MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Kính Mừng Maria
Chủ Nhật, Ngày 8 tháng 9-2019
VietCatholic News (Thứ Sáu 10/10/2008)
 
Kính Mừng Maria

Nếu có một kinh nào đó đặc trưng được gọi là Kinh Công Giáo, thì chắc chắn đó là Kinh Kính Mừng. Ta đọc Kinh này không biết bao nhiêu lần, dưới nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng nhất là trong lúc đọc Kinh Truyền Tin và lần chuỗi Mân Côi, cho đến nay có lẽ đã đến cả hàng ngàn lần… Tuy nhiên, nhiều lúc ta chỉ đọc nó theo thói quen, ít khi chịu tìm hiểu ý nghĩa đầy đủ của nó. Thực ra, không một chữ nào trong Lời Kinh này dư thừa, vô nghĩa cả.

Kính mừng Maria

Đây không hẳn là lời chào cho có lệ. Lúc Truyền Tin, thiên thần không chào Đức Maria bằng lời chào vô nghĩa hàng ngày, như kiểu người Úc, người Mỹ gặp nhau thường nói “hello”. Vì chữ “Ave” (Ave Maria) thực ra có nghĩa “hãy vui lên” (be happy). Không lạ gì cha ông ngưòi Việt chúng ta dịch là “Kính Mừng”. Nó chứa cả một âm sắc thiên sai của niềm vui mà Thiên Chúa dành sẵn cho con người khi trở thành Một Con Người như họ. Qua cái niềm vui của Đức Maria, ta còn thấy cả một hừng đông ơn cứu rỗi nhân loại đang ló dạng.

Tước hiệu “Maria” là của Đức Maria trước khi Ngài được thiên thần xưng như thế. Tước hiệu này có nhiều nghĩa, nhưng một trong các nghĩa ấy chính là “Bà”, “Mệnh Phụ”, “Lệnh Bà “(Lady) tương tự như chữ “Chúa” (Lord) áp dụng cho Chúa Kitô. Nói theo tiếng Latinh, thì là “Domina” (Đức Bà) trong khi Chúa Giêsu là “Dominus” (Đức Chúa). Tước hiệu này chính là căn bản để ta xưng tụng Đức Maria là Nữ Vương. Người sẽ là Mẹ của Chúa Tể Vũ Trụ, nên hiển nhiên sẽ là Nữ Vương của nhân loại.

Đầy ơn phúc

Bản Kinh Kính Mừng của ta dựa theo bản dịch Phổ Thông. Như ta đã thấy, bản dịch này do Thánh Giêrôm thực hiện vào đầu thế kỷ thứ 5 theo lệnh của Thánh Giáo Hoàng Đamasô I. Đây là bản dịch duy nhất được một công đồng chung của Giáo Hội Công Giáo nhìn nhận. Không những chỉ nhìn nhận mà thôi, mà còn được Công Đồng tuyên bố là chân chính, nghĩa là nó chứa đựng một cách chính xác bản chất sự mạc khải của Thiên Chúa cho nhân loại. Ta biết nhiều bản dịch dịch chữ tương đương của Hy Lạp trong bản văn Tân Ước là “được sủng ái cao trọng” (highly favoured). Dịch như thế là dịch theo lối tầm nguyên Hy Lạp, chứ không cho thấy sự viên mãn của nội dung tín lý mà Giáo Hội thấy cần phải có trong thuật ngữ gratia plena (đầy ơn phúc).

Nhưng ta tự hỏi Đức Maria “đầy ơn phúc” như thế nào? Người đầy ơn phúc, trước nhất vì người được tượng thai trong bụng mẹ mà không vướng tội nguyên tổ. Người đầy ơn phúc là người ngay từ giây phút đầu tiên được tượng thai tron glòng mẹ đã không mắc tội nguyên tổ. Đức Maria là người ấy. Đàng khác, suốt cuộc đời Người, Đức Maria nhận được ơn phúc dư thừa đến độ không ai khác, ngoại trừ Chúa Kitô, được như thế. Ngoài ra, không phải Người chỉ được ơn vô nhiễm lúc đầu đời mà thôi, mà suốt đời không bao giờ Người phạm tội. Dù là tội nhẹ, Người cũng không bao giờ vi phạm trong suốt đời mình. Đàng khác, đầy ơn phúc còn có nghĩa là các thèm khát của Người luôn được Người kiểm soát. Khác với mọi người chúng ta, Đức Maria không có các dục vọng xấu xa. Ngài có ước muốn, ước muốn mạnh mẽ là đàng khác, nhưng các ước muốn này luôn tùng phục lý trí do ảnh hưởng của việc Người được đầy ơn phúc. Sau cùng, quan trọng hơn cả, Người được ơn duy nhất làm Mẹ Tác Giả mọi ơn phúc. Quả là đầy ơn phúc!

Chúa ở cùng Bà

Đây lời của chính Tổng lãnh thiên thần Gabriel. Ta tự hỏi: Chúa ở cùng Đức Maria ra sao? Người ở cùng Đức Mẹ qua ơn bằng hữu của Người. Ta hãy để ý điều này: Người không ở gần Đức Mẹ hay ở trong Đức Mẹ mà thôi, mà ở cùng Đức Mẹ. Người cũng ở với Đức Mẹ qua đức tin của Đức Mẹ, tin tất cả những điều Người đã từng mạc khải về việc Người sẽ đến để cứu chuộc nhân loại. Trong số các giáo phụ, Thánh Augustinô cho ta hay: Đức Maria chịu thai Thiên Chúa bằng tinh thần đức tin trước khi chịu thai Người bằng máu thịt trong thân xác mình. Ta có thể nói, chính đức tin sâu sắc của Đức Mẹ đã kéo được ơn trở thành Mẹ Chúa Kitô.

Chúa ở cùng Đức Maria, và tiếp tục ở cùng Đức Mẹ qua sự Quan Phòng kỳ diệu của Người. Ta có thể chắc chắn: Thiên Chúa không bao giờ ban bất cứ ơn nào đơn độc cả. Người không bao giờ ban ơn rồi bỏ đấy mà đi. Người ở cùng Đức Mẹ vì Người bảo bọc Đức Mẹ bằng sự chăm sóc của Người và sắp xếp mọi sự trong đời Đức Mẹ để hoàn tất mục tiêu quan phòng trong cuộc đời ấy. Nhưng ta cũng cần thêm ngay rằng: Chúa ở cùng Đức Mẹ vì Đức Mẹ ở cùng Chúa. Và việc ấy đã có từ trước việc Nhập Thể. Chữ “cùng” ám chỉ một nối kết hai chiều (conjunction). Bạn không thực sự ở cùng ai đó nếu người ấy không ở cùng bạn cách tương ứng.

Đức Mẹ luôn luôn nghĩ tới Thiên Chúa. Ngài cũng ở cùng Chúa trong ý chí. Đức Mẹ luôn làm điều Chúa muốn. Ngài ở cùng Chúa trong tâm hồn. Các soạn giả Phúc Âm có ghi lại lời nói của Đức Mẹ, nhưng ta không thấy Ngài nói nhiều. Tuy thế, mỗi lần các vị ghi lại các cuộc đối thoại ít ỏi giữa Đức Mẹ và Con mình, ta đều thấy Ngài dùng những lời lẽ đầy dịu dàng âu yếm. Nói tóm lại, Đức Mẹ nghĩ tới Chúa luôn, thực hành ý Người, dành cho Người những tình cảm âu yếm dịu dàng mỗi lần có dịp nói truyện với Người.

Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ

Giờ đây ta hãy xem người chị em họ Êlisabét chào mừng Đức Mẹ ra sao lúc Ngài đến thăm bà. Bà dùng lời tuyệt diệu sau đây: "chị có phúc lạ hơn mọi người nữ”. Lời chào ấy có nghĩa gì? Trước nhất, lời ấy có nghĩa: trong tất cả mọi người nữ, Đức Maria là người duy nhất làm mẹ mà vẫn còn đồng trinh. Ngài độc nhất vô nhị vì Ngài là Mẹ Đấng Được Xức Dầu. Đức Maria là độc nhất vô nhị trong hàng phụ nữ vì con trẻ Ngài mang thai chính là Đấng tạo nên Ngài. Khi hạ sinh Chúa Kitô, Đức Mẹ có thể nói với Người hay nói về Người rằng: “Này là mình tôi” bởi vì Người đã lấy thịt xương nhân bản từ chính Đức Mẹ. Bởi thế, ta nghe Giáo Hội dạy và tin rằng: caro Jesu, caro Mariae (Thịt máu Chúa Giêsu là thịt máu Đức Maria). Khi quyết định làm người, Thiên Chúa đã chọn lấy xác thịt mình từ một người đàn bà. Chắc chắn, người Đàn Bà ấy phải hết sức độc đáo.

Nhưng không phải Êlisabét chỉ nói Đức Mẹ độc đáo trong hàng phụ nữ mà thôi. Đó không phải là điều Thánh Luca muốn nói với chúng ta. Vì “phúc” đây cũng có nghĩa là “hạnh phúc”, “hãy vui lên” (be happy). Thành thử tại đây, ta có hai lời chúc hạnh phúc tiếp sau nhau trong cùng một chương của Phúc Âm Thánh Luca: một của thiên thần, một của người chị em họ. Như thế, Đức Maria quả là người đàn bà hạnh phúc nhất trong mọi người nữ, chứng tỏ cho ta thấy Thiên Chúa muốn ta hạnh phúc ngay ở đời này. Nhưng điều kiện của hạnh phúc này ra sao? Điều kiện này đã được Đức Maria hoàn toàn chứng nghiệm. Đó là việc Ngài khiêm hạ chấp nhận thánh ý Chúa, hoàn toàn vâng phục các dự kiến hết sức huyền nhiệm của Chúa.

Vấn đề lớn nhất trong các mầu nhiệm của Thiên Chúa thực sự không phải là ta không thể dùng trí khôn mà hiểu được Người vô cùng mầu nhiệm; vấn đề là ở chỗ ta cần phải sống một số mầu nhiệm ấy. Đức Maria đã sống trong mầu nhiệm. Điều ấy có nghĩa: Ngài đã sống ý Chúa dù không hoàn toàn hiểu lý do tại sao. Và bạn hẳn còn nhớ hai dịp cảm kích trong đó Đức Mẹ lên tiếng đặt câu hỏi: một lần lúc được truyền tin và lần kia khi tìm lại Con trong Đền Thờ. Hai dịp đó nhắc cho con người mọi thời biết rằng người đàn bà hạnh phúc nhất trong mọi người nữ này từng phải bước đi trong mò mẫm, trong bóng tối, bóng tối của đức tin! Đã đành là Ngài tin, nhưng đức tin là thế đó: tin mà không hoàn toàn hiểu. Cho nên, niềm vui của Đức Maria là kết quả việc Ngài hoàn toàn tuân theo ý Thiên Chúa. Ta cũng cần thêm rằng: đối với con người đang ở lũng sâu nước mắt này, muốn hạnh phúc, không có con đường nào khác ngoài con đường trên. Bí quyết là thực hiện Ý Chúa mà không được đòi hỏi Người giải thích.

Và Giêsu, Con lòng Bà gồm phúc lạ

Không phải Êlisabét chỉ nói Đức Mẹ hạnh phúc, mà cả Con Trẻ trong lòng Đức Mẹ cũng hạnh phúc nữa. Mà Người hạnh phúc thật vì từ lúc còn trong bụng Mẹ, nhân tính của Chúa Kitô đã kết hợp làm một với Ngôi Lời Thiên Chúa ngay trong bản thể rồi. Ngay khi còn trong bụng Mẹ, dưới hình thức xác phàm, Chúa Kitô, trong tư cách con người, đã được chiêm ngắm nhan thánh Ba Ngôi Thiên Chúa. Ai lại không hạnh phúc khi được chiêm ngắm thánh nhan Thiên Chúa? Các nhà huyền bí từng viết rất nhiều về cuộc sống ẩn dật của Chúa Kitô nhưng ta nên nhớ rằng cuộc sống ẩn dật ấy đã khởi đầu ngay trong lòng Mẹ rồi. Hạnh phúc trong chốn ẩn dật ấy khích lệ ta rất nhiều lúc ta thấy khó chấp nhận việc mình không được ai biết đến, không được ai nhìn nhận, bị mọi người lãng quên… Con người nhân bản chúng ta là thế, sợ bị lãng quên, sợ bị làm ngơ xiết bao, muốn được, khao khát được người khác biết đến biết là dường nào!

Nhưng cũng như Mẹ của Người, Chúa Kitô cũng thực hiện Ý Thiên Chúa. Người hạnh phúc vì Người thực hiện Ý ấy. Ở đây, ta đụng tới viên đá nền tảng xây dựng nên cảm nghiệm thánh thiện. Không một ai có trí khôn lành mạnh, bất kể có cố gắng thi hành tốt Ý Thiên Chúa hay không, có thể chối cãi rằng Ý Chúa rất đắt giá, nó đòi hỏi nhiều lòng độ lượng nhân bản và sự hy sinh của ta. Thế ta tự hỏi: bù vào đấy ta được gì? Không ai làm một việc gì mà lại không mong nhận được điều gì từ đó mà ra. Thế các vị thánh và bạn hữu nổi tiếng của Chúa đã nhận được điều gì khi thực hiện Ý Thiên Chúa? Thánh Inhaxiô viết rằng: “Phần thưởng cao nhất mà tôi tớ Chúa Kitô nên mong chờ ở người phàm đời này chính là điều mà Chúa của họ từng nhận được từ người đương thời của Người: chống đối, đóng đinh, và cái chết”. Nhưng liệu Thiên Chúa có ban cho những kẻ phục vụ Người điều chi không? Thưa có. Nhưng cái này bạn không nói về nó được. Bạn phải cảm nghiệm nó. Đó là một cảm nghiệm hân hoan không ai có thể ban, ngoại trừ Thiên Chúa; và Thiên Chúa không ban cho ai ngoại trừ cho kẻ thực hành Ý của Người, theo đúng mức họ thực hành Ý ấy.

Thánh Maria

Trong Kinh Cầu Đức Mẹ, Ngài có nhiều tước hiệu. Ngài có nhiều tước hiệu hơn nữa trong các giáo hội La Mã, và càng nhiều hơn nữa trong Phụng Vụ Byzantine. Tuy không đếm, nhưng ta biết trong lịch Byzantine, mỗi ngày đều có lễ kính một tước hiệu của Đức Mẹ. Tuy nhiên, Giáo Hội như một toàn thể dành tước hiệu “Thánh Maria” cho Ngài vì Ngài là người thánh thiện nhất trần đời; Ngài là tạo vật thánh thiện hơn cả, dĩ nhiên chỉ sau Chúa Kitô, Đấng vốn là Thiên Chúa.

Đức Mẹ thực hành mọi nhân đức tới mức siêu phàm. Ngài không bao giờ phạm tội, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng Ngài thánh thiện chủ yếu không phải vì những điều Ngài làm, vì như ta biết, Ngài đâu có làm chi phi thường đâu; Ngài thánh thiện chủ yếu vì chính con người của Ngài. Đức Mẹ vốn đầy ơn thánh Chúa. Ta cũng cần nhấn mạnh thêm điều này nữa: sự thánh thiện của Đức Mẹ không những chỉ vì Ngài là Mẹ Chúa Kitô và là Mẹ Thiên Chúa, mà Ngài còn sống trong tình thân hữu với Thiên Chúa nữa. Và loại thánh thiện này ai trong chúng ta cũng có thể với tới được, và nhờ ơn Chúa, đều có thể chiếm hữu được, tất cả chúng ta đều tin tưởng được là mình sống trong tình thân hữu với Người. Sự thánh thiện trong yếu tính này, sự thánh thiện ta cùng có với Đức Maria này, ta có được là nhờ ta sống trong trạng thái có ơn thánh.

Tuy nhiên cần phải nhớ rằng khi ta xưng Đức Mẹ là đấng thánh, không phải ta chỉ muốn nói tới sự thánh thiện của Ngài lúc đó mà thôi, lúc Ngài còn ở trên dương gian. Ta cũng nói tới Đức Maria và xưng Ngài là đấng thánh lúc này nữa. Ngài thánh thiện vì lúc này đây, trên thiên đàng, Ngài đang chiếm hữu cả một kho tàng vinh quang có thể sánh với sự đầy ơn phúc của Ngài khi còn trên dương thế.

Ơn thánh trên dương gian là điều kiện để được vinh quang. Mặc dù kiểu nói này hơi lạ, nhưng ta có quyền nói hiện nay trên thiên đàng, Đức Mẹ đầy vinh quang thay vì nói Đức Mẹ đầy ơn thánh. Ngài là người được vinh hiển đầy đủ nhất trong tất cả các tạo vật của Thiên Chúa, dĩ nhiên chỉ sau Con Thần Thánh của Ngài mà thôi. Ta không những có thể ca ngợi sự thánh thiện này mà còn cầu khấn được nữa. Trên thiên đàng, Ngài có quyền thế cầu bầu cho ta rất mạnh vì Ngài hết sức gần gũi Thiên Chúa. Ai càng gần Thiên Chúa thì càng thánh thiện. Đây là một từ ngữ khác để chỉ sự thánh thiện: gần gũi với Thiên Chúa. Đức Maria là người gần gũi nhất với Thiên Chúa. Vì Ngài gần gũi Thiên Chúa như thế nghĩa là thánh thiện như thế, nên Ngài mạnh thế trước toà Thiên Chúa hơn bất cứ thiên thần và vị thánh nào.

Đàng khác, không những ta có thể ca ngợi và khẩn cầu sự thánh thiện của Đức Maria, ta còn có thể bắt chước sự thánh thiện ấy nữa. Ngài là kiểu mẫu thánh thiện của ta. Như các tác giả thiêng liêng thường nói, Ngài là imitatrix Christi, người mô phỏng Chúa Kitô. Quả là tuyệt! Ngài là Đấng trung thành phản chiếu sự thánh thiện của Chúa Kitô qua các nhân đức Ngài từng thực hành. Tuy thế, ta cần ghi nhớ điều này: dù chắc chắn Ngài có thực hành các nhân đức luân lý như khôn ngoan, công bình, tiết độ và can đảm, nhưng chính việc Ngài thực hành điều ta gọi là nhân đức đối thần bác ái đã làm Ngài nên giống Chúa Kitô như thế trong tinh thần, vì Ngài yêu Chúa Kitô, Đấng về phương diện xác thịt giống như Ngài vì Người là Con Trai của Ngài.

Đức Mẹ Chúa Trời

Bà Êlisabét chào Đức Maria là “Mẹ Chúa tôi”. Và Giáo Hội từ đó cũng đã xưng hô với Ngài như thế. Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa vì Ngài cưu mang và sinh hạ Chúa Giêsu Kitô, Đấng vốn là Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao Ngài vô nhiễm từ lúc được tượng thai. Khi Thiên Chúa ban ơn gọi, Người luôn đặt kế hoạch từ trước. Biết rằng Đức Maria sẽ là Hòm Bia Giao Ước và là Nhà Tạm đầu hết của Đấng Tối Cao, nên Thiên Chúa đã chuẩn bị thân xác và linh hồn của Ngài ngay lúc Ngài được tượng thai. Đó cũng là lý do tại sao, tựu chung, Ngài đã được triệu về trời cả hồn lẫn xác.

Tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” này quả là dấu chỉ đức tin chân chính. Chính dựa vào tiêu chuẩn này người ta nhận diện được các lạc giáo trong các thế kỷ đầu tiên. Những người nhìn nhận Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa cũng là những người tin rằng Con của Ngài là Thiên Chúa. Và từ đó đến nay cũng thế. Chỉ những ai thực sự tin vào thần tính của Chúa Kitô mới chấp nhận mẫu quyền Thiên Chúa của Đức Maria một cách đơn thành và không thắc mắc. Bất cứ ai dè dặt đối với việc Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa cũng đều dè dặt với việc Con của Ngài là Thiên Chúa Vô Cùng.

Cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử

Lời khẩn cầu cuối cùng này với Đức Trinh Nữ Diễm Phúc vừa là lời xưng thú vừa là lời nài van. Qua nó, ta xưng thú rằng, không như Đức Maria, tất cả chúng ta đều là người có tội. Hãy nhớ câu truyện chung quanh việc Đức Mẹ hiện ra với Thánh Nữ Bernadette tại Lộ Đức. Khi lần hạt Mân Côi, Đức Mẹ không đọc Kinh Kính Mừng, quả là đúng thay! Ngài làm sao khẩn cầu chính mình được. Nhưng hơn hết, Ngài không thể gọi mình điều mà Ngài không hề là, tức là kẻ có tội. Chúng ta mới là kẻ có tội. Không như Đức Maria, chúng ta là kẻ có tội do “thừa tự” mà có. Chúng ta được tượng thai một cách không phải là vô nhiễm mà là ô nhiễm (maculately), đầy tì vết, tì vết của tội lỗi mà toàn bộ nhân loại đều vướng phải, ngoại trừ Chúa Kitô và Mẹ của Người.

Hơn nữa, ta còn là kẻ có tội vì môi trường nữa. Dĩ nhiên, xã hội trong đó Đức Maria sinh sống cũng là một xã hội tội lỗi, nhưng không như Ngài, ta không những vướng tội lúc sinh ra trên đời mà còn vướng tội của những người quanh ta nữa. Nhất là ta bị vướng tội và là kẻ có tội vì sa phạm (commission), nghĩa là cố tình phạm đến Thiên Chúa. Bởi thế ở đây ta ta xưng thú ta là kẻ có tội.

Nhưng ngoài việc xưng thú, lời khẩn cầu kia cũng là lời nài nỉ, van xin. Xin Đức Mẹ cầu bầu với Chúa Kitô cho chúng ta. Trước nhất cho lúc này, lúc này đây, khi ta đang khiếp đảm nhớ lại tội lỗi quá khứ của mình, khi ta đang phải phấn đấu với chính mình và người khác để giữ mình khỏi phạm tội. Một trong những điều khó khăn nhất trong việc cư xử với người ta là giữ cho mình đừng vướng vào tội lỗi của họ. Nên ta cầu xin được giúp đỡ ngay trong lúc này.

Ta kết thúc bằng cách xin cho mình được bảo vệ vào giờ chết. Đây là lời cầu hàng ngày và nhiều lần trong ngày xin được bền đỗ đến cùng. Ta cần rõ ràng về điều mình xin. Giáo Hội khuyên ta tin rằng ta cần xin cho được ơn bền đỗ đến cùng là ơn tự nó ta chẳng đáng được dù cả đời sống đạo hạnh đi chăng nữa.

Không phải chỉ vì một người nào đó sống cuộc sống tốt mà tự họ có thể đảm bảo sẽ chết trong tình nghĩa với Chúa. Thêm vào cuộc sống ấy, ta phải cầu xin ơn đặc biệt để vào giây phút trước khi bước vào cõi đời đời, ta nhận được ơn chết trong tình nghĩa với Chúa. Ơn này sẽ được ban cho ta nhưng không phải vì ta xứng đáng nhận được nó nhờ cuộc sống tốt lành của ta. Nói cách khác, nhân đức mà thôi không phải là hứa hẹn sẽ được chết trong tình trạng ơn thánh. Đàng khác, ta phải cầu xin cho được ơn chết lành. Đây là ơn lớn nhất mà hữu thể nhân bản có thể nhận được. Không ơn nào có thể sánh với nó. Và Giáo Hội cho ta hay: ta phải liên lỉ và khẩn khoản cầu xin cho được ơn này. Đây là điều ta đang xin ở đây và tin tưởng hy vọng sẽ nhận được vì ta đang cầu xin Mẹ của Thiên Chúa, Đấng sẽ phán xét ta vào lúc ta lìa đời.

Ta xin Ngài cầu cùng Con Ngài xót thương. Người sẽ xót thương vì Người yêu Mẹ của Người. Đức Maria luôn nhận được điều Ngài muốn, miễn là chúng ta có niềm tin biết tin tưởng nơi Ngài và có lòng khiêm nhường nhìn nhận nhu cầu của ta.

Theo Cha John A. Hardon S.J trong cuốn Theology of Prayer
Vũ Văn An
Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài khác
Cn 3982: Thiên Thần Tại Linh Địa Akita (1) (1/11/2018)
Cn 3922: Cuộc Hiện Ra Của Đức Bà Thành Công (our Lady Of Good Success) #2 (7/25/2017)
Cn 3921: Đức Bà Thành Công (our Lady Of Good Success) (7/21/2017)
Câu Chuyệ̣n 6: Nhờ Ơn Đức Mẹ Mà Hết Què (3/29/2017)
Câu Chuyệ̣n 1: Hãy Tin Tưởng Mẹ Maria (3/28/2017)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768