MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Bước Chân Lưu Lạc
Thứ Năm, Ngày 16 tháng 4-2015

BƯỚC CHÂN LƯU LẠC

Mười lăm  năm lưu lạc của Thúy Kiều vì gã bán tơ vu họa gây nên phong ba cho nhà Vương Viên Ngoại tan nát. Bọn nha lại tham ô, quan quyền bất nhân ăn hối lộ để nàng Kiều phải bán mình chuộc cha.

Có ba trăm lạng việc nầy mới xuôi (Kim văn Kiều).
    
Bốn mươi năm lưu lạc và còn dài hơn nữa của quân dân miền Nam, trong đó có gia đình chúng tôi là oan nghiệt của đất nước.

Sau khi Pháp thua trận Điện Biên Phủ. Hoa kỳ gạt Pháp ra khỏi Đông Dương, đất nước chia đôi thành hai miền lấy sông Bến Hải thuộc Tỉnh Quảng Trị làm ranh giới.

Nền Đệ Nhị và Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hoà là đồng minh của  Hoa Kỳ.  Nhưng thâm tâm của họ là tạo nên một chiến trường để mặc cả với Trung Cộng và ly gián Liên bang Xô Viết. Quyền lợi của Hoa Kỳ là tối thượng, khi đạt được họ sẵn sàng hy sinh đồng minh .

Trang chiến sử đồng minh cờ giũ cuộc
Nửa Sơn Hà nghịch lũ cuốn trôi phăng. (không nhớ tác giả)
   
Tuy vậy, đồng minh Hoa Kỳ vẫn còn chút tình nghĩa. Họ đã giang tay đón tiếp nguời sa cơ dung thân, gầy lại cơ nghiệp. Nhờ vậy, con cái ăn học thành tài và có công ăn việc làm. Hưởng thụ nền văn minh tự do, dân chủ và hạnh phúc. Lòng biết ơn hòa lẫn chút ngậm ngùi!

Con cháu mai sau dân bản xứ
Trời Nam Trần Tộc mãi ngàn phương. (Mãi ngàn phương. Thơ TĐL),

Việt Cộng gặp thời thế xưng hô giải phóng miền Nam để giải thoát cho đồng bào bị Mỹ-Ngụy hành hạ, bóc lột đói cơm rách áo và xã hội đồi trụy. Vậy mà, nhà văn Dương Thu Hương (gốc bộ đội miền Bắc) khi tiến vào Sàigòn đã ngồi bên vệ  đường than thở vì nhận ra bao nhiêu năm đã bị Việt cộng lừa gạt!

Thật là chua chát khi nền văn minh đã thua chế độ man rợ. Và Thương Nghị Sĩ John Mc. Cain của Hoa Kỳ cũng gọi: “Ác thắng thiện.”

Đồng minh người không cùng chung một nước còn có chút tình nghĩa. Còn kẻ gặp thời thế được thắng cuộc, cùng chung giòng máu Lạc Hồng thì trả thù quân dân miền Nam thật tàn bạo. Họ mị danh là học tập cải tạo nhưng thực ra là những trại tù khổ sai nơi rừng thiêng nước độc để giam giữ và hành hạ tù nhân độc ác nhất lịch sử. Lao động nặng nhọc, phá rừng khai núi để trồng trọt tự túc miếng ăn - khoai, sắn không đủ no. Đói cơm rách áo, bệnh hoạn không thuốc men. Hàng ngàn người đã bỏ mình. Thân xác vùi nông bên bờ khe hóc núi thật thảm thương.

Khí thù hận ngập tràn sông núi .

Đối với người chết thì san bằng nghĩa dịa. Với thường dân thì đánh tư sản, vơ vắt tài sản  rồi đày đọa họ ra nơi rừng núi xa xôi gọi là vùng kinh tế mới. Sơn lâm chướng khí đã giết hại biết bao nhiêu người. Với tín ngưỡng thì chia rẽ, cướp đất nơi thờ tự,  khủng bố người tu hành ngoài quốc doanh.

Cuộc nội chiến của Hoa Kỳ kéo dài bốn năm (4/1861 đến 4/1865). Sau khi bại trận Gettysburg. tướng Robert E. Lee tư lệnh phe liên minh miền Nam ký nhận đầu hàng không điều kiện ở Appomattox Court  House Virginia dưới sự chứng kiên của viên tướng miền Bắc  Ulysses S. Grant, vị tướng nầy đã nói với binh sĩ của ông ta: “Những  binh sĩ miền Nam bây giờ là đồng bào của chúng ta .Chúng ta không nên có thái độ đắc chí trên sự suy sụp của họ”. Theo sự yêu cầu của tướng Lee, các binh sĩ miền Nam được giữ lừa, ngựa để về quê quán làm ăn .

Trong trận Gettysburg, phe liên bang miền Bắc chết 3000, phe liên minh miền Nam chết 4000. Tổng Thống Abraham Lincoln đã ra lệnh an táng chung một nơi. Ngày 19/9/1863, khánh thành nghĩa trang nầy,Tổng Thống đọc diễn văn công bố chiến trường Gettysburg là nghĩa trang Quốc Gia. Bốn mươi năm sau cuộc chiến, Tổng Thống William Mc. Kinly đã cho thu thập 30.000 nấm mộ của tử sĩ liên minh miền Nam rải rác trong vùng Washington cải táng đưa vào khu đặc biệt trong nghĩa trang Arlington gọi là Confederate Section.

Theo tường thuật của  phóng viên Neil Davis người Úc biết tiếng Việt trong cuốn The Fall of Saigon. làm việc cho đài NBC. của Hoa Kỳ có mặt trong dinh Dộc Lập thì : Khi xe thiết giáp của Việt Cộng đã vào sân cỏ, hai bộ đội trẻ của họ tay cầm súng chạy vào dinh, sau khi kéo cờ mặt trận trên nóc nhà, hai tên nầy vừa chạy vừa quát lớn:

"Ai là Dương Văn Minh. Dương Văn Minh hãy bước ra và quỳ xuống. "

Vừa lúc đó có bốn chính ủy đi vào, một người xưng là Trung Tá Bùi Văn Tùng chỉ huy đoàn chiến xa vào dinh Độc Lập nói với Tổng Thống Dương Văn Minh :

“Ông không còn gì để bàn giao (theo tài liệu của VC.). Nhưng theo hồi ký dang dở của Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa ghi lại lời kể của cựu dân biểu Nguyễn Văn Bình có mặt trong dinh lúc đó thì :

"Tùng đã xưng hô mày tao với Tổng Thống Dương Văn Minh. Mày làm gì có quyền để giao. Chúng ta lấy được quyền bằng khẩu súng này đây."

Man rợ thắng văn minh !

BẮT ĐẦU BƯỚC CHÂN LƯU LẠC

Sau ngày mất Ban-Mê-Thuôt 10/3/1975 rồi tiếp đến cuộc di tản miền Cao Nguyên theo quốc lộ số 7 hoang phế. Quân đội, gia đình binh sĩ và đồng bào bị VC. truy kích chết chóc đầy đường. Có những cái chết thật thảm thương. Vợ lạc chồng, con mất cha được ghi lại như dòng oan nghiệt, kinh hoàng người người rơi lệ.

Khoảng giữa tháng 3/1975, Phòng Cảnh Sát Tư Pháp thuộc Bộ Chỉ Huy Quân Cảnh chỉ thị Cơ quan Quân Cảnh Điều Tra Tư Pháp Bình Định/Qui Nhơn, di chuyển hồ sơ điều tra vào gởi ở Quân Cảnh Điều Tra Tư Pháp Nha Trang. Tôi cùng đi với mấy nhân viên để về Đà Lạt thu xếp gia đình. Tôi chỉ thị anh em ở nhà không đi công tác xa, chuẩn bị xăng nhớt đầy đủ cho các xe jeep, xe dodge không cần vì gia đình của anh em nhân viên đã về quê. Nếu tôi chưa về kịp mà Bình Định và Qui Nhơn di tản thì di tản theo về Nha Trang gặp tôi. Tôi hứa với anh em nhất quyết sẽ về kịp thời .

Trên đường từ Đà Lạt trở lại Nha Trang và Qui nhơn, buồn vơ vẩn tưởng như mình sẽ không còn ngày trở lại đường xưa. Về đến Qui Nhơn anh em mừng rỡ. Tưởng đâu Trung Úy bỏ anh em rồi. Anh em nghĩ tôi tệ vậy sao? Sống chết có nhau chớ .

Khoảng 28/3/1975, chúng tôi cùng những đơn vị trong Tiểu Khu di tản về Nha Trang. Lên đèo Cù Mông, nhìn lại Qui Nhơn lần cuối. Buồn thấm thía. Ngày 30/3/1975 VC. tiến vào Qui Nhơn .

Gia đình tôi từ Đà Lạt đã dời về Ba Ngòi ở nhờ nhà bà con. Tôi ở Nha Trang cùng anh em và đưa tiền nhờ người bà con mua gạo, thức ăn và ở tạm ở đây. Hôm sau, Nha Trang cũng di tản, chúng tôi cũng di tản theo đoàn xe dài dằng dặc nên chạy rất chậm và rất dễ bị nguy hiểm nếu đich tấn công. Chiều tối mới đến Ba Ngòi.

Gia đình tôi toàn con nít và có Mẹ già nên tôi để anh em đi trước, tôi ở lại với chú tài xế đợi tối đường trống sẽ đi sau. Tối đến, đường trống bớt, cả gia đình chen chúc trên xe và di chuyển. Chẳng may cây cầu Ba Ngòi đã bị đánh bom sụp để ngăn bước tiến của VC. Trời mưa lâm râm, hai dốc bên cầu lên xuống rất nguy hiểm. Tâm trí hoang mang, cảnh vật não nề, nằm nhờ dưới hiên nhà đồng bào nhìn gia đình trằn trọc, bé gái nhỏ nhât mới ba tháng mà tím ruột bầm gan. Đầu óc vớ vẩn nghĩ đến ngày mất quê hương đất nước, nghe tiếng dế thở than nước mắt chảy dài:

Khóc giùm  đất nước mưa rơi lệ
Buồn giúp quê hương dế dạo đàn .

Tờ mờ sáng ngày hôm sau, người đi bộ qua bên kia dòng suối, tôi gồng mình bò xuống và lên hai con dốc qua được bên kia. Hú hồn, rủi xe lật tôi bị thương  hay…thì gia đình khốn khổ đến chừng nào! Chú tài xế sợ quá không dám lái, tôi nhờ chú dìu bà già và mấy đứa nhỏ qua bên kia an toàn. Gia đình lên xe tiếp tục chạy đến bờ biển Cà Ná thì bể máy vì bò lên dốc khô hết dầu.

Tạm nghỉ bên bãi cùng hai vợ chồng người di tản theo xe tôi từ Phan Rí. Người vợ mang bầu bụng đã lớn thật tội nghiệp. Lại gặp xe công binh của Đại Úy Ấn từ Phan Thiết chạy ngược lại, anh em gặp nhau trong hoàn cảnh đau thương thật ngậm ngùi. Đường Phan Thiết đã bị Vc. chận. Đại Úy Ấn  Đại Đội Trưởng Đại Đội 61/Công Binh Kiến tạo đóng ở Đà Làt, quen thân vơi tôi. Bốn mươi năm sau không nhận được tin tức, không biết người xưa còn hay mất, lưu lạc nơi đâu .

Trải qua một cuộc bễ dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng. (Kim Văn Kiều )

Tạm ở lại bên bãi biển Cà Ná, hy vọng tìm được ghe mướn đi Vũng Tàu. Trời đã về chiều buồn hiu hắt, gặp bà Hợi cập ghe vào bãi, hỏi bà mướn ghe. Bà nói hôm nay trời xấu biển động không đi được. Bà bảo đưa gia đình vào nhà bà trong làng Cà Ná nghĩ qua đêm rồi ngày mai có thể đi được. Tối nay bộ đội CS. diễn kịch trong đó vào xem luôn. Nghe dựng tóc gáy. Con bé của tôi mói ba tháng sợ ngủ đêm ngoài bãi chịu không nổi nên đành để gia đình theo bà vào Cà Ná. Vợ người di tản cũng theo gia đình tôi vào trong đó.

Tôi, chú tài xế và người chồng ở lại ngoài nầy. Anh ta nhìn tôi, ngẫm nghĩ một hồi  rồi nói với tôi: Tôi là Đại Úy Trợ làm việc ở Phòng 2 Tiểu Khu Quảng Nam . Tôi còn cây súng lục, địa bàn và bản đồ. Thôi đành bỏ gia đình, chúng mình đi đường bộ. Tôi nói còn nước còn tát, cứ nghỉ đêm ngoài bãi nầy để chờ ngày mai mưón ghe đi Vũng Tàu. Anh ta đi và không biết có thoát được không . Cầu trời cho anh ta.

Ngồi ngoài bãi Cà Ná tôi nghĩ lại  CS. đã về trong đó, rủi nó giữ gia đình mình lại thì xem như bỏ gia đình. May quá, lại gặp ông đi làm cá, tôi cho ông ít tiền và nhờ ông vào nhà bà Hợi đưa gia đình tôi trở ra . Từ sáng tới chiều chưa ăn uống gì hết. Tôi thấy ông có bát cơm ghế khoai lang và hỏi ông mua. Ông nói ông ăn đi chớ mua bán gì. Tôi và chú tài xế ăn ngon lành. Một miếng khi đói lúc nầy bằng vạn đọi khi no. Tình đồng bào thật cảm động .

Ông đã  đưa được gia đình tôi ra. Mừng ôi là mừng. Cho thêm ông ít tiền và cảm ơn ông vô cùng. Trời đã nhá nhem tối,từ hướng Phan Thiết có chiếc xe chạy ra, tôi giơ tay xin đi nhưng xe không dừng. Độ mười phút sau chiếc xe đó lại chạy trở lại, tài xế nhảy xuống ôm tôi, té ra người quen thân ở Đà Lạt. Anh T. nói : 

"Tôi nhớ lại giống anh Lộc quá nên chạy trở lại để đón," và anh đưa gia đình tôi về tạm trú dưới mái hiên ngôi chùa ở Phan Rang. Anh cũng chạy vô rồi chạy ra vậy chứ chưa tìm được phương tiện. Chú tài xế ra cái quán nhỏ trước chùa mua mấy cái bánh tráng nướng ăn lót dạ qua đêm.

Qua một ngày rối loạn mệt nhừ, vừa đặt lưng xuống bỗng nghe tiếng loa : Đồng bào-Đồng Bào, ngày mai Bộ đội giải phóng vào Phan Rang. Đồng bào chuẩn bị cùng chúng tôi thành phần thứ ba tiếp đón.

Thôi hết ! Chết ! và tù đày đang đón chờ ! . Nhưng sáng hôm sau vẫn chưa thấy quân VC. vào. Tôi quyết định đưa gia đình theo xe đò lên Tháp Chàm tạm trú nhà người bà con. Tôi và chú tài xế tìm đường xuống vùng biển may ra tìm được ghe về Vũng Tàu.

May quá, có chiếc xe Landrawer chở đầy người đang đậu trên đường xuống biển Hãi Chữ. Tôi xin đi. Anh tài xế tử tế bảo hai người chen được chỗ nào thì chen. Chúng tôi bu ở phía sau và cũng đến được Hãi Chữ. Dọc đường đã có những trạm gác của du kich VC. Chúng giăng bảng viết chữ đỏ : Giao nộp vủ khí. Xe phải dừng lại từ xa, tài xế phải xuống xe đến xin phép mới được qua. Chúng không kiểm soát người trên xe.

Ngoài biển còn tàu không mui của Hoa Kỳ đậu đón đồng bào di tản. Mỗi người phải trả 500 đồng tiền ghe ra tàu. Tôi năn nỉ anh tài xế cho chúng tôi trở về Tháp Chàm chở gia đình.Thật là phúc đức, anh tài xế chấp nhận nhưng bảo tôi khi qua các trạm kiểm soát tôi phải xuống xe đến xin họ. Tôi trả lời có chết tôi cũng phải đi để cứu gia đình.

Trong hoàn cảnh chết chóc như trở bàn tay mà anh giúp được như vậy thật là hiếm có. Có lẻ ông bà tôi đã làm nhiều viêc phúc nên nay con cháu được hưởng. Về đến Tháp Chàm thì gia đình tôi đã bước chân lên xe của người bà con trở về Đà Lạt vì nghĩ chúng tôi không còn trở lại được Tháp Chàm.

Có bà hàng xóm trên Đà Lạt chạy xuống nói : Chị về đi dạy, mấy ông giải phóng tốt lắm.  Chỉ trong tích tắc là tôi đã mất gia đình. Anh tài xế đưa lại gia đình tôi xuống biển Hãi Chữ. Tôi cảm ơn anh  biết mấy cho vừa, anh chỉ lấy ít tiền xăng và nói lời thật từ tâm:

"Giúp được gia đình anh là niềm hạnh phúc của tôi".

Người ân cũ xa xưa đó không biết bây giờ ở đâu nhưng tôi tin chắc anh sẽ an bình, hạnh phúc vì hoàng thiên hữu nhãn. Cầu Trời Phật phù hộ cho anh và gia đình

Tôi mướn hai chiếc ghe đưa gia đình ra tàu Mỹ. Trời động nên sóng biển rất lớn. Từng tảng to như cái nhà trồi lên sụp xuống như đánh chìm cái ghe bất cứ lúc nào thật kinh khủng. Tàu Mỹ không còn chỗ nên không cho ghe cập, tôi nói ông ghe cập đại vào, ông bảo không được vì họ phun nước chìm ghe. Cũng may, nếu lên được tàu thì bà già và con nít sợ không chịu nổi sóng gió và người chen chúc

Chủ ghe chở gia đình tôi trở lại bến và cho ở nhờ nhà ông bên bờ biển. Du kích VC. đã ở chung quanh. Tôi năn nỉ ông cho mướn ghe về Vũng Tàu. Ông qua gian nhà tranh kế bên xin phép VC. Nhà vách tre sát với nhau nên tôi nghe họ nói chuyện với nhau : Cứ cho họ đi để ùn về Sàigòn gây thêm rối loạn cho bọn ngụy nhưng số tiền mướn ghe phải nộp cho họ một phần ba.

Sáng hôm sau ông chủ ghe nấu cho nồi cháo trắng để điểm tâm và xuống ghe. Như chết đi sống lại. Chưa hết mừng lại lo. Năm người lính ùa xuống ghe, sắc mặt mang đầy uất hận và họ đấm đá ở đâu mặt dính đầy máu.

Ghe mình mướn họ không nói với mình một tiếng và mình cũng chẳng dám nói gì. Họ là quân nhân đi được mình cũng mừng nhưng thái độ của họ bất thường khiến mình sợ. Trên ghe chỉ có đàn bà và con nít. Hai người đàn ông chúng tôi có chống cự nổi không. Phúc nhà may mắn đươc bình an. Ghe chạy về Vũng Tàu phải mất một ngày và một đêm.

Chỉ một ngày một đêm đến Vũng Tàu mà mẹ tôi nằm la liệt không ăn uống gì được. Vì vậy, khi theo tàu hãi quân di tản, tôi không dám đưa mẹ đi. Rủi bà không chịu nổi sóng gió thì đau đớn lắm. Ở lại Sài gòn còn có em trai và mấy bà chị săn sóc. Từ trước giờ tôi chưa đi ghe hay tàu trên đường biển. Ai ngờ tàu đi biển êm ả như vậy. Để mẹ ở lại, tôi ân hận suốt cuộc đời vì bà rất thương cháu nội và ao ước được ở Đà Lạt cùng con cháu và mai sau cũng nằm xuống ở đây. Vì bà rất thích phong cảnh và khí hậu Đà Lạt. Con cháu lúc đó còn nhỏ quá đâu có nhớ bà nội thương chúng như vậy. Đến được Hoa Kỳ, lao mình vào lo cơm áo và buồn chán nên chẳng nghĩ gì đến đoàn tụ gia đình.

Mỗi lần gởi tiền về mẹ, tôi dặn mấy bà chị cứ đưa hết cho bà. Tánh bà thích nấu thức ăn ngon mời người thân và thích có tiền cho đứa gái út nghèo nhất nhà ở Đà Nẵng .

Đến được xứ người lại buồn chán nản
Suy nghĩ vẩn vơ đầu óc trống trơn
Không mơ màng đến chuyện thiệt hơn
Chẳng nghĩ đến ngày mẹ con đoàn tụ……(Vu Lan nhớ mẹ.TĐL.)

Sau một ngày một đêm,chúng tôi đặt chân lên bãi trước Vũng Tàu. Thành phố thân thương mà tôi đã học những khóa Quân Cảnh Điều Tra Tư Pháp ở Trường Quân Cảnh hơn ba năm. Biết bao là kỷ niệm :

Lá rơi bãi trước thu sang
Bao mùa thương nhớ,cây bàng nhớ không?(Thơ TĐL.)

Tạm trú ở khách sạn Vũng Tàu để mẹ dưỡng sức và thăm viếng cảnh cũ người xưa. Gặp nhau mừng mừng tủi tủi như vừa thoát một cảnh đoạn trường. Thời gian nầy xe đò không chạy về Sàigòn theo lệnh cấm. Gia đình tôi quá giang theo xe của Trường Quân Cảnh. Tôi trình diện Bộ Chỉ Huy Quân Cảnh tại Tiểu Đoàn 5 trú đóng doanh trại trên đường Trần Quốc Toản. Gia đình ở nhà bà chị đừờng Trương Minh Giảng. Tất cả Quân Cành Điều Tra Tư Pháp từ miền Trung trình diện được thành lập thành hai Đại Đội để chờ phân phối công tác .

Khoảng năm 1950 tôi làm việc ơ Ty Công Chánh Quảng Nam, anh rễ tôi trước năm 1945 là Tham Tá Lục Lộ làm việc dưới thời Pháp thuộc nay là Trưởng Ty. Cơ quan trú đóng ở Tiên Lâm thuộc Huyện Tiên Phước trong vùng kháng chiến. Trong thời gian nầy anh Nguyễn Mậu bạn thân với anh rễ tôi Lê Phước Cẩn cùng học Hà Nội ngày xưa. Anh Mậu dạy ở Trường Trung Học Khánh Thọ. Một vài giáo sư ở trường nầy đã bị bắt vì họ thuộc Việt Nam Quốc Dân Đảng, anh Mậu cũng thuộc thành phần cao cấp của Đảng. Anh rễ tôi cũng bị Công An Quảng Nam giam lỏng và cho qua giúp việc bên Ty Thông Tin. Anh làm giấy thông hành giả và do tôi mang xuống Tam Kỳ cho anh Mậu tìm đường biển thoát thân về vùng Quốc Gia.

Chuyến đi thành công và trong nền Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hoà anh là Thượng Nghị Sĩ. Tôi ghé thăm anh và gặp lúc anh đã chuẩn bị phương tiện để di tản. Anh bảo tôi tìm cho anh môt quân nhân và một hãi quân để chỉ huy quân sự và lái tàu. Anh cho gia đình tôi và hai gia đình người nầy đi, không đóng góp gì hết.

Tôi đưa Thiếu Tá Trần Đình Nga (TĐT/BĐQ) và Thiếu Tá Phạm Ấn (Hạm Trưởng HQ) đến họp ở nhà anh. Có anh Nguyễn Minh Huy (cựu Quận Trưởng Quận Đại Lộc trong thời gian tiếp thu) thời đó tôi là Cán Bộ Hành Chánh lưu động làm việc dưới quyền anh. Và có Dân Biểu Trần Thời ở Quy Nhơn nữa. Tất cả sẵn sàng chờ anh gọi là zulu.

Tiếc thay, khi Đại Tuớng Dương Văn Minh được trao quyền Tổng Thống, anh Mậu gọi tôi và cho biết kế hoạch di tản đình lại chờ Tổng Thống Dưong Văn Minh có giải pháp.Tôi thưa với anh :

"Bao giờ tôi vẫn kính trọng anh là bậc thầy nhưng lần nầy tôi sợ anh nhận định tình hình theo cao kiến của anh bị thất bại. Hoa Kỳ đã chớp đèn cho VC. và họ đã vây quanh Sàigòn. Tôi nghĩ không có giải pháp nào hết. Nay mai họ sẽ chiếm Sàigòn.Tôi sợ anh gặp nguy hiểm."

Anh Huy la tôi, tôi làm thinh và thưa với anh Mậu để tôi tìm đường thoát thân khác.

Hai anh Mậu và Huy kẹt lại, bị tù cải tạo thời gian dài và đã qua đời. Một giòng lệ cho linh hồn hai anh và lịch sử.

Nhờ chú Nga và chú Ấn, tôi vào được căn cứ Hãi Quân Cửu Long trong buổi chiều phi trưòng Tân Sơn nhất bị tên phi công phản tặc Nguyễn Thành Trung ném bom. Đêm 29/3/1975, cùng gia đình chú Ấn, Nga lên tàu 505 di tản. Ra đến hãi phận quốc tế, radio loan tin VC. đã vào Sàigòn ngày 30/4/1975.

Những ngày ở Sàigòn, ban ngày tôi vẫn ở cùng Đại Đội trong Tiểu Đoàn 5 Quân Cảnh. Chiều tối mới về nhà bà chị. Ngày 28/3/1975, tiểu doàn dự định đưa đại đội ra giữ an ninh phi trưòng Biên Hoà. Tội nghiệp chú Cửu Kham (ông già chú Nga) cứ chạy tới chạy lui xem tôi về chưa vì chiều nay chú Nga vào căn cứ Cửu Long.

Trong lúc chờ đợi tại Tiểu Đoàn, tôi xin lính gác để qua bên kia đường uống chai bia và lấy mấy bộ đồ trận đang sửa ở tiệm may gần đó. Áo quần mất hết, anh em nhân viên xin cho mấy bộ. Mới có mấy ngày găp lại mà anh em mừng rỡ như xa cách nhau hằng năm tháng.

Uống chưa hết chai bia và mấy miếng thịt gà luộc chấm mắm gừng. Đồng bào chạy toán loạn ngoài đường vi phi trường Tân Sơn Nhất bị ném bom. Tôi cũng theo xe lam chạy về nhà. Về đến nhà trời cũng sắp tối, ơ nhà gia đình bồn chồn chờ đợi. Thật là số phận, nếu về không kịp coi như đời tàn. Chú Cửu Kham cũng đang chờ, chạy lại ôm sầm tôi và nước mắt chảy dài. Chú ở lại Sàigòn và đã mất sau ngày VC. chiếm. Một nén hương lòng gởi về linh hồn chú nơi quê nhà Gia Cốc.

Bốn mươi năm sau đời lưu lạc mà nước mắt tràn trề. Hiền cháu tôi cũng sĩ quan cùng ngành, chờ tôi suốt ngày ở nhà bà chị. Rủi thay, lúc tôi về thì Hiền lại chạy về nhà. Tôi không thể chờ được vì  phải đến nhà chú Nga đang đợi tôi. Tôi nhờ anh Hữu, anh rễ tôi đi gọi Hiền. Anh hối hả đi liền.

Chú Nga đưa xe jeep của chú để tôi chở nửa gia đình và có Nhân cháu tôi đi theo để dẩn đường. Tôi không thuộc đường ở Sàigòn nhiều. Tôi để nửa gia đình ngồi trước cổng căn cứ rồi chạy trở về cùng đi chuyến chót với gia đình chú Nga. Đường bị kẹt vì đồng bào chạy ngổn ngang nên mất thời gian cũng khá lâu mà Hiền cũng chưa đến nhà chú Nga. Thôi đành chịu vì tôi phải theo chú Nga. Cũng không biết anh Hữu có đến được nhà Hiền hay không? Anh cũng mất rồi.

Vào được căn cứ Cữu Long, tàu của chú Ấn cũng chưa về, phải đợi đến đêm sau. Tôi cho chú tài xế của chú Nga mấy ngàn để nhờ chú đên nhà Hiền để chở Hiền vào.  Chú Nga cho chú chiếc xe jeep dân sự và nhờ chú mua thùng mì.  Cũng không thấy chú trở lại. Tâm tình của tôi có ai  xác tin. Thôi phú Trời-Đất.

Đoàn tàu di tản đến vịnh Subic bay Phi Luật Tân khỏang ngày 8/5/1975. Hoa Kỳ ra lệnh xóa cờ Việt Nam Cọng Hòa, ai còn giữ vủ khí thì vứt xuống biển và giao tàu cho hãi quân Phi Luật Tân. Buổi lễ chào Quốc Kỳ Việt Nam lần cuối đầy nước mắt. Bài Quốc Ca vang lên trong nghẹn ngào cả quân và dân. Tưởng rằng đây là lần chào Quốc Kỳ Việt Nam lần cuối.

Nhưng không! Bốn mươi năm sau lá cờ đó vẫn hiễn hiện trong Cộng Đồng người Việt tỵ nạn cộng sản. Ngày Tết, ngày hội của người Việt Nam tỵ nạn Cộng Sản đều có Lễ Chào Quốc Kỳ và bài Quốc Ca hùng dũng vẫn dội về hồn thiêng sông núi Việt Nam.

Gia đình tôi ở lại Subic Bay hơn một tháng. Thoát được cộng sản rồi thì từ từ nghỉ ngơi  dưỡng sức. Trong đêm có tàu Hoa Kỳ đậu ngoài biển gọi đồng bào qua đảo Guam. Gia đình chú  Nga và chú Án đi trong chuyến nầy. Sau một tháng ở Subic Bay, máy bay Hoa Kỳ đưa gia đình tôi qua trung tâm tỵ nạn trên đảo Wake. Ở lại đây thời gian rồi qua trại Fort Chaffe thuộc Tiển Bang Kansas và được hai ông Bob và Ben Lauderdale đại diện Green Acres Baptist Church bảo trợ.

Hai dàn nhạc của nhà thờ và trường Trung Học ở Tyler do ông Ben làm hiệu trưởng, dến phi trường nhỏ ở thành phố đón gia dình chúng tôi. Họ trưng một tám bảng lớn : Welcome Lộc Trần family và trổi nhạc rùm beng. Chúng tôi ngơ ngác như Mán về phố thị. Họ đưa gia đình về nhà thờ làm lễ.

Đoàn Thánh Ca  sắc phục đỏ như Tiên Nữ hạ trần, hát Thánh Ca mừng một gia đình vừa thoát quê hương trầm luân về nơi an lạc. Sau buổi lễ họ đưa gia đình đến nhà hàng Tàu ăn bữa cơm tối đã đặt trước. Sau đó đưa về căn nhà đã thuê cho gia đình chúng tôi đầy đủ tiện nghi.

Chúng tôi đến thành phố Tyler đúng vào đêm Thanksgiving năm 1975.  Tạ ơn Trời và tạ ơn Người . Thành phố Tyler là thành phố đạo, cách Dallas-Texas khoảng 120 dặm. Thành phố nầy giống thành phố Đà Lạt. Có những cánh rừng thấp xa xa và những con đường ngoại ô bên những đồi thông vi vu nắng gió. Xa xa hơn nữa có một hồ lớn, nơi những người giàu có rong chơi du thuyền trong những ngày cuối tuần, ngày lễ. Và cũng là nơi lai rai nhậu nhẹt. Tôi cũng phải lái xe dài bốn chục dặm để đến đây mua bia,rượu. Trong thành phố cấm bán bia, rượu. Tâm thần chưa ổn nhưng cũng tìm chút hơi men sưởi lòng lưu lạc.

Tôi sinh ra và lớn lên ở làng Gia Cốc, huyện Đại Lộc, Tỉnh Quảng Nam. Non nửa đời người mới rời quê vì công việc. Rồi Gia Cốc mất luôn vì VC. chiếm. Ở một phương trời trong miền Nam Việt Nam, tôi vẫn thường dõi mắt xa xăm nhìn về quê cũ đầy tràn ký ức. Gia Cốc đó ngàn đời cây da cũ trong tâm hồn người cố lý tha hương.

Làm việc ở Đà Lạt gần năm năm. Tôi rất thích phong cảnh và khí hậu nơi nầy. Tôi đã có căn nhà nho nhỏ và vườn ở Đà Lạt. Mẹ già tôi cũng thích Đà Lạt, bà mong ước ngày trăm tuổi cũng ngàn thu an giấc nơi đây. Quê hương lớn không còn, quê hương nhỏ cũng không còn. Bỏ lại biết bao nhiêu mộng ước và thương nhớ. Con ngựa nhỏ mới chớm bắt yên để rong chơi đồi núi Đà Lạt ngày về hưu cũng giả từ chủ, ở lại với ông già người Ấn Độ trông coi biệt thự cho chủ ở Sàigòn. Tôi nhờ ông nuôi con ngựa nầy từ hồi nó còn con. Con ngựa tía đậm thật đẹp mà tôi nhờ người buôn ngựa thân thiết mua giùm ở Phú Yên.

Đêm đầu tiên đặt lưng trên chiếc giường cách quê hương mình nửa quả địa cầu, nhìn qua cửa sổ tuyết rơi lả tả. Buồn trắng lòng như tuyết. Con bé lại bị sốt phải gọi điện thoại đến nhà người bảo trợ. Bà Bob lái xe tới liền và vào nhà ẳm con bé ra xe cùng tôi đưa đến bệnh viện. Bà chờ cũng khá lâu mới đưa tôi và bé về nhà. Tình người sâu thăm thẳm và ơn nầy tạc dạ ghi lòng .

Người bảo trợ đã xin được việc làm cho chúng tôi. Sau vài ngày nghỉ ngơi,chúng tôi đi làm ngay. Tôi làm việc ở JC. Penny. Công việc nhàn nhưng lương căn bản lúc bấy giờ có hai đô la ba mươi xu không đủ chi dụng cho gia đình đông con. Tôi định học thợ hàn ít tốn thời gian để mong tìm được việc làm lương hướng khá hơn. Ở thành phô Tyler không có trường dạy nghề như các Tiểu Bang khác nên tôi phải xin vào học bốn credits cuối của khóa Farmers hai năm ở Junior College. Thời gian thực tập ít quá nên tôi phải tìm những shop hàn ngoài phố, trả cho chủ shop năm đô la một giờ để thực tập thêm. Xong khóa thợ hàn tôi xin được việc làm ở hãng Sword  về hàn cửa và khung cửa. Vì sợ bị đuổi việc nên tôi cố gắng làm cả canh trưa giờ nghỉ ăm cơm. Chẳng bao lâu thành thợ khá vì tính toán nhanh hơn mấy người Mỹ chưa có High school nên dược giám thị giao luôn coi một department năm sáu người thợ. Lương bắt đầu ba đô la bảy mươi lăm xu, ba tháng sau lên được bốn đô la năm mươi xu . Giờ phụ trội mút mùa giao chỉ nên tiền bạc vô cũng kha khá và mồ hôi cũng ướt áo. Lo quá nên chẳng biết mệt.

Bảo trợ cũng lo cho con cái vào trường ngay khi đến. Gái lớn vào lớp 8, gái thứ hai vào lớp 4 và em trai vào lóp mẫu giáo. Người bảo trợ trả tiền nhà cho chúng tôi một tháng một trăm sáu chục đô la và mỗi tuần họ đến đón đi chợ, mua gì mình cứ tự tiện và họ trả tiền. Chúng tôi chỉ nhận sự giúp đỡ một tháng. Tháng sau chúng tôi tự lo. Lòng tư trọng của người tỵ nạn chính trị phải để người ta tôn trọng. Nhiễu điều không phủ lấy giá gương. Người không một nước mà thương đến cùng.

Ở Thành phố Tyer được ba năm, con cái lớn dần cảm thấy cô đơn và người lớn cũng buồn vì cả thành phố chỉ có vài gia đình Việt Nam mà họ cũng di chuyển đến Tiểu Bang khác rồi. Còn lại hai người đàn bà Việt lấy chồng Mỹ đến đây trước năm 1975, giao tiếp với họ cũng xa lạ. Chúng tôi tìm bạn ngày xưa cùng làm việc ở Huế đã định cư tại Okaloma City và chúng tôi di chuyển qua đây từ đầu tháng 8/1978. Đã lưu lạc thì đâu cũng là nhà.

Tại Oklahoma city, chúng tôi đều xin đuợc việc làm. Buồn chán và đã ba lần mất nhà cửa : Ở Gia Cốc, Huế và Đà Lạt. Chẳng bon chen gì nữa. Từ tháng 8/1978 cho đến tháng 10/1995 về hưu vẫn làm một hãng. Cũng có nhiều chỗ làm tốt hơn gọi làm, làm vài hôm thì ông chủ hãng cũ lại gọi về cho tăng chút ít lương nhưng cuối cùng so với những hãng khác thì chả thấm vào đâu.

Với bản chất thật thà và năng lòng biết ơn, nghĩ mình từ cách xa ba bốn trăm dặm mới chuyển về đây mà được ông nhận và đối đải  có phần biết người và thương mến nên chấp nhận thiệt thòi. Hai đời chủ cũng vậy. Sau ngày về hưu xin làm lại part time cho đến tuổi tám mươi bốn mới nghỉ. Công việc quá nhàn, giám thị và Department leader cũng chả để ý đến. Bù lại những ngày tận tụy làm hết mình. Ôm cả mớ jobs và M. order về nhà ghi chi tiết để sáng mai những người đứng máy có việc làm Hồi mới vào hãng phần việc của tôi chủ cho tuyển toàn người Việt vì họ nhận ra sự siêng năng, cần cù và khéo tay. Chiều ba mươi Tết, ông chủ cho tất cả nghỉ sớm hai giờ về cúng rước ông bà theo lời tôi xin không mất giờ.

Mùa hè vài sinh viên Việt Nam quen biết cũng được nhận. Hai chú Nguyễn Tạo và Phan Viết Đức là bác sĩ đã làm việc ở Việt Nam và đã học năm năm ở trường y cũng xin vào làm tạm để kiếm tiền tiếp tục học. Tôi xếp đặt cho họ việc nhẹ. Cả hai người đều thành công. Chú Tạo ra bác sĩ làm việc ỏ San Jose, CA. và chú Đức ra dược sĩ làm việc ở Oklahoma City . Tôi có tặng hai bài thơ :

Cứ uống cho say đừng ái ngại
Tiễn đưa chú Tạo bữa hôm nay
Ngày mai Bác Sĩ như tâm nguyện
Không quên bạn hữu buổi chia tay.

Buổi tiệc tại nhà tôi . TĐL.

Chúc mừng chú Đức bạn nhà ta
Dược sĩ vừa xong lại tậu nhà
Đất mới cây lành chim Việt đậu
Trời Nam quê cũ vẫn quê ta . 
                                      
OKC. TĐL.

Đất mới đãi người cũ và người đại diện Green Acres Baptist Church cũng đại diện cho Hoa Kỳ, trải lòng nhân ái đón tiếp kẻ sa cơ gầy lại sự nghiêp cho con cháu. Ơn nầy sánh như trời cao đất rộng. Nhờ vậy mà con cái chúng tôi đã thành đạt. Hai chị lớn đều tốt nghiệp cử nhân và cao học. Có công ăn việc làm vững chắc ở Oklahoma City và Washington DC. Bốn cháu nhỏ đều được Academic All Staters Award sau khi tốt nghiệp Honor Trung Học và được các trường lớn như Yale, Columbia, Haward, Duke và George Washington Law nhận. Tốt nghiệp Tiến Sĩ Bác Sĩ, Tiến Sĩ Luật và Cao Học . Dâu rễ cũng vậy . Tháng 7/2014, một cháu ngoại trai được nhận vào trường quân sự Wespoint.

Có Ông bà người Mỹ Louis Gill đã viết thư gởi ông David L. Boren Viện Trường Viện Đại Học OU. Và Chủ Tịch Hội Oklahoma Foundation for Excellence,xin cho biết gia đình nào có nhiều con nhận giải thưởng Academic All Staters . Gia đình họ Bill có ba người. Ông Viện Trưởng đã khám phá ra gia đình Lộc Trần có đến bốn người. Chúng tôi được vinh hạnh mời dự buổi meeting hằng năm của Hội Foundation Trustees tại Oklahoma City ở câu lạc bộ dầu hỏa. Hai gia đình được mời chụp hình cùng ông Viện Trưởng  David L. Boren như Special Guests of Okalahoma Foundation for Excellence. Sau đó được mời dự bữa tiệc .

Sau khi dời nhà qua Oklahoma City, chúng tôi vẫn liên lạc với Green Acres Baptist Church, Mr. Ben Lauderdale thường gởi thư thăm gia đình tôi vào dịp Lễ Giáng Sinh . Tôi cũng thư từ cho gia đình ông với lòng quý mến và biết ơn vô tận.

Trải qua một cuộc bể dâu.
Những điều trông thấy mà đau đón lòng.

Bốn mươi năm sau trông thấy quê hương đạo lý suy đồi. Đảng VC. còn tệ hơn những ông Vua tồi tệ thời phong kiến đang thống trị Việt Nam . Đất nước thí Tàu cọng luôn luôn lấn chiếm và toan tính biến Việt Nam thành một tỉnh tự trị theo mấy ông  Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng ……ký kết trong hội nghị Thành Đô bên Tàu .Họ cam tâm làm kẻ vong nô để tính chuyện truyền đời đời cho con cháu vinh thân phì gia thật là tủi nhục .

Bốn mươi năm sau tuổi đời đã chồng chất. Buồn đong càng lắc càng đầy. Ngồi viết lại: BƯỚC CHÂN LƯU LẠC để lại con cháu như lưu lại giòng máu TRẦN TỘC nơi quê người.

Giòng máu Tổ Tiên, máu Lạc Hồng
Việt Nam huyết thống góc trời Đông
Chiều buồn dõi mắt chân trời cũ
Có bóng Ông Cha, bóng Tổ Tông.

Oklahomacity 16/3/2015 -  26 Tháng Giêng Ất Mùi

Trần Đình Lộc.

 

 


 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Xin Mẹ Lộ Đức Chữa Lành Hồn Xác Cho Chúng Con. Ave Maria! (4/22/2015)
Cn 2877: Đức Mẹ Dạy Phục Vụ Chúa Giêsu (4/20/2015)
Mẹ Là Đấng Bầu Cử Cho Chúng Con Trước Tòa Chúa (4/19/2015)
Thánh Louis Marie Grignion De Montfort (4/17/2015)
Cn 2873: Ơn Lành Mẹ Ban Cho Em (4/17/2015)
Tin/Bài khác
Lễ Kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria (12/8/2017)
Mặt Trời Quay Trên Bầu Trời Của Nhà Thờ Thánh Linh Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh Apr 2, 2015 (4/13/2015)
Từ Bỏ Giáo Phái Nhờ Đức Mẹ Maria (4/6/2015)
Đứng Gần Thập Giá Đức Chúa Giêsu Có Thân Mẫu Người (4/5/2015)
Sư Bà Trở Về Công Giáo (4/2/2015)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768