MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Thánh Thần Hiện Xuống Cho Một Giáo Hội Duy Nhất Và Công Giáo
Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 5-2015

Thánh Thần Hiện Xuống cho một Giáo Hội duy nhất và công giáo

Đại Lễ Thánh Thần Hiện Xuống xẩy ra sau 50 ngày Đại Lễ Phục Sinh. Nói cách khác, biến cố Thánh Thần Hiện Xuống xẩy ra sau biến cố Chúa Kitô Phục Sinh sau 50 ngày, một thời khoảng theo đúng chiều phụng vụ của Do Thái giáo, từ Lễ Vượt Qua của họ tới một ngày lễ được gọi bằng một số tên gọi khác nhau, chẳng hạn như Lễ Chư Tuần (Feast of Weeks - "Ḥag Shabu'ot"), Lễ Mùa Gặt (Feast of Harvest - "Ḥag ha-Ḳaẓir") hay Lễ Hoa Trái Đầu Mùa (Feast of First Fruits - "Yom ha-Bikkurim"), nhưng tên gọi chung vẫn là Pentecost và bao giờ cũng xẩy ra vào ngày thứ 50 sau Lễ Vượt Qua, nên còn được gọi là Lễ Ngày Thứ 50 (Feast of the Fiftieth Day).

Thật vậy, theo chiều hướng và ý nghĩa của Do Thái giáo cũng là của Luật Cựu Ước xưa, hai biến cố quan trọng của Kitô giáo cũng xẩy ra một thời khoảng cách nhau 50 ngày như thế. Biến cố Thánh Thần Hiện Xuống xẩy ra sau biến cố Chúa Kitô Phục Sinh 50 ngày đây, theo phụng vụ Kitô giáo, là tột đỉnh của biến cố Chúa Kitô Phục Sinh. Vì Chúa Kitô Phục Sinh là để, trước hết và trên hết, thông ban sự sống thần linh cho Giáo Hội Nhiệm Thể của Người, mà Thánh Thần là chính sự sống thần linh nội tại nơi Ba Ngôi Thiên Chúa, một sự sống thần linh đã hoàn toàn tỏ hiện nơi thân xác đã tử nạn song phục sinh của Người.

Đó là lý do, như bài phúc âm của Thánh ký Gioan cho Chúa Nhật Lễ Thánh Thần Hiện Xuống cho thấy, ngay vào lần hiện ra với các tông đồ vào tối ngày thứ nhất trong tuần, Chúa Kitô Phục Sinh đã thông ban Thánh Thần vô cùng viên mãn của Người từ thân xác sống lại từ trong cõi chết của Người sang cho thành phần các tông đồ môn đệ của Người, bằng cách "thở hơi trên các vị mà nói: 'Các con hãy nhận lấy Thánh Thần'" (Gioan 20:22).

Thế nhưng, vấn đề được đặt ra ở đây là:

1- Nếu các tông đồ đã lãnh nhận Thánh Thần của Chúa Kitô Phục Sinh rồi thì các vị còn nhận lãnh Thánh Thần trong Ngày lễ Ngũ Tuần nữa để làm gì, như Sách Tông Vụ trong bài đọc thứ nhất của Chúa Nhật Thánh Thần Hiện Xuống thuật lại?

2- Phải chăng có hai Thánh Thần khác nhau: lần thứ nhất là Thánh Thần của Chúa Kitô Phục Sinh, còn lần thứ hai là Thánh Thần của Chúa Cha, trong khi đó trong Ba Ngôi Thiên Chúa chỉ có một Thánh Thần duy nhất??

3- Nếu chỉ có một Thánh Thần nhưng các tông đồ phải lãnh nhận đến 2 lần thì mục đích các vị tông đồ cần phải lãnh nhận Thánh Thần đến hai lần để làm gì, có khác nhau hay chăng giữa lần thứ nhất và lần thứ hai???

Câu trả lời được căn cứ vào phụng vụ Lời Chúa cho cả 3 chu kỳ phụng niên A-B-C, chính yếu là bài đọc 1 theo Sách Tông Vụ 2:1-11 và bài Phúc Âm theo Thánh ký Gioan 20:19-23, là 2 bài đọc chính yếu được Giáo Hội chọn đọc cho cả 3 năm, còn bài đọc 2 của mỗi năm cũng được Giáo Hội chọn đọc chính yếu là Thư 1 của Thánh Phaolô gửi Giáo Đoàn Corinto 12:3b-7,12-13. Như thế, kể như chu kỳ phụng niên A-B-C cho Chúa Nhật Đại Lễ Thánh Thần Hiện Xuống chỉ là một, như các bài đọc cho Lễ Vọng chiều Thứ Bảy của lễ này cũng áp dụng cho cả 3 năm A-B-C.

Câu trả lời đầu tiên được tìm thấy ngay trong bài Phúc Âm qua lời Chúa Giêsu phán với các tông đồ ngay trước khi Người thở hơi trên các vị để thông cho các vị Thánh Thần từ thân xác phục sinh của Người: "Cha đã sai Thầy thế nào thì Thầy cũng sai các con như vậy". 

Đúng thế, nếu chính bản thân Người là Đấng được Cha sai đã được Cha thánh hóa bằng Thánh Thần của Ngài thế nào (xem Luca 4:18-21 và Tông Vụ 10:38), thì thành phần môn đệ của Người muốn tiếp tục sứ vụ sai đi của Người trên thế gian này cũng cần phải được thánh hóa bằng Thánh Thần của Người như thế, Vị Thánh Thần được Thánh ký Gioan, trong bài Phúc Âm Lễ Vọng Hiện Xuống (Gioan 7:37-39) đã thuật lại lời Chúa Giêsu tiên báo về thành phần tin vào Người là: "từ lòng họ nước hằng sống sẽ chảy ra như giòng sông". Người nói điều ấy về Chúa Thánh Thần mà các kẻ tin nơi Người sẽ lãnh lấy, vì bởi Chúa Giêsu chưa được tôn vinh".

Do đó, Thánh Thần mà các vị được Chúa Kitô Phục Sinh thông cho từ thân xác sống lại từ cõi chết là Thánh Thần của Người, Vị Thánh Thần được Người thông sang cho các vị để chẳng những thánh hóa các vị mà còn để các vị có thẩm quyền thánh hóa nữa, bởi thế, ngay sau khi phán "các con hãy nhận lấy Thánh Linh", Người liền ban cho các vị quyền năng tha tội của Người: "Các con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai thì tội người ấy bị cầm lại", một quyền năng đã được Giáo Hội hành sử qua Bí Tích Hòa Giải.

Còn Vị Thánh Thần mà các tông đồ lãnh nhận vào Ngày Lễ Ngũ Tuần là Vị Thánh Thần được Chúa Kitô Thăng Thiên từ Cha sai đến (xem Gioan 15:26), như một "quyền lực từ trên cao" (Luca 24:49) để các vị có thể làm chứng về Chúa Kitô Phục Sinh và cho Chúa Kitô Phục Sinh: "Các con sẽ là chứng nhân về điều ấy" (Luca 24:48):

"Các con sẽ nhận được quyền năng khi Thánh Thần xuống trên các con; để rồi các con phải là chứng nhân của Thày ở Giêrusalem, khắp Giuđêa và Samaria, thậm chí cho đến tận cùng trái đất" (Tông Vụ 1:8).

Chính vì sứ vụ làm chứng về Chúa Kitô và cho Chúa Kitô là một sứ vụ của Chúa Kitô và như Chúa Kitô, một Chúa Kitô Thiên Sai đã làm chứng về Cha và cho Cha là Đấng đã sai Người, nhất là bằng chính cuộc khổ nạn và tử giá của Người, mà các tông đồ môn đệ của Chúa Kitô chắc chắn cũng phải trải qua cùng một số phận khốn khổ tận cùng như Người và với Người, một số phận tự mình các vị không thể nào thực hiện nổi nếu các vị không được "mặc lấy quyền lực từ trên cao" (Luca 24:49) "khi Thánh Thần ngự xuống" trên các vị (Tông Vụ 1:8).

Đó là lý do biểu hiệu của Vị Thánh Thần là "quyền lực từ trên cao" khi hiện xuống trên Giáo Hội qua các tông đồ vào ngay lúc ban đầu ấy cũng hết sức mãnh liệt, đúng như Sách Tông Vụ diễn tả trong bài đọc 1 của Chúa Nhật Lễ Hiện Xuống:

"Từ trời phát ra tiếng động như tiếng gió mạnh thổi đến, lùa vào đầy nhà nơi họ đang sum họp" (2:2).

Hiện tượng mãnh liệt biểu hiệu cho "quyền năng từ trên cao" là Chúa Thánh Thần đây cũng đã được Sách Xuất Hành thuật lại trong bài đọc thứ nhất của Lễ Vọng Hiện Xuống về hiện tượng thần hiển của vị "Thiên Chúa là Thần Linh" (Gioan 4:24) tỏ mình ra cho chung dân Do Thái cũng như cho riêng Moisen được Ngài sai đến cứu dân và lãnh đạo dân của Ngài:

"Qua ngày thứ ba, trời vừa sáng, có sấm vang chớp loè và mây dày đặc che phủ ngọn núi và tiếng tù và rền vang. Toàn dân trong trại kinh hãi. Môisen đưa dân ra khỏi trại để gặp Chúa, họ đứng dưới chân núi. Khắp núi Sinai bốc khói, vì Chúa ngự xuống đó trong ngọn lửa: khói bốc lên như bởi lò lửa và cả núi rung chuyển dữ dội. Tiếng tù và càng rúc mạnh. Môisen nói và Thiên Chúa đáp lại trong tiếng sấm. Chúa ngự xuống trên đỉnh núi Sinai, Người gọi Môisen lên đỉnh núi".

Tuy nhiên, để làm chứng về Chúa Kitô Sống Lại từ trong kẻ chết và cho Chúa Kitô Phục Sinh chiến thắng tội lỗi cùng sự chết, các tông đồ không phải chỉ cần "mặc lấy quyền lực từ trên cao" là đủ, các vị còn cần phải khôn ngoan thâm hiểu "tất cả sự thật" về Chúa Kitô (Gioan 16:13), kèm theo khả năng huấn dụ để có thể làm sáng tỏ "tất cả sự thật" là Chúa Kitô trước thế gian, nhờ đó chư dân có thể nhận biết Người hầu được "sự sống" như các vị và "hiệp thông" với các vị (xem 1Gioan 1:3).

Đó là lý do, trong biến cố Thánh Thần Hiện Xuống, Thánh ký Luca, ở Sách Tông Vụ của bài đọc 1 cho Chúa Nhật Hiện Xuống còn diễn tả Thánh Thần qua hình ảnh tiêu biểu ("lưỡi" và "lửa") về sự khôn ngoan thâm hiểu và khả năng huấn dụ nung nóng lòng người, (như những lời Chúa Giêsu đã nung nóng tâm hồn 2 môn đệ đi Emmau - Luca 24:32), đó là:

"Lại có những lưỡi như thể bằng lửa xuất hiện và rải rác đậu trên từng người. Hết thảy mọi người đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần, và bắt đầu nói tiếng khác nhau tùy theo Thánh Thần ban cho họ nói".

Tác hiệu thần linh hiển nhiên nhất của biến cố Thánh Thần Hiện Xuống vào Ngày Lễ Ngũ Tuần tại Giêrusalem như biến cố khai sinh "Giáo Hội lữ hành tự bản chất là truyền giáo" (Sắc Lệnh Công Đồng Chung Vaticanô II về Hoạt Ðộng Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes - 2), được Thánh ký Luca chứng thực trong Tông Vụ ngay phần cuối của bài đọc 1 cho Chúa Nhật Lễ Hiện Xuống như sau:

"Khi ấy, cư ngụ tại Giêrusalem, có những người Do-thái đạo đức từ khắp các nước dưới gầm trời tụ về. Nghe tiếng ấy phát ra thì đoàn lũ tuôn đến, tâm trí bỡ ngỡ, vì mỗi người đều nghe các môn đệ nói tiếng thổ âm của mình. Mọi người đều sửng sốt và bỡ ngỡ nói rằng: 'Nào tất cả những người đang nói đây không phải là người Galilê ư? Nhưng tại sao mỗi người chúng tôi lại nghe họ nói tiếng bản xứ của chúng tôi: Chúng tôi là người Parthi, Mêđi, Êlam, Mêsopotamia, Giuđêa, Cappađôcia, Pôntô, Tiểu Á, Phrygia, Pamphylia, Ai-cập, Lybia, cận Cyrênê, và người Rôma cư ngụ ở đây, là Do-thái và tòng giáo, là người Crêta và Á-rập, chúng tôi đều nghe họ nói tiếng của chúng tôi mà ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa!'"

Tác dụng thần linh của biến cố Thánh Thần Hiện Xuống được diễn tả trên đây cho thấy Thánh Thần chính là nguyên lý hiệp nhất trong đa dạng (unity in diversity), hay đa dạng để hiệp nhất, nghĩa là tính chất đa dạng phải qui về mối hiệp nhất, chứ không phải để cạnh tranh nhau hay hơn thua với nhau, đi đến chỗ chia rẽ nhau, trái lại phải phục vụ thiện ích chung, trong việc xây dựng một "Hội Thánh duy nhất (unity)... công giáo (diversity)" của Chúa Kitô, đúng như những gì Thánh Phaolô xác tín và giảng dạy trong Thư 1 ngài gửi Giáo Đoàn Côrintô ở bài đọc thứ hai Chúa Nhật Lễ Hiện Xuống như sau:

"Vậy có nhiều thứ ân sủng, nhưng chỉ có một Thánh Thần. Có nhiều thứ chức vụ, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều thứ công việc, nhưng chỉ có một Thiên Chúa, là Ðấng làm mọi sự trong mọi người. Sự xuất hiện của Thánh Thần được ban cho từng người, tùy theo lợi ích. Cũng như chỉ có một thân thể nhưng có nhiều chi thể, mà các chi thể tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể, thì Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể, cho dù là Do-thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do: tất cả chúng ta đã uống trong một Thánh Thần".

Như thế, biến cố Thánh Thần Hiện Xuống trong Ngày Lễ Ngũ Tuần ở Giêrusalem vào lúc ban đầu của Giáo Hội Chúa Kitô ấy không phải chỉ liên quan đến chính Giáo Hội và nội bộ Giáo Hội (hiệp nhất) mà đến cả thế giới (công giáo) nữa, đúng như lời nguyện hiến tế của Chúa Kitô kết thúc Bữa Tiệc Ly (Gioan 17:20-21):

"Con không cầu xin cho chúng mà thôi, nhưng còn cho tất cả những kẻ, nhờ lời chúng mà tin vào Con, để mọi người nên một, cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để cả chúng cũng nên một trong Ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con".

Và thế giới đây không phải chỉ bao gồm loài người tạo vật mà là "toàn thể tạo vật" (Marco 16:15), tất cả những gì đã được Thiên Chúa dựng nên cho con người và lệ thuộc vào con người đã được cứu chuộc, nhất là thành phần Kitô hữu đã lãnh nhận Thánh Thần qua Phép Rửa, nhưng họ vẫn phải sống cuộc hành trình đức tin đầy cam go thử thách của mình trên thế gian này mà không thuộc về thế gian (xem Gioan 17:11,14), bằng chính niềm hy vọng cứu độ của mình "spe salvi" (nhan đề bức Thông Điệp thứ 2 của ĐTC Biển Đức XVI ban hành ngày 30/11/2007), đúng như Thánh Phaolô diễn tả trong Thư gửi Rôma (8:22-27) ở bài đọc 2 Lễ Vọng Hiện Xuống:

"Anh em thân mến, chúng ta biết rằng cho đến nay, mọi tạo vật đang rên siết trong cơn đau đớn như lúc sinh nở. Nhưng không phải chỉ tạo vật mà thôi đâu, mà cả chúng ta nữa, tức là những kẻ đã được hưởng của đầu mùa của Thánh Thần, chúng ta cũng rên rỉ trong mình chúng ta khi mong Thánh Thần nhận làm nghĩa tử, và cứu chuộc thân xác chúng ta. Vì chưng nhờ niềm cậy trông mà chúng ta được cứu độ".

Quả thực, như các tông đồ xưa, thành phần đã lãnh nhận Thánh Thần 2 lần, lần nhất sau từ Chúa Kitô qua thân xác sống lại từ trong cõi chết của Người để được thánh hóa, và lần hai từ Chúa Kitô thăng thiên sai đến để truyền giáo và làm chứng về Chúa Kitô và cho Chúa Kitô thế nào, thì Kitô hữu cũng được lãnh nhận Thánh Thần 2 lần: lần đầu qua Phép Rửa để được thánh hóa, và lần hai qua Bí Tích Thêm Sức để có thể làm chứng về Chúa Kitô và cho Chúa Kitô.

Lạy Chúa Thánh Thần là Đấng được ban cho chúng con và ở trong chúng con để vọt lên sự sống đời đời là Lời Nhập Thể Vượt Qua trong tâm hồn chúng con. Xin hãy vang lên trong chúng con những lời than khôn tả, để cùng với Nhiệm Thể Chúa Kitô trên thiên cung, còn lữ hành và đang thanh luyện, cùng với mọi tạo vật hữu hình và vô hình, và nhờ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, chúng con có thể kêu lên rằng: "Abba - Cha ơi". Amen.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

Xin xem bài cuối cùng về Thánh Thần Hiện Xuống của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II do người viết chuyển dịch ở cái link sau đây:
Thánh Thần Hiện Xuống: Đời Sống của Giáo Hội Sơ Khai

Cũng mời đón đọc bài giảng Lễ Thánh Thần Hiện Xuống của ĐTC Phanxicô Chúa Nhật 24/5/2015 ngày mai.

 

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Cn 2974: Hạnh Phúc Được Chết Trong Chúa (5/28/2015)
Đức Mẹ Dẫn Chúng Ta Đến Với Chúa Giêsu Như Thế Nào? (5/28/2015)
Kinh Đức Mẹ Hoa Hồng Mầu Nhiệm #2 (5/25/2015)
Kinh Đức Mẹ Hoa Hồng Mầu Nhiệm #1 (5/25/2015)
Xin Mẹ Nâng Đỡ Mọi Người Tại Trung Quốc Giữa Khó Khăn Vẫn Tin Cậy Mến! (5/25/2015)
Tin/Bài cùng ngày
Triều Thiên Hoa Hồng (5/24/2015)
Tin/Bài khác
Xin Mẹ Cho Ức Triệu Người Ngoại Giáo Được Nhìn Biết Thiên Chúa (5/22/2015)
Lòng Sùng Kính Đức Mẹ Maria Là Bí Quyết Thành Công - Rv (5/22/2015)
Các Tin Liên Quan (5/22/2015)
Xin Mẹ Cho Chúng Con Bồi Đắp Nền Văn Minh Tình Yêu Và Sự Sống (5/21/2015)
Thánh Hiến Cho Đức Mẹ Maria # 4 (5/20/2015)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768