MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Lthn Thứ Sáu 24-2 Tuần Vii Tn
Thứ Sáu, Ngày 24 tháng 2-2017

LTHN Thứ Sáu 24-2 Tuần VII TN

"Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?"

"Nếu ngươi có được người bạn hữu, hãy thử thách rồi hãy nhận"

Suy Niệm

Vấn đề của bài Phúc Âm hôm nay hoàn toàn khác với các vấn đề của các bài Phúc Âm trước đây trong tuần. Tuy nhiên, ở một nghĩa nào đó, có thể nói vấn đề của bài Phúc Âm hôm nay một phần nào liên hệ với vấn đề của bài Phúc Âm hôm qua. Nếu vấn đề của bài Phúc Âm hôm qua về vấn đề gương mù gương xấu trong thế gian và dịp tội nơi chủ thể phạm nhân thì vấn đề của bài Phúc Âm hôm nay về vấn đề tục lệ ly dị (liên quan đến gương mù gương xấu trong xã hội) và về thành phần ly dị (liên quan đến dịp tội ở chính bản thân đương sự phạm nhân).

Trước hết, về vấn đề tục lệ ly dị (liên quan đến gương mù gương xấu trong xã hội): "Những người biệt phát đến gần và hỏi thử Người rằng: 'Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?'". Sở dĩ vấn đề ly dị ở đây, dù có được phép chăng nữa: "Môsê cho phép làm giấy ly dị và cho ly dị", nhưng Chúa Giêsu đã vạch trần bộ mặt bất chính của nó như sau: "Chính vì sự cứng lòng của các ông mà Môsê đã viết ra điều luật đó".

Sau nữa, về thành phần ly dị (liên quan đến dịp tội ở chính bản thân đương sự phạm nhân): "Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Vì thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không thể phân rẽ".

Ở đây chính Chúa Giêsu đã trả lại cho ý nghĩa đích thực và giá trị cao cả của hôn nhân theo dự án thần linh từ nguyên thủy của Thiên Chúa Hóa Công. Chưa hết, để bổ túc thêm cho phần tích cực của hôn nhân liên quan đến ý nghĩa và giá trị của nó theo dự án thần linh, trong câu trả lời cho riêng các môn đệ của mình sau đó, Chúa Giêsu còn bồi thêm phần tiêu cực liên quan đền thành phần ly dị nữa, như sau: "Về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điểm đó. Và Người bảo các ông: 'Ai bỏ vợ mình và lấy vợ khác, thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước. Và người nữ bỏ chồng mà lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình'".

Nếu "sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không thể phân rẽ" thì người phối ngẫu của mình chính là người được Thiên Chúa chọn cho mình, được Ngài mang đến cho mình, một cách nào đó và vào một lúc nào đó, và lòng mình cảm nhận được con người thiên duyên ấy, và tự nhiên yêu thương quyến luyến với con người như thuộc về mình từ bao giờ ấy, đến độ sống không thể thiếu được người ấy, và đến độ con người ấy trở thành như thể chính bản thân mình, chính lẽ sống của mình, không thể nào không trở nên một xác thịt trong đời sống hôn nhân gia đình.

Thật vậy, "từ lúc khởi đầu sáng tạo", con người duy nhất bấy giờ (là Adong) được Thiên Chúa mang nàng Evà đến cho chàng, chứ không phải chàng tự đi tìm kiếm, hay nói đúng hơn, chàng hằng thiết tha khao khát một người nội trợ xứng hợp với mình, một niềm khát vọng ở tận thâm tâm của chàng được biểu hiệu qua một giấc ngủ say (xem Khởi Nguyên 2:21), để rồi khi thức dậy sau một giấc ngủ thật say, như thể nội tâm của chàng đã cảm nghiệm được chính bản thân của chàng, thì phản ứng đầu tiên ngay tức khắc và duy nhất của chàng bấy giờ là nhận biết và chấp nhận những gì từ Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa: "Cuối cùng nàng đây mới là xương bởi xương của tôi, thịt bởi thịt của tôi" (Khởi Nguyên 2:21-24), rồi đáp ứng bằng cách "lìa bỏ cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai trở nên một thân thể" (Khởi Nguyên 2:24).

Chữ "cuối cùng" trong câu nói công khai đầu tiên của con người về bản thân mình cho thấy lòng khát vọng tìm được "một người nội trợ xứng hợp với mình" (Khởi Nguyên 2:20), một con người vượt trên mọi loài muông thú đã được chàng nhận biết rõ ràng và đặt tên cho từng con (xem Khởi Nguyên 2:19) nhưng chúng vẫn không hợp với chàng, nên chàng đành phải tiếp tục sống lẻ loi cô độc là một tình trạng không hợp với chàng và "không tốt" (Khởi Nguyên 2:18), nghĩa là không trọn vẹn đối với chàng là một con người chẳng những được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa (xem Khởi Nguyên 1:26), ở chỗ duy nhất, mà còn được dựng nên tương tự như Thiên Chúa (xem Khởi Nguyên 1:26), ở chỗ hiệp thông, cho đến khi "cuối cùng" chàng đã được toại nguyện, ở chỗ có đôi: "Thiên Chúa đã dựng nên họ có nam có nữ" (Khởi Nguyên 1:27).

Sau này, cho dù có nghe theo vợ mình là Evà mà anh chồng Adong đã trở thành đồng phạm ăn trái cấm với nàng và vì thế đã trắng trợn phạm đến Thiên Chúa tối cao là Đấng đã tạo dựng nên mình, nhưng trong câu đáp lời Thiên Chúa hạch hỏi: "Ai đã bảo ngươi rằng ngươi trần truồng...?", chàng vẫn công nhận nàng chứ không bao giờ chối bỏ nàng hay ruồng bỏ vợ của chàng: "Người nữ mà Ngài đã cho ở với con đây..." (Khởi Nguyên 3:12), câu thứ hai con người thân thưa cùng Vị Thiên Chúa Hóa Công của mình.

Nghĩa là Adong vẫn công nhận Evà thuộc về chàng và nàng được chính Thiên Chúa cho ở với chàng, bằng không, nếu chàng bỏ nàng là chàng, trước hết và trên hết, bỏ Chúa, là chàng "phân ly những gì Thiên Chúa đã liên kết ràng buộc" chàng với nàng. Ngay từ ban đầu không có như vậy, không có vấn đề hay tình trạng ly dị, đúng như Chúa Giêsu đã khẳng định trong bài Phúc Âm hôm nay.

Tuy nhiên, ngày nay, theo chủ nghĩa tương đối duy nhân bản, con người tôn thờ nhân quyền theo cá nhân chủ nghĩa, họ chủ trương tôi có quyền lấy người này thì tôi cũng có quyền bỏ họ mà lấy người khác tùy tôi; người phối ngẫu của tôi là do chính tôi chọn lựa theo ý thích, ý nghĩ và ý muốn chủ quan và tự do của tôi, chứ không phải Thiên Chúa chọn cho tôi nên tôi phải chấp nhận họ, và không bao giờ được bỏ họ khi tôi không còn thích họ nữa.

Cảm Nghiệm

Hôn nhân, theo lời Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay và mạc khải Thánh Kinh, là do Thiên Chúa thiết lập và xe duyên kết nghĩa cho từng cặp, vì con người được Ngài dựng nên "có nam có nữ", nhờ đó họ có khả năng hiệp thông như Ngài bằng yêu thương, một yếu tố bất khả thiếu khiến họ nhận biết nhau và hiệp nhất nên một với nhau như vợ chồng.

Chính mối hiệp nhất nên một xác thịt này giữa con người nam nữ phối ngẫu với nhau là thực tại đòi tình yêu phối ngẫu phải là một tình yêu vĩnh viễn, tình yêu trọn đời, bất chấp tất cả những gì khác biệt nơi nhau (như sở thích hay văn hóa hoặc tôn giáo), tất cả những gì nghịch lại với nhau (như tính nết hay chủ trương hoặc chọn lựa), thậm chí bất chấp tất cả những gì xúc phạm đến nhau (như khinh bỉ nhau hay nguyền rủa nhau hoặc phản bội nhau).

Thế nhưng, sống với bản tính đã bị hư đi theo nguyên tội, ơn gọi và đời sống hôn nhân không dễ dàng bền vững cho đến cùng, nhất là trong thế giới đang tôn thờ cái tôi, chỉ biết quyền làm người hơn tình làm người, thì động một tí là họ có thể bỏ nhau, có thể "phân ly những gì Thiên Chúa đã liên kết".

Kinh nghiệm phũ phàng cho thấy, chính lúc con người sống đời vợ chồng có thể chứng tỏ tình yêu thương nhau một cách chân thực nhất và hoàn hảo nhất thì họ lại ly dị nhau, đó là khi họ xúc phạm đến nhau, khi họ chịu đau khổ bởi nhau. Và sở dĩ họ bỏ nhau là vì họ yêu nhau theo sắc dục và lợi lộc hơn là trong Chúa là Đấng đã xe duyên kết nghĩa cho họ. Cho dù ngay từ đầu tình yêu của họ là một tình yêu đầy ý thức và có tính cách siêu nhiên, nhưng khi va chạm với những gian nan khốn khó và thử thách tình yêu chân thành ấy để nó trở thành tình yêu trọn hảo như tình yêu của Thiên Chúa thì họ lại không thể tiếp tục chấp nhận nhau được nữa, không thể sống với nhau được nữa, bất chấp lợi ích của con cái v.v.

Đó là lý do vấn đề chọn lựa bạn hữu nói chung và nhất là người bạn tình uôn thuở sống đời với mình nói riêng là những gì rất quan trọng ngay từ ban đầu, cần phải thực hiện bằng lý trí hơn là chỉ duy bằng tình cảm, một tác động lý trí bất khả thiếu để khôn ngoan sáng suốt chọn lựa trong cầu nguyện và được tác động bởi đức tin. Một khi đã chọn lựa và chấp nhận nhau thật sự bằng đức tin ngay từ ban đầu thì chắc chắn sẽ trung thành với nhau đến cùng, bất chấp giá nào, đúng như Sách Huấn Ca trong Bài Đọc 1 hôm nay đã khôn ngoan chỉ dẫn con người chẳng những trong việc tìm bạn (1) mà còn cả cái phúc khi có được một người bạn tốt (2), cùng với điều kiện tối yếu để được người bạn ấy (3), như sau:

"Ngươi nên có nhiều bạn hữu, nhưng chỉ nên chọn một trong ngàn người làm cố vấn. Nếu ngươi có được người bạn hữu, hãy thử thách rồi hãy nhận, và đừng dễ dàng tin tưởng người đó. Vì có thứ bạn hữu chỉ thân trong lúc vận hên và không trung thành trong cơn khốn khó.... (1) Người bạn trung thành là chỗ dung thân vững chắc. Ai gặp được người bạn hữu như thế, là gặp được kho báu. Không có gì sánh được với người bạn trung thành, không số lượng vàng bạc nào có thể cân nặng hơn lòng trung tín tốt lành của người bạn đó. Người bạn hữu trung thành là liều thuốc trường sinh bất tử. (2) Những ai kính sợ Chúa, sẽ gặp được người bạn đó. Ai kính sợ Chúa, người đó cũng có tình bạn tốt, vì người bạn hữu của người đó sẽ giống như người đó".

Bởi vậy, nếu "những ai kính sợ Chúa, sẽ gặp được người bạn đó. Ai kính sợ Chúa, người đó cũng có tình bạn tốt, vì người bạn hữu của người đó sẽ giống như người đó" thì "người đó" nói chung (áp dụng vào đủ mọi ơn gọi và trường hợp) và thành phần sống đời hôn nhân gia đình, cả trước và trong thời gian sống với nhau như vợ chồng, cần phải sống theo tâm nguyện của Bài Đáp Ca hôm nay: "Lạy Chúa, xin hướng dẫn con vào đường lối chỉ thị Ngài" (TV 118: 35):

1) Thân lạy Chúa, Ngài muôn phúc đức, xin dạy con các thánh chỉ của Ngài.

2) Con lấy thánh chỉ Ngài làm hoan lạc, và lời Ngài dạy, con chẳng dám quên.

3) Xin mở rộng tầm con mắt của con, để quan chiêm những điều kỳ diệu trong luật Chúa.

4) Xin cho con am hiểu đường lối huấn lệnh của Chúa, để con suy gẫm các điều kỳ diệu của Ngài.

5) Xin dạy con, để con vâng theo luật pháp Ngài, và để con hết lòng tuân giữ luật đó.

6) Xin hướng dẫn con vào đường lối chỉ thị Ngài, vì chính trong đường lối này con sung sướng.

Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Cảm Nghĩ Về "một Người Mẹ" (3/5/2017)
Hai Người Mẹ (3/4/2017)
Cảm Nghĩ Về "một Người Mẹ" (3/4/2017)
Cn 3871: Các Thông Điệp Mới Nhất Của Chúa Giêsu Và Đức Mẹ (2/27/2017)
Cn 3870: Thị Nhân Nước Canada Được Thị Kiến Đức Mẹ Maria (2/27/2017)
Tin/Bài khác
Đức Mẹ Nói Cùng Tôi (2/12/2020)
Đức Mẹ Lộ Đức (2/12/2020)
Đức Mẹ Và Mầu Nhiệm Nhập Thể (2/22/2017)
Sách Vàng (2/19/2017)
Thơ Đức Mẹ La-vang (2/18/2017)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768