TÓM LƯỢC LỊCH SỬ
NHỮNG PHÉP LẠ THÁNH THỂ
Trần Mỹ Duyệt
“Người Do-thái liền xầm xì phản đối,
bởi vì Đức Giê-su đã nói: “Tôi là bánh từ trời xuống.” Họ nói: “Ông này chẳng
phải là ông Giê-su, con ông Giu-se đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả,
sao bây giờ ông ta lại nói: “Tôi từ trời xuống?” Đức Giê-su bảo họ: “Các ông
đừng có xầm xì với nhau! Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai
tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày
sau hết. Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: Hết mọi người sẽ được Thiên
Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến
với tôi. Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi
Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha. Thật, tôi bảo thật các ông,
ai tin thì được sự sống đời đời. Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn
man-na trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai
ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ
được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế
gian được sống.”
Người Do-thái liền tranh luận sôi
nổi với nhau. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta
được?” Đức Giê-su nói với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn
thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và
uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày
sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và
uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là
Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi,
cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như
bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn
đời. Nghe rồi, nhiều môn đệ của Người liền nói: “Lời này chướng tai quá! Ai mà
nghe nổi?” (Gioan 6:41-58,60)
Đọc những lời đối đáp giữa Chúa
Giêsu và người Do Thái do thánh Gioan tường thuật trên, không chỉ là những
người Do Thái thời bấy giờ, mà nhiều người trong chúng ta hôm nay cũng không
khỏi thốt lên: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (52),
và cũng như nhiều môn đệ bấy giờ chúng sẽ lẩm bẩm: “Lời này chướng ta quá!”
(60). Nhưng đối với Thánh Thomas Aquinas thì: “Thiên Chúa dù quyền phép vô biên
cũng không thể làm gì hơn bằng việc lập nên Phép Thánh Thể.” Và đứng trước mầu
nhiệm vượt trên các mầu nhiệm này, chúng ta chỉ còn “lấy Đức Tin bù lại. Nếu
giác quan không cảm thấy gì”.
Mặc dù Bí Tích Thánh Thể đã được
chính Chúa Giêsu thiết lập trong Bữa Tiệc Ly, sang đến thế kỷ II, Thánh lễ mới
đầu được nhìn nhận là một cử hành hiến tế, đặc biệt là Kinh Nguyện Thánh Thể.
Tertullian thế kỷ II, gọi Thánh Lễ là sacrificiorum orationibus, có
nghĩa là những lời nguyện hiến tế. Tuy những lời nguyện như vậy tùy
thuộc vào tự phát của các chủ tế, nhưng theo Tertuliian thì nó vẫn mang nội
dung hiến tế. Kinh Nguyện Thánh Thể I được hình thành ở thế kỷ IV, bánh và rượu
đã được gọi là “của lễ hiến dâng”, của lễ thượng tiến, của lễ hy sinh, của lễ
thánh thiện.
Khoảng thế kỷ IV, một số bài giảng
của Thánh Ambrôsiô, đã giải thích về sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Phép
Thánh Thể sau nghi thức truyền phép. Bánh trở nên Mình và rượu trở nên Máu
Thánh Chúa Kitô.
Thiên Chúa đã hiểu và đã biết về sự
mầu nhiệm cao cả của Bí Tích này, vì con người không thể dùng trí khôn và giác
quan của mình để giải thích được những gì đã xảy ra trong Phép Thánh Thể. Ngài
đã không ngần ngại thực hiện những phép lạ phi thường để minh chứng sự hiện
diện của Ngài trong hình bánh rượu, và để củng cố Đức Tin của chúng ta là những
người có lòng yêu mến và tôn thờ Bí Tích Mình và Máu của Ngài.
Sau đây là tóm lược các phép lạ
Thánh Thể mà Thiên Chúa đã thực hiện trên khắp thế giới. Bản tóm lược sẽ đi
theo niên lịch thời gian, nơi chốn, và đôi dòng lịch sử về mỗi phép lạ. Tài
liệu này được ghi lại và chuyển ngữ nhân dịp giáo xứ Thánh Linh, giáo phận
Orange trưng bày các chứng tích lịch sử về khăn liệm Turin và những phép lạ
Thánh Thể trong tháng Mân Côi Đức Mẹ 2022.
Trần Mỹ Duyệt
|