MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: giáo hội hoàn vũ :: đtc phanxicô: giáo lý gia đình và cộng đồng
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Đức Thánh Cha Phanxicô - Giáo Lý Gia Đình Bài 22 - Thứ Tư 17/6/2015
Thứ Năm, Ngày 18 tháng 6-2015
"Chết chóc là một cảm nghiệm liên quan đến tất cả mọi gia đình không trừ một gia đình nào. Nó là những gì thuộc về đời sống, tuy nhiên, khi nó chạm đến những tình cảm của gia đình thì chết chóc dường như không bao giờ xẩy ra cho chúng ta như là một cái gì đó tự nhiên".


Đức Thánh Cha Phanxicô - Giáo Lý Gia Đình Bài 22 - Thứ Tư 17/6/2015



Xin chào Anh Chị Em thân mến!


Trong loạt bài giáo lý về gia đình, hôm nay chúng ta lấy cảm hứng từ đoạn Phúc Âm được Thánh ký Luca thuật lại mà chúng ta vừa nghe (xem Luca 7:11-15). Đó là một cảnh tượng rất cảm động cho chúng ta thấy lòng cảm thương của Chúa Giêsu đối với người đang chịu khổ đau - trong trường hợp này là một bà góa bị mất đi một đứa con trai duy nhất của bà - cũng như cho chúng ta thấy quyền năng của Chúa Giêsu trên cái chết. 


Chết chóc là một cảm nghiệm liên quan đến tất cả mọi gia đình không trừ một gia đình nào. Nó là những gì thuộc về đời sống, tuy nhiên, khi nó chạm đến những tình cảm của gia đình thì chết chóc dường như không bao giờ xẩy ra cho chúng ta như là một cái gì đó tự nhiên. Đối với cha mẹ thì việc sống còn của con cái họ là một điều gì đó thật là vô cùng đau khổ, một điều phản nghịch lại với bản chất thiết yếu của mối liên hệ mang lại ý nghĩa cho chính gia đình. Việc mất đi một người con trai hay một người con gái thì như thể thời gian bị khựng lại: một vực thẳm mở ra nuốt đi quá khứ cũng như tương lai. Cái chết, những gì lấy đi một đứa con nhỏ hay còn trẻ, là một cái tát vào những gì là hứa hẹn, vào các tặng ân cùng với những hy sinh của tình yêu đã được hân hoan cống hiến cho sự sống mà chúng ta đã giúp hạ sinh. Bởi vậy mà các cha mẹ thường đến với Thánh Lễ ở Nhà Trọ Thánh Matta mang theo một tấm ảnh của người con trai, con gái, của một thơ nhi, một nam nhi, một nữ nhi và nói với tôi rằng: "cháu đã không còn nữa". Họ tỏ ra rất đau buồn, và cái chết thực sự là chạm đến chúng ta. Nếu xẩy ra cho một đứa con thì nó chạm đến chúng ta một cách sâu xa. Cả gia đình như bị bại liệt, câm nín. Và người con ở lại một mình nếu mất đi một trong hai cha mẹ hay cả hai, cũng cảm thấy đau khổ tương tự như thế. Vấn nạn được đặt ra là: "Bố tôi đâu rồi?" "Mẹ tôi đâu rồi?" - Ở Trên Trời - "Thế nhưng tại sao tôi không thể nào thấy họ?" - vấn nạn này chất chứa nỗi sầu khổ của một em trai hay em gái. Em ở lại một mình. Cái trống rỗng của tình trạng bị bỏ rơi nổi lên trong bé lại càng thương đau hơn nữa bởi sự kiện là bé thậm chí không đủ cảm nghiệm để "đặt tên" cho những gì đã xẩy ra. "Bao giờ bố tôi trở lại?" "Bao giờ Mẹ tôi trở lại?" Người ta có thể trả lời sao đây? Con trẻ đớn đau khổ sở. Cái chết trong gia đình là như thế đấy. 


Trong những trường hợp này, chết chóc như là một cái lỗ đen hiện lên trong đời sống gia đình và là những gì chúng ta không thể nào giải thích được. Đôi khi còn có người thậm chí trách móc Thiên Chúa nữa


Thế nhưng, biết bao nhiêu là người - tôi thông cảm với họ - tỏ ra hận thù Thiên Chúa, lên tiếng nguyền rủa rằng: "Tại sao Ngài lại lấy đi mất đứa con trai, con gái của tôi chứ? Chẳng lẽ không có Thiên Chúa hay sao! Thiên Chúa không hiện hữu sao! Tại sao Ngài lại gây ra như thế chứ?" Chúng ta thường nghe thấy điều này rất thường; tuy nhiên, nỗi giận dữ này là những gì có thể xuất phát từ một tâm can quá ư sầu thương. Việc mất đi một người con trai, một người con gái, một người cha, một người mẹ là một nỗi thương đau cả thể, và điều này liên tục xẩy ra trong các gia đình.


Tôi đã nói rằng trong những hoàn cảnh này, chết chóc hầu như là một lỗ hổng. Tuy nhiên, cái chết về thể lý "có "những tay tòng phạm" thậm chí còn tệ hơn cả chính sự chết nữa, những tay tòng phạm này mang danh hận thù, ghen hờn, kiêu hãnh, tham lam, tóm lại, là tội lỗi của một thế giới hoạt động cho tử thần và làm cho chết chóc trở nên đớn đau và bất chính hơn nữa. Các cảm tình trong gia đình dường như là thành phần nạn nhân đã được định liệu và bất lực của các thứ quyền lực tay sai của tử thần này, một tử thần hộ tống lịch sử của con người. Chúng ta nghĩ đến, trong một lúc nào đó và ở một nơi nào đó, các biến cố gia tăng rùng rợn cho cái chết "có tính chất bình thường" lố bịch gây ra bởi hận thù ghen ghét và tình trạng dửng dưng lạnh lùng của người khác. Xin Chúa giải cứu chúng ta khỏi trở thành quen thuộc với điều ấy!  


Trong thành phần Dân Chúa, nhờ ân sủng cảm thương của Ngài nơi Chúa Giêsu, nhiều gia đình đã chứng tỏ một cách cụ thể rằng chết chóc không phải là phán quyết cuối cùngĐó là một tác động đức tin thực sự. Bao giờ gia đình cảm thấy sầu thương - cũng như kinh hoàng - đều tìm thấy sức mạnh để bảo vệ đức tin và đức mến làm cho chúng ta liên kết với những ai chúng ta yêu thương, nó ngăn cản chết chóc, bấy giờ đã xẩy ra, không lấy đi tất cả mọi sự. Cần đối chọi với bóng tối chết chóc bằng một việc làm yêu thương mạnh mẽ hơn. "Chúa Trời con ơi, xin chiếu sáng bóng tối tăm của con!" - là lời kêu cầu của giờ kinh phụng vụ ban tối. Trong ánh sáng Phục Sinh của Chúa, Đấng không bỏ rơi bất cứ một ai trong những người Cha đã trao phó cho Người, chúng ta có thể lấy đi khỏi tử thần cái "ngòi chích" của nó, như Tông Đồ Phaolô đã nói (xem 1Corinto 15:55); chúng ta có thể ngăn cản được việc nó gây độc hại cho đời sống của chúng ta, việc nó làm cho cảm xúc của chúng ta trở thành trống rỗng, việc nó làm cho chúng ta rơi vào khoảng không đen tối nhất. 


Chúng ta có thể an ủi nhau bằng đức tin ấy, ý thức rằng Chúa đã vĩnh viễn chiến thắng tử thần. Những người thân yêu của chúng ta đã không biến mất vào cái tăm tối hư không: niềm hy vọng bảo đảm với chúng ta rằng họ đang ở trong bàn tay nhân lành và quyền năng của Thiên Chúa. Tình yêu mạnh hơn chết chóc. Bởi thế, phải làm sao để cho tình yêu tăng triển, để làm cho nó vững chắc hơn, và tình yêu sẽ bảo vệ chúng ta cho đến ngày hết mọi giọt nước mắt được lau khô, khi "chết không còn nữa, cũng chẳng còn than van hay khóc lóc hoặc đớn đau nữa" (Khải Huyền 21:4). Nếu chúng ta được đức tin này nâng đỡ, thì cảm nghiệm về sự mất mát có thể làm phát sinh một tình liên kết mạnh mẽ hơn cho các mối liên hệ gia đình, một sự cởi mở mới trước nỗi sầu thương của các gia đình khác, một tình huynh đệ mới đối với các gia đình được hạ sinh và tái sinh trong niềm hy vọng


Được hạ sinh và tái sinh trong niềm hy vọng! - đó là những gì đức tin cống hiến cho chúng ta. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh đến câu cuối cùng của bài Phúc Âm chúng ta đã nghe hôm nay. Sau khi Chúa Giêsu hồi sinh cho người trẻ, con của người mẹ góa, Phúc Âm viết: "Chúa Giêsu đã trao anh ta cho mẹ của anh ta". Đó là niềm hy vọng của chúng ta! Tất cả những người thân yêu đã ra đi của chúng ta - tất cả - Chúa sẽ trả lại cho chúng ta và chúng ta sẽ cùng nhau gặp lại họ. Và niềm hy vọng này không làm thất vọng. Chúng ta hãy nhớ kỹ cử chỉ này của Chúa Giêsu! "Chúa Giêsu đã trao anh ta cho mẹ của anh ta". Chúa Giêsu sẽ làm điều này với tất cả những người thân yêu của chúng ta trong gia đình.


Đức tin ấy, niềm hy vọng ấy là những gì bảo vệ chúng ta khỏi quan điểm hư không về sự chết, cũng như khỏi những thứ an ủi giả tạo của thế giới này, nhờ đó chân lý Kitô giáo "không bị nguy cơ lẫn lộn với đủ mọi thứ huyền thoại, hướng chiều về các thứ nghi thức mê tín dị đoan, cổ xưa hay tân thời" (Đức Benedicto XVI, Huấn Từ Truyền Tin, 2/11/2008). 


Ngày nay, các vị Mục Tử và tất cả mọi Kitô hữu cần phải bày tỏ một cách cụ thể hơn nữa ý nghĩa của đức tin trong việc đương đầu với cảm nghiệm mất mát của gia đình. Chúng ta không chối bỏ quyền được khóc. Chúng ta cần phải khóc thương. Chúa Giêsu cũng "đã khóc" và "xúc động sâu xa" trước nỗi sầu thương chết chóc của một gia đình Người yêu thương (xem Gioan 11:33-37). Ngoài ra chúng ta còn có thể học được nơi chứng từ chân thành và mãnh liệt của rất nhiều gia đình, thành phần mà ngay trong chính cuộc vượt qua khó khăn của cái chết, cũng đã có thể bám lấy cuộc vượt qua bảo đảm của Chúa, Đấng tử giá và phục sinh, với lời hứa bất khả vãn hồi của Người về cuộc phục sinh từ trong cõi chết. Công cuộc yêu thương của Thiên Chúa mãnh liệt hơn công việc của tử thần. Chính vì tình yêu ấy mà chúng ta cần phải làm cho mình thành "những tay đồng lõa" chủ động với đức tin của chúng ta! Chúng ta hãy nhớ đến cử chỉ của Chúa Giêsu: "Chúa Giêsu đã trao anh ta cho mẹ của anh ta". Người sẽ làm điều ấy với tất cả mọi người thân yêu của chúng ta cũng như với chúng ta khi chúng ta sẽ gặp gỡ, khi sự chết cuối cùng bị thảm bại nơi chúng ta - và bị thảm bại trước Thánh Giá của Chúa Giêsu. 


Chúa Giêsu sẽ phục hồi lại tất cả mọi gia đình. Xin cám ơn anh chị em. 


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (kèm theo nhan đề và những chỗ tự nhấn mạnh)

http://www.zenit.org/en/articles/general-audience-on-mourning-the-loss-of-a-loved-one

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Đức Thánh Cha Phanxicô - Giáo Lý Gia Đình Bài 27 - Thứ Tư 26/8/2015 (8/27/2015)
Đức Thánh Cha Phanxicô: Giáo Lý Gia Đình - Bài 26 - Thứ Tư 19/8/2015 (8/20/2015)
Đức Thánh Cha Phanxicô: Giáo Lý Gia Đình - Bài 24 - Thứ Tư 5/8/2015 (8/15/2015)
Đức Thánh Cha Phanxicô: Giáo Lý Gia Đình - Bài 25 - Thứ Tư 12/8/2015 (8/15/2015)
Đức Thánh Cha Phanxicô - Giáo Lý Về Gia Đình: Bài 23 - Thứ Tư 24/6/2015 (6/24/2015)
Tin/Bài khác
Đức Thánh Cha Phanxicô - Giáo Lý Gia Đình Bài 21 - Thứ Tư 10/6/2015 (6/10/2015)
Đức Thánh Cha Phanxicô - Giáo Lý Gia Đình - Bài 20 (6/4/2015)
Đức Thánh Cha Phanxicô - Giáo Lý Gia Đình - Bài 19 - Thứ Tư 27/5/2015 (5/28/2015)
Đức Thánh Cha Phanxicô - Giáo Lý Gia Đình: Bài 18 - Thứ Tư 20/5/2015 (5/21/2015)
Đức Thánh Cha Phanxicô - Giáo Lý Gia Đình - Bài 17 Thứ Tư 13/5/2015 (5/14/2015)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768