HIỆP SỐNG LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN A
Kn 12,13.16-19; Rm 8,26-27; Mt 13,24-43
LÒNG KIÊN NHẪN VÀ BAO DUNG CỦA THIÊN CHÚA CỨU ĐỘ
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mt
13,24-43.
(24) Đức Giê-su trình
bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác: “Nước
Trời ví như chuyện người kia gieo
giống tốt trong ruộng mình”. (25) Khi mọi người
đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến
gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi
đi mất. (26) Khi lúa mọc lên và trổ bông,
thì cỏ lùng cũng xuất hiện. (27) Đầy
tớ mới đến thưa chủ nhà
rằng: “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống
tốt trong ruộng ông sao ? Thế thì cỏ lùng ở
đâu mà ra vậy ? (28) Ông đáp: “Kẻ thù
đã làm đó !” Đầy tớ nói:
“Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại
không ?” (29) Ông đáp: “Đừng, sợ rằng
khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa.
(30) Cứ để cả hai cùng lớn lên cho
tới mùa gặt. Đến ngày mùa,
tôi sẽ bảo thợ gặt: Hãy gom cỏ lùng
lại, bó thành bó mà đốt đi, còn
lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi”. (31)
Đức Giê-su còn trình bày cho họ nghe một
dụ ngôn khác. Người nói: “Nước
Trời cũng giống như chuyện hạt cải
người nọ lấy gieo trong ruộng mình. (32) Tuy nó là loại nhỏ
nhất trong tất cả các hạt giống. Nhưng
khi lớn lên, thì lại là thứ lớn
nhất: Nó trở thành cây, đến nỗi
chim trời tới làm tổ trên cành được”.
(33) Người còn kể cho họ một dụ
ngôn khác: “Nước Trời cũng giống
như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào
ba đấu bột, cho đến khi tất cả bột
dậy men”. (34) Tất cả các điều ấy,
Đức Giê-su dùng dụ ngôn nói với
đám đông, và Người không nói gì
với họ mà không dùng dụ ngôn, (35) hầu
ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ:
“Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố
những điều được giữ kín
từ tạo thiên lập địa”. (36) bấy giờ
Đức Giê-su bỏ đám đông mà về
nhà. Các môn đệ lại gần Người
và thưa rằng: “Xin Thầy giải nghĩa dụ
ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe”. (37) Người
đáp: “kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người.
(38) Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt,
đó là con cái Nước Trời. Cỏ
lùng là con cái ác thần. (39) Kẻ thù
đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt
là ngày tận thế. Thợ gặt là
các thiên thần. (40) Vậy, như người ta
nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt
đi thế nào, thì đến ngày tận thế
cũng sẽ xảy ra như vậy. (41) Con Người
sẽ sai các thiên thần của Người tập
trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu,
và mọi kẻ làm điều gian ác, mà
tống ra khỏi Nước của Người.
(42) Rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở
đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến
răng. (43) Bấy giờ người công chính
sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước
của Cha họ. Ai có tai thì nghe”.
2. Ý CHÍNH:
Bài Tin Mừng hôm nay về ba dụ ngôn diễn tả lòng kiên nhẫn và bao dung của Thiên Chúa trong việc ban ơn cứu độ
loài người như
sau: Dụ Ngôn Cỏ Lùng (24-30), cho thấy trong Nước Trời do Đức Giê-su thiết lập vẫn có kẻ xấu xen lẫn với
người tốt. Thiên Chúa không phạt kẻ xấu ngay mà luôn chờ
họ hồi tâm sám
hối (x. 2 Pr 3, 15). Qua 2 dụ ngôn tiếp theo là Hạt Cải và
Men trong thúng bột (31-33),
Đức Giê-su cho biết
về sức tăng trưởng của Nước
Trời cả về số lượng
và phẩm chất.
3. CHÚ THÍCH:
- C 24-25: + Nước
Trời ví như chuyện: Ở đây không cố ý so
sánh Nước Trời với người
gieo giống. Nhưng muốn mượn công việc gieo giống
của người nông dân, để diễn tả ý
nghĩa của mầu nhiệm Nước Trời.
Nước Trời hiện tại đang có kẻ
lành người dữ sống chung, nhưng đến ngày tận thế,
Đức Giê-su Thẩm Phán sẽ phân định
rõ ràng chiên với dê, lành với dữ.
+ Người kia gieo giống tốt trong ruộng mình:
Những gì Thiên Chúa thực hiện đều
tốt đẹp, như tác giả sách Sáng Thế viết như sau:
“Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp” (x.
St 1, 10.12.18.21.25.31).+ Khi mọi người đang ngủ:
Ngủ là lúc người
ta dễ mất cảnh giác, và kẻ thù là
ma quỷ sẽ thừa
cơ lợi dụng
để gieo cỏ
lùng vào giữa lúa tốt. Cỏ lùng
là thứ cỏ dại, rất dễ mọc lên và
rễ của nó có thể làm hại cây lúa.
Ma quỷ xảo quyệt chuyên đi cám dỗ loài
người. Chúng gieo vào đầu người
ta những tư tưởng hoài nghi và xúi
giục họ không vâng phục Thiên Chúa, như xưa
chúng đã cám dỗ nguyên tổ A-đam E-và
phạm tội tổ tông (x. St 3, 1-7). + Rồi đi mất:
ma quỷ có đặc tính
vô hình và luôn khôn ngoan làm việc âm thầm không
để lại dấu vết, khiến người
ta khó lòng nhận
biết sự hiện diện của chúng để đề phòng.
- C 26-28: + Khi lúa
mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng
xuất hiện: Người
tốt kẻ xấu luôn sống đan xen vào nhau, nên rất
khó phân biệt ai tốt ai xấu. + Đầy tớ:
ám chỉ những người rao giảng Tin Mừng.
+ Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt
trong ruộng ông sao ? Thế thì cỏ lùng ở
đâu mà ra vậy ?: Đầy tớ phát
hiện ra có cỏ lùng xen lẫn với lúa
tốt, nên thắc mắc với ông chủ
nguyên nhân xuất hiện
cỏ lùng, đang
khi ông chỉ cho thợ
gieo toàn lúa tốt trong ruộng ? + “Kẻ thù
đã làm
đó”: Ma quỷ chính là kẻ đang gieo rắc
sự hận thù
ganh ghét trong lòng người ta. + “Vậy ông
có muốn chúng tôi ra đi gom lại không ?”: một
số người công chính muốn tiêu diệt kẻ
ác ngay. Nhưng điều này trái với
tình thương bao dung của Thiên Chúa.
- C 29-30: + Đừng,
sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm
bật luôn rễ lúa: Ông chủ là Thiên Chúa luôn kiên nhẫn, muốn
dành cho kẻ dữ có thời gian hồi
tâm sám hối (x. Lc 13,8-9). Thực tế cũng có
nhiều kẻ tuy nhất
thời làm điều ác, nhưng bản chất
vốn lương thiện,
nên hy vọng sau này họ sẽ sám hối trở về với
Chúa, giống như đứa con hoang đàng
trở về nhà
cha (x. Lc15,17-20). Thiên Chúa luôn giàu lòng thương xót không muốn cho kẻ dữ phải
chết. Nhưng muốn nó ăn năn sám hối để được
sống. + Mùa gặt: Trong Thánh
Kinh, mùa gặt là hình ảnh diễn tả
về ngày cánh chung hay tận thế, lúc Thiên
Chúa cho thu gom lúa tốt và loại bỏ đi
rơm rạ (x. Is 17,5 ; Kh
14,14-20). Ngoài ra, câu này còn cho thấy sở dĩ Chúa để
người tốt sống chung với kẻ xấu
là để thử thách lòng tin của họ.
+ Hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó
mà đốt đi, còn lúa thì hãy thu vào
kho lẫm cho tôi: Sở dĩ ông chủ là Thiên
Chúa muốn đợi đến ngày tận
thế mới phân người lành với kẻ dữ là để cho kẻ dữ có
thêm thời gian ăn
năn sám hối.
- C 31-32: + Nước
Trời cũng giống như chuyện hạt cải: Hạt cải là một thứ
hạt được dùng làm đồ gia vị
(moutarde). + loại nhỏ nhất trong tất cả các
hạt giống: Người Do thái thường
hay ví: “nhỏ như hạt cải”. Hạt cải tuy
nhỏ, nhưng lại có sức sống dồi dào,
và sẽ trở thành cây rau cải to lớn,
đến nỗi chim trời có thể bay đến
làm tổ trên cành của nó. Dụ ngôn này
nhằm nói lên sự tương phản giữa
hai tình trạng của Nước Trời: Lúc
khởi đầu
nhỏ bé ít người, nhưng
khi kết thúc sẽ trở nên to lớn đông đảo. + Chim trời
tới làm
tổ trên cành được:
Cựu Ước thường dùng hình
ảnh một cây to lớn có chim trời đến
đậu, để chỉ một vương quốc hùng
mạnh, có khả năng che chở thần dân của
mình (x. Ed 31, 5-7; Đn 4,18). Hình ảnh này ám
chỉ Hội Thánh như một cây to lớn, có
khả năng thu nhận chim trời là dân ngoại,
đến xin gia nhập.
- C 33: + Nước
Trời cũng giống như chuyện nắm
men: Men là một
chất bột phụ
gia, có sức biến đổi cả khối bột được pha trộn với
nó. + Ba đấu bột: là một khối lượng
khá lớn khoảng trên 39 lít, nghĩa là
khoảng 60-70 kí-lô. Con số ba thúng bột này
có lẽ lấy từ câu chuyện của tổ
phụ Áp-ra-ham đã dùng ba thùng tinh bột
làm bánh để đãi Đức Chúa,
khi Người hiện ra với ông tại cụm
sồi Mam-rê (x. St 18,6). + cho đến khi tất cả
bột dậy men: Dụ ngôn này không so sánh Nước
Trời với “Men”, nhưng muốn đề cao sức
mạnh thánh hóa của Nước Trời
như men: tuy chỉ là số người ít oi như một
nắm men, nhưng lại có sức biến
đổi cả nhân loại có số lượng vô
cùng lớn lao. Tin Mừng
được rao
giảng đến
đâu thì sẽ có sức
cảm hóa, biến
người ta từ
gian ác nên hiền hòa, từ tội lỗi nên thánh thiện. Ngoài
ra, ý nghĩa này cũng gián tiếp đề cập đến
Bữa Tiệc Cánh Chung ngày tận thế do
Đức Chúa khoản đãi (x. Is 25, 6-8).
- C 34-35: + Người
không nói gì với họ mà không dùng dụ
ngôn: Thực ra
nhiều lần Đức Giê-su đã giảng mà
không dùng dụ ngôn. Do đó câu này chỉ
nhắm đề cập đến các bài giảng
về mầu nhiệm Nước Trời mà thôi. Vì
Đức Giê-su muốn tránh cho người
nghe khỏi hiểu lầm về Nước Trời
do Người thiết lập khác với một đất nước
mang tính thế tục
theo kiểu Thiên Sai chủ nghĩa. + Hầu
ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ:
Thực ra đây là lời Thánh vịnh do
A-saph viết. Sở dĩ Tin Mừng Mát-thêu gọi
lời trích dẫn trên là lời ngôn sứ,
có lẽ vì ông coi A-saph là ngôn sứ. Thánh
vịnh cũng là Lời Chúa và có giá
trị ngang hàng với lời sấm của các
ngôn sứ.
- C 36-43: + Xin Thầy
giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho
chúng con nghe: Về
ý nghĩa của dụ ngôn Cỏ Lùng đã
được Đức Giê-su giải thich chi tiết
trong đoạn Tin Mừng.
Ở đây, chỉ xin nêu ra mấy
điều cần biết
như sau: + Con cái Nước Trời… con cái ác thần: Cách
phân chia nhân loại thành hai loại người
đối lập nhau rất thông dụng trong Do Thái
giáo. Người ta thường đọc thấy
lời phân chia đó trong các văn bản
được khai quật ở Cum-ran (Qumrân). chỉ
khác một điều là: đối với
Cum-ran thì mọi người lành đều ở
trong giáo phái của họ, phân biệt với những
kẻ gian ác ở ngoài giáo phái này. Còn trong
Tin Mừng hôm nay, cả kẻ lành và người
dữ đều sống lẫn lộn bên nhau và
các môn đệ không được tách riêng họ
ra trước thời hạn. + Như người
ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa
đốt đi thế nào…: Trong dụ ngôn Cỏ
Lùng (24-30), Đức Giê-su nhấn mạnh đến
sự sống chung hiện tại giữa người
lành và kẻ dữ, còn trong phần giải
nghĩa dụ ngôn (36-43) Đức Giê-su lại nói
nhiều đến ngày phán xét và sự
thưởng phạt, nghĩa là nói đến
tương lai. Có lẽ Mát-thêu khai triển thêm
điều này để nhắn nhủ các tín
hữu thời đó đừng thỏa mãn khi được gia nhập Hội
Thánh. Nhưng điều
quan trọng là phải sống thế nào để
khỏi sa hỏa ngục trong ngày phán xét. +
Rồi quăng chúng vào lò lửa: Sách
Đa-ni-en cho thấy một sự trừng phạt
bằng cách ném kẻ bị phạt vào
đống lửa đang cháy phừng phực
(x. Đn 3,5-6). Đức Giê-su cũng dùng hình
ảnh “lò lửa”, như là nơi các kẻ
gian ác sẽ bị
trừng trị. +
Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc
nghiến răng: Đây là hình ảnh sự
đau đớn do hình phạt thể xác khi
còn sống, để diễn tả hình phạt
thiêng liêng trong hỏa ngục đời sau. Kiểu nói
“Bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở
đó người ta sẽ phải khóc lóc
nghiến răng” được sử dụng nhiều
lần trong Tin Mừng Mát-thêu (x. Mt 8,12; 22,13; 24,51;
25,30). “khóc lóc nghiến răng” ám chỉ tình
trạng những người bị giam trong hỏa
ngục. Họ sẽ chịu đau khổ, thể hiện
qua sự khóc lóc, và lòng thù hận
Thiên Chúa thể hiện qua sự nghiến răng.
+ Người công chính sẽ chói lọi như
mặt trời, trong Nước của cha họ:
Kiểu so sánh này nhiều lần được
dùng trong Thánh kinh. Chẳng hạn: “Các hiền
sĩ sẽ chói lọi như bầu trời rực
rỡ. Những ai làm cho người ta nên
công chính sẽ chiếu sáng muôn đời như
những vì sao” (1 Cr 15,42-44).
4. CÂU HỎI:
1) Ba dụ ngôn về Nước
Trời trong Tin Mừng hôm nay là những dụ ngôn nào ? 2) Tại
sao trong Hội Thánh vẫn có hai hạng là người xấu
và kẻ tốt sống lẫn
lộn ? 3) Vai trò của ma quỷ thế nào ? 4) Tại
sao Chúa không tiêu diệt kẻ xấu ngay mà khi nào họ mới bị phạt
?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Cứ
để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa
gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ
gặt: Hãy thu gom cỏ lùng lại, bó thành
bó mà đốt đi. Còn lúa, thì hãy
thu vào kho lẫm cho tôi” (Mt 13,30).
2. CÂU CHUYỆN:
1) HẬU QUẢ TAI HẠI CỦA THÓI
RƯỢU CHÈ:
Một hôm Sa-tan muốn
cám dỗ một người
kia bản tính lương thiện phạm tội. Nó đã hiện hình thành người và lệnh cho anh ta phải làm một trong ba điều, nếu
không làm thì sẽ bị
chết: Một là anh ta phải giết chết bố đẻ của mình,
hai là đánh đập
đứa em trai và ba là uống rượu. Bấy giờ anh ta liền suy nghĩ:
giết bố và đánh đập em trai trái với
đạo lý nên ta quyết
không làm. Còn việc uống
rượu xem ra vô hại,
nên ta chọn uống
rượu.
Lúc đầu khi mới uống vài ba
chén, thì anh cảm thấy tâm
trí lâng lâng sảng khoái
và tỉnh táo biết phân biệt phải quấy lợi hại.
Nhưng khi uống tới chén thứ sáu thì anh bị say túy lúy, tâm trí bất định và không
làm chủ được bản
thân. Cha anh đến
khuyên bảo thì
anh nổi nóng và nói hỗn với cha. Rồi khi anh
bị cha cho một bạt tai thì anh tức giận cầm dao đâm
chết cha. Đứa em
trai chạy đến can ngăn liền bị anh đánh
đập tàn nhẫn. Anh còn đập phá đồ đạc và miệng luôn la hét như người điên rồi nằm lăn ra giường
ngủ. Thế là từ
việc ban đầu chỉ uống vài ly rượu xem ra vô hại, nhưng sau đó đã dẫn đến say sỉn không
làm chủ được bản
thân nên đã liên tiếp
phạm hai trọng tội là ra tay giết chết cha, và đánh
đập tàn nhẫn đứa em trai theo
đúng ý đồ cám
dỗ của ma quỷ.
2) SỨC MẠNH BIẾN ĐỔI LÒNG
NGƯỜI CỦA TÌNH
THƯƠNG NHÂN HẬU:
“Con đường đau khổ” là tựa đề một tác
phẩm nổi tiếng của
văn hào Vích-to Huy-gô (Victor Hugo), tường thuật câu chuyện về cuộc đời
của Văn Giang (Han Valjean), một tên cướp của giết người
đã từng ở tù
19 năm.
Khi vừa được thả ra khỏi
nhà tù, Văn Giang đã phải nếm mùi bị
mọi người khinh dể xa lánh: Bước vào tiệm ăn, anh liền bị chủ
tiệm xua đuổi; Vào trong nhà trọ thì người gác cửa đóng sập cửa ngay trước mặt;
Đi qua ổ chó, thấy
bộ dạng nhếch nhác râu ria của anh, chúng liền thi nhau sủa inh ỏi... Chỉ
khi bước vào nhà Đức giám mục
My-ri-ê, anh mới được
ngài tiếp đãi
nồng hậu như một
con người: Anh được ăn một bữa tối
thật ngon, được nằm trên một chiếc giường êm ấm. Nhưng rồi đêm
hôm ấy, nhìn thấy các chân đèn bằng bạc quí giá, anh
không cưỡng nổi lòng
tham, nhẹ nhàng lấy năm cái chân đèn
cho vào bao rồi chuồn mất.
Cảnh sát nhìn thấy
bộ dạng khả nghi của anh, liền chặn lại
xét hỏi và khi mở chiếc túi vải anh đang vác trên
vai, họ thấy mấy cái
chân đèn bằng bạc
nghi là của tòa
giám mục. Anh liền bị
giải đến trước mặt vị giám mục để làm rõ. Nhưng
khi đối chất,
đức giám mục
không những không
kết tội Văn Giang,
mà ngài còn nhận là
đã tặng cho anh ta mấy
cái chân đèn bằng
bạc kia. Hơn nữa, ngài còn tặng thêm cho anh hai chân đèn
còn thiếu nữa cho đủ
bộ, và nói nhỏ vào
tai anh: "Ta không kết tội
con đâu, nhưng con phải sám hối
để làm lại
cuộc đời". Sau khi được thả, anh luôn
suy nghĩ về những lời
nhắn nhủ của vị giám mục và xúc động trước tình thương
bao dung của ngài. Anh
quyết tâm sám hối và sau đó đã trở thành một người lương thiện,
luôn quên mình để
nghĩ đến người khác.
Nhiều năm sau, Văn Giang đã chinh phục được tình cảm của mọi người
trong thành phố và
đã được dân
chúng tín nhiệm bầu làm
thị trưởng. Sở
dĩ Văn Giang từ một tên tội phạm trở thành một người lương
thiện và được
mọi người kính nể là do anh đã cảm nghiệm được tình thương bao
dung của đức giám
mục My-ri-ê.
3) SỨC MẠNH CẢM HÓA CỦA TÌNH THƯƠNG BAO
DUNG :
Một buổi sáng nọ, khi vừa thức dậy, một số tu sinh phát
hiện đã bị mất cắp một vài
vật dụng cá nhân.
Họ bàn nhau rình rập và đã bắt được quả tang một
chú tu sinh mới đến
đang ăn cắp đồ của họ. Họ liền
bắt giữ và giải
lên cho thầy bề
trên. Nhưng khi nghe xong, thầy bề trên không nói lời nào mà tha cho chú tu sinh kia trở về phòng.
Ít lâu sau đó, chú tu sinh lại bị phát giác
đang ăn trộm lần
thứ hai, và lại bị
các tu sinh dẫn đến
với thầy bề trên. Lần này cũng như lần trước, thầy bề trên vẫn không nói năng gì, chỉ ra hiệu cho chú phạm lỗi trở về phòng.
Mọi người chứng
kiến đều cảm thấy bực bội về cách
xử lý quá rộng lượng của thầy
bề trên.
Đến lần thứ ba, chú tu
sinh có tật ăn cắp
vặt kia lại tái phạm. Tất cả các tu sinh đều tập trung lại nhà hội. Họ yêu cầu thầy bề trên
trừng phạt thích
đáng kẻ phạm lỗi
và đưa ra yêu cầu
như sau:
- Thưa thầy, xin thầy chọn một
trong hai: hoặc là anh tu sinh phạm lỗi này, hoặc là tất cả
chúng con. Nếu thầy
không đuổi anh tu
sinh này thì tất cả
chúng con xin rời bỏ
tu viện này !
Sau một lát im lặng, thầy bề trên đã
điềm đạm trả
lời:
- Thầy thấy mọi người chúng
con đều đã là
người tốt. Nhưng
riêng chú bé này thì chưa được tốt giống như chúng
con. Thầy muốn chú
ấy ở lại đây
tu luyện thêm một thời gian. Còn tất cả các con đều đã là người tốt nên không cần phải ở lại
đây lâu hơn. Bây giờ các con có thể
về phòng dọn
đồ đạc và ra khỏi tu viện rồi đó !
Mọi người đều chưng
hửng, cúi đầu
nhận lỗi. Họ lặng lẽ trở về phòng
mình và không ai dám nói thêm điều gì nữa. Riêng
chú tu sinh phạm lỗi kia
vẫn quì lại,
đôi giòng lệ sám
hối lăn dài trên
gò má. Từ đó trở đi cậu ta thành
tâm sửa đổi thói
hư và đã trở thành
một tu sĩ tốt.
4) TẦM QUAN TRỌNG CỦA GƯƠNG SÁNG TRONG VIỆC GIÁO DỤC CON CÁI:
Một bé trai 5 tuổi
được mẹ dẫn đến thăm ông nội vào dịp cuối tuần. Ông nội thấy cháu chơi
giỡn với mấy
đứa bạn rất hăng say, nhưng hễ mở
miệng ra là văng tục. Ông nội
liền gọi cháu cưng lại và trách: “Cháu học kiểu ăn nói tục tĩu của ai vậy? Từ nay trở đi ông
cấm cháu không được chơi với những
đứa nào ăn nói tục tĩu như thế nghe chưa.”
Đứa cháu liền hỏi: “Nếu thế thì
chẳng lẽ từ nay cháu
phải nghỉ chơi với
cả bố cháu hay sao?” Thì ra nó học được kiểu ăn nói
văng tục kia từ chính
ông bố của nó.
Thiên Chúa muốn chúng ta cộng tác với Ngài để gieo vào gia đình, cộng đoàn, và những người chung quanh những
hạt giống là lời
nói và hành động tốt
lành yêu thương. Có thể những lời nói việc làm của chúng
ta bé nhỏ như hạt cải,
nhưng nó lại phát
sinh hiệu quả rất
lớn. Điều cần là chúng ta phải gieo những hạt giống tốt
là lời nói yêu
thương chân thật,
trung tín và quảng
đại thứ tha… Chắc chắn những hạt giống
ấy sẽ mang lại hoa trái tốt đẹp cho con em chúng
ta.
3. SUY NIỆM:
Trong cuộc sống, chúng ta thắc mắc hoặc được
nghe những lời chất vấn của nhiều người
chung quanh như: “Tại sao Thiên Chúa lại để cho kẻ dữ tồn
tại và sống lẫn
lộn với người lành?”; hay : “Tại sao kẻ ác lại được may mắn,
còn người tốt
lại thường bị tai nạn bệnh tật và
thất bại?”. Vậy trước
thực trạng đó, chúng ta cần phải làm gì ? Chúng ta có
nên tiêu diệt và xua trừ kẻ xấu lập tức
ra khỏi Hội Thánh để làm trong sạch
Hội Thánh không?”.
Hôm nay, Đức Giê-su đã cho chúng ta câu trả lời cho những vấn
nạn nói trên qua ba dụ
ngôn về Nước
Trời là Cỏ lùng,
Hạt cải và Men
trong thúng bột.
1) SỰ DỮ VẪN TỒN TẠI VÀ
KHÔNG NGỪNG GIA
TĂNG :
Gần đây bên Hoa Kỳ, một học sinh 15 tuổi
đã mang súng tiểu liên cưa nòng vào nhà
trường, nhắm bắn bừa bãi
vào các thầy cô và các bạn học làm chết và
bị thương nhiều
người. Ở sở thú ĐI-TROI
(Detroit) người ta phải thuê thêm 4 nhân viên để bảo vệ các
thú vật khỏi bị các khách tham quan quậy
phá. Một con Kan-gu-ru Úc còn nhỏ lạc mất
mẹ, đã bị đám con nít trêu chọc
và ném đá đến chết. Tại hồ
nuôi cá sấu, nhiều người lớn
đã ném những mẩu điếu xì gà
còn cháy dở vào những chú cá
sấu đang nằm tắm nắng và thích
thú reo lên khi thấy tro lửa làm phỏng da
khiến loài bò sát này phải quằn
quại đau đớn. Tại nhiều gia đình, có những
em nhỏ khi thấy con chó hay con mèo đang nằm ngủ trên sàn,
đã đá mạnh vào bụng,
khiến chúng kêu rú lên và các em cười lên khóai trá... Những điều điên rồ đáng
kinh tởm đó khiến chúng ta phải tự hỏi: Tại sao sự gian ác vẫn tồn tại trong xã
hội và trên thế giới ? Phải làm
gì để biến đổi
sự gian ác thành lương thiện ? Qua ba dụ ngôn Nước Trời trong Tin Mừng hôm
nay, Đức Giê-su
đã trả lời cho biết
nguyên nhân sự dữ
và biện pháp khắc phục như sau :
2) MA QUỶ LÀ TÁC NHÂN PHÁT SINH SỰ
DỮ :
Nước Trời do Đức Giê-su
thiết lập ban đầu
chỉ là một nhóm
nhỏ nhưng đã
lớn lên thành Hội Thánh to lớn khắp hoàn cầu gồm nhiều dân tộc trên thế giới, thấm nhập tính
nhân văn công bình nhân ái, bình đẳng vào nền
văn minh của nhân loại…
Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực đó, vẫn còn những tiêu cực là tội lỗi nơi các cá nhân và
tập thể Ki-tô
giáo khiến nhiều người
phê phán. Trong dụ ngôn
Cỏ Lùng, các đầy tớ cũng thắc mắc
với ông chủ như
sau : “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống
tốt trong ruộng ông sao ? Thế thì cỏ lùng ở
đâu mà ra vậy ? » Ông chủ đáp: “Kẻ thù đã làm điều đó !”.
Qua câu trả lời của ông chủ trong dụ ngôn, Đức Giê-su đã cho biết : Chính ma quỷ
đã cấu kết với thế gian và
có sự cộng tác của tính xác thịt nơi con người, đã
khiến nhiều người
trở nên hư hỏng.
Ma quỷ và các người
xấu đã gieo sự gian ác xấu xa vào
lòng con người, khiến họ phạm tội, trở thành
tay sai của chúng chống lại với Thiên Chúa. Vậy chúng
ta cần làm gì để chống trả?
3) MỘT SỐ BIỆN PHÁP GIÚP KHẮC PHỤC SỰ DỮ
CỦA MA QUỶ:
- Cần tránh sử dụng
bạo lực tru diệt kẻ xấu ngay lập tức
như đề nghị của các đầy tớ :
”Nếu ông bằng lòng, chúng tôi xin
đi nhổ cỏ“(Mt 13,
27). Ông chủ ám chỉ
Thiên Chúa giàu lòng từ bi thương xót không muốn cho kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn
nó ăn năn sám hối để được sống nên đã trả lời : ”Không được, kẻo khi nhổ cỏ
lùng, các anh lại nhổ
luôn cả lúa
chăng ».
- Đối diện với kẻ ác,
thái độ của
các môn đệ Chúa Giê-su
là phải:
+ Chấp nhận sống chung với kẻ
xấu như lời
ông chủ trong dụ
ngôn : « Hãy cứ
để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt. Và đến mùa, ta sẽ dặn thợ gặt: “Các
anh hãy nhổ cỏ lùng
trước, rồi bó
lại từng bó mà
đốt đi, sau mới
thu lúa lại chất
vào lẫm cho ta” (Mt 13,
29-30).
+ Gieo trong lòng mình và môi trường mình đang sống nhiều hạt giống tốt và chăm sóc các hạt giống ấy được mọc lên
thành cây, và chờ cho đến
mùa thu hoạch bằng sự cầu nguyện, tĩnh
tâm, làm các việc lành phúc đức,
giúp đỡ tha nhân…
+ Tiếp đến là phải
hành động
với sự khôn ngoan, thận trọng
khi đối đầu với sự ác,
đồng thời cầu xin ơn Chúa Thánh Thần trợ giúp, vì: “Thánh Thần sẽ nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta” (Rm 8, 26).
+ Cần chinh phục kẻ ác bằng các việc lành,
như Tông đồ Phaolô
dạy: “Chớ để
sự dữ thắng được ngươi, nhưng
hãy lấy lành mà
thắng dữ” (Rm 12, 21).
4) CỤ THỂ CHÚNG TA PHẢI
LÀM GÌ ?
+ Trước hết ta phải
ghét bỏ ma quỷ và mọi điều gian ác,
nhưng lại phải thương yêu các tội
nhân và giúp những kẻ lỡ sa ngã phạm tội
được quay về
với Chúa.
+ Cần tỏ lòng khoan
dung với tội nhân và kiên nhẫn chịu đựng
họ noi gương Thiên Chúa, hy vọng nhờ
đó, họ sẽ
có ngày hồi tâm sám hối. Nhưng nếu kẻ ác lợi
dụng sự khoan dung để ngày càng dấn
sâu hơn trong việc làm hại bản thân và người
khác, thì ta phải sử dụng biện pháp hữu
hiệu để khắc phục sự ác, như Chúa Giê-su đã
dùng dây thừng để
xua đuổi người buôn bán ra khỏi khu vực Đền thờ.
+ Cộng đoàn và gia đình là “thửa ruộng” luôn có “cỏ lùng xen lẫn lúa tốt”, người tốt sống chung với
kẻ xấu. Khi người cha không lo làm việc mà chỉ lo ăn nhậu say sưa, lại
thường văng tục chửi thề… là ông ta
đang trở thành tay
sai của ma quỷ để
gieo cỏ lùng làm hại
con mình.
Khi người mẹ ham mê bài bạc, lười biếng làm
việc nhà, không quan
tâm đến việc giáo
dục con cái… là bà
đang trở thành tay
sai của ma quỷ để
gieo cỏ lùng làm hư con cái. Khi những người lớn trong gia
đình làm ăn buôn bán gian dối, sản xuất ra các thực phẩm độc hại… nhằm
thu lợi bất chính là họ đang làm tay sai cho ma quỷ để làm hại bản thân gia đình và xã
hội.
+ Mỗi người hãy năng cầu nguyện
cho những kẻ tội lỗi được sớm
hồi tâm, và xin Chúa ban ơn soi sáng giúp
đỡ họ mau trở về. Vì: “Lời
cầu nguyện có sức
mạnh đem lại
nhiều sự tốt
lành hơn cả
những điều người
ta dám mơ ước”.
+ Mỗi ngày chúng ta hãy làm ít là một việc
cụ thể để
chống lại ma quỷ và sự ác như:
giúp một người
mù chữ biết
đọc biết viết, gia nhập một Hội
đoàn Tông đồ Giáo dân hay hội Chữ thập đỏ để đi làm công tác xã hội, phục vụ bệnh
nhân phong, bệnh nhân bị
nhiễm HIV-AIDS, hay những người khuyết
tật, trẻ mồ côi, những cụ già cô
đơn không nơi nương tựa... Mỗi ngày
hãy làm một việc tốt giúp đỡ một người,
như nhặt giúp một vật bị rơi,
dắt một cụ già sang qua đường,
chia sẻ cơm bánh
cho một người tàn tật…
4. THẢO LUẬN:
Bạn thích lời nào
trong các lời nguyện tắt được
ghi trong Tin Mừng sau đây: “Lạy Chúa, xin thương
xót con là kẻ có tội”; “Lạy Chúa, xin
tha cho chúng vì chúng lầm chẳng biết”;
“Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì “ ?… Tại
sao bạn thích lời cầu ấy ?
5. NGUYỆN CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin biến
đổi con trở nên người tốt và
nên con hiếu thảo của Chúa Cha noi gương Chúa
khi xưa. Xin hãy biến đổi mắt con trở nên nhân từ khi con nhìn những lỗi lầm của anh
em, giống như cái
nhìn từ bi bao dung của Chúa đối với
Tông đồ Phê-rô sau khi ông đã sa ngã phạm tội. Xin
hãy biến đổi tai con sẵn sàng lắng nghe những lời
kêu cứu của anh em như Chúa đã nghe thấu
lời người mù kêu xin và đã
cho anh được sáng mắt. Xin biến
đổi lòng trí con để con xin vâng thánh
ý Thiên Chúa như xưa Chúa đã cầu
nguyện xin vâng ý Chúa Cha trong Vườn Cây Dầu. Xin
biến đổi tình cảm của con để mỗi ngày thêm tình mến
Chúa yêu người. Khi
được rước Chúa vào lòng
trong Thánh lễ, xin hãy thánh hóa môi miệng
con, biến đổi
tâm tư tình cảm và toàn thể con người
con, để con trở thành người mang
Chúa là tình thương chia sẻ cho mọi người.
X) HIỆP CÙNG MẸ
MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH - HHTM
|