Cầu nguyện theo cách hiểu thông thường là nâng tâm hồn lên, là hướng lòng lên với Chúa. Có nhiều cách hướng lòng lên với Chúa cho nên cũng có nhiều cách cầu nguyện.
Tu sĩ trong các tu viện thường cầu nguyện theo lối chiêm niệm. Người bình thường cầu nguyện bằng cách đọc kinh, lần hạt hay tham dự thánh lễ. Cũng có người cầu nguyện bằng cách nói chuyện, tâm sự với Chúa như tâm sự với một người bạn tâm tình. Ngay cả khi không làm gì cả mà chỉ thinh lặng trước mặt Chúa cũng là cầu nguyện.
Cách cầu nguyện do chính Chúa Giêsu dạy dân chúng trên bước đường rao giảng là cầu nguyện theo kinh Lạy Cha. Kinh Lạy Cha là kinh người tín hữu đọc hàng ngày và vì qúa quen thuộc khiến cho người đọc không còn để ý đến ý nghĩa và cũng xao nhãng việc thực hành những điều Chúa dạy trong kinh này.
Tôi nhớ trong một buổi họp mặt, một thắc mắc về kinh Lạy Cha được đặt ra “Nước Cha trị đến” là gì? Thắc mắc về một câu kinh đã đọc không biết bao nhiêu lần trong đời có lẽ đã làm cho không ít người phải nhíu mày nghĩ ngợi.
Câu “Nước Cha trị đến” nếu tách riêng ra khỏi đoạn văn và đọc một mạch thì rất khó hiểu nhưng nếu ngắt sau chữ “trị” và đọc “Nước Cha trị, đến” thì không còn khó hiểu nữa. “Nước Cha trị” tức là nước Cha cai trị. “Nước Cha trị” tương đương với “Thy kingdom” trong kinh Lạy Cha đọc bằng tiếng Anh. Nếu dịch sát nghĩa thì “Thy kingdom” có nghĩa là “Vương quốc của Cha”.” Vương quốc của Cha” hay “Nước Cha trị” cũng cùng một ý nghĩa nhưng nói theo cách trước thì dễ hiểu hơn.
Câu kinh này còn dễ hiểu hơn nữa nếu đọc cả đoạn và hơi dài dòng một tí như thế này “Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, (chúng con nguyện) nước Cha (cai) trị đến, (chúng con nguyện) ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.
Bây giờ thì câu kinh đã trở nên dễ hiểu hơn nhưng cũng không phải là không còn khúc mắc. Nguyện cho danh Cha cả sáng và nguyện cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời thì qúa rõ ràng, ai cũng hiểu được. Nhưng nguyện cho nước Cha (cai) trị đến có ý nghĩa như thế nào?
Muốn hiểu được cần phân biệt nước do Cha cai trị và nước do con người trần thế cai trị. Nước do người trần thế cai trị thì đầy rẫy bất công, bạo lực, hận thù, dối trá, lật lọng, đổi trắng thay đen….còn vương quốc do Cha cai trị là vương quốc của công lý, của sự thật, của hòa bình, của yêu thương, của tha thứ ….Nguyện cho vương quốc của Cha đến chính là nguyện cho Công lý, Sự thật, Hoà bình và Tình thương được ngự trị trên thế gian này.
Cầu nguyện thường phải đi đôi với cầu xin.Trong kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu đã chỉ rõ những gì ta cần phải xin khi cầu nguyện:
Chúa dạy “Xin Cha cho chúng con lương thực hàng ngày” nhưng ta đâu chỉ muốn như thế. Có một ta muốn xin cho được mười được mười rồi ta lại muốn xin cho có được một trăm. Lòng tham vô đáy ít ai chịu bằng lòng với những gì mình có. Lại nữa, ai cũng muốn Chúa ban cho mình thật nhiều nhưng ta lại keo kiệt khi chính mình có thể “ban phát” cho người khác.
Chúa dạy xin “Tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” nhưng ta đâu có làm như lời Chúa dạy. Ta muốn Chúa tha thứ mọi tội lỗi ta vấp phạm nhưng lại không sẵn sàng bỏ qua những sai sót của người khác. Ta đã hành động giống như “tên mắc nợ không biết thương xót” được kể trong sách Phúc Âm của thánh Mát-thêu. Vừa được vua xóa nợ cho, y lại quay túm cổ người bạn mắc nợ mình đòi phải trả.
Chúa dạy “xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” nhưng dường như không mấy ai thực sự quan tâm đến điều Chúa dạy. Ta mải mê xin thứ này thứ khác nhưng lại quên bẵng một lời cầu xin rất quan trọng. Không những ta thờ ơ trong việc xin cho khỏi sa chước cám dỗ, nhiều khi ta còn đồng lõa với sự cám dỗ.
Đành rằng Chúa Giêsu có hứa “Ai xin thì sẽ được” nhưng ta xin với lòng dạ và thái độ như kể ở trên thì liệu có đáng được Chúa nhận lời không? Trong thực tế rất nhiều lần lời cầu xin của ta không được Chúa thỏa mãn. Hãy khoan trách móc Chúa mà hãy xem lại chính mình. Phải chăng vì ta đã không thực hành điều Chúa muốn và ta không xin như ý Chúa muốn theo tinh thần của kinh Lạy Cha cho nên lời cầu xin không được Chúa lắng nghe?
Khi ta cầu xin ta thường tỏ ra nóng vội, muốn được Chúa thỏa mãn tức khắc những điều ta xin. Ta quên rằng chính lời cầu xin của Ngôi Hai Thiên Chúa có lần cũng không được thỏa mãn. Đức Chúa Cha đã không “cất chén đắng” cho Chúa Giêsu là vì nếu Chúa Giêsu không uống chén đắng đó thì làm sao Người có thể hoàn thành công cuộc cứu chuộc nhân loại. Chúng ta cũng vậy, Chúa luôn luôn có chương trình cho mỗi người chúng ta. Khi cầu xin dù được hay không chúng ta cũng không nên trách Chúa mà vẫn nên cảm tạ và sẵn sàng tuân theo thánh ý Chúa. Giữ được thái độ như thế ta sẽ thấy tâm hồn được bình an thư thái hơn.
Khi có nhu cầu, ta cần cầu xin nhưng hãy để cho Chúa định liệu, đừng ép buộc Chúa phải theo ý riêng mình. Chúa thông biết mọi sự và trước mọi vấn đề Chúa có cách nhìn và cách nghĩ khác với cách nhìn và suy nghĩ của chúng ta. Nhiều khi ta cứ nằng nặc xin Chúa ban cho điều này điều nọ mà không hề biết điều đó có tốt cho ta không.
Tôi còn nhớ trong một bài giảng, một linh mục đã kể về một cặp vợ chồng khá may mắn vì họ đều có công việc làm tốt, chỉ tiếc là họ không được làm chung với nhau mà hai người làm ở hai công ty khác nhau. Họ ao ước hai vợ chồng có thể làm chung để họ có thể cùng đi về với nhau, cùng ăn trưa với nhau và có nhiều thời gian gần gũi nhau hơn. Họ ra công cầu nguyện, nài nỉ xin Chúa cho hai vợ chồng có thể làm chung ở một trong hai công ty, công ty nào cũng được. Một thời gian sau người vợ xin được việc làm trong công ty của người chồng. Ho vui m ừng biết mấy. Nhưng chỉ sau một thời gian không lâu, vì nhu cầu cải tổ công ty này bắt buộc phải giảm bớt nhân viên. Dĩ nhiên công ty phải cho những nhân viên mới nghỉ trước. Và rồi thật không may, người vợ đã bị mất việc. Điều đáng tiếc nữa là ở công ty cũ của chị rất ổn định, không có người nào phải bị mất việc. Chưa vui mừng được bao lâu vì được toại nguyện nay họ lại buồn rầu rồi than thân trách phận “Phải chi đừng cầu xin Chúa cho được làm chung thì đâu đến nỗi…”
Thật ra nghĩ như vậy cũng không đúng. Khi có nhu cầu cần thiết ta cứ cầu xin nhưng phải biết noi gương Chúa Giêsu “Xin đừng theo ý con, một theo ý Cha”. Có như vậy thì khi ta cầu xin và được Chúa nhận lời nhiều hay ít và ngay cả Chúa chưa nhận lời cũng sẽ không làm ta buồn nản để đi đến oán trách Chúa.
Lạy Chúa, trong mùa Chay thánh này xin cho con biết thực hành điều Chúa dạy và biết cầu xin theo đúng tinh thần và nội dung của kinh Lạy Cha. Xin chớ để cho con sa chước cám dỗ, bây giờ và trong giờ phút sau hết.
Mùa Chay 2009
Lại Thế Lãng
Lại Thế Lãng
Nhóm tác giả - Việtnam - dongcong.net sưu tầm