MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
"thày Là Sự Sống" Hiện Diện Thần Linh
Chủ Nhật, Ngày 1 tháng 5-2016

"Thày là Sự Sống" Hiện Diện Thần Linh
 
Phụng Vụ Lời Chúa - Tuần VI Phục Sinh
 
Nếu "Thày là sự sống lại và là sự sống" (Gioan 11:25) là chủ đề chính yếu của toàn Mùa Phục Sinh, trong đó, chủ đề "Thày là sự sống lại" cho nguyên Tuần Bát Nhật Phục Sinh là thời điểm 8 ngày có các bài Phúc Âm được Giáo Hội cố ý chọn đọc hoàn toàn liên quan đến các lần Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra mà thôi, thì chủ đề "Thày là sự sống" là chủ đề cho những ngày còn lại, bao gồm cả Chúa Nhật lẫn ngày trong tuần.
 
Vậy, nếu chủ đề "Thày là sự sống" ở Phụng Vụ Lời Chúa cho các ngày trong tuần lễ  II và III của Mùa Phục Sinh liên hệ tới chiều kích Tái Sinh Thần Linh, cho các ngày trong tuần lễ IV của Mùa Phục Sinh liên quan đến chiều kích Mục Tử Thần Linh, và cho các ngày trong tuần lễ V của Mùa Phục Sinh liên quan đến chiều kích Liên Hệ Thần Linh, thì các ngày trong tuần của tuần lễ Thứ VI của Mùa Phục Sinh như thế nào? Nếu so sánh cả với nội dung của phụng vụ Lời Chúa cho tuần lễ VII còn lại nữa, thì nội dung của Phụng Vụ Lời Chúa cho Tuần VI Phục Sinh này cho thấy chủ đề "Thày là sự sống" liên quan đến chiều kích Hiện Diện Thần Linh.
 
Chúa Nhật VI Phục Sinh: Sự Sống - Hiện Diện Thần Linh

Chúa Nhật Thứ Sáu Mùa Phục Sinh vẫn theo Phúc Âm Thánh Gioan, tiếp tục chủ đề "Thày là sự sống" của 4 Tuần cuối của Mùa Phục Sinh, nhưng liên quan đến khía cạnh hiện diện thần linh, một hiện diện thần linh nhờ có Thánh Thần Thiên Chúa (Năm A), một hiện diện thần linh nhờ ở trong tình yêu thần linh bằng việc tuân giữ lệnh truyền của Chúa Kitô (Năm B), và là một hiện diện thần linh được ở trong Cha và Con bằng tình yêu thương (Năm C).

Năm A

Sự sống của một hiện diện thần linh nhờ có Thánh Thần Thiên Chúa.

Phúc Âm (Gioan 14:15-21): "Nếu các con yêu mến Thày thì hãy giữ giới răn của Thày. Và Thày sẽ xin Cha và Cha sẽ ban cho các con một Đấng Phù Trợ khác để Ngài ở cùng các con luôn mãi".

Bài đọc 1 (Tông Vụ 8:5-8, 14-17) - sự sống của một hiện diện thần linh nhờ có Thánh Thần Thiên Chúa: "Khi đến nơi, hai ngài - Phêrô và Gioan - cầu nguyện cho họ được lãnh nhận Thánh Thần: vì chưa có ai trong họ được nhận lãnh Thánh Thần, họ mới chỉ được chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu".

Bài đọc 2 (1Phêrô 3:15-18) - sự sống của một hiện diện thần linh nhờ có Thánh Thần Thiên Chúa: "Vì Đức Kitô đã chết một lần cho tội lỗi chúng ta, Người là Đấng công chính thay cho kẻ bất công, để hiến dâng chúng ta cho Thiên Chúa; thật ra, Người đã chết theo thể xác, nhưng đã nhờ Thần Linh mà sống lại".

Năm B

Sự sống của một hiện diện thần linh nhờ ở trong tình yêu thần linh bằng việc tuân giữ lệnh truyền của Chúa Kitô.

Phúc Âm (Gioan 15:9-17): "Cha đã yêu mến Thày thế nào thì Thày cũng mến yêu các con như vậy. Hãy ở lại trong tình yêu của Thày. Nếu các con tuân lệnh Thày truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thày".

Bài đọc 1 (Tông Vụ 10:25-26,34-35,44-48) - sự sống của một hiện diện thần linh nhờ có Thánh Thần Thiên Chúa: "Phêrô đang nói các lời đó thì Thánh Thần đã ngự xuống trên mọi kẻ đang nghe lời... 'Ai có thể ngăn cản ta lấy nước mà rửa cho những kẻ này, khi họ đã lãnh nhận Thánh Thần như chúng ta?'"

Bài đọc 2 (1Gioan 4:7-10) - sự sống của một hiện diện thần linh nhờ có Thánh Thần là Tình Yêu của Thiên Chúa: "Thiên Chúa đã chứng tỏ tình yêu của Ngài đối với chúng ta đó là Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài đến trong thế gian, để nhờ Người mà chúng ta được sống".

Năm C

Sự sống của một hiện diện thần linh được ở trong Cha và Con bằng tình yêu thương.

Phúc Âm (Gioan 14:23-29): "Ai yêu mến Thày thì sẽ giữ lời Thày, và Cha Thày sẽ yêu mến người ấy, và Chúng ta sẽ đến và ở trong người ấy".

Bài đọc 1 (Tông Vụ 15:1-2, 22-29) - sự sống của một hiện diện thần linh được ở trong Cha và Con bằng tình yêu thương hơn là chỉ cắt bì bề ngoài theo hình thức: "Thánh Thần và chúng tôi xét thấy rằng không nên đặt thêm cho anh em gánh nặng nào khác ngoài mấy điều cần kíp này là anh em hãy kiêng đồ cúng thần, huyết, thịt thú chết ngạt, và gian dâm; giữ mình khỏi các điều đó là anh em làm phải".

Bài đọc 2 (Khải Huyền 21:10-14,22-23) - sự sống của một hiện diện thần linh được ở trong Cha và Con bằng tình yêu thương như ở trong thánh thánh từ trời xuất phát từ Thiên Chúa: "Tôi thấy thành thánh Giêrusalem từ trời nơi Thiên Chúa mà xuống, chói lọi vinh quang Thiên Chúa... Thành không cần mặt trời, mặt trăng chiếu soi: vì đã có vinh quang Thiên Chúa chiếu sáng nó, và đèn của nó chính là Con Chiên".

Thứ Hai
 
Phúc Âm (Gioan 15:26 - 16:4)

"Thiên Chúa là Thần Linh" (Gioan 4:24). "Thần Linh" ở đây không phải như kiểu thiên thần theo bản tính thiêng liêng cũng có thể gọi là "thần linh", vì "thần linh" theo tầm cấp tạo vật của các thiên thần thì không thể ở trong các tạo vật nói chung và nhất là trong linh hồn thiêng liêng của con người ta nói riêng. Chính sự kiện có thể ở trong linh hồn con người cũng như ở nơi chính các thiên thần trên trời cho thấy "Thiên Chúa là Thần Linh", là Hiện Diện Thần Linh.
 
Trong bài phúc âm Thứ Hai Tuần VI Phục Sinh hôm nay, thời điểm gần hết Mùa Phục Sinh 7 tuần lễ, một bài phúc âm cũng như các bài Phúc Âm khác trong tuần này, Giáo Hội cố ý chọn đọc những đoạn Phúc Âm của Thánh ký Gioan về Thánh Linh là Đấng sau khi thăng thiên về cùng Cha Người sẽ từ Cha sai đến với các tông đồ, với Giáo Hội, để Người có thể ở cùng Giáo Hội cho đến tận thế (xem Mathêu 28:20), nhờ đó Giáo Hội có thể hiên ngang bất khuất làm chứng nhân về Người và cho Người đến tận cùng trái đất và cho tới khi Người lại đến trong vinh quang.
 
"Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: 'Khi Ðấng Phù Trợ đến, Ðấng Thầy sẽ từ nơi Cha Thầy sai đến với các con, Người là Thần Chân lý bởi Cha mà ra, Người sẽ làm chứng về Thầy. Và các con cũng sẽ làm chứng, vì các con đã ở với Thầy từ ban đầu. Thầy đã nói với các con điều đó để các con khỏi vấp ngã. Người ta sẽ loại các con ra khỏi hội đường. Ðã đến giờ kẻ giết các con tưởng làm thế là phụng sự Thiên Chúa. Họ sẽ làm những điều đó cho các con, vì họ không biết Cha, cũng không biết Thầy. Nhưng Thầy đã nói với các con như vậy, để khi đến giờ của họ, các con nhớ lại là Thầy đã bảo các con'".

“Kẻ giết các con tưởng làm thế là phụng sự Thiên Chúa” ở đây có thể hiểu về trường hợp của chàng thanh niên Saolê là nhân vật rất hăng say với Do Thái giáo nên thấy một tôn giáo lạ xuất hiện ngược với tôn giáo của mình liền ra tay bắt bớ, cũng giống như trường hợp của Hội Đồng Đầu Mục Do Thái đã nhân danh Thiên Chúa để lên án tử cho Chúa Giêsu là nhân vật đối với họ chỉ là người mà dám lộng ngôn cho mình ngang hàng với Thiên Chúa (xem Mathêu 26:65; Gioan 10:33).

Bài Đọc 1 (Tông Vụ 16:11-15)
 
Trong bài đọc 1 hôm nay, chúng ta thấy sự hiện diện thần linh chẳng những ở nơi người giảng mà còn cả ở nơi người nghe nữa, bởi thế, một khi gặp ngay tần số thần linh giống nhau, "Chúa đã mở lòng cho bà chú ý nghe các điều Phaolô giảng dạy", mới xẩy ra câu chuyện trở lại tiêu biểu (như các cuộc trở lại khác cũng nhờ sự hiện diện thần linh là chính Thánh Thần Thiên Chúa nơi cả đôi bên) của một người phụ nữ cùng với gia đình của bà sau khi nghe các nhà truyền giáo chuyên nghiệp Phaolô làm chứng cho Chúa Kitô bằng lời rao giảng của ngài về Người.
 
"Chúng tôi xuống tàu tại Trôa và đi thẳng đến Samôthra, và hôm sau đến Nêapôli; rồi từ đó đi Philippê là thành thứ nhất vùng Macêđônia, và là xứ thuộc địa. Chúng tôi lưu lại thành này một ít ngày. Ðến ngày Sabbat, chúng tôi đi ra ngoài cửa thành đến bờ sông, chỗ người ta thường hợp nhau đọc kinh. Chúng tôi ngồi xuống giảng cho những phụ nữ đang tề tựu ở đó. Bấy giờ có một bà tên là Lyđia, buôn vải gấm, quê ở Thyatira, có lòng thờ Chúa, cũng ngồi nghe; Chúa đã mở lòng cho bà chú ý nghe các điều Phaolô giảng dạy. Sau khi chịu phép rửa tội làm một với gia đình, bà nài xin rằng: 'Nếu các ngài xét thấy tôi đã nên tín đồ của Chúa, thì xin đến ngụ tại nhà tôi'. Bà nài ép chúng tôi".
 
Thứ Ba
 
Phúc Âm (Gioan 16:5b-11)
 
Chiều kích hiện diện thần linh trong chủ đề "Thày là sự sống" của Mùa Phục Sinh sau Tuần Bát Nhật Phục Sinh vẫn được tiếp tục trong bài Phúc Âm Thứ Ba Tuần VI hôm nay. Ở chỗ, trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã báo trước cho các tông đồ về sự kiện Người Thăng Thiên về cùng Cha của Người. Và Ngưòi trấn an các tông đồ rằng việc Người về cùng Cha thì có lợi cho các vị. Ở chỗ, nếu Chúa Kitô tiếp tục ở trên thế gian này bằng nhân tính của Người nói chung và bằng thần xác hữu hình của Người nói riêng thì Người không thể nào hiện diện thần linh trong các tông đồ được, cho đến khi Người Phục Sinh và Thăng Thiên, nhờ đó Người mới có thể ở trong các vị bằng Thánh Thần từ Cha Người sai đến với các vị như là một Đấng Phù Trợ của các vị và ở cùng các vị để các vị được công chính hóa, vì các vị hoàn toàn sống bằng đức tin "không còn thấy Thày" mà chỉ theo tác động thần linh của Đấng Phù Trợ.
 
"Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: 'Bây giờ Thầy về với Ðấng đã sai Thầy, mà các con không ai hỏi Thầy: Thầy đi đâu? Nhưng vì Thầy đã nói với các con điều đó, nên lòng các con tràn ngập u sầu. Dầu vậy Thầy phải nói sự thật cho các con: Thầy đi thì ích lợi cho các con, vì nếu Thầy không đi, thì Ðấng Phù Trợ sẽ không đến với các con, nhưng nếu Thầy ra đi, Thầy sẽ sai Người đến với các con. Khi Người đến, Người sẽ tố cáo thế gian về tội lỗi, về sự công chính và về án phạt. Về tội lỗi vì họ đã không tin vào Thầy. Về sự công chính, vì Thầy về cùng Cha, và các con sẽ không còn thấy Thầy. Về án phạt, vì thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử'".

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu còn cho biết sứ vụ của Đấng Phù Trợ là minh chứng về tội lỗi liên quan đến thế gian, về sự công chính liên quan đến các môn đệ và về án phạt liên quan đến ma quỉ.

Thật vậy, nếu ngón tay của Thiên Chúa đây ám chỉ Thánh Thần (xem Mathêu 12:28 so với Luca 11:20) thì hai lần Chúa Giêsu đã lấy ngón tay viết trên đất trong vụ người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình (xem Gioan 8:6,8) đã cho thấy ba khía cạnh tội lỗi, công chính và án phạt nơi sứ vụ của Đấng Phù Trợ.

Theo thứ tự tác hành của Chúa Giêsu trong vụ này thì lần thứ nhất Người đã viết chữ “tội lỗi”, nên sau đó Người đã đứng lên thách thức thành phần muốn ném đá nạn nhân phụ nữ ngoại tình rằng: “Ai không có tội thì…” (Gioan 8:7). Lần thứ hai Người viết trên đất là chữ “công chính”, bởi thành phần tố cáo người phụ nữ ngoại tình đã lần lượt bỏ đi hết từ người già nhất cho thấy họ đã nhận biết mình mà nên công chính.

Chúa Giêsu không viết chữ thứ ba là “án phạt” nữa, bởi tội lỗi nơi thành phần cáo buộc chị phụ nữ nạn nhân đã được nhìn nhận, và chính nữ nạn nhân ngoại tình này cũng không lãnh “án phạt” cho bằng tình thương của Đấng “đến để tìm kiếm và cứu vớt những gì hư hoại” (Luca 19:10).

Bài Đọc 1 (Tông Vụ 16:22-34)
 
Sự hiện diện thần linh bao giờ cũng có tác dụng thần linh. Đúng thế, đúng như lời Chúa Kitô báo trước cho các tông đồ về Đấng Phù Trợ trong bài phúc âm hôm nay, Đấng "sẽ tố cáo thế gian về tội lỗi, về sự công chính và về án phạt".
 
Trước hết "về tội lỗi vì họ đã không tin vào Thầy", như sự kiện xẩy ra trong bài đọc 1 hôm nay, đó là "trong những ngày ấy, dân thành Philipphê xúm lại chống đối Phaolô và Sila; các nhà chức trách cho người xé áo choàng các ngài, và ra lệnh đánh đòn. Khi đã đánh các ngài nhừ tử, họ cho tống ngục, và truyền cho viên canh ngục canh giữ cẩn thận. Ðược lệnh như thế, viên cai ngục giam các ngài vào ngục sâu nhất, và còng chân các ngài lại", ấy thế mà Thánh Phaolô và Sila vẫn được giải cứu nhờ "một cuộc động đất lớn, làm rung chuyển cả nền móng ngục thất".
 
Sau nữa "về sự công chính, vì Thầy về cùng Cha, và các con sẽ không còn thấy Thầy", một sự công chính được thể hiện nơi các chứng nhân của Chúa Kitô trong bài đọc 1 hôm nay, ở chỗ, cho dù bị giam nhốt trong một mật thất chắc ăn nhất, "đến nửa đêm" các vị vẫn "cầu nguyện ca tụng Thiên Chúa", và nhất là tỏ ra khoan dung với chính "viên cai ngục... rút gươm toan tự tử", bằng cách đã can ngăn anh: "Anh chớ hại mình, vì chúng tôi còn tất cả ở đây".
 
Sau hết, "về án phạt, vì thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử", ở chỗ, cho dù hắn có lồng lên kịch liệt tấn công để triệt hạ cho bằng được thành phần chứng nhân của Chúa Kitô, hắn chẳng những không làm hại được các vị, trái lại, chính những thành phần tay sai loài người của hắn còn bị chinh phục ngược lại, như trong bài đọc 1 hôm nay cho thấy, qua trường hợp của viên cai ngục cùng gia đình của viên chức thành tâm này: "'Thưa các ngài, tôi phải làm gì để được cứu thoát?' Hai ngài đáp: 'Hãy tin vào Chúa Giêsu, thì anh và cả nhà anh sẽ được cứu độ'".
 
"Trong những ngày ấy, dân thành Philipphê xúm lại chống đối Phaolô và Sila; các nhà chức trách cho người xé áo choàng các ngài, và ra lệnh đánh đòn. Khi đã đánh các ngài nhừ tử, họ cho tống ngục, và truyền cho viên canh ngục canh giữ cẩn thận. Ðược lệnh như thế, viên cai ngục giam các ngài vào ngục sâu nhất, và còng chân các ngài lại. Ðến nửa đêm, Phaolô và Sila cầu nguyện ca tụng Thiên Chúa; các tù nhân đều lắng nghe các ngài. Bỗng xảy ra một cuộc động đất lớn, làm rung chuyển cả nền móng ngục thất. Tức khắc mọi cửa đều mở tung, và xiềng xích mọi tù nhân đều rơi xuống. Viên cai ngục giật mình thức dậy, thấy các cửa ngục mở tung, thì rút gươm toan tự vẫn, vì tưởng những người bị xiềng đã tẩu thoát. Nhưng Phaolô kêu lớn tiếng rằng: 'Anh chớ hại mình, vì chúng tôi còn tất cả ở đây'. Viên cai ngục gọi lấy đèn, rồi chạy vào tù, và run rẩy sấp mình dưới chân Phaolô và Sila; đoạn dẫn hai ngài ra ngoài và nói: 'Thưa các ngài, tôi phải làm gì để được cứu thoát?' Hai ngài đáp: 'Hãy tin vào Chúa Giêsu, thì anh và cả nhà anh sẽ được cứu độ'. Hai ngài giảng dạy lời Chúa cho anh và mọi người trong nhà. Ngay lúc đó, giữa ban đêm, viên cai ngục đem hai ngài đi, rửa vết thương, và lập tức anh ta được chịu phép rửa cùng với tất cả người nhà. Rồi anh đưa hai ngài lên nhà, dọn bàn ăn. Anh và cả nhà vui mừng vì đã tin Thiên Chúa".
 
Thứ Tư
 
Phúc Âm (Gioan 16:12-15)

Chiều kích Hiện Diện Thần Linh cho Tuần VI Phục Sinh tiếp tục liên quan đến Thánh Linh trong bài Phúc Âm Thứ Tư hôm nay. Ở chỗ, nhờ sự hiện diện thần linh của Ngài, trong khi thế gian được Ngài làm sáng tỏ cho thấy những gì là tội lỗi, công chính và hình phạt, các vị được Ngài "dẫn vào tất cả sự thật", nghĩa là được thông hiểu tất cả những gì Chúa Kitô đã mạc khải cho các vị và dạy dỗ các vị khi Người còn ở bên các vị và ở với các vị bằng xương bằng thịt, nhưng bấy giờ các vị chưa sâu xa cảm nhận và thấu hiểu, vì chưa có được chính Thần Linh thông biết của Người.
 
"Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: 'Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lĩnh hội được. Khi Thần Chân lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật, vì Người không tự mình mà nói, nhưng Người nghe gì thì sẽ nói vậy, và Người sẽ bảo cho các con biết những việc tương lai. Người sẽ làm vinh danh Thầy, vì Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con. Tất cả những gì Cha có, đều là của Thầy, vì thế Thầy đã nói: 'Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con'".
 
Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Kitô còn tỏ cho chúng ta thấy Mầu Nhiệm Ba Ngôi, về mối Liên Hệ Thần Linh nơi Ba Ngôi Thiên Chúa. Ở chỗ: "Tất cả những gì Cha có, đều là của Thầy, vì thế Thầy đã nói: 'Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con'".
 
Trước hết là mối liên hệ thần linh giữa Ngôi Cha và Ngôi Con: "tất cả những gì Cha có, đều là của Thầy" tức Chúa Kitô là "hiện thân bản thể Cha" (Do Thái 1:3) - "Cha yêu Con và đã ban hết mọi sự cho Con" (Gioan 3:35); Cha thực sự ở nơi Người và tỏ mình ra qua Người là Đấng "tỏ Cha ra" (Gioan 1:18), cho đến độ "Cha và Ta là một" (Gioan 10:30) để "ai thấy Thày là thấy Cha" (Gioan 14:9).
 
Sau nữa là mối liên hệ thần linh giữa Cha và Con với Thánh Thần: "Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con", nghĩa là Thánh Thần chẳng những bởi Cha mà còn "bởi Con mà ra" như Kinh Tin Kính của Giáo Hội Công Giáo vẫn tuyên xưng, và Vị "Thần Chân Lý" là Nội Tâm của Thiên Chúa này (xem 1Corintô 2:10), là chính Liên Hệ Thần Linh giữa Ngôi Cha và Ngôi Con ấy, truyền đạt cho các tông đồ nói riêng và Giáo Hội nói chung chính Chúa Kitô là tất cả mạc khải thần linh về Thiên Chúa và của Thiên Chúa, tức là làm cho Giáo Hội được hoàn toàn hiệp thông thần linh với Chúa Kitô:"như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha" (Gioan 17:21). 

Ngoài ra, còn một chi tiết trong bài Phúc Âm hôm nay cần được sáng tỏ, đó là câu Chúa Giêsu nói: "Thầy còn nhiều điều phải nói với các con...". Người không có ý nói rằng Người còn nhiều điều "mới mẻ" chưa nói hết cần phải nói cho hết hay Thánh Thần sẽ đến "nói thêm" thay cho Người. Bởi vì, là Lời Nhập Thể, Người là tất cả mạc khải thần linh của Cha và về Cha, và Người "đã tỏ Cha ra" (Gioan 1:18) bằng chính đời sống của Người, bằng tâm ngôn hành của Người, nhất là bằng cuộc Vượt Qua của Người. Người đã cho các môn đệ của Người nói riêng và dân Do Thái nói chung về cả những sự dưới đất cũng như trên trời (xem Gioan 3:12): những sự dưới đất đây bao gồm đường lối để con người tạo vật có thể đến cùng Thiên Chúa, trong đó có việc tái sinh bởi trời và các mối phúc đức v.v.; những sự trên trời đây bao gồm chính bản thân Thiên Chúa là ai, như thế nào và Nước Trời.

Người còn nhiều điều phải nói với các môn đệ đây là những điều Người cần giải thích cho các vị hiểu thêm, hiểu hơn, hiểu hết về những gì Người đã tỏ ra cho các vị, và những dẫn giải này sẽ được Thánh Thần là Đấng Phù Trợ các vị do Người từ Cha sai đến với các vị sẽ làm cho các vị thấu triệt khi "Ngài sẽ dẫn các con vào tất cả sự thật", nghĩa là nắm bắt được ý nghĩa sâu xa của những gì Chúa Kitô tỏ ra cho các vị, nhất là bản thân của chính Người là Đấng các vị đã được mắt thấy, tai nghe và tay sờ (xem 1Gioan 1:1) để có thể làm chứng về Người dưới tác động thần linh của Thánh Thần.
 
Bài Đọc 1 (Tông Vụ 17:15,22 - 18:1)
 
Chính nhờ Hiện Diện Thần Linh của Thần Chân Lý mà vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô đã tỏ ra hết sức khôn ngoan trong bài giảng ở thủ đô của một đất nước có thể nói là văn minh nhất về tri thức bấy giờ đó là Hy Lạp, đến độ bài giảng này và đường lối của ngài diễn giải là mô phạm cho tính cách truyền bá phúc âm hóa của Giáo Hội và cho Giáo Hội. Ở chỗ, không đả phá, trái lại, còn biết lợi dụng chính những yếu tố được coi là mầm mống thần linh nơi tâm thức và văn hóa của con người, trong trường hợp của bài đọc 1 hôm nay là vị "Thần vô danh" để có thể phúc âm hóa, để hướng họ về "tất cả sự thật", về Vị "Thiên Chúa, Ðấng đã tác tạo vũ trụ và vạn vật trong vũ trụ", rồi từ đó, từ nguyên lý chung hợp với tâm thức của chung nhân loại ấy, ngài đã dẫn thành phần thính giả luôn tìm kiếm sự khôn ngoan, (như Người Do Thái tìm kiếm dấu lạ), đến Chúa Kitô Cứu Thế, "Ðấng từ cõi chết sống lại để mọi người tin".
 
"Bấy giờ Phaolô đứng giữa đồi Arêôpagô mà nói: 'Kính thưa quý vị người Athêna, tôi nhận thấy quý vị rất sùng tín về mọi mặt. Vì khi đi ngang qua, nhìn các tượng thần của quý vị, tôi cũng thấy một bàn thờ có ghi chữ: Kính Thần vô danh. Vậy Ðấng quý vị thờ mà không nhận biết, thì tôi xin loan báo Người cho quý vị. Thiên Chúa, Ðấng đã tác tạo vũ trụ và vạn vật trong vũ trụ, Người là Chúa trời đất, nên không ngự nơi đền thờ do tay người phàm làm ra. Người cũng không cần bàn tay người phàm phụng sự như thể thiếu thốn điều gì, vì chính Người ban cho mọi người sự sống, hơi thở và hết mọi sự. Người đã làm cho toàn thể loài người từ một nguyên tổ lan tràn khắp mặt đất. Người phân định thời hạn rõ rệt và biên giới chỗ họ ở, để họ tìm thấy Thiên Chúa nếu họ cố gắng dò dẫm tìm gặp Người, vì thật ra Người không ở xa mỗi người chúng ta. Vì chưng ta sống, ta cử động và ta hiện hữu trong Người, như có mấy thi sĩ của quý vị đã nói: 'Chúng ta thuộc tông giống Người'. Vậy bởi chúng ta là dòng giống của Thiên Chúa, chúng ta không được nghĩ rằng Thần Linh giống như vàng, hoặc bạc, hay đá do nghệ thuật chạm trổ và suy tưởng của con người làm ra. Thiên Chúa không chấp những thời gian mê muội đó, nay Người loan báo cho nhân loại nhận biết để mọi người khắp nơi ăn năn hối cải, vì Người đã quy định ngày Người sẽ xét xử vũ trụ cách công minh, do Ðấng Người đã chỉ định và cho Ðấng ấy từ cõi chết sống lại để mọi người tin".
 
Tuy nhiên, cho dù đường lối truyền bá phúc âm hóa của Vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô thật là tuyệt hảo như thế vẫn không hoàn toàn gây tác hiệu thần linh nơi hầu hết thính giả của ngài, ngoại trừ "có vài người theo và tin ngài, trong số đó có Ðiônysiô nhân viên thuộc Arêôpagô, một phụ nữ tên Ðamari và mấy người khác nữa". Tại sao thế? Nếu không phải tại thành phần thính giả này chưa được chính tác nhân thần linh là "Thần Chân lý ... dẫn vào tất cả sự thật" như "vài người" trong họ. Tuy nhiên, họ cũng vẫn còn thiện chí: "Ðể khi khác, chúng tôi sẽ nghe ông nói lại về điều đó", nhờ đó, vào một lúc nào đó, họ sẽ nhận biết chân lý và chân lý sẽ giải phóng họ (xem Gioan 8:32).
 
Thứ Năm

(Hôm nay đúng 40 ngày sau Phục Sinh là Lễ Trọng Chúa Giêsu Thăng Thiên và là Lễ Buộc. Xin xem phần chia sẻ dưới đây ngày sau Thứ Bảy tuần này.

Thường chỉ có Tòa Thánh Rôma và các Dòng Tu mới mừng đúng ngày, còn hầu như ở các giáo xứ sẽ mừng vào Chúa Nhật vì lý do mục vụ.

Bởi thế cho nên ở đây chúng ta vẫn tiếp tục phụng vụ Lời Chúa cho ngày Thứ Năm trong Tuần VI Phục Sinh liên tục như thường)
 
Phúc Âm (Gioan 16:16-20)
 
Sự Hiện Diện Thần Linh là những gì bất khả thiếu đức tin, vì chỉ có đức tin mới có thể cảm nhận được sự hiện diện thần linh mà thôi, cho dù là trong những lúc đau thương khốn khó nhất. Đó là lý do trong bài Phúc Âm cho Thứ Năm của Tuần VI Phục Sinh này, một bài Phúc Âm cũng rất thích hợp với ý nghĩa của biến cố Chúa Giêsu Thăng Thiên hôm nay, Chúa Giêsu mới nói đến một tình trạng rất ư là khó hiểu đối với tâm thức tự nhiên của các tông đồ: "Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy".
 
"'Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy.' Bấy giờ vài người trong nhóm môn đệ của Đức Giê-su hỏi nhau: 'Người muốn nói gì khi bảo chúng ta: Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy và Thầy đến cùng Chúa Cha?' Vậy các ông nói: 'Ít lâu nữa' nghĩa là gì? Chúng ta không hiểu Người nói gì!' Đức Giê-su biết là các ông muốn hỏi mình, nên bảo các ông: 'Anh em bàn luận với nhau về lời Thầy nói: Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy. Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui'".
 
Chúa Giêsu tuy không trực tiếp trả lời cho những gì các vị thắc mắc về vấn đề thời gian 'ít lâu nữa' các vị 'không thấy Thày' rồi lại 'thấy Thày', nhưng Người đã trấn an các vị và khẳng định cho các vị thấy một dấu hiệu Người vẫn ở với các vị, sẽ hiện diện thần linh nơi các vị, ở chỗ, đó là cho dù các vị "sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng", cuối cùng các vị chẳng những không cảm thấy chán nản bỏ cuộc, trái lại, chính "nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui" nơi các vị, như đã từng xẩy ra thực sự nơi hai Tông Đồ Phêrô và Gioan sau khi bị đánh đòn và thả về: "Họ cho gọi các Tông Đồ lại mà đánh đòn và cấm các ông không được nói đến danh Đức Giê-su, rồi thả các ông ra. Các Tông Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giê-su". (Tông Vụ 5:40-41).
 
Bài Đọc 1 (Tông Vụ 18:1-8)
 
Nếu nhờ sự hiện diện thần linh của Chúa Kitô bởi Thánh Thần của Người nơi các tông đồ mà "anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui", thì đã quả thực xẩy ra nơi trường hợp của vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô trong bài đọc 1 hôm nay. Ở chỗ, vị tông đồ này bị chống đối bởi chính đồng hương và đồng đạo của mình, thật là đắng cay chua xót, như chính lời ngài thẳng thắn ngỏ cùng họ trong bài đọc 1 hôm nay. Tuy nhiên, nỗi xót xa cay đắng khổ tâm gây ra cho ngài bởi chính dân của ngài ấy đã trở thành niềm vui trong ngài khi ngài thấy tác động thần linh đã tỏ hiện lạ lùng nơi một gia đình "dân ngoại tôn thờ Thiên Chúa" cũng như nơi nhiều người dân ngoại khác ở"Corinto":
 
"Khi ông Xi-la và ông Ti-mô-thê từ Ma-kê-đô-ni-a xuống, thì ông Phao-lô chỉ lo giảng, long trọng làm chứng cho người Do-thái biết rằng Đức Giê-su chính là Đấng Ki-tô. Bởi họ chống đối và nói lộng ngôn, nên ông giũ áo mà bảo họ: 'Máu các người cứ đổ xuống trên đầu các người! Phần tôi, tôi vô can; từ nay trở đi, tôi sẽ đến với người ngoại'. Ông rời bỏ chỗ ấy đến nhà một người ngoại tôn thờ Thiên Chúa, tên là Ti-xi-ô Giút-tô, ở sát bên hội đường. Ông Cơ-rít-pô, trưởng hội đường, tin Chúa, cùng với cả nhà. Nhiều người Cô-rin-tô đã nghe ông Phao-lô giảng cũng tin theo và chịu phép rửa".
 
Thứ Sáu
 
Phúc Âm (Gioan 16:20-23a)

Chiều kích hiện diện thần linh trong chủ đề "Thày là sự sống" cho Mùa Phục Sinh sau Tuần Bát Nhật Phục Sinh càng tỏ hiện trong bài Phúc Âm Thứ Sáu Tuần VI Phục Sinh hôm nay. Ở chỗ, "Thầy sẽ gặp lại các con, và lòng các con sẽ vui mừng", đến độ họ chỉ biết ngây ngất hoan hưởng sự hiện diện thần linh lạ lùng ấy không còn nói lên lời: "Và trong ngày đó các con sẽ không còn hỏi Thầy điều gì nữa".
 
"Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: 'Thật, Thầy bảo thật các con: các con sẽ than van khóc lóc, còn thế gian sẽ vui mừng. Các con sẽ buồn sầu, nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui. Người đàn bà khi sinh con thì lo buồn, vì giờ đã đến, nhưng khi đã sinh con rồi, thì bà mừng rỡ, không còn nhớ đến cơn đau, bởi vì đã có một người sinh ra đời. Các con cũng thế, bây giờ các con buồn phiền, nhưng Thầy sẽ gặp lại các con, và lòng các con sẽ vui mừng, và niềm vui của các con không ai sẽ lấy mất được. Và trong ngày đó các con sẽ không còn hỏi Thầy điều gì nữa'".
 
Sự hiện diện thần linh của Chúa Kitô nơi các tông đồ nói riêng và chung Giáo Hội được chứng tỏ nơi 2 dấu hiệu: khổ đau và vui mừng, hay khổ đau để sinh hoa kết trái, như người đàn bà quằn quại sinh con, hay như cành nho vì dính chặt với thân nho đã sinh trái lại càng cần được cắt tỉa cho sai trái hơn (xem Gioan 15:2). Chính niềm vui hay hoa trái trổ sinh nơi tình trạng gian nan khốn khó của Kitô hữu là những gì chứng tỏ đích thực nhất sự hiện diện thần linh của Chúa Kitô nơi họ, như thân nho tràn đầy nhựa sống thần linh tuôn sang cho họ để họ sinh hoa kết trái như Người mong muốn, xứng với quyền lực thần linh phục sinh của Người (xem Mathêu 28:18).

Trong bài Phúc Âm hôm nay còn chất chứa một hình ảnh về người đàn bà sinh con. Việc sinh con có triệu chứng đớn đau. Và cơn đau đớn khi sinh con này bởi đâu mà có ngay lúc bấy giờ, nếu không phải bởi chính đứa con, vai chính trong cuộc, đã tới ngày giờ cần phải được sinh ra nên đòi ra, từ đó gây ra những biến động co thắt nơi bụng dạ của người mẹ, khiến bà cảm thấy đau đớn.

Trong lãnh vực siêu nhiên cũng thế. Mẹ Maria chịu đớn đau nhất vào lúc Chúa Giêsu bị lưỡi đòng đâm vào cạnh sườn, và bấy giờ Người không còn đau nữa nhưng Mẹ Maria bị nhói lên, đau cái đau của Người và đau cái đau thay Người, mà cái đau như gươm sắc thâu qua lòng của Mẹ (xem Luca 2:35) bấy giờ không phải bởi lưỡi đòng gây ra cho Mẹ mà là bởi chính Người Con yêu dấu của Mẹ bị đâm, tức là chính Con Mẹ làm cho Mẹ đau, như thai nhi đạp bụng mẹ khiến mẹ đau để nó có thể lọt lòng mẹ mình vậy.

Trong đời sống thiêng liêng cũng thế, để có thể sinh Chúa Giêsu ra cho các linh hồn, (hơn là hay cũng là sinh các linh hồn vào sự sống thần linh), linh hồn nào cũng phải trải qua một cơn đau đớn khủng khiếp với Chúa Giêsu và như Chúa Kitô Tử Giá, và chính cơn đau hiệp thong thần linh này là dấu hiệu cho thấy Người sắp được hay đang được sinh ra cho các linh hồn qua họ là một linh hồn được tuyển chọn, dù họ là nam nhân chứ không phải nữ nhân, như chính Chúa Giêsu đã khẳng định “ai là mẹ Tôi” khi Người chỉ tay vào thành phần môn đệ nam nhân của Người bấy giờ (xem Mathêu 12:49-50).

Bài Đọc 1 (Tông Vụ 18:9-18)
 
Sự hiện diện thần linh của Chúa Kitô Phục Sinh và Thăng Thiên quả thực đã hiện diện một cách tỏ tường nơi vị tông đồ dân ngoại Phaolô trong bài đọc 1 hôm nay, khi Người tỏ mình ra cho ngài vào "một đêm kia" và trấn an ngài trong một thị kiến rằng: "Con đừng sợ, cứ giảng dạy, chứ đừng làm thinh; vì Ta ở cùng con, và không ai tra tay làm hại con, vì trong thành này, Ta có một dân đông đảo". Bởi thế, cho dù ngài bị kịch liệt chống đối và bị điệu ra tòa, đã có thẩm quyền bênh vực ngài:
 
"(Ðến) thời Galliô làm tổng trấn xứ Akaia, người Do-thái đồng lòng nổi lên chống Phaolô và điệu ngài đến toà án mà thưa rằng: 'Người này xui dân tôn thờ Thiên Chúa trái luật'. Phaolô toan mở miệng, thì Galliô nói với người Do-thái rằng: 'Hỡi người Do-thái, nếu quả thật là điều chi tội ác, ta sẽ có lý mà nghe các ngươi; nhược bằng chỉ là những tranh luận về đạo lý, danh từ và lề luật, thì các ngươi hãy liệu lấy; ta không muốn xử các việc ấy'. Rồi ông đuổi họ ra khỏi toà án. Mọi người liền bắt Sosthênê, trưởng hội đường, và đánh đập ông ta trước toà án, thế mà Galliô cũng chẳng lưu tâm gì đến. Còn Phaolô thì lưu lại đó nhiều ngày, rồi từ giã anh em, xuống tàu đi Syria (với Priscilla và Aquila); tại Cenchri, ngài cạo trọc đầu, vì ngài đã khấn như thế".
 
Thứ Bảy
 
Phúc Âm (Gioan 16:23b-28)

Sự hiện diện thần linh của Chúa Kitô nơi thành phần môn đệ của Người sẽ lên tới tột đỉnh khi mà họ được hiệp nhất nên một với Người như thể họ là chính Người. Ở chỗ, như lời Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Bảy Tuần VI Phục Sinh đang tiếp tục chiều kích Hiện Diện Thần Linh theo chủ đề"Thày là sự sống" trong Mùa Phục Sinh hậu Bát Nhật Phục Sinh, không phải họ chỉ "nhân danh Thầy mà xin Cha", mà còn lấy chính tư cách Chúa Kitô để xin Cha: "Ngày đó các con sẽ nhân danh Thầy mà xin, và Thầy không bảo là chính Thầy sẽ xin Cha cho các con đâu". Tại vì chính họ được Cha của Người yêu thương nhờ sự hiện diện thần linh của Người nơi họ, tức là nhờ họ tin vào Người, tin rằng Người "bởi Cha mà ra, và đã đến trong thế gian, rồi bây giờ Thầy bỏ thế gian mà về cùng Cha", chấp nhận Người đúng với căn tính thần linh của Người, chứ không tin Người chỉ là một con người thuần túy, và chỉ khư khư giữ chặt lấy Người như Người là của họ, thuộc về họ theo như ý của họ.
 
"Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: 'Thật, Thầy bảo thật các con: điều gì các con sẽ nhân danh Thầy mà xin Cha, thì Người sẽ ban cho các con. Cho đến bây giờ, các con chưa nhân danh Thầy mà xin điều gì. Hãy xin thì sẽ được, để các con được niềm vui trọn vẹn. Tất cả những điều đó, Thầy đã dùng dụ ngôn mà nói với các con. Ðã đến giờ Thầy sẽ không còn dùng dụ ngôn mà nói nữa, Thầy sẽ loan truyền rõ ràng cho các con về Cha. Ngày đó các con sẽ nhân danh Thầy mà xin, và Thầy không bảo là chính Thầy sẽ xin Cha cho các con đâu. Chính Cha yêu mến các con, bởi vì chúng con yêu mến Thầy và tin rằng Thầy bởi Thiên Chúa mà ra. Thầy bởi Cha mà ra, và đã đến trong thế gian, rồi bây giờ Thầy bỏ thế gian mà về cùng Cha'".
 
Bài Đọc 1 (Tông Vụ 18:23-28)
 
Trong bài đọc 1 hôm nay, chúng ta thấy Chúa Kitô hiện diện thần linh nơi một con người đặc biệt tuy chưa chính thức thuộc về thành phần môn đệ của Người, đó là Apollô, một con người chỉ mới biết phép rửa thống hối của Tiền hô Gioan, nhưng đã tỏ ra "nhiệt tâm rao giảng và siêng năng dạy những điều về Ðức Kitô... bắt đầu hành động mạnh dạn trong hội đường".
 
"Bấy giờ có một người Do-thái tên là Apollô, quê ở Alexan-dria, rất lợi khẩu và thông biết Thánh Kinh, ông đến Êphêxô. Ông đã học thông đạo Chúa; ông nhiệt tâm rao giảng và siêng năng dạy những điều về Ðức Kitô, mặc dầu ông chỉ biết phép rửa của Gioan. Vì thế ông bắt đầu hành động mạnh dạn trong hội đường".
 
Vấn đề ở đây là với một con người như vậy, từ vô danh tiểu tốt tự nhiên được nổi tiếng, thế mà nhờ sự hiện diện thần linh của Chúa Kitô trong thành phần môn đệ của Người, nên các vị chẳng những không ghen tị và đố kị, như tông đồ Gioan xưa kia tỏ ra đối với một người không thuộc về nhóm tông đồ đã nhân danh Thày mà trừ quỉ (xem Marco 9:38; Luca 9:49), trái lại, còn giúp thêm cho nhân vật mới lạ này nữa, để vị này càng nổi nang hơn, nghĩa là càng làm rạng danh Chúa Kitô hơn:
 
"Khi Priscilla và Aquila nghe ông, liền đón ông (về nhà) và trình bày cặn kẻ hơn cho ông biết đạo Chúa. Ông muốn sang Akaia, thì các anh em khuyến khích ông và viết thơ cho các môn đồ xin họ tiếp đón ông. Ðến nơi, ông đã giúp các tín hữu rất nhiều, vì ông đã công khai phi bác những người Do-thái cách hùng hồn; ông trưng Thánh Kinh để minh chứng Ðức Giêsu là Ðấng Kitô".
 
Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên
 
Phụng vụ Lời Chúa của Lễ Trọng Thăng Thiên này, bao gồm bài đọc 1 cho cả 3 chu kỳ A-B-C được trích từ 11 câu đầu tiên của Sách Tông Vụ: 1:1-11, và ba bài Phúc Âm cho từng chu kỳ A, B và C được trích từ 3 3 Phúc Âm khác nhau, Thánh Mathêu (những câu sau hết trong đoạn cuối cùng 28:16-20) cho Năm A, Thánh Marco (cũng những câu sau hết trong đoạn cuối cùng 16:15-20) cho Năm B, và Thánh Luca (cũng vậy, ở những cầu sau hết trong đoạn cuối cùng 24:46-53).
 
Nếu căn cứ vào ý nghĩa của biến cố Chúa Giêsu Thăng Thiên thì chỉ có Thánh ký Luca, trong cả Sách Tông Vụ (bài đọc 1) và Phúc Âm (chu kỳ Năm C), là diễn tả rõ ràng nhất, như sau:
 
'Các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất'. Nói xong, Người được cất lên trước mắt các ông, và một đám mây bao phủ Người khuất mắt các ông. Ðang khi các ông còn ngước mắt lên trời nhìn theo Người đang xa đi, thì bỗng có hai người mặc áo trắng đứng gần các ông và nói rằng: 'Hỡi người Galilê, sao các ông còn đứng nhìn lên trời? Ðức Giêsu, Ðấng vừa lìa các ông mà lên trời, sẽ đến cùng một thể thức như các ông đã thấy Người lên trời'". (Tông Vụ 1:8-11).
 
"'Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống' Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỷ, và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa" (Luca 24:49-53).
 
Căn cứ vào những chi tiết được Thánh ký Luca thuật lại trong Sách Tông Vụ và Phúc Âm của ngài trên đây thì biến cố Thăng Thiên xẩy ra, về địa điểm: ở"gần Bêtania" (Luca 24:50), về hình thức và thể lý như sau: "đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời" (Luca 24:51), bằng cách: "Người được cất lên trước mắt các ông, và một đám mây bao phủ Người khuất mắt các ông" (Tông Vụ 1:9).
 
Như thế, các tông đồ, cho dù không được tận mắt chứng kiến thấy giây phút Chúa Giêsu sống lại từ trong cõi chết, cũng vẫn được đích thân thấy "trước mắt các ông" Người Thăng Thiên về cùng Cha của Người là Đấng đã sai Người, cho đến khi có "một đám mây bao phủ Người khuất mắt các ông". 
 
"Đám mây bao phủ Người" đây ám chỉ Thánh Thần, như đã xẩy ra ở biến cố biến hình trên núi của Người nơi sự kiện "có tiếng phán ra từ đám mây" (Mathêu 17:5; Marco 9:7; Luca 9:35). "Một đám mây bao phủ Người khuất mắt các ông" phải chăng bao gồm mấy ý nghĩa sau đây:
 
1- Các tông đồ không còn được thấy Thày của mình bằng con mắt thể lý nữa, vì Người đã về cùng Cha trong mối hiệp thông thần linh đời đời với Cha trong Thánh Thần;
 
2- Sứ vụ trần thế của Người đã hoàn toàn thật sự hoàn tất sau 40 ngày Người sống lại, khoảng thời gian 40 ngày Người hiện diện một cách linh thiêng giữa các vị để "nói với các vị về triều đại Thiên Chúa" (Tông Vụ 1:3);
 
3- Các vị cần phải tiếp tục sứ vụ của Người "cho đến tận cùng trái đất" (Tông Vụ 1:8) bằng "quyền năng của Thánh Thần" (Tông Vụ 1:8; xem Luca 24:49)là Đấng Người sẽ từ Cha sai đến và cũng là Đấng đến để làm chứng về Người với họ và qua họ (xem Gioan 15:26-27).
 
Thật ra, sau khi tắt thở trên Thánh Giá, linh hồn của Chúa Kitô đã về cùng Cha của Người ngay lúc ấy rồi, chứ không phải đợi cho tới khi Người Thăng Thiên. Và thật ra, trước khi "hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14), Người đã đời đời hiệp nhất nên một với Cha trong Thánh Thần rồi, chứ không phải cho tới khi Người Thăng Thiên.
 
Thế nhưng, từ đời đời Người chỉ hiệp nhất nên một với Cha trong Thánh Thần về phương diện "đồng bản thể với Cha" (Kinh Tin Kính), nhưng một khi "đã hóa thành nhục thể", bản tính nhân loại của Người chỉ đạt tới tầm mức hoàn toàn hiệp thông thần linh với Cha hay hiệp nhất nên một với Cha trong Thánh Thần khi Người Thăng Thiên mà thôi.
 
Nhờ Mầu Nhiệm Ngôi Hiệp xẩy ra ngay sau lời "Xin Vâng" (Luca 1:38) của Trinh Nữ Maria trong Biến Cố Truyền Tin, bản tính nhân loại của Lời Nhập Thể đã được hiệp thông thần linh với bản tính Thiên Chúa của Người rồi, tới độ, thân xác của Người đã trở thành bất tử và bất diệt, không thể nào chết được, ngoại trừ Người tự bỏ sự sống (thể lý) của Người đi (xem Gioan 10:17-18) "để làm giá chuộc cho nhiều người" (Mathêu 20:28).
 
Tuy nhiên, tự bản chất là tạo vật hữu hạn và hữu hình, bản tính nhân loại (nhân tính) của Lời Nhập Thể và nơi Lời Nhập Thể, theo tiến trình phát triển tự nhiên, cũng cần phải từ từ tiến tới độ hiệp thông thần linh hoàn trọn nhất, ở chỗ, bản tính Thiên Chúa của Người (Thiên Tính) càng ngày càng tỏ hiện một cách hết cỡ, nhờ đó "ai thấy Thày là thấy Cha" (Gioan 14:9), nhất là nơi Biến Cố Vượt Qua của Người từ Tử Giá đến Phục Sinh.  
 
Vấn đề ở đây là cái gì được sinh ra, cái gì chịu khổ giá, cái gì đã sống lại và cái gì đã lên trời, nếu không phải chính yếu là thân xác của Lời Nhập Thể nói riêng. Chính thân xác của Người, sau khi sống lại từ trong kẻ chết, đã tràn đầy Thánh Thần đến độ có thể thông Thánh Thần sang cho các tông đồ từ thân xác phục sinh của Người: "Đoạn Người thở hơi trên các vị mà nói: 'Các con hãy nhận lấy Thánh Linh'" (Gioan 20:22).
 
Thế nhưng, cho dù các tông đồ đã lãnh nhận Thánh Thần từ thân xác phục sinh của Chúa Kitô Lời Nhập Thể như thế, các ngài, để có thể làm chứng cho Chúa Kitô, có thể hiệp nhất nên một với Người, "như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha" (Gioan 17:21), trở thành một Alter Christus - Chúa Kitô Khác, vẫn còn phải chờ đợi để "được mặc lấy quyền lực từ trên cao" (Luca 24:49), "khi Thánh Thần xuống trên các con" (Tông Vụ 1:8), Đấng được Người hứa (xem Tông Vụ 1:4) "từ Cha sai đến" (Gioan 15:26) với các vị sau khi Người Thăng Thiên về cùng Cha, ở thực tại thần linh hiệp thông với Cha trong Thánh Thần bao gồm cả bản tính nhân loại của Người nữa.
 
Tóm lại, Mầu Nhiệm Thăng Thiên, về không gian, là biến cố Chúa Kitô đã hoàn toàn chấm dứt sứ vụ trần gian của mình do đích thân Người thực hiện theo đúng như ý Cha là Đấng đã sai Người, nhưng về thời gian, Người vẫn tiếp tục sứ vụ cứu độ trần gian qua vai trò thừa tác của Giáo Hội "cho đến tận cùng trái đất" (Tông Vụ 1:8), một Giáo Hội Người "ở cùng cho đến tận thế" (Mathêu 28:20), bằng Thánh Thần là Đấng "bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra" (Kinh Tin Kính Giáo Hội Công Giáo), Đấng đến để truyền đạt cho các tông đồ và Giáo Hội tất cả những gì của Cha nơi Chúa Kitô (xem Gioan 15:26), nhờ đó, "Con sống trong họ, Cha sống trong Con, để sự hiệp nhất của họ được nên trọn. Cho thế gian nhận biết rằng Cha đã sai Con và Cha đã yêu thương họ như Cha đã yêu mến Con" (Gioan 17:23).

Đa Minh Cao Tấn Tỉnh

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Cn 3203: Con Chịu Đau Khổ Đề Đền Tạ Trái Tim Mẹ (5/6/2016)
Cn 3502: Đức Mẹ Hiện Ra Khắp Nơi Vì Yêu Nhân Loại (5/6/2016)
Lịch Sử Bức Ảnh Những Giọt Lệ Đức Mẹ Từ Thành Syracuse (5/5/2016)
Cn 3501: Đức Mẹ Hiện Ra Tại Nicaragua (1) (5/5/2016)
Tinh Khôi Mai Côi (5/2/2016)
Tin/Bài cùng ngày
Đ​ề Nghị Sốt Sắng Lần Chuỗi Kinh Mân Côi (5/1/2016)
Xin Mẹ Gỡ Nút Đời Con (5/1/2016)
Điệp Khúc Tạ Ơn (5/1/2016)
Tin/Bài khác
Cn 3492: Chương Trình Hoà Bình Của Đức Mẹ Maria (1) (4/30/2016)
Cn 3493: Chương Trình Hoà Bình Của Đức Mẹ Maria (2) (4/30/2016)
Hoa Kinh Tháng Năm (4/30/2016)
Tháng Hoa Dâng Mẹ (4/29/2016)
Tháng Năm, Nghĩ Về Tình Mẫu Tử Nơi Mẹ Maria (4/29/2016)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768