MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Kho Tàng Gia Đình
Thứ Năm, Ngày 16 tháng 8-2018
KHO TÀNG GIA ĐÌNH

Gia đình là nơi tích tụ mọi thứ của một con người, từ lúc khởi đầu (sinh) cho tới khi kết thúc (tử). Đó là trường học đầu tiên mà ai cũng được khai giảng từ chiếc nôi, và trang bị đầy đủ mọi thứ cho chúng ta bước vào cuộc đời.

Quả thật, gia đình là kho tàng vô giá: “Tất cả mọi kho báu trên trái đất không thể nào sánh bằng hạnh phúc gia đình” (Calderon). Thomas Fuller (1608–1661) là giáo sĩ và nhà sử học người Anh) nói: “Lòng nhân đức bắt đầu từ gia đình, nhưng không nên kết thúc luôn ở đó. Charity begins at home, but should not end there”. Nghĩa là tình yêu thương khởi đầu từ gia đình nhưng phải được nhân rộng ra xã hội và cả thế giới.

I. XÁC ĐỊNH GIA ĐÌNH

Khi nghĩ về gia đình, bạn nghĩ tới ai? Điều tốt đẹp về gia đình là đa dạng, nhiều kích cỡ, nhiều kiểu. Gia đình “pha trộn” nhiều người với tính cách khác nhau nhưng luôn quan tâm lẫn nhau. Điều đó không xác định bằng máu huyết mà là một nhóm người tạo nên sự khác biệt trong cuộc sống và tiếp tục hướng dẫn nhau.

Bộ phim Annie, được khởi chiếu ngày 19-12-2014, cho biết tại sao máu huyết không xác định một gia đình. Annie nói: “Chúng ta có gia đình ở một nơi nào đó”. Sống theo cách nói đó sẽ giúp chúng ta đánh giá gia đình mình và những điều tốt lành mà chúng ta có.

1. KÍCH CỠ – Một số gia đình nhỏ, một số gia đình vừa, và một số gia đình lớn, nhưng dù gia đình có kích cỡ nào thì vẫn luôn đầy ắp tình yêu thương. Một gia đình không thể định lượng vì tình yêu được cá nhân hóa bởi mỗi thành viên. Người ta tạo một gia đình không bởi số người.

2. MÀU DA – Gia đình pha trộn, chứ màu da không là yếu tố. Nếu có một người quan tâm bạn và người đó là một phần trong cuộc đời bạn, màu da của họ chỉ biểu hiện cá nhân họ dù họ có thể hoặc không thể là một phần trong gia đình bạn. Gia đình tràn đầy tình yêu và tình yêu không phân biệt màu da.

3. HUYẾT THỐNG – Huyết thống không xác định một gia đình. Trong cuộc sống, bạn thấy rằng những người thân có liên quan huyết thống, nhưng điều đó không nhất thiết và không hoàn hảo, vấn đề quan trọng là cả gia đình sum vầy bên nhau vào cuối ngày. Khi trưởng thành, chúng ta tìm một người bạn đời cùng chia sẻ cuộc sống, và rồi chúng ta còn có những nối kết với con cái, bạn bè, thú cưng,... Chúng ta tạo mối quan hệ “máu” và chu kỳ cứ tiếp diễn khi chúng ta già, con cháu lại tiếp tục hành trình của chúng.

4. HỆ LỤY – Trong hành trình cuộc sống, bạn sẽ gặp những người mà bạn có quan hệ, và các mối quan hệ đó giúp bạn xác định cuộc sống. Chúng ta gọi họ là bạn bè, nhưng sự thật là những người đó gần gũi chúng ta hơn anh chị em trong gia đình. Những người bạn này là những người mà chúng ta có thể chia sẻ nỗi buồn và có thể khóc trước mặt họ, hoặc có thể chia sẻ niềm vui với họ. Các hệ lụy khó tả này chính là gia đình đấy!

Chúa Giêsu xác định: “Phần anh em, đừng để ai gọi mình là ráp-bi [thầy], vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau” (Mt 23:8). Nếu là huynh đệ thì chúng ta phải làm gì? Thánh Phaolô cho biết: “Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu(Pl 2:5).

II. GIA ĐÌNH CHIẾC NÔI YÊU THƯƠNG

Gia đình là “tế bào gốc” của xã hội – của Giáo hội. Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4:8), là lòng thương xót, Ngài sinh dựng chúng ta trong tình yêu của Ngài, để chúng ta được nhận lãnh và tận hưởng lòng thương xót của Ngài. Tình yêu phải có “hai người”, không thể yêu khi chỉ có một người, nếu có thì tự yêu mình, và rất dễ hóa thành vị kỷ hoặc ích kỷ.

Thánh Gia là gia đình đầu tiên, và là nơi “hội tụ” đầu tiên. Cuộc hội họp gia đình quan trọng là lúc đọc kinh chung, vì Chúa Giêsu đã xác định rạch ròi: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18:20). Cầu nguyện là một nhu-cầu-tâm-linh-có-thật, riêng và chung, rất cần thiết, vì chính Chúa Giêsu vẫn thường xuyên cầu nguyện và dạy cầu nguyện, cụ thể là Kinh Lạy Cha (Mt 6:9-13; Lc 11:2-4). Quy tụ là chứng tỏ đoàn kết và yêu thương. Đọc kinh chung gia đình là một cách chứng tỏ yêu thương.

Xin được “tản mạn” một chút: Thuở nhỏ, mỗi tối tôi đều “bị” cha mẹ bắt phải lần Chuỗi Mân Côi chung cả nhà, dù muốn làm gì hoặc đi chơi đâu thì trước tiên vẫn phải đọc kinh chung. Dù nhỏ, nhưng sáng nào cũng phải đi lễ sớm từ 4 giờ, ngày nào cha xứ đi vắng, không có lễ, thì cũng phải thức dậy đọc kinh sáng cả nhà, và cũng lần Chuỗi Mân Côi. Đó là “nghiêm luật”, không ai có quyền ý kiến gì!

Ngoài “nghiêm luật” gia đình, tôi còn còn phải giữ thêm “luật” khác: Giúp lễ. Khi nào đến phiên giúp lễ (nay gọi “sang” hơn là lễ sinh), tôi còn kiêm đọc sách thánh. Dù chỉ mới 10 tuổi, tôi chưa hiểu gì sâu sắc, nhưng “nghiêm luật” đó đã giúp tôi “lớn lên” trong đức tin Công giáo.

Theo “thói quen tốt lành”, dù có thể lúc đó tôi chỉ làm theo sự “bắt buộc”, tôi tiếp tục hoạt động ca đoàn với tư cách ca trưởng. Tập hát thời đó không tập ít như ngày nay, vì mỗi tuần thường tập hát 3-5 ngày. Ngoài ra tôi còn kiêm luôn việc ghi đáp ca lên bảng cho cộng đoàn cùng đọc. Nhiệm vụ đó chẳng ai bắt buộc, mà chỉ là tôi tự “chuốc” vào thân mà thôi. Nhưng cái mệt vì nhiệm-vụ-bao-đồng ấy lại trở thành gánh-nặng-thú-vị. Có lẽ người ta cho tôi là “kẻ điên khùng”, mà nghĩ lại tôi tự thấy có lẽ là tôi điên thật! Và đến nay, tôi vẫn đang điên… Làm toàn những chuyện “vô lương”. Chắc là tôi ngu thật: Ngu kinh niên, điên đột xuất, u uất đêm ngày, đọa đày suốt kiếp!

Tuy nhiên, tôi phải “thú nhận” rằng tôi thực sự tạ ơn Chúa đã cho tôi lớn lên trong môi trường Công giáo như vậy, để tôi có thể hít thở không khí của Tin Mừng, không khí của Đức Kitô và Đức Mẹ. Tôi viết những điều này là có ý chia sẻ chứ không có ý gì khác, thực ra tôi chỉ là một Con-Số-KHÔNG-To-Lớn mà thôi: “Nếu phải tự hào, tôi sẽ tự hào về những yếu đuối của tôi” (2 Cr 11:30).

Thiết tưởng, “đọc kinh chung” là một thói quen tốt lành và hữu ích, như Chúa Giêsu đã nói: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy thì có Thầy ở đấy, ở giữa họ” (Mt 18:20). Các gia đình nên duy trì thói quen tốt lành này, không đọc nhiều kinh và thời gian dài như ngày xưa thì ít ra cũng là 15 phút.

Yêu thương là luật Chúa truyền. Yêu thương để dễ hoàn thiện. Không tuân giữ các điều răn của Chúa có thể làm cho gia đình mất ân sủng. Thiên Chúa không chỉ trở nên như chúng ta, mà Ngài còn sinh ra làm Con trong một gia đình có cha mẹ: Đức Maria và Đức Giuse. Gia đình phải là nơi thánh để con cái lớn khôn và chuẩn bị vào đời.

Điều răn thứ tư Chúa dạy: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (Xh 20:12). Đó là điều răn duy nhất có kèm theo lời hứa. Giá trị của điều răn đó trở nên hiển nhiên với chúng ta vì rồi chúng ta cũng sẽ trở thành cha mẹ, ông bà. Nhưng chúng ta thường đánh giá điều đó quá thấp khi chúng ta còn là con.

Tục ngữ nói: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Quả đúng như vậy. Những đứa con luôn cần có sự bắt đầu lại, thế nên có sự ân hận và sự tha thứ, kể cả cách đền bù – nếu cha mẹ còn sống, và đó là điều chúng ta có thể làm ngay từ bây giờ.

Sau khi được cha mẹ tìm thấy trong Đền thờ, “Chúa Giêsu trở về và vâng phục cha mẹ” (Lc 2:51). Thiên Chúa đã khiêm nhường vâng lời hai thụ tạo do chính Ngài tạo nên. Tuy họ là thụ tạo, nhưng đó là cha mẹ của Ngài, thế nên Ngài vâng lời cha mẹ để làm gương cho chúng ta.

Điều răn thứ tư đặt mệnh lệnh vào gia đình nhưng cũng đặt trách nhiệm lên đôi vai những người làm cha mẹ. Con cái phải vâng lời cha mẹ vì cha mẹ thay mặt Thiên Chúa giáo dục con cái. Đó là trách nhiệm phải hoàn tất. Cha mẹ không là Thiên Chúa, nhưng cha mẹ phải phản ánh tình yêu Thiên Chúa trong đời sống gia đình.

Theo Giáo lý Công giáo (số 2197), điều răn thứ tư truyền phải bác ái. Thiên Chúa muốn con cái phải kính trọng cha mẹ vì cha mẹ sinh dưỡng, thể hiện Thiên Chúa, và được Thiên Chúa trao quyền.

Đó không chỉ là trách nhiệm của cha mẹ đối với Thiên Chúa mà chúng ta còn phải làm điều ngược lại: “Kính trọng những người mà Thiên Chúa trao quyền vì mục đích tốt của chúng ta”. Dù đã khôn lớn, chúng ta vẫn phải kính trọng cha mẹ, dù chúng ta không còn ở chung với cha mẹ nhưng chúng ta vẫn phải vâng lời cha mẹ.

Cũng vậy, không phải cha mẹ nào cũng đạo đức hoặc làm gương sáng. Nhưng vì trách nhiệm làm cha mẹ, chúng ta phải nêu gương cho con cái, và đôi khi con cái phải nêu gương cho cha mẹ. Cũng có thể có sự đối kháng, nhất là trong những việc đạo đức. Ông bà thúc giục cha mẹ và con cháu đi nhà thờ, nhưng đôi khi bị phản đối, thậm chí còn bị ghét bỏ vì các giá trị đạo đức. Nhưng chúng ta vẫn phải tôn trọng cha mẹ, dù chúng ta không đồng ý với cha mẹ. Chúng ta phải cầu nguyện và yêu thương cha mẹ, phải thể hiện lòng tôn trọng ngay cả khi có sự bất hòa.

Kính trọng những người được Thiên Chúa trao quyền nghĩa là chúng ta phải vâng lệnh của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta. Con cái không vâng lời cha mẹ là không kính trọng cha mẹ, đồng nghĩa không tôn kính hoặc vâng lời Thiên Chúa.

Điều răn thứ tư là điều răn tích cực. Chúng ta không được bảo làm điều gì đó, nhưng chúng ta được trao trách nhiệm là phải hoàn tất điều răn đó. Điều răn thứ tư còn liên quan đời sống, hôn nhân, lời nói, và những điều tốt lành trên thế gian. Mệnh lệnh này liên quan trực tiếp tới Thiên Chúa qua 3 điều răn đầu tiên (điều răn 1, 2 và 3) – tôn kính Thiên Chúa trên hết mọi thứ, yêu mến Ngài hết lòng hết sức, không được kêu Danh Ngài vô cớ, và giữ Ngày Thánh (Chúa Nhật). Sau đó là đối với quyền của cha mẹ trước khi tiến hành các điều răn còn lại mà chúng ta gặp hằng ngày.

Theo Giáo lý Công giáo: “Điều răn thứ tư được truyền cho con cái trong mối quan hệ với cha mẹ, vì mối quan hệ này phổ biến nhất. Điều răn này quan tâm hệ lụy thân thuộc giữa các thành viên trong gia đình và dòng tộc. Điều răn đòi hỏi lòng kính trọng, yêu thương, và biết ơn tổ tiên và những người lớn tuổi. Cuối cùng, điều răn này còn đề cập trách nhiệm của học sinh đối với thầy cô giáo, nhân viên đối với chủ nhân, người dưới đối với người trên, công dân đối với tổ quốc và những người lãnh đạo đất nước”.

Giáo lý Công giáo (số 2199) nói: “Điều răn này bao gồm nhiệm vụ của cha mẹ, người hướng dẫn, người dạy dỗ, người lãnh đạo, quan tòa, người lãnh đạo, người có quyền trên người khác hoặc cộng đồng”.

Vì thế, con cái phải tôn kính cha mẹ cả khi các ngài đã khuất bóng. Điều đó khiến chúng ta cảm thấy mình vẫn là con cái, luôn cần vâng lời. Đó là điều tốt lành: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18:3).

Đọc kinh chung gia đình là một dạng cầu nguyện chung. Ẩm thực, ngủ nghỉ và không khí trong lành cần thiết cho sự phát triển thể lý của con cái, còn cầu nguyện là “thực phẩm dinh dưỡng” cho sự sống tâm linh. Thật vậy, cầu nguyện cần thiết cho sự phát triển của linh hồn lành mạnh.

Có nhiều cách để nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện của con cái. Đây là vài gợi ý:

1. NÓI TÍCH CỰC VỀ CHÚA – Cha/mẹ có thể hỏi con cái: “Con có biết Chúa Giêsu cũng có cha mẹ như con?”. Hầu hết trẻ em dễ hiểu nhất về Chúa Giêsu so với khái niệm về Thiên Chúa.

2. KHỞI ĐẦU ĐƠN GIẢN – Đừng cố gắng đọc hết cả Chuỗi Mân Côi chung với trẻ hoặc bắt chúng chầu Thánh Thể cả giờ. Tùy theo độ tuổi và hãy cầu nguyện đơn giản. Dần dần chúng sẽ quen, từ một kinh Kính Mừng tới một chục kinh Mân Côi mỗi tối. Vô tri bất mộ. Chưa quen biết nên không thể bắt chúng như người lớn.

3. SỬ DỤNG NGŨ QUAN – Người Công giáo dùng các “đồ nhà đạo” – nến, nước phép, hình ảnh Chúa hoặc Đức Mẹ hoặc các thánh, và thánh ca. Phương pháp thực hành rất quan trọng, tức là cầu nguyện theo “mùa”. Ví dụ: Mỗi tối, cả nhà có thể thắp nến rồi cùng hát hoặc nghe một bài thánh ca theo mùa phụng vụ – ví dụ, bài “Đêm Thánh Vô Cùng” cho mùa Vọng, bài “Con Nay Trở Về” cho mùa Chay,... Việc đơn giản nhưng có thể hiệu quả lớn.

4. TẠO THÓI QUEN CẦU NGUYỆN – Giờ ăn và giờ đi ngủ là thời điểm tốt nhất để gia đình cùng cầu nguyện với nhau. Khi ăn, nên đọc Kinh lạy Cha hoặc một lời nguyện ngắn. Cầu nguyện trước khi đi ngủ (và khi thức dậy) là việc nhắc nhở con cái nhớ tới Chúa và những người đau khổ, sẽ tạo thói quen tốt khi chúng trưởng thành.

5. CỨ ĐỂ CON TRẺ NGỌ NGUẬY – Trẻ em luôn hiếu động. Đừng vội trách con cái không nghiêm trang khi cầu nguyện, chỉ cần nhắc nhở nhỏ nhẹ để chúng học tập dần. Cứ để chúng ngọ nguậy, thậm chí chúng có thể nằm xuống và cầu nguyện, chúng sẽ khó chịu khi phải quỳ gối hoặc ngồi nghiêm trang khi cầu nguyện – nhất là khi chúng còn tuổi nhi đồng. Có thể Chúa lại vui khi thấy chúng như vậy đấy!

6. TẬN DỤNG THỜI GIAN – Cha mẹ nên khuyến khích con cái cầu nguyện bất kỳ lúc nào trong ngày. Cầu nguyện chỉ cần ngắn gọn, không cần “lải nhải dài lời”. Khi nghe thấy tiếng còi xe cứu thương, nghe tin một người vừa qua đời hoặc bị tai ương, hãy thành tâm cầu nguyện cho họ. Làm như vậy để trẻ nhận biết rằng Chúa Giêsu ở với chúng cả khi cha mẹ vắng mặt. Đi đường thấy cờ tang hoặc tai nạn, khi nghe đài hoặc xem ti-vi thấy những chuyện thương tâm, hãy thầm thĩ cầu nguyện cho họ.

7. TẬP SỐNG TĨNH LẶNG – Cuộc sống cần có những lúc im lặng và cô tịch để khả dĩ phát triển tâm linh. Điều này không dễ trong cuộc sống vội vã, ồn ào và cấp tốc như ngày nay. Nhưng cố gắng thì sẽ làm được, vì người ta có thể sống cô tịch ngay giữa những hoạt động xô bồ thường nhật. Hãy lưu ý: Cũng như các thánh tông đồ thấy Chúa Giêsu cầu nguyện, chúng ta hãy noi gương. Hãy cầu nguyện thật lòng chứ đừng cầu nguyện để được chú ý. Khi con cái thấy cha mẹ đi lễ, đọc Kinh Thánh, hoặc xin Chúa tha thứ, tự nhiên chúng cũng sẽ bị thu hút và thích cầu nguyện riêng: Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo.

Xin thử áp dụng “quy luật” Bàn-Tay-Cầu-Nguyện đơn giản này:

1. NGÓN CÁI – Hãy cầu xin những điều gần gũi nhất và dễ nhớ nhất: Cầu nguyện cho những người thân yêu.

2. NGÓN TRỎ – Hãy cầu nguyện cho những người dạy dỗ mình, hướng dẫn mình, và chữa lành mình (cả thể lý và tinh thần). Đó là các thầy cô giáo, các giáo lý viên, các bác sĩ, các ca trưởng, các huynh trưởng, các vị hướng dẫn tinh thần,… Họ cần sự hỗ trợ và khôn ngoan để “chỉ” cho người khác đi đúng hướng.

3. NGÓN GIỮA – Hãy cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo: tổng thống, giám đốc, nhà quản lý,… Những người này hình thành quốc gia và hướng dẫn nhân dân. Họ rất cần được Chúa hướng dẫn.

4. NGÓN ĐEO NHẪN – Rất lạ vì đây là ngón yếu nhất. Giáo viên dương cầm luôn kiểm tra cách đánh đàn của ngón này. Hãy cầu nguyện cho những người yếu đuối, khốn khó, đau khổ, bệnh tật,... Họ rất cần chúng ta cầu nguyện.

5. NGÓN ÚT – Chúa Giêsu nói: “Những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót” (Mt 20:16). Hãy cầu nguyện cho chính mình, sau khi đã cầu nguyện cho người khác, lời cầu dành cho mình sẽ hiệu lực hơn.

Cầu nguyện là yêu thương, cầu nguyện là “nhiệm vụ ngọt ngào” lắm, người ơi!

Sự quy tụ gia đình trở thành quan trọng hơn vào cuối ngày. Gia đình là mối dây thiêng liêng nối kết mọi thành viên gia đình. Khi gia đình quy tụ, niềm vui tăng gấp bội, hạnh phúc tràn ngập, bữa ăn tối dù có đạm bạc thì cũng vẫn ngon hơn bội phần, đặc biệt là thể hiện tình yêu thương liên đới của Thiên Chúa Ba Ngôi và Thánh Gia.

Gia đình hạnh phúc trong ngần

Mỗi người là một con chiên tốt lành

Quả thật, gia đình là chiếc-nôi-yêu-thương quan trọng đối với bất kỳ ai. Yêu thương thì phải tha thứ. Được tha thứ thì phải quyết tâm chừa. Yêu thương phải khởi đầu từ gia đình. Cứ như vậy, chúng ta có thể “tiến bộ” trên con-đường-hoàn-thiện theo mệnh lệnh của Chúa Giêsu: “Hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48). Được như vậy là chúng ta nên thánh, tức là “làm thánh” ngay trên thế gian này.

Cầu nguyện là yêu thương, cầu nguyện là “nhiệm vụ ngọt ngào” lắm, đặc biệt là cầu nguyện chung, vì có Thiên Chúa hiện diện trong gia đình đó (x. Mt 18:20). Sự quy tụ gia đình trở thành quan trọng hơn vào cuối ngày. Gia đình là mối dây thiêng liêng nối kết mọi thành viên gia đình. Khi gia đình quy tụ, niềm vui tăng gấp bội, hạnh phúc tràn ngập, bữa ăn tối dù có đạm bạc thì cũng vẫn ngon hơn bội phần, đặc biệt là thể hiện tình yêu thương liên đới của Thiên Chúa Ba Ngôi và Thánh Gia.

Gia đình hạnh phúc trong ngần

Mỗi người là một con chiên tốt lành

Gia đình là tổ ấm chứ không là tổ lạnh, tổ ấm thì phải có sự nồng nàn của tình yêu thương: hiếu thảo với ông bà và cha mẹ, hòa thuận với anh chị em. Gia đình hạnh phúc đã được Thánh Vịnh 133 ca tụng:

Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay

Anh em được sống vui vầy bên nhau

Như dầu quý đổ trên đầu

Xuống râu xuống cổ áo chầu A-ha-ron

Như sương từ đỉnh Khéc-môn

Toả trên đồi núi Sion lan tràn

Nơi đây ân huệ Chúa ban

Chính là sự sống chứa chan muôn đời

III. VĨ NGÔN

Chúng ta hạnh phúc được thuộc về một gia đình nhỏ, và cũng thuộc về gia đình cuộc đời xã hội, đặc biệt là thuộc về đại gia đình của Đức Kitô. Ai thuộc gia đình của Đức Giêsu? Câu trả lời nằm trong trình thuật Mt 12:46-50 (Mc 3:31-35; Lc 8:19-21).

Người còn đang nói với đám đông thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy”. Người bảo kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?”. Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi”.

Đề cập những người kính sợ Chúa, Thánh Vịnh gia nói: “Gia đình họ phú quý giàu sang, đức công chính của họ tồn tại muôn đời” (Tv 112:3). Cuộc sống luôn nhiêu khê, con người thì yếu đuối, thế nên luôn phải nỗ lực cải thiện chính mình. Đây là một trong các bí quyết sống xứng đáng danh hiệu con người: “Dù phải chết, con hãy phấn đấu cho sự thật, và Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ bênh vực con. Đừng ăn càn nói bậy, chớ nhu nhược trễ nải trong công việc của con. Đừng như sư tử trong gia đình, mà lại nhút nhát giữa gia nhân. Đừng xoè tay ra nhận, rồi nắm lại khi phải cho đi” (Hc 4:28-31).

TRẦM THIÊN THU

[Bài chủ đề báo ĐMHCG số 384, tháng 8-2018, DCCT xuất bản tại Hoa Kỳ]

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài khác
Cn 3982: Thiên Thần Tại Linh Địa Akita (1) (1/11/2018)
Cn 3922: Cuộc Hiện Ra Của Đức Bà Thành Công (our Lady Of Good Success) #2 (7/25/2017)
Cn 3921: Đức Bà Thành Công (our Lady Of Good Success) (7/21/2017)
Câu Chuyệ̣n 6: Nhờ Ơn Đức Mẹ Mà Hết Què (3/29/2017)
Câu Chuyệ̣n 1: Hãy Tin Tưởng Mẹ Maria (3/28/2017)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768