MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Hành Hương Kỷ Niệm 400 Năm Dòng Tên Loan Báo Tin Mừng Trên Đất Việt Ngày 3, 4, 5
Thứ Hai, Ngày 24 tháng 11-2014

Hành Hương Kỷ Niệm 400 Năm Dòng Tên Loan Báo Tin Mừng Trên Đất Việt Ngày 3, 4, 5

NHẬT KÝ HÀNH HƯƠNG NGÀY 3

THỜI KHÓA BIỂU

Hôm nay Chúa Nhật thứ V mùa Phục Sinh, chúng tôi rời Tòa Giám Mục Quy Nhơn sớm sau khi ăn sáng, để đi An Chỉ Quảng Ngãi. Buổi sáng sớm đã có vài người trong đoàn chúng tôi ra tắm biển Qui Nhơn, vì Tòa Giám Mục, Chủng viện và Nhà Thờ Chính Tòa là một tổng thể ngay gần bờ biển, chỉ cách 300 mét. Con đường từ Qui Nhơn đến Quảng Ngãi cũng tạm dài, vì chúng tôi cũng phải đi hơn 3 tiếng mới tới vị trí có nhà thờ xứ của An Chỉ. Chúng tôi được cha Ngọc, chánh xứ của khu vực này đón tiếp tham quan An Chỉ, là nơi cũng có CƯ SỞ DÒNG TÊN, đồng thời là nơi Đức Cha Lambert de la Motte đã lập dòng MTG đầu tiên ở đây. Trên mảnh đất này trước kia có ngôi nhà thờ, nhưng chiến tranh đã tàn phá năm 1968, hiện nay không còn gì nữa. Cha Ngọc đã mua lại được phần đất của nhà thờ này và hiện nay, đã có hàng rào bao quanh một khu đất vừa đủ rộng hơn 1600 m2. Sự nhiệt tình của Cha muốn lưu giữ điểm lịch sử này của dòng Tên như là “gia tài thiêng liêng” của giáo phận Quy Nhơn. Chúng tôi rất ấn tượng với lòng nhiệt tình tông đồ truyền giáo của Cha. Cha cho biết, sở dĩ các Cha Dòng Tên xưa đã đến truyền giáo nơi này, vì ở đây là nông thôn, có cả một bầu đất bên cạnh một con sông. Có gì bất an thì người và lúa xuống thuyền. Đúng vậy, chúng tôi đã thấy những cánh đồng bát ngát hai bên đường, trên con đường từ giáo xứ của cha đi thẳng ra quốc lộ 1A dài 15 km là những cánh đồng rộng bắt mắt. Dân cư ở đây chỉ sống nhờ ruộng lúa. Vì thế cũng có nhiều người đã phải đi làm ăn xa. Tuy nhiên đứng về mặt đời sống, khung cảnh ơ đây thật thanh bình. Cha Ngọc phải phụ trách đến 15 giáo họ chung quanh. Ngày chúng tôi đến cũng là ngày cha Ngọc được Đức Cha cho một cha Phó để phụ tá với Cha trong cánh đồng truyền giáo này. Chúng tôi rất ấn tượng về một giáo xứ nghèo, có chừng hơn hai ngàn giáo dân, nhưng có ngôi thánh đường khá khang trang tươm tất. Đúng là một linh mục cần thiêt cho giáo hội biết bao, vì Ngài có thể coi sóc cả một khu vực rộng lớn, có lương có giáo, và là người lãnh đạo tinh thần cho bà con giáo dân. Công việc của Cha như tuyến đầu Truyền Giáo ở khu vực này, để giáo hội được hiện diện tại đây, và biết đâu sẽ chẳng phải là cái nôi cho khu vực này của dân Quảng Ngãi. Chúng tôi được cha phó xứ hướng dẫn đi dùng cơm trưa ở Quảng Ngãi và sau đó trực chỉ đi nhà dòng St Paul Sao Biển Đà Nẵng. Cũng phải mất hơn 3 giờ xe chúng tôi mới tới Đà Nẵng vào lúc 17 g 30. Chúng tôi chờ đợi hơi lâu để nhận phòng và sau đó đi ngược về Hội An để dâng lễ Chúa Nhật lúc 19 g 30. Vì là ngày Chúa Nhật, chúng tôi muốn có sự chu đáo, thanh thản, sử soạn trong ngoài đi dự lễ ở một nơi quan trọng của lịch sử, nên chúng tôi đã bảo nhau ăn mặc đẹp để dự lễ, và sau đó đi tham quan thành phồ cổ Hội An ban đêm. Chúng tôi đã có một thánh lễ sốt sắng tại CƯ SỞ ĐẦU TIÊN của dòng Tên tại Hội An, thăm mộ các thừa sai ngay trong khuôn viên nhà thờ, và sau đó đi tham quan PHỐ CỔ HỘI AN, và ăn tối tại đây. Chúng tôi muốn tận hưởng khung cảnh của các cha thừa sai hồi xưa đã sống ở đây, và ngày nay, với khung cảnh huyền hoặc của khu phố cổ ban đêm. Vì thế cho dù đã muộn, chúng tôi không ngại về thời gian, và đã sống những giờ phút tuyệt vời ở CƯ SỞ ĐẦU TIÊN NÀY CỦA DÒNG TÊN. Về đến nhà nghỉ của các sơ Sao Biển lúc 22 g 30. Chúng tôi đã có một NGÀY DÀI, và cần nghỉ ngơi. May mắn là trong nhà các sơ có máy điều hòa cho mọi người, chúng tôi được hồi sức nhờ giấc ngủ mát mẻ ban đêm, bên cạnh bờ biển cũng là nơi có ĐIỂM HÀNH HƯƠNG MỚI là Đức Mẹ Sao Biển của các sơ Saint Paul. Tiếng sóng rì rào đưa chúng tôi vào giấc ngủ bên cạnh Mẹ Sao Biển.
 
THAM QUAN CÁC NƠI THÁNH
 
Sự kiện các cha Dòng Tên đến CỬA HÀN ĐÀ NẴNG rồi đi ngay đến HỘI AN, là để giúp đỡ các tín hữu Nhật Bản và Trung Hoa đi lánh nạn qua cuộc BÁCH HẠI ở các nước đó.
 
Vì thế khi đến CỬA HÀN, điểm nhắm của các cha là HỘI AN[1]. Thuyền cập bến CÙ LAO CHÀM, rồi mới đi vào. Cư sở đầu tiên của các Cha Dòng Tên là ở HỘI AN. Theo Cha Đỗ Quang Chính SJ thì Dinhciam là tên để chỉ Thành Chiêm phía Tây Hội An, tức Dinh quan Trấn Thủ Quảng Nam. Nó nằm sát Tả Ngạn sông Thu Bồn, khúc sông này còn được gọi là sông Hội An, chỉ cách Hội An khoảng 7 cây số. Ở đó chính là THỦ PHỦ của Trấn Quảng Nam, được xây dựng khoảng năm 1610-1612. Đến đầu thế kỷ XIX thì TƯỜNG THÀNH bị triệt hạ. Cách Thành Chiêm 01 cây số về phía Tây là Điện Bàn. Cư Sở Thành Chiêm được thiết lập sau 5 năm Cư Sở Nước Mặn (xem DTTXHĐV trang 67-68). Thành Chiêm là nơi Anrê Phú Yên chịu TỬ ĐẠO, nhưng không rõ nơi chốn của Thành Chiêm, có thể là cánh đồng thuộc nhà thờ Phước Kiều ngày nay. Có thể thấy dữ liệu này theo Phạm Đình Khiêm cũng như Văn Thư phong chân phước của Anrê Phú Yên. Sáng sớm chúng tôi đã đến nhà thờ Phước Kiều, là điểm chính yếu thứ hai sau khi dâng lễ tại Hội An tối hôm trước. Nhà Thờ Phước Kiều nay đã khá tươm tất. Chúng tôi đọc bài viết của cha Hiền về sự hội ngộ giữa dân tộc và truyền giáo. Một cách nào đó, may mắn thay khi đất nước mở rộng bờ cõi đến đâu, thì đạo thánh Chúa cũng được loan truyền đến đó. Sở dĩ thế vì Chúa Trịnh chúa Nguyễn đều cần liên lạc với các thương gia bồ đào nha, và chính các nhà truyền giáo Tây Phương cũng đóng góp cho việc dân chúng đến lập cư ở các khu vực mới của đất nước này. Chúng tôi đã dành những giây phút tưởng nhớ đến thầy giảng Anrê, vì nơi đây là Gò Xử, nơi Thầy đã được chịu phúc tử đạo. Các cha đến Cửa Hàn chính xác vào ngày 18 tháng giêng năm 1615, nên ngày này giáo phận Đà Nẵng cũng chọn là ngày bổn mạng của giáo phận. Đà Nẵng cũng kỷ niệm 400 năm hình thành nên giáo phận này. Mốc thời gian này đã trở thành MỐC LỊCH SỬ của Giáo Hội Việt Nam, dù trước đó đã có một số giáo sĩ truyền giáo, nhưng không rõ chính xác lịch sử, và không có tư liệu nào về các sự kiện các thừa sai truyền giáo trước đó. Hơn nữa sự kiện Anrê Phú Yên được phúc tử đạo ở đây trên vùng đất của giáo phận Đà Nẵng này, minh chứng cho giòng máu đức tin đã đổ xuống trên mảnh đất Đà Nẵng, tại Phước Kiều, Hội An, để từ đó hạt giống đức tin tiếp tục được gieo vãi khắp nơi trên đất Việt. Theo cha Đắc Lộ, Ngài cho biết chắc chắn Anrê Phú Yên là TỬ ĐẠO TIÊN KHỞI.
 
[1] Theo Đỗ Quang Chính, Hội An có tên là Faifo. Theo Nguyễn Đình Đầu thì lại cho tên Hội An là Hoài Phố, vì con sông dẫn vào Hội An là con sông Hoài.
 
NHẬT KÝ HÀNH HƯƠNG NGÀY 4

THỜI KHÓA BIỂU
 
Buổi sáng có một số khách Hành Hương đã TẮM BIỂN tại bờ biển Đức Mẹ Sao Biển, sau đó chúng tôi ăn sáng, rồi lên đường đi tham quan PHƯỚC KIỀU như đã nói, nơi có Dinh Trấn Quảng Nam, và Gò Xử, nơi Anrê Phú Yên đã chịu phúc TỬ ĐẠO. Phước Kiều nay đã khác xưa, vì dân chúng đã đến lập cư đông đúc, không còn cánh đồng thẳng cánh cò bay như 7 năm trước đây nữa, nên từ Phước Kiều không nhìn được cánh đồng của khu vực Thanh Chiêm nữa. Nhà Nước lại mới cho tiến hành một con đường cắt ngang qua cánh đồng để làm quốc lộ. Chỉ còn chợ CỦI là nơi Anrê đã đi qua để ra gò xử lãnh án chết vì đạo Chúa, nhưng chúng tôi không đi qua khu chợ đó. Thăm Phước Kiều xong, chúng tôi đến với Đức Mẹ Trà Kiệu, nơi đây Đức Mẹ đã hiện ra cứu giúp giáo dân ở đây thời Văn Thân. Những người giáo dân của xứ đạo này chỉ có tay không, nhưng Đức Mẹ đã giúp họ để quân Văn Thân không có cách nào chiếm cứ được xứ đạo này. Hiện nơi đây có Nhà Truyền Thống góp nhặt nhiều kỷ vật của thời đại cấm cách đạo. Chúng tôi dâng lễ kính Đức Mẹ vào lúc 10 giờ sáng và sau đó ăn trưa ngay tại quán ăn bình dân tại đây, sau đó chúng tôi đi thăm Cửa Đại và chụp hình trước Cù Lao Chàm. Cửa Đại nước trong và đẹp, xa xa khoảng 8 cây số là Cù Lao Chàm nơi Thánh Phan xi cô Xaviê đã ghé đó và cũng là nơi các thừa sai sau này thường cập bến ở đó trước khi vào Hội An. Cửa Đại trở thành nơi thánh cũng vì những yếu tố đó. Biển Cửa Đại nối liền với biển Đức Mẹ Sao Biển, nên chúng tôi đã tắm biển Đức Mẹ Sao Biển cũng là cùng một dòng nước với Cửa Đại vậy. Có các đoàn dân chúng đến sinh hoạt ở rừng dương trước Cửa Đại, và có một số ít người tắm biển vì ở đây bờ biển dốc sâu, nhưng trong vắt hơn bờ biển của Đức Mẹ Sao Biển, vì ở đây vẫn là nơi nguyên sinh. Nếu có thời gian, chúng ta có thể thuê thuyền ra Cù Lao Chàm. Phải ít nhất dành một ngày mới có thể tham quan nơi thánh này, với rừng nguyên sinh còn hơn 150 loài thú, và với bờ biển nguyên sinh xanh mướt. Sau Cửa Đại chúng tôi đi thăm Non Nước Ngũ Hoành Sơn, để bà con mua các đồ kỷ niệm bằng đá của Ngũ Hoành Sơn. Chúng tôi về lại Đức Mẹ Sao Biển sớm, để nghỉ trưa, và sau đó đọc kinh trước tượng đài Đức Mẹ Sao Biển và đi TẮM BIỂN, thay cho chương trình tắm ở Cửa Đại ngay trước Cù Lao Chàm là nơi khá chắc Thánh Phaxicô Xaviê đã dừng chân ở đó, và là nơi các thừa sai đã nhiều lần dừng chân ở đảo này trước khi vào CƯ SỞ ĐẦU TIÊN của các Thừa Sai Dòng Tên tại Hội An. Sau việc đọc kinh kính Đức Mẹ Sao Biển vào lúc 18 giờ chúng tôi có buổi nói chuyện về Đức Maria trong Giáo Hội và trong lòng người tín hữu VN. Ăn tôi xong, chúng tôi có một buổi tối đi chơi Đà Nẵng ban đêm theo các nhóm.
 
HÀNH HƯƠNG NƠI THÁNH
 
Giải đất từ Cửa Đại đến Hội An là giải đất thánh, nếu chúng ta hiểu rằng đó là giải đất đã in các vết chân của nhiều thừa sai dòng Tên qua lại nơi đó. Chúng ta cũng phải hiểu rằng nơi đó từ ngày 18 tháng giêng năm 1615 nó thật hoang sơ, và vì vậy cái thánh thiêng của nó chinh là sự hoang sơ đó, mà ngày nay chúng ta chỉ thấy những nhà là nhà, những khách sạn, và các lô đất đang chờ để làm các dinh thự. Thế mà nơi đó trước kia là nơi thánh, cũng như cánh đồng Thành Chiêm chỉ mới 7 năm trước đây, với cái hoang dã của nó, còn thấy một chút dáng dấp lịch sử của thời xa xưa, nhưng nay đang được đô thị hóa. Nơi thánh là theo cái nhìn của chúng ta, vì trước kia cha ông chúng ta đã ngang qua đó, nhưng nay đã trở thành cái thành đô của con người. Chỉ có khảo cổ học, đào dưới lòng đất, mới tìm ra cái lịch sử của thời xa xưa. Linh Mục Nguyễn Trường Thăng, chánh xứ Hội An đang nghỉ hưu, đã cố gắng làm công việc này ở Hội An, và Ngài đã tìm ra một vài ngôi mộ ở vùng đó. Nhưng có là bao đối với lịch sử của 400 năm trước đó.
Vì thế, chúng ta đi trên nơi thánh như chúng ta dạo chơi trước một lớp đô thị mới đã mọc lên, và chôn vùi lịch sử ở bên dưới. May mắn thay, còn có phố cổ Hội An, vì là nơi sinh sống xưa, vẫn giữ được chứng tích lịch sử của 400 năm trước. Cù Lao Chàm còn đó, vì nó là thiên nhiên chưa có dấu chân con người khai phá, nó đã đón gót chân của Thánh Phanxicô Xaviê và các nhà thừa sai khác. Dòng nước Cửa Đại cũng đã đưa các con thuyền của các vị thừa sai vào Hội An vẫn sóng vỗ rì rào, nhưng lịch sử xa xưa thì nó như vô tình, nó chẳng có cái gì để làm chứng tích cho nơi thánh. Con sông Jordanô xưa đã đón dấu chân của Joan Tẩy Giả và của Đức Giêsu cũng vậy, nó vẫn vô tình với những gì của lịch sử đã đi qua. Hành hương là để tưởng nhớ về cội nguồn, và chỉ trong ĐỨC TIN, chúng ta mới “nhìn thấy” các nơi ấy cái thánh thiêng của thời xa xưa 400 năm. Riêng với Trà Kiệu, chỉ mới gần 200 năm tôi vẫn còn đó, nên nó đang là chứng tích lịch sử trước mắt. Núi Đức Mẹ Trà Kiệu được xây dựng nên để xác định nơi thánh, nó mới là chứng cớ lịch sử được cắm mốc, chứ không phải như An Chỉ xưa, hiện nay chỉ là mảnh đất trống không, vì nó chưa được xây dựng gì để làm kỷ niệm, khác với CƯ SỞ NƯỚC MẶN đã có BIA TƯỞNG NIỆM. Lịch sử là thế, nó nằm trong KÝ ỨC CON NGƯỜI, và chỉ khi được đánh mốc bằng cái gì đó mắt trần thấy được, chúng ta mới thấy được đó là “địa điểm thánh”. Ngày Hành Hương của chúng tôi khép lại với những lần bánh xe chạy quanh giải đất này, và chỉ như thế, với cái nhìn đức tin của chúng tôi, nó trở thành những vết chân của người hành hương về cội nguồn.
 
Hiện nay chỉ có một nơi là cội nguồn của lịch sử rõ nhất là Đất Thánh tại xứ Palestin, vì ở đó có quá nhiều chứng tích lịch sử, khiến người ta có thể về đến cội nguồn của hơn 2 nghìn năm trước, để tưởng nhớ con người đã để lại lịch sử ngàn đời: Đức Giêsu Kitô.

NHẬT KÝ HÀNH HƯƠNG NGÀY 5

THỜI KHÓA BIỂU
 
Sáng sớm ngày thứ Năm của cuộc Hành Hương, sau khi ăn sáng lúc 6 g 00 chúng tôi khởi hành lên đường đi Huế lúc 7 g 00. Tới Huế khoảng 10 giờ, chúng tôi thăm Thành Nội. Đường vào tham quan Thành Nội khá vất vả theo cách tổ chức ở đây. Giá vé cho một lần tham quan cũng cao. Việc trùng tu đã khá hơn nhiều, nhưng khối lượng công việc cũng còn nhiều. Sau gần 2 tiếng tham quan trong nắng gắt, chúng tôi chỉ đơn giản đến Miếu Thờ nơi có Cửu Đỉnh, rồi đi ra, không tham quan bảo tàng, vì không đủ thời gian. Còn Ngọ Môn là nơi chúng tôi muốn lên trên đó để thấy THÀNH QUÁCH thì đang tu sửa nên không tham quan được. Thành Nội vẫn ì ạch như thế sau 5 năm rồi, với biết bao tiền của của Unesco đổ vào đấy. Những nơi đã trung tu xong thì tạm coi là tươm tất, nhưng vẫn chưa nói được gì về lịch sử của Đền Vua Chúa này, khách tham quan vẫn bơ vơ tự tìm hiểu lấy. Chỉ kỷ luật với vé tham quan, còn các hướng dẫn và các tài liệu hướng dẫn thì chưa có gì. Sau khi tham quan vất vả, chúng tôi đi ăn trưa ở Hương Cau, có dừng chân để bà con mua kẹo bánh mè xửng tại Thiên Hương. Chúng tôi ăn trưa khoảng hơn một tiếng với đủ các thứ bánh của xứ Huế, trong phòng có máy điều hòa. Chúng tôi được nghỉ ngơi đôi chút nhờ bữa ăn ngon, và được “tắm mát” đôi chút ở tiệm ăn gia đình này. Sau đó chúng tôi lên đường thăm Đan Viện Thiên An lúc 14 giờ 00. Chúng tôi được các Thầy đón tiếp nồng hậu, hướng dẫn coi nhà thờ Hầm và sau đó xem Ca Tòa nơi đọc kinh của các đan sĩ. Vị đan sĩ đã kể cho chúng tôi nghe lịch sử thăng trầm của Đan Viện này, với biết bao khó nhọc của thời kỳ chiến tranh, phải chịu đứng giữa hai làn đạn bom của hai phía. Ngôi Thánh Đường phía trên được xây dựng sau 1975. Công lớn là vị đan sĩ cháu của vua Khải Định. Chúng tôi đã gặp vị đan sĩ già này. Sau đó chúng tôi mua các đồ kỷ niệm và dầu Tràm do các Thầy làm. Với Thiên An chúng tôi hiểu hơn thế nào là một dòng tu với lời khấn Vĩnh Cư. Rời Thiên An chúng tôi đi thăm chùa Thiên Mụ. Đây là ngôi chùa có bề dầy lịch sử: “Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương”. Khung cảnh trước và chung quanh ngôi chùa thật thơ mộng, với dòng nước sông Hương vẫn còn vẻ duyên dáng vì sự hoang sơ của nó. Có một số ghe tầu du lịch đợi sẵn ở dưới bờ sông bên cạnh chùa để đón khách đi tham quan trên sông Hương. Bầu khí ở đây khá tĩnh lặng. Cũng là thời gian thư giãn cho chúng tôi, sau đó chúng tôi trực chỉ đi La Vang. Chúng tôi đến La Vang sớm, khoảng gần 17 g 00, nên chúng tôi có đủ thời gian để nhận phòng, tắm rửa và nghỉ ngơi. Chúng tôi ăn tối lúc 18 g 30 và sau khi nghỉ ngơi, chúng tôi dâng lễ tại Linh Đài Đức Mẹ lúc 20 g 00 cho đến gần 21 g 00, và sau đó chúng tôi làm việc kính Đức Mẹ. Một ngày đầy ắp các tâm tình lẫn lộn. Chúng tôi ngủ yên trên đất Mẹ La Vang.
 
NƠI THÁNH VÀ LỊCH SỬ
 
Sự kiện Trịnh Nguyễn Phân Tranh: Các Cha Dòng Tên làm quan trong triều đình nhà Nguyễn. Thường là các CHỨC VỤ LIÊN QUAN ĐẾN LÃNH VỰC KHOA HỌC. Có thể tìm thấy các dữ liệu lịch sử của thời kỳ này về các thánh Tử Đạo Dòng Tên, cả trong các sách sử học ngoại quốc lẫn trong nước. (Xem Đỗ Quang Chính SJ). Về những nhân vật ở Xứ Hóa, tức xứ Huế, phải kể trước hết đến ông Bảo Lộc Rin, là người đã đọc sách giáo lý bằng chữ Hán do cha Matteo Ricci bên Trung Hoa soạn và đã trở lại đạo do cha Francisco de Pina dạy giáo lý và rửa tội cho năm 1620. Điểm độc đáo của ông là đã làm Linh Thao 8 ngày trước khi ông cầm đầu phái đoàn đi Xiêm năm 1623-1625, và ông được Chúa Nguyễn Phước Nguyên cho làm đầu QUAN VĂN ở Sinoa (tức xứ Huế). Nhân vật thứ hai cần lưu ý là Bà Lớn Gioanna, là chị hay em của Chúa Nguyễn Phước Nguyên, được cha Pina rửa tội cho năm 1620. Bà rất nhiệt tình trong việc truyền bá đạo Chúa cùng với Cha Pina. Nhân vật tiếp theo là Bà Minh Đức Vương Thái Phi, là phi cuối cùng của Chúa Nguyễn Hoàng, cũng được cha Pina dạy đầy đủ giáo lý cho, và được rửa tội vào một ĐÊM trong năm 1625, vì người con duy nhất bà có với Chúa Nguyễn Hoàng là Nguyễn Phước Khê ghét đạo. Bà chết năm 1649 lúc đó 81 tuổi, trong khi con trai Nguyễn Phước Khê lại chết trước bà ba năm. Người thứ bốn cần lưu ý là Ngọc Liên Công Chúa, là con của Sãi Vương Nguyễn Phước Nguyên. Bà có ba người em gái đều kết hôn với các ông lớn như vua của Căm Bốt Chey Chettâ II, một Nhật Kiều danh giá tên là Sataro, và một người với tướng Nguyễn Cửu Kiều. Chịu ảnh hưởng của Minh Đức Vương Thái Phi nên Ngọc Liên Công Chúa đã được rửa tội vào năm 1636 do cha Buzomi, tên thánh là Maria Madalena, chồng bà là Trấn Thủ Biên dinh Phú Yên (1629-1643). Bà có nhà nguyện riêng và cha Đắc Lộ đã ở trong dinh của bà, dạy đạo và rửa tội cho 90 người, trong số này có Thày Giảng Anrê Phú Yên. Năm 1643 bà theo chồng về sống tại Thành Chiêm (xem ĐQC trang 73). Không biết bà chết năm nào, nhưng năm 1674 bà vẫn còn sống và dạy giáo lý.
 
DINH CÁT ở QUẢNG TRỊ

Các Cha dòng Tên đã đến truyền giáo ở đây và có CƯ SỞ cũng như một NHÀ NGUYỆN ở đây, nhưng không rõ CHÍNH XÁC Ở CHỖ NÀO. Một cách chung, Nếu theo Chúa Nguyễn, lấy sông Gianh làm biên giới Đàng Ngoài với Đàng Trong, thì các thừa sai cũng rảo hết vùng đất Đàng Trong này, để Truyền Giáo. Họ Trí Bưu nơi có BIA MỘ TỬ ĐẠO HIỆN NAY cũng do các cha Dòng Tên thiết lập. Khi có BÁCH HẠI, các tín hữu ở Trí Bưu mới chạy vào LA VANG, là nơi Đức Mẹ đã HIỆN RA CHO HỌ.

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Trường Hợp Vô Nhiễm Thai Nghĩa Là Gì? (12/8/2019)
Xin Mẹ Cầu Bầu Cùng Thiên Chúa Ba Ngôi Cho Con Và Con Tin Chắc Mình Sẽ Được Cứu Rỗi! (11/29/2014)
Cn 2678: Lễ Kính Đức Mẹ Huyền Nhiệm 27/11 (11/28/2014)
Cn 2677: Tại Slovakia, Đức Mẹ Nói Về Ơn Chữa Lành Và Bình An ( S4) (11/28/2014)
Cn 2673: Đức Mẹ Slovakia Hưá Bảo Vệ Khi Gặp Tai Họa ( S3) (11/26/2014)
Tin/Bài khác
Tại Sao Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội? (12/8/2019)
Cn 2662: Đức Mẹ Hiện Ra Ở Slovakia ( S2) (11/19/2014)
Cn 2661: Đức Mẹ Hiện Ra Tại Nước Slovakia ( S1) (11/19/2014)
Chúng Con Xin Dâng Cho Đức Mẹ Mọi Người Trong Giáo Hội Việt Nam! (11/12/2014)
Xin Giúp Đỡ Con Trong Những Khi Khó Ngặt (10/26/2014)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768