một chút được không? Ông đã trả lời: 'Vâng, vâng'. Tôi đã cầu nguyện cho Thổ Nhĩ Kỳ, cho hòa bình, cho vị Học Giả này, cho hết mọi người và cho chính bản thân tôi nữa... Tôi nguyện rằng: lạy Chúa, xin giúp chúng con chấm dứt các cuộc chiến tranh này! Đó là một giây phút cầu nguyện chân thành. 


Về Đại Kết


Tháng vừa rồi, Đức Tổng Giám Mục Hilarion đã tham dự Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới với tư cách là đại biểu, và ngài đã nói với tôi không phải như là một đại biểu của Thượng Nghị mà với tư cách là một vị Chủ Tịch của ủy ban đối thoại Chính Thống Giáo và Công Giáo. Chúng tôi đã nói chuyện với nhau một lúc. Tôi tin rằng chúng ta đang tiến lên nơi các mối liên hệ của chúng ta với Chính Thống giáo, họ có các bí tích và cả truyền thống thừa kế tông đồ, chúng ta đang trên đà tiến tới. Nếu chúng ta chờ đợi các thần học gia đạt được đồng thuận thì ngày ấy sẽ chẳng bao giờ xẩy ra! Tôi đặt vấn đề về các thần học gia làm được việc, nhưng Athenagoras (biệt chú của người dịch: Athenagoras là một triết gia Hy Lạp đã trở lại Kitô giáo vào thế kỷ thứ 2 và đã trở thành một trong những vị Giáo Phụ của Giáo Hộiđã nói: 'Chúng ta hãy đưa các thần học gia ra ngoài một hòn đảo để họ bàn luận với nhau rồi chúng ta mới tiếp tục vấn đề được!' Hiệp nhất là một cuộc hành trình chúng ta cần cùng nhau tiếp tục, nó là vấn đề đại kết thiêng liêng, là việc cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau hoạt động. Rồi có cả vấn đề đại kết về máu huyết nữa: khi họ sát hại Kitô hữu thì máu được trộn lẫn. Những vị tử đạo của chúng ta đang kêu lên rằng: chúng tôi chỉ là một. Đó là ý nghĩa của việc tử đạo về máu. Chúng ta cần phải can đảm theo đuổi đường lối này và tiếp tục tiến tới. Có lẽ một số người không thể hiểu điều này. Các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương có quyền được hiện hữu, thế nhưng tình trạng hiệp nhất (chữ uniatism ở đây ám chỉ một số Giáo Hội Chính Thống Đông Phương sau khi chung Chính Thống Giáo Đông Phương tách khỏi Giáo Hội Công Giáo Rôma năm 1054 đã trở về tái hiệp nhất với Giáo Hội Công Giáo Rôma nên được gọi là Giáo Hội Công Giáo Đông Phương - biệt chú của người dịch) là một chữ lỗi thời (a dated word), cần phải tìm một giải pháp khác. 


Tôi muốn gặp Đức Thượng Phụ Mạc Tư Khoa


Tôi đã nói với Đức Thượng Phụ Kiril rằng chúng ta có thể gặp nhau ở bất cứ nơi nào, ngài cứ gọi cho tôi là tôi đến. Thế nhưng ngài đang có đủ thứ trên mâm của ngài vào lúc này những gì liên quan tới chiến tranh ở Ukraine. Cả hai chúng tôi đều muốn gặp nhau và tiến tới. Đức Tổng Giám Mục Hilarion đã đề nghị ủy ban đối thoại Chính Thống Giáo và Công Giáo tổ chức một cuộc họp học hỏi về vấn đề vai trò tối thượng quyền. Chúng ta cần phải tiếp tục theo bước chân của Đức Gioan Phaolô II: xin giúp tôi tìm được một giải pháp cho vấn đề tối thượng quyền để làm sao các Giáo Hội Chính Thống cũng có thể chấp nhận.


Nguồn gốc chia rẽ giữa các Giáo Hội


Những gì tôi cảm thấy thấm thía nhất về con đường hướng tới hiệp nhất này thì tôi đã đề cập đến ở bài giảng hôm qua về Thánh Linh, đó là, đường lối của Thánh Linh là con đường thẳng duy nhất, Ngài có đầy những gì là lạ lùng, Ngài là Đấng sáng tạo. Vấn đề - như tôi đã nói trong công nghị trước Mật Nghị Bầu Giáo Hoàng rằng điều này có thể là những gì tự nhận định - là ở chỗ Giáo Hội có thói quen xấu xa và lầm lỗi khi quá thấu thị (the Church has the bad and sinful habit of being too inward-looking), như thể tin rằng mình chiếu tỏa ra ánh sáng của chính mình. Giáo Hội không có thứ ánh sáng riêng, mà cần nhìn vào Chúa Giêsu Kitô. Các thứ chia rẽ xẩy ra vì Giáo Hội đã tập trung vào bản thân mình quá sức. Ở bàn gặp nhau hôm nay, Đức Bartholomew và tôi đã nói về giây phút vị hồng y đến báo cho biết việc Giáo Hoàng tuyệt thông Thượng Phụ: Giáo Hội đã tập trung vào bản thân mình quá sức trong lúc ấy. Khi người ta tập trung vào bản thân mình thì họ hóa ra tự qui chiếu (self-referential).


Về tối thượng quyền trong Giáo Hội


Chính Thống giáo chấp nhận tối thượng quyền, ở chỗ, trong kinh cầu hôm nay, họ đã cầu cho vị mục tử và đầu não của họ, "vị dẫn đường". Họ đọc như thế trước mặt tôi hôm nay. Chúng ta cần phải nhìn lại thiên niên kỷ thứ nhất để tìm kiếm một giải pháp khả chấp. Tôi không nói rằng Giáo Hội đã làm sai hết mọi sự (trong thiên niên kỷ thứ hai), không, không phải thế! Giáo Hội đã mở ra con đường lịch sử của mình. Thế nhưng giờ đây con đường tiến tới đó là theo đuổi điều yêu cầu của Đức Gioan Phaolô II.


Thành phần cực bảo thủ (the ultraconservatives) tỏ ra ngờ vực những đường lối cởi mở


Tôi xin nói rằng vấn đề này không phải chỉ của chúng ta mà thôi. Đây cũng là vấn đề họ đối diện, Chính Thống giáo, một số đan dĩ và một số đan viện. Chẳng hạn từ những ngày khi Chân Phước Phaolô VI còn làm giáo hoàng đã liên tục bàn đến vấn đề về ngày Phục Sinh mà chúng ta vẫn chưa tiến đến chỗ đồng ý với nhau. Cứ đà này thì cháu chắt của chúng ta dám cử hành Phục Sinh vào Tháng Tám mất. Chân Phước Phaolô VI đã đề nghị giành ra một ngày, một ngày Chúa Nhật trong Tháng Tư. Đức Thượng Phụ Bartholomew đã tỏ ra can đảm, đó là chuyện xẩy ra ở Phần Lan, nơi có một cộng đồng Chính Thống nhỏ, ngài đã bảo họ có thể cử hành cùng ngày như những tín hữu Lutherô. Có lần tôi ở Via della Scrofa thì việc dọn mừng Phục Sinh đã được diễn tiến, và tôi đã nghe thấy một phần tử thuộc Giáo Hội Đông phương nói rằng: Đức Kitô của tôi sẽ sống lại từ trong kẻ chết trong thời gian một tháng. Đức Kitô của tôi, Đức Kitô của bạn. Các vấn đề thực sự là đang xẩy ra. Thế nhưng chúng ta cần phải tôn trọng và không ngừng dấn thân đối thoại, mà không làm nhục người khác, không làm lem lấm chính mình, không xì xèo bàn tán. Nếu ai không muốn đối thoại, cũng được... Thế nhưng, nhẫn nại, nhu mì và trao đổi


Tôi muốn đến Iraq


Tôi muốn đi đến một trại tị nạn, như thế có nghĩa là phải ở thêm một ngày nữa và vì thế là những gì bất khả bởi nhiều lý do, không phải lý do riêng tư. Bởi thế mà tôi đã muốn gặp thành phần tị nạn trẻ đang được các tu sĩ Dòng Don Bosco chăm sóc. Tôi muốn lợi dụng dịp này để cám ơn lòng quảng đại của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Họ tỏ ra quảng đại với những người tị nạn. Các bạn có biết cần phải làm sao để có thể cung cấp việc chăm sóc sức khỏe, lương thực, giường nằm và nhà ở cho cả triệu người tị nạn hay chăng? Tôi muốn đến Iraq. Tôi đã nói chuyện với Đức Thượng Phụ Sako. Hiện nay là chuyện bất khả. Nếu tôi đến đó ngay bây giờ sẽ là một vấn đề cho các vị có thẩm quyền, cho vấn đề an ninh. 


Tôi không nói với Tổng Thống Erdogan về Khối Hiệp Nhất Âu Châu


Không, chúng tôi đã không nói về điều ấy. Cũng lạ, chúng tôi đã nói về rất nhiều thứ mà lại không phải là điều này.


Thế chiến thứ ba và các thứ vũ khí nguyên tử

 

Tôi tin rằng chúng ta đang trải qua một thứ thế chiến thứ ba phân mảnh, một thứ chiến tranh ở các vùng, ở khắp mọi nơi. Ở hậu trường của tình hình này là những thứ đối chọi tranh giành, những vấn đề về chính trị và những vấn đề về kinh tế, trong việc gìn giữ một hệ thống mà tâm điểm ngự trị bởi vị chúa được gọi là tiền bạc thay vì con người. Đằng sau tình hình này còn có cả các thứ lợi lộc về thương mại nữa: việc buôn bán các thứ vũ khí là những gì ghê sợ; nó là một trong những thứ buôn bán mãnh liệt nhất hiện nay. Vào Tháng 9 năm ngoái, chuyện được nói đến là Syria có các thứ vũ khí hóa học: tôi không tin Syria ở trong vị thế sản xuất các thứ vũ khí hóa học. Ai đã bán cho họ những thứ vũ khí này? Một số người trong số những ai tố cáo họ có những thứ vũ khí này có lẽ là thành phần đứng đầu bán các thứ vũ khí đó cho họ? Thật là cả một thứ đại bí ẩn chung quanh việc buôn bán các thứ vũ khí. Nhân loại đã không học được bài học của mình về năng lực nguyên tử. Thiên Chúa đã trao cho chúng ta việc tạo dựng để chúng ta có thể kiến tạo nên văn hóa từ tình trạng thiếu văn hóa này. Con người đã làm điều ấy và đã khám phá ra năng lực nguyên tử là những gì mang lại nhiều hữu dụng tích cực nhưng họ cũng sử dụng chúng để hủy diệt loài người. Tình trạng thiếu văn hóa này cả ở cách thức khác nữa: tôi không muốn nói về ngày cùng tháng tận của thế giới này, thế nhưng nó là một thứ văn hóa mà tôi gọi là văn hóa "tận số" (terminal); sau đó các bạn cần phải bắt đầu lại từ tan tành đổ nát, như đã xẩy ra cho các thành phố Nagasaki và Hiroshima. 


Việc diệt chủng dân Armenia


Vào dịp kỷ niệm việc diệt chủng này, khi ông Erdogan còn làm thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện một cử chỉ mà một số người cho là quá yếu. Thế nhưng ông đã vươn ra và việc ấy bao giờ cũng là những gì tích cực. Bất kể việc tôi đưa tay ra ít hay nhiều, thì việc ấy luôn là một điều tích cực. Biên giới của người Thổ Nhĩ Ký và Armenia là một vấn đề rất cận kề với lòng của tôi: thật là tuyệt vời nếu biên giới này được mở ra! Tôi biết có những vấn đề về địa dư không giúp được gì cho lắm, thế nhưng chúng ta cần phải cầu nguyện cho việc hòa giải này nơi hai dân tộc. Nhiều biến cố đã được sắp xếp cho năm tới để tưởng niệm việc diệt chủng dân Armenia, chúng ta hy vọng rằng đường lối của những cử chỉ nho nhỏ sẽ được tiếp tục; những bước tiến nho nhỏ hướng đến chỗ hòa giải.


Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Ngoài Lệ III - 2014 và những sứ điệp đối chọi nơi bản tường trình bán kỳ


Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới là một đường lối, là một cuộc hành trình. Nó không phải là một nơi Lập Pháp (Parliament), nó là một nơi được bao bọc để Thánh Linh có thể lên tiếng nói. Bản tường trình đúc kết sẽ không phải là dấu chấm dứt cuộc hành trình. Vì thế chúng ta không thể căn cứ vào ý kiến của một người hay của một văn kiện soạn thảo. Theo cá nhân mình, tôi không đồng ý với ai công khai nói rằng người này nói thế này thế kia. Chỉ có những gì thực sự đã nói mới cần phải được công bố chung, và điều này là những gì đã xẩy ra: Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới không phải là một nơi Lập Pháp. Cần phải bao bọc để Thánh Linh ngỏ lời.



Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ

http://vaticaninsider.lastampa.it/en/the-vatican/detail/articolo/francesco-turchia-37828/



Phụ thêm: Đức Thánh Cha Phanxicô vào giờ chót bất ngờ viếng thăm Vị Thượng Phụ lâm trọng bệnh


Trong bài giảng về Thánh Linh hôm Thứ Bảy 29/11/2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi lời thăm Đức Thượng Phụ Armenia vắng mặt qua vị đại diện của thượng phụ này hiện diện bấy giờ. Bài giảng này không cho biết lý do tại sao vị thượng phụ ấy vắng mặt - thì ra ngài bị bệnh trầm trọng. 


Bởi thế, hoàn toàn bất ngờ, vào giờ chót, trước khi về lại Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định ghé thăm vị thượng phụ này, đó là Đức Mesrob Mutafyan, trong nhà thương San Salvatore Armenia ở Istanbul. 


Vào Tháng 7/2008, tin tức cho biết vị Thượng Phụ Armenia ở Constantinople ấy bị alzheimers nên từ đó ngài rời khỏi nhiệm vụ và đời sống công khai, nhưng vẫn tiếp tục chính thức là thượng phụ tổng giám mục, có Đức Tổng Giám Mục Aram Atesyan xử lý thường vụ thay ngài. Vào Tháng Giêng 2011, tin tức còn cho biết thêm về tình trạng sức khỏe cả tinh thần lẫn thể lý càng ngày càng tệ. 



(Xin đón coi tiếp ĐTC Phanxicô: Sứ Điệp cho Năm Đời Dâng Hiến 2015)
Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về