MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Bài Lời Chúa 108: Được Cứu Là Cốt Để Thờ Phượng
Thứ Tư, Ngày 1 tháng 3-2017
BÀI LỜI CHÚA 108

ĐưỢc cỨu lÀ cỐt ĐỂ thỜ phưỢng

Trong một bài trước đây, chúng ta đã suy gẫm việc thờ phượng ở phương diện đời sống thánh thiện cá nhân, nay ta đề cập đến việc thờ phượng ở phương diện công khai bên ngoài.

Trích sách Xuất hành 3.7-5.1tt

Khi ấy, Yavê hiện ra cho Môsê trong bụi gai cháy rực và phán :

-    Ta thấy rõ nỗi khổ của dân Ta bên Ai cập, …. nên Ta xuống giựt chúng thoát tay Ai cập và dẫn chúng ra khỏi xứ ấy, lên xứ vừa đẹp, vừa rộng, xứ chảy tràn sữa và mật...      

Vậy bây giờ, ngươi hãy đi ! Ta sai ngươi đến với Vua Pharaô của Ai cập và ngươi hãy đem dân Ta, con cái Israen ra khỏi Ai cập.

Môsê mới thưa với Thiên Chúa :

-    Tôi là ai mà dám đi gặp vua Pharaô và đem con cái Israen ra khỏi Ai cập ?

Chúa phán :

-    Đừng sợ ! Ta sẽ ở với ngươi, (phù trợ ngươi). Và này là dấu chứng thực Ta đã sai ngươi : ngươi hãy vất cây gậy cầm nơi tay xuống đất đi !

Môsê vất cây gậy cầm tay xuống đất và nó đã thành ra con rắn. Và Môsê sợ quá chạy trốn. Nhưng Yavê phán :

-    Hãy giơ tay nắm lấy đuôi nó !

Ông giơ tay chụp lấy nó và nó lại thành cây gậy trong tay ông.

-    Ấy là dấu cho người ta tin là Yavê đã hiện ra cho ngươi. Khi nào ngươi đã dẫn dân Ta ra khỏi Ai cập, các ngươi sẽ thờ Thiên Chúa trên núi Sinai.

Sau đó, Môsê cùng ông A-ha-rôn đến nói với vua Pharaô :

-    Yavê Thiên Chúa phán thế này : “Hãy thả cho dân Ta đi, để chúng trẩy lễ mừng Ta trong sa mạc !”.

Pharaô đáp :

-    Yavê là ai mà ta phải vâng theo mà thả cho Israen đi ? Ta không biết thần ấy, nên ta không thả cho dân đi.

Họ nói :

-    Thiên Chúa của dân Hip-ri đã cho chúng tôi gặp Người. Vậy xin cho chúng tôi ba ngày đi đàng vào sa mạc tế lễ cho Yavê Thiên Chúa chúng tôi.

*   Đó là Lời Chúa ! - Tạ ơn Chúa !

Suy niệm Lời Chúa

Vì vua Pharaô Ai Cập không chịu thả dân Israen đi vào sa mạc để “thờ phượng” Thiên Chúa, hậu quả sự từ chối ấy là Chúa sai Môsê ra tay đánh phạt đất Ai cập bằng 10 tai ương : nào nước trở thành máu, dịch muỗi, ếch nhái, mưa đá, tối tăm mấy ngày đêm, và rốt cùng, Chúa cho phép “Thần tru diệt” giết hết các con đầu lòng của người Ai cập, từ hoàng tử nối ngôi vua, cho chí con đầu lòng của súc vật. Sợ quá, Vua phải thả cho dân đi.

Nhưng đề tài chúng ta muốn học hỏi trong bài Kinh Thánh hôm nay là : Chúa ra tay cứu dân thoát khỏi cảnh nô lệ cốt để họ được tự do mà thờ phượng Chúa. Đó là hình bóng Kinh Thánh dùng để dạy cho ta : Cũng vậy, Chúa cứu chúng ta

khỏi làm tôi ma quỉ và tội lỗi (sẽ đưa đến sự chết),

cốt để ta

làm tôi phụng sự Chúa (mà được sống).

Nói rằng : Thiên Chúa cứu là cốt để ta thờ phượng Người. Không phải vì Chúa cần sự thờ phượng của chúng ta. song chỉ vì thiện ích của chúng ta thôi!           

Đúng vậy, bởi con người là một tạo vật, dù có trí khôn thông mình, song vẫn là một thân phận yếu hèn, đôi khi chỉ cần một cơn gió cũng làm họ đột quị và tiêu vong, cho nên luôn luôn họ phải bám víu, cầu cạnh một sự gì, một vật gì, nhất là thờ một vị thần nào đó để cầu phúc. Xét như thế thì thấy sự thờ phượng là một phần của bản tính con người, Phúc cho họ nếu biết Đấng nào đó xứng đáng để mà thờ. Trái lại sẽ vô phúc, nếu vì u mê mà tin thờ quấy, thờ tà thần ngẫu tượng xú uế, nhiều khi thờ cả những cái nhảm nhí, tục tĩu…

Tại sao vô phúc ? Trong thư gửi tín hữu thành Rôma, Thánh Phaolô đã mô tả những hậu quả đáng sợ xảy đến cho những kẻ tin vơ thờ quấy :

     22 “Trong khi họ tự cho mình khôn ngoan, thì họ đã ra điên rồ. 23Và thay vì thờ Thiên Chúa vinh quang bất diệt, họ đã đổi ra thờ vật họa lại hình thù người phàm là loài phải chết, hay hình tượng các cầm thú, rắn rết. […]   Hậu quả là thế nào ?

 24Bởi thế cho nên Thiên Chúa đã để mặc lòng họ buông theo những đam mê mà làm những điều ô uế, … để mặc họ buông theo những tình dục bỉ ổi. Đàn bà đã đổi quan hệ theo lẽ tự nhiên lấy quan hệ trái tự nhiên.  27Đàn ông cũng vậy, không quan hệ với đàn bà theo lẽ tự nhiên, mà hăm hở thèm muốn lẫn nhau, đàn ông với đàn ông làm chuyện nhơ nhuốc, để chuốc lấy vào thân hình phạt đích đáng với sự lầm lạc của họ….

28 Thiên Chúa đã để mặc họ cho trí não ngông cuồng của họ mà làm những điều chẳng xứng, 29nên họ chất chứa mọi thứ bất chính, xấu xa, tham lam, độc ác; đầy những tị hiềm, sát nhân, kình địch, mưu mô, ác hiểm ; họ cáo gian, 30bỏ vạ, thù ghét Thiên Chúa, bạo tàn, kiêu ngạo, khoác lác, giỏi làm điều ác, là tặc tử, 31ngu muội, bội tín , vô cảm, bất nhân. 32Dẫu đã biết phán quyết của Thiên Chúa là: những kẻ làm thế thì đáng chết, thế mà chẳng những họ làm, họ lại còn tán thành những kẻ làm như vậy!” (Rm 1.22-32)

Thiên Chúa đã cứu Kitô hữu chúng ta khỏi cảnh khốn nạn ấy, bằng cách đưa ta băng qua giếng nước Rửa tội, trong đó tội lỗi ta bị dìm chết, để vào Nước Thiên Chúa, ở đấy cùng anh chị em cũng là con cái Chúa, ta thờ phượng Chúa, kính mến Chúa là Thiên Chúa chân thật độc nhất, và nhờ đó được Thiên Chúa ban cho sự sống đời đời (Ga 17.3).

Nghe nói về thờ phượng thì tốt đẹp như thế, nhưng trước mắt ta lại thường thấy những cảnh tượng lễ lạy thật đáng buồn, khi người ta đi lễ ngày chúa nhật vì bị bó buộc;  khi tại nhiều giáo xứ (cách riêng các giáo xứ bảo thủ), Thánh Lễ chẳng có gì hấp dẫn, với những lễ nghi nhàm chán, quay ra, quay vô, quì lên, ngồi xuống..., đọc những kinh buồn tẻ chẳng bao giờ thay đổi ; lại còn phải nghe những bài giảng nhạt nhẽo, không có chất lượng, quanh đi quẩn lại cũng chỉ vài câu khuyên tránh tội, lập công, ăn năn đền tội, dọa sa hỏa ngục…Các bài hát trong lễ thì rền rĩ, bi ai, đầy những câu buồn bã, sợ hãi, than van tội lỗi...

Nhưng Kinh Thánh có nói về thờ phượng như thế đâu ! Hãy mở Kinh Thánh Cựu Ước ra mà xem : Đành rằng cũng có răn đe, ngăm phạt tội lỗi, cũng có những lễ sám hối, đền tội, ăn năn, khóc lóc, chay kiêng, mặc áo bao bị, rắc tro lên đầu..., nhưng đó chỉ là một phần nhỏ..., còn những nét chính vẫn là vui mừng, hân hoan : Nào là dân chúng hân hoan trẩy lễ lên Đền thờ Chúa vừa đi vừa ca hát (xem hình) ; lại có những ngày lễ như Lễ Lều, buổi tối, ở sân Đền thờ (phần dành cho phụ nữ) có đốt đèn đuốc lớn tưng bừng, dân chúng nhảy múa trong ánh lửa reo vui, hòa với tiếng nhạc của các lêvít ; còn tại những lễ tế kỳ an, khi dâng tế lễ lên Chúa Yavê xong rồi, họ lãnh phần lễ vật còn lại xuống cho cả gia đình và người thân liên hoan ăn uống vui vẻ..., cùng với ca hát, vỗ tay, gảy đờn, đánh trống..., nhảy mừng, hoan hô...

Bởi đâu mà họ được như thế ?

Ấy là vì họ được Thiên Chúa Yavê tỏ mình ra là THẦN của họ. Theo quan niệm người xưa, dân nào cũng có Thần của mình, làm Chúa, làm Vua, và là Đấng bảo vệ họ, ban cho họ mưa nắng thuận hòa, cho mùa màng bội thu, cho đàn bà sinh con đẻ cái đông cửa vui nhà ; lúc chinh chiến, bị giặc cướp xâm lăng, phá hoại, đàn áp, chính vị Thần sẽ đích thân chinh chiến thay họ, hay cầm đầu họ đi đánh giặc (Xh 14.14; 2Ks 20.13-17).

Qua đoạn Kinh Thánh trên, họ thấy Thiên Chúa tỏ ra Người thật là THẦN của dân khi Người hứa : “Ta sẽ giải thoát các ngươi khỏi tay Ai Cập, dẫn ra khỏi xứ ấy, đem vào xứ vừa đẹp, vừa rộng, xứ chảy tràn sữa và mật...”. Nhất là họ thấy Thiên Chúa tỏ quyền phép của Người ra mạnh hơn các thần Ai cập, mạnh hơn các thầy phù thủy, mạnh hơn vua Pha-ra-ô, đặc biệt qua phép lạ rẽ nước biển Đỏ cho họ đi qua ráo chân, còn quân Ai Cập đuổi theo lại bị chết chìm trong lòng biển, thì họ vui sướng quá sức.

Và Người còn cho họ một bằng chứng, đó là : “Các ngươi sẽ đến núi Sinai, ở đấy, Ta sẽ cho các ngươi thờ phượng Ta, vì Ta sẽ là THẦN của các ngươi, các ngươi sẽ là DÂN của Ta” (Xh 6.6-8).

Cho nên dân Israen sung sướng đi đến núi Sinai như là trẩy lễ hội mừng Yavê. Vì từ nay, họ đã có một vị THẦN, là Yavê, Chúa họ, từ nay, họ có tương lai, có bảo đảm hạnh phúc.

Chưa hết, khi họ đến núi Sinai, Thiên Chúa còn kết buộc mình với họ bằng một giao kèo kết ước, bên phía Thiên Chúa, Người nhận làm THẦN của họ, làm Vua, làm chủ, với nhiệm vụ thương yêu, bảo vệ, săn sóc, đem đến cơm no, áo ấm, hạnh phúc cho họ... Còn bên phía họ, phải giữ các khoản của Giao Ước : THỜ PHƯỢNG, yêu mến Người như là THẦN ĐỘC NHẤT của mình, và tuân giữ Lề luật Người truyền dạy, để biết sống cho phải đạo hiếu trung với Người.

Nay chúng ta, nhờ Đức Giêsu Kitô, được thừa kế cái hạnh phúc có Thiên Chúa làm Thần của mình, và chúng ta là Dân của Chúa, nhưng là Dân mới. Đức Giêsu còn tiến xa hơn nữa, khi bày tỏ cho ta biết rằng : Thiên Chúa là Thần và cũng là Cha của ta nữa, khi Ngài nói với cô Maria Mađalêna sau khi sống lại : “Con hãy đi báo cho các môn đệ Thầy biết là Thầy lên cùng Cha Thầy và cũng là Cha các con, là Thiên Chúa (Thần) của Thầy và cũng là Thiên Chúa (Thần) của các con” (Ga 20.17).

Được phúc lớn như vậy, sao ta lại không vui sao được !

Đáng tiếc là từ nhiều thế kỷ nay, trong đạo Công giáo theo nghi lễ La Tinh, nhiều nơi đã đánh mất cái nét đặc sắc của niềm vui, niềm hân hoan, vinh dự và hãnh diện của dân Israen ngày xưa, biểu lộ ra ngoài bằng nhảy, múa, ca hát, lễ hội dân dã tưng bừng..., mà biến thành một thứ tôn giáo nặng nề luật lệ và lễ nghi, đã thu hẹp vào một thứ đạo duy trí, duy luật khô khan, mất sức sống, mất niềm vui phấn khởi.

May thay, ngày nay, trong lòng Giáo Hội Công giáo hoàn vũ cũng như trong Giáo Hội VN, thấy xuất hiện những phong trào, hay những giáo xứ đã và đang lấy lại những nét linh động của một sự thờ phượng hân hoan, sinh động, để cả hồn xác : từ ý chí, tinh thần, tâm hồn và cả thể xác, đều dự phần vào việc thờ phượng hân hoan, vui tươi, sống động...

Tích truyện

Có hai thiên thần được sai xuống trần gian, mỗi vị mang theo một chiếc giỏ lớn. Họ chia tay nhau đi khắp các hang cùng ngõ hẻm, tìm đến nhà những người có đạo, người đi nhà thờ, cũng như kẻ thờ ơ hay bỏ đạo. Sau một thời gian, họ hẹn gặp nhau tại một địa điểm, rồi cùng mang về thiên đàng dâng lên Thiên Chúa. Chiếc giỏ của một thiên thần thì nặng hầu như mang không nổi, còn giỏ của thiên thần kia nhẹ như đựng lơ thơ mấy dúm bông gòn. Thiên thần ấy mới hỏi :

-   Anh mang gì mà nặng thế ?

Thiên thần mang giỏ nặng hổn hển vừa thở, vừa trả lời :

-    Tôi được sai đi thu nhặt các lời cầu xin, than van, khóc lóc của người có đạo. Trời ơi ! Thôi thì đủ thứ, toàn xin là xin, rồi càng xin ơn vật chất, giỏ tôi càng nặng. Lại còn thêm vào đó bao lời than van, khóc lóc nữa chứ mới khổ cho tôi. Thế còn anh, tại sao cái giỏ của anh xem ra nhẹ nhàng thế ?

-    À, tôi được Chúa sai xuống góp nhặt những lời tạ ơn Chúa, vì những ơn lành Người ban cho họ, góp nhặt những lời hoan ca, chúc tụng, những tâm tình vui sướng, hoan lạc... Nhưng anh bạn ơi ! Sao mà dân có đạo hình như họ bủn xỉn keo kiệt lắm thì phải... chỉ biết xin, xin… Còn không mấy người biết tạ ơn, chúc tụng, ngợi khen. Chính vì thế mà bạn thấy giỏ tôi nhẹ hẫng hà.

 [Ta hãy hát ca, ngợi khen, mừng vui, chúc tụng Chúa bằng một bài ca tạ ơn vui tươi. Xin mời...]

YUY

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Vị Thánh Của Kinh Mân Côi-thánh Đa Minh (3/5/2017)
Tông Đồ Tàpao (3/5/2017)
Cảm Nghĩ Về "một Người Mẹ" (3/5/2017)
Hai Người Mẹ (3/4/2017)
Cảm Nghĩ Về "một Người Mẹ" (3/4/2017)
Tin/Bài khác
Đức Mẹ Nói Cùng Tôi (2/12/2020)
Đức Mẹ Lộ Đức (2/12/2020)
Cn 3871: Các Thông Điệp Mới Nhất Của Chúa Giêsu Và Đức Mẹ (2/27/2017)
Cn 3870: Thị Nhân Nước Canada Được Thị Kiến Đức Mẹ Maria (2/27/2017)
Đức Mẹ Và Mầu Nhiệm Nhập Thể (2/22/2017)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768