MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Satan Tên Phá Hoại (suy Niệm Của Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)
Thứ Ba, Ngày 12 tháng 6-2018
Satan tên phá hoại

(Suy niệm của Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)

- Bài đọc I (St 3,9-15): Satan cám dỗ nguyên tổ phạm tội

- Đáp ca (Tv 129): Lời cầu nguyện của kẻ lỡ phạm tội.

- Tin Mừng (Mc 3,20-35): Đức Giêsu và quỷ vương Bêendêbun

 

I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Anh chị em thân mến

Có một thực tại vô hình nhưng rất năng động trong cuộc sống, đó là sự phá hoại của Satan. Thánh Phêrô đã khuyến cáo các tín hữu của ngài rằng "Ma quỷ như sư tử luôn rảo quanh tìm mồi".

Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa dạy cho biết Satan luôn phá hoại chúng ta thế nào, và bằng cách nào chúng ta có thể thoát khỏi sự phá hoại ấy.

 

II. GỢI Ý SÁM HỐI

- Vì coi thường sự phá hoại của ma quỷ nên nhiều lần chúng ta sa ngã vì cám dỗ của chúng.

- Nhiều khi chúng ta nghe theo lời xúi dục của ma quỷ mà không nghe lời Chúa.

- Xin Chúa thương xót thân phận yếu đuối tội lỗi của chúng con.

 

III. LỜI CHÚA

1. Bài đọc I (St 3,9-15)

Bài tường thuật này xử dụng một câu chuyện (có thể chỉ là hư cấu) để diễn tả những điểm giáo lý quan trọng:

- Đầu mối của tội lỗi là Satan: Khi bị Thiên Chúa hạch hỏi về tội đã phạm, ban đầu Adam đổ cho Evà, nhưng sau cùng Evà đã thú nhận là do Satan xúi dục.

- Sự phá hoại của Satan vẫn còn tiếp tục: Thiên Chúa phán với con rắn "Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ của mi và miêu duệ người nữ".

2. Đáp ca (Tv 129)

Lời cầu nguyện của kẻ lỡ phạm tội: "Từ vực sâu con kêu lên Chúa… Nếu Chúa nhớ hoài sự lỗi thì nào ai đứng vững được… bởi vì Chúa rộng lượng từ bi và Chúa rất giàu ơn cứu độ"

3. Tin Mừng (Mc 3,20-35)

Sự phá hoại của Satan mà Thiên Chúa đã nói trong sách Sáng thế được tiếp tục nơi Đức Giêsu. Satan phá hoại Ngài bằng nhiều cách:

- Xúi giục các luật sĩ xuyên tạc phép lạ Đức Giêsu làm, rằng Ngài đã dùng sức quỷ vương mà trị quỷ nhỏ.

- Xúi giục những người phạm tội "phạm đến Chúa Thánh Thần", nghĩa là không chịu sám hối để được tha thứ.

- Xúi giục chính những người thân của Đức Giêsu khiến họ nói rằng Ngài đã "mất trí" và "đi bắt" Ngài về không cho tiếp tục việc rao giảng Tin Mừng.

Nhưng cũng như Thiên Chúa đã tiên báo trong sách Sáng thế "Miêu duệ người nữ sẽ đạp nát đầu mi", Đức Giêsu cũng khẳng định rằng nước của Satan sẽ sụp đổ.

4. Bài đọc II (2 Cr 4,13--5,1) (Chủ đề phụ)

Trong trích đoạn tuần trước, Thánh Phaolô đã khiêm tốn nhìn nhận thân phận yếu đuối của người tông đồ (như chiếc bình sành dễ vỡ), đồng thời khẳng định sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chúa.

Trong trích đoạn hôm nay, Thánh Phaolô tuyên xưng niềm tin của mình vào sức sống mới do Đức Giêsu ban:

- Thiên Chúa đã làm cho Đức Kitô sống lại thì cũng làm cho chúng ta sống lại

- Mặc dù con người bên ngoài của chúng ta bị tiêu huỷ đi nhưng con người bên trong của chúng ta ngày càng được canh tân

- Gian truân hiện nay chỉ là nhất thời và nhẹ nhàng so với vinh quang đời đời sẽ được ban cho chúng ta.

- Nếu căn nhà chúng ta cư ngụ ở trần gian này bị phá huỷ đi thì chúng ta có một nơi định cư vĩnh viễn ở trên trời

 

IV. GỢI Ý GIẢNG

* 1. Đổ lỗi cho người khác

Có lỗi thì nhận lỗi. Đó là điều hợp lý và phải làm. Có như thế thì mới sửa lỗi được và mới đáng được tha.

Một trong những cách phá hoại của Satan là xúi người ta chối lỗi và đổ cho người khác. Cách phá hoại này được Satan xử dụng rất thường từ xưa đến nay:

- Ngày xưa nó xúi Adam đổ lỗi cho Evà, xúi Eva đổ lỗi cho con rắn

- Ngày nay nó xúi từ trẻ con đến người lớn dù phạm tội nhưng luôn đổ lỗi cho người khác: trẻ con làm gì sai quấy bị cha mẹ rầy luôn đổ cho người khác; người lớn cũng thế: tại người này, do nguyên nhân nọ… ít khi nào dám nhận là tại mình và do mình.

Khi chúng ta làm theo sự xúi dục của Satan mà đổ lỗi cho người khác, chúng ta không sửa lỗi được và không được tha thứ. Đây cũng là một hình thức "phạm đến Chúa Thánh Thần" mà Đức Giêsu nói trong bài Tin Mừng.

* 2. Ganh ghét và xuyên tạc

Một cách phá hoại khác của Satan là khơi lên lòng ganh ghét để người ganh ghét xuyên tạc việc làm của kẻ khác. Thâm độc của cách phá hoại này là khiến cho người ganh ghét bị mù quáng không nhận ra sự thật, và làm cho điều tốt bị hiểu lầm là điều xấu.

Trong bài Tin Mừng, các luật sĩ đâu phải là những người ít học và không có tinh thần đạo đức. Nhưng Satan đã làm mù những kiến thức và lòng đạo đức của họ bằng tính ganh ghét. Và kết quả là khi họ đã bị mù quáng rồi, họ xuyên tạc việc Đức Giêsu chữa bệnh là "dùng sức quỷ cả để trị quỷ con".

Việc các luật sĩ mà cũng bị rơi vào bẫy của Satan khuyến cáo chúng ta đừng nghĩ mình là kitô hữu, là cán bộ tông đồ, là tu sĩ hay giáo sĩ mà có thể tránh khỏi lòng ganh ghét dẫn đến việc xuyên tạc người khác.

* 3. Khôn ngoan và "mất trí"

Một cách phá hoại nữa của Satan là xúi người ta đánh giá việc của Chúa bằng sự khôn ngoan của loài người.

Những người thân của Đức Giêsu đã rơi vào cái bẫy này: Ngài đang làm công việc của một Đấng Cứu Thế, xả thân không ngơi nghỉ để giảng dạy và chữa bệnh cho dân chúng. Nhưng họ đã suy nghĩ theo sự khôn ngoan của loài người nên nói Ngài "mất trí" và muốn bắt Ngài về nhà.

* 4. Tội phạm đến Thánh Thần

Trên một chiếc tàu vượt đại dương, có một kỹ sư tàu biển tên là Egbert. Công việc của ông là ngồi trong phòng máy và tuân theo lệnh của Đô đốc ở trên cầu tàu truyền xuống.

Một hôm, Egbert suy nghĩ rồi tự nhủ: Ta là nhân vật quan trọng nhưng đâu có ai quý trọng ta. Còn vị Đô đốc chỉ ngồi trên cầu tàu ra lệnh, chẳng để ý đến ta ở dưới buồng máy không được ngắm trời mây non nước.

Càng nghĩ ông thấy mình càng quan trọng. Lúc đó, chuông rung và có lệnh: "Hãy quay trở lại". Egbert lầm bầm: "Tôi là kỹ sư đã 30 năm, từng vượt biển cả 100 lần. Đây là lần đầu tiên có người bảo tôi phải quay trở lại giữa đại dương. Ông Đô đốc này chỉ biết ra lệnh thôi !"

Nói xong, thay vì trở lui, Egbert cứ cho tàu lao tới phía trước, mà còn tăng tốc nhanh gấp đôi. Con tàu đâm xầm vào một chiếc tàu khác, vỡ nát tan tành.

*

Tâm trạng anh kỹ sư tàu biển trên đây không khác gì các luật sĩ Do thái thời Đức Giêsu. Họ kiêu căng mà không nhận mình kiêu căng. Họ cho mình là tài giỏi, xứng đáng hơn người. Họ xuyên tạc chê bai việc lành của người khác. Họ giữ đạo mà không có tinh thần đạo đức. Họ làm việc thiện cốt để khoe khoang.

Với tâm trạng ấy, hôm nay họ tỏ rõ thái độ kiêu căng bất mãn. Thấy dân Do thái đổ xô đến chung quanh Đức Giêsu, họ ganh tị và khó chịu. Thấy phép lạ Người làm nhãn tiền, họ lại bảo Người bị quỉ ám. Thấy Người trừ quỉ, họ lại cho là do quyền lực quỉ vương. Thấy Người chữa bệnh cho kẻ phong cùi, họ lại kết án Người phạm luật ngày hưu lễ. Thấy Người viếng thăm kẻ tội lỗi, họ lại cho Người là bạn bè với bọn thu thuế và gái điếm. Nếu người ta đầy lòng kiêu ngạo, sẽ chẳng còn chỗ cho sự khôn ngoan. Hãy sống nhỏ bé trước mặt Chúa cả khi người ta là vua Đavít.

Thánh Giacôbê viết: "Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường" (Gc.4,6).

Đứng trước thái độ kiêu căng cố chấp ấy, Đức Giêsu chất vấn họ: "Satan lại trừ Satan được sao?" (Mc.3,26-27). Người cảnh cáo họ: "Mọi tội lỗi và mọi lời phạm thượng của con cái loài người sẽ được tha hết, nhưng kẻ nào phạm thượng đến Chúa Thánh Thần, muôn đời sẽ không được tha" (Mc.3,28-30). Tội phạm đến Thánh Thần là chối bỏ sự hiện diện của Thần Khí trong Đức Giêsu là gán cho ma quỉ những gì thuộc về Thánh Thần.

Quả thực, Đức Giêsu xua trừ ma quỉ là "Bởi Thánh Thần Thiên Chúa" (Mt.12,28). Thánh Basiliô Xêdarê viết: "Khi gặp Đức Giêsu, ma quỉ đã bị mất hết quyền lực của mình trước sự hiện diện của Thánh Thần". Vậy ai dám nói quyền lực của Đức Giêsu do Satan mà có là họ đã nói lộng ngôn phạm đến Thánh Thần.

Tội phạm đến Chúa Thánh Thần chính là "tội cố tình, từ chối quyền năng của Chúa Thánh Thần, nguồn ơn tha thứ", Chúa luôn sẵn sàng tha thứ, nhưng Người không cưỡng ép chúng ta điều gì kể cả sự thứ tha. Một khi đã từ chối ơn tha thứ thì cũng có nghĩa là từ chối hạnh phúc Nước Trời. Nếu một người nghẹt mũi không ngửi thấy hương của hoa hồng, thì đó không phải là lỗi ở bông hoa, mà do bản thân người ấy.

Thomas Caryle có viết: "Không nhận ra lỗi lầm là lỗi lớn nhất trong một lầm lỗi".

*

Lạy Chúa, xin dạy chúng con đừng bao giờ kiêu căng tự đắc, đừng bao giờ cho mình là tài giỏi đạo đức hơn người, đừng bao giờ cố chấp ở lì trong tội.

Xin cho chúng con biết theo Thánh Thần, để nhờ Người, chúng con được lãnh ơn Cứu độ của Chúa. Amen (Thiên Phúc, "Như Thầy đã yêu")

5. Câu chuyện minh họa

Mỗi người đều mang hai túi: một ở trước ngực và một ở sau lưng, và cả hai nhét đầy lầm lỗi.

Tuy nhiên, túi trước đựng lỗi của người hàng xóm và túi sau đựng lỗi của mình. Vì thế, người ta thường mù quáng với khuyết điểm của mình và luôn sáng mắt với khuyết điểm của anh em.

6. "Ađam, ngươi ở đâu?"

Khi Chúa ban cho Ađam và Eva được tự do là Ngài ban cho họ được chọn làm điều gì là tốt. Nhưng họ đã chọn làm điều xấu. Mà chọn điều xấu là lạm dụng quyền tự do. Và giống như trẻ con đã làm sai, họ đã đi trốn chứ không dám đối diện với hậu quả tội họ gây ra. Nhưng Chúa đã tìm họ và gọi: "Ađam, ngươi ở đâu?"

Ở đây có một thắc mắc nẩy sinh: Nếu Chúa biết mọi sự, thế thì tại sao Ngài còn hỏi "Ađam, ngươi ở đâu?" Thực ra Chúa hỏi thế không phải vì Ngài không biết Ađam đang ở đâu, mà chính vì Ađam không biết mình đang ở đâu. Ngài hỏi thế là để nhắc Ađam.

Câu hỏi "Ngươi đang ở đâu?" thật là một câu hỏi gây bối rối. Và câu này Chúa không chỉ hỏi Ađam, mà còn hỏi mọi người đang có tội: Ngươi đang ở đâu trong tương quan với Ta, với người khác và với chính bản thân ngươi?

Ađam đi trốn để khỏi trả lời câu hỏi ấy, để tránh trách nhiệm về việc mình đã gây ra. Chúng ta cũng tránh né vì cùng một lý do đó. Khi chúng ta sai lỗi, chúng ta sợ và trốn tránh trách nhiệm. Nhưng khi chúng ta trốn Chúa – là điều không thể – thì cũng là trốn tránh chính mình.

Thế nhưng có một Cái Gì đó vẫn đi tìm chúng ta, đó là tiếng Chúa hỏi trong lương tâm chúng ta "Ngươi đang ở đâu?" Thiên Chúa không thờ ơ, Ngài đi tìm chúng ta dù chúng ta muốn trốn tránh Ngài. Ngài đi tìm không phải để phạt, mà để giúp chúng ta đối diện với việc mình làm. Ngài thừa yêu thương để tha thứ cho chúng ta, nhưng Ngài muốn chúng ta gánh lấy trách nhiệm về tội đã phạm và cố gắng đền bù. Đối diện là dấu hiệu của yêu thương.

Ađam và Eva run sợ khi nghe tiếng Chúa. Họ xấu hổ về điều họ đã làm, và cũng xấu hổ về chính bản thân. Chúng ta cũng run sợ khi nghe hỏi "Ngươi đang ở đâu?" Nhưng câu hỏi này không phải là một sự tra khảo, mà là một sự giúp đỡ. Đó là tiếng của Đấng quan tâm đến chúng ta.

Ađam và Eva cảm thấy mình có tội. Ngày nay, từ "tội" hầu như chỉ mang nghĩa xấu. Thực ra tội cũng có giá trị xây dựng. Cảm thấy có tội là dấu chỉ một lương tâm còn lành mạnh: ai có lương tâm còn lành mạnh thì sau khi sai lỗi đều cảm thấy có tội. Tội cũng là dấu chỉ mình là con người thật sự: chỉ có người rối loạn tâm thần mới cảm thấy mình không có tội, bởi vì người đó đã bị chai lì về mặt luân lý. Đó không phải là người bình thường, không phải là một con người trọn vẹn.

Cũng như cơn đau là tiếng chuông báo động có cái gì trục trặc về thể lý, thì ý thức có tội là dấu chỉ cho biết có trục trặc về luân lý. Sự cắn rứt lương tâm kêu gọi ta phải thay đổi, phải tìm sự thật, phải sửa chữa lỗi lầm và phải xin ơn tha thứ. Tất cả đều có tác động tích cực.

Tội sinh ra hậu quả. Trước khi Ađam và Eva phạm tội, họ sống vui vẻ trong tình thân với Chúa. Sách Thánh mô tả chiều chiều họ cùng dạo chơi với Chúa trong làn gió hiu hiu. Sau khi phạm tội, họ trốn tránh Chúa và đổ lỗi cho nhau. Trước đó là hoà thuận và hợp nhất, sau đó là sợ hãi và chia rẽ.

Nhưng cảnh buồn bã của câu chuyện đã kết thúc bằng lời hứa cứu độ. Thiên Chúa thương xót Ađam Eva nên hứa ban Đấng cứu độ. Tin Mừng cho thấy lời hứa này đã được thực hiện nơi Đức Giêsu. Đức Giêsu đã chiến thắng Satan và thiết lập Nước Thiên Chúa. Đối với những ai tin vào Ngài và làm theo ý Thiên Chúa thì một tình thân mới được thành lập. Họ không chỉ là thụ tạo của Thiên Chúa mà còn là con cái trong gia đình Ngài và là anh em với những người khác. (Viết theo Flor McCarthy)

 

V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI

CT: Anh chị em thân mến

Sau khi đã nghe lời giáo huấn của Chúa, giờ đây chúng ta hãy dâng lên Ngài những lời cầu nguyện sốt sắng của chúng ta:

1. Hội Thánh là một đại gia đình có Thiên Chúa là Cha, và các tín hữu là anh chị em của Đức Giêsu. Chúng ta hãy cầu xin cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn lắng nghe và thực thi ý Thiên Chúa để xứng đáng là gia đình của Chúa.

2. Trên thế giới, ma quỷ vẫn tích cực gieo những mầm mống xấu để phá hoại chương trình của Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho sự thiện chiến thắng sự dữ trong thế giới ngày nay.

3. Khi con người không dám nhận lỗi của mình mà lại đổ lỗi cho người khác thì con người không cải thiện được và không đáng được tha thứ. Chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp những kẻ lỡ sa ngã phạm tội biết khiêm tốn nhận tội để hoán cải đời sống và được Chúa thứ tha.

4. Đức Giêsu đã dạy: "Ai làm theo ý Thiên Chúa thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta". Chúng ta hãy cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta biết chuyên cần làm theo ý Chúa.

CT: Lạy Đức Giêsu, Chúa đã bỏ ăn bỏ ngủ để giảng dạy chúng con biết con đường hạnh phúc và chữa trị những bệnh tật của loài người chúng con. Chúng con vô cùng cảm kích vì tấm lòng của Chúa. Xin Chúa giúp chúng con đáp lại tấm lòng Chúa bằng một cuộc sống luôn cố gắng thi hành ý Chúa. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

 

VI. TRONG THÁNH LỄ

- Trước kinh Lạy Cha: Trong bài Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu đã nói "Ai làm theo ý Thiên Chúa thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta". Trong kinh Lạy Cha sắp đọc, chúng ta hãy đặc biệt xin cho "ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời"

- Sau kinh Lạy Cha: "Lạy Cha, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, xin giúp chúng con thoát khỏi mọi hình thức phá hoại của Satan, xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an…"

VII. GIẢI TÁN

Chúng ta đã biết những hình thức phá hoại tinh vi của ma quỷ. Trở về với cuộc sống thường ngày, chúng ta hãy tỉnh táo đừng nghe theo sự xúi dục của ma quỷ, nhưng cố gắng thi hành thánh ý Thiên Chúa.


 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài khác
Cn 3982: Thiên Thần Tại Linh Địa Akita (1) (1/11/2018)
Cn 3922: Cuộc Hiện Ra Của Đức Bà Thành Công (our Lady Of Good Success) #2 (7/25/2017)
Cn 3921: Đức Bà Thành Công (our Lady Of Good Success) (7/21/2017)
Câu Chuyệ̣n 6: Nhờ Ơn Đức Mẹ Mà Hết Què (3/29/2017)
Câu Chuyệ̣n 1: Hãy Tin Tưởng Mẹ Maria (3/28/2017)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768