Giờ đây, qua gần 60 năm cuộc đời, tôi nhận ra rằng mỗi khi có những biến cố lịch sử quan trọng của thế giới, của tổ quốc Việt Nam hay của đất nước Hoa Kỳ thì đều ảnh hưởng sâu xa đến đời sống của từng người dân.
Tôi xin được bắt đầu với biến cố đất nước Việt Nam bị chia đôi, trở thành hai miền Nam Bắc với hai chủ nghĩa khác nhau: chủ nghĩa Cộng Sản và chủ nghĩa Cộng Hòa.
Năm 1954, khi tôi mới được 4 tuổi, gia đình chúng tôi cùng với hàng triệu người miền Bắc di cư vào miền Nam Việt Nam. Đại gia đình chúng tôi đã bỏ lại sau lưng tất cả tài sản, tình cốt nhục bị chia lìa để tránh chế độ Cộng Sản.
Đến năm 1963, cuộc cách mạng lật đổ chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa của Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã làm cho tình trạng đất nước Việt Nam trở nên tệ hại và bất ổn. Đời sống thanh bình của đất nước biến mất cùng với cái chết bi thảm của Tổng Thống Diệm và các em của ông.
Mùa Xuân năm Mậu Thân 1968, khi tôi đang còn học lớp cuối cùng của trung học thì xẩy ra biến cố Mậu Thân. Hàng ngàn người bị Cộng Sản ám sát một cách tàn nhẫn và vô nhân đạo, đặc biệt là ở Huế, nơi mà gia đình tôi đã từng sinh sống.
Đến mùa hè năm 1968, Việt Cộng pháo kích vào thủ đô Sàigòn và gây ra nạn hỏa hoạn cho các vùng chung cư. Hàng vạn dân vô tội bị mất nhà và gia sản, trong đó có gia đình tôi. Nhà của chúng tôi ở vùng Thị Nghè, bên cạnh Ty Canh Nông đã bị hỏa hoạn. Từ đó, tài sản , hình ảnh kỷ niệm và giấy tờ quan trọng bị cháy rụi.
Sau đó, vì không còn nhà ở nên gia đình tôi phải đến tá túc ở nhà một gia đình người thân ở sát bên bịnh viện Bình Dân. Trong lúc ấy, Việt Cộng thường hay pháo kích vào Sàigòn lúc ban đêm. Một lần, có đạn pháo kích rớt ngay vào bịnh viện Bình Dân, trên đường Phan Thanh Giản, Sàigòn, và sát ngay nhà của thân nhân tôi.
Năm 1972, trong cuộc chiến Mùa Hè Đỏ Lửa, những người thân trong gia đình chồng tôi phải hốt hoảng chạy để thoát thân trên con đường máu có tên là Đại Lộ Kinh Hoàng, từ Quảng Trị chạy vào Đà Nẵng.
Năm 1975, khi Cộng Sản chiếm miền Nam Việt Nam, gia đình tôi chịu đau khổ và mất mát rất nhiều.
Năm 1978, gia đình chúng tôi tìm đường vượt biên bằng đường thủy thì bị gài bắt và bị cướp hết vàng và tiền bạc. Sau đó, chúng tôi bị sa thải và mất việc làm vì bị gán tội là những “kẻ phản quốc”. Gia đình chúng tôi bị bắt giam tại ba trại tù khác nhau. Khi được trả tự do, chúng tôi bị buộc đi ra khỏi nhà mình để bị đi đầy trên vùng rừng núi mà “nhà nước”gọi với một mỹ từ là: ”Vùng Kinh Tế Mới.” Tuy nhiên, gia đình chúng tôi quyết định ở lại nhà mình, thà rằng cắm lều ở trước nhà của mình còn hơn là bị chết đói trên vùng kinh tế mới.
Cuối tháng 3 năm 1980, gia đình chúng tôi đi vượt biên bằng đường bộ, qua ngả đường Củ Chi, Tây Ninh, rồi vượt biên giới Việt-Miên vào ban đêm, đến Nam Vang thuộc nước Cambodia.
Trong 15 ngày gian khổ, chúng tôi đến được trại tị nạn ở biên giới Thái-Cambodia. Tại nhiều trại khác nhau, chúng tôi sống kiếp tị nạn đau khổ, bị bạc đãi và đói khát. Phải nói rằng, kiếp sống của chúng tôi còn tệ hơn là cảnh những kẻ hành khất.
Ngày 16 tháng 10 năm 1980, chúng tôi do sự bảo lãnh của mẹ tôi mà gia đình đến được vùng đất tự do có đầy mật và sữa, đó là tiểu bang California, thuộc miền Tây Hoa Kỳ.
Ngày 13 tháng 5 năm 1981, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bị ám sát hụt. Biến cố này làm cho tôi thấy sự dữ luôn hiện diện.
Khoảng một tuần sau đó, tháng 5 năm 1981, Tổng Thống Ronald Reagan bị ám sát hụt. Hai biến cố này khiến cho chúng tôi giật mình vì thấy con người thật là độc ác vì họ muốn giết những người hiền lành và có uy quyền.
Anh ruột của chồng tôi là cựu Trung Tá Không-Quân Hà Thuyên, vào tháng 3 năm 1975, anh và bộ tham mưu của anh gồm 1 vị tướng và các sĩ quan cao cấp bị bắt làm tù binh trên đường rút quân. Anh Thuyên bị tù 8 năm. Về nhà được một tuần, vào cuối năm 1983, anh cùng con trai đi vượt biên đường thủy, và anh đã chết đuối khi cố gắng bơi vào bờ. Con trai anh bơ vơ, và gia đình chúng tôi đã đón cháu về nhà nuôi. Vợ con anh đau khổ và hụt hẫng. Giờ này, họ vẫn còn vất vả ở Việt Nam.
Năm 1985, vì bị nghỉ việc và bị đuổi nhà, tôi đã có ý định tự tử vì không còn biết đối phó ra sao với những thử thách lớn lao của cuộc đời. Nếu không có sự nâng đỡ tinh thần của gia đình và của vợ chồng vị mục sư Unruh thì tôi đã chết.
Ngày 6-11-1989, bức tường Berlin bị phá vỡ tạo ra thế dây chuyền khiến cho chế độ cộng sản theo nhau sụp đổ tại các nước Đông Âu và Liên Xô. Toàn thế giới đã vui mừng, vì giấc mơ kéo dài nửa thế kỷ đã thành sự thực, mà không cần tốn một viên đạn và một giọt máu nào.
Năm 1991, chế độ Cộng Sản tan rã ở Liên Xô và ở các nước Động Âu, người người đều vui mừng. Riêng tôi luôn tự hỏi:
”Bao giờ đất nước Việt Nam của mình thực sự thoát khỏi ách thống trị của Cộng Sản?“
Năm 1997, sau nhiều biến cố đau thương của gia đình, tôi chân thành trở lại với Thiên Chúa và sống gắn bó với Ngài vì đã tìm được một con đường, một lối sống khác. Niềm tín thác vào Thiên Chúa được củng cố.
Ngày 11 tháng 9 năm 2001, là lúc biến cố khủng bố 911 xẩy ra tại New York, Pennsylvania, và Washington, D.C. làm sập hai tòa nhà Mậu Dịch Quốc tế và giết hại gần 4 ngàn người Mỹ. Biến cố kinh hoàng này làm cho cả thế giới rúng động. Kể từ đó, sự an toàn của nước Mỹ và dân tộc Mỹ không còn nữa.
Ngày 16 tháng 9 năm 2002, tin Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận qua đời ỡ Roma làm cho cả thế giới và Cộng Đồng Công Giáo bàng hoàng và thương tiếc.
Ngày 26 tháng 12 năm 2004, sóng thần Tsunami xẩy ra sau trận động đất ở các nước Châu Á, giết chết trên 200 ngàn người tại nhiều quốc gia khác nhau. Theo tôi nghĩ thì đó là lời cảnh báo của Thiên Đàng.
Ngày 2 tháng 4 năm 2005, biến cố Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II qua đời và sau đó là tang lễ của ngài làm cho cả thế giới và bản thân tôi học được những bài học khiêm nhường, thánh thiện, và sống khó nghèo.
Cuối tháng 8 năm 2005, cơn bão Katrina làm cho một số tiểu bang ở nước Mỹ như tê liệt trước sự tàn phá của thiên tai. Chỉ trong tích tắc, một số tiểu bang của siêu cường quốc Hoa Kỳ đã trở về tình trạng hỗn độn, vô trật tự, cướp bóc, giết chóc, thiếu thốn … giống như tình hình ở bất cứ một trại tị nạn nào đó trong một quốc gia chậm tiến
Tháng 10 năm 2007, các cuộc cháy rừng liên tiếp ở tiểu bang California làm cho mọi người cảm thấy thân phận con người thật mỏng dòn trước thiên tai.
Nói tóm lại, các biến cố chính trị, xã hội và thiên tai của cuộc sống làm cho tôi cảm thấy cuộc đời thật ngắn ngủi, kiếp sống thật mong manh. Càng quan tâm đến thời cuộc, tôi càng cảm thấy chỉ có lòng tín thác vào Thượng Đế là điều quan trọng nhất để có thể sống còn trước những thử thách và đau khổ!
Tôi cũng học được rất nhiều bài học tốt lành qua các vị “Thánh”của thời đại như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Mẹ Têrêsa Calcutta, và Nữ Tu thị nhân Fatima là Lucia Dos Santos.
(Trích trong tác phẩm Phấn Đấu Trên Đất Mỹ sẽ được xuất bản)
Kim Hà 2/4/08 (Ngày giỗ thứ ba của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II)
Hình của anh Hà Thuyên chụp năm 1969, khi đang là Đại Úy Không Quân Việt Nam Cộng Hòa
|