MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Mẹ Têrêsa Calcutta Và Thánh Thể --- Dennis J. Billy Cssr
Thứ Ba, Ngày 22 tháng 7-2014
Mẹ Têrêsa Calcutta và Thánh Thể

 

Dennis J. Billy CSSR

 

Mẹ Têrêsa vững tin rằng cách thức duy nhất giúp các nữ tu của mẹ có thể chăm sóc người nghèo theo cách thức họ vẫn làm, đó là cầu nguyện hằng ngày trước Bí tích Cực Thánh.

 

Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta (1910-1997), người sáng lập Hội Dòng Truyền Giáo Bác Ái và đoạt Giải Nobel Hòa Bình năm 1979, có lòng yêu mến sâu xa đối với Đức Kitô và người nghèo. Mẹ tin rằng Đức Kitô đến để mặc khải chiều sâu tình yêu của Chúa Cha đối với chúng ta, và liên kết chính Người với chúng ta, hầu chúng ta có thể diễn tả cùng lòng yêu mến đối với những người khác, đặc biệt những người nghèo khổ và túng thiếu. Thánh Thể có vai trò chủ yếu đối với linh đạo của mẹ, vì Thánh Thể ban cho mẹ sức mạnh để thực hiện sứ mạng của mình đối với những người nghèo bị bỏ rơi trong các khu ổ chuột tại Ấn Độ, và tạo khả năng cho mẹ nhận thấy sự hiện diện của Đức Kitô nơi những người mình phục vụ. Nếu không có Thánh Thể, thì mẹ và những người theo mẹ sẽ không bao giờ có khả năng thực hiện những việc tốt đẹp cho Thiên Chúa, vốn đã đánh dấu trong lịch sử của họ, với tư cách là các môn đệ của Đức Kitô trong việc phục vụ người nghèo.

 

Cuộc Đời Mẹ Têrêsa và Sứ Mạng Sáng lập

 

Mẹ Têrêsa đã từng có điều này để nói về chính mình: “Theo dòng máu, tôi là người Albanie. Theo quyền công dân, tôi là người Ấn Độ. Theo đức tin, tôi là một nữ tu Công giáo. Đối với ơn gọi của mình, tôi thuộc về thế giới. Đối với tâm hồn mình, tôi thuộc về Đức Giêsu”. Vài lời phát biểu khác thể hiện tính cách rộng lớn hơn cuộc đời của người phụ nữ thánh thiện này.

Mẹ chào đời ngày 26-8-1910, tại thành phố Skopje, gần Macedonia ngày nay, dưới quyền cai trị của Đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ. Mẹ được rửa tội với tên Gonxha Agnes, và là con gái út của ông Nikola và bà Drane Bojaxhiu. Thân phụ cô bé Gonxha qua đời khi cô bé lên 8 tuổi, để lại gia đình trong cảnh thiếu thốn. Bất kể những nỗi đau khổ của gia đình, cô bé Gonxha vẫn được nuôi dạy trong một môi trường yêu thương và đầy đức tin, và cô bé Gonxha đã sinh hoạt rất tích cực trong giáo xứ Dòng Tên tại địa phương.

Năm 18 tuổi, Gonxha bộc lộ mong ước trở thành một nhà truyền giáo. Cô đã rời nhà tới Ailen, để trở nên thành viên của Hội Dòng các Nữ Tu Loreto. Năm 1929, sau khi nhận tên dòng là nữ tu Maria Têrêsa, chị ra đi tới Ấn Độ, khấn lần đầu năm 1931, và khấn trọn đời vào tháng 5-1937. Trong thời gian đó, chị dạy học tại trường nữ Đức Maria tại Calcutta, và cuối cùng, trở thành hiệu trưởng của trường năm 1944. Cuộc đời chị với Hội Dòng các Nữ Tu Loreto được đánh dấu bằng một tinh thần cầu nguyện, an bình và luôn vui tươi. Chẳng bao lâu sau, dần dần, chị biết rằng Chúa đang kêu gọi chị đến với một loại việc truyền giáo rất khác biệt.

Ngày 10-9-1946, trong một cuộc hành trình bằng xe lửa từ Calcutta đến Darjeeling để tĩnh tâm hằng năm, lần đầu tiên nữ tu Têrêsa bắt đầu cảm nhận được lời kêu gọi của Chúa, để phục vụ Người nơi những người nghèo khổ và túng thiếu. “Lời kêu gọi bên trong một lời kêu gọi” này nắm chặt lấy chị, và cuối cùng, trở thành sức mạnh thúc đẩy cuộc đời chị. Đức Giêsu nói với tâm hồn chị, và bảo chị phải thành lập một hội dòng truyền giáo mới, một hội dòng sẽ hoàn toàn hiến thân cho việc phục vụ những người nghèo nhất trong số những người nghèo.

Sau một thời kỳ biện phân, cuối cùng, chị đã nhận được phép để bắt đầu công việc mới này. Ngày 17-8-1948, chị rời khỏi Hội Dòng Loreto của mình, mặc áo sari trắng viền xanh, y phục truyền thống của phụ nữ Ấn Độ. Sau khi theo một khóa học với các Nữ tu Truyền giáo về y học tại Patna, chị trở về Calcutta, ở lại một thời gian với các Tiểu Muội Người Nghèo, lần đầu tiên chị đến thăm các khu ổ chuột ngày 21 Tháng 12.

Ngày 10-10-1950, Dòng Truyền Giáo Bác Ái được chính thức thành lập tại Tổng Giáo Phận Calcutta. Trong vòng một thập niên từ khi thành lập, Mẹ Têrêsa đã gửi các nữ tu của mình đến các khu vực khác của Ấn Độ, và cuối cùng, đến các nơi khác trên thế giới. Khi dòng của mẹ phát triển về quy mô và tầm quan trọng, thì cuối cùng, mẹ đã thành lập các nhà dòng khác, nhằm hỗ trợ các nữ tu trong công việc của các chị đối với người nghèo: Dòng các Tu Sĩ Truyền Giáo Bác Ái (1963), một chi nhánh chiêm niệm của Dòng nữ (1976), một chi nhánh chiêm niệm của Dòng nam (1979), Phong trào Corpus Christi dành cho các Linh mục (1981), và Dòng các Linh Mục Truyền Giáo Bác Ái (1984). Ngoài các ơn gọi đối với đời sống tu trì và linh mục, mẹ còn thành lập một số phong trào dành cho những giáo dân nào cảm thấy được lôi cuốn đến với đặc sủng và tinh thần truyền giáo của mẹ. Đến lúc Mẹ Têrêsa qua đời năm 1997, các nữ tu của mẹ đã lên tới gần 4000 người, thật mạnh mẽ với 610 cơ sở trên khắp 120 quốc gia.

Gia đình tu trì do Mẹ Têrêsa sáng lập vẫn tiếp tục phát triển. Gia đình này có tác động sâu xa đối với khung cảnh thiêng liêng của thế giới, một tác động đã vượt qua những ranh giới của tín ngưỡng và giáo phái, và truyền cảm hứng cho vô số tín hữu, hầu nhận thấy sự hiện diện của Đức Kitô nơi những người đang sống trong tình trạng cực kỳ nghèo khổ và bên bờ vực của cái chết.

 

Linh Đạo Truyền Giáo của Mẹ Têrêsa

 

Mẹ Têrêsa là một nhà chiêm niệm trong tâm hồn và một nhà truyền giáo bằng hành động. Linh đạo của mẹ lấy cảm hứng từ những lời của Đức Giêsu trong Tin mừng Mátthêu (25:35-40):

“Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han... Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như vậy cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”.

Mẹ Têrêsa mang những lời này trong tâm hồn đến bất cứ nơi nào mẹ tới – và đã hành động theo những lời này.

Mẹ Têrêsa tin rằng Đức Giêsu hiện diện trong những người mình phục vụ, đặc biệt những người nghèo khổ và túng thiếu. Mẹ tìm cách chiêm ngắm khuôn mặt của Đức Kitô nơi mọi người mình gặp gỡ. Khi cố gắng trở nên ý thức hơn về sự hiện diện của Đức Kitô nơi những người chung quanh, mẹ tìm cách hết lòng phục vụ Người, bằng cách đặt nhu cầu của những người khác trước mặt mình. Nhu cầu của mẹ là một linh đạo và thừa tác vụ về sự hiện diện. Những công việc của lòng thương xót về phần xác – cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ trần truồng mặc, cho kẻ vô gia cư chỗ ở, thăm viếng kẻ đau yếu, tù tội, và chôn cất kẻ chết – hiện ra thật to lớn trong đời sống hằng ngày của mẹ. Mẹ Têrêsa tin rằng Đức Giêsu đặc biệt gần gũi với những người nghèo khổ và bị chà đạp. Qua việc an ủi những người đó lúc họ có nhu cầu, mẹ tin rằng mình đang mang lại niềm an ủi cho Đức Kitô chịu đau khổ, Đấng đã tự hiến thân đến chết thay cho chúng ta.

Trong sự hiểu biết của Mẹ Têrêsa về sự hiện diện của Đức Kitô nơi những người nghèo khổ và bị tước đoạt quyền lợi, điều chủ yếu chính là niềm tin của mẹ nơi thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô. Nhờ mầu nhiệm vượt qua của Đức Giêsu, Người đã vượt qua cái chết để đến với một mức độ hiện hữu cao hơn, sự hiện hữu này đã tạo khả năng cho Người khắc phục được những giới hạn của thời gian và không gian, và vẫn hiện diện với nhân loại yếu đuối chúng ta theo một cách thức trước đây chưa bao giờ có. Trong tâm trí Mẹ Têrêsa, mẹ đi theo Đức Kitô nơi những người phong hủi, hành khất, mù lòa, câm điếc, què quặt, nghiện ngập, gái điếm, tù nhân, những người già yếu, hấp hối. Qua việc an ủi những đám đông đói khát, mẹ tin rằng mình đang thực sự mang lại niềm an ủi cho Đức Kitô chịu đóng đinh.

Mối liên kết của Mẹ Têrêsa giữa Đức Kitô chịu đau khổ và sự hiện diện của Người trong nhân loại đau khổ phát xuất từ niềm tin chủ yếu của mẹ, đó là khi Đức Kitô trở thành phàm nhân, thì Người liên kết sự hiện hữu nhàm chán của chúng ta với sự hiện hữu không thể thay đổi của Người. Kết quả là hiện nay, Người vẫn sống và hoạt động bên trong chúng ta, theo một cách thức thật sâu xa mầu nhiệm. Nhờ cuộc thương khó, cái chết và sự Phục Sinh của Đức Kitô, tất cả chúng ta đều đang sống câu chuyện của Người theo cách thức nào đó. Nghĩa là tất cả mọi người, đàn ông, phụ nữ và trẻ em trên trái đất này đều đang đi cùng con đường đau khổ và chết chóc mà Đức Giêsu đã từng đi.

Mẹ Têrêsa coi thừa tác vụ đối với Đức Kitô nơi những đám đông bị quên lãng trong các khu ổ chuột tại Ấn Độ như một đặc ân, và mẹ tìm cách hiện diện với họ bằng một tinh thần phục vụ khiêm tốn. Đối với mẹ, Thánh Thể chính là một cách thức chủ yếu, mà trong đó, sự hiện diện đau khổ của Đức Kitô trên thập giá trở thành một sự hiện diện đầy thương xót đối với nhân loại đau khổ trên thế giới.

 

Giáo Huấn của Mẹ Têrêsa về Thánh Thể

 

Thánh Thể là chủ yếu đối với cuộc đời Mẹ Têrêsa và linh đạo của các cơ sở và hiệp hội truyền giáo khác nhau do mẹ thành lập. Trong suốt cuộc sống lâu dài của mình, mẹ đã từng nói điều này nhiều lần, vừa công khai với thế giới, vừa nói riêng với các nữ tu và các hội viên của mình.

Một ghi chú đặc biệt là buổi nói chuyện của Mẹ Têrêsa trước Hội Nghị Quốc Tế về Thánh Thể tại Nairobi, Kenya, năm 1985. Qua bài diễn văn này, mẹ nhấn mạnh những nét đặc biệt chủ yếu trong giáo huấn của mình về Thánh Thể. Qua đó, mẹ nói rằng Đức Giêsu đến với chúng ta vì mục đích: “Để nói với chúng ta rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Chúng ta thật quý giá đối với Người. Chúng ta đã được tạo dựng để yêu thương và được yêu thương, và chúng ta phải yêu thương nhau như Người yêu thương chúng ta, như Chúa Cha yêu thương Người”.

Mẹ Têrêsa cũng nhắm đến thập giá và nhà tạm, như hai biểu tượng cụ thể cho tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại: “Khi nhìn lên thập giá, chúng ta biết rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến thế nào. Và khi nhìn lên nhà tạm, chúng ta biết rằng Người vẫn ở đó để yêu thương chúng ta như thế nào”. Mẹ tin rằng mối liên kết mật thiết giữa nỗi đau khổ của Đức Kitô và sự hiện diện của Đức Giêsu trong nhà tạm đổ tràn đầy vào nỗi đau khổ trên thế giới:

“Đức Giêsu đã tự biến mình thành Tấm Bánh ban Sự Sống, hầu làm thỏa mãn nỗi đói khát của chúng ta về tình yêu. Và như thể việc này vẫn không đủ đối với Người, nên Người còn tự biến mình thành một kẻ đói khát, trần truồng, khiêm tốn nhất, hầu bạn và tôi có thể làm thỏa mãn niềm khao khát của Người về tình yêu nhân loại. Đây là điều thật tuyệt vời - những người đau yếu, nghèo khổ, không được ai cần đến, không được yêu thương, những kẻ phong hủi, nghiện ma túy, nghiện rượu, các cô gái điếm - Đức Kitô ẩn mình trong nỗi đau khổ của họ”.

Mẹ tin tưởng bằng cả tâm hồn rằng tất cả họ đều là những người được đặc ân, vì họ được chúc lành trước sự hiện diện của Người suốt 24 giờ mỗi ngày.

Trong cùng bài diễn văn này trước Hội Nghị Quốc Tế về Thánh Thể, Mẹ Têrêsa đã làm sáng tỏ tầm quan trọng của sự hy sinh cá nhân, qua việc làm cho tình yêu dịu hiền và thương xót của Thiên Chúa hiện diện trong thế giới ngày nay:

“Hy sinh chính là tình yêu trong hành động. Thiên Chúa đã cử Đức Giêsu đến dạy cho chúng ta tình yêu này, mà bạn sẽ khám phá được trong cuộc đời mình. Có bao giờ bạn cảm nghiệm được niềm vui khi yêu thương không? Có bao giờ bạn chia sẻ điều gì đó cho những người đau yếu, cô độc, cùng với việc làm điều gì đó thật tốt đẹp cho Thiên Chúa không? Đây là điều đến từ bên trong chúng ta. Đây là nguyên nhân tại sao Đức Giêsu đã tự biến mình thành Tấm Bánh ban Sự Sống – hầu tạo ra tấm bánh này trong cuộc đời chúng ta”.

Đối với Mẹ Têrêsa, Thánh Thể chính là tình yêu hy tế mà Thiên Chúa dành cho chúng ta, để được ăn vào và tiêu hóa, và trở thành một phần trong con người chúng ta. Khi chúng ta đón rước Thánh Thể, thì chúng ta được Thiên Chúa ban sức mạnh để yêu mến những người khác, với cùng tình yêu mà Đức Kitô đã bày tỏ cho chúng ta. Bằng cách này, bí tích Thánh Thể giúp chúng ta mang tình yêu của Đức Kitô đến với người nghèo, và cảm nhận được sự hiện diện của Người vẫn có ở trong họ.

Mẹ Têrêsa tin rằng chúng ta thường không nhận thấy Đức Giêsu nơi những người khác, vì chúng ta thiếu tâm hồn thanh sạch:

“Phúc cho ai có tâm hồn thanh sạch, vì họ sẽ nhìn thấy Thiên Chúa”. Bây giờ, chúng ta không thể yêu thương nhau, trừ phi chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa nơi nhau. Vì thế, điều quan trọng đối với chúng ta là có tâm hồn thanh sạch. Với một tâm hồn thanh sạch, chúng ta sẽ có khả năng không chỉ trở thành tất cả vì Đức Giêsu, mà còn mang Đức Giêsu đến với những người khác. Đây là nguyên nhân tại sao Đức Giêsu đã tự biến mình thành Tấm Bánh ban Sự Sống. Đây là nguyên nhân tại sao Người vẫn ở đó suốt 24 giờ. Đây là nguyên nhân tại sao Người mong ước bạn và tôi chia sẻ niềm vui của tình yêu.

Mẹ tiếp tục bằng một lời khuyên rõ ràng: “Tôi xin bạn hãy đến gần hơn với Thánh Thể và  Đức Giêsu ... Hỡi các linh mục  giáo xứ, xin các cha yêu cầu các giáo dân chầu Thánh Thể trong các nhà thờ của mình bất cứ ở đâu có thể được. Hãy chầu Thánh Thể thậm chí mỗi tuần một lần, sao cho sự dịu hiền của tình yêu có thể phát triển trong tâm hồn các cha, hầu chia sẻ tình yêu ấy cho những người khác”.

Trong tâm trí mẹ, lòng yêu mến thiết tha đối với sự hiện diện của Đức Giêsu trong Bí tích Cực Thánh sẽ đào sâu lòng yêu mến thiết tha của chúng ta đối với sự hiện diện của Người nơi những người nghèo nhất trong số những người nghèo. Sự hiện diện bao gồm hai phần này nằm ở cốt lõi linh đạo của mẹ về Thánh Thể, và đặc sủng của các cơ sở dòng tu do mẹ thành lập.

 

Những Nhận Xét

 

Cách trình bày trên đây chỉ đưa ra những yếu tố chính trong giáo huấn của Mẹ Têrêsa về Thánh Thể, và không khẳng định là bao hàm toàn diện. Những nhận xét sau đây khảo sát thêm về giáo huấn của mẹ, và nhấn mạnh sự thích hợp của giáo huấn này đối với ngày nay:

1.                 Để bắt đầu, chúng ta không thể nhấn mạnh đủ về tính cách trung tâm của Thánh Thể đối với việc truyền giáo của Mẹ Têrêsa, nhằm phục vụ những người nghèo khổ và túng thiếu. Mẹ tin rằng, nếu không có Thánh Thể, không ai có thể vươn tới các đám đông bị quên lãng và tước đoạt quyền lợi, như bản thân mẹ và các nữ tu truyền giáo của mẹ có khả năng thực hiện. Nếu không có sự nâng đỡ hằng ngày của Mình và Máu thánh Đức Giêsu, thì các nữ tu sẽ bị nản lòng trước những gì họ nhìn thấy, và bất lực trong việc vươn tới những người có nhu cầu khủng khiếp. Chính Thánh Thể tạo khả năng cho các nữ tu nhìn thấy và phục vụ Đức Kitô nơi những người khác. Nếu không có Thánh Thể, thì các nữ tu sẽ vừa mù quáng trước sự hiện diện của Người ở giữa họ, vừa bất lực không thể phục vụ được.

2.                 Cũng nên ghi chú rằng Mẹ Têrêsa nhận thấy một mối liên kết chặt chẽ giữa việc chiêm niệm và truyền giáo, cả hai việc này đều có cốt lõi là Thánh Thể. Trong tâm trí mẹ, việc cầu nguyện trước Bí tích Cực Thánh không hề làm cho mẹ sao lãng việc truyền giáo đối với người nghèo, nhưng còn ban sức mạnh cho mẹ, hầu vươn tới Đức Giêsu, Đấng gặp gỡ mẹ khắp nơi: trong những người nghèo khổ, cô độc, đói khát, đau yếu và hấp hối. Việc chiêm niệm và truyền giáo là hai cực của duy nhất một tinh thần truyền giáo, mà mẹ vẫn tìm cách sống bằng cả tâm hồn mình và thấm nhuần vào các nữ tu của mẹ. Việc chiêm niệm sai mẹ ra đi truyền giáo, đáp lại, việc truyền giáo đưa mẹ trở lại với việc chiêm niệm. Mối quan hệ hỗ tương này nằm ở chính cốt lõi linh đạo truyền giáo của mẹ.

3.                 Đối với Mẹ Têrêsa, sự hiện diện của Đức Giêsu trong Thánh Thể tương đương với sự hiện diện mầu nhiệm của Người nơi những người nghèo khổ và túng thiếu. Ngoài ra, mẹ còn tin rằng chỉ có thể nhìn thấy cả hai sự hiện diện này nhờ một tâm hồn thanh sạch và thông qua đôi mắt đức tin. Vì thế, mẹ nhấn mạnh vào tầm quan trọng của một đời sống đơn sơ và tách rời khỏi những mong ước và sở hữu thế tục.

Mặc dù tự thân những cám dỗ trần thế thật dễ chịu, nhưng chúng vẫn có thể dễ dàng khiến người ta sao lãng khỏi điều thực sự quan trọng trong cuộc đời: nhìn thấy và phục vụ Đức Kitô nơi những người khác. Mẹ Têrêsa và các nữ tu của mẹ đều sống cuộc đời đơn sơ và từ bỏ, hầu thanh tẩy tâm hồn vì Đức Giêsu, sao cho Người có thể ngự trong lòng, và vươn tới những người khác thông qua họ. Đối với các nữ tu, đời sống khổ hạnh không phải là một kết thúc nơi chính nó, nhưng là một phương tiện để qua đó, họ có thể làm trống rỗng tâm hồn mình, hầu lấp đầy tâm hồn bằng tình yêu thần thánh.

4.                 Mẹ Têrêsa thích ám chỉ Thánh Thể như Tấm Bánh ban Sự Sống, một thuật ngữ vang vọng sâu xa trong Kinh Thánh, và có ý nghĩa đối với cộng đoàn Kitô hữu, trong cuộc hành trình của cộng đoàn trải qua thời gian. Tấm Bánh ban Sự Sống này chính là “man-na từ trời”, lương thực thần thánh nâng đỡ dân Thiên Chúa trong cuộc lữ hành của họ, và tạo khả năng cho họ vẫn trung thành với giao ước mới, được thiết lập nhờ mầu nhiệm vượt qua của Đức Kitô. Lương thực này chính là Mình Máu Thánh Đức Kitô.

Khi ăn thịt và uống máu thánh Người, Mẹ Têrêsa và các nữ tu của mẹ đều tin rằng giống như tất cả các tín hữu Công giáo, họ trở nên được kết hiệp mật thiết hơn với Đức Kitô và Nhiệm thể Người, Giáo hội. Khi làm như vậy, họ tự nhận thấy mình cũng liên kết sâu xa hơn, bằng một sự “hiệp thông thánh thiện” với những người nghèo khổ và túng thiếu.

5.                 Cuối cùng, đối với Mẹ Têrêsa, Thánh Thể là một nguồn an bình rất sâu xa, giữa cảnh tối tăm thâm nhập mà mẹ trải nghiệm trong thế giới và trong chiều sâu linh hồn mình. Với tư cách là nguồn gốc và đỉnh cao đối với đời sống và việc tôn thờ của Giáo hội, Thánh Thể tạo khả năng cho mẹ đặt mọi sự trong nhãn giới, và ghi nhớ rằng rốt cuộc, công việc truyền giáo mà mẹ đang thực hiện là việc của Chúa, chứ không phải việc của mình.

Mẹ Têrêsa cảm thấy nhiều nhất về bản thân mình, khi mẹ tham dự Thánh lễ hoặc tôn thờ Bí tích Cực Thánh trong tĩnh lặng. Khi tâm hồn mẹ hoàn toàn thuộc về Đức Giêsu, thì mẹ có thể chỉ hoàn toàn ở đó, và nghỉ ngơi trước sự hiện diện của Người. Sự an bình và sức mạnh mà mẹ nhận được từ những giây phút này đã tạo khả năng cho mẹ đến với những người khác, vẫn hoàn toàn là chính mình, và thanh thản trước sự hiện diện của họ. Đối với Mẹ Têrêsa, việc ở trước sự hiện diện của những người nghèo khổ và túng thiếu chính là ở trước sự hiện diện của Đức Kitô. Việc nhìn thấy Đức Kitô ẩn mình trong bánh và rượu đã tạo khả năng cho mẹ nhìn thấy Người, cũng như Người “ẩn mình trong nỗi đau khổ” của người nghèo.

 

Kết Luận

 

Mẹ Têrêsa Calcutta bắt nguồn từ nguồn gốc thật khiêm tốn, để rồi được cả thế giới công nhận là một “vị thánh sống”, và sứ giả cho sự an bình của Thiên Chúa đối với những người nghèo khổ và tâm hồn tan nát. Từ khởi đầu gần như không có gì, Mẹ Têrêsa đã có khả năng thực hiện những công việc kỳ diệu, nhờ lòng quảng đại của những người tin tưởng vào sứ điệp và công việc của mẹ. Mẹ đã sống cuộc đời mình dành cho Đức Giêsu, với tư cách là một đứa trẻ và thiếu niên đang lớn lên trong thời đại đó tại Macedonia, với tư cách giáo viên cùng với các Nữ Tu Loreto, và với tư cách người phục vụ cùng với các nhà Truyền Giáo Bác Ái. Mối quan hệ mật thiết của Mẹ Têrêsa với Chúa đã tạo khả năng cho mẹ nhận thấy sự hiện diện của Thiên Chúa nơi những người nghèo khổ và túng thiếu trong các khu ổ chuột tại Ấn Độ.

Linh đạo của Mẹ Têrêsa vừa mang tính chiêm niệm, vừa mang tính hoạt động, theo quan điểm riêng của linh đạo này. Việc cầu nguyện là chủ yếu đối với cuộc đời mẹ, vì việc này giúp mẹ nuôi dưỡng mối quan hệ của mẹ với Chúa, và nhìn thế giới chung quanh bằng đôi mắt đức tin. Mẹ thuộc lòng những lời Đức Giêsu rằng những điều chúng ta làm cho các anh chị em bé nhỏ nhất là chúng ta cũng làm cho chính Người. Sự gần gũi của mẹ với Đức Kitô đã giúp mẹ nghe thấy lời kêu gọi của Người để phục vụ người nghèo, và đáp lại lời kêu gọi này bằng cả tấm lòng, trí óc và linh hồn.

Cuối cùng, việc mà mẹ đã khởi sự một mình, vào một ngày tháng 8 nóng bỏng năm 1948, đã trở thành một gia đình thiêng liêng vĩ đại, bao gồm những người chỉ mong ước nhận thấy khuôn mặt của Đức Kitô nơi người nghèo, và phục vụ họ với lòng thương xót dịu hiền.

Trong việc phân tích sau cùng, chúng ta không thể hiểu về cuộc đời và việc truyền giáo của Mẹ Têrêsa tách rời khỏi lòng yêu mến thiết tha sâu xa của mẹ đối với việc tự hiến thân của Đức Giêsu trong hy tế thánh thiện của Thánh lễ, và sự hiện diện cá nhân của Người trong Bí tích Cực Thánh. Việc chiêm ngắm sự hiện diện của Đức Kitô trong bí tích này đã dẫn dắt mẹ, hầu cảm nghiệm được sự hiện diện của Người trong nỗi đau khổ của những người chung quanh.

Nếu không có bí tích Thánh Thể, thì tâm hồn mẹ sẽ không đủ thanh sạch, và tình yêu của mẹ sẽ không đủ sâu xa, để vươn tới những người có nhu cầu. Khi sống theo “lời kêu gọi bên trong lời kêu gọi”, Mẹ Têrêsa liên tục truyền đạt linh đạo Thánh Thể của mình cho những người theo mẹ, chắc chắn giúp họ đánh giá đúng mối liên kết mật thiết giữa sự hiện diện mang tính cách bí tích của Đức Kitô, và sự hiện diện của Người nơi những người nghèo khổ và túng thiếu. Vượt trên tất cả mọi điều khác, mẹ muốn những người theo mình hiểu rằng họ phải bén rễ sâu trong tình yêu Thiên Chúa, hầu chia sẻ tình yêu này với những người khác. Mẹ tin rằng chỉ có Tấm Bánh Thánh Thể ban Sự Sống mới có thể băng bó những tổn thương, ban sức mạnh cho quyết tâm, và nâng đỡ họ trong cuộc hành trình của họ.

 

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Mẹ Tình Yêu (8/2/2014)
Cứ Tin Tưởng Vào Chúa Và Làm Điều Thiện (7/27/2014)
Phép Mầu Mân Côi (7/26/2014)
Xin Mẹ Cứu Giúp Con Mọi Nơi Mọi Lúc, Nhất Là Trong Giờ Chết! (7/25/2014)
Quyền Năng Cứu Giúp Của Đức Mẹ (7/23/2014)
Tin/Bài khác
16 Tháng Bảy, Ðức Bà Núi Camêlô (7/16/2019)
Lạy Mẹ Maria Thánh Mẫu La Vang, Xin Đoái Thương (7/21/2014)
Kính Đức Mẹ 5 Ngày Thứ Bẩy Đầu Tháng (7/13/2014)
Vai Trò Của Đức Mẹ Trong Chiến Tranh Thiêng Liêng (7/13/2014)
Cn 2502: Thánh Gioan Xxiii Và Chuỗi Mân Côi (7/11/2014)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768