Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Đtc Phanxicô - Tường Trình Về Chuyến Tông Du Thổ Nhĩ Kỳ Trong Buổi Triều Kiến Chung Thứ Tư Ngày 3/12/2014
Thứ Năm, Ngày 4 tháng 12-2014
"Chúng ta cầu xin Thánh Linh hãy làm cho chuyến tông du này được trổ sinh hoa trái, và nuôi dưỡng trong Giáo Hội nhiệt tình truyền giáo, trong việc loan báo cho tất cả mọi dân tộc, bằng việc đối thoại trân trọng và huynh đệ, rằng Chúa Giêsu là Sự Thật, là Bình An và là Tình Yêu. Chỉ duy một mình Người là Chúa".

ĐTC Phanxicô - Tường Trình về chuyến Tông Du Thổ Nhĩ Kỳ trong buổi triều kiến chung Thứ Tư ngày 3/12/2014


Xin chào buổi sáng Anh Chị Em


Trời dường như không thực sự đẹp lắm, khí hậu hơi kỳ kỳ. Thế nhưng anh chị em đã tỏ ra rất can trường đến đây tươi cười vào một buổi sáng mưa, và chúng ta cứ tiến hành! Buổi triều kiến chung hôm nay diễn ra ở hai nơi khác nhau, như chúng ta vẫn làm khi trời mưa: ở quảng trường đây rồi có cả thành phần bệnh nhân ở Sảnh Đường Phaolô VI nữa. Tôi đã gặp họ và chào hỏi họ rồi. Họ đang theo dõi buổi triều kiến chung này qua một màn hình lớn vì họ yếu bệnh không thể chịu mưa. Chúng ta hãy chào họ bằng một tràng pháo tay. 


Hôm nay tôi muốn chia sẻ với anh chị em một số điều về chuyến hành trình của tôi từ Thứ Sáu tuần vừa rồi cho đến Chúa Nhật ở Thổ Nhĩ Kỳ. Như tôi đã xin anh chị em sửa soạn và hỗ trợ bằng lời cầu nguyện thế nào thì giờ đây tôi mời anh chị em hãy tạ ơn Chúa cho việc hiện thực hóa của nó, hy vọng rằng hoa trái của việc đối thoại sẽ trở nên thông thoáng hơn nơi mối liên hệ của chúng ta với anh chị em Chính Thống, nơi mối liên hệ của chúng ta với các tín đồ Hồi giáo, nơi đường lối dẫn đến hòa bình giữa các dân tộc. 


Trước hết, tôi xin lập lại việc bày tỏ lòng biết ơn của tôi với vị Tổng Thống của Nước Cộng Hòa này, với vị Thủ Tướng, với vị Chủ Tịch Tôn Giáo Vụ cũng như với các vị Thẩm Quyền khác, đã trân trọng tiếp đón tôi và bảo đảm cho lịch trình được diễn tiến một cách tốt đẹp. Điều này thật là mất công và họ đã rất hoan hỉ làm điều ấy. 

Với tình huynh đệ, tôi xin cám ơn các vị Giám Mục thuộc Giáo Hội Công Giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ, vị Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục, rất tốt lành, về việc dấn thân của các vị, cũng như Đức Thượng Phụ Toàn Cầu Bartholomew I đã thân ái tiếp đón tôi. Chân Phước Phaolô VI và Thánh Gioan Phaolô II, cả hai đều đã đến Thổ Nhĩ Kỳ, và Thánh Gioan XXIII, vị đã từng là Sứ Thần Tòa Thánh ở Quốc Gia này, đã từ trời bảo hộ tôi trong chuyến tông du diễn ra sau 8 năm chuyến tông du của Đức Benedicto XVI. Mảnh đất ấy rất thân thiết với hết mọi Kitô hữu, nhất là vì nó là nơi xuất phát một Tông Đồ Phaolô, nơi diễn ra 7 Công Đồng tiên khởi, và là nơi có "nhà của Đức Maria" gần thành Epheso. Truyền thống cho chúng ta biết rằng Đức Mẹ đã sống ở đó sau biến cố Hiện Xuống của Thánh Linh.

Vào ngày đầu tiên của chuyến tông du, tôi đã chào hỏi quí vị Thẩm Quyền của xứ sở này, đại đa số là tín đồ Hồi giáo, thế nhưng Hiến Pháp của họ lại khẳng định tính chất trần thế của Đất Nước họ. Tôi đã nói với quí vị có thẩm quyền về vấn đề bạo động. Chính vì, thật vậy, chính vì lãng quên Thiên Chúa và không tôn vinh Ngài mới phát sinh ra bạo động. Bởi thế, tôi đã nhấn mạnh đến vấn đề hệ trọng mà cả tín đồ Kitô hữu và Hồi giáo cần phải cùng nhau dấn thân cho tình đoàn kết, cho hòa bình và công lý, khẳng định rằng hết mọi Đất Nước cần phải bảo đảm cho thành phần công dân của mình cũng như cho các cộng đồng tôn giáo được thực sự tự do thờ phượng

Hôm nay, trước khi chào hỏi thành phần bệnh nhân, tôi đã đến với một nhóm tín hữu Kitô giáo và Hồi giáo đang ở trong một cuộc họp do phân bộ Đối Thoại Liên Tôn tổ chức, được chủ sự bởi Đức Hồng Y Tauran, và họ đã bày tỏ ước muốn tiếp tục cuộc đối thoại huynh đệ này nơi người Công giáo, Kitô giáo và Hồi giáo.  

Vào ngày thứ hai, tôi đã đến viếng thăm mấy nơi - tiêu biểu cho các niềm tin khác nhau ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi đã làm như thế khi nghe thấy trong lòng tiếng gọi của Chúa, Thiên Chúa Trời Đất, là Cha nhân hậu của toàn thể nhân loại. Trọng tâm của ngày này đó là việc Cử Hành Thánh Thể, một việc cử hành đã qui tụ nơi ngôi Vương Cung Thánh Đường các vị mục tử và tín hữu thuộc các lễ nghi Công Giáo khác nhau hiện nay ở Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi cũng đã được hỗ trợ bởi Đức Thượng Phụ Toàn Cầu, vị Đại Diện Thượng Phụ Armenia, vị Tổng Giám Mục Chính Thống Syro và các phần tử Tin Lành. Cùng nhau chúng tôi đã kêu cầu Thánh Linh, Đấng mang lại hiệp nhất cho Giáo Hội: hiệp nhất trong đức tin, hiệp nhất trong đức ái, hiệp nhất trong niềm gắn bó nội tâm. Nơi kho tàng các truyền thống và tỏ bày của mình, Dân Chúa được kêu gọi hãy để cho mình được Thánh Linh dẫn dắt, bằng một thái độ liên lỉ cởi mở, dễ dạy và tuân phục. Trên con dường của chúng ta về việc đối thoại đại kết cũng như trong mối hiệp nhất của chúng ta, của Giáo Hội Công giáo chúng ta, chính Thánh Linh là Đấng làm tất cả mọi sự. Chúng ta cần để cho Ngài làm điều ấy, hãy lãnh nhận và tuân theo các soi động của Ngài

Ngày thứ ba cũng là ngày cuối cùng là lễ Thánh Anrê, ngày có được một môi trường lý tưởng để củng cố các mối liên hệ huynh đệ giữa vị Giám Mục Rôma, vị Thừa Kế Thánh Phêrô, và Đức Thượng Phụ Toàn Cầu ở Constantinople, một Giáo Hội theo truyền thống được thành lập bởi Tông Đồ Anrê, người anh em của Simon Phêrô. Cùng với Đức Batholomew I, tôi đã lập lại việc dấn thân chung để tiếp tục con đường tiến đến chỗ tái thiết mối hiệp thông trọn vẹn giữa tín đồ Công giáo và Chính Thống giáo. Cùng nhau chúng tôi đã ký vào một Bản Tuyên Ngôn Chung, một bước xa hơn nữa trên con đường này. Đặc biệt là ý nghĩa khi tác động này diễn ra vào lúc kết thúc việc long trọng cử hành Phụng Vụ Lễ Thánh Anrê, một cử hành mà tôi đã hết sức vui mừng tham dự, và là một cử hành được tiếp theo bằng Phép Lành chung được ban bởi cả Đức Thượng Phụ Constantinople và Đức Giám Mục Rôma. Thật vậy, cầu nguyện là nền tảng cho tất cả mọi cuộc đối thoại đại kết theo sự hướng dẫn của Thánh Linh là Đấng, như tôi đã nói, làm nên hiệp nhất. 

Cuộc gặp gỡ cuối cùng - một cuộc gặp gỡ vừa đẹp đẽ vừa đớn đau - với một nhóm giới trẻ tị nạn được các tu sĩ Dòng Don Bosco phục vụ. Thật là quan trọng đối với tôi để gặp gỡ một số người tị nạn từ những miền đất chiến tranh ở Trung Đông, nhờ đó bày tỏ cho họ thấy việc kề cận gần gũi của tôi và của Giáo Hội, nhờ đó nhấn mạnh đến giá trị của việc tiếp đón, một việc mà Thổ Nhĩ Kỳ cũng tỏ ra dấn thân thực hiện. Tôi muốn cám ơn Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa vì đã đón nhận rất nhiều người tị nạn và tôi chân thành cám ơn các tu sĩ Don Bosco ở Istanbul. Những tu sĩ Dòng Don Bosco này đang làm việc với những người tị nạn, họ tuyệt vời. Tôi cũng đã gặp gỡ các vị linh mục, một vị Dòng Tên Đức quốc và các vị khác đang làm việc với những người tị nạn. Thế nhưng Nguyện Đường Dòng Don Bosco giành cho những người tị nạn là những gì đẹp đẽ, nó là một công việc âm thầm kín đáo. Tôi chân thành cám ơn tất cả những ai làm việc với các người tị nạn. Và chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả những người tị nạn và những người di tản, để những căn nguyên gây ra vết thương đau này không còn tồn tại nữa. 

Anh chị em thân mến, chớ gì Vị Thiên Chúa Tòa Năng và Nhân Hậu tiếp tục bảo vệ nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà cầm quyền của họ và các vị đại diện các tôn giáo khác nhau. Chớ gì họ có thể cùng nhau xây dựng một tương lai bình an, nhờ đó, Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành tiêu biểu cho một nơi chung sống an bình giữa các tôn giáo và các văn hóa khác nhau. Ngoài ra, nhờ lời chuyển cầu của Trinh Nữ Maria, chúng ta cầu xin Thánh Linh hãy làm cho chuyến tông du này được trổ sinh hoa trái, và nuôi dưỡng trong Giáo Hội nhiệt tình truyền giáo, trong việc loan báo cho tất cả mọi dân tộc, bằng việc đối thoại trân trọng và huynh đệ, rằng Chúa Giêsu là Sự Thật, là Bình An và là Tình Yêu. Chỉ duy một mình Người là Chúa. Xin cám ơn anh chị em. 


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý)

http://www.zenit.org/en/articles/general-audience-on-the-apostolic-visit-to-turkey

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về