MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Kỹ Năng Sống (chúa Nhật Xi Tn, Năm B)
Thứ Năm, Ngày 14 tháng 6-2018
KỸ NĂNG SỐNG

(Chúa Nhật XI TN, năm B)

Sinh ra làm người, ai cũng như ai – có cái vốn “nhân chi sơ tính bổn thiện”, còn mọi thứ đều phải nhờ người khác, cụ thể cha mẹ. Theo thời gian, dần dần người ta học được nhiều điều khác, từ những gì đơn giản nhất: “Học ĂN, học NÓI, học GÓI, học MỞ”.

Học từ trường gia đình, rồi trường học và trường đời. Tất cả đều giúp tích lũy kinh nghiệm để tự rút ra kỹ năng sống. Bản năng sinh tồn ai cũng được thiên phú, nhưng nó có thể trở nên tốt hoặc xấu – tự ái hoặc nhịn nhục, vấn đề là sống theo bản năng nhưng có bản lĩnh hay không, hơn nhau là thế: Bản Năng là BỘC LỘ cơn nóng giận, Bản Lĩnh là KIỀM CHẾ cơn nóng giận.

Cái gì cũng phải học, học đến chết chưa hết, và cái gì cũng cần kỹ năng – đặc biệt là sống cho nên người. Kỹ năng sống là tập hợp các hành vi tích cực và khả năng thích nghi để đối phó hiệu quả với các nhu cầu và thách thức trong cuộc sống hằng ngày. Nói cách khác, đó là khả năng tâm lý xã hội. Sống là tập hợp các kỹ năng tiếp thu qua giáo dục, qua việc trải nghiệm trực tiếp hoặc gián tiếp, biết cách xử lý các vấn đề một cách khôn ngoan. Kỹ năng sống có chức năng đem lại hạnh phúc và hỗ trợ thành người tích cực, hữu ích trước tiên cho chính mình, sau là cho gia đình, xã hội và Giáo Hội.

Có các quan niệm khác nhau về kỹ năng sống. Theo Tổ chức UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc), “Kỹ năng sống là năng lực cá nhân có thể thực hiện đầy đủ các chức năng và tham gia vào cuộc sống hằng ngày”. Theo WHO (Tổ chức Y Tế Thế Giới), “Kỹ năng sống là khả năng thiết thực mà con người cần để có sống an toàn và khoẻ mạnh. Đó là những kỹ năng mang tính tâm lý xã hội và kỹ năng về giao tiếp được vận dụng trong những tình huống hằng ngày để tương tác một cách hiệu quả với người khác, đồng thời có thể giải quyết hiệu quả các vấn đề, các tình huống trong cuộc sống”. Theo UNICEF (Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc), “Kỹ năng sống bao gồm các kỹ năng cốt lõi: Kỹ năng tự nhận thức, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xác định giá trị, kỹ năng quyết định, kỹ năng kiên định và kỹ năng đạt mục đích”.

Những câu chuyện “răn đời” mang tính giáo dục luân lý khả dĩ giúp người đọc có thêm kỹ năng sống, và người ta gọi đó là dụ ngôn hoặc ngụ ngôn. Dụ ngôn cũng được gọi là ngụ ngôn, hai danh từ này có nghĩa tương đương nhưng cũng có nghĩa khác nhau.

1. Truyện Ngụ Ngôn (Anh: parable, fable; Pháp: parabole, fable) là một câu chuyện ngắn, đơn giản, bằng văn xuôi hoặc văn vần, mang tính hoang đường, truyền thuyết, hư cấu, “bịa” ra như chuyện phiếm, nhưng vẫn có bài học luân lý, mang tính giáo dục, răn đời; các nhân vật thường là vật hoặc con vật được nhân cách hóa, các nhân vật cũng có thể là người hoặc thần linh.

2. Truyện Dụ Ngôn (Anh: parable, Pháp: parabole) cũng là một câu chuyện ngắn, đơn giản, bằng văn xuôi, nhưng khác là mang tính bí ẩn, mang tính tục ngữ, đặc biệt là mang chiều kích tâm linh. Chúa Giêsu dùng thể loại này, tức là Ngài dùng thể loại “dụ ngôn” chứ không dùng “ngụ ngôn”.

Kinh Thánh xác nhận: “Ngài không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn” (Mt 13:34; Mc 4:34). Trong các Phúc Âm nhất lãm có khoảng 35 dụ ngôn. Chúa Giêsu sử dụng dụ ngôn để minh họa chân lý, dùng hình ảnh dưới thế nhưng mang ý nghĩa trên trời. Ngài ưa dùng dụ ngôn, có lẽ vì loại văn này độc đáo và thú vị.

Một lần nọ, các môn đệ cảm thấy lạ nên hỏi Thầy Giêsu: “Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ?” (Mt 13:10). Ngài trả lời: “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất. Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu. Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành” (Mt 13:11-15; x. Mc 4:10-12 và Lc 8:9-10). Cách trả lời cũng rất lạ.

Nói là nói vậy, nhưng khi chỉ có Thầy trò với nhau, Ngài lại giải thích hết cho các môn đệ hiểu. Ngài nói rằng việc sử dụng các dụ ngôn có hai mục đích: MẶC KHẢI SỰ THẬT cho những người MUỐN BIẾT và che giấu sự thật đối với những người dửng dưng, không quan tâm. Nhóm Pha-ri-sêu đã công khai khước từ Đấng Mê-si-a và phỉ báng Chúa Thánh Thần, nghĩa là họ phạm loại tội nặng nhất – không được tha ở đời này và đời sau (Mt 12:22-32). Điều đó ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a nói về những người cứng lòng, đui mù và câm điếc: “Hãy đi nói với dân này rằng: Cứ nghe cho rõ nhưng đừng hiểu, cứ nhìn thật kỹ nhưng đừng nhận ra. Hãy làm cho lòng dân này ra đần độn, cho tai nó điếc, cho mắt nó mù; kẻo mắt nó thấy, tai nó nghe và lòng nó hiểu, mà nó trở lại và được chữa lành” (Is 6:9-10). Đối với những người cố chấp, dốt mà hợm hĩnh, ngu mà chảnh chọe, người ta thường mỉa mai rằng “thà nói với đầu gối còn hơn”.

Hầu như sau mỗi lần dùng dụ ngôn, Chúa Giêsu thường nói: “Ai có tai nghe thì nghe” (Mc 4:9; Mc 4:23; Mc 7:16; Lc 8:8; Lc 14:35). Đó là cách mời gọi lắng nghe dụ ngôn, không chỉ nghe chuyện đời thường mà là tìm kiếm sự thật của Thiên Chúa. Ngài ban cho mỗi người phần bằng nhau: HAI TAI và MỘT MIỆNG – tức là phải biết NGHE nhiều hơn NÓI. Ngoài ra còn hai mắt, hai chân, hai tay, và chỉ một bộ óc – nhìn nhiều, đi nhiều, làm nhiều, nhưng phải suy nghĩ chín chắn chứ không được mưu mô lươn lẹo. Độc đáo lắm!

Từ ngàn xưa, Thiên Chúa đã phán hứa: “Từ ngọn cây, từ ngọn hương bá cao chót vót, Ta sẽ lấy, sẽ ngắt một chồi non; chính Ta sẽ trồng nó trên đỉnh núi cao vòi vọi. Ta sẽ trồng nó trên núi cao của Ít-ra-en. Nó sẽ trổ cành và kết trái thành một cây hương bá huy hoàng. Muông chim đến nương mình bên nó, và ẩn thân dưới bóng lá cành. Tất cả cây cối ngoài đồng ruộng sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa. Ta hạ thấp cây cao và nâng cao cây thấp, Ta làm cho cây xanh tươi phải khô héo và cây khô héo được xanh tươi. Chính Ta là Đức Chúa, TA ĐÃ PHÁN LÀ TA THỰC HIỆN” (Ed 17:22-24). Trong đó có “hình bóng” của dụ ngôn thời Tân Ước mà Chúa Giêsu sử dụng để nói về Nước Trời. Đó là một lời hứa, nhưng là lời hứa đang ứng nghiệm trong “Thời Cánh Chung” – thời cuối cùng, thời chúng ta đang sống.

Thật hạnh phúc khi được Thiên Chúa thề hứa, bởi vì lời hứa đó chắc chắn ứng nghiệm và hiện thực, chứ không như lời hứa của phàm nhân – những kẻ mang họ “hứa” và liên quan dòng máu của lão Cuội già. Thánh Vịnh gia đã tâm nguyện: “Thú vị thay được TẠ ƠN Chúa, được MỪNG HÁT danh Ngài, lạy Đấng Tối Cao, được TUYÊN XƯNG tình thương của Ngài từ buổi sớm, và lòng thành tín của Ngài suốt canh khuya” (Tv 92:2-3). Tạ ơn và xưng tụng Thiên Chúa là trách nhiệm của mọi phàm nhân, mệnh danh là “sinh vật cao cấp” được Ngài tạo dựng vì yêu quý và thương xót một cách vô điều kiện.

Sử dụng lối so sánh cụ thể và dễ hiểu, Thánh Vịnh gia nói: “Người công chính vươn lên tựa cây dừa tươi tốt, lớn mạnh như hương bá Li-băng được trồng nơi nhà Chúa, mơn mởn giữa khuôn viên đền thánh Chúa ta; già cỗi rồi, vẫn sinh hoa kết quả, tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn, để loan truyền rằng: Chúa thực là ngay thẳng, là núi đá cho tôi ẩn náu, nơi Người chẳng có chút bất công” (Tv 92:13-16). Màu xanh thiên nhiên cho thấy sức sống dồi dào của cảnh vật, đó là nhờ bám rễ sâu vào lòng đất để hút các dưỡng chất; tương tự, con người sẽ thanh thản và bình an phát triển nhờ hồng ân Thiên Chúa, mãi mãi không tàn úa, nếu biết bám chặt vào Thiên Chúa.

Rất thanh thản, Thánh Phaolô bộc bạch: “Chúng tôi luôn mạnh dạn, và chúng tôi biết rằng: ở lại trong thân xác này là lưu lạc xa Chúa, vì chúng ta tiến bước NHỜ LÒNG TIN chứ không phải NHỜ ĐƯỢC THẤY CHÚA. Vậy, chúng tôi luôn mạnh dạn, và điều chúng tôi thích hơn, đó là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa” (2 Cr 5:6-8). Đức tin thực sự rất cần thiết, cần hơn việc “được thấy Chúa”. Thế nhưng, nhiều người vẫn “đua nhau” tìm kiếm “sự lạ” ở nơi này hoặc nơi kia, trong khi bí tích Thánh Thể là phép lạ vĩ đại nhất, hằng ngày vẫn xảy ra tại các nhà thờ hoặc nhà nguyện ở khắp nơi trên thế giới, thế thì còn tìm điều gì lạ ở nơi nào? Hiếu kỳ có khi cần thiết, nhưng có khi lại hóa ra bất lợi!

Như một cách xác định, Thánh Phaolô cho biết thêm: “Nhưng, dù còn ở trong thân xác hoặc đã lìa bỏ thân xác, chúng tôi chỉ có một tham vọng là LÀM ĐẸP LÒNG NGƯỜI. Vì tất cả chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước toà Đức Kitô, để mỗi người lãnh nhận những gì TƯƠNG XỨNG với các việc TỐT hay XẤU đã làm, khi còn ở trong thân xác” (2 Cr 5:9-10). Đó là một dạng Nhân – Quả. Thánh Ý Thiên Chúa có lẽ không phức tạp như chúng ta tưởng, bởi vì Ý Chúa là bổn phận của chúng ta ngay trong thời điểm hiện tại, dù chúng ta ở nơi này hoặc nơi khác. Làm tròn bổn phận và trách nhiệm của mình là “thi hành Ý Chúa”, là làm đẹp lòng Ngài. Đơn giản mà lại không dễ thi hành trọn vẹn!

Với ngụ ý đề cập Nước Trời, Chúa Giêsu sử dụng dụ ngôn “Hạt Giống Tự Mọc Lên” trong trình thuật Mc 4:26-34. Ngài cho biết: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, người ấy không biết. Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa”. Cái mà chúng ta gọi là “tự động” hoặc “tự nhiên” thì thật ra chính là ý Chúa quan phòng và tiền định. Không ai thấy Nước Trời, nhưng Nước Trời vẫn lớn dần trong mỗi chúng ta và trong xã hội này. Đơn giản và thực tế như chính phủ, chẳng ai thấy chính phủ và chẳng ai là chính phủ, nhưng chính phủ vẫn tồn tại trong đất nước và nhân dân.

Sau khi nói chuyện dụ ngôn, Ngài đặt vấn đề: “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được? Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng”. Ngài muốn dùng cách nói cụ thể để ai cũng có thể hiểu, tất nhiên còn tùy theo mức độ NGHE và HIỂU của mỗi người – nhưng phải hiểu đúng chứ không được hiểu theo ý muốn của mình để tự thỏa mãn.

Cách đọc và hiểu ý Chúa qua Kinh Thánh cũng dễ mà cũng khó. Thật vậy, có lẽ dụ ngôn “Người Gieo Giống” (Mt 13:18-23; Mc 4:13-20; Lc 8:11-15) là dụ ngôn duy nhất được Chúa Giêsu giải thích cặn kẽ, tỉ mỉ. Để hiểu các dụ ngôn khác, có thể lưu ý ba điều cần thiết này:

1. XÁC ĐỊNH TÂM LINH – Chúa Giêsu thường giới thiệu một dụ ngôn bằng cách nói “Nước Trời ví như...” hoặc “giống như…” (đề cập 7 lần trong chương 13, Phúc Âm theo Thánh Mát-thêu). Trong dụ ngôn “Người Pha-ri-sêu và Người Thu Thuế”, Thánh sử Luca cho biết: “Đức Giêsu còn kể dụ ngôn sau đây với một số người TỰ HÀO cho mình là công chính mà KHINH CHÊ người khác...” (Lc 18:9).

2. PHÂN ĐỊNH “CHÍNH – PHỤ – Nói cách khác, không phải các chi tiết của dụ ngôn đều có ý nghĩa sâu sắc. Một số chi tiết chỉ làm cho câu chuyện thực tế hơn. Chẳng hạn, theo cách giải thích của Chúa Giêsu về dụ ngôn “Người Gieo Giống”, Ngài không bình luận về bốn loại đất khác nhau. Chi tiết “bốn loại” chỉ là chi tiết phụ đối với toàn bộ dụ ngôn này.

3. SO SÁNH KINH THÁNH – So sánh Kinh Thánh với Kinh Thánh là quy luật chú giải vô giá khi tìm hiểu các dụ ngôn. Các dụ ngôn của Chúa Giêsu không bao giờ mâu thuẫn với Lời Chúa (Kinh Thánh), bởi vì Ngài đã xác nhận: “Không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì” (Ga 12:49). Các dụ ngôn minh họa giáo lý, và các giáo huấn của Chúa Giêsu luôn rõ ràng, mạch lạc, chính xác.

Trong sách Châm Ngôn, chúng ta thấy có những điều tương tự. Thánh vương Sa-lô-môn đã dùng tỷ giảo cách (phương pháp so sánh) để dạy về sự thật, đặc biệt về tính tương đương điển hình, sinh ra một “dụ ngôn đơn giản”. Chẳng hạn: “Cơn thịnh nộ của vua như tiếng gầm sư tử, kẻ làm vua nổi giận là làm hại chính mình” (Cn 20:2). Tiếng gầm của sư tử được “ví như” cơn giận của nhà vua với mục đích là so sánh. Cách so sánh là cách giúp người ta dễ hiểu vấn đề nào đó. Văn so sánh là đặc ngữ trong các dụ ngôn – ngụ ngôn không có dạng này.

Liên quan kỹ năng sống, tác giả Dale Carnegie (1888-1955) đã thẳng thắn đề cập trong cuốn “Đắc Nhân Tâm” (How to Win Friends and Influence People, năm 1936) về sự thật phũ phàng này: “Any fool can CRITICIZE, CONDEMN and COMPLAIN – and most fools do” (Bất cứ kẻ ngu dốt nào cũng có thể CHỈ TRÍCH, CHÊ TRÁCH và CẰN NHẰN – và đa số những kẻ ngu xuẩn đều làm như vậy).

Ba mẫu tự C kỳ diệu: CRITICIZE, CONDEMN, COMPLAIN – CHỈ TRÍCH, CHÊ TRÁCH, CẰN NHẰN.

Lạy Thiên Chúa là nguồn cội mọi sự, xin ban cho chúng con trí thông minh để hiểu và sự khôn ngoan để thực hành các huấn lệnh Ngài đã truyền ban qua các dụ ngôn, và xin giúp chúng con can đảm biến đổi theo Thánh Ý Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài khác
Cn 3982: Thiên Thần Tại Linh Địa Akita (1) (1/11/2018)
Cn 3922: Cuộc Hiện Ra Của Đức Bà Thành Công (our Lady Of Good Success) #2 (7/25/2017)
Cn 3921: Đức Bà Thành Công (our Lady Of Good Success) (7/21/2017)
Câu Chuyệ̣n 6: Nhờ Ơn Đức Mẹ Mà Hết Què (3/29/2017)
Câu Chuyệ̣n 1: Hãy Tin Tưởng Mẹ Maria (3/28/2017)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768