Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Quyền Bính Để Phục Vụ, Thanh Thanh
Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 11-2010

QUYỀN BÍNH ĐỂ PHỤC VỤ

Năm 1880, ở thành phố Paris , có một Linh mục ăn mặc nghèo hèn đến gõ cửa nhà một Cha Sở xin được trọ qua đêm. Cha Sở tiếp khách rất thờ ơ rồi chỉ cho Linh mục ấy lên chiếc gác xép nhà xứ. Linh mục ấy tên là Gioan Bosco, từ Turin nước Ý sang Paris để quyên tiền về xây trường giáo dục các thiếu niên.

Nhiều năm sau, Giáo Hội đã tôn phong Gioan Bosco lên bậc hiển thánh. Khi nghe tin đó, Cha Sở nọ nói: "Phải chi lúc đó tôi biết ông ấy là Don Bosco thì tôi đâu có để Ngài ở  trên cái gác xép ấy, trại lại tôi đã dành phòng khách sang trọng nhất cho Ngài rồi.”

Sau khi Chúa sống lại từ cõi chết, sau khi nghe bài giảng của Phêrô có rất nhiều người Dothái cũng nói tương tự như thế “Phải chi lúc ấy chúng ta biết Ngài”

Đó là một thực trạng của xã hội hôm nay, chẳng riêng gì người ngoài công giáo, mà cả những tín hữu đến những người tu trì, khi quá sử dụng lý trí để hành xử, giải quyết các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Vì thế, không cảm nhận cũng chẳng cảm thông được với người khác, càng khó nhận ra những đau khổ, bất hạnh của người xung quanh. Bởi thế, trái tim càng lúc khô héo dần, để rồi, dù có những hoàn cảnh éo le, bi đát xuất hiện trước mặt, ta vẫn lạnh như tuyết, rồi giải quyết với sự dè dặt, đề phòng.

Lối sống thiếu trái tim yêu thương làm cho hình ảnh Chúa Kitô bị lu mờ dần khiến những người chưa biết Chúa càng khó có cơ hội để gặp Ngài.

Nhìn vào Đức Giêsu, Vua vũ trụ, Người có đầy đủ quyền lực, giàu sang, thánh thiện, nhưng lối hành xử với con người của Ngài lại rất khác con người. Thánh Phaolô rói như sau: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).

Nhìn vào Đức Giêsu, qua đời phục vụ con người, ta mới thấy thế nào là nào là tình yêu dâng hiến, thế nào là hy sinh quên mình, thế nào là dấn thân cứu độ.

Nhìn vào Đức Giêsu, ta mới hiểu thế nào là Vua thật và thế nào là vua giả.

Vua giả thì thương bản thân và tìm kiếm mọi thứ lợi lộc, sung sướng, an nhàn, an toàn, an tâm cho riêng mình, rồi mới nghĩ đến người khác. Còn vua thật thì chỉ biết nghĩ đến người khác, làm mọi cách để người khác được vui sướng, tìm mọi cơ hội để giúp đỡ con người, đang khi bản thân thì chịu nhiều thiệt thòi, hy sinh, đau khổ, thương tích, chết chóc.

Vua giả được mặc lấy mọi thứ chúc tụng ngợi khen và biết bao châu báu ngọc ngà, còn vua thật thì được tôn vinh trên đồi sọ với sự lột trần tất cả đến thê thảm. Tài sản bị tước đoạt đến thân mình trần trụi. Người thân xa lánh, bỏ rơi, bỏ trốn hoặc im lặng như Chúa Cha. Còn danh dự thì bị coi như đối tượng bị chúc dữ khi phơi mình trên thập giá. Lúc này quyền bính đáng lẽ phải ra oai thì giờ là câm nín. Trên thập giá, dường như mọi quyền bính là tư tế, ngôn sứ, vương đế cũng bị tước đoạt, cùng với mọi lời thóa mạ, thách thức quyền tối cao của Ngài. Mọi khả năng và cả sự sống của Ngài cũng dần dần bị cướp đi.

Với cái đầu suy nghĩ, thì người ta đã kết một Thiên gai cắm sâu vào óc Ngài.

Với đôi bàn tay để ban ơn, thì đinh đã gim chặt vào cây gỗ.

Với đôi chân bước đi, thì bị đinh đóng chặt vào khúc gỗ.

Với trái tim để yêu, thì bị lưỡi đòng đâm nát.

Với tình trạng khốn khổ như thế, khiến nhiều người phải nghĩ, bản thân mình lo không nổi, nói chi cứu người khác. Đúng là một thách thức quá lớn của con người dành cho Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên đang và cứu vớt con người.

Nhìn vào Đức Giêsu, ta thấy Ngài đã dâng hiến tất cả để trao ban cho con người sự sống, tình yêu và chân lý. Ngài phục vụ liên lỉ, mặc cho sự dửng dưng, chống đối của người khác. Ngài đã hiến trao tất cả cho nhân loại, vì con người.

Nhìn vào Đức Giêsu, với tình trạng bi đát đến thế, vậy mà Ngài vẫn còn cái miệng mở ra van xin Cha tha tội cho kẻ hại Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm!”. Lúc sắp chết đến nơi mà Ngài vẫn rộng tay ban phúc, mở lòng đón nhận người trộm lành: “Hôm nay Ta cho ngươi vào Thiên đàng với Ta” (Lc 23, 43).

Nhìn vào Đức Giêsu, ta thấy sự khác biệt quá lớn giữa vua trần gian và Ngài. Ngài đã sử dụng tất cả những gì mình có là quyền uy, danh dự, tình yêu, thân xác, thời gian, sự sống để phục vụ và cứu vớt con người. Mọi cơ phận của Ngài được khai thác tối đa để sinh ích cho nhân loại.

Miệng luôn nói lời yêu thương, cảm thông, thương xót, tha thứ, mọi lời nói toát lên những khuyến khích, an ủi, thánh thiện.

Tay luôn dùng để giúp đỡ, chữa lành, đuổi tà, chia sẻ, ban phúc cho mọi người.

Chân luôn bước đi không biết mỏi mệt để đến với từng làng mạc, từng nhà và từng người để chia sẻ số phận của kiếp người, giúp cho nhân đừng đắm chìm trong mê trần, nhưng cần hướng lòng lên trời cao.

Tai luôn lắng nghe lời thống khổ, kêu cứu, van xin của con người và mau mau cứu giúp.

Mắt luôn dõi theo từng bóng dáng của con người, coi đó là người nhà, và luôn vui khi được sống giữa dân Ngài.

Trái tim thì rộng mở, tâm hồn luôn sẵn sàng, dòng máu thì mãnh liệt yêu thương đến độ Ngài không còn biết đến bản thân nữa, chỉ còn lại là để loại được sống hạnh phúc, bình an, và hết thảy đều được cứu độ.

Mọi người tín hữu đều được mời gọi để chỉnh đốn đời sống, sửa lại quan niệm sai lầm, sẵn lòng đón nhận Chúa Giêsu, và để cho Vua tình yêu hướng dẫn, phục vụ ta như điều Ngài mong ước. Đừng từ chối tên tuổi, trái tim, lời nói và việc làm của Ngài, nhưng là trân trọng đón nhận Ngài vào trong tâm hồn mình.

QUYỀN BÍNH ĐỂ PHỤC VỤ

Chúa Nhật 34 thường niên

Chúa Kitô vua vũ trụ

THANH THANH

http://niemvuimoi.org

 
 
 
  

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về